Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

Còi Không Hụ Du Ký (3)

Người Việt đón ngày lễ 30-4-2010 ở Việt Nam

Trong khi người Hà Nội 2 sống cuộc đời lầm than, người Hà Nội 1 sống trong cảnh nhà lầu xe hơi.
Năm nay, ngày (lễ) 30 tháng 4 rơi vào thứ Sáu, kèm theo ngày 1-5 được nghỉ bù vào thứ Hai, cho nên công nhân viên chức nhà nước được nghỉ 4 ngày, dân Hà Nội 1 đua nhau đi du lịch. Họ là người Tràng An thanh lịch, quần áo xênh xang, ô tô bóng nhoáng bon bon trên đường quốc lộ… và nạn kẹt xe nhiều giờ tất nhiên đã xảy ra. Người Hà Nội 1 đã giải tỏa “bức xúc” bằng… như thế này đây, ngay trên đường Láng – Hòa Lạc.
Đây là mail của anh bạn gửi kèm theo ảnh chụp, gửi ngày 03-5-2010

Sáng 30-4 ngày nghỉ, đưa gia đình lên Ba Vì chơi.
Chưa ra khỏi thành phố thì tắc đường Láng – Hoà Lạc mất gần 2 giờ.
Khói, bụi, tiếng gầm rú của xe… là chuyện thường ngày ở Hà Nội.
Nhưng không may cho tôi là một mợ, do không kìm nổi bức xúc (không ra nổi khỏi xe) đã phải sử dụng “niệu liệu pháp” xử lý tại chỗ sát bên xe tôi.
Tắc đường tai hại quá!!!!
Từ khi sáp nhập, chuyện tàu xe đỡ vất vả cho người dân Hà Đông, hàng ngày có nhiều chuyến xe bus Hà Nội - Chương Mỹ, Hà Nội - Mỹ Đức, Hà Nội-Yên Nghĩa, Mỹ Đình - Yên Nghĩa, Lương Yên - Yên Nghĩa… giá vé đồng hạng 3000 đồng (15 cent Mỹ kim), riêng Hà Đông - Xuân Mai giá vé 8000 đồng (45 cent Mỹ kim).
Như người Việt bản xứ, vợ chồng tôi đón xe bus Xuân Mai - Hà Đông, xuống bến Yên Nghĩa đi Hải Phòng. Cứ mười lăm hay hai mươi phút một chuyến, xe có điều hòa, rộng rãi, nhưng sàn xe toàn đất, bụi mù mỗi khi khách lên xuống. Ngồi trong xe, khách đeo khẩu trang, chẳng khác gì đi xe máy hay đi bộ trên đường phố. Việt Nam đang bước vào hè, trời nóng, đất cát bụi mù, mỗi khi ô tô, xe máy chạy qua, ai cũng đeo khẩu trang chống bụi. Người ta bảo ở Việt Nam có “nền văn hóa đa dạng”, đó là văn hóa còi, văn hóa chen lấn, văn hóa phong bì… và văn hóa khẩu trang. Bụi mù trời! Những ngày ở Việt Nam, chúng tôi cũng đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà.
Khu nhà chờ bến xe Yên Nghĩa hai tầng, khang trang, rộng rãi. Tầng dưới, gần chục quầy bán vé, gần trăm ghế bằng inox sáng loáng cho khách ngồi chờ. Trông thì đẹp, nhưng kiểm tra kỹ, đồ inox này mỏng dính và mềm oặt chẳng hơn đồ nhuôm là bao, nếu so với inox ở Vương Quốc Anh thuộc loại phế phẩm, vứt bãi rác, không ai thèm nhặt. Quầy bán vé không có người, khách lên xe trả tiền, không cần mua vé. Trong nhà chờ oi ả, nóng nực, ngột ngạt, hàng chục chiếc quạt trần đứng im, trang trí cho đẹp, vì cúp điện! Có người đùa, bảo, trên thế giới có nhiều giải thể thao bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn… với đủ các loại Cup, nhưng không có nước nào lại có Cup … Điện như ở nước Cộng Hoà XHCN Việt Nam. Cúp Điện không trừ tỉnh nào, khu phố nào, vì thế ở các thành phố đông khách du lịch nước ngoài chính phủ thể hiện “văn minh và lịch sự hơn” chút đỉnh nên thỉnh thoảng cũng có lịch Cúp Điện, còn ở tỉnh lẻ hay nông thôn thì cúp điện bất tử… không thèm báo trước. 
Cúp điện ở Việt Nam trở thành nỗi khốn khổ của người dân, nhất là trong mùa hè nóng nực. Đang ở London, không khí trong lành, tháng Tư nhiệt độ 15 đến 18 độ C, tháng Bảy tháng Tám ngày nóng nhất nhiệt độ 27 đến 28 độ C là cùng, cần quạt có quạt, muốn bia lạnh có bia lạnh, nay về Việt Nam sống trong vùng nông thôn hẻo lánh, nhiệt độ ngày hè thường xuyên 35-37 độ C, nóng như lò nướng bánh mì, lại thường xuyên bị cúp điện, bây giờ chúng tôi mới hiểu nỗi thống khổ của người dân lao động Việt Nam những ngày mất điện. Đang bữa cơm, đèn bỗng tắt phụt, tất cả kêu a a a… hò nhau tìm nến, tìm diêm và chửi nhà máy điện, chửi chính phủ, dân đã thiếu điện lại đem biếu không cho anh bạn Pa-thét Lào. Thế là bữa cơm mất ngon. Cậu em rể nhà tôi kể, có kỳ cúp điện hơn tuần, thóc xay không được, phải đong gạo chợ, nhiều hộ nuôi tôm phá sản chỉ vì không chạy được máy sục ô-xy. Không đèn, không quạt, trời nóng như nung, muỗi vo ve, không thể ngồi trong nhà, chúng tôi đem ghế ra sân hóng gió, tán chuyện gẫu, đợi giấc ngủ. Đang thiu thiu, đèn bật sáng! Tiếng ồ ồ lại vang lên, lồm cồm bò dậy tắt đèn, bật quạt. Gần 12 giờ đêm, đèn bật sáng. Thế có điên không chứ! Sáng hôm sau, 8 giờ lại điệp khúc cúp điện! Lúc cần cho bữa ăn thì cúp, lúc đi ngủ lại cho. Cúp điện bất tử là chuyện xảy ra thường xuyên không chỉ ở nông thôn mà ngay cả ở Hà Nội – trung tâm văn hóa, bộ mặt quốc gia – cũng chịu cảnh độc quyền xin-cho của nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN” quái thai!
Bến xe Yên Nghĩa rất ít cây xanh, ngày hè, nắng như đổ lửa, xung quanh toàn khối bê tông, không một cơn gió, điện lại cúp, nhà chờ nóng hầm hập, quạt điện đứng im, chịu chết.
Trong bến, đủ chỗ chứa cho hàng trăm xe khách, nhưng chỉ lèo tèo trên dưới chục xe đang chờ đón khách các tuyến đi Tây Bắc: Hoà Bình, Tân Lạc, Lạc Sơn, Sơn La, Lai Châu; Tuyến Việt Bắc: Phú Thọ, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn…. xe đi Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Bảo, Kiến An… Ngay sát bến dành cho xe buýt là nơi dành riêng cho xe ôm đón khách.
Tầng 2, mới sử dụng một nửa làm nhà hàng bình dân, khá sạch sẽ, món ăn cũng tạm được đối với người đang đói. Tô phở 15 ngàn, ở Hà Nội tô phở Xướng, phở Cường, phở Thìn… giá 25 ngàn. Suất cơm 25 ngàn, 3 món, ngoài ra khách có thể tự chọn, gà luộc, lợn quay, cá kho… 30 ngàn/đĩa. Bia Hà Nội ướp lạnh 10 ngàn/chai. Từ 01-5-2010, nhà nước thông báo tăng lương (chưa được lĩnh), hàng hóa tăng ngay, bia tăng 2 ngàn, thành 12 ngàn/chai. Nhưng vẫn còn rẻ chán, hôm 15 tháng 4, vợ chồng tôi lang thang Bờ Hồ, ghé vào Thủy Tạ, gọi 2 chai bia Hà Nội và 2 miếng bánh ngọt, trả 140 ngàn. Tính ra, bia Hà Nội giá 35 ngàn/chai 500ml và miếng bánh cũng 35 ngàn. Bia Hà Nội mua cả két 20 chai tại siêu thị có 120 ngàn, 6 ngàn/chai, lãi 600%! Xem bảng thực đơn, tất cả mọi thứ giá đồng loạt 35 ngàn từ cốc kem cho đến miếng bánh ga-tô. Cơm đĩa 140 ngàn/suất. Chà! Quá đắt so với đồng lương người lao động phổ thông. Anh bạn Nguyễn Học bảo, người ta tính tiền ghế ngồi hóng mát, đâu có tính tiền bia. Hà Nội nóng như rang, ngồi dưới bóng mát, nhìn ra Tháp Rùa, hứng gió hồ Hoàn Kiếm mát rượi trong nửa giờ, giá có 70 ngàn/người, rẻ chán. Hà Nội tấc đất tấc vàng là như vậy!
Năm 2004, muốn về Xuân Mai, chúng tôi phải đón xe Hà Nội-Hòa Bình, giá vé tùy thuộc sự nổi hứng của tài và phụ xe. Hồi ấy giá vé Hà Đông-Hòa Bình có 12 ngàn/vé – bây giờ 25 ngàn – đi Xuân Mai phải trả như đi Hòa Bình. Chê hả, nghỉ cho khỏe, xuống, cho người khác lên, tay phụ xe làu bàu mắng khi vợ tôi thắc mắc. Bây giờ tuyến xe bus nhiều, xe đò bớt hống hách, các bác xe ôm cũng ế luôn. Nhiều người sợ xe ôm, nhất là vợ chồng tôi. Chín tuần lễ ở Việt Nam, chẳng dám đi xe ôm, đi xa, xe bus, taxi, đi gần, xích lô hay đi bộ. Hãi xe ôm lắm, bởi 70% tai nạn giao thông ở Việt Nam do xe hai bánh gắn máy gây ra. Chả thế dân Việt Nam có câu:
Ra đường sợ nhất Honda
Về nhà sợ nhất vợ già khỏa thân.


Tổng số lượt xem trang