Thành Phố Hoa Phượng Đỏ
Hải Phòng vào hè, những hàng phượng vĩ ven đường trổ đầy hoa, đỏ cả bầu trời, đỏ cả những kỷ niệm xưa của tuổi học trò. Với tôi, Hải Phòng vẫn thơ và mộng như tuổi thiếu thời, tôi bỏ Hải Phòng làm người viễn xứ. Hải Phòng không bỏ tôi. Hôm nay trở về, Hải Phòng vẫn ôm gọn tôi vào lòng. Chỉ có con người rời bỏ mảnh đất quê hương, chứ quê hương không bao giờ từ bỏ những người con của nó. Tôi buộc phải rời bỏ Hải Phòng, rời bỏ Việt Nam vì chế độ của Lê Duẩn chứ đâu dám chê mảnh đất đồng chua nước mặn. Hải Phòng vẫn mãi mãi là máu, là thịt của tôi dù ngày nay tôi đã là thần dân của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị Vương Quốc Anh đã ba mươi năm nay.
Những ngày ở Hải Phòng, chúng tôi thăm lại Bến Tam Bạc, nhớ ngày hè năm 1979, nơi đây, gia đình tôi cũng như hàng ngàn người Việt gốc Hoa miền Bắc nằm vật nằm vạ, đau khổ, vô vọng tìm thuyền đi Hong Kong, tìm sự sống và tự do. Bến Tam Bạc ngày nay đã bỏ, không còn thuyền neo đậu
Bến Tam Bạc tháng 6.2010
Chúng tôi đến Bến Máy Chai, nơi đây, ngày 15-6-1979, ba thuyền chúng tôi xuất bến. Bến Máy Chai lác đác vài con thuyền chở hàng đang đậu, ven bờ hai dãy phố thuộc khu cảng mới. Ba mươi mốt năm, vật đổi sao rời, biển cả nương dâu, nhưng kỷ niệm xưa vẫn không phai mờ trong ký ức. Vợ tôi lặng người, khi đứng bên Bến Tam Bạc, Bến Máy Chai. Chắc kỷ niệm đau thương của những ngày khốn khổ đang trở lại trong nếp nghĩ.
Bến Máy Chai năm 2010.
Hải Phòng thay đổi quá, nhiều cao ốc, cầu chui, cầu vượt khác hẳn năm 2004. Hôm nay, 20 tháng 4, tôi về thăm phố cũ, thăm bà cô tuổi ngoại 80, gặp bạn bè từ tuổi học trò và đặc biệt gặp người bạn mới, Nguyễn Học – tiến sĩ một đêm[2] -, tốt nghiệp ở Nga. Tôi quen anh thông qua loạt bài “Buồn vui đời tỵ nạn” đăng tải trên talawas. Biết tôi về Việt Nam, sẽ xuống Hải Phòng, anh nhã ý hội ngộ và mời tôi về nhà anh tá túc. Vợ chồng tôi cám ơn, nại, có tuổi, ăn ngủ thất thường, tôi có tật xấu, ngủ ngáy rất to, đến vợ tôi còn không chịu nổi huống chi bạn bè. Vả lại hotel bây giờ nhiều, chúng tôi xin ở khách sạn cho tiện. Anh giao hẹn, gần nhà anh có hotel, vậy về đấy tá túc, anh em gần nhau hàn huyên. Tuyệt! Okay!
Người bạn mới quen, Nguyễn Học, đã ngoại lục tuần, mái tóc muối tiêu, thông minh, nhanh nhẹn, hóm hỉnh, khôi hài, tôi gọi anh với biệt danh Mõ Hà Nội. Cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, anh sang Nga du học. Khi thành trì XHCN Liên Xô và cộng sản Đông Âu sụp đổ, như nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam, anh ở lại Nga, xoay sang buôn bán, tranh thủ kiếm tiền. Gần 10 năm ở Moscow, anh từng chung vốn làm ăn với một số người… và nhiều vị nay là quan chức của Hà Nội, Hải Phòng, đều giàu có. Kiến thức rộng, vui tính và rất hài hước, anh hỏi:
“Có biết vì sao họ giàu nhanh thế không?”
Tôi cười:
“Không có những phi vụ bất hợp pháp làm sao mà giàu nhanh đến thế được.”
Tôi dẫn câu nói bất hủ của Balzac: “Behind every great fortune there is a crime” (Đằng sau mỗi tài sản lớn đều chứa đựng tội ác).
Anh cười ngất. Chính xác! Sau khi kiếm được số tiền kha khá (cũng do buôn lậu), anh hồi hương và bây giờ cũng thuộc “đại gia” nhưng tầm cỡ thế nào, chịu không biết vì tôi cũng không tìm hiểu và không nên tìm hiểu.
Xe Hoàng Ngân rời Bến Yên Nghĩa 14 giờ, mãi gần 18 giờ mới đến Hải Phòng. Hầu như tất cả xe đò ở Việt Nam rời bến đều theo một quy luật bất thành văn.
1. Xe đưa ma: Sau khi rời bến, số lượng khách rất ít, chưa đến 1/3 số ghế, vì thế xe chạy rất chậm, vét khách dọc đường. Người Việt trong nước gọi là “xe tang”, vì xe đi rất chậm, chậm như xe đám ma.
2. Xe đua: Sau gần 10 km “đưa ma”, hết khách vét, xe bắt đầu tăng tốc, chạy thục mạng, như cuộc đua, lạng lách, vượt ẩu, bấm còi liên tục… tìm cách đến địa điểm có khách ở Gia Lâm, Châu Quỳ, Bần… Giai đoạn này hành khách xanh xám mặt mày, cái chết rình rập, nhưng chẳng biết kêu ai.
3. Giảm tốc đột ngột: Đang phóng như điên, xe ngược chiều ra dấu có “Anh hùng Núp”, lập tức xe giảm tốc độ đột ngột, hành khách dúi đầu về phía trước. Cảnh sát giao thông Việt Nam được mệnh danh “Anh hùng Núp”[3], vì họ thường nấp sau lùm cây, tòa nhà lớn, thậm chí trên tầng thượng của nhà cao tầng bên đường quốc lộ, đặt súng bắn tốc độ.
Anh hùng Núp trên nóc nhà cao tầng đường 5.
Đến gần Cầu Rào, Nguyễn Học đã chờ sẵn. Chiếc xe 4 chỗ ngồi, còn bóng nước sơn xanh, do anh lái đưa chúng tôi về nhà. Sau khi chạy qua nhiều ngõ ngách, xe đỗ lại trước một biệt thự kiểu Pháp một tầng. Cánh cổng sắt từ từ mở, chị Liên, phu nhân Nguyễn Học, đang đợi chúng tôi. Một chiếc sân lát gạch màu đỏ au hiện ra, rộng chừng trên 50 mét vuông, bày nhiều chậu cây cảnh quý hiếm. Sát bên, nhà để xe hơi. Tuyệt! Đúng kiểu biệt thự dành cho đôi uyên ương già trong buổi xế chiều. Gần trung tâm thành phố, tấc đất tấc vàng, anh dám dành một khoảng trời xanh cho cuộc sống, cho lá phổi cũng là điều rất đáng mến. Ngày nay, ở Việt Nam, người ta sẵn sàng xây nhà ống cao tầng, bán ngay những mảnh đất còn dư để lấy tiền, không ai vung phí như anh, bày cây cảnh và hòn non bộ. Anh chị chơi sang dữ!
Phòng khách khá rộng, đơn sơ, trang nhã. Một bộ sa-lông màu sữa, chiếc ti vi màu 24 inch, bàn uống nước, tường treo một vài bức tranh phong cảnh Nga, trong đó có bức Mùa Thu Vàng của Levitan, hoạ sĩ vĩ đại Nga của thế kỷ XIX. Sau khi chào hỏi, uống nước, nói chuyện phiếm, tôi đề nghị anh đưa sang nhận phòng khách sạn như đã hẹn. Anh chị cố mời, chúng tôi không chịu, anh đành đưa đến một hotel gần đó.
Gọi là hotel, nhưng nó giống như nhà trọ 3 tầng, bẩn thỉu. Giá phòng từ 200 ngàn đến 300 ngàn/ngày đêm. Chúng tôi chọn phòng 300 ngàn, vì có 2 giường và bồn tắm. Phòng quá bẩn, ga trải giường, gối nệm còn bừa bãi, đây đó nhặt được cả bao cao su (condom) ngay dưới sàn nhà. Ghê quá! Xin đổi phòng, nhưng các phòng khác còn tệ hơn. Đã gần 9 giờ đêm, hơn nữa, chưa biết quanh đây có hotel nào khả dĩ hơn, đành yêu cầu làm tổng vệ sinh. Tôi nói với nhà tôi, thôi, chịu khó, mai tìm hotel khác.
Sáng hôm sau, mới 7 giờ, Nguyễn Học đã đưa xe đến, nói nhỏ, đưa anh chị tìm hotel khác, em cũng không ngờ nó bẩn thỉu đến như vậy. Học làm sao biết được, tuy gần nhà, nhưng có bao giờ anh nghỉ lại mà biết sạch hay bẩn. Đây giống như một động mãi dâm trá hình, có lẽ những nhà nghỉ khác cũng vậy. Trong ngõ hẹp, làm gì có khách du lịch, không có khách làng chơi, thanh thiếu niên mất nết đưa nhau vào làm tình, chủ khách sạn chỉ có “móm”!
Sau một hồi loanh quanh, Học đưa chúng tôi đến Hotel Cát Dài, với giá 300 ngàn/ngày đêm (>15 Mỹ kim). Đây cũng thuộc loại nhà nghỉ rẻ tiền, nhưng sạch sẽ, chúng tôi chấp nhận, lý do, từ 7 giờ sáng, chúng tôi đi chơi đến 9 – 10 giờ đêm. Chỉ cần chỗ tắm rửa, có giường ngả lưng vài giờ đồng hồ cho đỡ mệt là okay.
Bến Bính bây giờ không còn phà đưa khách qua sông, thay vào đó là chiếc cầu Bính, nối liền huyện Thủy Nguyên, Quảng Yên, Quảng Ninh với Hải Phòng. Ngày xưa mỗi khi qua phà, lại gặp người đàn bà mù bám vai đứa con trai lên chín lên mười hát xẩm độ thân. Tiếng hát sầu thảm, ai oán, kể lể thân phận mẹ góa con côi, mù lòa, lưu lạc đất khách quê người, xin ông đi qua bà đi lại nhón tay làm phúc cứu giúp. Nay phà không còn, đứa bé bây giờ chắc lớn tuổi, đang ở phương trời nào? Có thoát cảnh bị gậy lầm than hay không? Tôi tự hỏi khi xe bon bon qua cầu Bính.
Vượt qua Cầu Bính sang Thủy Nguyên, xuyên dọc đường phố huyện, hướng về Vịnh Hạ Long. Đường qua Núi Đèo bây giờ phố xá sầm uất, hai bên đường nhà cao tầng mọc lên san sát, cửa hàng, khách sạn… chẳng kém gì nội thành Hải Phòng. Nhưng trong các xã của huyện Thủy Nguyên, chỉ có xã Ngọc Lễ giàu có nhất. Lý do, có nhiều người vượt biên từ những năm 1980, đa số định cư ở Anh, gửi tiền về giúp đỡ và đầu tư. Là một xã miền biển, nhưng có rất nhiều nhà xây 3 đến 5 tầng khang trang, đếm không xuể. Đường trong xã đông vui, nhộn nhịp như phố huyện, cũng nhà hàng, khách sạn, quán bia ôm, cà-fê ôm, karaoke, gội đầu tẩm quất từ A đến Z phục vụ thâu đêm. Trong chuyến du lịch Trung Quốc, chị Hương người xã Ngọc Lễ cùng đoàn, kể, chị có 2 đứa con gái định cư ở Anh, dạng hôn thuê, do người em họ mở tiệm Nails làm mối giúp, nhờ chúng, chị có cửa hàng cà-fê năm tầng, kiêm karaoke và nhà nghỉ. Hỏi, quan xã có hay đến không? Chị cười, thường xuyên. Lương chủ tịch, bí thư xã có triệu bạc/tháng, tiền ở đâu ra? Ơ hay, họ thiếu gì tiền. Bán đất công, bán dự án và thiếu gì người mời vì cần đến họ. Tiền đâu có thiếu, nhà họ còn to đẹp hơn nhà chúng em.