-Môi Hở Răng Lạnh, Học Thuyết Domino và Chiến Tranh Việt Nam-
TS Trịnh Quốc Thuận
Đã gần 40 năm sau ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản. Toàn quốc thống nhất, bị cai trị dưới chánh quyền độc tài của đảng Cộng Sản Việt Nam. Mỗi năm cứ đến ngày 30 tháng 4 là họ ồn ào kỷ niệm ngày vui đại thắng, ngày giải phóng miền Nam. Họ rầm rộ tuyên dương chiến thắng mùa xuân đánh cho Mỹ cút, đánh Ngụy nhào… Họ hô hào, rêu rao lại khẩu hiệu đánh “Đế Quốc Mỹ”, đánh “giặc Mỹ xâm lược” cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa…
Nhưng chánh quyền Cộng Sản Việt Nam đã trơ trẽn lờ đi lời nói của Lê Duẩn: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc…” (*)
Xin mời bạn đọc cùng tôi nhìn lại lịch sử, xem qua bản chất của chiến tranh Việt Nam mà Cộng Sản Bắc Việt hô hào, tuyên truyền là chiến tranh giải phóng miền Nam, đánh Đế Quốc Mỹ xâm lược để thống nhất đất nước …
Trinh Quốc Thuận, Ph.D.
*
Thành ngữ “Môi Mất Răng Lạnh” có nguồn gốc ở văn hóa cổ đại Trung Hoa từ “Thần Vong Xỉ Hàn” 唇 亡 齒 寒.
Qua ngàn năm lịch sử, văn hóa Trung Hoa du nhập vào Việt Nam đã mang đến với chúng ta câu tục ngữ quen thuộc “Môi Hở Răng Lạnh”. Nghe qua đẹp đẽ hiền lành như “bầu ơi thương lấy bí cùng” hay chan chứa tình thương đồng bào như “lá lành đùm lá rách.…nhiễu điều phủ lấy giá gương…” Nhưng câu “Môi Hở Răng Lạnh” đó có từ câu“Thần Vong Xỉ Hàn” khởi nguồn từ bài học hai nước Quắc, Ngu, đã gắn liền với chiến tranh, tang thương và đổ nát, đã mang chiến tranh đến đất nước Việt Nam: chiến tranh Pháp-Thanh trên đất Bắc Kỳ ở thế kỷ 19, và chiến tranh Việt Nam sau nầy ở thế kỷ 20.
Môi Hở Răng Lạnh hay “Thần Vong Xỉ Hàn” (môi mất răng lạnh) – Nước Quắc mất nước Ngu cũng không tồn
Theo Tả Truyện, Hi Công ngũ niên, thì vào thời Xuân Thu bên Tàu Tấn Hiến Công (năm 654 TC) muốn thôn tính nước Quắc nhỏ giáp ranh xứ mình mới hỏi kế sách các cận thần. Tuân Tức bèn tâu: “Ta nên mượn đường nước Ngu đánh úp bất ngờ nước Quắc. Quốc vương nước Ngu là người thiển cận, ham lợi nhỏ, xin chúa công chỉ cần tặng hắn ngọc đẹp với ngựa báu thì hắn sẽ vui cho mượn đường”. Thấy Hiến Công còn do dự vì hai báu vật đó Tấn Hiến Công rất trân quí, Tuân Tức liền nói: “ Thế hình hai nước Ngu, Quắc như môi với răng tương trợ, chiếm xong nước Quắc, thì nước Ngu sẽ không tồn tại bao lâu. Hai thứ bảo vât đó chỉ tạm thời gởi ở nước Ngu mà thôi”.
Hiến Công bèn mang ngọc báu với tuấn mã đem tặng Ngu Công để mượn đường đánh Quắc. Vua nước Ngu thấy được hai báu vật đó lòng cả mừng nhận lấy, cho nước Tấn mượn đường đánh nước Quắc. Đại thần Cung Chi Kỳ cực lực can gián: “Lời rằng, thần vong xỉ hàn (môi mất răng lạnh), đó thật là thế hình hai nước Ngu và Quắc ngày nay, lỡ mà nước Quắc mất đi thì nước Ngu sẽ không còn. Không nên cho mượn đường đánh Quắc, việc nầy hệ trọng, xin chúa công xét lại”. Ham lợi tối mắt, vua Ngu không nghe lời ngay. Cho Tấn mượn đường, còn hứa sẽ không cử binh giúp nước Quắc.
Cung Chi Kỳ lặng lẽ dọn nhà trốn khỏi nước Ngu. Trước khi đi có nói lại: “Trong vòng một năm nước Ngu diệt vong”. Quả thật sau khi diệt xong nước Quắc, Tấn Hiến Công thôn tính luôn nước Ngu, thâu lại ngọc quí với tuấn mã.
Đó là Giả Đạo Phạt Quắc (假道伐虢), một trong 36 kế dùng trong cổ đại binh lược Trung Quốc, mà Tuân Tức bầy ra để Tấn Hiến Công là người dùng đầu tiên.
Mất nước, vua Ngu ân hận không nghe lời can của Cung Chi Kỳ: Thần vong xỉ hàn (môi mất răng lạnh) là thế hình hai nước Quắc Ngu. Không thể để mất nước Quắc, mà nước Ngu tồn tại được.
Thành ngữ “Thần Vong Xỉ Hàn” có lẽ khởi nguồn từ đó.
Thần Vong Xỉ Hàn Thanh triều can thiệp vào Bắc Kỳ và chiến tranh Pháp-Trung
Năm 1862 nhà Nguyễn bị ép phải ký hòa ước Nhâm Tuất nhượng ba tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp. Đến năm Đinh Mão 1867 (Tự Đức 20) thì mất luôn ba tỉnh miền Tây và Nam Kỳ hoàn toàn thuộc Pháp. Năm Quí Dậu 1873 Pháp đánh chiếm thành Hà Nội. Lão tướng Nguyễn Tri Phương bị thương, từ chối thuốc men, tuẩn tiết trên tàu Pháp. Năm 1874, triều đình Huế ký hòa ước Giáp Tuất, trong đó có điều nước Đại Nam độc lập (không thần phục nhà Thanh). Khi cần dẹp giăc cướp (chủ ý nói giặc cờ Đen) thì nước Pháp sẽ trợ giúp. Năm Nhâm Ngọ 1882, quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ hai. Hoàng Diệu tự ải tuẩn tiết với thành.
Bác bỏ đòi hỏi ngang ngược của đại tá Henri Rivière, vua Tự Đức phái ông Phan Thận Duật sang Thiên Tân cầu cứu với nhà Thanh 1882. Thật ra triều đình Huế vẩn thường sai sứ sang Tàu (các năm 1876, 1880) dù đã ký hòa ước Giáp Tuất 1874 với Pháp không còn thần phục nhà Thanh. Năm 1881 sứ Tàu có đến Huế, mục đích để biết thêm hiện tình nước Nam.
Việc đó đã nói lên cái u mê, tăm tối với thời cục của triều đình quan lại nhà Nguyễn. Nước Tàu lúc đó cũng rối ren không thua gì nước Nam (bị ép phải ký các điều ước năm 1842, 1843, 1844, 1858, 1860, 1861, 1876 bởi nhiều nước như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nga và Phổ- Prussia, tiền thân của nước Đức ngày nay-). Tự mình không cứu nổi mình thì nhà Thanh còn giúp được ai?
Bị ám ảnh bởi bài học hai nước Quắc, Ngu, triều đình Mãn Thanh sợ mất Bắc kỳ, quân Pháp sẽ dùng đó làm hậu phương, bàn đạp để thôn tính Vân Nam qua ngã Lào Cai, sông Hồng, và Quảng Tây qua Lạng Sơn, Cao Bằng. Nên năm 1882 Thanh triều truyền quan Bố Chánh Vân Nam Đường Quýnh Súy và Tạ Kính Bưu, mang quân vượt biên giới tràn sang Bắc Kỳ, đóng ở Bắc Ninh và ở Sơn Tây. Quan bố chính Quảng Tây là Từ Diên Húc đem quân yểm trợ và phối hợp với lực lượng quân cờ Đen ở Bắc kỳ, án binh bất động, chờ Lý Hồng Chương điều đình với đại sứ Pháp Bourée (sau này với Đại Tá Fournier). Lý Hồng Chương chủ hòa, ông cho rằng nhà Thanh lúc đó binh yếu lương thiếu, duyên phòng trống rỗng. Ông cảnh cáo phe chủ chiến rằng thấy nguy phải thoái trước, để mà bảo toàn đại cục ( “兵單 餉 匱” binh đơn hướng quỹ, “海防 空 虛 hải phòng không hư, “遇險 而 自 退” ngộ hiểm nhi tự thối ,”和好 大 局” hòa hảo đại cục.) Bởi vậy khi Hoàng Kế Viêm điều đình với quân Cờ Đen tấn công quân Pháp, Lưu Vĩnh Phúc đã từ chối. Lúc nầy Lưu Vĩnh Phúc đã là tướng của nhà Thanh, sau khi giết Hoàng Sùng Anh (1875) là dư đảng của Ngô Côn, thủ lãnh quân Cờ Vàng, Lưu được Thanh triều chiêu an, trọng dụng. Lưu Vĩnh Phúc, thủ lãnh giăc Khách quân Cờ Đen vốn là dư đảng Thái Bình Thiên Quốc bên Tàu. Ông đã có mặt ở Bắc kỳ từ năm 1865. Sau khi giết được thủ lãnh người Mông (Bạch Miêu) chống phá triều Nguyễn, Lưu Vĩnh Phúc được vua Tự Đức chiêu an, phong hàm cửu phẩm bách hộ, hoành hành lưu vực sông Hồng, tới Lào Cai. Họ Lưu cũng được Hoàng Kế Viêm tin dùng. Sau khi giết được Trung Úy Francis Garnier, Lưu Vĩnh Phúc được vua Tự Đức phong Tam Tuyên Phó Đề Đốc.
Nhưng chánh phủ mới của Pháp bác bỏ điều ước sơ bộ 1882 (Lý Hồng Chương-Bourée ký vào cuối năm 1882) vì có khoản Pháp nhượng bắc ngạn sông Hồng cho nhà Thanh. Ngay sau đó, trong tháng 3 năm 1883, thành Nam Định mất, Hoàng Kế Viêm không giữ nổi thành dưới hỏa lực pháo binh Pháp. Mất Nam Định coi như mất hẳn tam giác châu sông Hồng. Cái họa môi mất răng lạnh đã rành rành. Phe chủ chiến nhà Thanh (Tả Tông Đường, Tăng Kỷ Trạch) thắng thế. Nhà Thanh vội vã hạ chỉ Đường Cảnh Tung thuyết phục Lưu Vĩnh Phúc phối hợp với quân Nam, Hoàng Kế Viêm đánh Pháp. Tháng 5 năm 1883 Quí Mùi, Đại Tá Rivière bị quân Cờ Đen phục binh, giết chết ở Cầu Giấy, ngoại thành Hà Nội. Lưu Vĩnh Phúc được phong Tam Tuyên Đề Đốc. Mười năm trước 1873 chính tại Cầu Giấy nầy quân Cờ Đen cũng đã phục binh giết chết Trung Úy Garnier.
Trong khi đó Lý Hồng Chương vẫn ráo riết hòa đàm với người Pháp để cứu nước Tàu khỏi ách chiến tranh, tổn hao ngân khố. Năm 1884 điều ước Fournier được ký tại Thiên Tân, trong đó có khoản: Bắc kỳ thuộc Pháp, quân nhà Thanh phải rút khỏi Bắc Kỳ. Nhưng phe chủ chiến triều Thanh không chịu rút quân, vì bài học lịch sử, môi mất răng lạnh của hai nước Quắc, Ngu, thà đánh Pháp trên đất Việt vẫn lợi hơn đánh Pháp tại Vân Nam, Quảng Tây.
Vương Đức Bảng 王德 榜 vừa được bổ làm Đề đốc tỉnh Quảng Tây năm 1884. Vương nguyên là bộ tướng của Tả Tôn Đường, phe chủ chiến, đã không cho triệt thoái quân Thanh đóng ở Việt Bắc như thỏa thuận trong điều ước Fournier, để xẩy ra trận chiến Bắc Lệ, sông Thương vào tháng 6 năm 1884, khởi mào cho chiến tranhThanh-Pháp.
Chiến lược gia Pháp lợi dụng chiến tranh ở Bắc kỳ để họ đánh tan tiềm lực hải quân nhà Thanh ở dọc duyên hải Hoa Nam. Họ dùng hỏa lực hùng hậu của hải quân đánh vào trọng điểm hải quân nhà Thanh tập trung ở Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến (Hạm Đội Phúc Kiến). Vào tháng 8, 1884, Pháp đã phá tan hạm đội tối tân bậc nhất của nhà Thanh lúc đó khi còn neo tại bến, cùng với hải quân công xưởng Phúc Châu (xưởng đóng tàu Mã Vĩ), và nhiều pháo đài dọc bờ biển từ Quảng Đông tới Thượng Hải. Hải quân Pháp cô lập luôn Hạm Đội Nam Dương.
Kết quả tai hại là nhà Thanh thua to, phải ký điều ước Thiên Tân 1885. Thảm họa mà Lý Hồng Chương đã tiên liệu, từng nhắc nhở Thanh triều chớ có phiêu lưu quân sự.
Quân lệnh tướng Douglas MacArthur và vận mệnh nước Việt Nam
Sau hai quả bom nguyên tử ngày 6 tháng 8 năm 1945 và 8 tháng 8 năm 1945, đến ngày 15 tháng 8 năm 1945 thì Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố chấm dứt chiến tranh, ra huấn lệnh quân Nhật đầu hàng quân Đồng Minh qua đài truyền thanh.
Nhưng mãi đến ngày 2 tháng 9 năm 1945 Nhật Hoàng mới dâng hàng thư. Thế Chiến Thứ Hai chánh thức chấm dứt. Ngay sau đó tướng Douglas MacArthur, Tư Lệnh Tối Cao Lực Lượng Đồng Minh tại Á Châu ra lệnh giải giới quân Nhật. Trước đó ông có lệnh cấm quân Đồng Minh xâm phạm vùng quân Nhật chiếm đóng. Ông muốn tránh đổ máu vì e ngại quân Nhật ở tiền phương chưa nhận được lệnh đầu hàng.
Lợi dụng thời gian 2 tuần (15/8/1945-2/9/1945) lính Nhật buông súng, dân tình hoang mang, thành phố đồn bót không có võ trang phòng vệ, Hồ Chí Minh và Mặt Trận Việt Minh (đó là Đảng Cộng Sản Đông Dương) đã cướp chánh quyền (gọi là Cách Mạng Tháng Tám) ngày 19 tháng 8 năm 1945 ở ngoài Bắc. Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập dưới cờ đỏ sao vàng (2/9/1945), và thành lập Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời. Vua Bảo Đại thoái vị (1), nội các chánh phủ Trần Trọng Kim tan rã. Từ đó danh tiếng Hồ Chí Minh được truyền tụng trong dân gian từ Bắc chí Nam với cái tên trìu mến “cụ Hồ” (2). Từ đó Đảng Cộng Sản Đông Dương với chiêu bài Việt Minh đã ăn cướp lòng yêu nước của dân Việt, chánh thức độc tôn lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp khi quân Pháp thây lính Lư Hán, Tiêu Văn, ở ngoài Bắc và quân đội Anh quốc ở trong Nam, tái chiếm Đông Dương.
Hồ Chí Minh đã lợi dụng tình hình rối ren sau Thế Chiến Thứ Hai, trong lúc tướng MacArthur cấm động binh mà nắm lấy thời cơ mấy ngày thành phố không chủ để đoạt chiếm thiên hạ , đọc tuyên ngôn độc lập, thành lập chánh phủ, ép vua thoái vị.
Đáng giận thay vận mạng đất nước Việt Nam ở móc lịch sử tháng 8 năm 1945, ngay sau thế chiến, chỉ vì một quân lệnh nông nổi, chánh trị ấu trỉ, ngu xuẩn của tướng MacArthur, đã tạo cơ hội cho cộng sản cướp chánh quyền, dần dà đưa đất nước Việt Nam vào ách thống trị của đảng cộng sản.
Thần Vong Xỉ Hàn – “Lý Tưởng Tương Thông, Mạng Vận Tương Quan” và Chiến Tranh Việt Nam
Biên giới hai nước Việt Nam, Trung Quốc được lãnh tụ hai nước cộng sản mô tả như “núi liền núi, sông liền sông”, hay “Sơn Lâm Tương Liên 山林相連” tạo ra cái thế mà thành ngữ Trung Hoa tả như “ phụ xa tương y ” 輔車相依, hay “thần vong xỉ hàn “ 脣亡齒寒” (môi mất răng lạnh). Theo địa hình 2 nước thì môi phải là Việt Nam. Môi Việt Nam có hở hay mất mác thì răng Trung Quốc sẽ lạnh. Chiến tranh Pháp –Thanh 1883-1885, chiến tranh Việt Nam thời 1950-54, và 1964-75 Trung Quốc can thiệp là vì răng Trung Quốc lạnh. Nhưng mối quan hệ hiện đại giữa hai nước phức tạp nhiều hơn cái tương quan môi răng. Đó còn là “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, Hồ Chí Minh sang Tàu cầu viện trong các năm 1950, 1962, 1965, và Lê Duẫn vào năm 1965…Hơn nữa qua ngàn năm lịch sử, hai nước còn có “Văn Hóa Tương Thông, 文化相通” như Nho học, thể chế triều chánh, thi cử… đến cả các phong trào cách mạng canh tân như Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục… .Các tổ chức đảng phái như Quốc Dân Đảng, và nhất là Đảng Lao Động (Cộng Sản) Việt Nam đều từ mẫu mực đảng Cộng SảnTrung Quốc. Vận mạng đất nước Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20 nằm trong tham vọng của hai đảng cộng sản lãnh đạo hai nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Họ có “Lý Tưởng Tương đồng 理想相同, Lợi Ích Tương Quan 利益相關”. Đó là dã tâm của Hồ Chí Minh và đảng Lao Động (Cộng Sản) Việt Nam muốn thực thi chủ nghĩa cộng sản trên toàn cõi Việt Nam. Đó là thí điểm của mô hình cách mạng vô sản Trung Quốc, tham vọng Mao Trạch Đông. Việt Nam nằm trong bàn toán, nước cờ phát triển xuống Đông Nam Á. Trung Quốc lợi dụng Cộng Sản Việt Namnhư Tấn mượn đường nước Ngu, mà toàn cõi bán đảo Ấn Hoa (Lào, Cambodge, Thái lan, Miến Điên) và biển Đông Nam Á là nước Quắc. Sau khi làm chủ biển Đông Nam Á, thì Việt Nam không đánh cũng mất “bất chiến nhi thắng” (Hồ Chí Minh và đảng Lao Động Việt Nam đã mắc mưu Trung Quốc “cố thượng binh phạt mưu, kì thứ phạt giao, kì thứ phạt binh, kì hạ công thành” rành rành với tuyên bố 1958 của Trung Quốc về lãnh hải nhưng đảng Lao Động Việt Nam vẫn ngu xuẩn u mê không ngửi được cái dã tâm của Mao). Để ngăn chặn làn sóng cộng sản, Mỹ có học thuyết Truman, “Containment” (Vây Chặn), và học thuyết Domino của Eisenhower. Lịch sử đã viết định mạng đất nước Việt Nam đã gắn liền với chánh trường, quan hệ của hai nước Liên Xô, Trung Quốc, nhất là diễn tiến chánh trị nội bộ Trung Quốc do Mao Trạch Đông sách động, cũng như tình hình thế giới sau Thế Chiến Thứ 2, xã hội và chánh sự Hoa Kỳ trong những năm 1950-1970, và quan hệ ngoại giao giữa hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ sau nầy. Khi Mỹ bang giao với Trung Quốc, thì thuyết “Domino” không còn tác dụng, vận mạng miền Nam Việt Nam đã nằm trong bài toán buôn bán của tên chánh khách xôi thịt Henry (Heinz) Alfred Kissinger.
Trước thềm chiến thắng cuộc chiến quốc-cộng ở Trung Quốc, tháng 8 năm 1949 Lưu Thiếu Kỳ bí mật đến Nga, gặp Statin ở Moscow để bàn về hiện tình cách mạng đang diễn ra ở Đông Á. Hai nước phân chia nổ lực phát triển cách mạng vô sản quốc tế, Đông Âu và Đông Á, đồng thuận về trách nhiệm chủ yếu của Trung Quốc là bành trướng chủ nghĩa cộng sản ở phương Đông. Cụ thể là giúp cách mạng vô sản chống thực dân Pháp, dành độc lập đang tiến hành ở Việt Nam. Chuyến đi của Lưu là để dọn đường cho Mao viếng thăm Moscow tháng giêng năm 1950. Trên chánh trường ngoại giao quốc tế, trung tuần tháng 1 năm 1950 Trung Quốc (CHNDTQ) là nước đầu tiên công nhận Viêt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, kế đó là Liên Xô.
Giải phóng quân Trung Quốc chiếm Thành Đô tháng 12 năm 1949, sau đó lần lượt kiểm soát hết vùng Hoa Nam tới Quảng Tây. Cuối năm 1949, Hoàng Văn Hoan đã có mặt ở Trung Quốc. La Quý Ba (Luo Guibo 羅貴波), đến Bắc Việt vào cuối tháng giêng 1950. Trước đó vài ngày, Hồ Chí Minh đã bí mật đến Trung Quốc xin viện trợ, được Lưu Thiếu Kỳ tiếp (Mao lúc đó ở Moscow, để hoàn chỉnh hiệp ước Sino-Soviet trong tháng 2, 1950. Nhưng theo Trần Đĩnh, trong Đèn Cù thì ông Hồ đã có hộp kiểm thảo với Mao, Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai, và bị khiển trách về chính sách tiêu thổ kháng chiến ở Việt Nam; trang 45-49) và Lưu lập Ủy Ban Đặc Biệt cứu xét yêu cầu của Việt Nam do Chu Đức (Zhu De 朱德) lãnh đạo. Tháng 2 năm 1950 Hồ Chí Minh từ Trung Quốc đến Moscow để xin viện trợ. Kết quả như đã được định trước. Viện trợ cho Việt Nam là “trách nhiệm quốc tế vinh quang” của Trung Quốc (phải hiểu đó là đảng Cộng Sản Trung Quốc có trách nhiệm LÃNH ĐẠO cách mạng vô sản ở Việt Nam và Đông Á). Hồ không nhận được gì từ Liên Xô. Thanh triều không thể để Pháp chiếm Bắc Kỳ, thì Mao cũng không thể để Pháp tái chiếm Bắc Kỳ đe dọa Hoa Nam. Trung Quốc viện trợ cho VNDCCH rất to tát và cấp bách quan trọng nhất có lẽ là “tổ cố vấn quân sự Trung Quốc, Chinese Military Advisory Group” (CMAG). Đứng đầu là danh tướng Trần Canh (陳賡- Chen Geng), Vi Quốc Thanh (韋國清-Wei Guoqing), Mai Gia Sanh (Mei JiaSheng -梅嘉生), Đặng Dật Phàm (Deng YiFan-鄧逸凡). Ngay sau khi thống nhất Trung Quốc, thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) tháng 10 năm 1949, Mao tuyên bố “… chỉ hoàn tất bước đầu của cuộc trường kỳ cách mạng”. Bước kế tiếp là thực thi mô hình cách mạng của Trung Quốc, tư tưởng Mao Trạch Đông như chiến tranh nhân dân, cải cách ruộng đất (Thổ Địa Cải Cách -土地改革), trưởng đoàn cố vấn ở Việt Nam là Zhang DeQun- Trương Đức Quần), giải phóng nông thôn để bao vây thành thị (tham vọng Mao còn đi ngoài Việt Nam, giải phóng nông thôn= Cộng sản nắm chánh quyền các nước chậm tiến; bao vây thành thì = cô lập đế quốc tư bản Mỹ, Tây Âu, bước đầu tiên là bán đảo Ấn Hoa, biển Đông Nam Á). Việt Nam là tiền đồn, là lửa thử vàng của chủ nghĩa cộng sản Á châu, kết tinh trong tư tưởng Mao Trạch Đông, giải phóng các nước thuộc địa, bán thuộc địa Á châu, đánh bại chủ nghĩa Đế Quốc, và chủ nghĩa xét lại sau nầy. Việt Nam còn là chặng đường mà đảng Cộng Sản Trung Quốc phải kinh qua để phát triển xuống biển Đông Nam Á.
Với tài liệu mới từ Trung Quốc, theo Qiang Zhai (翟强Địch Cường) và Chen Jian (Trần Kiện) thì kế sách của Trần Canh “bao vây đồn lũy để diệt quân cứu viện” là chiến thuật dùng trong chiến dịch biên giới giải phóng Cao Bằng, Lạng Sơn. Trần Canh đã áp dụng Binh Pháp Tôn Tử (3). Để kiểm soát Cao Bằng, Lạng Sơn, Pháp cho đóng quân ở cứ điểm quan trọng dọc theo đường Thuộc Địa số 4. Trần Canh đề nghị đánh chiếm đồn nhỏ Đông Khê giửa Cao Bằng và Thất Khê , Lạng Sơn để cắt đứt đường liên lạc huyết mạch, và cô lập Cao Bằng. Ép Pháp phải hành quân đi xa đồn để tái chiếm Đông Khê. Lợi dụng địa hình cho phục binh mà diệt quân Pháp.
Ngày 13 tháng 10 năm 1950, vùng biên giới Cao Bằng Lạng Sơn được giải phóng, Việt Minh được tiếp viện trực tiếp từ hậu phương lớn là cả đại lục Trung Quốc. Không cần phải núp dưới chiêu bài Việt Minh, Hồ Chí Minh cho lột xác Việt Minh, công khai tổ chức đảng đoàn cộng sản Việt Nam dưới tên mới là Đảng Lao Động Việt Nam vào tháng 2 năm 1951 (tết Tân Mão, đại hội Đảng Cộng Sản Đông Dương lần 2).
Sau khi Stalin chết vào tháng 3, 1953, nội bộ đảng cộng sản Sô-viết có nhiều thanh trừng, tranh đoạt quyền hành mãi đến khi Khrushchev nắm quyền đệ nhất bí thư vào tháng 9 năm 1953, thì các chính sách cải cách kinh tế, sửa đổi chánh trị, hay “sửa sai”, nới tay chuyên chính, “sống chung hòa bình, dù không chung chánh hướng” được khởi động. Chánh sách đó hoàn toàn trái ngược lại đường lối bạo động cách mạng, chuyên chính thống trị, cực đoan không liên hiệp của Mao: “…Khi ta nói chủ nghĩa Đế Quốc ác ôn, phải biết bản chất đó không bao giờ thay đổi, bọn Đế Quốc sẽ không bao giờ bỏ đao đồ tể, bọn chúng sẽ không bao giờ thành Phật…” Mầm móng bất hòa Nga-Hoa manh nha từ đó. Trong Diễn Văn Mật đọc trước Đại Hội Đảng lần 20, tháng 2, 1956 Khrushchev vạch trần tội ác Stalin, lên án Stalin xây dựng văn hóa sùng bái cá nhân (thần thánh hóa lãnh tụ). Lo ngại thảm kịch đả đảo lảnh tụ ở Nga sẽ lan tràn sang Trung Quốc, để củng cố quyền lực tuyệt đối, tối cao của mình, Mao cực lực phản đối, bài xích “sống chung hòa bình, không chung chánh hướng” gán cho đó là chủ nghĩa xét lại, đồng hóa đó với với chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, luận điệu của tư sản. Vì lo sợ một chủ nghĩa xét lại ở Trung Quốc, lợi dụng tinh thần xây dựng của dân trí thức, nên vào tháng 5, năm 1956, Mao khởi xướng phong trào “Trăm hoa đua nở” (百花齊放,百家爭鳴, Bách Hoa Tề Phóng, Bách Gia Tranh Minh) (4), lợi dụng lịch sử giai đoạn văn hóa hoàng kim Bách Gia Chư Tử thời Xuân Thu Chiến Quốc, để dấy động suy tư trong đầu tri thức, khởi dậy nguồn tư tưởng “phản động, xét lại”. (Mao cho tái diễn vụ án “Tập Đoàn Phản Cách Mạng Hồ Phong 胡 風 反 革 命 集 團” vào tháng 5 năm 1955. Thông tin bưng bít, tuyên truyền xuyên tạc chỉ có nạn nhân của vụ án đã trong tù mới biết “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh” đó là cái bẫy). Khi chín mùi, Mao khởi động chiến dịch chống hữu khuynh cuối năm 1957 để mà diệt tận gốc, trăm ngàn trí thức, thường dân vô tội phải chết oan, tù đầy, quy mô đó còn tàn ác hơn trăm, ngàn lần vụ án Minh Sử nhà Thanh … Để củng cố quyền lực, Mao đã xử dụng nhiều lần cái mánh khóe chống chủ nghĩa xét lại trong suốt 27 năm trị vì, như sau này trong cách mạng văn hóa vô sản, và chiến tranh Việt Nam lần thứ hai.
Cuối năm 1957, Hồ Chí Minh công du các nước cộng sản có ghé Bắc Kinh, khi về thì phái Tố Hữu, Huy Cận và Hà Xuân Trừng đi học tập kinh nghiêm đánh hữu khuynh, xét lại bên Tàu. Khi họ về, đảng Lao Động tổ chức hai buổi học tập đánh “bọn phản động Giai Phẩm Nhân Văn” vào tháng 3 năm 1958 tại ấp Thái Hà.
Trong khi Hồ Chí Minh và đảng Lao động Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến đánh Pháp dành độc lập (đồng thời là đánh Pháp để bảo vệ hàm răng Trung Quốc), thiết lập cơ cấu chủ nghĩa cộng sản ở miền Bắc, thi hành cải cách ruộng đất, đánh “bọn phản động Giai Phẩm Nhân Văn”, thực thi tư tưởng Mao Trạch Đông ở miền Bắc, thì ở trong Nam Quốc Trưởng Bảo Đại, tuy nổi tiếng là phóng túng, ăn chơi… nhưng ông là người có kiến thức rộng rãi, óc tổ chức, hành chánh, đã lợi dụng thời cuộc vận động ngoại giao đòi hòa bình và độc lập cho Việt Nam. Như ngay sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9 tháng 3 năm1945, vua Bảo Đại đã tuyên bố hủy bỏ Hoà ước 1884, ủy thác học giả Trần Trọng Kim thành lập nội các chánh phủ của một quốc gia độc lập- Đế Quốc Việt Nam (quá tiếc đã không có tổ chức quân đội, nên khi cộng sản cướp chánh quyền, chánh phủ Trần Trọng Kim phải giải tán). Ông biết Pháp không tin tưởng ông, nhưng ông cũng biết Pháp không có nhân tuyển, hay lựa chọn nào khác hơn “lá bài Bảo Đại” ( “giải pháp của Pháp” phải chọn “lá bài Bảo Đại”), một khi tình hình ở Việt Nam càng ngày càng bất lợi cho Pháp. Tình thế mới đã đem đến sức mạnh cho đòi hỏi của ông, buộc Pháp phải chấp nhận điều kiện mới.
Trải qua nhiều nội các, tan rồi hợp, mãi đến ngày 1 tháng 7 năm 1949 nội các do Thủ Tướng Bảo Đại (kiêm Quốc Trưởng) lại được thành lập. Kế đó là thành lập trường võ bị Đà Lạt (5/11/1950), trường Quân Y (7/8/1950), quân đội Quốc Gia Việt Nam …và cơ cấu tổ chức của một xã hội tự do như thể thức lập pháp, tư pháp, hành chánh, san định bộ luật lao động…quy luật nghiệp đoàn, phát minh, bản quyền…Giáo dục… kiến thiết…với tiền viện trợ của chánh phủMỹ (so sánh: Hồ Chí Minh đánh Pháp, thiết lập cơ cấu xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc với viện trợ của Trung Cộng). Nhưng người đời nhắc nhiều đến bản tánh của ông phúng túng, ham chơi…(giang san dễ đổi, bản tánh khó dời), chớ không hề nhắc đến sự đóng góp to lớn của ông cho đất nước Việt Nam, mà sau nầy ông Ngô Đình Diệm thừa hưởng trọn vẹn.
Tựu trung chánh phủ của Quốc Trưởng Bảo Đại đã thiết lập một quốc gia độc lập hợp pháp – Quốc Gia Việt Nam (thống nhất gồm Nam Kỳ Quốc, và Hoàng Triều Cương Thổ sau nầy 11-3-1955) -một cơ sở vững chắc cho nền Đệ Nhất Cộng Hòa .
Thuyết Domino và chiến tranh Việt Nam
Không có chân trong chánh phủ Bảo Đại, năm 1950 ông Ngô Đình Diệm đi Mỹ (cùng với giám mục Ngô Đình Thục) để dự lớp chủng viện (Maryknoll Seminary ở Ossining, New York). Do giáo sĩ Fred McGuire tiến dẫn, và nhờ ảnh hưởng của giám mục Ngô Đình Thục, ông Diệm được Hồng Y Francis Spellman tiếp, rồi được ông Dean Rusk, phụ tá ngoại trưởng Mỹ đặc trách Viễn Đông Vụ và nhiều yếu nhân trong chánh phủ Truman tiếp ở Washington D.C. Hồng Y Spellman có ảnh hưởng sâu rộng trên chánh trường nước Mỹ. Hỗn danh là Giáo Hoàng của người Mỹ (the American Pope), ông nổi tiếng cực đoan bảo thủ xuyên suốt từ giáo điều, chánh trị đến xã hội. Ông Diệm được tín nhiệm của Hồng Y Spellman. Thời gian ở Mỹ ông Diệm đã lần lược được tiếp xúc với chánh khách quyền lực Hoa Kỳ lúc bấy giờ như các ông William O. Douglas Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, TNS John F. Kennedy, TNS Mike Mansfield, Allen Dulles Giám Đốc CIA, John Foster Dulles Bộ Trưởng Ngoại Giao…và nhiều nhân vật khác. Họ đều giống nhau ở điểm: Nắm chánh quyền, thiên chúa giáo, kiên quyết chống cộng và hơn nữa họ đều thân thiết hay ủng hộ TNS Joseph McCarthy. Ông McCarthy là hung thần trong chánh trường Mỹ lúc bấy giờ (1950-1957). Sự nghiệp chánh trị của ông được xây dựng trên lập trường chống cộng sản, với thủ đoạn chụp mũ cộng sản (McCarthyism) có liên đới ít nhiều với FBI. Trong giai đoạn khủng hoảng đó (“McCarthy hysteria”), trí thức am tường về Trung Quốc, Việt Nam và chuyên gia nghiên cứu về chế độ cộng sản rất sợ cái mũ CS được người ta đội cho mình, bởi vậy trong chánh quyền, bộ ngoại giao thiếu đi tiếng nói trung thực, chỉ còn lại cái loa chống cộng, cổ võ chiến tranh.
Thời gian đó nước Mỹ đang trong cao trào chống cộng. Trong chiến tranh Triều Tiên (6/1950-7/1953), Mỹ đương đầu với 2 triệu Hồng quân Cộng Sản Trung Quốc. Thời cơ ông Diệm ở Mỹ đúng lúc và ông có tất cả những gì chánh quyền Mỹ đang tìm. Ông đã hiển nhiên trở thành nhân tuyển của Mỹ để lãnh đạo miền Nam sau nầy. Liền ngay sau đó, quân viễn chinh Pháp sa lầy ở Điện Biên Phủ. Pháp đã kiệt quệ sau Thế Chiến Thứ 2, lại phải đeo đuổi 9 năm hao mòn ngân khố, nay muốn rút khỏi Đông Dương trong danh dự. Trung Quốc cũng đã quá mệt mỏi với mấy mươi năm chinh chiến, từ kháng Nhật, Quốc -Cộng, Triều Tiên, rồi Việt Nam. Trung Quốc và Pháp biết phải làm gì …đó là đình chiến, hội nghị, hòa ước… Đó là nhu cầu đưa đến Hội Nghị Genève.
Tất cả các yếu tố đó đã tạo nên thời thế cho ông Ngô Đình Diệm (“Thời thế tạo anh hùng” chính là đây). Đó là điều kiện thuận tiện để Mỹ can thiệp vào Việt Nam.
Trước giờ hấp hối của quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam, trong một buổi họp báo ngày 7 tháng 4 năm 1954, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã dùng hình ảnh hàng cờ domino sụp đổ “falling domino principle” khi con cờ đầu ngả xuống để minh họa một khi Việt Nam rơi vào tay cộng sản thì toàn cỏi bán đảo Ấn-Hoa (Lào, Cam bốt, Thái Lan, Miến Điện), rồi Đông Nam Châu Á sẽ lần lược suy sụp dưới làn sóng đỏ của Cộng Sản Trung Quốc. Đây là cơ hội để Eisenhower nhắc chừng quốc hội Mỹ là Việt Nam không thể để hoàn toàn rơi vào tay cộng sản. Thời gian nầy ông Ngô Đình Diệm đã rời Hoa Kỳ, có mặt ở Paris để vận động ghế thủ tướng. Dưới áp lực của Mỹ, Bảo Đại bổ nhiệm ông Diệm chức vụ thủ tướng ngày 19 tháng 6 năm 1954 (thay thế Hoàng thân Bửu Lộc) tại lâu đài Thorencen. Sau đó ông Diệm về Saigon ngày 26 tháng 6 năm 1954, thành lập chánh phủ và trình nội các trước quốc dân ngày 7 tháng 7 năm 1954, gồm 17 người, đứng đầu là Thủ tướng Ngô Đình Diệm, kiêm Tổng trưởng Nội vụ, kiêm Tổng trưởng Quốc phòng.
Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Sự kiện nầy đã dẫn tới thắng lợi cho Viêt Minh ở hội nghị Genève (26/4 đến 20/7/1954). Xin đọc China and the Vietnam Wars, 1950-1975 (Qiang Zhai) và China and the First Indo-China War, 1950-54 (Chen Jian) để biết thêm vai trò cố vấn (hay chỉ đạo) của Tổ Cố Vấn Quân Sự Trung Quốc (CMAG) và chỉ đạo của Quân Ủy Trung Ương Đảng CS TQ (Central Military Committee of the Chinese Communist Party) nhất là vai trò tướng Vi Quốc Thanh trong chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hiệp định ký ngày 21 tháng 7 năm 1954 theo đó Việt Nam tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17. Miền Bắc cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Mao Trạch Đông đã rất thõa mãn với điều ước Genève, miền Bắc cộng sản là trái độn là cái môi bảo vệ hàm răng vùng Hoa Nam Trung Quốc. Sau hiệp định Genève có khoảng 1 triệu dân miền Bắc di cư vào Nam. Tuy rằng có thể một phần là do tuyên truyền của Mỹ, nhưng đa số những người di cư có đạo Thiên Chúa hay đã sống trong vùng giải phóng, dưới chế độ đảng trị, và nếm mùi cải cách ruộng đất, bài phong phản đế. Trong đó có một số người đã từng theo kháng chiến như ông Hoàng Văn Chí tác giả “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc”, “Từ Thực Dân Đến Cộng Sản”… cũng có cán bộ tình báo cộng sản trà trộn với dân di cư như Vũ Ngọc Nhạ. Tập kết ra Bắc là những người theo kháng chiến, yêu nước nhưng chưa hề sống dưới chế độ cộng sản ngày nào. Theo hiệp định Genève thì sẽ có tổng tuyển cử 2 năm sau (1956) để thống nhất đất nước. Mỹ đã không ký vào hiệp định Geneva, và TT Eisenhower lợi dụng thời gian 2 năm đó để củng cố chánh quyền Ngô Đình Diệm với mục đích là để ngăn chận được làn sóng đỏ từ Trung Quốc, Bắc Việt. Ngăn chận hay “Containment” mà sau nầy người ta gọi là học thuyết Truman, lấy ý tưởng từ bài diễn văn TT Truman đọc trước quốc hội Hoa Kỳ ngày 12 tháng 3 năm 1947 để thuyết phục quốc dân (quốc hội và nhân dân) Hoa kỳ viện trợ cho Hy Lạp (Greek) chống lại phiến quân cộng sản, hòng ngăn chận làn sóng cộng sản từ Hy Lạp đổ sang Thổ NhĩKỳ (Turkey). Để thực hiện sách lược Ngăn Chận (Containment) làn sóng cộng sản, Ngoại trưởng Mỹ J.F. Dulles đã vận động thành lâp tổ chức SEATO (Southeast Asia Treaty Organization, xuất phát từ Southeast Asia Collective Defense Treaty = Hiệp ước phòng vệ chung Đông Nam Á, vào tháng 9, 1954). Hiệp ước SEATO, trong đó Hoa Kỳ là thành viên, đã cung ứng cho Mỹ pháp lý và ngoại giao để can thiệp vào Việt Nam, để bảo vệ Đông Nam Châu Á trước hiểm họa cộng sản.
Hiệp định Geneve ký ngày 21 tháng 7 năm 1954 đã dâng không cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm miền Nam tự do, độc lập (lịch sử không ghi lại việc gì ông Diệm đã làm cho miền Nam để xứng với “phần thưởng” nầy) . Ông Ngô Đình Diệm đã hưởng trọn vẹn thành quả và tâm quyết của Quốc Trưởng Bảo Đại đã cố dành độc lập, tự do cho đất nước Việt Nam (Quốc Gia Việt Nam) qua ngoại giao, thương thảo.
Việc đầu tiên là ông Diệm hạ lệnh tiêu diệt các lực lượng vũ trang của giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài, và tổ chức “anh chị” Bình Xuyên với sự giúp đở tiền bạc và tình báo của CIA. Chính một số người Mỹ sau nầy lại đánh giá việc đàn áp các lực lượng võ trang của các tổ chức “chánh trị-tôn giáo” “phi công giáo” là khởi điểm của bất mãn trong miền Nam, đưa đến hậu thuẩn cho Việt Cộng. Nếu ông Diệm thống nhất lực lượng võ trang giáo phái vào quân đội quốc gia trong tinh thần đoàn kết, dùng chánh trị thương thảo, hòa hợp tôn giáo thay vì sát hại thì thế cục có lẽ đã khác hẳn. Ở cao nguyên Trung Phần, sau khi sát nhậpHoàng Triều Cương Thổ (1955), các tộc Tây Nguyên bị phân biệt đối xử, bất mãn đè nén đã bộc lộ lên phong trào đấu tranh hòa bình BAJARAKA (1958)… rồi sanh ra tổ chức bạo động FULRO (Front Unifié pour la Libération des Races Opprimées, 1964) sau nầy…tất cả nói lên cái sai lầm chánh trị nghiêm trọng khai mào từ chánh phủ Ngô Đình Diệm.
Sau trưng cầu dân ý, truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại ngày 23 tháng 10 năm 1955, kế đó đã không có hiệp thương, tổng tuyển cử trong năm 1956.
Trong chuyến công du các nước CS cuối năm 1957, ông Hồ Chí Minh có ghé Trung Quốc. Khi về ông Hồ tích cực củng cố hậu phương miền Bắc, học hỏi Trung Quốc cách đánh hữu khuynh, đánh Giai Phẩm-Nhân Văn, áp dụng triệt để chánh sách toàn trị, phát động chiến tranh tâm lý để chuẩn bị tinh thần toàn dân vũ trang “giải phóng ” (đánh chiếm) miền Nam. Chánh sách “sống chung hòa bình, không chung chánh hướng”, “sửa sai” của Kruschew không thích hợp với chủ trương bạo động chiến tranh của đảng Lao Động Việt Nam là thống nhất lãnh thổ dưới chế độ cộng sản, là đánh chiếm miền Nam. Ông Hồ đã tận dụng cái bất hòa Nga-Trung mà thủ lợi, trong giai đoạn đó ông ve vãng Mao, ông đánh phong trào Giai Phẩm Nhân Văn để chứng tỏ đường lối bạo động, chống chủ nghĩa xét lại, thân Bắc Kinh cho Mao thấy để được viện trợ đánh chiếm miền Nam sau nầy. Như sau này (1962) ông Hồ có nói với Chu Ân Lai, ở Quãng Châu “Đừng nói là phải đánh 5 năm, 10 năm, dù có 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng phải đánh, đánh cho đến khi thắng lợi hoàn toàn (đánh “Đế quốc Mỹ”, để chiếm miền Nam)”.
Để chuẩn bị cho cuộc xâm chiếm miền Nam, thông qua công hàm của Phạm Văn Đồng ngày 14 tháng 9 năm 1958 công nhận tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải 12 hải lý và các hải đảo ở biển Nam Trung Quốc 6, Hồ Chí Minh đã dâng hiến vùng biển và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngoài khơi biển Đông cho Trung Quốc. Hồ ChíMinh đã mua lòng Mao để có viện trợ cho việc xâm chiếm miền Nam. Có lẽ lúc đó ông Hồ toan tính quỷ quyệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm sau vĩ tuyến 17 không thuộc chủ quyền miền Bắc, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Kế đó Cộng Sản Bắc Việt qua Trung Ương Cục Miền Nam chỉ thị thành lập Mặt Trận Giãi Phóng Miền Nam tháng 12 năm 1960. Linh hồn của MTGPMN là Đảng Nhân Dân Cách Mạng Miền Nam, đây là nặc danh của Đảng Lao Động Việt Nam, trá hình ở miền Nam dưới danh xưng mới hầu thu hút nhân sĩ yêu nước miền Nam và che mắt thế giới 7.
Mặt trận, danh xưng chỉ là chiêu bài, chỉ là tấm bình phong để che mắt thiên hạ như lịch sử cho thấy từ Đảng Cộng Sản Đông Dương, tới Mặt Trận Việt Minh, Đảng Lao Động, rồi trở lại Đảng Cộng Sản Việt Nam 7; từ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tới Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, từ Đảng Lao Động Việt Nam, tới Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam Việt Nam , còn có Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam , rồi Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…tất cả chỉ là thủ đoạn được dùng từng bước, tùy giai đoạn để che mắt nhân dân Việt Nam để thực hiện mục đích cuối cùng là thiết lập chế độ cộng sản, đảng trị trên toàn cỏi Việt Nam 8. Thể hiện qua thành tụ cuối cùng là Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Đến cuối những năm 1950s Bắc Kinh đã không khuyến khích, cũng không ngăn cản Cộng Sản Bắc Việt tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam (theo Qiang Zhai và Chen Jian). Lý do đơn giản là miền Hoa Nam Trung Quốc không có trực tiếp nguy hiểm vì đã có trái độn Cộng Sản Bắc Việt. Thứ hai Mao không muốn ép Mỹ phải đưa quân vào miền Nam. Đó là đe dọa Bắc Việt, cái môi của Hoa Nam, bài học chiến tranh Triều Tiên còn đó, hơn một triệu lính Hồng quân đã hy sinh. Kế đó là kinh tế Trung Quốc đang suy sụp trầm trọng vì sai lầm của kế hoạch 5 năm và thiên tai, tới khoảng hơn 30 triệu dân Tàu chết vì đói ăn.
Nhưng quan hệ ngoại giao Nga- Hoa, và chánh sách của TT Johnson đã góp phần thay đổi lập trường Trung Quốc.
Tháng 6 năm 1959 Nga Sô hủy bỏ hiệp ước về công trình xây dựng kỹ nghệ nguyên tử cho Trung Quốc. Tuyên bố trung lập trong chiến tranh biên giới Ấn – Hoa tháng 9 năm 1959. Tháng 8 năm 1960 Khrushchev rút hết chuyên gia Nga về nước, cắt viện trợ choTrung Quốc. Mao kết án Khrushchev đã thỏa hiệp với Đế Quốc Mỹ, và đã theo con đường “Tiến Hóa Hòa Bình (peaceful evolution) của ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles, mà Dulles đọc lần đầu trong một diễn văn vào tháng giêng năm 1953. Mao đặc biệt quan tâm tới diễn văn của J.F. Dulles. Trong nhiều diễn văn Dulles dẫn giải “tiến hóa hòa bình” là từ độc tài đảng trị hòa bình tiến hóa lên dân chủ pháp trị bên trong xã hội cộng sản. Nối gót Mao, Đặng Tiểu Bình khi đàn áp thẳng tay học sinh trong sự kiện Thiên An Môn, hay Hồ Cẩm Đào, Vương Nhẩn Chi 14
(Wang Renzhi) sau nầy đều dẫn chứng theo lời Mao dạy mầm móng cái họa “tiến hóa hòa bình” là do thế giới tư sản đầu độc con em nước Tàu, cái họa tâm phúc bên trong xã hội cộng sản, đã xẩy ra trước đó ở Nga theo đó là Ba Lan – Poland -(1956), và Hung Gia Lợi –Hungary- (1956). Một hình thức của Tiến Hóa Hòa Bình đã diễn ra ở Bắc Việt qua phong trào Giai Phẫm Nhân Văn 1955-1957, và đã bị trấn áp dập tắt sau chuyến công du cuối năm 1957, mà Hồ Chí Minh đã học hỏi cách đánh hữu khuynh từ Trung Quốc. (Trái lại phong trào “Bách Hoa Tề Phóng Bách Gia Tranh Minh” là do Mao sách động, thiên hạ đại loạn thì Mao có cơ hội thanh trừng).
Chủ nghĩa xét lại là biểu hiện của Khrushchev. Ở Trung Quốc đó là mầm mống tranh đoạt quyền hành với Mao. Mao tìm mọi cơ hội để diệt trừ ý tưởng xét lại, và tất cả những gì có dính dáng với chính sách Khrushchev. Vương Giá Tường 王稼祥, trưởng ban liên hệ quốc tế Đảng CS Trung Quốc, là nạn nhân đầu tiên của Mao. Tháng 6 năm 1962 Vương trình lên cấp trên báo cáo tình hình thế giới. Trong đó Vương cân nhắc Trung Quốc không nên dấn thân vào Việt Nam như chiến tranh Triều Tiên. Trong thời gian đó, Hồ Chí Minh và Nguyễn Chí Thanh đã có mặt ở Bắc Kinh để xin viện trợ cho quân giải phóng miền Nam. Mao kết án Vương có tư tưởng thỏa hiệp với bọn đế quốc, bọn xét lại, bọn phản động, làm suy giảm nghĩa vụ quốc tế cách mạng vô sản để giúp cộng sản VN đấu tranh chống Đế Quốc Mỹ xâm lược.
Đến cuối năm 1962 thì quan hệ đồng chí hai nước Nga-Trung đã vở tung, đến gần như là thù nghich. Mao chỉ trích Khrushchev thỏa hiệp với Mỹ trong khủng hoảng đầu đạn nguyên tử ở Cuba tháng 10, năm 1962. Trung quốc ra mặt chống đối Nga, tuyên bố là chủ nghĩa xét lại của Nga Xô Viết không đấu tranh cho giai cấp vô sản chống lại Đế Quốc giải phóng quốc gia. Chỉ có CHND Trung Quốc mới là chiến sĩ cộng sản chân chánh và trung thực giúp Việt Nam chống Đế Quốc Mỹ. Cách mạng vô sản quốc tế nay do Trung Quốc lãnh đạo. Trung quốc viện trơ tối đa cho Bắc Việt.
Thần vong xỉ hàn, sự kiện Vịnh Bắc Việt và sách lược Mao Trạch Đông.
Mùa hè năm 1962, Hồ Chí Minh và Nguyễn Chí Thanh đến Bắc Kinh để phân tích tình hình miền Nam, cảnh giác Trung Quốc rằng Hoa Kỳ có thể sẽ tấn công Bắc Việt, đe dọa trực tiếp an nguy cho Quảng Tây ,Vân Nam. Mao lệnh trang bị thêm 230 tiểu đoàn quân giải phóng miền Nam và Bắc Việt, mặc dù Trung Quốc vẫn còn trong tình cảnh kinh tế khó khăn.
Sau hội nghị trung ương đảng Lao Động Việt Nam lần 9- tháng 12 năm 1963, thông qua nghị quyết 9, Lê Duẩn chánh thức tuyên chiến chống chủ nghĩa xét lại, chống lại chính sách sống chung hòa bình, đẩy mạnh võ trang giải phóng miền Nam (tư tưởng Mao Trạch Đông đã được thăng hoa từ “tư tưởng Mao Trạch Đông là kim chỉ nam” của đảng Lao Động Việt Nam-Hồ Chí Minh, đại hội Đảng lần 2,1951- đến “Tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng Lê-nin thời đại nầy”-Lê Duẩn, sau hội nghị trung ương Đảng lần 9, 1964-).
Sự kiện Vịnh Bắc Việt ngày 2 và 4 tháng 8 năm1964 (tài liệu giải mật sau này cho biết không có chiến thuyền Bắc Việt trên màn Radar trong ngày 4/8/64), kế đó quốc hội Mỹ thông qua “Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt” (the Gulf of Tonkin Resolution) ngày 7 tháng 8 năm 1964. TT Johnson được toàn quyền thi hành mọi biện pháp cần thiết để trả đũa và duy trì hòa bình , an ninh cho Đông Nam Á. Đó là cơ hội đúng lúc để Mao dùng chiến tranh, an nguy lãnh thổ để củng cố địa vị quyền hành. Trung Quốc phản ứng khẩn cấp, toàn diên, và triệt để. Chu Ân Lai và La Thụy Khanh (Tham Mưu trưởng bộ tổng tham mưu quân đội nhân dân Trung Quốc) điện khẩn Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Văn Tiến Dũng ngày 5 tháng 8 năm 1964 đề nghị Việt Nam ” Điều tra sáng tỏ tình hình, thảo luận và thiết lập sách lược thích đáng để sẵn sàng hành động” và đề nghị hợp tác quân sự chặt chẽ. Quân ủy trung ương Trung Quốc ra lệnh quân lực vùng Côn Minh, Quảng Châu, cùng không quân và hải quân phải ở trong tình trạng sẳn sàng chiến đấu. Chuyển bộ tư lệnh không quân từ Quảng Đông tới Nam Ninh, đưa chiến đấu cơ, hỏa tiển phòng không đến sát biên giới Việt Hoa…Tổ chức biểu tình toàn quốc chống” Đế Quốc Mỹ xâm lược”,”đoàn kết với nhân dân Việt Nam”. Thời điểm nầy uy tín Mao bị suy nhiều vì kế hoạch kinh tế Đại Nhẩy Vọt (Đại dược tấn, 大躍進 bắt đầu năm 1958) đã thất bại tàn tệ. Sự kiện vịnh Bắc Việt là cơ hội tốt cho Mao sách động toàn đảng toàn dân kiên trì “cách mạng liên tục” đổ máu để chống Chủ Nghĩa Đế Quốc Mỹ, chống Chủ Nghĩa Xét Lại, “chống Mỹ giúp Việt Nam” là nghĩa vụ quốc tế vinh quang của chiến sĩ cách mạng vô sản. Rút kinh nghiệm từ Pháp Thanh chiến tranh năm 1883-1885, xưởng đóng tàu Mã Vĩ, hạm đội Phúc Kiến bị hải quân Pháp tiêu diệt, trong diễn văn về tình hình thế giới và phản ứng Trung Quốc, ngày 17 tháng tám năm 1964. Mao đề xuất kiến thiết “phòng tuyến thứ ba”(三線建設“Tam Tuyến Kiến Thiết”, phòng tuyến thứ nhất và nhì là ở vùng Đông Bắc, và duyên hải). Để chống “Đế Quốc Mỹ xâm lược”, phải cấp bách xây dựng kỷ nghệ nặng ở sâu trong nội địa miền tây để đề phòng tấn công bởi Đệ Thất hạm đội và phản lực cơ Mỹ từ biển Đông. Phải cấp tốc hoàn thành hệ thống đường sắt chiến lược quân sự để giúp chiến trường Đông Dương (Kiến thiết phòng tuyến thứ ba, xây dựng kỷ nghệ nặng và ngoại giao bin-bong, bắt tay với Mỹ là 2 việc mà Mao đã cứu vãn nước Tàu) (16). Theo sách lược Mao Trạch Đông thì chiến tranh Đông Dương (Việt Nam) giới hạn ở miền Nam là nguồn nhiên liệu vô tận cho cách mạng liên tục ở Trung Quốc. Mao chủ trương không trực tiếp đương đầu quận đội Mỹ (hay quân đội Pháp trước đây) ở Việt Nam, không muốn đó là tiền đề cho chiến tranh lan tràn đến Hoa Lục, vì bài học Thanh -Pháp Chiến Tranh năm 1883-1885. Sự kiện Vịnh Bắc Việt, oanh tạc Bắc Việt là đe dọa an ninh cấp bách của Trung Quốc. Trung Quốc huy động toàn lực, toàn dân ủng hộ, giúp đở Việt Nam trong chiến tranh, vì cộng sản Bắc Việt không thể mất. Môi Việt Nam không thể mất để bảo vệ răng Trung Quốc. Sự kiện Vịnh Bắc Việt đã thay đổi toàn diện hạ tầng cơ cấu kinh tế Trung Quốc, từ nông nghiệp, kỹ nghệ nhẹ sang kỹ nghệ nặng thiên về quân sự. Công xưởng, nhà máy, kỹ nghệ từ duyên hải chuyển dời vô sâu trong nội địa.
Chiến dịch Rolling Thunders (Sấm Động) bắt đầu vào tháng 3 năm 1965 không lực Mỹ oanh tạc giới hạn phía dưới vĩ tuyến 19. Đầu tháng 4 năm 1965, Lê Duẫn và Võ Nguyên Giáp đến Bắc kinh cầu viện trợ. Tháng 5 năm 1965 Hồ Chí Minh lại bí mật đến Trung Quốc thảo luận thêm về viện trợ với Mao (16/5/1965) tại Trường Sa, Hồ Nam. Tựu trung Trung Quốc không đưa quân trực diện quân đội Mỹ ở miền Nam. Trung Quốc trách nhiệm trong chiến tranh là hậu cần, lương thực, vũ khí quân trang quân dụng cho bộ đội Bắc Việt, và chiến trường miền Nam. Nhiều sư đoàn chí nguyện quân Trung Quốc, có lúc lên tới 320.000 trong đó bao gồm không quân với phản lực cơ Mig, phòng không, công binh sửa chửa đường sắt, cầu đường, nhà kho bến cảng trạm xá… để bảo vệ miền Bắc (Chu Ân Lai: Viện trợ cho Việt Nam là nghĩa vụ quốc tế nhưng có lợi cho Trung Quốc: nên đẩy chiến tranh và đế quốc ra xa Trung Quốc hay để cho chúng nó áp sát bên cạnh? Đèn Cù, trang 119).
Mao, qua lịch sử Thanh-Pháp chiến tranh, không muốn trực tiếp đương đầu với Mỹ. Đưa quân đội Mỹ vào miền Nam, oanh tạc Bắc Việt là sai lầm chiến lược của TT Johnson. Mỹ trực tiếp tham gia vào chiến tranh Việt Nam là đe dọa an nguy của Trung Quốc. Leo thang chiến tranh, Mỹ đã giúp Mao thực hiện cách mạng vô sản ở Á châu, giúp Mao viện trợ tối đa cho Bắc Việt. Mỹ đã trực tiếp giúp Hô Chí Minh trong việc cầu viện Trung Quốc. Đã gián tiếp nuôi dưỡng bộ đội Bắc Việt. Sự hiện diện của lính Mỹ ở miền Nam đã giúp CS Bắc Việt hô hào nhân dân miền Bắc, tuyên truyền đánh Mỹ xâm lăng để giải phóng miền Nam. Sự có mặt của lính Mỹ ở miền Nam đã làm lu mờ đấu tranh chánh trị giửa tự do và cộng sản, mà thay vào đó màu sắc của đấu tranh chống ngoại bang.
Song song đó, sự kiện Vịnh Bắc Việt đã đưa tín nhiệm của TT Johnson từ 42% lên 72%, Ông thắng cử tổng thống tháng 11 năm đó 1964 với 61.1% số phiếu.
Ts Roger Hilsman là phụ tá ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông Vụ dưới thời TT Kennedy. Hilsman là một sĩ quan West Point dùng du kích chiến đánh quân Nhật ở Miến Điện trong thế chiến thứ hai. Ông còn là GS chánh trị bang giao quốc tế. Trong đề án “Một quan niệm chiến lược cho miền Nam Việt Nam, (A Strategic Concept for South Vietnam)” tường trình lên TT Kennedy, ông nhận định chiến tranh miền Nam lúc đó phải là đấu tranh chánh trị 9 xây dựng quốc gia, thể chế, kiến thiết miền Nam (nation building), ông chủ trương phải dùng chiến tranh chống du kích. Tiếc thay sau khi nhậm chức, TT Johnson đã sa thải Ts Hilsman (ông từ chối bổ nhậm đại sứ tại Philippines, từ chức để về dạy học ở trường Columbia U.). Johnson tin dùng McNamara, một sĩ quan không quân chuyên ngành thống kê chuyển sang ngành quản lý kinh doanh, giỏi hành chánh quản trị chớ không kinh nghiệm chiến tranh chánh trị và chiến lược. Mc Namara nguyên là chủ tịch hãng xe Ford. Đầu óc con buôn, nới rộng chiến tranh tuy hao tổn công khố Mỹ nhưng lợi nhuận cho tư bản kỷ nghệ quốc phòng 10. Ông vui vẽ khi quốc hội gọi chiến tranh Vietnam là “McNamara’s War”. Sau nầy trong hồi ký ông nhìn nhận chánh phủ Hoa kỳ đã phạm nhiều lỗi lầm về Việt Nam. Nhưng ông quên một lỗi lớn nhất của TT Johnson là không muốn nghe ý kiến đa diện cho giải pháp Việt Nam. TT Johnson sa thải William Averell Harriman (đưa đi làm đại sứ lưu động –không nhiệm sở -Ambassador-at-large), Michael Forresta và Rogers Hillman. TT Johnson đã chọn giải pháp chiến tranh cho miền Nam Việt Nam 11. Johnson cũng đã không nghe lời can của George W. Ball, thứ trưởng bộ ngoại giao, đưa quân Mỹ ồ ạt vào Việt Nam sẽ bị “sa lầy”.
Mỹ quyết định đưa quân vào miền Nam, nới rộng chiến tranh oanh tạc Bắc Việt phần nào đó là do tình hình miền Nam xấu dần. Tình trạng đó bắt nguồn từ chánh phủ Ngô Đình Diệm. Ông Diệm chống cộng chủ yếu dựa vào vũ trang, bắt bớ để củng cố chế độ chớ không chú trọng đến chánh trị, nhân tâm. Đảng Cần Lao Nhân Vị là tổ chức chánh trị nặng tình tôn giáo, dùng quyền hành để khủng bố chánh trị, phục vụ chế độ hơn là dùng tổ chức để đấu tranh chánh trị, dành chánh nghĩa. Điển hình là ông Hoàng Văn Chí không dám ký tên thật là tác giả “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc”, phải dùng bút hiệu Mạc Định là soạn giả, chỉ đề tên Hoàng Văn Chí là người đề tựa, vì có người thân cận ông Ngô Đình Diệm nghi ngờ dụng ý tác giả là sách động báo giới miền Nam. Sự cẩn thận đó thể hiện rỏ ràng là bộ thông tin của chánh phủ Ngô Đình Diệm năm 1959 không giúp mua một cuốn nào hết 12. Một tài liệu lịch sử quan trọng như vậy mà ông Ngô Đình Diệm, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu không biết lợi dụng cho đấu tranh chánh trị, truyền bá rộng rãi trong miền Nam để 18 người dân, nhất là học sinh, sinh viên và giới “trí thức” học được phần nào bộ mặt thật của cộng sản. Và sau này cuốn “From Colonialism to Communism”, (Từ Thực Dân Đến Cộng Sản), xuất bản ở Pháp 1964 cũng không được truyền bá sâu rộng ở miền Nam, tiếc thay.
Sau ngày sập trời 30/4/1975 Ts Nguyễn Ngọc Lan có hợp tác với chánh quyền Cộng Sản Việt Nam một thời gian qua tờ báo “Đứng Dậy”, sau khi sám hối, sáng mắt ông có viết “ Từ ngày thống nhất đất nước đến nay, những người cộng sản các anh đã suy thoái hoàn toàn trong quyền lực, đã trở nên đối lập hoàn toàn với cuộc sống của nhân dân, các anh đã trở thành chai sạn, không thể hiểu nổi lý do những người theo các anh bây giờ đã phải chống các anh.13” Có lẽ ông đã quá bận rộn đấu tranh để “xây dựng” nền tự do dân chủ cho chế độ cộng hoà miền Nam trong thời chiến trước năm 1975 nên ông đã lơi là không tìm hiểu chế độ mà ông ngưỡng mộ đó là miền Bắc xã hội chủ nghĩa lãnh đạo bởi đảng Lao Động Việt Nam. Ông không đọc bản cáo trạng “Những Sai Lầm Trong Cải Cách Ruộng Đất” mà Ts Nguyễn Mạnh Tường đọc trước Mặt trận Tổ quốc Hà Nội ngày 4 tháng 10 năm 1956 (có lẽ khi về nước 1964 ông đã không biết tới nó vì cán bộ CS nằm vùng đã đi lùng kiếm thu mua, đốt sạch hết “tàn dư văn hóa phản động” của nhóm “Nhân Văn-Giai Phẩm”-Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, như sau nầy họ đã tiêu hủy biết bao sách vở văn hóa phẩm miền Nam sau ngày sập trời 30 tháng 4 năm 1975 dưới cụm từ “quét sạch tàn dư văn hóa Mỹ Ngụy” một trong những người thừa hành là Lữ Phương (15). Nếu ông có đọc thì đã thấy bản chất những người mà ông đã đi theo đó sống trong một tổ chức đã bại hoại vì quyền lực, đã đứng ngược lại nguyện vọng của người dân từ trước năm 1956 chớ không chờ tới mãi sau năm 1975 mới thoái hóa. Trước năm 1975 ông chủ bút tờ Đối Diện để chất vấn nền tự do dân chủ miền Nam trong thời chiến. Sau 1975 ông “Đứng Dậy” làm người dân một nước độc lập, tự do, dân chủ trong thời bình nhưng rồi sau 3 năm ông phải ngồi xuống vì ông không còn cơ sở độc lập tự do dân chủ để đứng, nói chi tới việc đối diện, chất vấn như hồi xưa.
Trong thời “đổi mới”số phận chanh vắt cuối đời của ông đã may mắn nhiều, được chiếu cố “nhân đạo” nhiều so với thời còn bức màn sắt ở miền Bắc, số phận bị đào thải, khai trừ (“Excommunié”) khỏi xã hội của các trí thức như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Đào Duy Anh, Phan Khôi…
Cuộc đời của Ts Nguyễn Ngọc Lan là điển hình cho biết bao “trí thức”, học sinh, sinh viên Sàigòn đã u mê vô tình (hay đồng tình với cộng sản) góp phần làm suy sụp miền Nam tự do.
Tất cả khởi nguồn ở chánh phủ Ngô Đình Diệm đã không chú trọng đến đấu tranh chánh trị, phổ biến, giáo dục sâu rộng trong học đường và dân gian cái họa cộng sản với chứng nhân, lịch sử đang tiến hành ở miền Bắc và được ghi lại trong cuốn “Trăm Hoa Đua Nở trên Đất Bắc”.
Đảo chánh tháng 10 năm 1964 tại Nga, Khrushchev bị Brezhnev (nhân vật số 2 sau Khrushchev) lật đổ đã ảnh hưởng sâu đậm tới lịch sử, chánh trị ở Trung Quốc. Vài năm trước đó, kế hoạch kinh tế “Đại nhẩy vọt” (Đại dược tấn, 大躍進bắt đầu năm 1958) của Mao đã hoàn toàn thất bại, dồn dập với thiên tai đã gây chết chóc tới khoảng vài chục triệu dân. Để củng cố quyền lực, Mao đã thanh trừng Bành Đức Hoài ở hội nghị Lư Sơn năm 1959. Tuy nhiên thanh thế Mao, lãnh tụ vĩ đại đã bị lu mờ nhiều. Đầu thập niên 1960, quyền hạn Mao được chia xẻ với Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và Chu Ân Lai. Mao lo sợ biến động ở Nga, số phận của Khrushchev năm 1964 có thể là viễn ảnh của Mao sao này. Nhưng Mao đánh giá chiến tranh Việt Nam, tình hình thế giới chưa đủ động lực để ông khôi phục quyền hành tuyệt đối. Mao canh cánh trong lòng chờ cơ hội để loại trừ đối thủ với thủ đoạn chụp mũ “xét lại” để cũng cố quyền lực. Tháng 2 năm 1966, có phái đoàn đảng bộ Nhật đến thăm Trung Quốc và Việt Nam để cổ động “Mặt trận liên hiệp quốc gia đoàn kết chống đế quốc” do Liên Xô, Trung Quốc lãnh đạo. Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình đồng tình với việc Trung Quốc là thành viên. Mao Trạch Đông sau đó phủ nhận quyền đại biểu của Lưu và Đặng, vì ngôn ngữ của mặt trận không có cụm từ “chống Xét Lại”. Từ đó Mao kết án Lưu và Đặng đã thỏa hiệp với bọn xét lại Liên-Xô. Đến tháng 5 năm 1966 Mao chỉ đạo Giang Thanh và Lâm Bưu dấy động phong trào Đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản. Làm rối tung trật tự, đảo lộn an ninh xã hội, phá hủy vật chất văn hóa Trung Hoa, đưa địa vịMao ngang hàng với thần thánh, quyền hành hơn cả vua chúa. Mục đích của Mao là tạo ra đại loạn để mà thanh trừng. Mượn đấu tranh giai cấp để đàotận gốc tróc tận rễ, chụp mũ “phần tử xét lại” để tận diệt đối thủ. Trong cái đại loạn đó hầu hết lãnh đạo cao cấp, cùng với trăm vạn trí thức, bị kết án là phần tử xét lại, bị lăng nhục, đưa đi lao động cải tạo, tù đầy, sát hại. Trong đó có Đặng Tiểu Bình và Lưu Thiếu Kỳ. Riêng Lưu Thiếu Kỳ, nhân vật thứ 2 sau Mao, được Mao chiếu cố đặc biệt, chết dần trong ngục tháng 11 năm 1969 vì thiếu ăn thiếu thuốc. Mao diệt đi cái họa Brezhnev của Trung Quốc.
Tháng 8 năm 1968 sự kiện Sô Viết và khối Warsaw (gồm Đông Đức, Ba lan, Bulgaria và Hungary) xâm chiếm Tiệp Khắc (Czechoslovakia) cũng là mối lo của Mao. Mao lo ngại Sô Viết sẽ dùng Học Thuyết Brezhnev (Brezhnev Doctrine) để uy hiếp Trung Quốc, và can thiệp vào nội bộ các nước cộng sản, nhất là Romania và Albania là hai nước thân Trung Quốc. Mao lên án Sô Viết phạm tội ác xâm lăng.
Xung đột biên giới Nga-Hoa, bang giao Mỹ -Hoa và chiến tranh Việt Nam
Chiến tranh biên giới Nga-Trung Quốc bùng nổ ngày 2 tháng 3 năm 1969 (nhà nướcTrung Quốc cho đó là chiến tranh tự vệ “珍寶 島 自 衛 反 擊 戰 ”, Trân Bảo đảo tự vệ phản kích chiến ) mà Mao đã dàn dựng để dạy Sô Viết “bài học đắng cay”. Trận chiến mở đầu với phục kích từ Hồng quân Trung Quốc. Mao chủ trương để tự vệ tốt phải biết công kích chính xác, đúng chỗ đúng lúc. Từ đó mọi cuộc chiến biên giới với các nước láng giềng đều là tự vệ, dạy bài học cả. Hai tuần sau Brezhnev dạy lại Mao bài học về tội gây hấn với vũ khí tối tân, tối mật như xe tăng T-62, và BM-21 “Grad” rocket. Trận chiến biên giới sôi động đến nỗi Sô Viết phải đặt Lực Lượng Hỏa Tiển (Nguyên Tử) Chiến Lược vùng Viễn Đông (Strategic Rocket Forces in the Far East) trong tình trạng khẩn cấp. Chiến tranh dọc biên giới Nga-Hoa đã âm ỷ nhiều tháng hết nóng rồi lạnh. Nga nhiều lần cảnh cáo sẽ dùng vũ khí nguyên tử chiến thuật (tactical nuclear weapons) để ép Mao hòa đàm. Nhưng Mao cho Sô Viết là con cọp giấy, không quan tâm việc hòa đàm. Ngày 27 tháng 8 năm 1969, giám đốc tình báo Mỹ CIA Richard Helms cho báo chí hay Sô Viết có thông tin với chánh quyền cộng sản các nước Đông Âu, là sẽ đánh cơ sở chế bom nguyên tử của Trung Quốc. Trước đó ngày 18 tháng 8, Boris Davydov (KGB dưới áo ngoại giao) đệ nhị bí thư đại sứ quán Sô Viết tại Washington D.C. có gợi ý với ôngWilliam Stearman, nhân viên phòng tình báo và nghiên cứu (Bureau of Intelligence and Research (INR), bộ ngoại giao Hoa Kỳ, là thái độ Hoa Kỳ ra sao nếu Sô Viết tấn công tiêu hủy cơ sở nguyên tử Trung Quốc. E rằng im lặng là đồng thuận cho Sô Viết dùng võ khí nguyên tử tấn công Trung Quốc, Kissinger đã gợi ý TT Nixon ủy quyền ông đi yêu cầu bộ ngoại giao Mỹ thảo thông tư “xa lánh -bài bác-các báo cáo về kế hoạch của Sô Viết tấn công quân sự bất thần vào Cộng sản Trung Quốc” (deploring reports of a Sô Viết plan to make a preemptive military strike against Communist China). Sau ngày ông Richard Helms họp báo, Trung Quốc khẩn cấp chuẩn bị chiến tranh nguyên tử với Sô Viết. Trong đám ma ông Hồ Chí Minh ngày 6 tháng 9 năm 1969 thủ tướng Nga Kosygin nhờ Việt Nam chuyển thơ đề nghị hòa đàm với Trung Quốc. Trước đe dọa thảm họa nguyên tử Mao từ bỏ thái độ ngoan cố, chấp nhận hòa đàm (ngày 11/9/1969) tại phi trường Bắc Kinh. Sợ chuyến bay của Thủ tướng Kosygin là con 21 ngựa Trozan, chở đầy quân cảm tử (bài học ở phi trường thủ đô Tiệp Khắc tháng 8 năm 1968) với bom nguyên tử, Mao cho sơ tán phi trường thay thế với quân tinh nhuệ sẳn sàng tác chiến. Vài ngày sau khi Kosygin về nước, lãnh đạo Bắc Kinh lại báo động chuẩn bị chiến tranh, cho rằng chuyến đi của Kosygin là lập lại vai trò của đặc sứ Nhật yết kiến TT Roosevelt trước trận đánh úp Trân Châu Cảng (Pearl Harbor). Họ nghi ngờ Nga sẽ tấn công vào ngày quốc khánh mồng 1 tháng 10. Nhưng mọi việc không xẩy ra như tưởng tượng. Rồi họ cho Nga sẽ đánh úp ngày 19 tháng10 là ngày trước hôm hòa đàm giữa Kosyngin với Chu Ân Lai. Tất cả nói lên phần nào não trạng con người cộng sản Trung Quốc, đa mưu đa nghi, dù đã biết hỏa lực nguyên tử của Sô Viết không cần phải đánh úp để tiêu diệt hoàn toàn tiềm năng vũ khí hạch nhân của Trung Quốc. Thật ra Mỹ vừa cứu Trung Quốc khỏi cái tai kiếp thảm họa bom nguyên tử 16, 17. Không thể xử dụng vũ khí nguyên tử để giải quyết vấn đề biên giới với Trung Quốc, Kosyngin phải đến Bắc Kinh để hòa đàm..
Sau trận xung đột biên giới Tielieketi ở Tân Cương tháng 8 năm 1969 , Chen Yi (Trần Nghị) và Ye Jianying (Diệp Kiếm Anh) tường trình lên Mao tình hình biên giới đề nghị dùng lá bài Hoa Kỳ để kềm chế Sô Viết xử dụng võ khí nguyên tử. Diệp Kiếm Anh nhắc lại thời Tam Quốc chia ba chân vạc. Kế sách của Gia Cát Lượng là “Đông liên Tôn Ngô, Bắc cự Tào Ngụy” để nghị lên Mao tham khảo – nguyên văn: “ …Diệp sư thuyết “Ngụy, Thục, Ngô, tam quốc đĩnh lập, Gia Cát Lượng đích chiến lược phương châm thị – “Đông Liên Tôn Ngô, Bắc Cự Tào Ngụy”- khả dĩ tham khảo”…. (Ý nhắc chừng nước Tàu còn yếu như nước Thục trước họa diệt vong xâm lăng từ phương Bắc, Tào Tháo nước Ngụy, (so với Sô Viết), phải liên minh với Tôn Quyền, Đông Ngô (sánh với Hoa Kỳ ở phía Đông) –xin đọc “New Documentary Reveals Secret U.S….document 3”). Khổng Minh phải mạo hiểm sang Đông Ngô dùng tài trí mưu lược ba tấc lưởi khích Tôn Quyền vào thế liên minh để giải cái họa diệt vong. Sau trận Xích Bích, lại nhân cơ hội đoạt lấy Kinh Châu làm cơ sở chia ba thiên hạ. Diệp Kiếm Anh đề nghị một kế để đưa Trung Quốc khỏi họa chiến tranh nguyên tử. Trần Nghị lại đề nghị hội nghị với Mỹ ở bật cao hơn hàng bộ trưởng- đang tiến hành từ nhiều năm ở Warsaw- (nghĩa là hàng thủ tướng, chủ tịch tổng thống). Hai đề nghị nầy đã được Mao chuẩn thuận và đưa nước Tàu từ thế yếu (như nước Thục trước trân Xích Bích) tới một nước Trung Quốc hùng mạnh ngày nay, thực sự chia ba thiên hạ với Mỹ, Nga. Nhưng Chu Ân Lai không cần phải vất vả đến Washington, D.C. để đàm phán việc liên minh với Mỹ như Khổng Minh đã phải thân hành đến Sài Tang mà “thiệt chiến quần Ngô”, khích chí Tôn Quyền để thực hiện cái kế liên hoàn. 22
Tiếc thay TT Nixon đã không thấu rỏ nội tình Trung Quốc để lợi dụng khủng hoảng biên giới Nga -Hoa, Nixon không chơi con bài Sô Viết, đã không giữ trung lập trong tranh chấp, mà lại còn ve vãng, bảo vệ Trung Quốc để mong thiết lập bang giao mậu dịch sau nầy (Xin đọc thêm bài “Sino-Soviet-Us-relations-and-the-1969-nuclear-threat” để thêm khái quát về hiện trạng cộng sinh giữa hai nền kinh tế Mỹ-Trung Quốc, sau năm 1972 đến năm 2010.) Tự nguyện xa vào bẫy chiến lược của Mao, chạy chọt, móc nối, đi đêm (secret-channel) với Romania, Pakistan … để được đi Bắc kinh ngoại giao mậu dịch (Đủ nói lên trí tuệ một Kissinger, cố vấn tối cao cho TT Nixon – quyền hành lấn áp Ngoại trường William P. Rogers -).
Tệ hơn nửa, Kissinger đã lậu bí mật quân sự của Sô Viết ở biên giới Nga-Hoa, để được bang giao vớiTrung Quốc trong cuộc họp với Diệp Kiếm Anh ngày 23 tháng 2 năm 1972 tại Bắc kinh (Để tâng công với Diệp Kiếm Anh, Kissinger còn nói đó là tài liệu tuyệt mật ngay cả nhân viên tình báo cao cấp Mỹ cũng không biết, “As Kissinger pointed out, the briefing was so secret that not even senior U.S. intelligence officials knew about it” ( xin đọc “New Documentary Reveals Secret U.S….document 10”). Chính Diệp Kiếm Anh 4 năm trước (1969) đã đề nghị với Mao “Đông liên Tôn Ngô, Bắc cự Tào Ngụy” (chơi lá bài Mỹ, liên hiệp với Mỹ để chống Nga). Thì nay Kissinger mưu cầu bang giao vất vả đến Bắc Kinh hiến lực phục vụ cái thế chân vạc cho Trung Quốc.
Để bình thường hóa bang giao, vấn đề tiên quyết đối với Trung Quốc là Đài Loan. Mỹ đã bán Đài Loan một cách ngoạn mục để bang giao với Trung Quốc. Ngu xuẩn cho Nixon và Kissinger là đã trắng trợn chà đạp lên xương máu mấy trăm ngàn binh sỹ Hoa Kỳ chiến đấu cho tự do ở Việt Nam, đã tàn nhẩn phản bội mấy vạn lính Mỹ tử trận ở chiến trường Việt Nam. Học thuyết Nixon “Việt nam hóa chiến tranh Việt Nam” đã tự nó phá sản từ trong phôi cấu. Việt Nam hóa nhưng Nixon không có kế sách để ép Sô Viết và Trung Quốc cúp viện trợ cho Bắc Việt. Xung đột biên giới Nga-Hoa là cơ hội ngàn vàng cho Nixon thi hành kế sách ngoại giao chiến lược “détente” hay hòa hoãn, bỏ căng thẳng với Sô Viết, thiết lập bang giao với Trung Quốc và giải quyết chiến tranh Việt Nam trong công bình và nhân đạo. Nhưng tiếc thay chiến tranh Việt Nam, số phận của 20 triệu dân miền Nam Việt Nam, không nằm trong chiến lược hoàn cầu của Nixon. Nixon, Kissinger đã không xử dụng lá bài xung đột biên giới Nga-Hoa để ép Sô Viết và Trung Quốc ngưng viện trợ cho Bắc Việt (16), chấm dứt chiến tranh Việt Nam trong vinh dự và công bình như khẩu hiệu Nixon tranh cử tổng thống năm 1968 (Peace with honor). Một khi đã bang giao, buôn bán với Trung Quốc, thì học thuyết “Domino” (TT Eisenhower, 23 – 7/4/1954) không còn thiết thực nữa, miền Nam Việt Nam là gánh nặng không lợi lộc gì trong bài toán buôn bán của Kissinger. Để bang giao với Trung Quốc, Nixon, Kissinger đã bẻ gẫy gọng kềm chế Hoa Lục, đưa Trung Quốc vào ghế thường trực Liên Hiệp Quốc, thay thế Cộng Hòa Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), và Mỹ đơn phương rút quân khỏi miền Nam. Một hệ quả của bang giao Mỹ-Hoa là sự tan vở của khối SEATO, kéo theo đó là nguồn tài chánh cho y tế, giáo dục, văn hóa… Nhưng bỉ ổi hơn hết là Mỹ đã làm ngơ (hay thỏa thuận, chờ tài liệu Mỹ giải mật sẽ rỏ) để Trung Quốc thôn tính quần đảo Hoàng Sa (1/19/1974) từ tay hải quân Việt Nam Cộng Hòa, gián tiếp nối tay cho Trung Quốc xâm lăng, bành trướng xuống biển Đông Nam Á. Bành trướng xuống biển Đông Nam Á chỉ là thực thi chánh sách Mao Trạch Đông (xin đọc Tuyên bố -ngang ngược- của Trung Quốc ngày 4/9/1958 6) trong thời đại mới sau ngoại giao bóng bàn, thông thương với Mỹ, khi mà lý thuyết cộng sản, lá bài giải phóng dân tộc, khẩu hiệu chống Đế Quốc Mỹ không còn giá trị.
Lần nửa, Mao đã áp dụng tài tình binh pháp Tôn Tử, “cố binh tri bỉ tri kỉ, bách chiến bất đãi”. Lịch sử Trung Hoa cận đại qua các hòa ước bất bình đẳng với Tây Dương đã dạy Mao biết rỏ cái gì Nixon muốn đó là buôn bán với 1 tỷ dân Trung Quốc.
Nhưng ngược lại chánh phủ Hoa Kỳ dưới hai trào Johnson và Nixon đã lơi là văn hóa, lịch sử Trung Hoa, không hiểu Mao Trạch Đông. Nếu ai đó trong chánh quyền Mỹ bấy giờ có để tâm đến lời can của Cung Chi Kỳ, thấu triệt nguồn gốc chiến tranh Pháp-Thanh, và tìm hiểu tại sao Mao đã thỏa mãn với một nửa nước Việt Nam cộng sản trong Hiệp Định Genève… thì họ đã không đưa 500 ngàn quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam. Cộng Sản Bắc Việt không có chiêu bài đánh Mỹ cứu nước. Thiên hạ không có đại loạn để Mao thủ lợi, dùng chiến tranh thực hiện mộng bá quyền cộng sản. Thì miền Nam có thể đã không lọt vào tay cộng sản, một khi bức tường Bá Linh sụp đổ, khối cộng sản Đông Âu tan vỡ. Thì cái tuyên truyền của Cộng Sản Bắc Việt, giải phóng miền Nam, xây dựng xã hội cộng sản … tự nó phá sản. Đặc biệt nhất là chánh phủ Nixon đã không thấu rõ, không tận dụng tình cảnh nguy khốn của tập đoàn lãnh đạoTrung Quốc dưới cái đe dọa diệt vong trước áp lực vũ khí nguyên tử của Sô Viết để ép Trung Quốc (và Sô Viết) ngưng viện trợ cho Bắc Việt để có hòa bình trong công bình, nhân đạo cho 20 triệu dân miền Nam. Chánh quyền Nixon đã quá u mê, thiển cận. Họ hoàn toàn không biết dụng tâm của TrungQuốc. Chu Ân Lai không ép Lê Đức Thọ là vì Trung Quốc muốn Bắc Việt chiếm lấy miền Nam. Một Việt Nam thống nhất dưới chế độ CS Bắc Việt thì Trung Quốc mới thực hiện được mộng phát triển xuống biển Đông Nam Á 18. Kissinger đã không tìm hiểu hay phân tích bản tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc ngày 4-9-1958 (6). “…bất tri bỉ bất tri kỉ, mỗi chiến tất đãi”, Mỹ đã thất bại trong bang giao với Trung Quốc.
Trí tuệ của một chánh khách xôi thịt như Henry A. Kissinger, người thứ hai sau TT Nixon quyết định sách lược nước Mỹ bấy giờ , đi đấu tranh ngoại giao với Chu Ân Lai như lấy trứng chọi đá. Sánh gì với Mao Trạch Đông, gian hùng, xảo quyệt, mưu lược ngàn năm có một trong lịch sử Trung Quốc.
Đông Nam châu Á sau chiến tranh Việt Nam
Ôn cố tri tân. Thời điểm này các nước Đông Nam Á phải cấp bách liên minh, tổ chức một SEATO mới có thực lực, đồng tâm, sát cánh để đương đầu với một cường quốc Trung Quốc kinh tế tư bản nhưng độc tài đảng trị và nhiều tham vọng. Một quốc gia có dân tộc tính cao nhưng không dân chủ. Trung Hoa ngày nay trong thời hoàng kim cùa nó… không ai đọc lịch sử Trung Quốc mà không đề phòng (19). Tiếc thay các nước Đông Nam Á đang u mê, nhận cái lợi nhỏ hòa hoãn tạm bợ, buôn bán nhất thời với Trung Quốc mà không thấy cái họa lớn bị chèn ép mất mát sau này như các nước Yên, Sở, Tề thời chiến quốc, hòa hoản với Tần Vương Doanh Chính, để nước Tần rãnh tay thôn tính các nước gần: Hàn, Triệu, Ngụy. Các nước ASEAN ngày nay không đoàn kết sát cánh với Phi Luật Tân và Việt Nam đối đầu với Trung Quốc. Sau nầy tất phải tự mình sa vào cảnh diệt vong của các nước Sở, Yên, Tề thời Chiến Quốc. Trong thời đại mới, mất nước ở hình thức mới, mất vì lệ thuộc kinh tế, mất vì phải theo văn hóa Trung Cộng để mậu dịch, mất vì dân cử nước mình bị đồng tiền Trung Cộng khống chế…
Riêng Việt Nam thì lịch sử đã cho thấy là mỗi khi Trung Quốc phải đối diện với cường địch bên ngoài thì họ dùng Việt Nam làm phên dậu, lấy đất Việt làm chiến trường để bảo vệ lãnh thổ miền nam Trung Quốc. Việt Nam mà còn trong quỹ đạo Trung Quốc thì sẽ không tránh khỏi tai kiếp sau nầy. Một khi Trung Quốc quyết định thay đổi trật tự thế giới với Mỹ. Việc đầu tiên là Trung Quốc chiếm lấy Việt Nam, biến Việt Nam thành tiền đồn, pháo đài, hải đăng để khống chế biển Đông, đối chọi với hạm đội Mỹ. Từ Việt Nam với xa lộ, và đường sắt liên quốc, họ tiến chiếm Thái Lan, Miến Điện, Mã lai Á, kiểm soát eo biển Malacca, chận đứng hải quân Ấn Độ, Tây Âu, chiếm Nam Dương (Indonesia), và đe dọa Úc Châu… Hy vọng viễn ảnh chiến tranh như trên chỉ là hoang tưởng trong thời đại “cyber warfare”, và chiến tranh thị trường ngày nay. Nhưng thiết thực và cấp bách là Việt Nam phải biết đặt mình ra ngoài quỹ đạo Trung Quốc. Trong thế cục ngày nay, cái thế thiên hạ chia ba chân vạc chánh trị kinh tế đã hẳn hòi, con đường duy nhất để Việt Nam được trường tồn và phát triển là phải có bạn bè với cường quốc dân chủ. Việt Nam phải cấp bách theo chân vạc của khối dân chủ Âu Mỹ Nhật Úc… Để thực sự độc lập, trả lại tự do dân chủ cho dân Việt, để duy trì văn hóa Việt Nam vạn đại sau nầy.
Chánh quyền cộng sản Việt Nam ngày nay phải trung thực nhìn lại lịch sử, phải chấp nhận sai lầm của của Hồ Chí Minh, đảng Lao Động Việt Nam năm xưa, và đảng Cộng Sản Việt Nam ngày nay… Phải lấy bài học của hai nước Nam Hàn và Bắc Hàn ngày nay như kim chỉ nam cho sách lược quốc gia. Cái may của Đại Hàn Dân Quốc (hay là Cộng Hòa Hàn Quốc, the Republic of Korea) là vị thế đất nước họ không phải là đất dụng võ cho tham vọng Mao Trạch Đông. Bán đảo Hàn Quốc không thể là con đường bành trướng của chủ thuyết Mao Trạch Đông. Mao đã thỏa mãn với Bắc Hàn Cộng Sản làm trái độn bảo vệ miền đông bắc nước Tàu. Tiền đồn bảo vệ cho vùng đất chiến lược, bán đảo Liêu Đông. Bắc Hàn cũng không có lãnh tụ trung kiên với tư tưởng Mao Trạch Đông như Hồ Chí Minh, và Lê Duẩn. Nhờ vậy mà Nam Hàn đã có thời gian kiến thiết đất nước họ (chứng tỏ sách lược “Nation Building, Kiến thiết- chánh thể- quốc gia” của Hilsman là đúng) dưới chế độ tự do dân chủ. Và thành tựu đó như ngày nay chúng ta đã thấy, Nam Hàn, một cường quốc kinh tế, độc lập, tự do, dân chủ ở Á Châu.
Nhật Bản, Nam Hàn sở dĩ có được như ngày nay là phần nào do viện trợ to tát của nhân dân Hoa Kỳ trong chiến tranh lạnh, hy sinh lớn lao của quân đội Hoa Kỳ sau Thế Chiến Thứ Hai. Chánh quyền cộng sản Việt Nam phải sáng mắt sáng lòng để thấy rõ điều đó.
Năm 1866 Minh Trị Thiên Hoàng đã canh tân nước Nhật (Minh Trị Duy Tân 1866-; So sánh cùng hoàn cảnh đó, sau khi Pháp chiếm Hà Nội lần thứ hai, thì vua Tự Đức phái sứ đi cầu viện nhà Thanh năm 1882. Việc làm đó đã dẫn đến chiến tranh Pháp Hoa trên đất Bắc Kỳ). Thiên Hoàng Nhật đã cải cách, từng bước ra khỏi khuôn mẫu thiên triều Trung Quốc -nhà Thanh- mà độc lập canh tân đất nước mình theo thể chế quân chủ lập hiến, kinh tế tư bản Âu Tây. Nam Hàn sau 1953, trong chiến tranh lạnh đã cự tuyệt mọi quan hệ với Trung Quốc Cộng Sản (so sánh, Hồ Chí Minh và Lê Duẩn là đệ tử trung kiên của tư tưởng Mao Trạch Đông. Hồ Chí Minh cầu viện Mao Trạch Đông 1949,1957, 1962…; Lê Duẩn 1965…; Nguyễn Văn Linh, Hội Nghị Thành Đô 1990 (20) đã từng bước xây dựng Cộng Hòa Hàn Quốc trên cơ sở kinh tế tư bản, dân chủ lập hiến. Hai nước Nhật Bản và Nam Hàn đều có quan hệ văn hóa sâu đậm ngàn năm với Trung Quốc không khác gì Việt Nam. Nhưng họ đã tách rời khỏi vết xe Trung Quốc, không theo khuôn khổ cai trị, kinh tế của thiên triều nhà Thanh, hay của Cộng Sản Mao Trạch Đông sau nầy và Tập Cận Bình ngày nay,.. và họ đã thành công xây dựng quốc gia họ hùng cường dân chủ, tự do.
Đối với Việt Nam, bước ra ngoài quỹ đạo của Trung Quốc không gì khác hơn là từ bỏ mọi khuôn mẫu cai trị, phép tắc, pháp độ lấy từ Trung Quốc (21). Phải từ bỏ độc tài Cộng Sản đảng trị, phải từng bước trả lại dân chủ, tự do cho người dân, mà chuộc lại phần nào tội ác chiến tranh xâm chiếm miền Nam, và đã góp phần thực hiện tham vọng Mao Trạch Đông. Việt Nam phải khôn ngoan không cam tâm làm phên dậu, tiền đồn bảo vệ Trung quốc.
—————
CHÚ THÍCH
* Nguyên văn từ “Đêm Giữa Ban Ngày” Vũ Thư Hiên. Bản điện tử, trang 406 : “Chế Lan Viên lấy hứng thú từ một bài nói chuyện nội bộ của Lê Duẩn, trong đó Lê Duẩn nói ‘Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại…’
(1) Đài phát thanh đọc chiếu Vua Bảo Đại gởi quốc dân ngày 19 tháng 8 năm 1945 kêu gọi đoàn kết và vui lòng “làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.” Nắm ngay cơ hội đó Chánh Phủ Nhân DânCách Mạng Lâm Thời (chủ tịch là Hồ Chí Minh) gởi điện tín yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Bảo Đại thoái vị ngày 25 tháng 8 năm 1945, vui lòng làm công dân Vĩnh Thụy của một nước Việt Nam độc lập. Áp lực bên ngoài là Việt Minh, nhưng dàn dựng bên trong cái cục thoái vị là do Phạm Khắc Hòe, Đổng Lý Ngự Tiền Văn Phòng triều Nguyễn bấy giờ. Ông Hòe hết dùng lịch sử cách mạng Pháp 1789 (Cái chết của Louis XVI, hoàng hậu Marie Antoinette, 1793) để áp lực tinh thần vua Bảo Đại, lại dùng sấm ký ở Nghệ An “Đụn sơn phân giái (giới), Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sanh thánh” để chỉ ông Hồ, người Nam Đàn Nghệ An, là thánh nhân. Ý nhắc vua phải theo thiên ý để mà bảo toàn tánh mạng. Có lẽ “…Nam Đàn sanh thánh” là một trong những động cơ mà Nguyễn Tất Thành đã bán Cụ Phan Bội Châu cho Pháp, để dành lấy huyền thoại cho chính mình. Mong bô lão, dân cố cựu ở Nam Đàn Nghệ An cho biết thêm về gốc gác của câu sấm trên. Chớ còn Nguyễn Ái Quấc thì dân lão làng cố cựu trong Nam đều biết đó là tên của người miền Nam. Hồ Chí Minh, người Nghệ An, mà nhận mình là tác giả những văn bản chữ Pháp ký tên Nguyễn Ái Quấc thì chỉ lộ cái chân tướng tiếm xưng mà thôi.
(2) Riêng trong miền Nam mặt thật của chế độ Cộng Sản Việt Nam chỉ non một năm sau 1975 là đã hoàn toàn lộ chân tướng, và huyền thoại Hồ Chí Minh thì ai nấy đều biết đó chỉ là truyện huyễn hoặc vẽ rắn thêm chân bởi đảng Cộng Sản Việt Nam, và chính tay Hồ Chí Minh trá hình dưới tên Trần Dân Tiên. Khoảng năm 1976 thì dân miền Nam thường mách nhau đem hình ông Hồ về lộng kiếng (liệng cống). Chỉ khổ cán bộ miền Bắc không biết tiếng lái miền Nam là đồ rác rưởi thì lộng kiếng -liệng cống.
(3) Binh Pháp Tôn Tử: Phàm phép dùng binh… Không khó gì bằng quân tranh – dành lấy lợi thế (Mạc nan ư quân tranh-), cái khó đó là (quân tranh chi nan giả) là biến cong thành thẳng (dĩ vu vi trực ), lấy vạ thành lợi (dĩ hoạn vi lợi) …( Áp dụng Binh Pháp Tôn Tử của Trần Canh: Công đồn bót (ở Lạng Sơn, Cao Bằng) là chuyện khó, không nên làm (kì hạ công thành -công thành là hạ sách), nên phải ép quân Pháp sa vào tình cảnh phải bỏ đồn, hành quân xa để giải vây cho Đông Khê, mà sa vào phục binh của Việt Minh, biến cái khó công đồn , thành cái lợi phục kích (dĩ vu vi trực, dĩ hoạn vi lợi).
(4) Có lẽ chính Mao đã lợi dụng lịch sử đang diễn ra ở Bắc Việt, nhận thức được cái ấm ức dồn nén trong lòng trí thức, văn nghệ sĩ mà khơi dậy phong trào “xét lại” ở Trung Quốc để thanh trừng.
Tháng 3, 1955, Trần Dần và Tử Phác phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu (Theo Thụy Khê thì Trần Dần, tây học, không chịu ảnh hưởng của Hồ Phong, sau chuyến đi Trung Quốc 1954).
Tháng Giêng năm 1956 Hoàng Cầm và Lê Đạt cho xuất bản Giai Phẩm Mùa Xuân.
Tháng 2 năm 1956, Giai Phẩm mùa Xuân bị tịch thu. Lê Đạt bị bắt, kiểm thảo. Trần Dần, Tử Phác bị tù. Tố Hữu triệu tập đại hội tuyên huấn toàn quốc (miền Bắc) để đánh Giai Phẩm Mùa Xuân.
Mãi đến giửa tháng 3 năm 1956 đợt chót của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc mới về nước. Đoàn cố vấn quân sự chắc hẳn đã báo cáo tình hình chánh trị, xã hội đang diễn ra ở Hà Nội lên Mao.
Rồi cuối tháng 5, 1956 Mao khởi động “Bách hoa đề phóng, bách gia tranh minh” để dấy động nguồn tư tưởng “xét lại”.
(5) Chống lại lệnh triệu hồi sang Pháp của Quốc Trưởng Bảo Đại, Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho tổ chức trưng cầu dân ý và truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại ngày 23 tháng 10 năm 1955, (thắng với 98.2%, Bảo Đại được 1.1%, con số đủ nói lên hậu trường của vở kịch, và với cố vấn của Lansdale “Xanh bỏ giỏ đỏ bỏ bì”, màu xanh, phiếu bầu QT Bảo Đại, màu đỏ phiếu cho TT Ngô Đình Diệm). Hoàng Đế Bảo Đại năm xưa đã từng vui vẽ thảnh thơi thoái vị để làm công dân Vĩnh Thụy của một nước Việt Nam độc lập thì chiếc ghế quốc trưởng chắc ông cũng không thiết tha gì.
Daniel Grandclément: Ông Diệm đã “… đã lật lọng một cách hèn hạ, trâng tráo phản bội lời thề trung thành với ông, phế bỏ ông, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu và gian lận tịch biên tài sản, nhục mạ chửi rủa ông cay độc hơn báo chí kháng chiến năm 1949, lại còn giật dây hội đồng hoàng tộc truất bỏ cương vị Quốc trựởng và mọi tước hiệu của ông”.
Rất tiếc ông Diệm không chu toàn cho thân nhân Cựu Hoàng còn ở miền Nam. Dầu sao ông Diệm tuy không xuất thân khoa bảng, nhưng cũng là quan lại triều Nguyễn nhiều năm-(sau khi ra trường Hậu Bổ, Ông Diệm lần lược được bổ nhậm tri huyện, tri phủ, tuần vũ, rồi thượng thư. Đường hoạn lộ hanh thông như vậy, nhưng không xuất thân đại khoa, thì quả là hy hữu. Người ta cho rằng quan trường của ông Diệm là do Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài nâng đỡ)- và là thủ tướng cuối cùng của Quốc Gia Việt Nam. Là một “chí sĩ” lại sao không biết gì “ân vua lộc nước”, hay cái “ân tri ngộ” năm xưa vua Bảo Đại phong ông chức Thượng Thơ Bộ Lại, chỉ vì lời nhắn nhủ của lão thần Nguyễn Hữu Bài.
(6) Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Quốc có viết:
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc nay tuyên bố:
(i) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
(ii) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn bản, kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.
(iii) Nếu không có sự cho phép của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, tất cả máy bay ngoại quốc và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè ngoại quốc nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc
(iv) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
Ðài Loan và Penghu hiện còn bị cưỡng chiếm bởi Hoa Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Ðài Loan và Penghu đang chờ được chiếm lại. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoại quốc không nên xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc
(Bản dịch của Trung Tâm Dữ Kiện)
Chú thích: Quần đảo Tây Sa (tên tiếng Tàu Xisha) = Quần đảo Hoàng Sa = Paracel Islands Quần đảo Nam Sa (tên tiếng Tàu Nansha) = Quần đảo Trường Sa = Spratly Islands
Nguyên văn công hàm Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958
Thưa Đồng chí Tổng lý, Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố , ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc. Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa trên mặt bể. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng. Hà-nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958 PHẠM VĂN ĐỒNG Thủ tướng Chính Phủ Nước Việt-nam Dân chủ Cộng Hòa
Nguồn: http://conghambannuoc.tripod.com/
http://law.hku.hk/clsourcebook/10033.htm
(7) Trong ngày mừng chiến thắng 19 tháng 5 năm 1975, Lê Duẩn đã nói, “Đảng của chúng ta là một và là người lãnh đạo duy nhất đã tổ chức, kiểm soát và điều hành toàn bộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam ngay từ ngày đầu của cuộc cách mạng”
(8) Tại sao đảng Lao Động Việt Nam tiến hành cuộc xâm chiếm miền Nam, không gì ngắn gọn qua lời phát biểu của Lê Duẩn: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại” …“Cuộc cách mạng Việt Nam là để thực thi bổn phận và các cam kết quốc tế”. Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và đảng Lao Động Việt Nam đã dùng nhân dân miền Bắc và Việt Cộng miền Nam như đội lính đánh thuê cho chủ nghĩa cộng sản, dưới chiêu bài giải phóng miền Nam.
(9) Theo Hilsman thì chương trình Ấp Chiến Lược (Strategic hamlet) đã thất bại là do ông Nhu dựng lên ngay bên vùng Việt Cộng kiểm soát, để Việt cộng trà trộn vào phá hoại. Theo ông thì phải xây dựng ở vùng có an ninh rồi từ từ lan ra vùng xôi đậu, rồi tới bìa vùng VC kiểm soát, thực hiện như vết dầu loan để ép VC không đất cắm dùi. Nhưng có lẽ thất bại cũng do tình báo Bắc Việt đã vô tới thượng tầng lãnh đạo chương trình Ấp Chiến Lược, có thể là Phạm Ngọc Thảo, công giáo, thân thiết với Giám mục Ngô Đình Thục, hay Vũ Ngọc Nhạ, công giáo, tín cẩn của Giám mục Lê Hữu Từ, cả 2 ông Thảo và Nhạ đều được Ông Diệm, ông Nhu tín nhiệm (đó chỉ là suy luận, phải chờ tài liệu công bố từ chánh quyền Việt Nam).
TT Kennedy đã thiên về giãi pháp chánh trị cho tình hình Việt Nam, tiêu biểu cho đó là diễn văn của Hilsman đọc ở San Francisco ngày 13/12/1963, 2 tuần sau TT Kennedy bị ám sát. Có 4 điểm chánh sau đây, công nhận Mông Cổ, bãi bỏ hạn chế du lịch, dễ dãi việc hạn chế mậu dịch vớiTrung Quốc, và ủng hộ Trung Quốc có mặt trong hội đàm giải giới ở Geneva “Recognition of Mongolia, lifting of travel restrictions, easing of trade restrictions, and the inclusion of China in the Geneva disarmament talks” JCT.
(10) Hilsman nói về McNamara trong buổi phỏng vấn bởi Paige E. Mulhollan: “..And McNamara was again all gung-ho. McNamara’s whole history in this thing was, anytime there’s any crisis, starting off with a military type answer, buying whatever the JCS were recommending – coming in and very aggressive and dynamic in an NSC meeting and steamrollering opposition.”
(11) Trong chuyến viếng thăm Việt Nam tháng 5, 1961, phó TT Johnson đã hình tượng TT Diệm để so sánh với Thủ Tướng Anh Churchill (cả hai đều có thân hình bệ vệ, thiếu chiều cao, hút thuốc liền tay) trong buổi dạ tiệc với lời chúc rượu TT Ngô Đình Diệm “the Winston Churchill of Asia”. Khi ký giả Stanley Karnow chất vấn Johnson về sự so sánh, Johnson trả lời “Shit… Diệm’s the only boy we got out there”SK.
(12) Nguyên văn trích lại từ Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc, Thụy Khê:
“Hoàng Văn Chí, tức Mạc Định, soạn giả Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá xuất bản tại Sài Gòn, 1959, cho biết: “Ở Hà Nội ra đi đầu năm 1955, tôi đã hẹn với các bạn ở lại là hễ có dịp sẽ nói lên tiếng nói của họ”, “Tôi làm việc một mình”, “Tôi liên lạc được với một ủy viên trong Ủy ban kiểm soát đình chiến. Họ đi Hà Nội như đi chợ. Mỗi tuần họ cắp về Sài Gòn cho tôi tất cả báo chí xuất bản ở Hà Nội”, “Tôi làm việc trong hai năm 56-58″. “Bộ Thông tin và nói chung, chính quyền Sài Gòn không hề giúp. Lý Trung Dung đến chào Bộ Thông tin, yêu cầu mua cho một số, nhưng chẳng mua một cuốn nào”. “Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá ở Việt Nam là một chi nhánh của một tổ chức quốc tế, tên là Congress for Cultural Freedom, trụ sở trung ương ở 104 boulevard Haussmann, Paris. Bác sĩ Lý Trung Dung làm chủ tịch. Tội nghiệp, chỉ vì làm chủ tịch Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá mà phải đi cải tạo đến nay (1986) chưa được thả”. “Trước khi đưa in, Lý Trung Dung nghe nói có người gần ông Diệm ngờ rằng tôi soạn cuốn Trăm hoa đua nở là có ý xúi dục trí thức miền Nam bắt chước trí thức miền Bắc nổi lên chống lại chế độ. Vì vậy nên Lý Trung Dung bàn với tôi nên để bút hiệu Mạc Định là soạn giả. Chỉ ký tên Hoàng Văn Chí vào bài Tựa” (Trích Phỏng vấn cụ Hoàng Văn Chí, Từ Nguyên thực hiện, bán nguyệt san Tự Do số 50, ngày 16 tháng 11 năm 1986, phát hành tại Bỉ) TK.
(13) Nêu lên đây với sự dè dặt. Tôi chưa có dịp đọc nguyên văn từ nguyên bản, mà chỉ trích lại từ 1 bài viết đăng trên Talawas.org
(14) Theo Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc xuất bản 1959, bản điện tử Talawas, thì ngày 4 tháng 10 năm 1956. Theo Thụy Khê: Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc xuất bản gần đây thì là ngày 30 tháng 10 năm 1956
(15) Văn hóa miền Nam còn bị đánh lần nữa cũng chính do Lữ Phương, đảng viên đảng Lao Động, sống trong Nam, Thứ trưởng Thông tin Văn hóa Chánh Phủ Lâm Thời. Lần nầy Lữ Phương chủ động, tác gỉả cuốn “Cuộc Xâm Lăng về Văn Hoá và Tư Tưởng của Đế Quốc Mỹ tại Miền Nam Việt Nam” Nhà xuất bản Văn Hoá, Hà Nội 1981 (?). Tôi chưa hề đọc qua cuốn sách nầy. Nhắc lên đây vì đề cập đến chánh sách tiêu hủy “quét sạch tàn dư văn hóa Mỹ Ngụy”. Chánh sách hủy diệt nầy đã kéo dài nhiền năm, chớ không tự phát nong nổi nhất thời trong cái “ồn ào” sau ngày 30/4/1975, như Lữ Phương đã phân trần, mà nó phát xuất từ lãnh đạo, rồi thực hiện, đến tuyên truyền, củng cố học tập… ( tuyên truyền, học tập sách do Thứ trưởng Thông Tin Lữ Phương viết)
(16) Trong mục American Experience trên đài truyền hình PBS phát hình chương trình “Nixon’s China Game” năm 1999. Tướng Alexander Haig, cố vấn an ninh quốc gia chánh phủ Nixon, trong phỏng vấn có nói như sau:
“… The conclusion was at first there would be a very strong chance that the Chinese side would reject any overtures in the first instance…” (Khi đề cập đến khả năng Mao Trạch Đông không chấp nhận tiếp xúc với chánh quyền Hoa Kỳ đề bình thuờng hóa bang giao)
“…Now it was rejected by President Nixon, Kissinger, and myself as a very foolish way upon which to build a relationship with the largest population in the world, and that is to make them a ploy or a card in a three partner game. …” (Loại bỏ lá bài Sô Viết, hay Trung Quốc trong ván cờ tay ba, để xây dưng quan hệ với Trung Quốc)
“. ..That was the criticality of the United States having normal relations with what will soon be, some years later, probably the largest economic bloc in the world. So that was the basis upon which we justified the initiative. …” (Cho thấy mục đích của bang giao là giá trị kinh tế của 1 tỉ dân Trung Quốc)
“… Never was there any thought of condoning a castrating strike against China. We sent back at a fairly high level a very strong message to the Soviet that an attack on China would be considered an attack on us, and that this was simply not an acceptable outcome.” (Tiết lộ việc Nixon đã cứu Trung Quốc khỏi họa chiến tranh nguyên tử)
(17) Gần đây Andrew Osborn và Peter Foster, trong bài “USSR planned nuclear attack on china in 1969,” trên Telegraph.co.uk, ngày 13 tháng 5 năm 2010, có viết:
“He (Liu Chenshan) said Soviet diplomats warned Washington of Moscow’s plans “to wipe out the Chinese threat and get rid of this modern adventurer,” with a nuclear strike, asking the US to remain neutral. But, he (Liu Chenshan) says, Washington told Moscow the United States would not stand idly by but launch its own nuclear attack against the Soviet Union if it attacked China, loosing nuclear missiles at 130 Soviet cities. The threat worked, he added, and made Moscow think twice, while forcing the two countries to regulate their border dispute at the negotiating table.
http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/asia/china/7720461/USSR-planned-nuclear-attack-on-China-in-1969.html
(18) Mao Trạch Đông đã toan tính, mưu mô một nước Việt Nam cộng sản như mượn đường nước Ngu để tiến lấy biển Đông Nam Á (nước Quấc). Dùng mưu để thắng, chiếm lấy nước người là thượng sách “cố thượng binh phạt mưu, kì thứ phạt giao, kì thứ phạt binh, kì hạ công thành “. Trung Quốc bầy ra cái cục lãnh hải vùng biển Đông Nam Á (tuyên bố ngày 4-9-1958). Lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt mắc bẫy liền ngay sau đó, tự nguyên dâng đảo dâng biển (công hàm PVĐ ngày 14-9-1958). Ngay lúc miền Nam vừa mới bị Mỹ bỏ rơi, Trung Quốc vội vã xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa để bước chân vào biển Đông Nam Á. Chánh quyền Cộng Sản Bắc Việt không phản đối y như tiên liệu của Trung Quốc. Khi làm chủ biển Đông thì món quà Việt Nam sẽ “bất chiến nhi thắng” TTBP. Quả thật Hồ Chí Minh đã không có tác phong, đạo đức, cũng không có tư tưởng, tầm nhìn của lãnh tụ, trí tuệ thua xa Mao và Chu.
(19) Dân tộc Hán khởi nguồn từ vùng đất phía bắc sông Hoàng Hà tương ứng với Thiểm Tây ngày nay. Văn minh phát triển ở vùng Hà Nam (tỉnh phía nam sông Hoàng Hà), mà người Hoa thường gọi vùng đó là Trung Nguyên. Trong lịch sử phát triển người Hán gọi các dân tộc khác cùng thời ở chung quanh mình là Man 蠻Di 夷Nhung 戎Địch 狄. Man (phía nam: người Sở, Bách Việt), Di (phía đông như Hoài Di, nước Ngô thời Xuân Thu…), Nhung (phía tây như người Tây Hạ, Thổ Phồn…) Địch (phía bắc như người Liêu, Kim, Mông Cổ).
Trong bài Đằng Vương Các Tự 滕王閣序, Vương Bột – 王勃 (649 – 675) có nhắc đến Man để chỉ người Sở và Âu Việt: “Khâm tam giang nhi đới ngũ hồ, khống Man Kinh 蠻荊 nhi dẫn Âu Việt 甌越” (襟三江而帶五湖,控蠻荊而引甌越). Man Kinh, chỉ người nước Sở; Âu Việt, chỉ dân nước Việt của Câu Tiển thời Chiến Quốc.
Ngày nay dân Trung Quốc bao gồm 5 tộc lớn hoàn toàn khác nhau về nguồn gốc, văn hóa, phong tục, ngôn ngữ, và chử viết đó là tộc Hán, và các dân tộc mà khi xưa người Hán gọi là rợ (Man Di Nhung Địch) như Mãn, Mông, Tạng (Tibet), Hồi (Turkestan), và những tộc đã đồng hóa như Nam Việt, Mân Việt, Sở (Kinh), Ngô (Hoài Di), Việt (Âu Việt). Trong lịch sử Trung Quốc đã sát nhập các nước Sở, Ngô, Việt thời Chiến Quốc, Nam Việt (bao gồm Mân Việt) thời nhà Tây Hán, vùng đất Ba Thục thời Tam Quốc, vương quốc Tây Hạ, Đại Lý vào thời nhà Nguyên, Tây Tạng, Mãn Châu và vùng đất Cam Túc, Tân Cương (Turkistan) thời nhà Thanh. Ngày nay người Tàu ở các tỉnh miền nam như Quảng Đông, Phúc Kiến (Nam Việt Mân Việt) …tự nhận mình là người Đường, trong khi người Tàu sống ở miến bắc tự nhận mình là người Hán. Đó cũng dễ hiểu thôi, người Hoa Nam không thể tự nhận mình là người Hán khi chính đất nước họ (Nam Việt của Triệu Đà) bị người Tây Hán xâm chiếm. Theo Trịnh Hoài Đức, trong “Gia Định Thành Thông Chí” thì người Hoa Nam tự nhận mình là người Đường là do theo họ Đường Ngu (唐 虞 Đường họ vua Nghiêu, Ngu họ vua Thuấn). Tôi xin không đồng ý ở đây, vì dân Hoa Nam thuộc dòng Bách Việt không liên hệ với vua Nghiêu, Thuấn của người Hán. Mà người Hoa Nam nhận là người Đường vì họ lấy đền văn minh rực rỡ thời nhà Đường làm hảnh diên và tự nhận là người Đường. Gần 9 thế kỷ bị người Hán phương Bắc đồng hóa họ vẫn cay cú không nhận mình là người Hán. Vua Nam Việt Triệu Đà là người Hán nhưng dân Nam Việt không phải là người Hán. Ở Mỹ các thành phố lớn như San Francisco, New York, Philadelphia… cộng đồng người Hoa (đến Mỹ hồi cuối thế kỷ 19 từ Hoa Nam, Quảng Đông) có phố Tàu gọi là Đường Nhân nhai 唐人街(Phố người Đường). Hoa kiều ở miền Nam và các nước Đông Nam Á, thường nhắc đến Đường Sơn 唐山 để chỉ quê cha đất tổ của mình ở Quảng Đông, Phúc Kiến. Chắc bạn đọc còn nhớ bộ phim “Đường Sơn Đại Huynh” do Lý Tiểu Long đóng năm xưa. Cũng như người Tây Tạng, người Turks sẽ không bao giờ tự nhận mình là người Hán Trung Quốc.
Theo định nghĩa Trung Quốc ngày nay thực sự là một liên bang đế quốc. Và Đế Quốc Trung Quốc hiện tại không ngừng bành trướng, nó đang tiến xuống biển Đông, xâm chiếm các hải đảo, lãnh hải thuộc chủ quyền các nước Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia. Đó cũng chưa phải mục đích tối hậu. Mục đích tối hậu là thực hiện một Trung Quốc thực sự (cái rốn) của thế giới trong thế kỷ tới. Khi trật tự thế giới phải thay đổi chỉ vì tầm nhìn, dã tâm tham vọng của một chế độ độc tài thì phải có chiến tranh. Trật tự đó đã và đang được Trung Quốc thay đổi ở tầm mức nho nhỏ qua chiến tranh biên giới với Nga, Ấn, Việt Nam và biển Đông (Nhật Bản), biển Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines và các nước Đông Nam Á). Sau này Trung Quốc khi đủ điều kiện sẽ tranh chấp trực diện với Mỹ để thay đổi trật tự thế giới.
(20) Trong lịch sử Đại Việt, cầu viện thiên triều phương Bắc để bảo vệ quyền lợi ngôi vua của mình trước đã có Trần Ích Tắc, Lê Duy Kỳ, sau nầy thì có Hồ Chí Minh, Lê Duẩn dưới danh nghĩa đánh Đế Quốc Mỹ xâm lược, gần đây lại thêm Nguyễn Văn Linh (Hội Nghị Thành Đô) để bảo vệ quyền lợi đảng Cộng Sản Việt Nam.
(21) Trung Quốc là một đế quốc liên bang rộng lớn bao gồm nhiều dân tộc, có phong tục tiếng nói … khác nhau (chú thích 19). Chữ viết thống nhất là thành quả của tiến trình lịch sử ngàn năm thôn tính và đồng hóa các tộc lân cận. Nhà nước Trung Quốc cần phải có một nguồn máy hành pháp mạnh mẽ để cai trị, và duy trì trật tự an ninh trên cả nước Trung Hoa rộng lớn trong giai đoạn chuyển tiếp đến chế độ tự do dân chủ. Lịch sử Trung Quốc qua ngàn năm đã cho thấy một khi chánh quyền trung ương suy yếu thì loạn lạc, cướp bóc, sứ quân trổi dậy xưng hùng xưng bá. Bài học lịch sử gần đây nhất là khoảng thời gian sau Cách Mạng Tân Hợi còn đó. Chánh quyền Trung Hoa Dân Quốc không đủ thực lực để duy trì an ninh trật tự địa phương, tạo ra cướp bóc, loạn lạc, kiêu binh rồi sinh ra nạn quân phiệt, tướng lãnh, đảng cướp hùng cứ một phương. Chánh quyền địa phương đã yếu lại yếu thêm. Đảng Cộng Sản Trung Quốc của Mao Trạch Đông từ đó mà manh nha, và lớn mạnh trong loạn lạc chiến tranh rồi tranh dành thiên hạ với quân đội Dân Quốc. Để tránh loạn lạc cướp bóc là lý do mà lịch sử, và xã hội Hoa Lục này nay còn chấp nhận chánh quyền cộng sản độc tài toàn trị ở Trung Quốc.
Hoàn cảnh đất nước Việt Nam hoàn toàn khác hẳn với Trung Quốc. Việt Nam đất không rộng. Từ Bắc chí Nam người dân nói một thứ tiếng, dùng một chữ viết, cùng chung phong tục tập quán, tuy phương ngữ, thổ tục mỗi vùng có khác nhưng đó là phong phú của văn hóa, bước tiến của văn minh. Nó không là dị tục do dị biệt dân tộc. Lịch sử và xã hội không cho phép chánh quyền Việt Nam ngày nay rập khuôn Trung Quốc, lấy mực thước từ Bắc Kinh để thiểu số đảng viên Cộng Sản Việt Nam cai trị, khũng bố, bóc lột trăm triệu dân Việt.
Trịnh Quốc Thuận, Ph.D.
-
-Tàu ngầm Kilo do Nga sản xuất. Loại tàu ngầm này được ví von là “hố đen trong đại dương” vì rất khó phát giác khi chúng di chuyển bên dưới mặt nước. (Hình: RIA Novesti)
-Lãnh đạo Việt Nam năm 2015 và ba đại ca
Nguyễn Giang – BBCVietnamese.com 31 tháng 12 2014
-Việt – Trung và sự thiếu vắng niềm tin
December 29, 2014 Tiến sĩ Katherine Tseng
Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam đi kèm một loạt vấn đề phức tạp, vượt ra ngoài tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa. Tuy vậy, chúng gắn kết với nhau đủ chặt để một biến đổi nhỏ chỗ này cũng sẽ tạo ra hiệu ứng lan truyền ở chỗ khác.
Nói ngắn gọn, thiếu vắng niềm tin là yếu tố lớn đằng sau mối quan hệ này. Việt Nam đối diện thách thức kép: bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong lúc quan hệ với Trung Quốc xấu đi. Thách thức đầu tiên có thể khiến Hà Nội mất uy tín chính trị, còn thách thức sau có thể tạo ra bất ổn cho sự phát triển chung của Việt Nam.
‘Thoát Trung’ về kinh tế?
Thời gian qua, quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng quan trọng, không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn giúp Đảng Cộng sản cầm quyền kiểm soát chính trị.
Sau khi gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam áp dụng chính sách kinh tế tự do hơn. Nhưng từ 2008, kinh tế Việt Nam bị khó khăn vì lạm phát cao và tăng trưởng thấp.
Như thường xảy ra cho các nền kinh tế đang phát triển khi gia nhập kinh tế toàn cầu, khủng hoảng của Việt Nam khởi đầu do cơn sốt vốn đầu tư nước ngoài dẫn tới việc cho vay vô tội vạ, kéo theo là lạm phát nặng nề. Chính phủ buộc phải giảm chi tiêu từ đầu năm 2011. Nay khó vay vốn hơn, các doanh nghiệp phải đi đòi nợ khách hàng hoặc trả tiền lãi.
Tham vọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, muốn đẩy doanh nghiệp nhà nước đi theo con đường của các tập đoàn Hàn Quốc, cũng thất bại.
Doanh nghiệp nhà nước Việt Nam đi vào các lãnh vực mà họ không mấy hiểu biết, khiến họ nợ đầm đìa. Kết quả là những ngân hàng cho doanh nghiệp nhà nước vay phải ôm các cục nợ xấu, mà theo thống kê hồi tháng Năm 2013, chiếm đến 15% tổng tiền cho vay.
Để đối phó nợ gia tăng, vào năm 2012, biện pháp táo bạo nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát (có lúc lên đến 28%) đã khiến tăng trưởng kinh tế thấp xuống như hồi đầu thập niên 1990.
Khó khăn lại càng chồng chất vì vấn nạn tham nhũng, khiến Việt Nam trở nên không hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài và có thể gặp bất ổn xã hội. Niềm tin vào khả năng lèo lái kinh tế của Đảng bị sa sút nghiêm trọng
TS Trịnh Quốc Thuận
Đã gần 40 năm sau ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản. Toàn quốc thống nhất, bị cai trị dưới chánh quyền độc tài của đảng Cộng Sản Việt Nam. Mỗi năm cứ đến ngày 30 tháng 4 là họ ồn ào kỷ niệm ngày vui đại thắng, ngày giải phóng miền Nam. Họ rầm rộ tuyên dương chiến thắng mùa xuân đánh cho Mỹ cút, đánh Ngụy nhào… Họ hô hào, rêu rao lại khẩu hiệu đánh “Đế Quốc Mỹ”, đánh “giặc Mỹ xâm lược” cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa…
Nhưng chánh quyền Cộng Sản Việt Nam đã trơ trẽn lờ đi lời nói của Lê Duẩn: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc…” (*)
Xin mời bạn đọc cùng tôi nhìn lại lịch sử, xem qua bản chất của chiến tranh Việt Nam mà Cộng Sản Bắc Việt hô hào, tuyên truyền là chiến tranh giải phóng miền Nam, đánh Đế Quốc Mỹ xâm lược để thống nhất đất nước …
Trinh Quốc Thuận, Ph.D.
*
Thành ngữ “Môi Mất Răng Lạnh” có nguồn gốc ở văn hóa cổ đại Trung Hoa từ “Thần Vong Xỉ Hàn” 唇 亡 齒 寒.
Qua ngàn năm lịch sử, văn hóa Trung Hoa du nhập vào Việt Nam đã mang đến với chúng ta câu tục ngữ quen thuộc “Môi Hở Răng Lạnh”. Nghe qua đẹp đẽ hiền lành như “bầu ơi thương lấy bí cùng” hay chan chứa tình thương đồng bào như “lá lành đùm lá rách.…nhiễu điều phủ lấy giá gương…” Nhưng câu “Môi Hở Răng Lạnh” đó có từ câu“Thần Vong Xỉ Hàn” khởi nguồn từ bài học hai nước Quắc, Ngu, đã gắn liền với chiến tranh, tang thương và đổ nát, đã mang chiến tranh đến đất nước Việt Nam: chiến tranh Pháp-Thanh trên đất Bắc Kỳ ở thế kỷ 19, và chiến tranh Việt Nam sau nầy ở thế kỷ 20.
Môi Hở Răng Lạnh hay “Thần Vong Xỉ Hàn” (môi mất răng lạnh) – Nước Quắc mất nước Ngu cũng không tồn
Theo Tả Truyện, Hi Công ngũ niên, thì vào thời Xuân Thu bên Tàu Tấn Hiến Công (năm 654 TC) muốn thôn tính nước Quắc nhỏ giáp ranh xứ mình mới hỏi kế sách các cận thần. Tuân Tức bèn tâu: “Ta nên mượn đường nước Ngu đánh úp bất ngờ nước Quắc. Quốc vương nước Ngu là người thiển cận, ham lợi nhỏ, xin chúa công chỉ cần tặng hắn ngọc đẹp với ngựa báu thì hắn sẽ vui cho mượn đường”. Thấy Hiến Công còn do dự vì hai báu vật đó Tấn Hiến Công rất trân quí, Tuân Tức liền nói: “ Thế hình hai nước Ngu, Quắc như môi với răng tương trợ, chiếm xong nước Quắc, thì nước Ngu sẽ không tồn tại bao lâu. Hai thứ bảo vât đó chỉ tạm thời gởi ở nước Ngu mà thôi”.
Hiến Công bèn mang ngọc báu với tuấn mã đem tặng Ngu Công để mượn đường đánh Quắc. Vua nước Ngu thấy được hai báu vật đó lòng cả mừng nhận lấy, cho nước Tấn mượn đường đánh nước Quắc. Đại thần Cung Chi Kỳ cực lực can gián: “Lời rằng, thần vong xỉ hàn (môi mất răng lạnh), đó thật là thế hình hai nước Ngu và Quắc ngày nay, lỡ mà nước Quắc mất đi thì nước Ngu sẽ không còn. Không nên cho mượn đường đánh Quắc, việc nầy hệ trọng, xin chúa công xét lại”. Ham lợi tối mắt, vua Ngu không nghe lời ngay. Cho Tấn mượn đường, còn hứa sẽ không cử binh giúp nước Quắc.
Cung Chi Kỳ lặng lẽ dọn nhà trốn khỏi nước Ngu. Trước khi đi có nói lại: “Trong vòng một năm nước Ngu diệt vong”. Quả thật sau khi diệt xong nước Quắc, Tấn Hiến Công thôn tính luôn nước Ngu, thâu lại ngọc quí với tuấn mã.
Đó là Giả Đạo Phạt Quắc (假道伐虢), một trong 36 kế dùng trong cổ đại binh lược Trung Quốc, mà Tuân Tức bầy ra để Tấn Hiến Công là người dùng đầu tiên.
Mất nước, vua Ngu ân hận không nghe lời can của Cung Chi Kỳ: Thần vong xỉ hàn (môi mất răng lạnh) là thế hình hai nước Quắc Ngu. Không thể để mất nước Quắc, mà nước Ngu tồn tại được.
Thành ngữ “Thần Vong Xỉ Hàn” có lẽ khởi nguồn từ đó.
Thần Vong Xỉ Hàn Thanh triều can thiệp vào Bắc Kỳ và chiến tranh Pháp-Trung
Năm 1862 nhà Nguyễn bị ép phải ký hòa ước Nhâm Tuất nhượng ba tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp. Đến năm Đinh Mão 1867 (Tự Đức 20) thì mất luôn ba tỉnh miền Tây và Nam Kỳ hoàn toàn thuộc Pháp. Năm Quí Dậu 1873 Pháp đánh chiếm thành Hà Nội. Lão tướng Nguyễn Tri Phương bị thương, từ chối thuốc men, tuẩn tiết trên tàu Pháp. Năm 1874, triều đình Huế ký hòa ước Giáp Tuất, trong đó có điều nước Đại Nam độc lập (không thần phục nhà Thanh). Khi cần dẹp giăc cướp (chủ ý nói giặc cờ Đen) thì nước Pháp sẽ trợ giúp. Năm Nhâm Ngọ 1882, quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ hai. Hoàng Diệu tự ải tuẩn tiết với thành.
Bác bỏ đòi hỏi ngang ngược của đại tá Henri Rivière, vua Tự Đức phái ông Phan Thận Duật sang Thiên Tân cầu cứu với nhà Thanh 1882. Thật ra triều đình Huế vẩn thường sai sứ sang Tàu (các năm 1876, 1880) dù đã ký hòa ước Giáp Tuất 1874 với Pháp không còn thần phục nhà Thanh. Năm 1881 sứ Tàu có đến Huế, mục đích để biết thêm hiện tình nước Nam.
Việc đó đã nói lên cái u mê, tăm tối với thời cục của triều đình quan lại nhà Nguyễn. Nước Tàu lúc đó cũng rối ren không thua gì nước Nam (bị ép phải ký các điều ước năm 1842, 1843, 1844, 1858, 1860, 1861, 1876 bởi nhiều nước như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nga và Phổ- Prussia, tiền thân của nước Đức ngày nay-). Tự mình không cứu nổi mình thì nhà Thanh còn giúp được ai?
Bị ám ảnh bởi bài học hai nước Quắc, Ngu, triều đình Mãn Thanh sợ mất Bắc kỳ, quân Pháp sẽ dùng đó làm hậu phương, bàn đạp để thôn tính Vân Nam qua ngã Lào Cai, sông Hồng, và Quảng Tây qua Lạng Sơn, Cao Bằng. Nên năm 1882 Thanh triều truyền quan Bố Chánh Vân Nam Đường Quýnh Súy và Tạ Kính Bưu, mang quân vượt biên giới tràn sang Bắc Kỳ, đóng ở Bắc Ninh và ở Sơn Tây. Quan bố chính Quảng Tây là Từ Diên Húc đem quân yểm trợ và phối hợp với lực lượng quân cờ Đen ở Bắc kỳ, án binh bất động, chờ Lý Hồng Chương điều đình với đại sứ Pháp Bourée (sau này với Đại Tá Fournier). Lý Hồng Chương chủ hòa, ông cho rằng nhà Thanh lúc đó binh yếu lương thiếu, duyên phòng trống rỗng. Ông cảnh cáo phe chủ chiến rằng thấy nguy phải thoái trước, để mà bảo toàn đại cục ( “兵單 餉 匱” binh đơn hướng quỹ, “海防 空 虛 hải phòng không hư, “遇險 而 自 退” ngộ hiểm nhi tự thối ,”和好 大 局” hòa hảo đại cục.) Bởi vậy khi Hoàng Kế Viêm điều đình với quân Cờ Đen tấn công quân Pháp, Lưu Vĩnh Phúc đã từ chối. Lúc nầy Lưu Vĩnh Phúc đã là tướng của nhà Thanh, sau khi giết Hoàng Sùng Anh (1875) là dư đảng của Ngô Côn, thủ lãnh quân Cờ Vàng, Lưu được Thanh triều chiêu an, trọng dụng. Lưu Vĩnh Phúc, thủ lãnh giăc Khách quân Cờ Đen vốn là dư đảng Thái Bình Thiên Quốc bên Tàu. Ông đã có mặt ở Bắc kỳ từ năm 1865. Sau khi giết được thủ lãnh người Mông (Bạch Miêu) chống phá triều Nguyễn, Lưu Vĩnh Phúc được vua Tự Đức chiêu an, phong hàm cửu phẩm bách hộ, hoành hành lưu vực sông Hồng, tới Lào Cai. Họ Lưu cũng được Hoàng Kế Viêm tin dùng. Sau khi giết được Trung Úy Francis Garnier, Lưu Vĩnh Phúc được vua Tự Đức phong Tam Tuyên Phó Đề Đốc.
Nhưng chánh phủ mới của Pháp bác bỏ điều ước sơ bộ 1882 (Lý Hồng Chương-Bourée ký vào cuối năm 1882) vì có khoản Pháp nhượng bắc ngạn sông Hồng cho nhà Thanh. Ngay sau đó, trong tháng 3 năm 1883, thành Nam Định mất, Hoàng Kế Viêm không giữ nổi thành dưới hỏa lực pháo binh Pháp. Mất Nam Định coi như mất hẳn tam giác châu sông Hồng. Cái họa môi mất răng lạnh đã rành rành. Phe chủ chiến nhà Thanh (Tả Tông Đường, Tăng Kỷ Trạch) thắng thế. Nhà Thanh vội vã hạ chỉ Đường Cảnh Tung thuyết phục Lưu Vĩnh Phúc phối hợp với quân Nam, Hoàng Kế Viêm đánh Pháp. Tháng 5 năm 1883 Quí Mùi, Đại Tá Rivière bị quân Cờ Đen phục binh, giết chết ở Cầu Giấy, ngoại thành Hà Nội. Lưu Vĩnh Phúc được phong Tam Tuyên Đề Đốc. Mười năm trước 1873 chính tại Cầu Giấy nầy quân Cờ Đen cũng đã phục binh giết chết Trung Úy Garnier.
Trong khi đó Lý Hồng Chương vẫn ráo riết hòa đàm với người Pháp để cứu nước Tàu khỏi ách chiến tranh, tổn hao ngân khố. Năm 1884 điều ước Fournier được ký tại Thiên Tân, trong đó có khoản: Bắc kỳ thuộc Pháp, quân nhà Thanh phải rút khỏi Bắc Kỳ. Nhưng phe chủ chiến triều Thanh không chịu rút quân, vì bài học lịch sử, môi mất răng lạnh của hai nước Quắc, Ngu, thà đánh Pháp trên đất Việt vẫn lợi hơn đánh Pháp tại Vân Nam, Quảng Tây.
Vương Đức Bảng 王德 榜 vừa được bổ làm Đề đốc tỉnh Quảng Tây năm 1884. Vương nguyên là bộ tướng của Tả Tôn Đường, phe chủ chiến, đã không cho triệt thoái quân Thanh đóng ở Việt Bắc như thỏa thuận trong điều ước Fournier, để xẩy ra trận chiến Bắc Lệ, sông Thương vào tháng 6 năm 1884, khởi mào cho chiến tranhThanh-Pháp.
Chiến lược gia Pháp lợi dụng chiến tranh ở Bắc kỳ để họ đánh tan tiềm lực hải quân nhà Thanh ở dọc duyên hải Hoa Nam. Họ dùng hỏa lực hùng hậu của hải quân đánh vào trọng điểm hải quân nhà Thanh tập trung ở Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến (Hạm Đội Phúc Kiến). Vào tháng 8, 1884, Pháp đã phá tan hạm đội tối tân bậc nhất của nhà Thanh lúc đó khi còn neo tại bến, cùng với hải quân công xưởng Phúc Châu (xưởng đóng tàu Mã Vĩ), và nhiều pháo đài dọc bờ biển từ Quảng Đông tới Thượng Hải. Hải quân Pháp cô lập luôn Hạm Đội Nam Dương.
Kết quả tai hại là nhà Thanh thua to, phải ký điều ước Thiên Tân 1885. Thảm họa mà Lý Hồng Chương đã tiên liệu, từng nhắc nhở Thanh triều chớ có phiêu lưu quân sự.
Quân lệnh tướng Douglas MacArthur và vận mệnh nước Việt Nam
Sau hai quả bom nguyên tử ngày 6 tháng 8 năm 1945 và 8 tháng 8 năm 1945, đến ngày 15 tháng 8 năm 1945 thì Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố chấm dứt chiến tranh, ra huấn lệnh quân Nhật đầu hàng quân Đồng Minh qua đài truyền thanh.
Nhưng mãi đến ngày 2 tháng 9 năm 1945 Nhật Hoàng mới dâng hàng thư. Thế Chiến Thứ Hai chánh thức chấm dứt. Ngay sau đó tướng Douglas MacArthur, Tư Lệnh Tối Cao Lực Lượng Đồng Minh tại Á Châu ra lệnh giải giới quân Nhật. Trước đó ông có lệnh cấm quân Đồng Minh xâm phạm vùng quân Nhật chiếm đóng. Ông muốn tránh đổ máu vì e ngại quân Nhật ở tiền phương chưa nhận được lệnh đầu hàng.
Lợi dụng thời gian 2 tuần (15/8/1945-2/9/1945) lính Nhật buông súng, dân tình hoang mang, thành phố đồn bót không có võ trang phòng vệ, Hồ Chí Minh và Mặt Trận Việt Minh (đó là Đảng Cộng Sản Đông Dương) đã cướp chánh quyền (gọi là Cách Mạng Tháng Tám) ngày 19 tháng 8 năm 1945 ở ngoài Bắc. Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập dưới cờ đỏ sao vàng (2/9/1945), và thành lập Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời. Vua Bảo Đại thoái vị (1), nội các chánh phủ Trần Trọng Kim tan rã. Từ đó danh tiếng Hồ Chí Minh được truyền tụng trong dân gian từ Bắc chí Nam với cái tên trìu mến “cụ Hồ” (2). Từ đó Đảng Cộng Sản Đông Dương với chiêu bài Việt Minh đã ăn cướp lòng yêu nước của dân Việt, chánh thức độc tôn lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp khi quân Pháp thây lính Lư Hán, Tiêu Văn, ở ngoài Bắc và quân đội Anh quốc ở trong Nam, tái chiếm Đông Dương.
Hồ Chí Minh đã lợi dụng tình hình rối ren sau Thế Chiến Thứ Hai, trong lúc tướng MacArthur cấm động binh mà nắm lấy thời cơ mấy ngày thành phố không chủ để đoạt chiếm thiên hạ , đọc tuyên ngôn độc lập, thành lập chánh phủ, ép vua thoái vị.
Đáng giận thay vận mạng đất nước Việt Nam ở móc lịch sử tháng 8 năm 1945, ngay sau thế chiến, chỉ vì một quân lệnh nông nổi, chánh trị ấu trỉ, ngu xuẩn của tướng MacArthur, đã tạo cơ hội cho cộng sản cướp chánh quyền, dần dà đưa đất nước Việt Nam vào ách thống trị của đảng cộng sản.
Thần Vong Xỉ Hàn – “Lý Tưởng Tương Thông, Mạng Vận Tương Quan” và Chiến Tranh Việt Nam
Biên giới hai nước Việt Nam, Trung Quốc được lãnh tụ hai nước cộng sản mô tả như “núi liền núi, sông liền sông”, hay “Sơn Lâm Tương Liên 山林相連” tạo ra cái thế mà thành ngữ Trung Hoa tả như “ phụ xa tương y ” 輔車相依, hay “thần vong xỉ hàn “ 脣亡齒寒” (môi mất răng lạnh). Theo địa hình 2 nước thì môi phải là Việt Nam. Môi Việt Nam có hở hay mất mác thì răng Trung Quốc sẽ lạnh. Chiến tranh Pháp –Thanh 1883-1885, chiến tranh Việt Nam thời 1950-54, và 1964-75 Trung Quốc can thiệp là vì răng Trung Quốc lạnh. Nhưng mối quan hệ hiện đại giữa hai nước phức tạp nhiều hơn cái tương quan môi răng. Đó còn là “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, Hồ Chí Minh sang Tàu cầu viện trong các năm 1950, 1962, 1965, và Lê Duẫn vào năm 1965…Hơn nữa qua ngàn năm lịch sử, hai nước còn có “Văn Hóa Tương Thông, 文化相通” như Nho học, thể chế triều chánh, thi cử… đến cả các phong trào cách mạng canh tân như Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục… .Các tổ chức đảng phái như Quốc Dân Đảng, và nhất là Đảng Lao Động (Cộng Sản) Việt Nam đều từ mẫu mực đảng Cộng SảnTrung Quốc. Vận mạng đất nước Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20 nằm trong tham vọng của hai đảng cộng sản lãnh đạo hai nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Họ có “Lý Tưởng Tương đồng 理想相同, Lợi Ích Tương Quan 利益相關”. Đó là dã tâm của Hồ Chí Minh và đảng Lao Động (Cộng Sản) Việt Nam muốn thực thi chủ nghĩa cộng sản trên toàn cõi Việt Nam. Đó là thí điểm của mô hình cách mạng vô sản Trung Quốc, tham vọng Mao Trạch Đông. Việt Nam nằm trong bàn toán, nước cờ phát triển xuống Đông Nam Á. Trung Quốc lợi dụng Cộng Sản Việt Namnhư Tấn mượn đường nước Ngu, mà toàn cõi bán đảo Ấn Hoa (Lào, Cambodge, Thái lan, Miến Điên) và biển Đông Nam Á là nước Quắc. Sau khi làm chủ biển Đông Nam Á, thì Việt Nam không đánh cũng mất “bất chiến nhi thắng” (Hồ Chí Minh và đảng Lao Động Việt Nam đã mắc mưu Trung Quốc “cố thượng binh phạt mưu, kì thứ phạt giao, kì thứ phạt binh, kì hạ công thành” rành rành với tuyên bố 1958 của Trung Quốc về lãnh hải nhưng đảng Lao Động Việt Nam vẫn ngu xuẩn u mê không ngửi được cái dã tâm của Mao). Để ngăn chặn làn sóng cộng sản, Mỹ có học thuyết Truman, “Containment” (Vây Chặn), và học thuyết Domino của Eisenhower. Lịch sử đã viết định mạng đất nước Việt Nam đã gắn liền với chánh trường, quan hệ của hai nước Liên Xô, Trung Quốc, nhất là diễn tiến chánh trị nội bộ Trung Quốc do Mao Trạch Đông sách động, cũng như tình hình thế giới sau Thế Chiến Thứ 2, xã hội và chánh sự Hoa Kỳ trong những năm 1950-1970, và quan hệ ngoại giao giữa hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ sau nầy. Khi Mỹ bang giao với Trung Quốc, thì thuyết “Domino” không còn tác dụng, vận mạng miền Nam Việt Nam đã nằm trong bài toán buôn bán của tên chánh khách xôi thịt Henry (Heinz) Alfred Kissinger.
Trước thềm chiến thắng cuộc chiến quốc-cộng ở Trung Quốc, tháng 8 năm 1949 Lưu Thiếu Kỳ bí mật đến Nga, gặp Statin ở Moscow để bàn về hiện tình cách mạng đang diễn ra ở Đông Á. Hai nước phân chia nổ lực phát triển cách mạng vô sản quốc tế, Đông Âu và Đông Á, đồng thuận về trách nhiệm chủ yếu của Trung Quốc là bành trướng chủ nghĩa cộng sản ở phương Đông. Cụ thể là giúp cách mạng vô sản chống thực dân Pháp, dành độc lập đang tiến hành ở Việt Nam. Chuyến đi của Lưu là để dọn đường cho Mao viếng thăm Moscow tháng giêng năm 1950. Trên chánh trường ngoại giao quốc tế, trung tuần tháng 1 năm 1950 Trung Quốc (CHNDTQ) là nước đầu tiên công nhận Viêt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, kế đó là Liên Xô.
Giải phóng quân Trung Quốc chiếm Thành Đô tháng 12 năm 1949, sau đó lần lượt kiểm soát hết vùng Hoa Nam tới Quảng Tây. Cuối năm 1949, Hoàng Văn Hoan đã có mặt ở Trung Quốc. La Quý Ba (Luo Guibo 羅貴波), đến Bắc Việt vào cuối tháng giêng 1950. Trước đó vài ngày, Hồ Chí Minh đã bí mật đến Trung Quốc xin viện trợ, được Lưu Thiếu Kỳ tiếp (Mao lúc đó ở Moscow, để hoàn chỉnh hiệp ước Sino-Soviet trong tháng 2, 1950. Nhưng theo Trần Đĩnh, trong Đèn Cù thì ông Hồ đã có hộp kiểm thảo với Mao, Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai, và bị khiển trách về chính sách tiêu thổ kháng chiến ở Việt Nam; trang 45-49) và Lưu lập Ủy Ban Đặc Biệt cứu xét yêu cầu của Việt Nam do Chu Đức (Zhu De 朱德) lãnh đạo. Tháng 2 năm 1950 Hồ Chí Minh từ Trung Quốc đến Moscow để xin viện trợ. Kết quả như đã được định trước. Viện trợ cho Việt Nam là “trách nhiệm quốc tế vinh quang” của Trung Quốc (phải hiểu đó là đảng Cộng Sản Trung Quốc có trách nhiệm LÃNH ĐẠO cách mạng vô sản ở Việt Nam và Đông Á). Hồ không nhận được gì từ Liên Xô. Thanh triều không thể để Pháp chiếm Bắc Kỳ, thì Mao cũng không thể để Pháp tái chiếm Bắc Kỳ đe dọa Hoa Nam. Trung Quốc viện trợ cho VNDCCH rất to tát và cấp bách quan trọng nhất có lẽ là “tổ cố vấn quân sự Trung Quốc, Chinese Military Advisory Group” (CMAG). Đứng đầu là danh tướng Trần Canh (陳賡- Chen Geng), Vi Quốc Thanh (韋國清-Wei Guoqing), Mai Gia Sanh (Mei JiaSheng -梅嘉生), Đặng Dật Phàm (Deng YiFan-鄧逸凡). Ngay sau khi thống nhất Trung Quốc, thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) tháng 10 năm 1949, Mao tuyên bố “… chỉ hoàn tất bước đầu của cuộc trường kỳ cách mạng”. Bước kế tiếp là thực thi mô hình cách mạng của Trung Quốc, tư tưởng Mao Trạch Đông như chiến tranh nhân dân, cải cách ruộng đất (Thổ Địa Cải Cách -土地改革), trưởng đoàn cố vấn ở Việt Nam là Zhang DeQun- Trương Đức Quần), giải phóng nông thôn để bao vây thành thị (tham vọng Mao còn đi ngoài Việt Nam, giải phóng nông thôn= Cộng sản nắm chánh quyền các nước chậm tiến; bao vây thành thì = cô lập đế quốc tư bản Mỹ, Tây Âu, bước đầu tiên là bán đảo Ấn Hoa, biển Đông Nam Á). Việt Nam là tiền đồn, là lửa thử vàng của chủ nghĩa cộng sản Á châu, kết tinh trong tư tưởng Mao Trạch Đông, giải phóng các nước thuộc địa, bán thuộc địa Á châu, đánh bại chủ nghĩa Đế Quốc, và chủ nghĩa xét lại sau nầy. Việt Nam còn là chặng đường mà đảng Cộng Sản Trung Quốc phải kinh qua để phát triển xuống biển Đông Nam Á.
Với tài liệu mới từ Trung Quốc, theo Qiang Zhai (翟强Địch Cường) và Chen Jian (Trần Kiện) thì kế sách của Trần Canh “bao vây đồn lũy để diệt quân cứu viện” là chiến thuật dùng trong chiến dịch biên giới giải phóng Cao Bằng, Lạng Sơn. Trần Canh đã áp dụng Binh Pháp Tôn Tử (3). Để kiểm soát Cao Bằng, Lạng Sơn, Pháp cho đóng quân ở cứ điểm quan trọng dọc theo đường Thuộc Địa số 4. Trần Canh đề nghị đánh chiếm đồn nhỏ Đông Khê giửa Cao Bằng và Thất Khê , Lạng Sơn để cắt đứt đường liên lạc huyết mạch, và cô lập Cao Bằng. Ép Pháp phải hành quân đi xa đồn để tái chiếm Đông Khê. Lợi dụng địa hình cho phục binh mà diệt quân Pháp.
Ngày 13 tháng 10 năm 1950, vùng biên giới Cao Bằng Lạng Sơn được giải phóng, Việt Minh được tiếp viện trực tiếp từ hậu phương lớn là cả đại lục Trung Quốc. Không cần phải núp dưới chiêu bài Việt Minh, Hồ Chí Minh cho lột xác Việt Minh, công khai tổ chức đảng đoàn cộng sản Việt Nam dưới tên mới là Đảng Lao Động Việt Nam vào tháng 2 năm 1951 (tết Tân Mão, đại hội Đảng Cộng Sản Đông Dương lần 2).
Sau khi Stalin chết vào tháng 3, 1953, nội bộ đảng cộng sản Sô-viết có nhiều thanh trừng, tranh đoạt quyền hành mãi đến khi Khrushchev nắm quyền đệ nhất bí thư vào tháng 9 năm 1953, thì các chính sách cải cách kinh tế, sửa đổi chánh trị, hay “sửa sai”, nới tay chuyên chính, “sống chung hòa bình, dù không chung chánh hướng” được khởi động. Chánh sách đó hoàn toàn trái ngược lại đường lối bạo động cách mạng, chuyên chính thống trị, cực đoan không liên hiệp của Mao: “…Khi ta nói chủ nghĩa Đế Quốc ác ôn, phải biết bản chất đó không bao giờ thay đổi, bọn Đế Quốc sẽ không bao giờ bỏ đao đồ tể, bọn chúng sẽ không bao giờ thành Phật…” Mầm móng bất hòa Nga-Hoa manh nha từ đó. Trong Diễn Văn Mật đọc trước Đại Hội Đảng lần 20, tháng 2, 1956 Khrushchev vạch trần tội ác Stalin, lên án Stalin xây dựng văn hóa sùng bái cá nhân (thần thánh hóa lãnh tụ). Lo ngại thảm kịch đả đảo lảnh tụ ở Nga sẽ lan tràn sang Trung Quốc, để củng cố quyền lực tuyệt đối, tối cao của mình, Mao cực lực phản đối, bài xích “sống chung hòa bình, không chung chánh hướng” gán cho đó là chủ nghĩa xét lại, đồng hóa đó với với chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, luận điệu của tư sản. Vì lo sợ một chủ nghĩa xét lại ở Trung Quốc, lợi dụng tinh thần xây dựng của dân trí thức, nên vào tháng 5, năm 1956, Mao khởi xướng phong trào “Trăm hoa đua nở” (百花齊放,百家爭鳴, Bách Hoa Tề Phóng, Bách Gia Tranh Minh) (4), lợi dụng lịch sử giai đoạn văn hóa hoàng kim Bách Gia Chư Tử thời Xuân Thu Chiến Quốc, để dấy động suy tư trong đầu tri thức, khởi dậy nguồn tư tưởng “phản động, xét lại”. (Mao cho tái diễn vụ án “Tập Đoàn Phản Cách Mạng Hồ Phong 胡 風 反 革 命 集 團” vào tháng 5 năm 1955. Thông tin bưng bít, tuyên truyền xuyên tạc chỉ có nạn nhân của vụ án đã trong tù mới biết “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh” đó là cái bẫy). Khi chín mùi, Mao khởi động chiến dịch chống hữu khuynh cuối năm 1957 để mà diệt tận gốc, trăm ngàn trí thức, thường dân vô tội phải chết oan, tù đầy, quy mô đó còn tàn ác hơn trăm, ngàn lần vụ án Minh Sử nhà Thanh … Để củng cố quyền lực, Mao đã xử dụng nhiều lần cái mánh khóe chống chủ nghĩa xét lại trong suốt 27 năm trị vì, như sau này trong cách mạng văn hóa vô sản, và chiến tranh Việt Nam lần thứ hai.
Cuối năm 1957, Hồ Chí Minh công du các nước cộng sản có ghé Bắc Kinh, khi về thì phái Tố Hữu, Huy Cận và Hà Xuân Trừng đi học tập kinh nghiêm đánh hữu khuynh, xét lại bên Tàu. Khi họ về, đảng Lao Động tổ chức hai buổi học tập đánh “bọn phản động Giai Phẩm Nhân Văn” vào tháng 3 năm 1958 tại ấp Thái Hà.
Trong khi Hồ Chí Minh và đảng Lao động Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến đánh Pháp dành độc lập (đồng thời là đánh Pháp để bảo vệ hàm răng Trung Quốc), thiết lập cơ cấu chủ nghĩa cộng sản ở miền Bắc, thi hành cải cách ruộng đất, đánh “bọn phản động Giai Phẩm Nhân Văn”, thực thi tư tưởng Mao Trạch Đông ở miền Bắc, thì ở trong Nam Quốc Trưởng Bảo Đại, tuy nổi tiếng là phóng túng, ăn chơi… nhưng ông là người có kiến thức rộng rãi, óc tổ chức, hành chánh, đã lợi dụng thời cuộc vận động ngoại giao đòi hòa bình và độc lập cho Việt Nam. Như ngay sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9 tháng 3 năm1945, vua Bảo Đại đã tuyên bố hủy bỏ Hoà ước 1884, ủy thác học giả Trần Trọng Kim thành lập nội các chánh phủ của một quốc gia độc lập- Đế Quốc Việt Nam (quá tiếc đã không có tổ chức quân đội, nên khi cộng sản cướp chánh quyền, chánh phủ Trần Trọng Kim phải giải tán). Ông biết Pháp không tin tưởng ông, nhưng ông cũng biết Pháp không có nhân tuyển, hay lựa chọn nào khác hơn “lá bài Bảo Đại” ( “giải pháp của Pháp” phải chọn “lá bài Bảo Đại”), một khi tình hình ở Việt Nam càng ngày càng bất lợi cho Pháp. Tình thế mới đã đem đến sức mạnh cho đòi hỏi của ông, buộc Pháp phải chấp nhận điều kiện mới.
Trải qua nhiều nội các, tan rồi hợp, mãi đến ngày 1 tháng 7 năm 1949 nội các do Thủ Tướng Bảo Đại (kiêm Quốc Trưởng) lại được thành lập. Kế đó là thành lập trường võ bị Đà Lạt (5/11/1950), trường Quân Y (7/8/1950), quân đội Quốc Gia Việt Nam …và cơ cấu tổ chức của một xã hội tự do như thể thức lập pháp, tư pháp, hành chánh, san định bộ luật lao động…quy luật nghiệp đoàn, phát minh, bản quyền…Giáo dục… kiến thiết…với tiền viện trợ của chánh phủMỹ (so sánh: Hồ Chí Minh đánh Pháp, thiết lập cơ cấu xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc với viện trợ của Trung Cộng). Nhưng người đời nhắc nhiều đến bản tánh của ông phúng túng, ham chơi…(giang san dễ đổi, bản tánh khó dời), chớ không hề nhắc đến sự đóng góp to lớn của ông cho đất nước Việt Nam, mà sau nầy ông Ngô Đình Diệm thừa hưởng trọn vẹn.
Tựu trung chánh phủ của Quốc Trưởng Bảo Đại đã thiết lập một quốc gia độc lập hợp pháp – Quốc Gia Việt Nam (thống nhất gồm Nam Kỳ Quốc, và Hoàng Triều Cương Thổ sau nầy 11-3-1955) -một cơ sở vững chắc cho nền Đệ Nhất Cộng Hòa .
Thuyết Domino và chiến tranh Việt Nam
Không có chân trong chánh phủ Bảo Đại, năm 1950 ông Ngô Đình Diệm đi Mỹ (cùng với giám mục Ngô Đình Thục) để dự lớp chủng viện (Maryknoll Seminary ở Ossining, New York). Do giáo sĩ Fred McGuire tiến dẫn, và nhờ ảnh hưởng của giám mục Ngô Đình Thục, ông Diệm được Hồng Y Francis Spellman tiếp, rồi được ông Dean Rusk, phụ tá ngoại trưởng Mỹ đặc trách Viễn Đông Vụ và nhiều yếu nhân trong chánh phủ Truman tiếp ở Washington D.C. Hồng Y Spellman có ảnh hưởng sâu rộng trên chánh trường nước Mỹ. Hỗn danh là Giáo Hoàng của người Mỹ (the American Pope), ông nổi tiếng cực đoan bảo thủ xuyên suốt từ giáo điều, chánh trị đến xã hội. Ông Diệm được tín nhiệm của Hồng Y Spellman. Thời gian ở Mỹ ông Diệm đã lần lược được tiếp xúc với chánh khách quyền lực Hoa Kỳ lúc bấy giờ như các ông William O. Douglas Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, TNS John F. Kennedy, TNS Mike Mansfield, Allen Dulles Giám Đốc CIA, John Foster Dulles Bộ Trưởng Ngoại Giao…và nhiều nhân vật khác. Họ đều giống nhau ở điểm: Nắm chánh quyền, thiên chúa giáo, kiên quyết chống cộng và hơn nữa họ đều thân thiết hay ủng hộ TNS Joseph McCarthy. Ông McCarthy là hung thần trong chánh trường Mỹ lúc bấy giờ (1950-1957). Sự nghiệp chánh trị của ông được xây dựng trên lập trường chống cộng sản, với thủ đoạn chụp mũ cộng sản (McCarthyism) có liên đới ít nhiều với FBI. Trong giai đoạn khủng hoảng đó (“McCarthy hysteria”), trí thức am tường về Trung Quốc, Việt Nam và chuyên gia nghiên cứu về chế độ cộng sản rất sợ cái mũ CS được người ta đội cho mình, bởi vậy trong chánh quyền, bộ ngoại giao thiếu đi tiếng nói trung thực, chỉ còn lại cái loa chống cộng, cổ võ chiến tranh.
Thời gian đó nước Mỹ đang trong cao trào chống cộng. Trong chiến tranh Triều Tiên (6/1950-7/1953), Mỹ đương đầu với 2 triệu Hồng quân Cộng Sản Trung Quốc. Thời cơ ông Diệm ở Mỹ đúng lúc và ông có tất cả những gì chánh quyền Mỹ đang tìm. Ông đã hiển nhiên trở thành nhân tuyển của Mỹ để lãnh đạo miền Nam sau nầy. Liền ngay sau đó, quân viễn chinh Pháp sa lầy ở Điện Biên Phủ. Pháp đã kiệt quệ sau Thế Chiến Thứ 2, lại phải đeo đuổi 9 năm hao mòn ngân khố, nay muốn rút khỏi Đông Dương trong danh dự. Trung Quốc cũng đã quá mệt mỏi với mấy mươi năm chinh chiến, từ kháng Nhật, Quốc -Cộng, Triều Tiên, rồi Việt Nam. Trung Quốc và Pháp biết phải làm gì …đó là đình chiến, hội nghị, hòa ước… Đó là nhu cầu đưa đến Hội Nghị Genève.
Tất cả các yếu tố đó đã tạo nên thời thế cho ông Ngô Đình Diệm (“Thời thế tạo anh hùng” chính là đây). Đó là điều kiện thuận tiện để Mỹ can thiệp vào Việt Nam.
Trước giờ hấp hối của quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam, trong một buổi họp báo ngày 7 tháng 4 năm 1954, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã dùng hình ảnh hàng cờ domino sụp đổ “falling domino principle” khi con cờ đầu ngả xuống để minh họa một khi Việt Nam rơi vào tay cộng sản thì toàn cỏi bán đảo Ấn-Hoa (Lào, Cam bốt, Thái Lan, Miến Điện), rồi Đông Nam Châu Á sẽ lần lược suy sụp dưới làn sóng đỏ của Cộng Sản Trung Quốc. Đây là cơ hội để Eisenhower nhắc chừng quốc hội Mỹ là Việt Nam không thể để hoàn toàn rơi vào tay cộng sản. Thời gian nầy ông Ngô Đình Diệm đã rời Hoa Kỳ, có mặt ở Paris để vận động ghế thủ tướng. Dưới áp lực của Mỹ, Bảo Đại bổ nhiệm ông Diệm chức vụ thủ tướng ngày 19 tháng 6 năm 1954 (thay thế Hoàng thân Bửu Lộc) tại lâu đài Thorencen. Sau đó ông Diệm về Saigon ngày 26 tháng 6 năm 1954, thành lập chánh phủ và trình nội các trước quốc dân ngày 7 tháng 7 năm 1954, gồm 17 người, đứng đầu là Thủ tướng Ngô Đình Diệm, kiêm Tổng trưởng Nội vụ, kiêm Tổng trưởng Quốc phòng.
Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Sự kiện nầy đã dẫn tới thắng lợi cho Viêt Minh ở hội nghị Genève (26/4 đến 20/7/1954). Xin đọc China and the Vietnam Wars, 1950-1975 (Qiang Zhai) và China and the First Indo-China War, 1950-54 (Chen Jian) để biết thêm vai trò cố vấn (hay chỉ đạo) của Tổ Cố Vấn Quân Sự Trung Quốc (CMAG) và chỉ đạo của Quân Ủy Trung Ương Đảng CS TQ (Central Military Committee of the Chinese Communist Party) nhất là vai trò tướng Vi Quốc Thanh trong chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hiệp định ký ngày 21 tháng 7 năm 1954 theo đó Việt Nam tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17. Miền Bắc cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Mao Trạch Đông đã rất thõa mãn với điều ước Genève, miền Bắc cộng sản là trái độn là cái môi bảo vệ hàm răng vùng Hoa Nam Trung Quốc. Sau hiệp định Genève có khoảng 1 triệu dân miền Bắc di cư vào Nam. Tuy rằng có thể một phần là do tuyên truyền của Mỹ, nhưng đa số những người di cư có đạo Thiên Chúa hay đã sống trong vùng giải phóng, dưới chế độ đảng trị, và nếm mùi cải cách ruộng đất, bài phong phản đế. Trong đó có một số người đã từng theo kháng chiến như ông Hoàng Văn Chí tác giả “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc”, “Từ Thực Dân Đến Cộng Sản”… cũng có cán bộ tình báo cộng sản trà trộn với dân di cư như Vũ Ngọc Nhạ. Tập kết ra Bắc là những người theo kháng chiến, yêu nước nhưng chưa hề sống dưới chế độ cộng sản ngày nào. Theo hiệp định Genève thì sẽ có tổng tuyển cử 2 năm sau (1956) để thống nhất đất nước. Mỹ đã không ký vào hiệp định Geneva, và TT Eisenhower lợi dụng thời gian 2 năm đó để củng cố chánh quyền Ngô Đình Diệm với mục đích là để ngăn chận được làn sóng đỏ từ Trung Quốc, Bắc Việt. Ngăn chận hay “Containment” mà sau nầy người ta gọi là học thuyết Truman, lấy ý tưởng từ bài diễn văn TT Truman đọc trước quốc hội Hoa Kỳ ngày 12 tháng 3 năm 1947 để thuyết phục quốc dân (quốc hội và nhân dân) Hoa kỳ viện trợ cho Hy Lạp (Greek) chống lại phiến quân cộng sản, hòng ngăn chận làn sóng cộng sản từ Hy Lạp đổ sang Thổ NhĩKỳ (Turkey). Để thực hiện sách lược Ngăn Chận (Containment) làn sóng cộng sản, Ngoại trưởng Mỹ J.F. Dulles đã vận động thành lâp tổ chức SEATO (Southeast Asia Treaty Organization, xuất phát từ Southeast Asia Collective Defense Treaty = Hiệp ước phòng vệ chung Đông Nam Á, vào tháng 9, 1954). Hiệp ước SEATO, trong đó Hoa Kỳ là thành viên, đã cung ứng cho Mỹ pháp lý và ngoại giao để can thiệp vào Việt Nam, để bảo vệ Đông Nam Châu Á trước hiểm họa cộng sản.
Hiệp định Geneve ký ngày 21 tháng 7 năm 1954 đã dâng không cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm miền Nam tự do, độc lập (lịch sử không ghi lại việc gì ông Diệm đã làm cho miền Nam để xứng với “phần thưởng” nầy) . Ông Ngô Đình Diệm đã hưởng trọn vẹn thành quả và tâm quyết của Quốc Trưởng Bảo Đại đã cố dành độc lập, tự do cho đất nước Việt Nam (Quốc Gia Việt Nam) qua ngoại giao, thương thảo.
Việc đầu tiên là ông Diệm hạ lệnh tiêu diệt các lực lượng vũ trang của giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài, và tổ chức “anh chị” Bình Xuyên với sự giúp đở tiền bạc và tình báo của CIA. Chính một số người Mỹ sau nầy lại đánh giá việc đàn áp các lực lượng võ trang của các tổ chức “chánh trị-tôn giáo” “phi công giáo” là khởi điểm của bất mãn trong miền Nam, đưa đến hậu thuẩn cho Việt Cộng. Nếu ông Diệm thống nhất lực lượng võ trang giáo phái vào quân đội quốc gia trong tinh thần đoàn kết, dùng chánh trị thương thảo, hòa hợp tôn giáo thay vì sát hại thì thế cục có lẽ đã khác hẳn. Ở cao nguyên Trung Phần, sau khi sát nhậpHoàng Triều Cương Thổ (1955), các tộc Tây Nguyên bị phân biệt đối xử, bất mãn đè nén đã bộc lộ lên phong trào đấu tranh hòa bình BAJARAKA (1958)… rồi sanh ra tổ chức bạo động FULRO (Front Unifié pour la Libération des Races Opprimées, 1964) sau nầy…tất cả nói lên cái sai lầm chánh trị nghiêm trọng khai mào từ chánh phủ Ngô Đình Diệm.
Sau trưng cầu dân ý, truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại ngày 23 tháng 10 năm 1955, kế đó đã không có hiệp thương, tổng tuyển cử trong năm 1956.
Trong chuyến công du các nước CS cuối năm 1957, ông Hồ Chí Minh có ghé Trung Quốc. Khi về ông Hồ tích cực củng cố hậu phương miền Bắc, học hỏi Trung Quốc cách đánh hữu khuynh, đánh Giai Phẩm-Nhân Văn, áp dụng triệt để chánh sách toàn trị, phát động chiến tranh tâm lý để chuẩn bị tinh thần toàn dân vũ trang “giải phóng ” (đánh chiếm) miền Nam. Chánh sách “sống chung hòa bình, không chung chánh hướng”, “sửa sai” của Kruschew không thích hợp với chủ trương bạo động chiến tranh của đảng Lao Động Việt Nam là thống nhất lãnh thổ dưới chế độ cộng sản, là đánh chiếm miền Nam. Ông Hồ đã tận dụng cái bất hòa Nga-Trung mà thủ lợi, trong giai đoạn đó ông ve vãng Mao, ông đánh phong trào Giai Phẩm Nhân Văn để chứng tỏ đường lối bạo động, chống chủ nghĩa xét lại, thân Bắc Kinh cho Mao thấy để được viện trợ đánh chiếm miền Nam sau nầy. Như sau này (1962) ông Hồ có nói với Chu Ân Lai, ở Quãng Châu “Đừng nói là phải đánh 5 năm, 10 năm, dù có 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng phải đánh, đánh cho đến khi thắng lợi hoàn toàn (đánh “Đế quốc Mỹ”, để chiếm miền Nam)”.
Để chuẩn bị cho cuộc xâm chiếm miền Nam, thông qua công hàm của Phạm Văn Đồng ngày 14 tháng 9 năm 1958 công nhận tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải 12 hải lý và các hải đảo ở biển Nam Trung Quốc 6, Hồ Chí Minh đã dâng hiến vùng biển và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngoài khơi biển Đông cho Trung Quốc. Hồ ChíMinh đã mua lòng Mao để có viện trợ cho việc xâm chiếm miền Nam. Có lẽ lúc đó ông Hồ toan tính quỷ quyệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm sau vĩ tuyến 17 không thuộc chủ quyền miền Bắc, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Kế đó Cộng Sản Bắc Việt qua Trung Ương Cục Miền Nam chỉ thị thành lập Mặt Trận Giãi Phóng Miền Nam tháng 12 năm 1960. Linh hồn của MTGPMN là Đảng Nhân Dân Cách Mạng Miền Nam, đây là nặc danh của Đảng Lao Động Việt Nam, trá hình ở miền Nam dưới danh xưng mới hầu thu hút nhân sĩ yêu nước miền Nam và che mắt thế giới 7.
Mặt trận, danh xưng chỉ là chiêu bài, chỉ là tấm bình phong để che mắt thiên hạ như lịch sử cho thấy từ Đảng Cộng Sản Đông Dương, tới Mặt Trận Việt Minh, Đảng Lao Động, rồi trở lại Đảng Cộng Sản Việt Nam 7; từ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tới Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, từ Đảng Lao Động Việt Nam, tới Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam Việt Nam , còn có Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam , rồi Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…tất cả chỉ là thủ đoạn được dùng từng bước, tùy giai đoạn để che mắt nhân dân Việt Nam để thực hiện mục đích cuối cùng là thiết lập chế độ cộng sản, đảng trị trên toàn cỏi Việt Nam 8. Thể hiện qua thành tụ cuối cùng là Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Đến cuối những năm 1950s Bắc Kinh đã không khuyến khích, cũng không ngăn cản Cộng Sản Bắc Việt tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam (theo Qiang Zhai và Chen Jian). Lý do đơn giản là miền Hoa Nam Trung Quốc không có trực tiếp nguy hiểm vì đã có trái độn Cộng Sản Bắc Việt. Thứ hai Mao không muốn ép Mỹ phải đưa quân vào miền Nam. Đó là đe dọa Bắc Việt, cái môi của Hoa Nam, bài học chiến tranh Triều Tiên còn đó, hơn một triệu lính Hồng quân đã hy sinh. Kế đó là kinh tế Trung Quốc đang suy sụp trầm trọng vì sai lầm của kế hoạch 5 năm và thiên tai, tới khoảng hơn 30 triệu dân Tàu chết vì đói ăn.
Nhưng quan hệ ngoại giao Nga- Hoa, và chánh sách của TT Johnson đã góp phần thay đổi lập trường Trung Quốc.
Tháng 6 năm 1959 Nga Sô hủy bỏ hiệp ước về công trình xây dựng kỹ nghệ nguyên tử cho Trung Quốc. Tuyên bố trung lập trong chiến tranh biên giới Ấn – Hoa tháng 9 năm 1959. Tháng 8 năm 1960 Khrushchev rút hết chuyên gia Nga về nước, cắt viện trợ choTrung Quốc. Mao kết án Khrushchev đã thỏa hiệp với Đế Quốc Mỹ, và đã theo con đường “Tiến Hóa Hòa Bình (peaceful evolution) của ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles, mà Dulles đọc lần đầu trong một diễn văn vào tháng giêng năm 1953. Mao đặc biệt quan tâm tới diễn văn của J.F. Dulles. Trong nhiều diễn văn Dulles dẫn giải “tiến hóa hòa bình” là từ độc tài đảng trị hòa bình tiến hóa lên dân chủ pháp trị bên trong xã hội cộng sản. Nối gót Mao, Đặng Tiểu Bình khi đàn áp thẳng tay học sinh trong sự kiện Thiên An Môn, hay Hồ Cẩm Đào, Vương Nhẩn Chi 14
(Wang Renzhi) sau nầy đều dẫn chứng theo lời Mao dạy mầm móng cái họa “tiến hóa hòa bình” là do thế giới tư sản đầu độc con em nước Tàu, cái họa tâm phúc bên trong xã hội cộng sản, đã xẩy ra trước đó ở Nga theo đó là Ba Lan – Poland -(1956), và Hung Gia Lợi –Hungary- (1956). Một hình thức của Tiến Hóa Hòa Bình đã diễn ra ở Bắc Việt qua phong trào Giai Phẫm Nhân Văn 1955-1957, và đã bị trấn áp dập tắt sau chuyến công du cuối năm 1957, mà Hồ Chí Minh đã học hỏi cách đánh hữu khuynh từ Trung Quốc. (Trái lại phong trào “Bách Hoa Tề Phóng Bách Gia Tranh Minh” là do Mao sách động, thiên hạ đại loạn thì Mao có cơ hội thanh trừng).
Chủ nghĩa xét lại là biểu hiện của Khrushchev. Ở Trung Quốc đó là mầm mống tranh đoạt quyền hành với Mao. Mao tìm mọi cơ hội để diệt trừ ý tưởng xét lại, và tất cả những gì có dính dáng với chính sách Khrushchev. Vương Giá Tường 王稼祥, trưởng ban liên hệ quốc tế Đảng CS Trung Quốc, là nạn nhân đầu tiên của Mao. Tháng 6 năm 1962 Vương trình lên cấp trên báo cáo tình hình thế giới. Trong đó Vương cân nhắc Trung Quốc không nên dấn thân vào Việt Nam như chiến tranh Triều Tiên. Trong thời gian đó, Hồ Chí Minh và Nguyễn Chí Thanh đã có mặt ở Bắc Kinh để xin viện trợ cho quân giải phóng miền Nam. Mao kết án Vương có tư tưởng thỏa hiệp với bọn đế quốc, bọn xét lại, bọn phản động, làm suy giảm nghĩa vụ quốc tế cách mạng vô sản để giúp cộng sản VN đấu tranh chống Đế Quốc Mỹ xâm lược.
Đến cuối năm 1962 thì quan hệ đồng chí hai nước Nga-Trung đã vở tung, đến gần như là thù nghich. Mao chỉ trích Khrushchev thỏa hiệp với Mỹ trong khủng hoảng đầu đạn nguyên tử ở Cuba tháng 10, năm 1962. Trung quốc ra mặt chống đối Nga, tuyên bố là chủ nghĩa xét lại của Nga Xô Viết không đấu tranh cho giai cấp vô sản chống lại Đế Quốc giải phóng quốc gia. Chỉ có CHND Trung Quốc mới là chiến sĩ cộng sản chân chánh và trung thực giúp Việt Nam chống Đế Quốc Mỹ. Cách mạng vô sản quốc tế nay do Trung Quốc lãnh đạo. Trung quốc viện trơ tối đa cho Bắc Việt.
Thần vong xỉ hàn, sự kiện Vịnh Bắc Việt và sách lược Mao Trạch Đông.
Mùa hè năm 1962, Hồ Chí Minh và Nguyễn Chí Thanh đến Bắc Kinh để phân tích tình hình miền Nam, cảnh giác Trung Quốc rằng Hoa Kỳ có thể sẽ tấn công Bắc Việt, đe dọa trực tiếp an nguy cho Quảng Tây ,Vân Nam. Mao lệnh trang bị thêm 230 tiểu đoàn quân giải phóng miền Nam và Bắc Việt, mặc dù Trung Quốc vẫn còn trong tình cảnh kinh tế khó khăn.
Sau hội nghị trung ương đảng Lao Động Việt Nam lần 9- tháng 12 năm 1963, thông qua nghị quyết 9, Lê Duẩn chánh thức tuyên chiến chống chủ nghĩa xét lại, chống lại chính sách sống chung hòa bình, đẩy mạnh võ trang giải phóng miền Nam (tư tưởng Mao Trạch Đông đã được thăng hoa từ “tư tưởng Mao Trạch Đông là kim chỉ nam” của đảng Lao Động Việt Nam-Hồ Chí Minh, đại hội Đảng lần 2,1951- đến “Tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng Lê-nin thời đại nầy”-Lê Duẩn, sau hội nghị trung ương Đảng lần 9, 1964-).
Sự kiện Vịnh Bắc Việt ngày 2 và 4 tháng 8 năm1964 (tài liệu giải mật sau này cho biết không có chiến thuyền Bắc Việt trên màn Radar trong ngày 4/8/64), kế đó quốc hội Mỹ thông qua “Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt” (the Gulf of Tonkin Resolution) ngày 7 tháng 8 năm 1964. TT Johnson được toàn quyền thi hành mọi biện pháp cần thiết để trả đũa và duy trì hòa bình , an ninh cho Đông Nam Á. Đó là cơ hội đúng lúc để Mao dùng chiến tranh, an nguy lãnh thổ để củng cố địa vị quyền hành. Trung Quốc phản ứng khẩn cấp, toàn diên, và triệt để. Chu Ân Lai và La Thụy Khanh (Tham Mưu trưởng bộ tổng tham mưu quân đội nhân dân Trung Quốc) điện khẩn Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Văn Tiến Dũng ngày 5 tháng 8 năm 1964 đề nghị Việt Nam ” Điều tra sáng tỏ tình hình, thảo luận và thiết lập sách lược thích đáng để sẵn sàng hành động” và đề nghị hợp tác quân sự chặt chẽ. Quân ủy trung ương Trung Quốc ra lệnh quân lực vùng Côn Minh, Quảng Châu, cùng không quân và hải quân phải ở trong tình trạng sẳn sàng chiến đấu. Chuyển bộ tư lệnh không quân từ Quảng Đông tới Nam Ninh, đưa chiến đấu cơ, hỏa tiển phòng không đến sát biên giới Việt Hoa…Tổ chức biểu tình toàn quốc chống” Đế Quốc Mỹ xâm lược”,”đoàn kết với nhân dân Việt Nam”. Thời điểm nầy uy tín Mao bị suy nhiều vì kế hoạch kinh tế Đại Nhẩy Vọt (Đại dược tấn, 大躍進 bắt đầu năm 1958) đã thất bại tàn tệ. Sự kiện vịnh Bắc Việt là cơ hội tốt cho Mao sách động toàn đảng toàn dân kiên trì “cách mạng liên tục” đổ máu để chống Chủ Nghĩa Đế Quốc Mỹ, chống Chủ Nghĩa Xét Lại, “chống Mỹ giúp Việt Nam” là nghĩa vụ quốc tế vinh quang của chiến sĩ cách mạng vô sản. Rút kinh nghiệm từ Pháp Thanh chiến tranh năm 1883-1885, xưởng đóng tàu Mã Vĩ, hạm đội Phúc Kiến bị hải quân Pháp tiêu diệt, trong diễn văn về tình hình thế giới và phản ứng Trung Quốc, ngày 17 tháng tám năm 1964. Mao đề xuất kiến thiết “phòng tuyến thứ ba”(三線建設“Tam Tuyến Kiến Thiết”, phòng tuyến thứ nhất và nhì là ở vùng Đông Bắc, và duyên hải). Để chống “Đế Quốc Mỹ xâm lược”, phải cấp bách xây dựng kỷ nghệ nặng ở sâu trong nội địa miền tây để đề phòng tấn công bởi Đệ Thất hạm đội và phản lực cơ Mỹ từ biển Đông. Phải cấp tốc hoàn thành hệ thống đường sắt chiến lược quân sự để giúp chiến trường Đông Dương (Kiến thiết phòng tuyến thứ ba, xây dựng kỷ nghệ nặng và ngoại giao bin-bong, bắt tay với Mỹ là 2 việc mà Mao đã cứu vãn nước Tàu) (16). Theo sách lược Mao Trạch Đông thì chiến tranh Đông Dương (Việt Nam) giới hạn ở miền Nam là nguồn nhiên liệu vô tận cho cách mạng liên tục ở Trung Quốc. Mao chủ trương không trực tiếp đương đầu quận đội Mỹ (hay quân đội Pháp trước đây) ở Việt Nam, không muốn đó là tiền đề cho chiến tranh lan tràn đến Hoa Lục, vì bài học Thanh -Pháp Chiến Tranh năm 1883-1885. Sự kiện Vịnh Bắc Việt, oanh tạc Bắc Việt là đe dọa an ninh cấp bách của Trung Quốc. Trung Quốc huy động toàn lực, toàn dân ủng hộ, giúp đở Việt Nam trong chiến tranh, vì cộng sản Bắc Việt không thể mất. Môi Việt Nam không thể mất để bảo vệ răng Trung Quốc. Sự kiện Vịnh Bắc Việt đã thay đổi toàn diện hạ tầng cơ cấu kinh tế Trung Quốc, từ nông nghiệp, kỹ nghệ nhẹ sang kỹ nghệ nặng thiên về quân sự. Công xưởng, nhà máy, kỹ nghệ từ duyên hải chuyển dời vô sâu trong nội địa.
Chiến dịch Rolling Thunders (Sấm Động) bắt đầu vào tháng 3 năm 1965 không lực Mỹ oanh tạc giới hạn phía dưới vĩ tuyến 19. Đầu tháng 4 năm 1965, Lê Duẫn và Võ Nguyên Giáp đến Bắc kinh cầu viện trợ. Tháng 5 năm 1965 Hồ Chí Minh lại bí mật đến Trung Quốc thảo luận thêm về viện trợ với Mao (16/5/1965) tại Trường Sa, Hồ Nam. Tựu trung Trung Quốc không đưa quân trực diện quân đội Mỹ ở miền Nam. Trung Quốc trách nhiệm trong chiến tranh là hậu cần, lương thực, vũ khí quân trang quân dụng cho bộ đội Bắc Việt, và chiến trường miền Nam. Nhiều sư đoàn chí nguyện quân Trung Quốc, có lúc lên tới 320.000 trong đó bao gồm không quân với phản lực cơ Mig, phòng không, công binh sửa chửa đường sắt, cầu đường, nhà kho bến cảng trạm xá… để bảo vệ miền Bắc (Chu Ân Lai: Viện trợ cho Việt Nam là nghĩa vụ quốc tế nhưng có lợi cho Trung Quốc: nên đẩy chiến tranh và đế quốc ra xa Trung Quốc hay để cho chúng nó áp sát bên cạnh? Đèn Cù, trang 119).
Mao, qua lịch sử Thanh-Pháp chiến tranh, không muốn trực tiếp đương đầu với Mỹ. Đưa quân đội Mỹ vào miền Nam, oanh tạc Bắc Việt là sai lầm chiến lược của TT Johnson. Mỹ trực tiếp tham gia vào chiến tranh Việt Nam là đe dọa an nguy của Trung Quốc. Leo thang chiến tranh, Mỹ đã giúp Mao thực hiện cách mạng vô sản ở Á châu, giúp Mao viện trợ tối đa cho Bắc Việt. Mỹ đã trực tiếp giúp Hô Chí Minh trong việc cầu viện Trung Quốc. Đã gián tiếp nuôi dưỡng bộ đội Bắc Việt. Sự hiện diện của lính Mỹ ở miền Nam đã giúp CS Bắc Việt hô hào nhân dân miền Bắc, tuyên truyền đánh Mỹ xâm lăng để giải phóng miền Nam. Sự có mặt của lính Mỹ ở miền Nam đã làm lu mờ đấu tranh chánh trị giửa tự do và cộng sản, mà thay vào đó màu sắc của đấu tranh chống ngoại bang.
Song song đó, sự kiện Vịnh Bắc Việt đã đưa tín nhiệm của TT Johnson từ 42% lên 72%, Ông thắng cử tổng thống tháng 11 năm đó 1964 với 61.1% số phiếu.
Ts Roger Hilsman là phụ tá ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông Vụ dưới thời TT Kennedy. Hilsman là một sĩ quan West Point dùng du kích chiến đánh quân Nhật ở Miến Điện trong thế chiến thứ hai. Ông còn là GS chánh trị bang giao quốc tế. Trong đề án “Một quan niệm chiến lược cho miền Nam Việt Nam, (A Strategic Concept for South Vietnam)” tường trình lên TT Kennedy, ông nhận định chiến tranh miền Nam lúc đó phải là đấu tranh chánh trị 9 xây dựng quốc gia, thể chế, kiến thiết miền Nam (nation building), ông chủ trương phải dùng chiến tranh chống du kích. Tiếc thay sau khi nhậm chức, TT Johnson đã sa thải Ts Hilsman (ông từ chối bổ nhậm đại sứ tại Philippines, từ chức để về dạy học ở trường Columbia U.). Johnson tin dùng McNamara, một sĩ quan không quân chuyên ngành thống kê chuyển sang ngành quản lý kinh doanh, giỏi hành chánh quản trị chớ không kinh nghiệm chiến tranh chánh trị và chiến lược. Mc Namara nguyên là chủ tịch hãng xe Ford. Đầu óc con buôn, nới rộng chiến tranh tuy hao tổn công khố Mỹ nhưng lợi nhuận cho tư bản kỷ nghệ quốc phòng 10. Ông vui vẽ khi quốc hội gọi chiến tranh Vietnam là “McNamara’s War”. Sau nầy trong hồi ký ông nhìn nhận chánh phủ Hoa kỳ đã phạm nhiều lỗi lầm về Việt Nam. Nhưng ông quên một lỗi lớn nhất của TT Johnson là không muốn nghe ý kiến đa diện cho giải pháp Việt Nam. TT Johnson sa thải William Averell Harriman (đưa đi làm đại sứ lưu động –không nhiệm sở -Ambassador-at-large), Michael Forresta và Rogers Hillman. TT Johnson đã chọn giải pháp chiến tranh cho miền Nam Việt Nam 11. Johnson cũng đã không nghe lời can của George W. Ball, thứ trưởng bộ ngoại giao, đưa quân Mỹ ồ ạt vào Việt Nam sẽ bị “sa lầy”.
Mỹ quyết định đưa quân vào miền Nam, nới rộng chiến tranh oanh tạc Bắc Việt phần nào đó là do tình hình miền Nam xấu dần. Tình trạng đó bắt nguồn từ chánh phủ Ngô Đình Diệm. Ông Diệm chống cộng chủ yếu dựa vào vũ trang, bắt bớ để củng cố chế độ chớ không chú trọng đến chánh trị, nhân tâm. Đảng Cần Lao Nhân Vị là tổ chức chánh trị nặng tình tôn giáo, dùng quyền hành để khủng bố chánh trị, phục vụ chế độ hơn là dùng tổ chức để đấu tranh chánh trị, dành chánh nghĩa. Điển hình là ông Hoàng Văn Chí không dám ký tên thật là tác giả “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc”, phải dùng bút hiệu Mạc Định là soạn giả, chỉ đề tên Hoàng Văn Chí là người đề tựa, vì có người thân cận ông Ngô Đình Diệm nghi ngờ dụng ý tác giả là sách động báo giới miền Nam. Sự cẩn thận đó thể hiện rỏ ràng là bộ thông tin của chánh phủ Ngô Đình Diệm năm 1959 không giúp mua một cuốn nào hết 12. Một tài liệu lịch sử quan trọng như vậy mà ông Ngô Đình Diệm, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu không biết lợi dụng cho đấu tranh chánh trị, truyền bá rộng rãi trong miền Nam để 18 người dân, nhất là học sinh, sinh viên và giới “trí thức” học được phần nào bộ mặt thật của cộng sản. Và sau này cuốn “From Colonialism to Communism”, (Từ Thực Dân Đến Cộng Sản), xuất bản ở Pháp 1964 cũng không được truyền bá sâu rộng ở miền Nam, tiếc thay.
Sau ngày sập trời 30/4/1975 Ts Nguyễn Ngọc Lan có hợp tác với chánh quyền Cộng Sản Việt Nam một thời gian qua tờ báo “Đứng Dậy”, sau khi sám hối, sáng mắt ông có viết “ Từ ngày thống nhất đất nước đến nay, những người cộng sản các anh đã suy thoái hoàn toàn trong quyền lực, đã trở nên đối lập hoàn toàn với cuộc sống của nhân dân, các anh đã trở thành chai sạn, không thể hiểu nổi lý do những người theo các anh bây giờ đã phải chống các anh.13” Có lẽ ông đã quá bận rộn đấu tranh để “xây dựng” nền tự do dân chủ cho chế độ cộng hoà miền Nam trong thời chiến trước năm 1975 nên ông đã lơi là không tìm hiểu chế độ mà ông ngưỡng mộ đó là miền Bắc xã hội chủ nghĩa lãnh đạo bởi đảng Lao Động Việt Nam. Ông không đọc bản cáo trạng “Những Sai Lầm Trong Cải Cách Ruộng Đất” mà Ts Nguyễn Mạnh Tường đọc trước Mặt trận Tổ quốc Hà Nội ngày 4 tháng 10 năm 1956 (có lẽ khi về nước 1964 ông đã không biết tới nó vì cán bộ CS nằm vùng đã đi lùng kiếm thu mua, đốt sạch hết “tàn dư văn hóa phản động” của nhóm “Nhân Văn-Giai Phẩm”-Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, như sau nầy họ đã tiêu hủy biết bao sách vở văn hóa phẩm miền Nam sau ngày sập trời 30 tháng 4 năm 1975 dưới cụm từ “quét sạch tàn dư văn hóa Mỹ Ngụy” một trong những người thừa hành là Lữ Phương (15). Nếu ông có đọc thì đã thấy bản chất những người mà ông đã đi theo đó sống trong một tổ chức đã bại hoại vì quyền lực, đã đứng ngược lại nguyện vọng của người dân từ trước năm 1956 chớ không chờ tới mãi sau năm 1975 mới thoái hóa. Trước năm 1975 ông chủ bút tờ Đối Diện để chất vấn nền tự do dân chủ miền Nam trong thời chiến. Sau 1975 ông “Đứng Dậy” làm người dân một nước độc lập, tự do, dân chủ trong thời bình nhưng rồi sau 3 năm ông phải ngồi xuống vì ông không còn cơ sở độc lập tự do dân chủ để đứng, nói chi tới việc đối diện, chất vấn như hồi xưa.
Trong thời “đổi mới”số phận chanh vắt cuối đời của ông đã may mắn nhiều, được chiếu cố “nhân đạo” nhiều so với thời còn bức màn sắt ở miền Bắc, số phận bị đào thải, khai trừ (“Excommunié”) khỏi xã hội của các trí thức như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Đào Duy Anh, Phan Khôi…
Cuộc đời của Ts Nguyễn Ngọc Lan là điển hình cho biết bao “trí thức”, học sinh, sinh viên Sàigòn đã u mê vô tình (hay đồng tình với cộng sản) góp phần làm suy sụp miền Nam tự do.
Tất cả khởi nguồn ở chánh phủ Ngô Đình Diệm đã không chú trọng đến đấu tranh chánh trị, phổ biến, giáo dục sâu rộng trong học đường và dân gian cái họa cộng sản với chứng nhân, lịch sử đang tiến hành ở miền Bắc và được ghi lại trong cuốn “Trăm Hoa Đua Nở trên Đất Bắc”.
Đảo chánh tháng 10 năm 1964 tại Nga, Khrushchev bị Brezhnev (nhân vật số 2 sau Khrushchev) lật đổ đã ảnh hưởng sâu đậm tới lịch sử, chánh trị ở Trung Quốc. Vài năm trước đó, kế hoạch kinh tế “Đại nhẩy vọt” (Đại dược tấn, 大躍進bắt đầu năm 1958) của Mao đã hoàn toàn thất bại, dồn dập với thiên tai đã gây chết chóc tới khoảng vài chục triệu dân. Để củng cố quyền lực, Mao đã thanh trừng Bành Đức Hoài ở hội nghị Lư Sơn năm 1959. Tuy nhiên thanh thế Mao, lãnh tụ vĩ đại đã bị lu mờ nhiều. Đầu thập niên 1960, quyền hạn Mao được chia xẻ với Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và Chu Ân Lai. Mao lo sợ biến động ở Nga, số phận của Khrushchev năm 1964 có thể là viễn ảnh của Mao sao này. Nhưng Mao đánh giá chiến tranh Việt Nam, tình hình thế giới chưa đủ động lực để ông khôi phục quyền hành tuyệt đối. Mao canh cánh trong lòng chờ cơ hội để loại trừ đối thủ với thủ đoạn chụp mũ “xét lại” để cũng cố quyền lực. Tháng 2 năm 1966, có phái đoàn đảng bộ Nhật đến thăm Trung Quốc và Việt Nam để cổ động “Mặt trận liên hiệp quốc gia đoàn kết chống đế quốc” do Liên Xô, Trung Quốc lãnh đạo. Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình đồng tình với việc Trung Quốc là thành viên. Mao Trạch Đông sau đó phủ nhận quyền đại biểu của Lưu và Đặng, vì ngôn ngữ của mặt trận không có cụm từ “chống Xét Lại”. Từ đó Mao kết án Lưu và Đặng đã thỏa hiệp với bọn xét lại Liên-Xô. Đến tháng 5 năm 1966 Mao chỉ đạo Giang Thanh và Lâm Bưu dấy động phong trào Đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản. Làm rối tung trật tự, đảo lộn an ninh xã hội, phá hủy vật chất văn hóa Trung Hoa, đưa địa vịMao ngang hàng với thần thánh, quyền hành hơn cả vua chúa. Mục đích của Mao là tạo ra đại loạn để mà thanh trừng. Mượn đấu tranh giai cấp để đàotận gốc tróc tận rễ, chụp mũ “phần tử xét lại” để tận diệt đối thủ. Trong cái đại loạn đó hầu hết lãnh đạo cao cấp, cùng với trăm vạn trí thức, bị kết án là phần tử xét lại, bị lăng nhục, đưa đi lao động cải tạo, tù đầy, sát hại. Trong đó có Đặng Tiểu Bình và Lưu Thiếu Kỳ. Riêng Lưu Thiếu Kỳ, nhân vật thứ 2 sau Mao, được Mao chiếu cố đặc biệt, chết dần trong ngục tháng 11 năm 1969 vì thiếu ăn thiếu thuốc. Mao diệt đi cái họa Brezhnev của Trung Quốc.
Tháng 8 năm 1968 sự kiện Sô Viết và khối Warsaw (gồm Đông Đức, Ba lan, Bulgaria và Hungary) xâm chiếm Tiệp Khắc (Czechoslovakia) cũng là mối lo của Mao. Mao lo ngại Sô Viết sẽ dùng Học Thuyết Brezhnev (Brezhnev Doctrine) để uy hiếp Trung Quốc, và can thiệp vào nội bộ các nước cộng sản, nhất là Romania và Albania là hai nước thân Trung Quốc. Mao lên án Sô Viết phạm tội ác xâm lăng.
Xung đột biên giới Nga-Hoa, bang giao Mỹ -Hoa và chiến tranh Việt Nam
Chiến tranh biên giới Nga-Trung Quốc bùng nổ ngày 2 tháng 3 năm 1969 (nhà nướcTrung Quốc cho đó là chiến tranh tự vệ “珍寶 島 自 衛 反 擊 戰 ”, Trân Bảo đảo tự vệ phản kích chiến ) mà Mao đã dàn dựng để dạy Sô Viết “bài học đắng cay”. Trận chiến mở đầu với phục kích từ Hồng quân Trung Quốc. Mao chủ trương để tự vệ tốt phải biết công kích chính xác, đúng chỗ đúng lúc. Từ đó mọi cuộc chiến biên giới với các nước láng giềng đều là tự vệ, dạy bài học cả. Hai tuần sau Brezhnev dạy lại Mao bài học về tội gây hấn với vũ khí tối tân, tối mật như xe tăng T-62, và BM-21 “Grad” rocket. Trận chiến biên giới sôi động đến nỗi Sô Viết phải đặt Lực Lượng Hỏa Tiển (Nguyên Tử) Chiến Lược vùng Viễn Đông (Strategic Rocket Forces in the Far East) trong tình trạng khẩn cấp. Chiến tranh dọc biên giới Nga-Hoa đã âm ỷ nhiều tháng hết nóng rồi lạnh. Nga nhiều lần cảnh cáo sẽ dùng vũ khí nguyên tử chiến thuật (tactical nuclear weapons) để ép Mao hòa đàm. Nhưng Mao cho Sô Viết là con cọp giấy, không quan tâm việc hòa đàm. Ngày 27 tháng 8 năm 1969, giám đốc tình báo Mỹ CIA Richard Helms cho báo chí hay Sô Viết có thông tin với chánh quyền cộng sản các nước Đông Âu, là sẽ đánh cơ sở chế bom nguyên tử của Trung Quốc. Trước đó ngày 18 tháng 8, Boris Davydov (KGB dưới áo ngoại giao) đệ nhị bí thư đại sứ quán Sô Viết tại Washington D.C. có gợi ý với ôngWilliam Stearman, nhân viên phòng tình báo và nghiên cứu (Bureau of Intelligence and Research (INR), bộ ngoại giao Hoa Kỳ, là thái độ Hoa Kỳ ra sao nếu Sô Viết tấn công tiêu hủy cơ sở nguyên tử Trung Quốc. E rằng im lặng là đồng thuận cho Sô Viết dùng võ khí nguyên tử tấn công Trung Quốc, Kissinger đã gợi ý TT Nixon ủy quyền ông đi yêu cầu bộ ngoại giao Mỹ thảo thông tư “xa lánh -bài bác-các báo cáo về kế hoạch của Sô Viết tấn công quân sự bất thần vào Cộng sản Trung Quốc” (deploring reports of a Sô Viết plan to make a preemptive military strike against Communist China). Sau ngày ông Richard Helms họp báo, Trung Quốc khẩn cấp chuẩn bị chiến tranh nguyên tử với Sô Viết. Trong đám ma ông Hồ Chí Minh ngày 6 tháng 9 năm 1969 thủ tướng Nga Kosygin nhờ Việt Nam chuyển thơ đề nghị hòa đàm với Trung Quốc. Trước đe dọa thảm họa nguyên tử Mao từ bỏ thái độ ngoan cố, chấp nhận hòa đàm (ngày 11/9/1969) tại phi trường Bắc Kinh. Sợ chuyến bay của Thủ tướng Kosygin là con 21 ngựa Trozan, chở đầy quân cảm tử (bài học ở phi trường thủ đô Tiệp Khắc tháng 8 năm 1968) với bom nguyên tử, Mao cho sơ tán phi trường thay thế với quân tinh nhuệ sẳn sàng tác chiến. Vài ngày sau khi Kosygin về nước, lãnh đạo Bắc Kinh lại báo động chuẩn bị chiến tranh, cho rằng chuyến đi của Kosygin là lập lại vai trò của đặc sứ Nhật yết kiến TT Roosevelt trước trận đánh úp Trân Châu Cảng (Pearl Harbor). Họ nghi ngờ Nga sẽ tấn công vào ngày quốc khánh mồng 1 tháng 10. Nhưng mọi việc không xẩy ra như tưởng tượng. Rồi họ cho Nga sẽ đánh úp ngày 19 tháng10 là ngày trước hôm hòa đàm giữa Kosyngin với Chu Ân Lai. Tất cả nói lên phần nào não trạng con người cộng sản Trung Quốc, đa mưu đa nghi, dù đã biết hỏa lực nguyên tử của Sô Viết không cần phải đánh úp để tiêu diệt hoàn toàn tiềm năng vũ khí hạch nhân của Trung Quốc. Thật ra Mỹ vừa cứu Trung Quốc khỏi cái tai kiếp thảm họa bom nguyên tử 16, 17. Không thể xử dụng vũ khí nguyên tử để giải quyết vấn đề biên giới với Trung Quốc, Kosyngin phải đến Bắc Kinh để hòa đàm..
Sau trận xung đột biên giới Tielieketi ở Tân Cương tháng 8 năm 1969 , Chen Yi (Trần Nghị) và Ye Jianying (Diệp Kiếm Anh) tường trình lên Mao tình hình biên giới đề nghị dùng lá bài Hoa Kỳ để kềm chế Sô Viết xử dụng võ khí nguyên tử. Diệp Kiếm Anh nhắc lại thời Tam Quốc chia ba chân vạc. Kế sách của Gia Cát Lượng là “Đông liên Tôn Ngô, Bắc cự Tào Ngụy” để nghị lên Mao tham khảo – nguyên văn: “ …Diệp sư thuyết “Ngụy, Thục, Ngô, tam quốc đĩnh lập, Gia Cát Lượng đích chiến lược phương châm thị – “Đông Liên Tôn Ngô, Bắc Cự Tào Ngụy”- khả dĩ tham khảo”…. (Ý nhắc chừng nước Tàu còn yếu như nước Thục trước họa diệt vong xâm lăng từ phương Bắc, Tào Tháo nước Ngụy, (so với Sô Viết), phải liên minh với Tôn Quyền, Đông Ngô (sánh với Hoa Kỳ ở phía Đông) –xin đọc “New Documentary Reveals Secret U.S….document 3”). Khổng Minh phải mạo hiểm sang Đông Ngô dùng tài trí mưu lược ba tấc lưởi khích Tôn Quyền vào thế liên minh để giải cái họa diệt vong. Sau trận Xích Bích, lại nhân cơ hội đoạt lấy Kinh Châu làm cơ sở chia ba thiên hạ. Diệp Kiếm Anh đề nghị một kế để đưa Trung Quốc khỏi họa chiến tranh nguyên tử. Trần Nghị lại đề nghị hội nghị với Mỹ ở bật cao hơn hàng bộ trưởng- đang tiến hành từ nhiều năm ở Warsaw- (nghĩa là hàng thủ tướng, chủ tịch tổng thống). Hai đề nghị nầy đã được Mao chuẩn thuận và đưa nước Tàu từ thế yếu (như nước Thục trước trân Xích Bích) tới một nước Trung Quốc hùng mạnh ngày nay, thực sự chia ba thiên hạ với Mỹ, Nga. Nhưng Chu Ân Lai không cần phải vất vả đến Washington, D.C. để đàm phán việc liên minh với Mỹ như Khổng Minh đã phải thân hành đến Sài Tang mà “thiệt chiến quần Ngô”, khích chí Tôn Quyền để thực hiện cái kế liên hoàn. 22
Tiếc thay TT Nixon đã không thấu rỏ nội tình Trung Quốc để lợi dụng khủng hoảng biên giới Nga -Hoa, Nixon không chơi con bài Sô Viết, đã không giữ trung lập trong tranh chấp, mà lại còn ve vãng, bảo vệ Trung Quốc để mong thiết lập bang giao mậu dịch sau nầy (Xin đọc thêm bài “Sino-Soviet-Us-relations-and-the-1969-nuclear-threat” để thêm khái quát về hiện trạng cộng sinh giữa hai nền kinh tế Mỹ-Trung Quốc, sau năm 1972 đến năm 2010.) Tự nguyện xa vào bẫy chiến lược của Mao, chạy chọt, móc nối, đi đêm (secret-channel) với Romania, Pakistan … để được đi Bắc kinh ngoại giao mậu dịch (Đủ nói lên trí tuệ một Kissinger, cố vấn tối cao cho TT Nixon – quyền hành lấn áp Ngoại trường William P. Rogers -).
Tệ hơn nửa, Kissinger đã lậu bí mật quân sự của Sô Viết ở biên giới Nga-Hoa, để được bang giao vớiTrung Quốc trong cuộc họp với Diệp Kiếm Anh ngày 23 tháng 2 năm 1972 tại Bắc kinh (Để tâng công với Diệp Kiếm Anh, Kissinger còn nói đó là tài liệu tuyệt mật ngay cả nhân viên tình báo cao cấp Mỹ cũng không biết, “As Kissinger pointed out, the briefing was so secret that not even senior U.S. intelligence officials knew about it” ( xin đọc “New Documentary Reveals Secret U.S….document 10”). Chính Diệp Kiếm Anh 4 năm trước (1969) đã đề nghị với Mao “Đông liên Tôn Ngô, Bắc cự Tào Ngụy” (chơi lá bài Mỹ, liên hiệp với Mỹ để chống Nga). Thì nay Kissinger mưu cầu bang giao vất vả đến Bắc Kinh hiến lực phục vụ cái thế chân vạc cho Trung Quốc.
Để bình thường hóa bang giao, vấn đề tiên quyết đối với Trung Quốc là Đài Loan. Mỹ đã bán Đài Loan một cách ngoạn mục để bang giao với Trung Quốc. Ngu xuẩn cho Nixon và Kissinger là đã trắng trợn chà đạp lên xương máu mấy trăm ngàn binh sỹ Hoa Kỳ chiến đấu cho tự do ở Việt Nam, đã tàn nhẩn phản bội mấy vạn lính Mỹ tử trận ở chiến trường Việt Nam. Học thuyết Nixon “Việt nam hóa chiến tranh Việt Nam” đã tự nó phá sản từ trong phôi cấu. Việt Nam hóa nhưng Nixon không có kế sách để ép Sô Viết và Trung Quốc cúp viện trợ cho Bắc Việt. Xung đột biên giới Nga-Hoa là cơ hội ngàn vàng cho Nixon thi hành kế sách ngoại giao chiến lược “détente” hay hòa hoãn, bỏ căng thẳng với Sô Viết, thiết lập bang giao với Trung Quốc và giải quyết chiến tranh Việt Nam trong công bình và nhân đạo. Nhưng tiếc thay chiến tranh Việt Nam, số phận của 20 triệu dân miền Nam Việt Nam, không nằm trong chiến lược hoàn cầu của Nixon. Nixon, Kissinger đã không xử dụng lá bài xung đột biên giới Nga-Hoa để ép Sô Viết và Trung Quốc ngưng viện trợ cho Bắc Việt (16), chấm dứt chiến tranh Việt Nam trong vinh dự và công bình như khẩu hiệu Nixon tranh cử tổng thống năm 1968 (Peace with honor). Một khi đã bang giao, buôn bán với Trung Quốc, thì học thuyết “Domino” (TT Eisenhower, 23 – 7/4/1954) không còn thiết thực nữa, miền Nam Việt Nam là gánh nặng không lợi lộc gì trong bài toán buôn bán của Kissinger. Để bang giao với Trung Quốc, Nixon, Kissinger đã bẻ gẫy gọng kềm chế Hoa Lục, đưa Trung Quốc vào ghế thường trực Liên Hiệp Quốc, thay thế Cộng Hòa Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), và Mỹ đơn phương rút quân khỏi miền Nam. Một hệ quả của bang giao Mỹ-Hoa là sự tan vở của khối SEATO, kéo theo đó là nguồn tài chánh cho y tế, giáo dục, văn hóa… Nhưng bỉ ổi hơn hết là Mỹ đã làm ngơ (hay thỏa thuận, chờ tài liệu Mỹ giải mật sẽ rỏ) để Trung Quốc thôn tính quần đảo Hoàng Sa (1/19/1974) từ tay hải quân Việt Nam Cộng Hòa, gián tiếp nối tay cho Trung Quốc xâm lăng, bành trướng xuống biển Đông Nam Á. Bành trướng xuống biển Đông Nam Á chỉ là thực thi chánh sách Mao Trạch Đông (xin đọc Tuyên bố -ngang ngược- của Trung Quốc ngày 4/9/1958 6) trong thời đại mới sau ngoại giao bóng bàn, thông thương với Mỹ, khi mà lý thuyết cộng sản, lá bài giải phóng dân tộc, khẩu hiệu chống Đế Quốc Mỹ không còn giá trị.
Lần nửa, Mao đã áp dụng tài tình binh pháp Tôn Tử, “cố binh tri bỉ tri kỉ, bách chiến bất đãi”. Lịch sử Trung Hoa cận đại qua các hòa ước bất bình đẳng với Tây Dương đã dạy Mao biết rỏ cái gì Nixon muốn đó là buôn bán với 1 tỷ dân Trung Quốc.
Nhưng ngược lại chánh phủ Hoa Kỳ dưới hai trào Johnson và Nixon đã lơi là văn hóa, lịch sử Trung Hoa, không hiểu Mao Trạch Đông. Nếu ai đó trong chánh quyền Mỹ bấy giờ có để tâm đến lời can của Cung Chi Kỳ, thấu triệt nguồn gốc chiến tranh Pháp-Thanh, và tìm hiểu tại sao Mao đã thỏa mãn với một nửa nước Việt Nam cộng sản trong Hiệp Định Genève… thì họ đã không đưa 500 ngàn quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam. Cộng Sản Bắc Việt không có chiêu bài đánh Mỹ cứu nước. Thiên hạ không có đại loạn để Mao thủ lợi, dùng chiến tranh thực hiện mộng bá quyền cộng sản. Thì miền Nam có thể đã không lọt vào tay cộng sản, một khi bức tường Bá Linh sụp đổ, khối cộng sản Đông Âu tan vỡ. Thì cái tuyên truyền của Cộng Sản Bắc Việt, giải phóng miền Nam, xây dựng xã hội cộng sản … tự nó phá sản. Đặc biệt nhất là chánh phủ Nixon đã không thấu rõ, không tận dụng tình cảnh nguy khốn của tập đoàn lãnh đạoTrung Quốc dưới cái đe dọa diệt vong trước áp lực vũ khí nguyên tử của Sô Viết để ép Trung Quốc (và Sô Viết) ngưng viện trợ cho Bắc Việt để có hòa bình trong công bình, nhân đạo cho 20 triệu dân miền Nam. Chánh quyền Nixon đã quá u mê, thiển cận. Họ hoàn toàn không biết dụng tâm của TrungQuốc. Chu Ân Lai không ép Lê Đức Thọ là vì Trung Quốc muốn Bắc Việt chiếm lấy miền Nam. Một Việt Nam thống nhất dưới chế độ CS Bắc Việt thì Trung Quốc mới thực hiện được mộng phát triển xuống biển Đông Nam Á 18. Kissinger đã không tìm hiểu hay phân tích bản tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc ngày 4-9-1958 (6). “…bất tri bỉ bất tri kỉ, mỗi chiến tất đãi”, Mỹ đã thất bại trong bang giao với Trung Quốc.
Trí tuệ của một chánh khách xôi thịt như Henry A. Kissinger, người thứ hai sau TT Nixon quyết định sách lược nước Mỹ bấy giờ , đi đấu tranh ngoại giao với Chu Ân Lai như lấy trứng chọi đá. Sánh gì với Mao Trạch Đông, gian hùng, xảo quyệt, mưu lược ngàn năm có một trong lịch sử Trung Quốc.
Đông Nam châu Á sau chiến tranh Việt Nam
Ôn cố tri tân. Thời điểm này các nước Đông Nam Á phải cấp bách liên minh, tổ chức một SEATO mới có thực lực, đồng tâm, sát cánh để đương đầu với một cường quốc Trung Quốc kinh tế tư bản nhưng độc tài đảng trị và nhiều tham vọng. Một quốc gia có dân tộc tính cao nhưng không dân chủ. Trung Hoa ngày nay trong thời hoàng kim cùa nó… không ai đọc lịch sử Trung Quốc mà không đề phòng (19). Tiếc thay các nước Đông Nam Á đang u mê, nhận cái lợi nhỏ hòa hoãn tạm bợ, buôn bán nhất thời với Trung Quốc mà không thấy cái họa lớn bị chèn ép mất mát sau này như các nước Yên, Sở, Tề thời chiến quốc, hòa hoản với Tần Vương Doanh Chính, để nước Tần rãnh tay thôn tính các nước gần: Hàn, Triệu, Ngụy. Các nước ASEAN ngày nay không đoàn kết sát cánh với Phi Luật Tân và Việt Nam đối đầu với Trung Quốc. Sau nầy tất phải tự mình sa vào cảnh diệt vong của các nước Sở, Yên, Tề thời Chiến Quốc. Trong thời đại mới, mất nước ở hình thức mới, mất vì lệ thuộc kinh tế, mất vì phải theo văn hóa Trung Cộng để mậu dịch, mất vì dân cử nước mình bị đồng tiền Trung Cộng khống chế…
Riêng Việt Nam thì lịch sử đã cho thấy là mỗi khi Trung Quốc phải đối diện với cường địch bên ngoài thì họ dùng Việt Nam làm phên dậu, lấy đất Việt làm chiến trường để bảo vệ lãnh thổ miền nam Trung Quốc. Việt Nam mà còn trong quỹ đạo Trung Quốc thì sẽ không tránh khỏi tai kiếp sau nầy. Một khi Trung Quốc quyết định thay đổi trật tự thế giới với Mỹ. Việc đầu tiên là Trung Quốc chiếm lấy Việt Nam, biến Việt Nam thành tiền đồn, pháo đài, hải đăng để khống chế biển Đông, đối chọi với hạm đội Mỹ. Từ Việt Nam với xa lộ, và đường sắt liên quốc, họ tiến chiếm Thái Lan, Miến Điện, Mã lai Á, kiểm soát eo biển Malacca, chận đứng hải quân Ấn Độ, Tây Âu, chiếm Nam Dương (Indonesia), và đe dọa Úc Châu… Hy vọng viễn ảnh chiến tranh như trên chỉ là hoang tưởng trong thời đại “cyber warfare”, và chiến tranh thị trường ngày nay. Nhưng thiết thực và cấp bách là Việt Nam phải biết đặt mình ra ngoài quỹ đạo Trung Quốc. Trong thế cục ngày nay, cái thế thiên hạ chia ba chân vạc chánh trị kinh tế đã hẳn hòi, con đường duy nhất để Việt Nam được trường tồn và phát triển là phải có bạn bè với cường quốc dân chủ. Việt Nam phải cấp bách theo chân vạc của khối dân chủ Âu Mỹ Nhật Úc… Để thực sự độc lập, trả lại tự do dân chủ cho dân Việt, để duy trì văn hóa Việt Nam vạn đại sau nầy.
Chánh quyền cộng sản Việt Nam ngày nay phải trung thực nhìn lại lịch sử, phải chấp nhận sai lầm của của Hồ Chí Minh, đảng Lao Động Việt Nam năm xưa, và đảng Cộng Sản Việt Nam ngày nay… Phải lấy bài học của hai nước Nam Hàn và Bắc Hàn ngày nay như kim chỉ nam cho sách lược quốc gia. Cái may của Đại Hàn Dân Quốc (hay là Cộng Hòa Hàn Quốc, the Republic of Korea) là vị thế đất nước họ không phải là đất dụng võ cho tham vọng Mao Trạch Đông. Bán đảo Hàn Quốc không thể là con đường bành trướng của chủ thuyết Mao Trạch Đông. Mao đã thỏa mãn với Bắc Hàn Cộng Sản làm trái độn bảo vệ miền đông bắc nước Tàu. Tiền đồn bảo vệ cho vùng đất chiến lược, bán đảo Liêu Đông. Bắc Hàn cũng không có lãnh tụ trung kiên với tư tưởng Mao Trạch Đông như Hồ Chí Minh, và Lê Duẩn. Nhờ vậy mà Nam Hàn đã có thời gian kiến thiết đất nước họ (chứng tỏ sách lược “Nation Building, Kiến thiết- chánh thể- quốc gia” của Hilsman là đúng) dưới chế độ tự do dân chủ. Và thành tựu đó như ngày nay chúng ta đã thấy, Nam Hàn, một cường quốc kinh tế, độc lập, tự do, dân chủ ở Á Châu.
Nhật Bản, Nam Hàn sở dĩ có được như ngày nay là phần nào do viện trợ to tát của nhân dân Hoa Kỳ trong chiến tranh lạnh, hy sinh lớn lao của quân đội Hoa Kỳ sau Thế Chiến Thứ Hai. Chánh quyền cộng sản Việt Nam phải sáng mắt sáng lòng để thấy rõ điều đó.
Năm 1866 Minh Trị Thiên Hoàng đã canh tân nước Nhật (Minh Trị Duy Tân 1866-; So sánh cùng hoàn cảnh đó, sau khi Pháp chiếm Hà Nội lần thứ hai, thì vua Tự Đức phái sứ đi cầu viện nhà Thanh năm 1882. Việc làm đó đã dẫn đến chiến tranh Pháp Hoa trên đất Bắc Kỳ). Thiên Hoàng Nhật đã cải cách, từng bước ra khỏi khuôn mẫu thiên triều Trung Quốc -nhà Thanh- mà độc lập canh tân đất nước mình theo thể chế quân chủ lập hiến, kinh tế tư bản Âu Tây. Nam Hàn sau 1953, trong chiến tranh lạnh đã cự tuyệt mọi quan hệ với Trung Quốc Cộng Sản (so sánh, Hồ Chí Minh và Lê Duẩn là đệ tử trung kiên của tư tưởng Mao Trạch Đông. Hồ Chí Minh cầu viện Mao Trạch Đông 1949,1957, 1962…; Lê Duẩn 1965…; Nguyễn Văn Linh, Hội Nghị Thành Đô 1990 (20) đã từng bước xây dựng Cộng Hòa Hàn Quốc trên cơ sở kinh tế tư bản, dân chủ lập hiến. Hai nước Nhật Bản và Nam Hàn đều có quan hệ văn hóa sâu đậm ngàn năm với Trung Quốc không khác gì Việt Nam. Nhưng họ đã tách rời khỏi vết xe Trung Quốc, không theo khuôn khổ cai trị, kinh tế của thiên triều nhà Thanh, hay của Cộng Sản Mao Trạch Đông sau nầy và Tập Cận Bình ngày nay,.. và họ đã thành công xây dựng quốc gia họ hùng cường dân chủ, tự do.
Đối với Việt Nam, bước ra ngoài quỹ đạo của Trung Quốc không gì khác hơn là từ bỏ mọi khuôn mẫu cai trị, phép tắc, pháp độ lấy từ Trung Quốc (21). Phải từ bỏ độc tài Cộng Sản đảng trị, phải từng bước trả lại dân chủ, tự do cho người dân, mà chuộc lại phần nào tội ác chiến tranh xâm chiếm miền Nam, và đã góp phần thực hiện tham vọng Mao Trạch Đông. Việt Nam phải khôn ngoan không cam tâm làm phên dậu, tiền đồn bảo vệ Trung quốc.
—————
CHÚ THÍCH
* Nguyên văn từ “Đêm Giữa Ban Ngày” Vũ Thư Hiên. Bản điện tử, trang 406 : “Chế Lan Viên lấy hứng thú từ một bài nói chuyện nội bộ của Lê Duẩn, trong đó Lê Duẩn nói ‘Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại…’
(1) Đài phát thanh đọc chiếu Vua Bảo Đại gởi quốc dân ngày 19 tháng 8 năm 1945 kêu gọi đoàn kết và vui lòng “làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.” Nắm ngay cơ hội đó Chánh Phủ Nhân DânCách Mạng Lâm Thời (chủ tịch là Hồ Chí Minh) gởi điện tín yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Bảo Đại thoái vị ngày 25 tháng 8 năm 1945, vui lòng làm công dân Vĩnh Thụy của một nước Việt Nam độc lập. Áp lực bên ngoài là Việt Minh, nhưng dàn dựng bên trong cái cục thoái vị là do Phạm Khắc Hòe, Đổng Lý Ngự Tiền Văn Phòng triều Nguyễn bấy giờ. Ông Hòe hết dùng lịch sử cách mạng Pháp 1789 (Cái chết của Louis XVI, hoàng hậu Marie Antoinette, 1793) để áp lực tinh thần vua Bảo Đại, lại dùng sấm ký ở Nghệ An “Đụn sơn phân giái (giới), Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sanh thánh” để chỉ ông Hồ, người Nam Đàn Nghệ An, là thánh nhân. Ý nhắc vua phải theo thiên ý để mà bảo toàn tánh mạng. Có lẽ “…Nam Đàn sanh thánh” là một trong những động cơ mà Nguyễn Tất Thành đã bán Cụ Phan Bội Châu cho Pháp, để dành lấy huyền thoại cho chính mình. Mong bô lão, dân cố cựu ở Nam Đàn Nghệ An cho biết thêm về gốc gác của câu sấm trên. Chớ còn Nguyễn Ái Quấc thì dân lão làng cố cựu trong Nam đều biết đó là tên của người miền Nam. Hồ Chí Minh, người Nghệ An, mà nhận mình là tác giả những văn bản chữ Pháp ký tên Nguyễn Ái Quấc thì chỉ lộ cái chân tướng tiếm xưng mà thôi.
(2) Riêng trong miền Nam mặt thật của chế độ Cộng Sản Việt Nam chỉ non một năm sau 1975 là đã hoàn toàn lộ chân tướng, và huyền thoại Hồ Chí Minh thì ai nấy đều biết đó chỉ là truyện huyễn hoặc vẽ rắn thêm chân bởi đảng Cộng Sản Việt Nam, và chính tay Hồ Chí Minh trá hình dưới tên Trần Dân Tiên. Khoảng năm 1976 thì dân miền Nam thường mách nhau đem hình ông Hồ về lộng kiếng (liệng cống). Chỉ khổ cán bộ miền Bắc không biết tiếng lái miền Nam là đồ rác rưởi thì lộng kiếng -liệng cống.
(3) Binh Pháp Tôn Tử: Phàm phép dùng binh… Không khó gì bằng quân tranh – dành lấy lợi thế (Mạc nan ư quân tranh-), cái khó đó là (quân tranh chi nan giả) là biến cong thành thẳng (dĩ vu vi trực ), lấy vạ thành lợi (dĩ hoạn vi lợi) …( Áp dụng Binh Pháp Tôn Tử của Trần Canh: Công đồn bót (ở Lạng Sơn, Cao Bằng) là chuyện khó, không nên làm (kì hạ công thành -công thành là hạ sách), nên phải ép quân Pháp sa vào tình cảnh phải bỏ đồn, hành quân xa để giải vây cho Đông Khê, mà sa vào phục binh của Việt Minh, biến cái khó công đồn , thành cái lợi phục kích (dĩ vu vi trực, dĩ hoạn vi lợi).
(4) Có lẽ chính Mao đã lợi dụng lịch sử đang diễn ra ở Bắc Việt, nhận thức được cái ấm ức dồn nén trong lòng trí thức, văn nghệ sĩ mà khơi dậy phong trào “xét lại” ở Trung Quốc để thanh trừng.
Tháng 3, 1955, Trần Dần và Tử Phác phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu (Theo Thụy Khê thì Trần Dần, tây học, không chịu ảnh hưởng của Hồ Phong, sau chuyến đi Trung Quốc 1954).
Tháng Giêng năm 1956 Hoàng Cầm và Lê Đạt cho xuất bản Giai Phẩm Mùa Xuân.
Tháng 2 năm 1956, Giai Phẩm mùa Xuân bị tịch thu. Lê Đạt bị bắt, kiểm thảo. Trần Dần, Tử Phác bị tù. Tố Hữu triệu tập đại hội tuyên huấn toàn quốc (miền Bắc) để đánh Giai Phẩm Mùa Xuân.
Mãi đến giửa tháng 3 năm 1956 đợt chót của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc mới về nước. Đoàn cố vấn quân sự chắc hẳn đã báo cáo tình hình chánh trị, xã hội đang diễn ra ở Hà Nội lên Mao.
Rồi cuối tháng 5, 1956 Mao khởi động “Bách hoa đề phóng, bách gia tranh minh” để dấy động nguồn tư tưởng “xét lại”.
(5) Chống lại lệnh triệu hồi sang Pháp của Quốc Trưởng Bảo Đại, Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho tổ chức trưng cầu dân ý và truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại ngày 23 tháng 10 năm 1955, (thắng với 98.2%, Bảo Đại được 1.1%, con số đủ nói lên hậu trường của vở kịch, và với cố vấn của Lansdale “Xanh bỏ giỏ đỏ bỏ bì”, màu xanh, phiếu bầu QT Bảo Đại, màu đỏ phiếu cho TT Ngô Đình Diệm). Hoàng Đế Bảo Đại năm xưa đã từng vui vẽ thảnh thơi thoái vị để làm công dân Vĩnh Thụy của một nước Việt Nam độc lập thì chiếc ghế quốc trưởng chắc ông cũng không thiết tha gì.
Daniel Grandclément: Ông Diệm đã “… đã lật lọng một cách hèn hạ, trâng tráo phản bội lời thề trung thành với ông, phế bỏ ông, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu và gian lận tịch biên tài sản, nhục mạ chửi rủa ông cay độc hơn báo chí kháng chiến năm 1949, lại còn giật dây hội đồng hoàng tộc truất bỏ cương vị Quốc trựởng và mọi tước hiệu của ông”.
Rất tiếc ông Diệm không chu toàn cho thân nhân Cựu Hoàng còn ở miền Nam. Dầu sao ông Diệm tuy không xuất thân khoa bảng, nhưng cũng là quan lại triều Nguyễn nhiều năm-(sau khi ra trường Hậu Bổ, Ông Diệm lần lược được bổ nhậm tri huyện, tri phủ, tuần vũ, rồi thượng thư. Đường hoạn lộ hanh thông như vậy, nhưng không xuất thân đại khoa, thì quả là hy hữu. Người ta cho rằng quan trường của ông Diệm là do Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài nâng đỡ)- và là thủ tướng cuối cùng của Quốc Gia Việt Nam. Là một “chí sĩ” lại sao không biết gì “ân vua lộc nước”, hay cái “ân tri ngộ” năm xưa vua Bảo Đại phong ông chức Thượng Thơ Bộ Lại, chỉ vì lời nhắn nhủ của lão thần Nguyễn Hữu Bài.
(6) Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Quốc có viết:
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc nay tuyên bố:
(i) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
(ii) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn bản, kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.
(iii) Nếu không có sự cho phép của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, tất cả máy bay ngoại quốc và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè ngoại quốc nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc
(iv) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
Ðài Loan và Penghu hiện còn bị cưỡng chiếm bởi Hoa Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Ðài Loan và Penghu đang chờ được chiếm lại. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoại quốc không nên xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc
(Bản dịch của Trung Tâm Dữ Kiện)
Chú thích: Quần đảo Tây Sa (tên tiếng Tàu Xisha) = Quần đảo Hoàng Sa = Paracel Islands Quần đảo Nam Sa (tên tiếng Tàu Nansha) = Quần đảo Trường Sa = Spratly Islands
Nguyên văn công hàm Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958
Thưa Đồng chí Tổng lý, Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố , ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc. Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa trên mặt bể. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng. Hà-nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958 PHẠM VĂN ĐỒNG Thủ tướng Chính Phủ Nước Việt-nam Dân chủ Cộng Hòa
Nguồn: http://conghambannuoc.tripod.com/
http://law.hku.hk/clsourcebook/10033.htm
(7) Trong ngày mừng chiến thắng 19 tháng 5 năm 1975, Lê Duẩn đã nói, “Đảng của chúng ta là một và là người lãnh đạo duy nhất đã tổ chức, kiểm soát và điều hành toàn bộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam ngay từ ngày đầu của cuộc cách mạng”
(8) Tại sao đảng Lao Động Việt Nam tiến hành cuộc xâm chiếm miền Nam, không gì ngắn gọn qua lời phát biểu của Lê Duẩn: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại” …“Cuộc cách mạng Việt Nam là để thực thi bổn phận và các cam kết quốc tế”. Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và đảng Lao Động Việt Nam đã dùng nhân dân miền Bắc và Việt Cộng miền Nam như đội lính đánh thuê cho chủ nghĩa cộng sản, dưới chiêu bài giải phóng miền Nam.
(9) Theo Hilsman thì chương trình Ấp Chiến Lược (Strategic hamlet) đã thất bại là do ông Nhu dựng lên ngay bên vùng Việt Cộng kiểm soát, để Việt cộng trà trộn vào phá hoại. Theo ông thì phải xây dựng ở vùng có an ninh rồi từ từ lan ra vùng xôi đậu, rồi tới bìa vùng VC kiểm soát, thực hiện như vết dầu loan để ép VC không đất cắm dùi. Nhưng có lẽ thất bại cũng do tình báo Bắc Việt đã vô tới thượng tầng lãnh đạo chương trình Ấp Chiến Lược, có thể là Phạm Ngọc Thảo, công giáo, thân thiết với Giám mục Ngô Đình Thục, hay Vũ Ngọc Nhạ, công giáo, tín cẩn của Giám mục Lê Hữu Từ, cả 2 ông Thảo và Nhạ đều được Ông Diệm, ông Nhu tín nhiệm (đó chỉ là suy luận, phải chờ tài liệu công bố từ chánh quyền Việt Nam).
TT Kennedy đã thiên về giãi pháp chánh trị cho tình hình Việt Nam, tiêu biểu cho đó là diễn văn của Hilsman đọc ở San Francisco ngày 13/12/1963, 2 tuần sau TT Kennedy bị ám sát. Có 4 điểm chánh sau đây, công nhận Mông Cổ, bãi bỏ hạn chế du lịch, dễ dãi việc hạn chế mậu dịch vớiTrung Quốc, và ủng hộ Trung Quốc có mặt trong hội đàm giải giới ở Geneva “Recognition of Mongolia, lifting of travel restrictions, easing of trade restrictions, and the inclusion of China in the Geneva disarmament talks” JCT.
(10) Hilsman nói về McNamara trong buổi phỏng vấn bởi Paige E. Mulhollan: “..And McNamara was again all gung-ho. McNamara’s whole history in this thing was, anytime there’s any crisis, starting off with a military type answer, buying whatever the JCS were recommending – coming in and very aggressive and dynamic in an NSC meeting and steamrollering opposition.”
(11) Trong chuyến viếng thăm Việt Nam tháng 5, 1961, phó TT Johnson đã hình tượng TT Diệm để so sánh với Thủ Tướng Anh Churchill (cả hai đều có thân hình bệ vệ, thiếu chiều cao, hút thuốc liền tay) trong buổi dạ tiệc với lời chúc rượu TT Ngô Đình Diệm “the Winston Churchill of Asia”. Khi ký giả Stanley Karnow chất vấn Johnson về sự so sánh, Johnson trả lời “Shit… Diệm’s the only boy we got out there”SK.
(12) Nguyên văn trích lại từ Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc, Thụy Khê:
“Hoàng Văn Chí, tức Mạc Định, soạn giả Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá xuất bản tại Sài Gòn, 1959, cho biết: “Ở Hà Nội ra đi đầu năm 1955, tôi đã hẹn với các bạn ở lại là hễ có dịp sẽ nói lên tiếng nói của họ”, “Tôi làm việc một mình”, “Tôi liên lạc được với một ủy viên trong Ủy ban kiểm soát đình chiến. Họ đi Hà Nội như đi chợ. Mỗi tuần họ cắp về Sài Gòn cho tôi tất cả báo chí xuất bản ở Hà Nội”, “Tôi làm việc trong hai năm 56-58″. “Bộ Thông tin và nói chung, chính quyền Sài Gòn không hề giúp. Lý Trung Dung đến chào Bộ Thông tin, yêu cầu mua cho một số, nhưng chẳng mua một cuốn nào”. “Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá ở Việt Nam là một chi nhánh của một tổ chức quốc tế, tên là Congress for Cultural Freedom, trụ sở trung ương ở 104 boulevard Haussmann, Paris. Bác sĩ Lý Trung Dung làm chủ tịch. Tội nghiệp, chỉ vì làm chủ tịch Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá mà phải đi cải tạo đến nay (1986) chưa được thả”. “Trước khi đưa in, Lý Trung Dung nghe nói có người gần ông Diệm ngờ rằng tôi soạn cuốn Trăm hoa đua nở là có ý xúi dục trí thức miền Nam bắt chước trí thức miền Bắc nổi lên chống lại chế độ. Vì vậy nên Lý Trung Dung bàn với tôi nên để bút hiệu Mạc Định là soạn giả. Chỉ ký tên Hoàng Văn Chí vào bài Tựa” (Trích Phỏng vấn cụ Hoàng Văn Chí, Từ Nguyên thực hiện, bán nguyệt san Tự Do số 50, ngày 16 tháng 11 năm 1986, phát hành tại Bỉ) TK.
(13) Nêu lên đây với sự dè dặt. Tôi chưa có dịp đọc nguyên văn từ nguyên bản, mà chỉ trích lại từ 1 bài viết đăng trên Talawas.org
(14) Theo Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc xuất bản 1959, bản điện tử Talawas, thì ngày 4 tháng 10 năm 1956. Theo Thụy Khê: Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc xuất bản gần đây thì là ngày 30 tháng 10 năm 1956
(15) Văn hóa miền Nam còn bị đánh lần nữa cũng chính do Lữ Phương, đảng viên đảng Lao Động, sống trong Nam, Thứ trưởng Thông tin Văn hóa Chánh Phủ Lâm Thời. Lần nầy Lữ Phương chủ động, tác gỉả cuốn “Cuộc Xâm Lăng về Văn Hoá và Tư Tưởng của Đế Quốc Mỹ tại Miền Nam Việt Nam” Nhà xuất bản Văn Hoá, Hà Nội 1981 (?). Tôi chưa hề đọc qua cuốn sách nầy. Nhắc lên đây vì đề cập đến chánh sách tiêu hủy “quét sạch tàn dư văn hóa Mỹ Ngụy”. Chánh sách hủy diệt nầy đã kéo dài nhiền năm, chớ không tự phát nong nổi nhất thời trong cái “ồn ào” sau ngày 30/4/1975, như Lữ Phương đã phân trần, mà nó phát xuất từ lãnh đạo, rồi thực hiện, đến tuyên truyền, củng cố học tập… ( tuyên truyền, học tập sách do Thứ trưởng Thông Tin Lữ Phương viết)
(16) Trong mục American Experience trên đài truyền hình PBS phát hình chương trình “Nixon’s China Game” năm 1999. Tướng Alexander Haig, cố vấn an ninh quốc gia chánh phủ Nixon, trong phỏng vấn có nói như sau:
“… The conclusion was at first there would be a very strong chance that the Chinese side would reject any overtures in the first instance…” (Khi đề cập đến khả năng Mao Trạch Đông không chấp nhận tiếp xúc với chánh quyền Hoa Kỳ đề bình thuờng hóa bang giao)
“…Now it was rejected by President Nixon, Kissinger, and myself as a very foolish way upon which to build a relationship with the largest population in the world, and that is to make them a ploy or a card in a three partner game. …” (Loại bỏ lá bài Sô Viết, hay Trung Quốc trong ván cờ tay ba, để xây dưng quan hệ với Trung Quốc)
“. ..That was the criticality of the United States having normal relations with what will soon be, some years later, probably the largest economic bloc in the world. So that was the basis upon which we justified the initiative. …” (Cho thấy mục đích của bang giao là giá trị kinh tế của 1 tỉ dân Trung Quốc)
“… Never was there any thought of condoning a castrating strike against China. We sent back at a fairly high level a very strong message to the Soviet that an attack on China would be considered an attack on us, and that this was simply not an acceptable outcome.” (Tiết lộ việc Nixon đã cứu Trung Quốc khỏi họa chiến tranh nguyên tử)
(17) Gần đây Andrew Osborn và Peter Foster, trong bài “USSR planned nuclear attack on china in 1969,” trên Telegraph.co.uk, ngày 13 tháng 5 năm 2010, có viết:
“He (Liu Chenshan) said Soviet diplomats warned Washington of Moscow’s plans “to wipe out the Chinese threat and get rid of this modern adventurer,” with a nuclear strike, asking the US to remain neutral. But, he (Liu Chenshan) says, Washington told Moscow the United States would not stand idly by but launch its own nuclear attack against the Soviet Union if it attacked China, loosing nuclear missiles at 130 Soviet cities. The threat worked, he added, and made Moscow think twice, while forcing the two countries to regulate their border dispute at the negotiating table.
http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/asia/china/7720461/USSR-planned-nuclear-attack-on-China-in-1969.html
(18) Mao Trạch Đông đã toan tính, mưu mô một nước Việt Nam cộng sản như mượn đường nước Ngu để tiến lấy biển Đông Nam Á (nước Quấc). Dùng mưu để thắng, chiếm lấy nước người là thượng sách “cố thượng binh phạt mưu, kì thứ phạt giao, kì thứ phạt binh, kì hạ công thành “. Trung Quốc bầy ra cái cục lãnh hải vùng biển Đông Nam Á (tuyên bố ngày 4-9-1958). Lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt mắc bẫy liền ngay sau đó, tự nguyên dâng đảo dâng biển (công hàm PVĐ ngày 14-9-1958). Ngay lúc miền Nam vừa mới bị Mỹ bỏ rơi, Trung Quốc vội vã xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa để bước chân vào biển Đông Nam Á. Chánh quyền Cộng Sản Bắc Việt không phản đối y như tiên liệu của Trung Quốc. Khi làm chủ biển Đông thì món quà Việt Nam sẽ “bất chiến nhi thắng” TTBP. Quả thật Hồ Chí Minh đã không có tác phong, đạo đức, cũng không có tư tưởng, tầm nhìn của lãnh tụ, trí tuệ thua xa Mao và Chu.
(19) Dân tộc Hán khởi nguồn từ vùng đất phía bắc sông Hoàng Hà tương ứng với Thiểm Tây ngày nay. Văn minh phát triển ở vùng Hà Nam (tỉnh phía nam sông Hoàng Hà), mà người Hoa thường gọi vùng đó là Trung Nguyên. Trong lịch sử phát triển người Hán gọi các dân tộc khác cùng thời ở chung quanh mình là Man 蠻Di 夷Nhung 戎Địch 狄. Man (phía nam: người Sở, Bách Việt), Di (phía đông như Hoài Di, nước Ngô thời Xuân Thu…), Nhung (phía tây như người Tây Hạ, Thổ Phồn…) Địch (phía bắc như người Liêu, Kim, Mông Cổ).
Trong bài Đằng Vương Các Tự 滕王閣序, Vương Bột – 王勃 (649 – 675) có nhắc đến Man để chỉ người Sở và Âu Việt: “Khâm tam giang nhi đới ngũ hồ, khống Man Kinh 蠻荊 nhi dẫn Âu Việt 甌越” (襟三江而帶五湖,控蠻荊而引甌越). Man Kinh, chỉ người nước Sở; Âu Việt, chỉ dân nước Việt của Câu Tiển thời Chiến Quốc.
Ngày nay dân Trung Quốc bao gồm 5 tộc lớn hoàn toàn khác nhau về nguồn gốc, văn hóa, phong tục, ngôn ngữ, và chử viết đó là tộc Hán, và các dân tộc mà khi xưa người Hán gọi là rợ (Man Di Nhung Địch) như Mãn, Mông, Tạng (Tibet), Hồi (Turkestan), và những tộc đã đồng hóa như Nam Việt, Mân Việt, Sở (Kinh), Ngô (Hoài Di), Việt (Âu Việt). Trong lịch sử Trung Quốc đã sát nhập các nước Sở, Ngô, Việt thời Chiến Quốc, Nam Việt (bao gồm Mân Việt) thời nhà Tây Hán, vùng đất Ba Thục thời Tam Quốc, vương quốc Tây Hạ, Đại Lý vào thời nhà Nguyên, Tây Tạng, Mãn Châu và vùng đất Cam Túc, Tân Cương (Turkistan) thời nhà Thanh. Ngày nay người Tàu ở các tỉnh miền nam như Quảng Đông, Phúc Kiến (Nam Việt Mân Việt) …tự nhận mình là người Đường, trong khi người Tàu sống ở miến bắc tự nhận mình là người Hán. Đó cũng dễ hiểu thôi, người Hoa Nam không thể tự nhận mình là người Hán khi chính đất nước họ (Nam Việt của Triệu Đà) bị người Tây Hán xâm chiếm. Theo Trịnh Hoài Đức, trong “Gia Định Thành Thông Chí” thì người Hoa Nam tự nhận mình là người Đường là do theo họ Đường Ngu (唐 虞 Đường họ vua Nghiêu, Ngu họ vua Thuấn). Tôi xin không đồng ý ở đây, vì dân Hoa Nam thuộc dòng Bách Việt không liên hệ với vua Nghiêu, Thuấn của người Hán. Mà người Hoa Nam nhận là người Đường vì họ lấy đền văn minh rực rỡ thời nhà Đường làm hảnh diên và tự nhận là người Đường. Gần 9 thế kỷ bị người Hán phương Bắc đồng hóa họ vẫn cay cú không nhận mình là người Hán. Vua Nam Việt Triệu Đà là người Hán nhưng dân Nam Việt không phải là người Hán. Ở Mỹ các thành phố lớn như San Francisco, New York, Philadelphia… cộng đồng người Hoa (đến Mỹ hồi cuối thế kỷ 19 từ Hoa Nam, Quảng Đông) có phố Tàu gọi là Đường Nhân nhai 唐人街(Phố người Đường). Hoa kiều ở miền Nam và các nước Đông Nam Á, thường nhắc đến Đường Sơn 唐山 để chỉ quê cha đất tổ của mình ở Quảng Đông, Phúc Kiến. Chắc bạn đọc còn nhớ bộ phim “Đường Sơn Đại Huynh” do Lý Tiểu Long đóng năm xưa. Cũng như người Tây Tạng, người Turks sẽ không bao giờ tự nhận mình là người Hán Trung Quốc.
Theo định nghĩa Trung Quốc ngày nay thực sự là một liên bang đế quốc. Và Đế Quốc Trung Quốc hiện tại không ngừng bành trướng, nó đang tiến xuống biển Đông, xâm chiếm các hải đảo, lãnh hải thuộc chủ quyền các nước Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia. Đó cũng chưa phải mục đích tối hậu. Mục đích tối hậu là thực hiện một Trung Quốc thực sự (cái rốn) của thế giới trong thế kỷ tới. Khi trật tự thế giới phải thay đổi chỉ vì tầm nhìn, dã tâm tham vọng của một chế độ độc tài thì phải có chiến tranh. Trật tự đó đã và đang được Trung Quốc thay đổi ở tầm mức nho nhỏ qua chiến tranh biên giới với Nga, Ấn, Việt Nam và biển Đông (Nhật Bản), biển Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines và các nước Đông Nam Á). Sau này Trung Quốc khi đủ điều kiện sẽ tranh chấp trực diện với Mỹ để thay đổi trật tự thế giới.
(20) Trong lịch sử Đại Việt, cầu viện thiên triều phương Bắc để bảo vệ quyền lợi ngôi vua của mình trước đã có Trần Ích Tắc, Lê Duy Kỳ, sau nầy thì có Hồ Chí Minh, Lê Duẩn dưới danh nghĩa đánh Đế Quốc Mỹ xâm lược, gần đây lại thêm Nguyễn Văn Linh (Hội Nghị Thành Đô) để bảo vệ quyền lợi đảng Cộng Sản Việt Nam.
(21) Trung Quốc là một đế quốc liên bang rộng lớn bao gồm nhiều dân tộc, có phong tục tiếng nói … khác nhau (chú thích 19). Chữ viết thống nhất là thành quả của tiến trình lịch sử ngàn năm thôn tính và đồng hóa các tộc lân cận. Nhà nước Trung Quốc cần phải có một nguồn máy hành pháp mạnh mẽ để cai trị, và duy trì trật tự an ninh trên cả nước Trung Hoa rộng lớn trong giai đoạn chuyển tiếp đến chế độ tự do dân chủ. Lịch sử Trung Quốc qua ngàn năm đã cho thấy một khi chánh quyền trung ương suy yếu thì loạn lạc, cướp bóc, sứ quân trổi dậy xưng hùng xưng bá. Bài học lịch sử gần đây nhất là khoảng thời gian sau Cách Mạng Tân Hợi còn đó. Chánh quyền Trung Hoa Dân Quốc không đủ thực lực để duy trì an ninh trật tự địa phương, tạo ra cướp bóc, loạn lạc, kiêu binh rồi sinh ra nạn quân phiệt, tướng lãnh, đảng cướp hùng cứ một phương. Chánh quyền địa phương đã yếu lại yếu thêm. Đảng Cộng Sản Trung Quốc của Mao Trạch Đông từ đó mà manh nha, và lớn mạnh trong loạn lạc chiến tranh rồi tranh dành thiên hạ với quân đội Dân Quốc. Để tránh loạn lạc cướp bóc là lý do mà lịch sử, và xã hội Hoa Lục này nay còn chấp nhận chánh quyền cộng sản độc tài toàn trị ở Trung Quốc.
Hoàn cảnh đất nước Việt Nam hoàn toàn khác hẳn với Trung Quốc. Việt Nam đất không rộng. Từ Bắc chí Nam người dân nói một thứ tiếng, dùng một chữ viết, cùng chung phong tục tập quán, tuy phương ngữ, thổ tục mỗi vùng có khác nhưng đó là phong phú của văn hóa, bước tiến của văn minh. Nó không là dị tục do dị biệt dân tộc. Lịch sử và xã hội không cho phép chánh quyền Việt Nam ngày nay rập khuôn Trung Quốc, lấy mực thước từ Bắc Kinh để thiểu số đảng viên Cộng Sản Việt Nam cai trị, khũng bố, bóc lột trăm triệu dân Việt.
Trịnh Quốc Thuận, Ph.D.
-
-Tàu ngầm Kilo do Nga sản xuất. Loại tàu ngầm này được ví von là “hố đen trong đại dương” vì rất khó phát giác khi chúng di chuyển bên dưới mặt nước. (Hình: RIA Novesti)
-Lãnh đạo Việt Nam năm 2015 và ba đại ca
Nguyễn Giang – BBCVietnamese.com 31 tháng 12 2014
Năm 2014 khép lại ở Anh Quốc bằng nhiều bảng ‘phong thần’ điểm mặt chỉ tên các nhân vật thắng hoặc thua trong năm, gọi là ‘the winners and losers of 2014′.
Nhưng nhiều người trong giới chính trị Anh không quen thuộc với các bạn đọc của BBC ở Việt Nam nên tôi xin chỉ nhắc đến ba nhân vật quốc tế là các ông Barack Obama, Tập Cận Bình và Vladimir Putin.
Người được các nhà bình luận tại Anh cho là đang thắng thế nhất trong năm 2014 không phải ai khác mà là Chủ tịch Trung Quốc, còn người thua nhiều nhất lại chính là ông Putin.
Sức mạnh Obama
Tôi sẽ quay lại hai vị này sau khi bàn qua về ông Obama vì có thể ông sẽ thăm Việt Nam vào một thời điểm nào đó trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ, theo hy vọng của tân đại sứ Ted Osius vừa sang Hà Nội nhậm chức.
Ông Obama có một năm không hẳn thắng mà cũng chẳng thua.
Về đối nội, kinh tế Mỹ khởi sắc, cải cách y tế của ông có thêm 10 triệu người đăng ký và dù có xung đột sắc tộc, Hoa Kỳ vẫn là nước đi đầu trong nhóm quốc gia sáng tạo công nghệ cao, biểu hiện bằng các đời iPhone mới lan ra thế giới.
Việc thay đổi cán cân năng lượng khiến Mỹ bớt lệ thuộc vào các đại gia dầu lửa, và gián tiếp góp phần làm ông Putin điêu đứng.
Về đối ngoại, đau đầu nhất cho ông Obama hiện là IS và hồ sơ Iran nhưng phần ưu điểm có sự quyết đoán ngăn chặn Ebola và cú ngoạn mục nối lại với Cuba, mở cơ hội ổn định toàn vùng Tây Bán Cầu.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn cuối năm với đài NPR, ông Obama xác nhận sự thất vọng với chiêu ‘cản mũi kỳ đà’ mọi nơi mọi lúc của phe Cộng Hòa nên ông cũng sẽ khỏi cần họ nữa.
Chính vì đảng của ông đằng nào cũng thất cử giữa kỳ rồi và ông Obama cũng không còn phải lo tái tranh cử nên nay rảnh tay làm những điều ông muốn mà vụ Cuba chỉ là một.
Có thể nói, vì yếu mà ông Obama lại trở nên mạnh và ông báo trước sẽ dùng cây bút phủ quyết nhiều hơn khi cần trong năm 2015.
Nhìn sang châu Á, cán cân 50/50 cũng là đánh giá công bằng cho chính sách của Hoa Kỳ.
Ông Obama đối thoại trực tiếp, thân thiện với lãnh đạo Trung Quốc nhưng không làm các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc thua thiệt gì.
Chính sách xoay trục, lúc mềm lúc cứng ở Biển Đông của Hoa Kỳ tuy không làm Trung Quốc rút hẳn đi nhưng cũng ngưng đối đầu và khiến các nước ASEAN yên tâm hơn, và cả Manila với Hà Nội đều được nhờ.
Ông Putin mở đầu năm 2014 bằng cuộc cờ Crimea khiến cả thế giới sửng sốt, và như chính lời ông Obama thì ngay tại Washington không ít người Mỹ cho rằng nhà lãnh đạo trong Kremlin là ‘thiên tài’.
Ngay tại châu Âu, không hiếm nhân vật phe thiên hữu ở cả Anh, Đức, Ba Lan ngưỡng mộ ông Putin ‘bàn tay sắt’ trước một EU mềm yếu.
Nhưng ông Putin kết thúc một năm không phải là ‘người hùng’ mà là nhân vật bị cô lập, lên án tại các khu vực của thế giới văn minh, bị cấm vận kinh tế tài chính, và bị giá dầu sụt giảm cho cú đo ván.
Nói như Roger Boyes, nhà bình luận kỳ cựu của The Times về Đông Âu, ông Putin không chỉ đốt luật chơi sau Chiến tranh Lạnh mà còn liên tục đùa với lửa trong lúc cứ ngỡ mình đang có các bước đi chiến lược.
Trong bối cảnh đó, người ta càng thấy ông Tập Cận Bình về nhất trong bộ ba.
Kinh tế Trung Quốc có chững lại nhưng đà tăng trưởng vẫn mạnh, và tác động của Nhân dân tệ ngày càng lan tỏa ra khu vực châu Á, vào sâu châu Phi, Mỹ La Tinh.
Bắc Kinh còn thừa sức mạnh để gợi ý giúp Moscow bằng cách tăng trao đổi thương mại bằng Nhân dân tệ vì Nga bị kẹt khi tiêu USD và euro.
Nhưng điều làm giới bình luận thán phục nhất là vị thế lên cao không ai hơn của ông Tập ngay tại Trung Quốc.
Sau đợt thanh trừng Bạc -Chu, có tin nói ông sẵn sàng nhắm tới cả những người tiền nhiệm mà vụ bắt ông Lệnh Kế Hoạch, cựu bí thư của Hồ Cẩm Đào chỉ là món khai vị, theo Michael Sheridan, nhà báo Anh viết từ Hong Kong.
Trong quân đội ông cũng cho đi một loạt tướng tá và thay bằng người thân cận từ quân đoàn 31 ở Phúc Kiến nơi ông từng làm bí thư.
Không chỉ cho xử Từ Tài Hậu, ông Tập còn bổ nhiệm ông Miêu Hoa, người chưa bao giờ đi biển làm chính ủy Hải quân Quân Giải phóng, chứng tỏ ở vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông đã hoàn toàn kiểm soát quân đội.
Như truyền thống của các vị hoàng đế Trung Hoa xưa, lên cầm quyền là phải ‘nội công, ngoại kích’ để xác lập vị thế, năm 2014, ông Tập không chỉ ‘đả hổ diệt ruồi’ trong nhà mà còn ra tay đe Nhật Bản, ép Việt Nam, lấn Philippines.
Thậm chí ông còn lạnh nhạt muốn ‘cho đi’ luôn cả Bắc Triều Tiên nếu Kim Jong-un cứ một mình một kiểu.
Với Trung Á và Ấn Độ, Trung Quốc tiếp tục hai tuyến Con đường tơ lụa, một trên bộ, một trên biển để vươn sang phía Tây và Nam như hai vành đai chiến lược.
Sau khi đã định hình các nét lớn về đại cục với Mỹ, Nhật và EU, ông Tập Cận Bình nay đưa khu vực ‘châu biên’ thành ưu tiên số một, báo hiệu các chuyện trong vùng, liên quan tới Việt Nam và ASEAN sẽ tiếp tục chịu tác động mạnh từ Trung Quốc trong năm 2015.
Ứng phó có khó khăn?
Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam cần lãnh đạo gì?
Là nước có gắn bó sát sườn với cả ba quốc gia nói trên, Việt Nam bước vào thời điểm cần có sự lãnh đạo vượt trội về chất lượng trị nước và về tầm nhìn.
Trung Quốc đang có một nhà lãnh đạo rất mạnh, rất quyết đoán cả trong lẫn ngoài và với một nhiệm kỳ còn khá lâu, ít nhất là 10 năm nữa.
Việt Nam lại vào cuối nhiệm kỳ của một loạt vị lãnh đạo và đà của Đổi Mới, hội nhập đợt một đã hết.
Trong năm 2014, khi thế giới bước vào những chuyển biến tầm thế kỷ, Việt Nam có dấu hiệu lúng túng.
Ví dụ động thái lại gần ông Putin không phải là sáng suốt vì vũ khí của Nga ai mua chẳng được và để nâng quốc gia lên một đẳng cấp khác, Việt Nam cần EU hơn Nga.
Căn cứ vào học thuyết quốc phòng vừa công bố, Nga trong những năm tới sẽ chỉ còn tập trung vào khu vực Ukraine và châu Âu, Trung Á, không còn hơi sức đâu mà giúp Việt Nam.
Bản thân ông Putin nhận định kinh tế Nga sẽ còn khó khăn trong hai năm tới nên tạm thời ta có thể để mối quan hệ Nga – Việt vào một USB thay vì để trong ổ cứng.
Từ phía bên kia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ thì đã có một chiến lược rõ rệt về Việt Nam và khu vực.
Cho tới nay người Việt Nam cứ nghĩ ‘Mỹ cần mình’ theo kiểu lợi dụng vị trí địa chiến lược để co kéo, mặc cả.
Đây là một tư duy hết sức ngắn hạn.
Vì một khi Hoa Kỳ đã có chiến lược tức là họ sẽ thực hiện bằng được chiến lược đó.
Có bạn tham gia thì tốt, không có bạn người Mỹ vẫn thừa đủ thực lực và đồng minh thực hiện các mục tiêu đã hoạch định.
Họ cũng hoàn toàn có thể gạt bạn sang một bên để quyết cho nhanh.
Sau Thế Chiến II, Anh Quốc, đồng minh hữu hiệu nhất của Hoa Kỳ tại châu Âu, có cách nhìn khác hẳn về vùng Đông Âu, Balkans và Cận Đông nhưng Hoa Kỳ vẫn quyết theo ý riêng, tùy vào quyền lợi lớn của họ.
Anh và Pháp ‘ương bướng’ cho đến vụ kênh đào Suez là hết lực và đành chấp nhận nhường chỗ trọn vẹn cho Mỹ trong các chính sách từ châu Âu sang tới Trung Đông, Hồng Hải.
Từ Thế Chiến I đ̣ến nay tôi chưa thấy ở đâu Hoa Kỳ chưa đạt được mục tiêu chiến lược của họ và nước Mỹ luôn không thiếu người sẵn sàng giúp.
Ngay trong chuyện chuyển hướng với Cuba vừa qua, ai mà ngờ được đồng minh hữu hiệu nhất cho ông Obama lại là Đức Giáo hoàng Francis.
Viễn kiến của Hoa Kỳ cho khu vực và Việt Nam thì ai cũng đã thấy vì họ công khai nêu ra từ lâu.
Một bộ phận cán bộ ở Việt Nam hiển nhiên luôn cho rằng Hoa Kỳ có ý muốn thay đổi chế độ ở Hà Nội.
Tôi chưa nghe quan chức cao cấp nào của Mỹ đáp lại điều này nên xin tạm lấy lời của Tổng thống Obama nói về Iran để cùng chia sẻ cách nghĩ của người Mỹ về những ai ghét họ.
Theo ông Obama, có những người bảo thủ ở Iran “vì đã đầu tư quyền lợi và tình cảm quá nhiều vào chủ nghĩa bài Mỹ nên sự thay đổi, mở cửa ra với thế giới khiến họ run sợ” và vì thế trong đàm phán hạt nhân cứ ‘một bước tiến hai bước lùi’.
Hiển nhiên, Việt Nam không phải là Iran mà thậm chí còn là đối tác toàn diện của Hoa Kỳ.
Tư duy đ̣ộc lập với nước ngoài là điều tốt nhưng Việt Nam đã không ở vào vị thế trung lập mà còn ký đối tác chiến lược với một loạt nước nên bài toán là làm sao vừa giữ vừa xây và bỏ giáo điều để canh tân chứ không phải bị động, loay hoay giữa xung đột của các bên.
Lấy ví dụ trước học thuyết quân sự mới của ông Putin coi Nato là kẻ thù chính, mà Việt Nam lại là đối tác chiến lược với cả Nga và một loạt nước Nato, thách thức ngoại giao sẽ không đơn giản khi xung đột của họ gia tăng trong năm 2015.
Chính sách của ông Tập Cận Bình với Việt Nam thế nào thì các lãnh đạo Trung Quốc sang thăm cũng đã nói khá rõ.
Chỉ một chuyện mở Viện Khổng tử thôi đã làm náo động các giới trong và ngoài nước cho thấy người Việt Nam nói chung quá bị động và không có sự chuẩn bị để chơi với một nước Trung Quốc đang vươn ra mạnh mẽ.
Quan hệ với Mỹ và châu Âu thì trở thành cuộc kéo co về nhân quyền, bắt thả thả bắt, chẳng ra đâu vào đâu cả.
Nếu có sang thăm Việt Nam, như đã nói ở trên, vì không còn bị ràng buộc bởi Quốc Hội, ông Obama không hề yếu mà là người ở vị thế rất mạnh, có thể có những quyết định cơ bản cho quan hệ hai nước.
Căn cứ vào những gì ông Obama nói về Trung Đông, Nga và Cuba, ông có vẻ tỏ ra là người luôn chủ động chìa tay ra tạo cơ hội cho bất cứ ai, kể cả kẻ thù, đối thủ đáng gờm nhất, nhưng vế sau của tư duy Obama lại là nếu cho cơ hội mà không nhận thì hãy ráng chịu.
Năm 2015 như thế sẽ là năm bản lề cho Việt Nam trước kỳ Đại hội Đảng tới và câu hỏi là ai sẽ là người lãnh đạo đủ mạnh ở Việt Nam để chơi tay ba với các nhân vật quốc tế tầm ‘khủng’ như thế.
.
-Việt – Trung và sự thiếu vắng niềm tin
December 29, 2014 Tiến sĩ Katherine Tseng
Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam đi kèm một loạt vấn đề phức tạp, vượt ra ngoài tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa. Tuy vậy, chúng gắn kết với nhau đủ chặt để một biến đổi nhỏ chỗ này cũng sẽ tạo ra hiệu ứng lan truyền ở chỗ khác.
Nói ngắn gọn, thiếu vắng niềm tin là yếu tố lớn đằng sau mối quan hệ này. Việt Nam đối diện thách thức kép: bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong lúc quan hệ với Trung Quốc xấu đi. Thách thức đầu tiên có thể khiến Hà Nội mất uy tín chính trị, còn thách thức sau có thể tạo ra bất ổn cho sự phát triển chung của Việt Nam.
‘Thoát Trung’ về kinh tế?
Thời gian qua, quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng quan trọng, không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn giúp Đảng Cộng sản cầm quyền kiểm soát chính trị.
Sau khi gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam áp dụng chính sách kinh tế tự do hơn. Nhưng từ 2008, kinh tế Việt Nam bị khó khăn vì lạm phát cao và tăng trưởng thấp.
Như thường xảy ra cho các nền kinh tế đang phát triển khi gia nhập kinh tế toàn cầu, khủng hoảng của Việt Nam khởi đầu do cơn sốt vốn đầu tư nước ngoài dẫn tới việc cho vay vô tội vạ, kéo theo là lạm phát nặng nề. Chính phủ buộc phải giảm chi tiêu từ đầu năm 2011. Nay khó vay vốn hơn, các doanh nghiệp phải đi đòi nợ khách hàng hoặc trả tiền lãi.
Tham vọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, muốn đẩy doanh nghiệp nhà nước đi theo con đường của các tập đoàn Hàn Quốc, cũng thất bại.
Doanh nghiệp nhà nước Việt Nam đi vào các lãnh vực mà họ không mấy hiểu biết, khiến họ nợ đầm đìa. Kết quả là những ngân hàng cho doanh nghiệp nhà nước vay phải ôm các cục nợ xấu, mà theo thống kê hồi tháng Năm 2013, chiếm đến 15% tổng tiền cho vay.
Để đối phó nợ gia tăng, vào năm 2012, biện pháp táo bạo nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát (có lúc lên đến 28%) đã khiến tăng trưởng kinh tế thấp xuống như hồi đầu thập niên 1990.
Khó khăn lại càng chồng chất vì vấn nạn tham nhũng, khiến Việt Nam trở nên không hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài và có thể gặp bất ổn xã hội. Niềm tin vào khả năng lèo lái kinh tế của Đảng bị sa sút nghiêm trọng
.
Người Việt ở nhiều nước biểu tình phản đối Trung Quốc
Mặc dù Hà Nội cố gắng xây dựng quan hệ với nhiều nước, quan hệ đầm ấm với Trung Quốc vẫn không thể thiếu để họ tồn tại, đặc biệt về kinh tế. Giao thương song phương đạt 50 tỉ đôla năm 2013 trong khi giao thương Việt – Mỹ chỉ khoảng 29.7 tỉ đôla cùng năm đó.
Thách thức cầm quyền
Ngoài khó khăn kinh tế, việc cầm quyền còn gặp khó khăn vì cuộc đấu tranh với người dân bất mãn và mâu thuẫn dai dẳng giữa tăng trưởng và ổn định, những khó khăn mà đã đẩy nhanh cuộc đấu đá nội bộ trong đảng.
Bản chất cội rễ của chính trị Việt Nam là chia sẻ quyền lực ở tầng cao nhất. Nhưng sự chia rẽ trở nên sâu sắc khi Thủ tướng và Tổng Bí thư, hai nhân vật trong ‘Tứ trụ’, đi tìm những hướng khác nhau nhằm củng cố quyền lực. Vị Thủ tướng tỏ ra hướng đến phương Tây do Mỹ dẫn đầu, còn Tổng Bí thư lại khẳng định quan hệ đồng chí lịch sử với Trung Quốc.
Mâu thuẫn cũng tồn tại giữa tầng lớp cầm quyền và dân bị trị. Tranh luận nóng đã xảy ra bên trong cũng như giữa Đảng và dân. Nó sâu sắc hơn là mâu thuẫn bán công khai giữa Thủ tướng và Chủ tịch nước. Cuộc tranh đấu chính thực ra là xoay quanh hướng đi của đất nước – giữa những người muốn củng cố hệ thống Đảng và những người muốn một hệ thống dân chủ và đa nguyên hơn.
Người ta có thể cho rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh cuối tháng Tám 2014 có lẽ nhằm mang thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhờ Trung Quốc giúp đỡ. Ông Trọng được cho rằng đang thất thế trong cuộc đấu tranh với Thủ tướng thân phương Tây. Một khía cạnh thuyết phục về chuyến thăm của ông Lê Hồng Anh là việc giảm mâu thuẫn với Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt để Đảng Cộng sản Việt Nam còn tồn tại và cầm quyền.
Vì thế Việt Nam ở trong tình trạng đi khập khiễng. Phát triển đất nước gặp khó vì sự chia rẽ trong dư luận trong nước. Khó khăn lại chồng chất vì thách thức kép, vừa phải bảo vệ chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa và lại phải duy trì nguyên trạng trong chính sách ngoại giao.
Việt Nam nói ông Lê Hồng Anh thăm Trung Quốc ‘nhằm khôi phục và thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài’
Nhìn theo cách này, thăng trầm thay đổi trong chính sách Biển Đông của Hà Nội giúp giải thích bằng cách nào các đe dọa bên ngoài, dù là thật hay tự nghĩ ra, có thể khiến thay đổi các tính toán chiến lược và chính trị trong sự phát triển quốc gia của Việt Nam.
Luật pháp, tuyên truyền và lịch sử
Việt Nam biết rằng các yêu sách chủ quyền của họ kém hơn so với của Trung Quốc. Trung Quốc cung cấp bằng chứng lịch sử lớn hơn nhiều, trải dài đến tận thời cổ đại khi Việt Nam còn chưa là quốc gia – nhà nước.
Có vẻ như Hà Nội đã chuyển hướng nhấn mạnh tuyên truyền để cổ vũ hình ảnh của Việt Nam, là nạn nhân trước sức mạnh gia tăng và tham vọng xấu xa của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa.
Việt Nam đã nêu vấn đề ra tại hội nghị thượng đỉnh Asean nhằm xây dựng mặt trận thống nhất chống Trung Quốc. Tháng Năm 2009, Việt Nam cùng Malaysia nộp lên Ủy ban về Ranh giới và thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc báo cáo chung về khu vực thềm lục địa.
Khi chơi lá bài dân tộc, Hà Nội có nguy cơ làm suy sụp kinh tế vốn gắn với Trung Quốc, và làm xấu đi quan hệ với các nước láng giềng mà nói chung không muốn để chuyện Biển Nam Trung Hoa cản trở sự phát triển của họ.
Tháng Bảy 2010, Việt Nam tận dụng chức chủ tịch Asean để dẫn đến tuyên bố của Mỹ rằng Biển Nam Trung Hoa cũng là lợi ích quốc gia của Mỹ.
Về mặt học thuật, đã có nỗ lực của giới học giả nhằm công bố nghiên cứu, báo cáo phân tích, bình luận ủng hộ Việt Nam. Vào tháng 11 năm 2013, Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế lần thứ năm, với sự tham dự của hơn 200 nhà nghiên cứu, trí thức từ khắp thế giới.
Đồng thời, có ý kiến nói Hà Nội đã tận dụng dư luận và chủ nghĩa dân tộc. Một số người cho rằng trong nhiều lần, Hà Nội đã nhượng bộ, hay ít nhất là không chịu kiềm chế những người biểu tình về vấn đề biển đảo.
Nỗ lực của Việt Nam đã có hiệu quả. Dư luận quốc tế dần dần ngả theo Hà Nội. Người dân Việt Nam cũng chia sẻ tình cảm dân tộc ủng hộ chính phủ.
Chủ nghĩa dân tộc cũng là con dao hai lưỡi. Khi chơi lá bài dân tộc, Hà Nội có nguy cơ làm suy sụp kinh tế vốn gắn với Trung Quốc, và làm xấu đi quan hệ với các nước láng giềng mà nói chung không muốn để chuyện Biển Nam Trung Hoa cản trở sự phát triển của họ.
Tranh chấp Biển Nam Trung Hoa rõ ràng cho ta thấy bức tranh của những quyền lợi trái ngược, và những tính toán đôi khi mâu thuẫn.
Cách quần chúng nhìn vấn đề này cũng phụ thuộc nặng nề vào những lợi ích của các phe nhóm mà có quyền lực kiểm soát việc tiếp cận vấn đề.
Tư duy tỉnh táo và kiềm chế vẫn là điều quan trọng, vì đó chính là những điều thiếu vắng trong vùng.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả, hiện làm việc tại Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore.-
-Trung Quốc ‘cảnh báo nguy cơ’ bị Việt Nam tấn công
NHA TRANG (NV) - Việt Nam có thể sử dụng tàu ngầm mua của Nga chặn đường tiếp vận cho các đơn vị đang trấn đóng ở Trường Sa, bắn hỏa tiễn vào các căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, Quảng Đông.
Người Việt ở nhiều nước biểu tình phản đối Trung Quốc
Mặc dù Hà Nội cố gắng xây dựng quan hệ với nhiều nước, quan hệ đầm ấm với Trung Quốc vẫn không thể thiếu để họ tồn tại, đặc biệt về kinh tế. Giao thương song phương đạt 50 tỉ đôla năm 2013 trong khi giao thương Việt – Mỹ chỉ khoảng 29.7 tỉ đôla cùng năm đó.
Thách thức cầm quyền
Ngoài khó khăn kinh tế, việc cầm quyền còn gặp khó khăn vì cuộc đấu tranh với người dân bất mãn và mâu thuẫn dai dẳng giữa tăng trưởng và ổn định, những khó khăn mà đã đẩy nhanh cuộc đấu đá nội bộ trong đảng.
Bản chất cội rễ của chính trị Việt Nam là chia sẻ quyền lực ở tầng cao nhất. Nhưng sự chia rẽ trở nên sâu sắc khi Thủ tướng và Tổng Bí thư, hai nhân vật trong ‘Tứ trụ’, đi tìm những hướng khác nhau nhằm củng cố quyền lực. Vị Thủ tướng tỏ ra hướng đến phương Tây do Mỹ dẫn đầu, còn Tổng Bí thư lại khẳng định quan hệ đồng chí lịch sử với Trung Quốc.
Mâu thuẫn cũng tồn tại giữa tầng lớp cầm quyền và dân bị trị. Tranh luận nóng đã xảy ra bên trong cũng như giữa Đảng và dân. Nó sâu sắc hơn là mâu thuẫn bán công khai giữa Thủ tướng và Chủ tịch nước. Cuộc tranh đấu chính thực ra là xoay quanh hướng đi của đất nước – giữa những người muốn củng cố hệ thống Đảng và những người muốn một hệ thống dân chủ và đa nguyên hơn.
Người ta có thể cho rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh cuối tháng Tám 2014 có lẽ nhằm mang thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhờ Trung Quốc giúp đỡ. Ông Trọng được cho rằng đang thất thế trong cuộc đấu tranh với Thủ tướng thân phương Tây. Một khía cạnh thuyết phục về chuyến thăm của ông Lê Hồng Anh là việc giảm mâu thuẫn với Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt để Đảng Cộng sản Việt Nam còn tồn tại và cầm quyền.
Vì thế Việt Nam ở trong tình trạng đi khập khiễng. Phát triển đất nước gặp khó vì sự chia rẽ trong dư luận trong nước. Khó khăn lại chồng chất vì thách thức kép, vừa phải bảo vệ chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa và lại phải duy trì nguyên trạng trong chính sách ngoại giao.
Việt Nam nói ông Lê Hồng Anh thăm Trung Quốc ‘nhằm khôi phục và thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài’
Nhìn theo cách này, thăng trầm thay đổi trong chính sách Biển Đông của Hà Nội giúp giải thích bằng cách nào các đe dọa bên ngoài, dù là thật hay tự nghĩ ra, có thể khiến thay đổi các tính toán chiến lược và chính trị trong sự phát triển quốc gia của Việt Nam.
Luật pháp, tuyên truyền và lịch sử
Việt Nam biết rằng các yêu sách chủ quyền của họ kém hơn so với của Trung Quốc. Trung Quốc cung cấp bằng chứng lịch sử lớn hơn nhiều, trải dài đến tận thời cổ đại khi Việt Nam còn chưa là quốc gia – nhà nước.
Có vẻ như Hà Nội đã chuyển hướng nhấn mạnh tuyên truyền để cổ vũ hình ảnh của Việt Nam, là nạn nhân trước sức mạnh gia tăng và tham vọng xấu xa của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa.
Việt Nam đã nêu vấn đề ra tại hội nghị thượng đỉnh Asean nhằm xây dựng mặt trận thống nhất chống Trung Quốc. Tháng Năm 2009, Việt Nam cùng Malaysia nộp lên Ủy ban về Ranh giới và thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc báo cáo chung về khu vực thềm lục địa.
Khi chơi lá bài dân tộc, Hà Nội có nguy cơ làm suy sụp kinh tế vốn gắn với Trung Quốc, và làm xấu đi quan hệ với các nước láng giềng mà nói chung không muốn để chuyện Biển Nam Trung Hoa cản trở sự phát triển của họ.
Tháng Bảy 2010, Việt Nam tận dụng chức chủ tịch Asean để dẫn đến tuyên bố của Mỹ rằng Biển Nam Trung Hoa cũng là lợi ích quốc gia của Mỹ.
Về mặt học thuật, đã có nỗ lực của giới học giả nhằm công bố nghiên cứu, báo cáo phân tích, bình luận ủng hộ Việt Nam. Vào tháng 11 năm 2013, Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế lần thứ năm, với sự tham dự của hơn 200 nhà nghiên cứu, trí thức từ khắp thế giới.
Đồng thời, có ý kiến nói Hà Nội đã tận dụng dư luận và chủ nghĩa dân tộc. Một số người cho rằng trong nhiều lần, Hà Nội đã nhượng bộ, hay ít nhất là không chịu kiềm chế những người biểu tình về vấn đề biển đảo.
Nỗ lực của Việt Nam đã có hiệu quả. Dư luận quốc tế dần dần ngả theo Hà Nội. Người dân Việt Nam cũng chia sẻ tình cảm dân tộc ủng hộ chính phủ.
Chủ nghĩa dân tộc cũng là con dao hai lưỡi. Khi chơi lá bài dân tộc, Hà Nội có nguy cơ làm suy sụp kinh tế vốn gắn với Trung Quốc, và làm xấu đi quan hệ với các nước láng giềng mà nói chung không muốn để chuyện Biển Nam Trung Hoa cản trở sự phát triển của họ.
Tranh chấp Biển Nam Trung Hoa rõ ràng cho ta thấy bức tranh của những quyền lợi trái ngược, và những tính toán đôi khi mâu thuẫn.
Cách quần chúng nhìn vấn đề này cũng phụ thuộc nặng nề vào những lợi ích của các phe nhóm mà có quyền lực kiểm soát việc tiếp cận vấn đề.
Tư duy tỉnh táo và kiềm chế vẫn là điều quan trọng, vì đó chính là những điều thiếu vắng trong vùng.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả, hiện làm việc tại Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore.-
-Trung Quốc ‘cảnh báo nguy cơ’ bị Việt Nam tấn công
NHA TRANG (NV) - Việt Nam có thể sử dụng tàu ngầm mua của Nga chặn đường tiếp vận cho các đơn vị đang trấn đóng ở Trường Sa, bắn hỏa tiễn vào các căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, Quảng Đông.
Đó là những nội dung được báo chí Trung Quốc đề cập sau khi có tin, Tập Đoàn Admiralty của Nga vừa hạ thủy tàu ngầm thứ năm - được đặt tên là Khánh Hòa, trong lô sáu tàu ngầm mà Việt Nam đặt mua của Nga.
Năm 2009, Việt Nam và Nga ký thỏa thuận thực hiện “Dự án Varshavyanka”. “Dự án Varshavyanka” là tên gọi kế hoạch đặt mua 6 tàu ngầm loại Varshavyanka, lớp Kilo của Nga cho Hải Quân Việt Nam, với tổng giá trị của cả lô hàng là hai tỉ đô la.
Nga đã giao cho Việt Nam hai trong số sáu chiếc - hai chiếc này được đặt tên là Hà Nội, TP. HCM. Chiếc thứ ba (Hải Phòng) đang trên đường vận chuyển đến Việt Nam. Chiếc thứ tư đang được chạy thử. Chiếc thứ sáu đang được đóng. Nga cam kết giao đủ sáu chiếc tàu ngầm cho Việt Nam trong năm tới.
Ngoài việc cung cấp tàu ngầm, Nga còn nhận đào tạo đội ngũ sử dụng tàu ngầm Kilo cho Hải Quân Việt Nam. Hai bên đã cùng xây dựng “Trung tâm đào tạo nhân lực điều khiển tàu ngầm Kilo” tại Cam Ranh. Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, “Trung tâm đào tạo nhân lực điều khiển tàu ngầm Kilo” đã bắt đầu huấn luyện 40 người để sử dụng những tàu ngầm Kilo của Nga.
Trong tin về sự kiện Nga mới hạ thủy chiếc tàu ngầm thứ năm trong lô sáu tàu ngầm đóng cho Việt Nam, tờ Hoàn Cầu Thời Báo - một phụ bản của Nhân Dân Nhật Báo, Trung Quốc, nhận định, các hỏa tiễn của tàu ngầm Kilo mà Việt Nam đang thủ đắc có thể bắn tới Trạm Giang, Quảng Đông, nơi Hạm Đội Nam Hải của Trung Quốc trú đóng.
Hỏa tiễn của tàu ngầm Kilo mà Việt Nam đang thủ đắc cũng có thể tác xạ vào các căn cứ của hải quân Trung Quốc tại đảo Hải Nam. Những tàu ngầm này cũng có thể phóng ngư lôi, đánh chìm các tàu vận tải trên đường tiếp vận cho những đơn vị đang trú đóng tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc từng cưỡng đoạt của Việt Nam, nay đã bồi đắp, mở rộng để biến thành các căn cứ quân sự.
Tuy nhiên, cũng theo Hoàn Cầu Thời Báo, để “phòng ngừa khả năng xảy ra xung đột,” Trung Quốc đã điều động ba tàu ngầm đến đảo Hải Nam và “nếu cần,” Trung Quốc có thể điều động tàu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân tới Biển Đông.
Báo chí Trung Quốc nói thêm rằng, hải quân Trung Quốc có “kinh nghiệm sử dụng tàu ngầm của Nga,” “biết rõ các nhược điểm” nên nếu Việt Nam gây xung đột, Việt Nam sẽ phải trả giá đắt. (G.Đ)
Năm 2009, Việt Nam và Nga ký thỏa thuận thực hiện “Dự án Varshavyanka”. “Dự án Varshavyanka” là tên gọi kế hoạch đặt mua 6 tàu ngầm loại Varshavyanka, lớp Kilo của Nga cho Hải Quân Việt Nam, với tổng giá trị của cả lô hàng là hai tỉ đô la.
Nga đã giao cho Việt Nam hai trong số sáu chiếc - hai chiếc này được đặt tên là Hà Nội, TP. HCM. Chiếc thứ ba (Hải Phòng) đang trên đường vận chuyển đến Việt Nam. Chiếc thứ tư đang được chạy thử. Chiếc thứ sáu đang được đóng. Nga cam kết giao đủ sáu chiếc tàu ngầm cho Việt Nam trong năm tới.
Ngoài việc cung cấp tàu ngầm, Nga còn nhận đào tạo đội ngũ sử dụng tàu ngầm Kilo cho Hải Quân Việt Nam. Hai bên đã cùng xây dựng “Trung tâm đào tạo nhân lực điều khiển tàu ngầm Kilo” tại Cam Ranh. Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, “Trung tâm đào tạo nhân lực điều khiển tàu ngầm Kilo” đã bắt đầu huấn luyện 40 người để sử dụng những tàu ngầm Kilo của Nga.
Trong tin về sự kiện Nga mới hạ thủy chiếc tàu ngầm thứ năm trong lô sáu tàu ngầm đóng cho Việt Nam, tờ Hoàn Cầu Thời Báo - một phụ bản của Nhân Dân Nhật Báo, Trung Quốc, nhận định, các hỏa tiễn của tàu ngầm Kilo mà Việt Nam đang thủ đắc có thể bắn tới Trạm Giang, Quảng Đông, nơi Hạm Đội Nam Hải của Trung Quốc trú đóng.
Hỏa tiễn của tàu ngầm Kilo mà Việt Nam đang thủ đắc cũng có thể tác xạ vào các căn cứ của hải quân Trung Quốc tại đảo Hải Nam. Những tàu ngầm này cũng có thể phóng ngư lôi, đánh chìm các tàu vận tải trên đường tiếp vận cho những đơn vị đang trú đóng tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc từng cưỡng đoạt của Việt Nam, nay đã bồi đắp, mở rộng để biến thành các căn cứ quân sự.
Tuy nhiên, cũng theo Hoàn Cầu Thời Báo, để “phòng ngừa khả năng xảy ra xung đột,” Trung Quốc đã điều động ba tàu ngầm đến đảo Hải Nam và “nếu cần,” Trung Quốc có thể điều động tàu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân tới Biển Đông.
Báo chí Trung Quốc nói thêm rằng, hải quân Trung Quốc có “kinh nghiệm sử dụng tàu ngầm của Nga,” “biết rõ các nhược điểm” nên nếu Việt Nam gây xung đột, Việt Nam sẽ phải trả giá đắt. (G.Đ)