Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Nga trao huân chương cho nghi phạm đầu độc cựu điệp viên Litvinenko

--TT Putin 'có thể' đã duyệt giết Litvinenko

Việc giết hại một cựu điệp viên Nga, ông Alexander Litvinenko, hồi năm 2006 "có thể" được Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin, phê chuẩn, theo một cuộc điều tra chính thức tại Anh.


Ông Litvinenko chết năm 43 tuổi tại London sau một thời gian bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium-210, mà người ta tin là ông uống vào trong một cốc trà.

Chủ tịch ủy ban điều tra, Sir Robert Owen nói có nhiều khả năng ông Putin đã ký phê chuẩn vụ này sau một thời gian dài có thù hận.

Vợ góa của ông Litvinenko, bà Marina, nói bà "rất hài lòng" với bản phúc trình.
Vợ góa của ông Litvinenko cho biết bà hài lòng với bản phúc trình của Sir Robert Owen

Phát biểu bên ngoài Tòa án tối cao ở London, bà nói: "Những lời mà chồng tôi nói khi nằm trên giường bệnh cáo buộc ông Putin nay đã được một tòa án tại Anh chứng mình."

Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Theresa May, sẽ đưa ra phản hồi của chính phủ Anh trước những phát hiện này trong một tuyên bố sẽ được trình bày tại Hạ Viện Anh.

Hai người Nga, ông Andrei Lugovoi và ông Dmitry Kovtun, bị cáo buộc đã thực hiện vụ giết người này. Cả hai đều bác bỏ các cáo buộc đó.

Phúc trình điều tra của Sir Robert nêu đích danh người đứng đầu cơ quan tình báo Nga FSB và Tổng thống Putin

Sir Robert nói hai người bị tình nghi có lẽ đã hành động theo chỉ thị của Giám đốc cơ quan liên bang Nga (FSB).

Nêu đích danh người đứng đầu FSB khi đó, ông Nikolai Patrushev, cùng với ông Putin, Sir Robert viết trong bản phúc trình dài 300 trang:

"Xem xét tất cả những bằng chứng và những phân tích có được tôi thấy rằng hoạt động của FSB tìm cách giết hại ông Litvinenko có lẽ đã được ông Patrushev và cả Tổng thống Putin phê duyệt."



-10.03.2015Nga trao huân chương cho nghi phạm đầu độc cựu điệp viên Litvinenko
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai đã ký một sắc lệnh trao giải thưởng cho một số người, trong đó có nghi phạm chính trong vụ hạ sát nhà bất đồng chính kiến và là cựu điệp viên người Nga Alexander Litvinenko.

Ông Putin trao tặng huân chương "phụng sự Tổ quốc" cho Andrei Lugovoi, một cựu vệ sĩ KGB giờ là nghị sĩ ở Duma Quốc gia, Hạ viện của Nga.

Báo Rossiiskaya Gazeta của chính phủ hôm thứ Hai loan tin rằng Lugovoi đã được trao tặng huân chương vì "đóng góp vào sự phát triển hệ thống nghị viện Nga và hoạt động lập pháp năng nổ." Lugovoi hiện là Phó chủ tịch ủy ban an ninh và chống tham nhũng của Duma.

Vào tháng 5 năm 2007, các công tố viên Anh yêu cầu Nga dẫn độ Lugovoi để đối mặt cáo buộc sát hại Litvinenko, qua đời ở London vào tháng 10 năm 2006 do tiếp xúc với chất polonium-210 đồng vị phóng xạ. Chính quyền Nga đã khước từ yêu cầu này, viện dẫn hiến pháp Nga cấm việc dẫn độ công dân của mình.

Trong sắc lệnh hôm thứ Hai, ông Putin cũng trao huân chương công trạng cho Ramzan Kadyrov, lãnh đạo khu vực Chechnya của Nga ủng hộ Điện Kremlin. Theo Rossiiskaya Gazeta, Kadyrov đã được tuyên dương vì những thành tích chuyên môn cùng với "sự phục vụ công chúng tích cực và công tác tận tâm lâu dài."

Những nhóm nhân quyền của cả Nga và quốc tế đã cáo buộc Kadyrov và lực lượng an ninh trung thành với ông ta vi phạm nhân quyền tràn lan ở Chechnya. Những đối thủ người Chechnya của Kadyrov đã bị sát hại ở Nga và ở nước ngoài.

Một trong năm người đàn ông bị bắt giữ liên quan đến vụ ám lãnh đạo đối lập Nga Boris Nemtsov là một chỉ huy phó của tiểu đoàn miền Bắc thuộc lực lượng cảnh sát Chechnya. Zaur Dadayev và bốn nghi phạm khác, tất cả đều là người Chechnya, đã ra tòa ở Moscow hôm Chủ nhật, nơi một thẩm phán nói rằng Dadayev đã thú nhận có dính líu trong vụ ám sát.

Ông Nemtsov đã bị bắn bốn phát vào lưng hôm 27 tháng 2 khi đang đi qua một cây cầu với bạn gái gần Điện Kremlin.

Phát ngôn viên của Tổng thống Putin Dmitry Peskov nói với trang tin RBK của Nga hôm thứ Hai rằng thời điểm trao giải thưởng cho Kadyrov là sự trùng hợp ngẫu nhiên, và rằng phải mất "nhiều tháng" để soạn thảo tài liệu cho những giải thưởng như vậy.


-Thụy My 06-01-2015
LND : Trước tin đồn ông Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc phóng xạ, xin mời bạn đọc tham khảo trường hợp Alexandre Litvinenko, cựu điệp viên Nga tị nạn tại Anh sau khi tố cáo chế độ Putin. Cái chết đau đớn của ông vì bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium đã gây bão ngoại giao giữa Luân Đôn và Matxcơva trong một thời gian dài.


(Axel Gyldén, L’Express 07/11/2013) Bảy năm sau cái chết của Alexandre Litvinenko, cựu sĩ quan tình báo Nga bị đầu độc ở Luân Đôn bằng chất phóng xạ, người vợ góa của ông mỏi mòn chờ đợi phiên tòa xử các nghi can chính, mà Matxcơva luôn từ chối cho dẫn độ. Bà kể lại cho L’Express ba tuần lễ cuối cùng, khủng khiếp, bên cạnh người đàn ông vô vàn yêu thương.

Mỗi năm, mùa thu là một mùa đau buồn đối với Marina Litvinenko, mà bầu trời xám của Luân Đôn không có liên quan gì. Ngày 23/11, người phụ nữ có đôi mắt xanh với ánh nhìn sầu muộn kỷ niệm lần thứ bảy ngày mất của người chồng, Alexandre Litvinenko, nhà ly khai và là cựu điệp viên FSB (cơ quan tình báo Nga), bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium 210, lúc đang sống lưu vong ở thủ đô Anh quốc. Cuộc điều tra của Scotland Yard, rất đáng ngại đối với Nga, đã không đạt được mong muốn : năm 2007 Matxcơva đã từ chối cho dẫn độ nghi can chính là Andrei Lougovoi, cựu sĩ quan tình báo nay trở thành dân biểu Viện Douma (Quốc hội Nga).

Phẫn nộ trước tình trạng tê liệt về pháp lý này, năm 2011 Marina Litvinenko đã yêu cầu mở « public inquest » - cuộc điều tra công khai, tương tự như đã tiến hành đối với công nương Diana hơn mười năm sau khi bà qua đời. Thể thức này cho phép đưa ra ánh sáng tất cả những yếu tố trong hồ sơ và lấy lời khai các nhân chứng trong một vụ án, cho dù bị cáo có mặt hay không.

Ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 02/10/2013, việc mở điều tra công khai về nguyên nhân cái chết của Alexandre Litvinenko rốt cuộc đã bị hoãn lại vô thời hạn. Ngoại trưởng William Hague, cho rằng thủ tục này tốn kém và tế nhị về mặt ngoại giao, trong quan hệ giữa Luân Đôn và Matxcơva. Hơn bao giờ hết, vụ việc dường như đang bị nhấn chìm vì lý do cấp Nhà nước.

Tại Luân Đôn, nơi bà vẫn đang sống với con trai năm nay đã 19 tuổi, Marina Litvinenko chấp nhận kể lại những ngày cuối cùng của « Sacha » - tên gọi thân mật của người chồng yêu dấu.



Bà Marina Litvinenko
Ba tuần lễ hấp hối

« Đêm 1 rạng ngày 2 tháng 11 năm 2006, vào khoảng 3 giờ sáng, Sacha bỗng cảm thấy rất đau đớn, những cơn đau bụng không thể chịu đựng nổi. Thân nhiệt bỗng tụt rất nhanh và người anh trở nên lạnh ngắt. Có lẽ anh ấy đã nghi ngờ một điều gì : anh uống đến ba lít nước và cố gắng ói ra nhiều lần để rửa bao tử…Một giờ sau đó, tôi thiếp ngủ nhưng đến sáng, anh nói với tôi rằng anh chưa hề chợp mắt được.

Chồng tôi 24 tiếng đồng hồ sau đó phải nằm liệt trên giường. Đêm thứ hai, tái xanh và run rẩy, anh bảo tôi gọi xe cấp cứu : ‘‘Anh không chịu đựng được nữa’’. Trong lúc con trai chúng tôi là Anatoli, năm ấy 12 tuổi, đang say ngủ trong phòng, hai nữ y tá đã đến nhà. Họ kiểm tra huyết áp và đo nhiệt độ cho Sacha – thân nhiệt xuống dưới 36 độ. ‘‘Rối loạn tiêu hóa. Chẳng cần phải nhập viện đâu, ở đó đầy các bệnh nhân dịch cúm, ông có thể bị lây đấy’’. Chiếc xe cứu thương quay đi trong đêm.

Sáng hôm sau, Sacha bị tiêu chảy ra máu. Đến chiều, anh được nhận vào bệnh viện Barnet ở phía bắc Luân Đôn. Anh chỉ có thể cố gắng đứng dậy và lê người đi - một vận động viên sung sức bây giờ cứ như một kẻ tật nguyền. Tôi chẳng hiểu gì cả. Ở khoa cấp cứu, các bác sĩ hỏi Sacha anh đã ăn gì trước khi những triệu chứng đầu tiên xảy ra. Khi nghe nói anh đã ăn trưa trong một nhà hàng Nhật, họ kêu lên Eurêka ! ‘‘Đó là vi khuẩn E.coli ! Một thứ sushi không tốt nào đó đã làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột’’. Bác sĩ trực cho toa thuốc kháng sinh.

Người bác sĩ này không thể hình dung ra được, số phận của Sacha đã được quyết định vài giờ sau khi ăn món sushi, trong một cuộc hẹn ở bar của khách sạn Millennium, tại khu phố sang trọng Mayfair. Vào giờ uống trà, anh đã gặp hai doanh nhân Nga : Andrei Lougovoi và Dimitri Kovtoun. Cả ba người đã bàn bạc hai lần về việc thành lập một công ty chuyên bảo vệ các yếu nhân. Chính lúc đó, chất polonium 210 đã được lén bỏ vào tách trà của anh.

Alexandre Litvinenko trong bệnh viện.
Trên giường bệnh, Sacha nhanh chóng nêu ra khả năng bị đầu độc. Tình trạng lúc ấy của mình khiến anh nhớ lại những gì đã được học nhiều năm trước, trong trường huấn luyện của KGB. Tôi yêu cầu các bác sĩ cho làm xét nghiệm độc chất để xác định xem Sacha có bị hạ độc hay không, nhưng họ nhìn tôi như thể tôi bị khùng vậy. Trong lúc các bác sĩ đề quyết đó là do vi khuẩn E.coli, thì Sacha, đã quá chán ngán, mỉa mai thốt ra một câu mà tôi không bao giờ quên được. Anh nói : ‘‘Chắc chắn là con vi khuẩn này mang lon đại tá’’.

Sau đó, thấy sức khỏe Sacha giảm sút, các bác sĩ lại nghĩ rằng anh hấp thụ không tốt thuốc kháng sinh…

Đến ngày thứ 13, tình trạng của Sacha bỗng trở nên nghiêm trọng : đêm hôm ấy anh bị rụng hết tóc chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Cú sốc thật khủng khiếp : đến sáng thì ngoại hình anh hoàn toàn đổi khác. Niêm dịch tệ hại hơn, đến nỗi Sacha không thể nuốt được thứ gì. Một giáo sư chuyên về ung thư đến khám và sững sờ nhận thấy ở anh có đủ tất cả các triệu chứng tác dụng phụ của việc hóa trị…trong khi không hề bị hóa trị ! Giả thiết bị đầu độc, mà tôi đã cố gắng thuyết phục các y bác sĩ từ nhiều ngày qua, nay trở thành hiển nhiên. Rốt cuộc các phân tích đã được tiến hành. Sacha nói chuyện rất khó khăn. Anh hỏi tôi : ‘‘Em có tin rằng anh sẽ lại chạy bộ được không ?’’

Trông thấy anh mỗi ngày một yếu đi thật là đau khổ. Cứ như là chúng tôi dần xa cách theo với thời gian. Nhưng tôi vẫn giữ hy vọng : cho đến tận cùng, tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng anh sẽ chết. Tôi tự nhủ : ‘‘Chúng tôi đã xuống đến tận đáy rồi, và sẽ nảy được lên thôi’’.

Chất phóng xạ polonium 210
Thứ Sáu ngày 17, kết quả phân tích đã có. Các bác sĩ tìm thấy trong máu Sacha dấu vết của thallium, một kim loại nặng rất độc, bị cấm sử dụng tại Anh. Từ lúc đó, các điều tra viên của Scotland Yard mới vào cuộc. Sacha được chuyển ngay lập tức đến một trong những bệnh viện tốt nhất của vương quốc Anh là University College Hospital (UCH) tại trung tâm Luân Đôn, nơi các bác sĩ cho biết có thuốc giải độc cứu sống được Sacha. May quá! Tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều, còn Sacha thì hứa là chúng tôi sẽ cùng chạy jogging trong rừng sau khi khỏi bệnh.

Than ôi, ba ngày sau đó, một bác sĩ cho tôi biết tin xấu : ‘‘Đó không phải là thallium. Tủy xương của bệnh nhân đã bị hủy hoại, trong khi cơ bắp lại trong tình trạng tốt. Nếu trong người ông ấy có chất thallium thì biểu hiện sẽ ngược lại’’. Các chuyên gia độc chất hết sức bối rối, nhất là họ đã kiểm tra thấy Sacha không bị nhiễm chất phóng xạ nào. Xét nghiệm hai lần đều cho kết quả âm tính.

Đám tang Alexandre Litvinenko tại nghĩa trang Highgate, phía bắc Luân Đôn, tháng 12/2006.
« Ba trông như búp bê bằng nhựa »

Rồi có ai đó nhớ lại, thiết bị của bệnh viện chỉ cho phép đo được tia gamma, chứ không phải tia alpha có năng lượng thấp hơn. Thế là lại bắt đầu một loạt xét nghiệm độc chất, và vài giờ sau khi Sacha qua đời, họ mới phát hiện được đó là chất polonium 210.

Bên ngoài có đến hơn một chục ê-kíp truyền hình, và khoảng năm chục phóng viên. Theo lời khuyên của một người bạn, Sacha chấp nhận cho chụp hình, để mang lại tác động tối đa cho lời tố cáo cơ quan tình báo Nga trước thế giới. Nhưng trước hết, anh đòi được tự ngắm mình trong gương…Rồi anh viết lá thư lên án Putin. Kiệt lực, Sacha khó nhọc lắm mới thốt nên lời. Tối hôm đó, hình như là ngày 20/11, anh chỉ đủ sức thều thào yêu cầu tôi ở lại. Tôi trả lời : ‘‘Không thể được anh yêu à, em còn phải lo cho con’’. Trước khi rời phòng bệnh, tôi nói : ‘‘Em yêu anh biết mấy’’. Anh trả lời : ‘‘Anh rất vui khi nghe em nói. Đã lâu rồi chúng mình không có những lời âu yếm với nhau như thế…’’ Vừa ra khỏi phòng, mắt tôi đã nhòa lệ.

Ngày 21, Sacha bị tai biến lần thứ nhất. Cùng ngày hôm ấy, nhiều dân biểu Quốc hội Nga khẳng định một cách phi lý, là Boris Berezovski (một nhà tài phiệt sống lưu vong ở Luân Đôn, chết một cách khó hiểu năm 2012) và Akhmed Zakaiev (một lãnh tụ Tchetchenya, cũng tị nạn ở Luân Đôn) đã đầu độc Litvinenko. Hôm sau, Sacha vận dụng sức lực cuối cùng để nói chuyện với báo chí. Giờ thì anh trông như một ông già bảy mươi gầy trơ xương. Đã ba tuần, anh không nuốt trôi được thức gì.

Vài giờ sau khi cựu điệp viên qua đời, người cha là Walter Litvinenko khóc ròng trước báo chí.
Cha của anh từ Nga đến thăm. Tối 22 Sacha bỗng tỉnh giấc. Tôi nói với anh : ‘‘Em về nhà đây anh yêu, sáng mai em trở lại’’. Anh nhìn tôi và nói : ‘‘Marina, anh yêu em nhiều lắm !’’ Đó là câu cuối cùng Sacha nói với tôi…Cha ở bên anh suốt đêm.

Sáng hôm sau khi quay lại, tôi có dẫn theo con trai chúng tôi, Anatoli. Các bác sĩ tách riêng tôi ra để báo tin. Tôi hỏi Anatoli có muốn nhìn mặt ba lần cuối hay không, cháu nói vâng. Sau đó cháu thổ lộ với tôi bằng những lời con trẻ: ‘‘Ba trông giống như một con búp bê nhựa’’. Cho đến mãi bây giờ, tôi vẫn không biết được việc để cho cháu nhìn thấy ba như thế là có nên hay không.

Vài tiếng đồng hồ sau, khi trở về căn hộ của mình, các nhân viên Scotland Yard đã đến, tiết lộ cho tôi biết là Sacha đã uống phải chất polonium 210 - một chất phóng xạ rất mạnh và chủ yếu được sản xuất tại Nga. Với sự nhanh chóng đáng khâm phục, các điều tra viên đã tìm lại được dấu vết ở khắp các nơi mà Lougovoi và Kovtoun đã đi qua : trong các máy bay và xe taxi họ đã đi, trong phòng khách sạn của họ, và tất nhiên, trong gian bar của khách sạn Millennium. Tại Luân Đôn, Sacha đã trở thành một nhà ly khai hàng đầu. Dưới mắt chính quyền Nga, đó là một nhân vật cần phải trừ khử.

--
Những ngày cuối của điệp viên Litvinenko, bị đầu độc phóng xạ (2)




Alexandre Litvinenko, trước và sau khi bị đầu độc phóng xạ.
Cho phép tôi kể lại vì sao mà một sĩ quan trung thực của FSB như Sacha lại trở nên một nhà đối lập nổi tiếng. Cần phải quay trở lại từ cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi.

Đó là năm 1993, một giai đoạn rất lộn xộn ở Nga, bọn mafia tung hoành khắp nơi. Sacha điều tra về vụ việc liên quan tới cặp vợ chồng người bạn, Helena và Serguei, nạn nhân của một vụ tống tiền. Anh có cảm tình với họ và hôm sinh nhật tôi, hai vợ chồng này đến chơi nhà cùng với Sacha, người bảo hộ của họ, mà không biết rằng họ đã mang đến cho tôi món quà quý giá nhất. Nồng nhiệt, vui tính, biết quan tâm tới người khác, vóc dáng thể thao, Sacha lại còn đẹp trai nữa. Nhất là anh không nhậu và cũng không hút thuốc. Một của hiếm, ở Nga !

Bà Marina Litvinenko và doanh nhân Boris Berezovski
Chúng tôi hẹn hò sau đó và anh theo đuổi tôi với một quyết tâm không thể nào cưỡng lại nổi. Cũng giống như anh, tôi đã ly dị. Chính anh đã nhất định đòi kết hôn. Anh nói : ‘‘ Hãy cho anh biết lý do duy nhất khiến chúng ta không lấy nhau đi’’. Ít lâu sau tôi có thai. Sacha vui mừng : ‘‘Thế thì anh chắc chắn là em không bỏ anh rồi’’.

Lấy chồng là sĩ quan FSB không đơn giản. Sacha rất bận rộn, nhưng anh yêu công việc. Vào thời đó, anh làm việc ở bộ phận điều tra tội phạm kinh tế, chuyên săn lùng tham nhũng ở cấp cao nhất. Năm 1997, anh chuyển công tác sang một đơn vị mới hết sức bí mật. Tôi hiểu rằng anh làm những công việc kỳ lạ, với cách thức hoạt động ngoài pháp luật.

Trước Noël ít lâu, tôi thấy anh rất bối rối. Anh ấy nghe ngóng được có một âm mưu đánh vào Boris Berezovski, một đại gia ngân hàng nổi tiếng thân cận với băng nhóm của ông Eltsine đang cầm quyền. Với tinh thần trách nhiệm, Sacha đến báo cho Berezovki. Do ông ta còn nghi hoặc, Sacha quay lại với hai sĩ quan khác, hai người này khẳng định những gì anh nói. Berezovki báo cho chính quyền, và Kremli ra lệnh điều tra nội bộ. Ngày nay nhớ lại, chúng tôi mới đoán ra rằng cuộc điều tra này lại được giao cho những kẻ chủ mưu, ngay trong FSB !

Vladimir Putin là người đã ám hại Alexandre Litvinenko ?
Cùng thời điểm đó, một bài báo đả kích Sacha xuất hiện trên nhật báo Mosvokovski Komsomolets. Rồi đến tháng 7/1998, giám đốc FSB từ chức, được thay thế bằng một người mà chẳng ai biết đến : Vladimir Putin. Sacha nói với tôi : ‘‘Anh không biết ông ấy, nhưng có lẽ đây là điều tốt cho FSB’’. Ít lâu sau, anh hẹn gặp thủ trưởng mới để nói cho ông ta biết phát hiện của mình. Sau đó anh thổ lộ với tôi : ‘‘Anh có cảm tưởng rằng Putin không muốn biết chút nào. Thật là kỳ lạ, vì Berezovski là bạn ông ấy, anh nghĩ vậy’’.

Ngày 18/11, Sacha cùng với năm sĩ quan khác tổ chức một cuộc họp báo để nói ra sự thật : ‘‘Từ một tổ chức bảo vệ người dân, FSB đã trở thành một tổ chức mà ta phải lo tự vệ’’. Đó là một đòn sấm sét. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên, Putin tuyên bố : ‘‘Những kẻ tố cáo này là bọn tội phạm, định tự bảo vệ mình bằng cách lên án người khác’’.

Ngày 25/03/1999, Sacha bị tống giam vào nhà tù Lefortovo. Tôi phải giải thích với đứa con trai 5 tuổi của chúng tôi là ba nó đang đi công tác…Được trả tự do sau 9 tháng tạm giam, Sacha bị theo dõi thường xuyên. Căn hộ của chúng tôi bị khám xét, và một phiên tòa khác đang đe dọa. Tin rằng lần này sẽ không còn có dịp sống sót, Sacha đã âm thầm tổ chức cuộc chạy trốn, không hề nói cho tôi biết cũng như không để lộ dấu hiệu gì cả.

Ông Berezovski tổ chức đợt hoạt động lấy chữ ký phản đối chế độ Putin.
Họ đã ám sát một công dân Anh

Vào mùa thu năm 2000, anh đi đến vùng Kapkaz. Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau, một người bạn cho tôi biết là cần phải mua một điện thoại di động mới. Hôm sau, chuông reo. Đó là Sacha, anh nói : ‘‘Em mua ngay vé máy bay và đi Tây Ban Nha với Tolik’’ - biệt danh của con trai chúng tôiThế là hôm trước hôm sau, tôi buộc lòng phải ‘đi nghỉ mát’ tại Marbella, thay vì đưa con đến trường mẫu giáo mỗi buổi sáng.

Qua điện thoại, Sacha cho biết anh đang ở Gruzia và tôi phải tới phi trường Malaga, để lên một chiếc máy bay riêng do Boris Berezovski thuê, bay sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Ankara, Sacha đến đại sứ quán Hoa Kỳ, nhưng họ không sẵn sàng giúp đỡ : đối với người Mỹ, anh chỉ là một con cá nhỏ và không có bí mật nào đáng để họ phải quan tâm.

Lời ai điếu và tố cáo được đọc lên trong đám tang Alexandre Litvinenko.
Định sang Pháp, nhưng lại quá phức tạp, chúng tôi nảy ra ý mua vé về Matxcơva quá cảnh Luân Đôn. Trong khu vực quá cảnh của sân bay Heathrow, Sacha nói với người cảnh sát mặc sắc phục đầu tiên mà anh gặp : ‘‘Xin chào ông ! Tôi là sĩ quan Nga và muốn xin tị nạn chính trị’’. Sau năm tiếng đồng hồ thẩm vấn, chúng tôi được cấp giấy thông hành. Đó là ngày 01/11/2000, tức là chính xác sáu năm trước khi Sacha bị đầu độc.

Khởi đầu cuộc sống tại Luân Đôn khá khó khăn. Boris Berezovski, cũng trốn khỏi Nga vào cùng thời kỳ ấy, giúp đỡ chúng tôi về tài chính. Sacha nhanh chóng trở thành nhà ly khai nổi tiếng nhất, anh thường xuyên trả lời phỏng vấn và đưa ra những tuyên bố chống lại chế độ Putin.

Dần dà mọi chuyện trở nên bình thường, và thậm chí chúng tôi còn được đổi sang danh tính mới. Bây giờ chúng tôi là gia đình Carter : Edwin, Maria và Anthony. Tôi dạy múa cho trẻ em và người lớn, Sacha chuẩn bị trở thành cố vấn về cận vệ, và con trai tôi đã là một cậu bé Anh thực thụ.

Nhà báo điều tra Anna Politkovskaia, bị ám sát năm 2006.
Thế nhưng đến mùa hè năm 2006, các đại biểu Quốc hội Nga thông qua một đạo luật mà phương Tây không để ý tới. Luật này cho phép FSB trừ khử, thậm chí ở nước ngoài, tất cả các nhà đối lập hay nghi can khủng bố bị cho là nguy hiểm đối với lợi ích quốc gia. Tin đồn cho hay có một danh sách đen ‘những kẻ thù của nước Nga’ đang được lan truyền ở Matxcơva. Đương nhiên là tên của Sacha chiếm một vị trí đáng kể trong đó, cùng với Boris Berezovski và Akhmed Zakaiev – lãnh tụ Tchetchenya đang tị nạn tại Luân Đôn, và nhà báo nữ Anna Politkovskaia.

Vài tháng sau, ngày 7/10, nhà báo điều tra này bị hạ sát ngay trước tòa nhà nơi cô ở tại Matxcơva. Đối với Sacha, người quen thân và đã khẩn khoản yêu cầu Anna rời nước Nga, cái chết của cô là một cú sốc. Tuy vậy sáu ngày sau, chúng tôi được nhập quốc tịch Anh – một hình thức bảo vệ, dưới mắt Sacha. Ngày 01/11/2006 vào giờ uống trà, chính là một thần dân của Nữ hoàng mà họ đã ám sát.

Andrei Lougovoi, một trong hai nghi can trực tiếp đầu độc Litvinenko, nay trở thành dân biểu Nga.
Giờ đây bảy năm đã trôi qua. Suốt năm năm trời, Scotland Yard và chính quyền đòi hỏi tôi nên kiên nhẫn, trong thời gian lập nên hồ sơ buộc tội. Và đúng là hồ sơ này hết sức vững chắc. Dù vậy, yêu cầu dẫn độ Andrei Lougovoi - ngày nay là dân biểu Quốc hội Nga và được quyền đặc miễn bảo hộ - đã không có được kết quả. Thực tế không có bất cứ động thái tư pháp nào đạt được mục đích trong vụ này.

Đó là lý do tại sao năm 2011, sử dụng quyền pháp định, tôi đòi hỏi tiến hành điều tra công khai, tương tự như cha chồng của công nương Diana đã yêu cầu sau khi bà tử nạn. Nếu tất cả yếu tố của hồ sơ đều được công chúng biết đến rộng rãi, thì rốt cuộc tôi có thể lật sang trang mới. Vì đạo nghĩa, tôi phải làm điều đó.

Sacha đã làm tất cả để bảo vệ cho hai mẹ con tôi. Bây giờ thì đến lượt tôi phải bảo vệ thanh danh của anh ».

Tổng số lượt xem trang