Thân ái tặng nhà văn Tưởng Năng Tiến
Bún chả
Thời thập niên 1950, có những đầu sách kêu như chuông: Cô hàng nước, Cô hàng bún chả Chợ Đồng Xuân… Đó là những thiên diễm tình rẻ tiền, ấy thế mà đắt hơn tôm tươi. Hà Nội có nhiều chợ: Cửa Nam, Hàng Bè, Bắc Qua, Hôm, Mơ… nhưng nổi tiếng vẫn là Đồng Xuân. Những chợ ấy, giờ đây đã bị xóa sổ, chính phủ CHXNCHVN thay thế bằng cách xây khu chợ mới bằng nhà nhiều tầng, nhưng khốn nỗi giá quá đắt, các tiểu thương và các gánh hàng rong không đủ sức đóng thuế chợ cho nên hầu hết các khu chợ mới xây vắng như Chùa Bà Đanh, chẳng có ma nào bán và mua. Riêng chợ Đồng Xuân vẫn còn đông người bán và kẻ mua tấp nập.
Đi dọc từ Hàng Đào, xuống Hàng Ngang, xuống tiếp khoảng gần cây số sẽ tới chợ Đồng Xuân. Nếu ai cắc cớ hỏi tại sao không phải Nhất Xuân, Nhị Xuân hay Tam Xuân mà là Đồng Xuân thì tôi xin chịu, không biết trả lời thế nào.
Ngoài những quầy hàng bán đủ thứ, trong chợ Đồng Xuân còn có các quầy bán quà quê như bún ốc, bún thang, bún ngan, bún chả. Trong các món bún, bún chả hấp dẫn nhất. Từ xa, khói thịt nướng phả vào mũi thơm lừng, bụng tự nhiên cồn cào dù vùa mới tống dăm bát cơm vào ruột, nước miếng tiết ra, đàn ông còn muốn sa vào huống chi các bà các chị từng khoác áo chuyên viên ăn quà vặt.
Từng lá bún tròn nhỏ, trong vắt, đĩa thịt nướng còn đang xèo xèo mỡ chảy, thơm ngát mũi, bát nước chấm có cà rốt, xu hào tỉa hoa, bằng ngón tay út, chua chua, ngòn ngọt, cay cay, mằn mặn kèm theo đĩa rau sống, ngò, húng, kinh giới, rau muống tỉa nhỏ ngâm nuớc uốn tròn như mái tóc… cứ mỗi miếng chả cuốn thêm lá bún, chan nước chấm, rau sà-lách thập cẩm, nhai thật chậm. Tất cả hương vị thịt rau, cay chua mặn ngọt làm tế bào vị giác của lưỡi giãn ra sung sướng. Món bún chả chợ Đồng Xuân là thế đấy.
Món bún này không thể có Bún Không Người Lái được, bởi vì thiếu người lái thì làm sao gọi là bún chả.