Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Từ lưu manh trong đời sống, tới lưu manh trong cai trị

- Từ lưu manh trong đời sống, tới lưu manh trong cai trị

Vương Trí Nhàn 22-07-2015
Sự phổ biến của hiện tượng lưu manh, tâm lý lưu manh, cách sống lưu manh                                 
Trong bài Đường đi và người đi — Những khám phá thú vị về xã hội người Việt xưa in trên TT&VH số ra 18-12-2011 nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng có viết: “Ngày xưa đi buôn, thường phải thuê người gánh hàng, một người gánh hai thúng gọi là Đểu, hai người gánh chung một thúng hoặc một kiện hàng gọi là Cáng. Dân gánh thuê Đểu Cáng thi thoảng có trộm hàng của chủ buôn, nên chữ Đểu Cáng dần mang nghĩa xấu, cũng như chữ Lưu manh – người mù đi lang thang, đôi khi cũng trộm cắp, nên chữ này cũng mang nghĩa xấu”.

Tôi muốn bàn thêm với anh Thượng riêng về hai chữ lưu manh. Chữ manh ở đây không phải người mù. Trong chữ Hán cũng có một chữ manh viết bằng cách kết hợp chữ vong với bộ mục, Đào Duy Anh dịch nghĩa là mắt không có con ngươi, tối tăm.
Nhưng trong từ ghép lưu manh thì sách vở xưa nay đều viết chữ manh khác, gồm chữ vong như trên và bộ thị thay cho bộ mục. Chữ manh nói về sau này thời cổ là chỉ chung là dân. Trong Bình Ngô đại cáo có câu:Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập
Đào Duy Anh dịch là: Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp
Là dùng chữ manh ấy. Từ chỗ ban đầu chỉ dân nói chung (Hiện đại Hán ngữ từ điển giảng “cổ đại xưng bách tính”), sau chữ manh này chỉ dân không có nghề nghiệp. Nó cũng không mấy khi được dùng riêng mà thường dùng như một thành phần trong từ ghép lưu manh.
Anh Phan Cẩm Thượng cho rằng đểu cáng thi thoảng có trộm hàng của chủ hàng nên có nghĩa xấu. Nghĩa xấu đó là gì? Việt Nam Tự điển của hội Khai trí tiến đức 1931 ghi đểu cáng là hạng người hèn mạt vô hạnh. Như vậy là từ một thói xấu đã biến thành một bản chất. Nay đểu cáng thường dùng như một tính từ chỉ phẩm chất.
Hạng lưu manh cũng vậy. Các từ điển Hán — Hán hiện đại thường ghi lưu manh ban đầu chỉ dân lang thang vô nghề nghiệp, sau chỉ kẻ “bất vụ chính nghĩa, vị phi tác đãi’, tức là kẻ không biết chính nghiã là gì, dám làm mọi việc phi pháp xấu xa.
Tra các từ điển Hán Anh, tôi thấy người ta thường dịch lưu manh thành rogue, gangster, hooligan, sau đó chuyển sang nghĩa rộng hơn, nó dùng để chỉ những quan niệm hành động phi đạo đức, liều lĩnh, bậy bạ, rộng hơn là những triết lý “vô thiên vô pháp”, cho phép người ta dùng mọi thủ đoạn cốt đạt được mục đích.
Dẫu sao tôi cũng cảm ơn nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng. Từ chỗ nghiên cứu nghệ thuật thuần túy, anh chuyển sang nghiên cứu cơ sở của nghệ thuật là xã hội.
Khi nghiên cứu về giao thông VN trong xã hội cũ, anh không chỉ nói tới đường đi mà còn nói tới người đi, vì thế mới có câu chuyện chúng ta trao đổi ở đây.
Tôi lại rất tán thành cái hướng mà anh theo là phân chia xã hội không theo thang bậc giai cấp chung chung nông dân—địa chủ phong kiến mà theo các tầng lớp hình thành trong xã hội như kẻ sĩ, nhà buôn, kẻ hạ lưu trộm cướp lưu manh. Xin phép nói thực, tôi cũng đang muốn làm như vậy.
Phần góp chuyện của tôi: Ngày nay chúng ta thường hay lý tưởng hóa chữ dân. Nhưng ở trang 87 của Từ điển từ nguyên tiếng Trung ( Nxb Hồng Đức H. 2008 ), tác giả Nguyễn Mạnh Linh ghi: “Để áp bức nô lệ làm việc và tránh tạo phản, bọn chủ nô thường bắt họ đeo gông tay gông chân hoặc dùng mũi khoan chọc mù mắt họ. Chữ dân trong Giáp cốt văn và Kim văn nghĩa gốc là chỉ nô lệ, nghĩa rộng chỉ kẻ bị thống trị trong đó bao gồm nô lệ và dân thường. Sau này phiếm chỉ bách tính quần chúng nhân dân”.
Phải đi vào từ nguyên học lôi thôi như vậy vì nói tới người dân xưa là nói tới tình trạng lang thang vô nghề nghiệp. Mà đó cũng là nguồn gốc tạo nên cách sống của họ. Họ chẳng coi cái gì là quan trọng. Họ dám làm những việc động trời bất chấp pháp luật. Nhờ thế, trong lịch sử các nước như Trung Quốc, Việt Nam họ là nguồn gốc của những hỗn lọan mà ngày nay ta hay gộp vào và gọi chung là những cuộc nông dân khởi nghĩa.
Lưu manh du đãng… ở ta đóng vai trò lớn trong các cuộc chiến tranh kể cả nội chiến lẫn chống ngoại xâm. Nhiều bộ sách cũ tôi đọc được có ghi những người theo Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận là du đãng, mà sau này Quang Trung mạnh cũng là nhờ tập hợp và phát huy sức mạnh đám người này.
Trong lịch sử Trung quốc, những Lưu Bang Hán Cao Tổ, hoặc Chu Nguyên Chương Minh Thái Tổ cũng mang đậm trong mình chất vô lại, du đãng, lưu manh. Đã có câu tổng kết: trí thức chỉ làm đến tể tướng, chỉ có lưu manh mới có thể làm vua. Nhận xét ấy trong thời hiện đại được chứng nghiệm qua bộ đôi Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. (Tuy Mao Trạch Đông cũng là một trí tuệ siêu đẳng, song yếu tố chủ đạo trong ông vẫn là lưu manh).
Lịch sử cả Đông lẫn Tây vận động theo hướng xã hội khép kín trong các làng xóm thôn lạc thời cổ điển bị phá vỡ, con người tràn ra thành thị. Trong khi các tầng lớp nhà buôn và quan lại dùng tri thức tổ chức lại đời sống thì tầng lớp lưu manh cũng xuất hiện, và phát triển mạnh theo hướng thâm nhập vào các tầng lớp khác.
Trong xã hội Việt Nam sau 1945, do mãi lo chiến tranh, nên chúng ta dung túng cho mọi cách sống khác nhau. Trong khi không chú ý tới những tiêu chuẩn đạo đức nhân bản, xã hội để mặc cho xu thế lưu manh phát triển, nó mặc sức chi phối sự hình thành nhân cách từ người lao động đến người có học, làm họ cũng trở nên lười biếng tầm thường tàn ác vô cảm, nhất là khinh thường mọi sự thiêng liêng, cho phép mình sống như quỷ dữ. Tức là lưu manh hóa họ. Mặc dù nhiều khi mượn áo trí thức để làm dáng nhưng trong thực tế bản chất của lưu manh là thâm thù căm ghét trí thức chân chính. Và họ căm thù trí tuệ nói chung.
Ở tầng lớp lưu manh khoác áo trí thức, cái lõi là vô học, bao nhiêu cái có học bên ngoài chỉ là đắp điếm thêm.
Trí thức và thói lưu manh trong cai trị
Ở trên, tôi đã nói Mao Trạch Đông có cốt cách lưu manh. Phải nói rõ thêm chính ra ông cũng là một trí thức siêu đẳng. Đã có thời gian ông làm thủ thư Đại học Bắc Kinh. Có thời gian đi dạy học. Thói quen đọc sách theo ông suốt đời, đi đâu ông cũng đọc. Bạn tôi anh Nguyễn Bá Dũng từng kể với tôi, có thời gian Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch cùng làm việc ở một Bộ tư lệnh quân sự. Nhiều buổi sáng dạy, người ta bắt gặp Mao và Tưởng cùng ra sân, mỗi người một cuốn sách trên tay. Xòe ra thì đều là Tư trị thông giám – tấm gương về sự cai trị của Tư Mã Quang (1019-1086).
Trong một cuốn sách nói về cuộc hòa giải Trung – Mỹ 1972, tôi thấy người ta kể, tuy Chu Ân Lai là người trực tiếp đón Nixon, song Mao là người chỉ đạo từng bước cụ thể.
Có một chi tiết liên quan đến chuyện chúng ta đang nói.  Khi Nixon đến thăm Mao, thấy Mao đang có trên tay cuốn sách mới in ở Mỹ và chắc có ai vừa dịch để cung cấp cho ông.
Những người lâu nay chê Mao bảo rằng Mao chỉ thích đọc sách kinh điển Trung Quốc, hóa ra đã lầm. Mao cũng đọc đủ sách của phương Tây hiện đại.
 Tiễn Nixon về, Chu quay lại báo cáo với Mao. Chu bảo:
– Chúng ta vừa thay đổi thế giới.
Mao trả lời ngay:
– Trước đó thế giới đã làm chúng ta thay đổi.
 Nhạy bén và hiện đại ở đây là thuộc tầm vĩ mô!
Cũng như nhiều lãnh tụ Trung Hoa, Mao cũng làm thơ. Mà ở Trung quốc, cái danh hiệu nhà thơ không dễ dãi như ở ta. Thơ là lĩnh vực của trí tuệ.  Đọc thơ Mao thấy ông có tầm vóc lịch sử. Lại có người nói qua thơ đã thấy có khí trượng đế vương. Nhưng mượn cách nói của người xưa, phải nói ông thuộc loại bá đạochứ không phải vương đạo.
Có một hồi tôi cứ tưởng chỉ những trí thức nửa mùa, trí thức nửa đời, nửa đoạn mới chuyển sang lưu manh. Hóa ra không phải, cái mầm lưu manh đã quá mạnh và nằm sâu trong lõi thì cái bao quanh nhiều khi không làm cho người ta thay đổi được, dù có đọc bao nhiêu sách vở nữa cũng không làm cho người ta thành trí thức thực thụ. Chất trí thức trong Mao là thế. 
Trong số các tài liệu về Mao, tôi bị thuyết phục nhiều bởi cuốn tiểu sử Mao của tiến sỹ Ralf Berhorst, rồi do Phan Ba dịch từ chuyên san lịch sử “Trung Quốc của Mao Trạch Đông” do GEO EPOCHE xuất bản
Chương đầu của cuốn này được gọi là Tên cướp đỏ, ở đó người đọc biết rằng từ thời mới khởi nghiệp, Mao đã lưu manh bao nhiêu trong các hoạt động cách mạng của mình.
Tôi sẽ không thuật lại ở đây những chi tiết về chất lưu manh chi phối suốt đời Mao mà nhiều người đã biết. Chỉ nói riêng về chính sách đối với văn nghệ.
Người ta chỉ trách Mao lưu manh trắng trợn khi ông nói tuột ra rằng, trí thức là đáng khinh bỉ, trí thức không bằng cục phân. Nhưng ông còn nhiều lần lưu manh xảo trá hơn nữa, ví dụ ở trường hợp sau.
Hồi 1956, các tài liệu đều nói Trung quốc có phong trào trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng. Cái câu “Bách hoa tề phóng bách gia tranh minh” vốn có từ thời cổ được Mao dùng lại.
Chính Mao đã đề ra phong trào này để khuyến khích các trí thức góp ý về cách lãnh đạo. Rồi chính Mao quay lại diệt họ cho họ về vườn, hoặc bắt họ hối cải công khai, ai không hối cải thì cho đi tù.
Chỗ này thì người ta có thể bảo Mao là nhà chính trị thủ đoạn, tráo trở, hèn hạ. Theo chỗ tôi biết thì Stalin cũng triệt hại trí thức nhưng không bao giờ bẫy các trí thức như Mao.
Ở ta không phải không có lối cai trị kiểu này. Ví dụ như trường hợp Tố Hữu, sếp lớn của bọn tôi. Mặt chuyên chế của ông thì bọn tôi đã biết qua những câu chuyện về cách ông xử lý vụ Nhân văn Giai phẩm. Sau này, đọc hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, tôi được biết “Tố Hữu trông người nhỏ nhắn, nhẹ nhõm như một thư sinh. Nhưng rất hách. Tôi đã nghe Hoàng Cầm nói, ông đã từng ra lệnh bắt Trần Dần, Tử Phác bằng sáu tiếng ngắn gọn: “Gọi nó về, bắt lấy nó”.
Nhưng Tố Hữu cũng lại thường tỏ ra nhân hậu và khuyến khích tài năng, khuyến khích đi tìm chân lý.
Đây là một đoạn tôi đã kể trong bài Để hiểu thêm TỐ HỮU
“Những năm chiến tranh, thỉnh thoảng một số anh em viết trẻ chúng tôi cũng được gọi đi nghe Tố Hữu nói chuyện. Có một câu ông nói khiến tôi nhớ nhất và phải nói thực sợ nhất, đó là cái ý ông bảo sang nước ngoài thấy đời sống họ lạnh lùng lắm, về nước thấy đồng bào mình sống với nhau, ấm cúng hơn hẳn. Ông cũng thường nói là nổi tiếng ở nước ngoài thì dễ, nổi tiếng ở trong nước mới khó.
Lại có lần khuyến khích lớp trẻ, ông bảo phải biết đấu tranh cho chân lý, khi cần phải cắn xé (!). May mà bọn tôi đã nghe nhiều về tính đồng bóng của ông, nên chẳng mấy cảm động, nhớ đâu hình như chính Xuân Quỳnh bảo rằng có mà ông cho ghè gẫy răng.”
Năm ngoái đây, đọc Đèn cù của Trần Đĩnh ở chương 8 tập II, thấy có đoạn sau “… Mai Thế Trạch, con bà Lợi Quyền tư sản từng lẫy lừng chuyện quyên góp rất nhiều vàng cùng nhà cửa trong Tuần lễ vàng. Còn lại một ngôi, sau được Ban tuyên huấn Trung Ương đến hỏi. Chê đắt. Đùng một hôm xe tuyên huấn chở mấy bao tải tiền đến mua, đắt cũng được. Ba ngày sau đổi tiền. Tố Hữu, nguyên trưởng ban tuyên huấn đã hạ thời cơ tuyệt hảo chấm dứt cơ nghiệp đại gia tư sản Lợi Quyền có tiếng ở Hà Nội. Bằng giấy lộn. Ai cứ bảo nhà thơ trên gió trên mây. Còn Thế Trạch bằng số tiền bán nhà kia không mua nổi căn hộ con con ở Sài Gòn”.
Gộp tất cả các phương diện nói trên thì mới làm nên ông Lành của chúng tôi.
____
-

-Bóng Con Thiên Nga Đen? Alan Phan
black swan17 January 2015
Nhiều thân hữu phàn nàn lúc này bác Alan viết ít quá. Thực sự tôi đang khá bận, lo tái khởi động lại công việc sau thời gian nghĩ lễ dài; nhưng lý do xác đáng hơn là lúc này không mấy ai đọc bài của ông già hay lên “góc nhìn alan”. Ai cũng say mê đón chờ các bài mới của Blog Chân Dung Quyền Lực, kể cả ông già. Dù muốn loay hoay múa miệng, nhưng theo đúng tôn chỉ không đụng chạm vào “mưa máu giang hồ”, ông già xin viết về chuyện gia đình của một người bà con vậy.

Love story
(Mọi chuyện tình đều cần một nhân tố nào đó – Every love story needs a catalyst of some sort – Ian Somerhalder)
Cặp vợ chồng lấy nhau đã lâu, hơn 40 năm, nhưng có cảm giác như đã gần 100 năm rồi. Dù là từ một môi trường phong kiến, nhưng người vợ theo tiếng gọi của con tim chứ không bị ép buộc. Tuổi trẻ bồng bột dễ yêu và người chồng lại biết tạo ra hình ảnh của một chàng trai lý tưởng, sống vì dân tộc, đất nước, xã hội, cộng đồng, nên chinh phục dễ dàng cô gái quê, suốt đời yên phận sau luỹ tre làng.
Vài chục năm đầu, cuộc sống hai người rất chật vật, phải bon chen tranh đấu vất vả để vươn lên vì tai hoạ cứ rình rập tạo bất ổn thường trực. Chồng đi lao động khắp nơi kể cả nước ngoài. Vợ cô đơn ở nhà miệt mài hy sinh mọi hạnh phúc cá nhân để sống còn và phụng dưỡng cha mẹ, con cái, gia quyến, làng nước…Nước mắt vợ đổ xuống hàng ngày thay cho chén canh.
Một hôm, người chồng quay về, mang theo 2 người khách nước ngoài. Vợ quá mừng nhưng người chồng đã thay đổi đến tận xương tuỷ. Ông lạnh lùng tàn nhẫn với vợ, chỉ quanh quẩn thảo luận đại sự bên 2 người khách, bỏ mặc vợ con cầu khẩn xin chút quan tâm. Ông cũng tha hoá nhiều hơn: rượu chè thuốc lá be bét mỗi ngày; rồi lại còn thêm tật dan díu với đủ hạng gái hư hỏng quanh làng mạc. Nghe nói ông có vài đứa con rơi với nhiều bà, kể cả các bà đã có chồng đàng hoàng.
Sau vài năm, vận may đến nhờ sự giúp đỡ của 2 ông khách quý. Ông mở được một cửa hàng tạp hoá, dù ọp ẹp nhỏ bé, nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, vợ con vẫn mò cua bắt ếch làm ruộng mưu sinh, vì ông có một thói quen rất tiện: chỉ lấy của người khác chứ chưa bao giờ cho ai. Gia đình với ông chỉ là một tên gọi vô nghĩa; thêm nữa, lúc này ông cho ông là một vĩ nhân, chỉ chăm chú vào sự thăng tiến của thế giới đại đồng.
Một tật xấu khác là ông thích thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đánh vợ con suốt ngày, cũng như nổi danh khắp quê khắp huyện về chuyện gây gỗ và đánh đấm với hàng xóm. Nhưng mọi người sống với văn hoá Khổng Mạnh đã quá lâu, nhịn nhục, chin bỏ làm mười là nguyên tắc.
Tham vọng cao, ông tiếp tục nhờ 2 ông khách đỡ đầu mở rộng cửa hàng tạp hoá. Sau bao nhiêu thăng trầm, ông cũng đạt được ý nguyện. Nhờ một phi vụ lường gạt rồi cướp của, ông có được một tài sản lớn và tạo được nể phục của giới giang hồ. Tuy nhiên, với bản tính xấu xí, dối trá và ích kỷ, ông chỉ có một nhóm nhỏ du thử du thực làm “bạn”. Bọn này thì cũng chỉ lợi dụng trí ngây thơ, ngu dốt và sĩ diện hão của ông để hưởng lợi cho mình.
Cứ thế thời gian qua mau. Người vợ đã yên thân với cuộc sống dù đau khổ nhưng kín đáo trong lòng; người chồng vẫn ngựa quen đường cũ, càng thêm tha hoá vì giờ đã có chút tiền; con cái lêu lỏng hư hỏng nhưng không ai quan tâm; và hàng xóm thì đã nhàm chán với chuyện nhảm nhí của gia đình này nên đi tìm những đàm tiếu ở nơi khác.
Game-changing moment
(Chúng ta không nhớ tháng ngày, chúng ta nhớ khoảnh khắc – We do not remember days, we remember moments – Cesare Pavese)
Một ngày đẹp trời, thế giới của hai vợ chồng bắt đầu dậy sóng. Khởi đầu là chuyện ông khách nước ngoài bịp bợm, chiếm hữu của người chống một số tài sản lớn. Chồng cầu cứu người bạn thứ hai nhưng tay này lại dửng dưng, quay mặt. Cô thế và tỉnh giấc mộng hoàng kim, người chồng tìm sự an ủi nơi những tay giang hồ côn đồ còn lại trong cộng đồng. Sau khi rút tỉa thêm ít tiền bạc của cải từ người chồng, những ông bạn mới còn âm mưu chiếm đoạt tất cả tài sản còn lại. Đối diện với thảm hoạ của phá sản, người chồng tìm giải pháp…kể cả những phương thức mà trước đây ông chưa bao giờ nghĩ đến.
Ông quay lại với người vợ. Đầu tiên, ông minh bạch vài chuyện dối trá, lừa bịp ông đã gây ra cho bà và gia đình. Cả những dan díu lăng nhăng bất chánh với các phụ nữ khác; và những scandals ông đã ném đá dấu tay gây hại cho bao nhiêu bạn bè người thân. Có lẽ ông chỉ hé lộ một phần nhỏ nào đó của sự thật, nhưng đây đã là một cách mạng. Sau đó, ông bỏ thì giờ ngồi với bà và nói muốn nghe những bức xức thất vọng của bà hiện nay. Ông hứa là sẽ sống chân thành hơn, lo cho tương lai của bà và gia đình hơn và sẽ cùng bà viết lại những trang sách mới cho cuối đời.
Bà im lặng. Những trận đòn thù, những trở mặt nhanh chóng trong ký ức, những lừa dối trâng tráo suốt thời gian chung sống vẫn để lại dấu ấn nặng nề trong tiềm thức. Bà tin một điều nơi người chồng: bản chất mưu mô thủ đoạn của ông chắc chẳng bao giờ thay đổi.
Bà không biết đằng sau thái độ ngọt ngào mới của ông chứa đựng nhữn toan tính gì? Ông muốn bòn rút mớ vàng bạc bà đã ký cóp để dành sau vài chục năm và dấu kỹ sau vườn? Ông hy vọng sức cần cù lao động của bà có thể giúp ông tạo lại sức sống cho doanh nghiệp? Ông nói về những cơ hội mới trong một thế giới mới nhưng liệu ông có đủ tầm nhìn và khả năng nắm bắt? Rồi sự thành thật của ông? Bao nhiêu phần trăm là kịch diễn? Bao nhiêu phần trăm là sự xếp đặt của nhóm du thử du thực vẫn còn bao quanh ông?
Mystery of future
(Sự bao dung thực sự cho tương lai nằm trong mọi cống hiến cho hiện tại – Real generosity towards the future lies in giving it all to the present – Albert Camus)
Tôi tình cờ gặp bà trong chuyến về thăm quê. Cùng ngồi trên một chiếc phà, bà có thì giờ kể lể từng tình tiết của câu chuyện. Bà hỏi tôi nghĩ thế nào và cho bà vài ý kiến, vì tôi đi nhiều xứ, có cơ hội phán đoán chuyện thiên hạ rõ hơn. Tôi cũng ở ngoài cuộc nên có lẽ khách quan hơn. Bà hỏi tôi nghĩ lần này ông có thành thực? Bà có nên tha thứ cho chồng và cùng nhau làm lại từ đầu? Tên khách nước ngoài còn có thể dụ dỗ ông để tiếp tục bòn rút? Bọn ăn hại quanh ông có nhẩy vào phá đám? Trên hết, liệu ông có thực sự thay đổi?
Tôi không biết nói gì. Nhân tình thế thái luôn phức tạp và đa dạng. Mỗi con người lại khác nhau vì định mệnh, tư duy và những lựa chọn. Ngày xưa, khi còn trẻ đẹp, nếu có chút khôn ngoan, chắc bà đã có thể là một mệnh phụ đáng kính như những người bạn hàng xóm. Bây giờ, bà đã lãng phí 70 năm của đời người ngắn ngủi, sống đời nghèo khổ, bị khinh thị khắp nơi và con cái cũng đã quá hư hỏng để giúp gì trong tiến trình nâng cao chất lượng sống của gia đình.
Tuy nhiên, tôi không tin là bất cứ ai nên bỏ cuộc. Còn sức sống là còn hy vọng. Còn đam mê là còn tinh thần. Sự trau dồi kỹ năng và bắt tay hành động vẫn là nguyên lý duy nhất để cải thiện mọi tình huống. Trang bị một tư duy mới, một niềm tin mới, một lựa chọn mới…luôn là giải pháp chính xác nhất cho mọi bài toán. Tôi nghĩ có thể mình không tin vào sự cải hoá của người chồng già, nhưng chúng ta nên tin vào sự thay đổi của tuổi trẻ. Những đứa con bà là câu trả lời cho tương lai.
Dấu hiệu quay về với gia đình của người chồng có thể là một thần kỳ hiếm có như sự xuất hiện của con thiên nga đen. Nó cũng có thể là một kịch bản tinh ví của thủ thuật giang hồ. Tuy nhiên, tại sao mình cần phân giải về điều này, tôi nói với bà.
Hãy để hành động sắp tới của ông chồng tự chứng minh. Ngay bây giờ, bà hãy đặt cho mình và con cái một chương trình cụ thể, từng bước nhỏ một, trong việc thay đổi tư duy, hành động…với mục tiêu bắt kịp và hoà đồng với những người bà kính nể. Hãy biết tự tìm đường và cương quyết không tuỳ thuộc vào bất cứ ai, kể cả người chồng hay đám bạn của ông ta. Hãy sống với đam mê của chính mình và chỉ làm những gì mình tự hãnh diện.
Bóng con thiên nga đen có thể chỉ là ảo tưởng…nhưng tầm nhìn và tư duy trong lòng mình là một thực tế muôn đời.
&&&&&
Có lẽ cuối tuần này tôi hơi lông bông với ngòi viết và suy tưởng? Có lẽ tôi nên đọc hết các bài trên Chân Dung Quyền Lực và chăm chú vào trận đá bóng chung kết của NFL (bóng bầu dục của Mỹ)? Vì dù sao, đó cũng là “chuyện người ta”?
Alan Phan


-Tội lỗi thuộc về những kẻ ưu tú
VƯƠNG-TRÍ-NHÀN 
Thế kỷ XVII – XVIII, là hai thế kỷ mà người phương Tây vốn len lỏi trên nhiều miền đất nước ta, cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, trong đó có các giáo sĩ. Năm 2010 nhân dịp ngàn năm Thăng Long một số các tài liệu  được công bố. Đối với một người không biết tiếng Pháp như tôi, đó đã là một kho sử liệu quý.
Nay lại có thêm cuốn Thư của các giáo sĩ thừa sai (Trung tâm nghiên cứu quốc học và nxbVăn học 2013).
 Trong các lá thư  gửi về quê hương, những người viết -- vốn là những trí thức  trong thời của mình -- cũng đã có những phân tích nhiều mặt về tình hình xã hội trên những miền đất mà họ đặt chân tới.


Ở một nước mà ngành sử học quá yếu kém như ở ta, những lá thư này đáng được xem là những sử liệu quý báu. Nếu có một sự tìm hiểu công phu, thì chắc qua đây có thể hiểu nhiều về lịch sử xã hội Việt.
Có điều, cũng giống như số phận các sử liệu mà người Trung quốc trong các thế kỷ trước viết về ta, các tài liệu có nguồn gốc phương Tây này ít được  giới khoa học ở ta – và rộng ra là cái dư luận chính thống ở ta -- hoan nghênh.
Riêng tôi lại thích lần mò kiếm tìm trong đó những tư tưởng xa lạ và đôi khi tôi đã thấy được cái mà tôi không hề thấy trong các nguồn tài liệu được đọc từ nhỏ.

Phác thảo bức tranh tổng quát
Trong lời giới  thiệu cuốn  sách trên người dịch là ông Nguyễn Minh Hoàng đã làm công việc hệ thống hóa những nội dung mà  các bức thư trong sách đề cập tới. Dưới đây, tôi chỉ trích một đoạn.

Thư của giám mục chánh tòa Reydellet ,
cai quản giáo phận  xứ Đoài ở Đông Kinh( tức Đàng ngoài),
viết ngày 7-5-1766,
 gửi cho em  hiệu phó trường Dela Marche ở Paris
Miền xuôi miền đồng bằng  gồm cả xứ Đông Kinh là một miền rất đông đúc , đời sống người dân nghèo nàn cơ cực vì đất không nuôi đủ được người. Ngoài ra có nhiều kẻ ăn hại  chỉ có độc một nghề là đi cướp phá mùa màng, dùng vũ lực  hay dùng mưu mẹo để trộm cắp ở các nhà, vu cáo để gây ra chuyện kiện tụng và làm cho người khác  phải tán gia bại sản. Ở xứ này giàu có nhiều tiền lắm bạc là một tội to. Ai cũng sẵn sàng  sinh sự và hãm hại người giàu  mãi cho tới lúc  họ bị rơi vào cảnh nghèo nàn quẫn bách thì mới chịu thôi. Ban đêm, những người giàu không ngủ được  vì còn thức để canh giữ trong nhà.
Người Đông Kinh nào  cũng ham thích quan tước và tiền của nên đều thích làm quan và làm giàu. Những kẻ có ít chữ nghĩa và khôn khéo trong việc vu cáo người khác có thể trèo lên tới chức quan. Do trong nước không thiếu  gì hạng người như vậy nên bọn quan lại và bọn tai to mặt lớn  sinh sôi nẩy nở vô số ở khắp nơi. Những kẻ nghèo khổ và trong phút chốc được trở thành quan lớn ấy, để giữ vững địa vị đã làm tình làm tội đám dân đen, bắt họ phải bò rạp dưới chân mình,  cướp bóc của cả đàn bà góa bụa và trẻ con mồ côi…
Nhìn tổng quát  thì luật lệ ở đây rất đúng đắn, rất hợp lý , và được quy định rõ ràng. Chỉ hiềm một nỗi  là chẳng được kẻ nào tôn trọng cả. Chính những người  có phận sự thi hành luật pháp  lại là những người phạm luật trước mọi người khác. Tiền bạc và những tặng vật đút lót xóa sạch những tội ác. Dù có là đại gian hùng, nhưng nếu biết cách che giấu những hành động bất chính  của mình thì vẫn là người lương thiện. Chỉ những kẻ vụng về, ngờ nghệch, nghèo hèn  là bị trừng phạt thôi.( sách đã dẫn trên, tr. 71-72)

Giầu là có tội
Những  ghi nhận của tôi qua đoạn thư trên tập trung vào ba điểm:
1/ Một xã hội  muốn phát triển phải có nhiều người biết làm giầu. Khổng tử khi được hỏi về công việc của người cai trị nói là giáo dân, phú dân. Mạnh tử cũng bảo có hằng sản mới hằng tâm
Mà muốn cả xã hội giầu thì trong xã hội đó phải có những người đi trước một bước. Họ là những người ưu tú. 
Tại sao? Vì chính họ trước tiên đã phải lao động nhiều hơn và theo những cách thông minh hơn người khác thì mới có thể khởi nghiệp. Cho đến khi họ thuê mướn thêm nhân công đi chăng nữa, thì họ cũng phải lao tâm khổ tứ, tổ chức cho các người mà họ thuê mướn đó làm việc. Câu ca dao mà tôi học từ hồi lớp sáu đã nói cái ý ấy
 Mở mắt chúa gọi đi cày
Be bờ cuốc góc nửa ngày chưa tha
 Bờ lớn thì phải cuốc ra
Bờ bé đắp lại  cho bà con ơi
 Chúa trai là chúa hay lo
Đêm nằm nghĩ việc ra cho mà làm
 Xã hội Việt Nam sau 1945 đã có một định hướng rõ rệt lớn là tấn công vào những người giàu, làm cho những người giàu kiệt quệ.
 Lúc đầu tôi cứ tưởng đó là cái phát kiến riêng của con người hiện đại.
 Hóa ra, như trong lá thư trên miêu tả, đó là căn bệnh vốn có trong tâm lý người Việt từ các thế kỷ trước.
 Riêng một câu Ở xứ này giàu có nhiều tiền lắm bạc là một tội to. Ai cũng sẵn sàng  sinh sự và hãm hại người giàu  mãi cho tới lúc họ bị rơi vào cảnh nghèo nàn quẫn bách thì mới chịu thôi đã đủ cắt nghĩa sự nghèo hèn kéo dài của xã hội ta  từ xưa đến nay. 

2/ Một khi  đám đông người nghèo đã  định hướng vào việc căm ghét người giầu, thì thói quen ăn cướp ăn cắp cũng hình thành một cách tự nhiên. Người ta lấy việc bôi  xấu những người giàu để biện hộ  cho những hành động không lương thiện của mình. Những người nghèo đã lưu manh hóa. Hiện tượng trộm cướp kéo dài triền miên trong lịch sử xã hội Việt Nam, và nếu kể cả những trường hợp nó được khoác cho cái áo sang trọng là nông dân khởi nghĩa,  thì có thể nói đó đã là một động cơ tạo nên sự vận động của lịch sử với ý nghĩa một cuộc … chạy tại chỗ.

3/ Do tình trạng tự phát bao trùm, ở cái xã hội tiểu nông manh mún ấy, người ta không thể thỏa thuận được với nhau để tổ chức nên một cơ cấu hợp lý. Từ cấp thấp đến cấp cao, bộ máy quản lý xã hội  rơi vào tay những kẻ không có nghề nghiệp và hiểu biết gì hết về thuật cai trị.
 Bộ máy quan chức càng phình lên thì các thành viên của nó càng ngu dốt thêm.
Thứ luật pháp  sinh ra từ những kẻ nghèo khổ và trong phút chốc được trở thành quan lớn ấy , chỉ là công cụ để bọn quan chức làm giàu và hành hạ dân chúng, mà trước tiên lại là hành hạ cái đám dân đen vốn là mảnh đất xuất thân của chúng.
Một xã hội như vậy không bao giờ có sự vận động để thay đổi được.

Từ chống nhà giàu sang chống trí thức
Tôi học tiểu học ở vùng Hà Nội tạm chiếm và sau 1954 mới học trung học mà hồi đó gọi là cấp II ở hệ mười năm. 
 Ở hệ học sau, có hai mối bức xúc mà tôi cảm thấy khá sớm.
Đến trường kẻ học giỏi bị làm phiền, gây khó chịu… là một.
Về nhà, sống với gia đình xóm giềng và ra phố mua bán, tôi thấy những người giỏi giang , biết làm việc, nhất là biết kiếm tiền thì bị khinh ghét.. là hai.
 Do một niềm tin mơ hồ được gia đình truyền lại, bọn tôi lo đi học và lớn lên vẫn thích đọc sách. Nhưng học xong thấy dại. Kỹ sư ra trường lương tháng hồi đó cũng chỉ  lương hơn sáu chục đồng, chẳng hơn công nhân lao động đơn giản là bao. 
Bao nhiêu nghị lực được dồn hết cả vào khả năng chịu đựng để tồn tại, chúng tôi kéo dài cuộc sống trong mòn mỏi. 
Tôi có một đứa em và một đứa cháu, đều học rất giỏi, nhưng sẵn sàng bỏ học để đi làm các nghề khác, dễ kiếm ăn hơn.
 Muốn chứng minh rằng do định hướng vào sự vô học mà cả xã hội hoàn toàn đi xuống là chuyện không dễ.  Nhưng tôi cứ tin một xã hội mà ghét bỏ những người có học thì không bao giờ phát triển lên được.
Lạ một điều là ngay trong một nghề cần nhiều đầu óc như nghề văn mà cả đời tôi theo đuổi, ai ít học vẫn được chiếu cố nhiều hơn và khi chọn vào bộ phận quan chức, vẫn được ưu tiên hơn hẳn.
 Hỏi sang bên khoa học tự nhiên tình trạng cũng là tương tự.
Trước tôi chỉ hiểu hai chuyện trên, ghét bỏ người giàu và ghét bỏ người có học hai chuyện riêng rẽ.
Sau này tôi mới hiểu đó là xã hội ta – cái xã hội công nông mà chúng tôi được giảng là  tốt đẹp nhất trên đời -- thường ghét những người ưu tú.
 Với tư cách là sản phẩm  của các xã hội tiểu nông, nhiều truyện cười đã cho thấy thời xưa những người có học bị gán cho đủ tội xấu xa, cũng như cánh nhà giàu toàn là bọn người tham lam bủn xỉn…
 Sang đến thời nay, có cả một sự diễn biến loanh quanh. Đôi khi lối nghĩ đó  được bộc lộ trắng trợn hơn. Về sau  lại được che đậy khéo léo hơn. Song bên trong vẫn thế.
Người ta chỉ không biết hoặc có biết cũng cố lờ đi không nói với nhau một điều. Rằng không chỉ quy luật tiến hóa nói chung chống lại lối khẳng định đó mà  kinh nghiệm lịch sử ở ta và ở mọi xã hội khác đều  rút ra những kết luận ngược lại.

Thử hình dung về một xã hội
mà những phần tử ưu tú bị bài bác
Trình độ tư duy hiện nay cho phép chúng ta thường chỉ hình dung xã hội như một bộ máy. Trong khi đó, trong một số sách vở mà tôi đọc được,  tôi thấy người ta lại nhìn xã hội  như một hiện tượng sinh học.
Mà theo các lý thuyết về sinh học thì sự tiến hóa phải trải qua những đột biến do những phần tử ưu tú khởi xướng.
 Cũng là áp dụng quan niệm sinh học vào cách nhìn xã hội, một lần tôi thử tìm cách  phân biệt  các xã hội bình thường và cái xã hội vừa trải qua những biến động long trời lở đất ở ta qua một cặp hình ảnh như sau:
-- các xã hội bình thường khác ấy như những cánh rừng nguyên sinh có cấu trúc phức tạp, ở đó có cây cao bóng cả lại có những loại dây leo và các loại cỏ ăn lan trên mặt đất, một sự phân công  khoa học.
-- còn  xã hội ta sau khi diệt dần diệt mòn các thành phần ưu tú, hiện nay như một thứ  rừng có gianh. Tinh thần bình quân thấm vào trong cấu trúc cả xã hội lẫn câu trúc cá nhân. Từng thành viên hết sức giỏi giang trong việc thích nghi với đời sống, và chống lại mọi sự thâm nhập từ bên ngoài, nhưng cả quần thể thì lại xa lạ với một sự sống theo nghĩa bình thường.


 Qua phim ảnh và với một số người là những thể nghiệm cá nhân, chúng ta hẳn đã  từng thấy những cánh rừng cỏ gianh ở những vùng bị bom đạn càn nát trong chiến tranh cũng như bị con người hiện nay -- hung hãn điên lên trong cơn làm giàu -- tàn phá. Chúng đầy sức sống  và cũng đầy khả năng tự vệ.  Chỉ riêng khả năng hồi phục để trở thành những cánh rừng tự nhiên, cũng tức là  khả năng tiến hóa theo thời gian vĩ mô, sẽ chẳng bao giờ trở lại với những rừng cỏ gianh đó cả.



Tổng số lượt xem trang