Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Cuối Năm Về Galang

Đọc bản tin ông Nguyễn Tấn Dũng “viết thư trực tiếp cho Thủ tướng Canada Stephen Harper để bày tỏ quan ngại về một dự luật coi ngày 30/4 là ngày chính thức kỷ niệm người tị nạn cộng sản bỏ nước ra đi sau khi Sài Gòn thất thủ” tôi chợt nhớ tháng 5 2005 CSVN cũng đã yêu cầu chính quyền Nam Dương đục bỏ tấm bia tưởng niệm thuyền nhân.
Nội dung tấm bia: “Tưởng nhớ hàng trăm ngàn người Việt Nam đã thiệt mạng trên đường tìm tự do (1975-1996). Dù họ đã chết vì đói, khát, bị hãm hiếp, bị kiệt sức hoặc vì một nguyên nhân nào khác, chúng ta cầu xin rằng họ bây giờ được hưởng yên bình vĩnh cửu. Sự hy sinh của họ không bao giờ bị quên lãng. Các cộng đồng người Việt hải ngoại, 2005."

Những cố gắng của lãnh đạo CSVN chỉ nói lên sự tuyệt vọng, sợ hãi sự thật nhưng cũng chỉ mang tính tạm thời. Đảng CSVN chỉ là vết nhơ, một chấm đen nhỏ trong dòng lịch sử Việt Nam nhiều ngàn năm và sẽ nhiều ngàn năm nữa. CSVN không thể che đậy hay đục bỏ quá khứ của một dân tộc.
Giống như hành trình đau thương của dân tộc Armenian trong thời kỳ bị Thổ Nhĩ Kỳ diệt chủng 1915, hành trình tìm tự do của nhiều triệu người Việt, trong có nhiều trăm ngàn đồng bào đã chết trên biển Đông đã là và sẽ mãi mãi là một phần của lịch sử Việt Nam.
Tấm bia ở Galang bị đục thủng nhưng hàng chữ không bao giờ bị xóa vì sự hy sinh, chịu đựng của hàng triệu người Việt lánh nạn CS đã ghi sâu vào lòng dân tộc. Một trăm năm sau, hai trăm năm sau, các thế hệ Việt Nam sẽ tìm đến Bidong, Galang, Palawan, Sungei Besi, White Head, Panat Nikhom v.v... để dò lại dấu chân của những người đi trước và lắng nghe tiếng biển thì thầm về một chặng đường bi tráng đã qua.
Đập đổ tấm bia là một trọng tội với lịch sử, và giống như số phận của tập đoàn Taliban khi bắn sụp các tượng Phật ngàn năm ở Afghanistan, không có đất sống cho những kẻ từ chối, khinh bỉ và hủy diệt các giá trị văn hóa thiêng liêng của dân tộc mình.
Bài viết trong link này mời các anh chị em cùng đọc:

Dấu tích của con người trên địa cầu không chỉ là Kim Tự Tháp, Angkor Wat, Mona Lisa hay những bản giao hưởng bất tử mà còn là Auschwitz, Armenia, Rwanda và nhiều hành động diệt chủng tàn bạo và bất nhân khác. Thật vậy, bên cạnh những bậc thánh nhân mang lại an lạc và giải thoát cho con người, những nhà khoa học có khả năng sáng chế những cái hay cái đẹp để làm thăng hoa cho cuộc sống, cũng có những ác nhân như Hitler, Pol Pot, Stalin, Bin Laden lại có thể nghĩ ra những cách giết người vô cùng dã man, tàn độc.

Nhắc đến Bin Laden, tôi lại nhớ đến biến cố 11 tháng 9 năm 2001. Tôi làm việc trong ngành tài chánh và nơi tôi làm việc cũng có tên là World Trade Center, mặc dù không phải là World Trade Center New York. Đồng nghiệp của tôi, trong đó nhiều người tôi quen biết, làm trong tòa nhà ngay bên kia đường của World Trade Center. Nơi tôi làm, giống như hầu hết các công ty tài chánh khác, dọc bốn bức tường và các cột chính thường treo nhiều máy truyền hình để nhân viên có thể trực tiếp theo dõi biến động của thị trường đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới.

Buổi sáng ngày 11 tháng 9 năm 2001, thay vì nghe tin tức thị trường, tôi bàng hoàng nhìn cảnh khói lửa mịt mù đang trực tiếp chiếu trên hàng chục máy truyền hình. Hình ảnh chiếc máy bay thứ hai cất cánh từ thành phố tôi đang sống, lao vào tòa nhà phía nam của khu thương mại World Trade Center sẽ không bao giờ phai đi trong trí nhớ của tôi. Đứng nhìn cột khói bốc cao, tôi xúc động như đang đứng nhìn chính căn nhà mình đang cháy, và tương tự nhìn cảnh những người nhảy xuống trong tuyệt vọng từ những tầng lầu cao, tôi cảm tưởng những người thân yêu của mình lao vào cõi chết. Mỗi khi nhìn lại Ground Zero trơ trụi, từng là World Trade Center New York sầm uất, tôi lại chạnh lòng nghĩ đến những người dân vô tội đã chết. Tại sao những thành viên của tổ chức Al-Qaeda lại có thể làm công việc giết người tàn nhẫn như thế? Họ nhân danh ai và họ thật sự vì ai?

Thời gian qua đi, cuộc sống đã dần dần trở lại bình thường. Những chuyến bay cất cánh từ phi trường quốc tế Logan bên kia cửa sổ của phòng làm việc không còn làm tôi nghĩ ngợi xa xôi. Thế nhưng, tuần trước, khi nhìn vết tích của tấm bia tưởng niệm thuyền nhân chết trên đường vượt biển ở Galang bị nhà nước Việt Nam yêu cầu chính phủ Nam Dương đập bỏ, cơn xúc động khi nhìn cảnh Ground Zero, tưởng chừng như lắng xuống lại lần nữa nhói lên. Hai sự việc thoạt nhìn không dính líu gì nhau. Hai tòa nhà ở New York không phải là bia tưởng niệm; tổn thất vật chất ở New York lên đến hàng trăm tỉ đô-la trong lúc tấm bia tưởng niệm đồng bào bạc phước ở Galang nhiều lắm là vài ngàn đô-la; số người chết ở hai tòa nhà thương mại New York là 2986 người trong lúc bia tưởng niệm ở Galang chỉ là một tấm đá đơn sơ.

Có liên hệ gì chăng giữa hai di tích? Có chứ. Điều giống nhau không phải ở chỗ người chết mà là người sống, không phải từ phía nạn nhân mà ở kẻ gây ra tội ác, không phải thiệt hại về vật chất mà là những tác hại tinh thần, không phải ở hành động mà là suy nghĩ. Và quan trọng nhất, cả hai sự tàn phá đều phát xuất từ những kẻ có cùng một tâm thức, mang cùng một não trạng, đó là tính cực đoan, hận thù và sợ hãi còn ám ảnh và đè nặng trong tư duy họ.

Tôi nghĩ đến nỗi bất hạnh của nạn nhân bởi vì tôi đã từng ở trại tị nạn và đã một lần phó thác cuộc đời mình cho may rủi trên vùng biển đó. Những ngày ở Palawan, tôi thường ngồi nhìn mặt trời lặn, tự hỏi phải chăng phía sau vầng ráng đỏ cuối chân trời kia là quê hương tôi, là Hội An, là Đà Nẵng thân yêu. Những hình ảnh mẹ lạc cha, vợ xa chồng, anh mất em, đứa bé bị bỏ quên đứng khóc trên đường ra bãi, chuyến hải hành vô định trên biển Đông trùng trùng gió bão, đói khát, lo âu, tuyệt vọng vẫn nhiều đêm trở về trong giấc ngủ tôi.

Tôi vẫn nhớ phía cuối trại Palawan là một căn nhà nhỏ, lúc nào dường như cũng tối. Người đến trước bảo đó là chỗ ở của ba thuyền nhân còn may mắn sống sót từ chuyến ghe của gần một trăm người. Sau hai tháng trời chết máy trôi bềnh bồng trên biển, một trăm người khi ra đi đến nơi chỉ còn lại ba người. Ngoại trừ phái đoàn cao ủy tị nạn, ba người kia không tiếp xúc với ai, không tâm sự với ai, không chia sẻ với ai làm cách nào họ đã không chết đói, chết khát. Họ giữ cho riêng họ nỗi đau thầm kín, và tôi tin có thể sẽ không bao giờ ai biết. Phía sau trại là căn nhà của những người phụ nữ bị hải tặc hiếp dâm. Những phụ nữ bất hạnh kia lẩn tránh trong nhà, ít khi ra ngoài để khỏi nghe những lời hỏi han, dù chỉ để an ủi cho số phận hẩm hiu của họ. Nhiều trong số những người đi cùng ghe với các chị đã gởi thây trên biển, bỏ xác trên các đảo san hô sau những lần bị hiếp dâm tập thể. Trên bờ cát Palawan, có một em bé chừng năm, sáu tuổi, mỗi chiều vẫn ngồi nhìn ra ngoài khơi như thói quen chờ mẹ đi chợ về, khác chăng, mẹ của em sẽ không bao giờ về nữa. Cha, mẹ, chị và em của em đã chết trong chuyến hải hành dài cả tháng trời. Không ai biết rõ em từ đâu ra đi. Nếu có người nào hỏi, em chỉ vỏn vẹn trả lời rằng em đến từ Việt Nam, và đó cũng là tất cả những gì em biết về gia đình bạc phước và đất nước đầy bất hạnh của em.

Hoàn cảnh tương tự như thế cũng đã xảy ra trong các trại tị nạn khác trong vùng Đông Nam Á như Galang, Bidong, Leamsing, Sungei Besi, Bataan, White Head, Panat Nikhom và hàng chục trại tị nạn khác, nơi nhiều trăm ngàn người Việt Nam đã một lần tá túc để chờ ngày định cư. Phần đông đồng bào đến trại sau khi đã trải qua một cuộc hải hành nhuộm đầy máu và nước mắt. Họ cố nuốt đau thương đưa tay cầm chén gạo tình người. Những tiếng thank you, merci, danke, gracias vụng về, ngượng ngập từ cửa miệng của những người ở tuổi ba mươi, và ngay cả năm mươi, bảy mươi nhưng chỉ mới bắt đầu tập nói.

Trong những đợt sóng người vượt biển từ sau mùa bão lửa 1975, bao nhiêu người đã ở lại trong lòng biển? Một trăm ngàn, hai trăm ngàn hay năm trăm ngàn như Liên Hiệp Quốc thống kê? Những con số mà chúng ta thường nghe, thường đọc, thật ra chỉ là những phỏng đoán để điền vào khoảng trống cần thiết cho một bản thống kê. Con số thật đã vĩnh viển nằm yên trong lòng biển. Sáng nay, trên đất nước Việt Nam, có những bà mẹ già ba mươi năm sau vẫn còn nuôi hy vọng người phát thư buổi sáng sẽ trao cho mẹ lá thư đầu của đứa con ra đi từ nhiều năm trước. Đêm nay, có những người vợ nằm nghe tiếng lá rơi bên thềm mà ngỡ tiếng chân chồng mình trở về bên căn nhà cũ. Lịch sử rồi sẽ sang trang nhưng cái chết đau thương của hàng triệu người Việt Nam sẽ còn ở lại rất lâu trong lòng dân tộc như máu người Việt Nam sẽ không bao giờ phai đi trong màu nước Thái Bình Dương.

Ngày trước ở miền Nam, tuy khói lửa chiến tranh đang phủ một màu đen trên đất nước nhưng không một giáo trình tiểu học nào dạy trẻ em để thù ghét nhau, chém giết nhau. Mỗi sáng thứ hai trên tấm bảng đen của lớp học bao giờ cũng có một câu châm ngôn đầu tuần thắm đượm tình dân tộc, lòng kính nhớ tổ tiên, ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục. Câu cách ngôn đầu tiên một học sinh tiểu học miền Nam được dạy nếu không là "một giọt máu đào hơn ao nước lã" thì cũng "nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng." Giống những người lính ngoài mặt trận đang ráng bảo vệ từng tấc đất, từng con sông, các thầy các cô trong ngành giáo dục cũng đã cố gắng giữ lại những đức tính nhân bản, dân tộc trong tâm hồn các thế hệ măng non miền Nam. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có đạo, có truyền thống kính trọng anh linh những người đã chết. Tình ruột thịt nghĩa đồng bào được hun đúc nhiều năm trong tâm thức đã thôi thúc những người còn sống sót dựng lên những tấm bia tưởng niệm đồng bào ở Galang, Bidong và những nơi có dấu chân của người Việt tị nạn.

Một mặt của tấm bia ở Galang viết: "Tưởng nhớ hàng trăm ngàn người Việt Nam đã thiệt mạng trên đường tìm tự do (1975-1996). Dù họ đã chết vì đói, khát, bị hãm hiếp, bị kiệt sức hoặc vì một nguyên nhân nào khác, chúng ta cầu xin rằng họ bây giờ được hưởng yên bình vĩnh cửu. Sự hy sinh của họ không bao giờ bị quên lãng. Các cộng đồng người Việt hải ngoại, 2005."

Tại sao những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn thích nhân danh những điều tốt đẹp nhất trên đời, những lý tưởng cao thượng và vĩ đại nhất của nhân loại, lại có thể yêu cầu chính phủ Nam Dương, Mã Lai đập phá những tấm bia tưởng nhớ những người đã chết? Có gì trong những dòng chữ đó vi phạm đến an ninh quốc gia của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam?

Có gì trong những dòng chữ đó xúc phạm đến các lãnh tụ cộng sản đã chết hay còn sống? Không. Nếu có chăng, trong tấm bia đá đơn sơ kia có dấu vết của những bào thai bị chết ngộp khi còn trong bụng mẹ, có tiếng khóc của những trẻ thơ đang đói khát, có giọt máu của người phụ nữ Việt Nam đau đớn trong bàn tay hải tặc, có tiếng gào tuyệt vọng của bà mẹ giữa cơn bão lớn ngoài khơi.

Chưa bao giờ trong ba chục năm qua, cụm từ "hòa giải dân tộc, xóa bỏ quá khứ" lại được nhắc đi nhắc lại nhiều như trong những ngày này. Các lãnh đạo Đảng và nhà nước chủ trương hòa giải. Nhiều trí thức, học giả hô hào hòa giải. Nhiều nhà văn, nhà thơ cổ võ cho tinh thần hòa giải. Nhiều vị lãnh đạo tôn giáo kêu gọi lấy tình thương xóa bỏ hận thù.

Thật ra, bản thân của cụm từ hòa giải không có gì sai trái, và tương tự, đem tình thương xóa bỏ hận thù là một tư tưởng vô cùng cao quý. Từ kinh nghiệm sống đầy thăng trầm và trắc trở của mình, tôi tin rằng tình thương là cứu cánh của mọi nỗi khổ đau, và tôi cũng tin rằng nỗi đau trong trái tim dân tộc hơn nửa thế kỷ qua, phải được hóa giải, không phải bằng "ai thắng ai" nhưng bằng tinh thần cảm thông, tình thương, bao dung và hướng thiện. Vâng, nhưng trước khi vượt qua quá khứ, mỗi người Việt Nam, từ cấp lãnh đạo đảng, nhà nước cho đến một người dân thường đang ở trong hay ngoài nước, phải can đảm nhìn vào sự thật, và những ai có trách nhiệm cho những tang thương đổ vỡ của đất nước phải biết thừa nhận những sai lầm và thực hiện các biện pháp căn bản để thay đổi đất nước.

Con đường hòa giải là đại lộ hai chiều và là chiếc cầu nhiều nhịp. Không ai có thể đứng bên này sông ra lệnh người khác bơi qua để hòa giải với mình. Tôi tin rằng khi nhìn vào sự khổ đau phải nhìn vào nguyên nhân của nó hơn là chỉ nhìn vào sự lở lói bên ngoài. Những lở lói hôm nay của đất nước bắt nguồn từ ba mươi năm đầy lầm lỗi của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nếu thực tâm hòa giải, giới lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam lẽ ra phải là những người dựng lên tấm bia tưởng niệm đó; lẽ ra họ là người phải lo chăm nom hương khói những phần mộ, hồi hương hài cốt những người đồng bào không may mắn bỏ thây trên xứ lạ quê người. Quá khứ tuy khó có thể quên ngay nhưng tôi tin dù nói gì đi nữa trong lòng con người Việt Nam cũng còn nhiều bao dung, tha thứ. Người dân Việt Nam dù bị lừa gạt năm lần bảy lượt nhưng trong trái tim của họ màu độ lượng vẫn đậm hơn màu thù hận. Chịu đựng trong cơn mưa dài nửa thế kỷ, dân tộc Việt Nam đang quá cần một ngày nắng đẹp. Hòa Thượng Thích Huyền Quang, một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo bị tù đày, hành hạ nhiều nhất sau 1975, nhưng trong buổi tiếp xúc với ông Phan Văn Khải tại Hà Nội ngày 2 tháng 4 năm 2003, cũng đã nhấn mạnh đến tinh thần hòa giải và sẵn sàng gác qua quá khứ đầy khắc nghiệt mà bản thân ngài và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất gánh chịu suốt gần ba mươi năm để cùng góp tay nhau xây dựng đất nước nếu đảng và nhà nước thành thật hối cải những sai lầm. Tiếc thay bao nhiêu cơ hội đã đến và đi trước thái độ thờ ơ của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.

Đối với những người lãnh đạo cộng sản, phương pháp truyền thống để gọi là "xóa bỏ quá khứ," không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới trước đây, đơn giản là đập bỏ, phá hủy. Những tội ác như Goulag và thanh trừng ở Liên Xô, Cách mạng Văn hóa và Công xã Nhân dân ở Trung Quốc, chính sách Năm Số không (Year Zero) của Pol Pot ở Campuchia, tư tưởng Juche của Kim Nhật Thành ở Bắc Hàn, Cải cách Ruộng đất ở Việt Nam v.v..., tuy khác nhau về hình thức, mức độ nhưng đều bắt nguồn sâu xa từ lý thuyết cộng sản, đúng như Mác khẳng định trong Tuyên ngôn Cộng sản: "Những người vô sản chẳng có gì là của mình để bảo vệ cả, họ phải phá hủy hết thảy những cái gì, từ trước đến nay, vẫn bảo đảm và bảo vệ chế độ tư hữu."

Tôi biết điều đó và nhiều độc giả biết điều đó, nhưng đồng bào chúng ta với bản chất nhân hậu, thường có thói quen nghĩ rằng, dù sao những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cũng sinh ra từ một đất nước có truyền thống văn hóa bốn ngàn năm. Dân tộc Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia, ở đó người dân đã gọi nhau bằng hai tiếng đồng bào thiết tha trìu mến. Tiếc thay, những gì vừa xảy ra ở Galang đã giết đi chút hy vọng cuối cùng ngay cả trong những người ôn hòa và kiên nhẫn nhất. Việc xúc phạm đến anh linh những đồng bào đã qua đời trong hoàn cảnh vô cùng thương tâm trên biển, không những xát muối vào vết thương vẫn còn đang mưng mủ mà còn đào sâu thêm sự rẽ chia, phân hóa hôm nay và nhiều thế hệ Việt Nam mai sau.

Hành động đập bia để phi tang còn là lời tự thú của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đồng bào Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng. Nói rõ hơn, họ công khai thú nhận rằng nếu không có Kinh tế Mới, không có những trại tập trung, không có kiểm kê tài sản, không có đổi tiền năm lần bảy lượt, không có lý lịch ba đời và hàng chục chính sách bất nhân hà khắc hơn cả thời thực dân thì em Hoàng Thị Thu Cúc đã không treo cổ ở Thái Lan, đồng bào tị nạn đã không tự thiêu, tự sát tập thể ở Sungei Besi, Galang, Bidong mười năm trước, không có thảm cảnh cha bị cọp tha trong rừng già và mẹ xác trôi bồng bềnh trên biển. Các chính sách trả thù tàn nhẫn, tiêu diệt mọi mầm mống chống đối đã đẩy hàng triệu người dân Việt không còn chọn lựa nào khác hơn là ra biển để tìm đường sống trong con đường chết.


Trái với thái độ rụt rè đến mức chỉ dăm câu chào hỏi xã giao tổng thống Bush mà phải cầm giấy đọc như trường hợp ông Phan Văn Khải trong chuyến Mỹ du và sự hạ mình thần phục thiên triều Trung Quốc qua việc ông Lê Khả Phiêu ký hiệp ước biên giới lén lút năm 1999, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam lại không có một hành động thành thật và cụ thể nào để chứng tỏ tinh thần hòa giải với những người cùng máu mủ với mình.

Tại sao?

Họ lấy lòng các nước lớn vì họ biết rằng các hình thức lật đổ chính quyền, các âm mưu đảo chánh, ám sát, vốn quen thuộc trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đã trở thành lỗi thời trong thời đại kinh tế toàn cầu ngày nay. Mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Mỹ không phải ai là người lãnh đạo Việt Nam hay đảng nào lãnh đạo Việt Nam nhưng ai đáp ứng nhiều nhất, phục vụ tốt nhất cho chính sách đối ngoại, đem lại nhiều mối lợi và tạo sự ổn định cho thị trường kinh tế thương mại của họ. Chính quyền Mỹ không quan tâm tài sản của ông Lê Khả Khiêu, ông Lê Đức Anh trị giá bao nhiêu, ông Đỗ Mười sở hữu bao nhiêu biệt thự, ông Phan Văn Khải có bao nhiêu triệu đô-la, và họ cũng không cần nghe, cần biết, cần thấy tuyệt đại đa số người dân Việt Nam đang sống những tháng ngày cơ cực ra sao trên vỉa hè góc phố.

Lịch sử bang giao quốc tế cho thấy rằng những khái niệm hận thù, thương ghét chỉ tồn tại trong con người chứ không bao giờ là những phạm trù quốc gia. Quốc gia chỉ có quyền lợi chứ không có bạn hay thù. Cuộc chiến tranh lạnh giữa tư bản và cộng sản đã tàn và các liên minh quân sự đang chuyển sang liên minh kinh tế. Do đó, những ai chỉ nghe câu kết luận của Tổng thống Bush trong diễn văn nhậm chức: "Tất cả những ai đang sống dưới chế độ độc tài bạo ngược và trong sự tuyệt vọng có thể biết là, Hoa Kỳ sẽ không làm ngơ trước tình trạng bị áp bức của các bạn, hoặc tha thứ cho những kẻ áp bức. Khi mà các bạn đứng lên vì tự do của mình, chúng tôi sẽ đứng về phía các bạn" mà vội tin rằng vị tổng thống thứ 43 của Mỹ sẽ công khai và tích cực ủng hộ các phong trào dân chủ Việt Nam, có thể chỉ là một giấc mơ quá sớm. Với tổng sản lượng nội địa (GDP) vỏn vẹn 45 tỉ đô-la, không bằng hai phần ba GDP của thành phố Thượng Hải, Việt Nam còn quá xa, quá nhỏ để trở thành một hấp lực cho đầu tư quốc tế đừng nói chi đến việc cạnh tranh với thị trường Trung Quốc.

Dân chủ là lý tưởng cao đẹp, là nếp sống văn minh nhưng đồng thời cũng là món hàng vô cùng đắt giá. Bằng chứng, Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga giành nhau để đem lại dân chủ cho Iran, Iraq trong lúc ba phần tư các quốc gia châu Phi hàng trăm năm nay vẫn còn chịu đựng dưới ách độc tài nghèo đói. Tại sao họ không giúp lật đổ các chế độ độc tài tại Congo, Gabon, Chad?

Đơn giản vì các quốc gia đó quá nghèo, không có tài nguyên gì quý giá để đổi lấy món hàng dân chủ. Tháng 6 năm 1989, để bày tỏ thái độ ủng hộ phong trào dân chủ tại Trung Quốc và phản đối việc nhà cầm quyền đàn áp sinh viên một cách đẫm máu trong biến cố Thiên An Môn, các quốc gia Mỹ, Nhật, Pháp, Đức đồng thanh lên án, các công ty lớn đe dọa ngưng đầu tư, hủy bỏ hợp đồng, nhưng không bao lâu, đâu cũng vào đó. Một mặt, các tổng thống Clinton, rồi Bush tiếp tục chỉ trích tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc, trong khi một mặt khác, mười hai năm qua các công ty Mỹ đã đầu tư 450 tỉ đô-la vào Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc với lao động rẻ mạt và sức mua lớn vẫn là miếng mỡ béo cho các con mèo tư bản. Vận dụng mọi điều kiện chính trị thế giới vào công cuộc phục hưng dân tộc là một điều cần thiết, tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn nằm trên vai của các thế hệ Việt Nam yêu nước chứ không thể trông chờ vào ai khác.

Một lý do khác khiến giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không thực tâm hòa giải với nhân dân Việt Nam vì họ rất sợ sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam.

Trung Quốc và Mỹ, vì quyền lợi kinh tế, có thể không quan tâm đến chuyện thay đổi lãnh đạo tại Việt Nam, nhưng nhân dân Việt Nam, nếu có cơ hội chắc chắn sẽ làm ngay. Các lãnh đạo Đảng biết rằng ngày nào dân tộc Việt Nam có cơ hội để đoàn kết nhau thành một khối thì đó cũng là ngày đánh dấu sự cáo chung của chế độ độc tài toàn trị tại Việt Nam. Bao nhiêu năm qua, cơ chế độc tài tồn tại nhờ vào sự hoài nghi Nam Bắc, sự phân hóa xã hội, sự chia rẽ trong cộng đồng dân tộc và họ luôn luôn tìm mọi cách để duy trì sự phân hóa, chia rẽ đó.

Hành động yêu cầu đập bỏ những tấm bia tưởng niệm ở Galang là một phản ứng tuyệt vọng trước ánh sáng của sự thật. Sau ba mươi năm, đồng bào Việt Nam đã hiểu ra ai là nạn nhân và ai là những kẻ sống bám vào máu, mồ hôi và nước mắt của bao nhiêu thế hệ Việt Nam đã và đang đổ xuống.

Câu chuyện những sĩ quan và viên chức miền Nam bị tù ra miền Bắc trước đây là một bằng chứng. Khi đi ra họ đã bị dân chúng hai bên đường chửi bới, mắng nhiếc, thậm chí còn có kẻ ném đất, ném bùn vào họ, nhưng mười năm sau trên chuyến tàu vào Nam, chính những người từng tin rằng lính miền Nam thích ăn thịt người, đã nhét vội vào bàn tay tù xanh xao những điếu thuốc lá, những củ khoai mì. Món quà nhỏ nhoi không đáng giá bao nhiêu nhưng mang theo hơi ấm của tình dân tộc. Đồng bào miền Bắc cảm thông, thương xót người tù miền Nam không phải chỉ vì tình đồng bào ruột thịt mà thôi, nhưng quan trọng hơn vì họ đã thấy được sự thật.

Thấy được sự thật, hòa giải sẽ tự nhiên đến mà không cần ai phải hô hào kêu gọi, và có thể lúc đó chuyện hòa giải sẽ không còn cần thiết.

Tôi tin một ngày khi chế độc độc tài tàn lụi, những người lính cũ Nam Bắc gặp nhau, sẽ không ai còn hứng thú nói về những ngày ở Khe Sanh, An Lộc, Bình Long hay trong các trại tù Hàm Tân, Thanh Phong, Thanh Hóa, và cũng không thích nghe những lời xin lỗi nhau đã trở thành thừa thãi, mà sẽ nói nhiều về các con, các cháu của họ. Niềm hãnh diện của họ không phải là những tấm huy chương mà là công trình, dự án mà con cháu đang theo đuổi cho đất nước mình. Ngày đó, nhiều lắm, những ông già còn sống sót sẽ cùng uống với nhau một chén rượu nếp than, và như thơ Tô Thùy Yên, để gọi là "giải oan cho cuộc biển dâu này."

Phân tích như thế để cùng thấy rằng, khi nhìn lại chặng đường dài đầy bi tráng của dân tộc, tất cả chúng ta, dù Nam hay Bắc, cầm súng hay không cầm súng, dù trực tiếp hay gián tiếp tham dự cuộc chiến, vượt biên ra đi hay ở lại chịu đựng, nói cho cùng, đều là nạn nhân của phong kiến, thực dân và độc tài lạc hậu. Nỗi đau của ngư dân Thanh Hóa bị hải quân Trung Quốc giết mới đây hay thảm cảnh người vượt biển chết chìm trên biển Đông ba mươi năm trước đều là nỗi đau chung của dân tộc.

Trách nhiệm đưa đất nước vượt qua hố thẳm độc tài lạc hậu để vươn lên cùng thời đại là trách nhiệm của mọi người Việt quan tâm đến số phận dân tộc mình. Một dòng sông không ra biển không còn là dòng sông nữa và dù rộng lớn bao nhiêu cũng chỉ là ao tù nước đọng. Dân tộc Việt Nam như một dòng sông lớn, phải vận hành theo luật tuần hoàn, tụ thành mây để làm nên những cơn mưa lớn và bay ra khơi để sớm trở về nguồn. Chúng ta đã từng chịu đựng như một dân tộc, và tôi tin chúng ta sẽ vượt qua như một dân tộc.

Trong ý nghĩa đó, tấm bia tưởng niệm ở đảo Galang không chỉ để tưởng nhớ đồng bào đã hy sinh trên đường tìm tự do, mà quan trọng hơn, đó là một phần của lịch sử Việt Nam. Một trăm năm sau, hai trăm năm sau, các thế hệ Việt Nam sẽ tìm đến Bidong, Galang, Palawan, Sungei Besi, White Head, Panat Nikhom v.v... để dò lại dấu chân của những người đi trước và lắng nghe tiếng biển thì thầm về một chặng đường bi tráng đã qua. Đập đổ tấm bia là một trọng tội với lịch sử, và giống như số phận của tập đoàn Taliban khi bắn sụp các tượng Phật ngàn năm ở Afghanistan, không có đất sống cho những kẻ từ chối, khinh bỉ và hủy diệt các giá trị văn hóa thiêng liêng của dân tộc mình.

Trần Trung Đạo
(Tạp chí Thế kỷ 21, 2005)


Cuối Năm Về Galang

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến
Nghĩa Trang Galang là chứng tích của một giai đoạn lịch sử không thể xoá bỏ về một hành trình đi tìm tự do bằng mọi giá của cả triệu người Việt.
Tôi đến Thái Lan tả tơi, ủ dột, eo xèo và bèo nhèo như một cái mền sakymen thấm nước. Vì không có thân nhân ở Hoa Kỳ, từ đây, tôi được đưa sang một trại tị nạn chuyển tiếp để chờ một hội thiện nguyện bảo trợ cho vào Mỹ.

Thế là tôi bắt đầu cuộc đời ly hương của mình bằng những ngày mưa đầu mùa ở Galang, một hòn đảo nhỏ bé, thuộc Nam Dương.
Những chiều mưa đầu mùa bao giờ cũng buồn. Những chiều mưa đầu tiên nơi đất lạ thì buồn muốn chết! Tôi cứ ngồi bó gối, nhìn những giọt nước trong veo (nương nương) chạy theo mái láng mà nhớ nhà muốn khóc.
Có hôm tạnh ráo, đi lang thang quanh đảo mãi cho đến lúc gần xẫm tối, tôi lạc vào một khu đất trống. Thoáng nghe tiếng muỗi vo ve, tôi nhìn xuống chân và hốt hoảng nhận ra là mình đang dẵm chân trên những nấm mồ của những người đã qua đời tại trại.
Giữa buổi chiều tà vắng lặng, trên một hải đảo hoang vu, cách quê nhà cả một đại dương xanh thẫm, đứng trên những nấm đất “xè xè” – mọc đầy cỏ dại, vương vãi mấy chân nhang đã bạc phếch mầu – tôi bỗng cảm được hết sự lạnh lẽo, thê lương, và ảm đạm của cái cảnh “vùi thây nơi đất khách quê người.” Cùng lúc, tôi cũng hiểu ngay tại sao trên những ban thờ nho nhỏ – ở quê nhà – thường luôn có khói hương ấm áp, và ngọn đèn dầu hột vịt (tù mù) cho đỡ phần quạnh quẽ.
Tôi rời Galang vào một buổi sáng cuối năm 1980 và trở lại ba mươi bốn năm sau, vào một chiều cuối năm 2014. Nghĩa trang của trại là nơi tôi cùng người bạn đồng hành (anh N.C.B) đến viếng đầu tiên. Nhìn những mộ phần khang trang, ngăn nắp, vôi quét trắng tươi, cỏ dọn sạch sẽ, nằm gọn gàng ngay ngắn –  giữa biển trời bao la – tôi mới chợt nhận ra rằng mình là một kẻ (sống) rất vô tình.
Tôi đã hăm hở và hối hả rời bỏ Galang, để lại không biết bao nhiêu là nấm mồ hoang lạnh của những đồng bào và đồng cảnh mà chưa bao giờ nhìn lại (dù chỉ một lần) cho mãi đến khi tóc đã đổi màu.
May mắn là không phải mọi kẻ tị nạn nào đều bạc bẽo như nhau, và không ít người sống rất có tình; nhờ vậy, hôm nay tôi mới có “lối” để về thăm chốn cũ.
Nghĩa Trang Galang. Bên phải là trụ xi măng trạm hình cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH, buộc phải sơn lại trắng đen bởi áp lực của nhà đương cuộc Hà Nội. Ảnh: N.C.B
Tôi rất thích bản nhạc Nha Trang Ngày Về (... ngồi đâу tôi lắng nghe... Ƭôi như là con ốc, bơ νơ nằm trên cát. Chui sâu vào thân xác lưu đầy...) dù không được quen biết bất cứ ai ở miền “thùy dương cát trắng.” Tôi cũng không có mối tình nào ở Galang, dù có viết mấy câu thơ, viết “dùm” cho những cô gái bị người tình phụ (mà dân ở đảo gọi là Galang tình xù) nhưng không còn nhớ được toàn bài:
Xa anh trời vào hạ
Thái Lan mưa đầu mùa
Bây giờ là cuối hạ
Nam Dương trời đang mưa
Galang đời cũng đẹp
Người ta thường có đôi
Riêng mình em thì trót
Yêu anh rồi nên thôi
Thư anh ngày một chậm
Nét chữ càng thêm to
Giấy trắng thừa ra mãi
Làm sao em không lo
Hay là  thôi anh nhé
Làm bận lòng nhau chi
Biết đâu đời lại đẹp
Khi đường ai nấy đi
Lần lượt, trước sau, những chàng trai cùng những cô gái ở tuổi đôi mươi (thưở ấy) đều đã “đi” định cư ở một quốc gia thứ ba nào đó. Và (chắc) cũng chả có mấy ai, mấy khi, ngoái về chốn cũ?
Galang, chiều nay, quanh tôi không một bóng người – ngoài vài bầy khỉ nhỏ, và năm bẩy chú hưu sao (đứng ngơ ngác nhìn khách lạ) trong một khu đất rộng, gần nơi trưng bầy mấy con tầu đã đưa đám thuyền nhân đến hải đảo này.
Ảnh: N.C.B
Galang hoang vu, và hoang tàn quá. Tôi bước vào một ngôi chùa, không có ai ráo trọi. Nhà thờ cũng vậy. Trống trơn. Tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm được che bởi một tấm bạt lớn phiá trên (ý hẳn để cho ngài đỡ giãi dầu mưa nắng) nhưng e cũng chả có tác dụng chi nhiều vì sự khắc nghiệt và khốc liệt của nắng mưa, nơi vùng  nhiệt đới.
Ảnh: N.C.B
Cạnh đó là bức tượng thánh Giuse đã rớt mất một bàn tay, ngó mà ái ngại.
Ảnh: N.C.B
Trong tấm biển chỉ dẫn (cũng đã rơi xuống đất từ lâu) ngay ở cổng vào có ghi hàng chữ “Cao Dai Pagoda” nhưng chúng tôi tìm mãi vẫn không thấy Thánh Thất nơi nào cả.
Ảnh: N.C.B
Cho đến khi bước chân vào gian nhà dùng làm Bảo Tàng Viện Thuyền Nhân thì tôi mới thấy Galang vẫn còn chút ... hơi thở nhẹ, nhờ tiếng nhạc nho nhỏ phát ra tự bên trong. Cái gì chớ nhạc Việt thì tôi rành sáu câu, nhất là nhạc sến, vậy mà tôi hoàn toàn không biết bài hát (lạ hoắc) này. Tôi chỉ “cảm” được là nó rất sến (sến hết biết luôn) nhưng vẫn thấy vui thích với cái ý nghĩ là mình –  một thằng vô cùng bạc bẽo – vẫn được Galang mở rộng vòng tay (đón nhận) khi trở lại.
Thái độ rất thân thiện tử tế của nhân viên an ninh, cũng như sự chỉ dẫn vui vẻ và tận tình của người trông coi những di vật còn lại của thuyền nhân cũng khiến tôi vô cùng cảm động, dù chúng tôi có bị trở ngại (ít nhiều) vì bất đồng ngôn ngữ. Tôi và anh bạn hăng hái ký tên vào sổ lưu niệm, và sốt sắn hiến tặng hết cả số tiền mà chúng tôi có sẵn trong người.
Lúc trở ra, tôi thật hân hoan khi thấy hai chiếc xe du lịch (cùng với du khách) nối đuôi nhau vào trại – dù trời đã ngả chiều. Phải vậy chớ. Không lẽ cả một trung tâm du lịch mà có mình (ên) tụi tui thì coi sao được.
Tình trạng thưa vắng du khách ở Galang chắc đã bắt đầu từ nhiều năm trước. Nhật báo Jakarta Post, số ra ngày 01 tháng 8 năm 2009, có bài viết (“Vietnamese Refugee Camp Still Open’) đề cập đến yêu sách đóng cửa trại tỵ nạn (Galang) của nhà đương cuộc Hà Nội.
Bài báo này dẫn lời bà Nada Faza Soraya – Chánh Sự Vụ Phòng Thương Mại Của Nam Dương – nói rằng khu trại rất quan trọng đối với hướng dẫn viên du lịch, và họ không hề có ý muốn khai thác quá khứ đen tối của chính phủ Việt Nam. (“There was no intention of exploiting the gloomy past of Vietnamese gorvernment”).
Cùng thời điểm này, từ Galang, phóng viên Hồng Nga của BBC cũng có bài tường thuật (nghe được vào ngày 5 tháng 8 năm 2009) về sự việc này:
“Hai thập niên hiện diện của ngưi Việt tại đây khiến thông tin trại có thể sẽ đóng cửa vĩnh viễn, ngng đón ngườiti thăm khiến người dân địa phương ngỡ ngàng.”
“Lý do chính là t  khi ngừng hoạt động, trại tỵ nạn Galang cũ đã trở thành một địa chỉ du lịch khá phổ biến, mang lại thu nhập cho người bn địa.”
“Dư luận địa phương bày tỏ bất bình, trong khi có cáo buộc chính phủ Việt Nam đã gây áp lực vi Jakarta để làm công việc này.”
Đồng thời, đại diện tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, ông Trần Đông cũng đã lên tiếng chỉ trích việc “âm thầm xóa bỏ dấu vết tội ác, hủy hoại di tích lịch sử và nhân đạo thế giới tập đoàn đảng trị và tay sai Bắc Kinh tại Hà Nội.”
Nhân đây, cũng xin được nói thêm đôi điều về cơ quan thiện nguyện Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam (Archives of Vietnamese Boat People – AVBP) qua lời của nhà văn Trùng Dương, sau chuyến đi thăm Galang của chị, vào năm 2012:
“Hội AVBP, Web site tại http://www.vnbp.org/, được thành lập từ năm 2004, nhằm tìm kiếm và trùng tu các mộ phần thuyền nhân, không phân biệt có tên hay vô danh, ở rải rác các nơi trong vùng Đông Nam Á, đồng thời ghi dấu lại các di tích thuyền nhân để các thế hệ sau biết mà tìm đến vì chính quyền Cộng Sản Việt Nam cố tình muốn xoá bỏ những di tích lịch sử này, để đồng thời bạch hoá tội lỗi của chế độ ngu muội hà khắc đã là nguyên do đẩy cả triệu người Việt ra biển đi tìm một đời sống có tự do và nhân phẩm, với từ 200,000 tới nửa triệu con người bị chết trên đường đi tìm một đồi sống có nhân phẩm. Sự hy sinh này và phần mộ của những người còn may mắn có được nấm mồ chính là những chứng tích của một giai đọan lịch sử cần được duy trì và bảo vệ.”
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Thanh Quang (RFA) nghe được vào hôm 17 tháng 10 năm 2013, ông Trần Đông – Giám Đốc AVBP –  cho biết thêm chi tiết:
Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng tới cuối năm 2015 sẽ hoàn tất công trình mộ phần thuyền nhân Việt Nam tại tất cả những nơi vừa nói. Hiện giờ chúng tôi đang xúc tiến ráo riết tổ chức gây quỹ trong năm 2014 song song với việc trùng tu mộ thuyền nhân trong 2014 và 2015. Chúng tôi rất hy vọng được sự đóng góp giúp đỡ của tất cả đồng hương khắp nơi trong đợt gây quỹ lần cuối cùng vào năm 2014 và có thể có những cuộc gây quỹ nhỏ nữa trong năm 2015 để hoàn tất công tác trùng tu tất mộ thuyền nhân trong vùng Đông Nam Á vào cuối năm 2015.”

Tôi không hy vọng là Galang, trong tương lai gần, có thể trở thành một công viên du lịch hấp dẫn hay một khu di tích lịch sử – như nhiều người mong đợi vì điều này tùy thuộc hoàn toàn vào thái độ của chính quyền địa phương, và ngoài tầm tay của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Tuy nhiên, tôi tin chắc là VKTNVN “sẽ hoàn tất công tác trùng tu 2500 mộ thuyền nhân rải rác khắp vùng Đông Nam Á vào cuối năm 2015” – dù biết rằng đây chả phải là chuyện dễ dàng chi, và rất cần sự góp sức của mọi người.
Đó là việc tối thiểu mà chúng ta có thể làm được, và bắt buộc phải làm. Những người cầm quyền hiện nay ở VN không mong gì hơn là chúng ta thất bại trong việc duy trì và bảo tồn “lịch sử thuyền nhân.”
Nếu không có cái “lịch sử” bi tráng này và  “những chứng tích của một giai đọan lịch sử cần được duy trì và bảo vệ” thì cộng đồng thuyền nhân (hôm nay) và con cháu của họ (sau này) nào có khác gì một đám người trôi sông lạc chợ.

Tổng số lượt xem trang