Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

LS Nguyễn Thanh Lương: Công lý tùy thuộc ý muốn của người cầm quyền

-LS Nguyễn Thanh Lương: Công lý tùy thuộc ý muốn của người cầm quyền

Nhiều năm nay, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre Nguyễn Thanh Lương được mọi người biết đến như một luật sư bảo vệ miễn phí cho người nghèo, nông dân, công nhân, và những dân oan bị mất đất đai.

Ông cũng nằm trong số rất ít trong tổng số hàng chục ngàn luật sư trong nước mạnh dạn tham gia các vụ án chính trị ‘nhạy cảm,’ bênh vực những nhà tranh đấu dân chủ, các nhà hoạt động cổ xúy nhân quyền và chống Trung Quốc như trường hợp của sinh viên Nguyễn Phương Uyên-Đinh Nguyên Kha, thầy giáo Đinh Đăng Định, và blogtger Tạ Phong Tần.

Ông vừa tuyên bố từ giã sự nghiệp từng dày công xây dựng và theo đuổi với 20 năm hành nghề luật gồm 4 năm làm luật gia và 16 năm làm luật sư sau 4 năm khởi nghiệp làm thanh tra công an TPHCM.

Quyết định của luật sư Lương tiếp nối sự ra đi của các đồng nghiệp trước đó như Huỳnh Văn Đông, Lê Trần Luật, các bản án của luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Lê Quốc Quân, luật gia Phan Thanh Hải, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, và trường hợp đang bị sách nhiễu của luật sư Võ An Đôn ở Phú Yên một lần nữa khiến dư luận chú ý tới những hiểm nguy, thách thức đối với giới luật sư bênh vực nhân quyền trong nước.

Tạp chí Thanh niên VOA hôm nay có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Lương về sự ra đi của ông và những tâm tư trăn trở về giới hạn của vai trò người luật sư trong nền tư pháp còn nhiều lỗ hổng hiện nay.

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Khát khao của tôi muốn trở lại về nghề trong tương lai, nhưng trước mắt phải ‘tạm dừng’ để chuyển qua một cái nghề khác, đó là nghề công chứng, để nhẹ đi những xung đột, những áp lực. Áp lực là vì mình đã bảo vệ những vụ án chính trị xung đột, đụng chạm, đối kháng với nhà nước, với cơ quan-tổ chức đảng cộng sản. Những phát biểu của tôi có khả năng dẫn tới những chuyện ngoài ý muốn. Cụ thể như điều 258 ‘xâm phạm lợi ích hợp pháp” của tổ chức, công dân, nhưng đối với “lợi ích nhà nước” thì không có khái niệm hợp pháp hay bất hợp pháp gì hết. Cho nên những tiếng nói thẳng, nói thật nếu làm ảnh hưởng tới uy tín nhà nước thì sẽ không tồn tại. Tôi đã thấy những điều đó. Đó là những áp lực nên tôi phải tự rút lui trước. Nghề luật sư có nhiều vấn nạn. Ví dụ như luật sư chỉ được gặp bị can trong trại giam 1 tiếng đồng hồ theo văn bản chỉ đạo của Bộ Công an cách đây 16 năm vẫn tồn tại. Vấn đề đó, theo tôi, đã vi phạm hiến pháp, luật lao động, luật của luật sư, nhưng vẫn tồn tại. Đó là một minh chứng. Rồi ai cản trở, ngăn cấm hoạt động của luật sư thì không có chế tài. Ngược lại, luật sư mà vi phạm sẽ bị xử phạt. Có quy định về hàng trăm hành vi của luật sư/tổ chức luật sư sẽ bị xử lý. Nghề luật sư chưa được đảm bảo quyền hành nghề cho đúng mức.



Trà Mi: Người luật sư có nhiệm vụ bảo vệ người khác, nhưng bản thân họ trong các trường hợp bị trù dập, trả thù, bất công thì luật định ra sao?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Tại điều 91 hay điều 6 Luật luật sư có quy định nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở luật sư. Nhưng thực tế không có chế tài. Thế giới luật sư còn nhiều vấn đề trăn trở lắm. Còn những người có quan điểm bất đồng với nhà nước cũng không được quyền xét xử công khai. Người thân của họ và những ai quan tâm đâu có được tham dự phiên tòa. Cái ‘công khai’ đó là nửa vời. Luật sư không được tham gia tố tụng ngay giai đoạn điều tra ban đầu, giai đoạn truy tố.

Trà Mi: Ngoài những trăn trở khi còn hành nghề, bây gìờ ra khỏi nghề rồi, ông có những tâm tư như thế nào?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Ra khỏi nghề, hàng ngày tuy làm công chứng nhưng hàng ngày tôi vẫn tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo, cho dân oan. Tôi vẫn làm với tư cách của một công dân, một luật gia, cũng soạn thảo đơn từ này kia. Nhưng ở đây mình giúp với góc độ khuyến khích của xã hội. Ở quê tôi, người dân sau mấy chục năm nay vẫn khó khăn. Họ cũng không rành phải ký chữ ký như thế nào. Đa số còn nhiều hạn chế, thấy thương, thấy cuộc sống họ sao lao nhọc quá.

Trà Mi: Ông có hối hận gì không trên con đường ông đã đi?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: ‘Lịch sử không có chữ nếu’. Tôi không có tiếc nuối gì hết. Tôi chỉ trông chờ thời gian, mong mỏi xã hội được cởi mở hơn, ưu ái hơn thì nghề luật sư mới có tiếng nói hơn, mới có hiệu quả, tác dụng. Tiến bộ của pháp luật không có làm ảnh hưởng sự phát triển của xã hội. Bản thân tôi từng tâm huyết với xã hội. Tôi từng đứng đơn tố cáo trạm thu phí Xa lộ Hà Nội ở quận 2 TPHCM. Tới nay trạm này vẫn còn, không ai trả lời tôi hết. Có điều cho tôi biết rằng nếu tôi tố cáo sai thì chắc chắn tôi đã phải trả giá. Ở đây dù không có phản ứng đó, nhưng mong mỏi bảo vệ cho hàng triệu người tiêu dùng hàng ngày bị thu phí oan uổng không đạt kết quả. Điều này làm tôi hiểu rằng công lý chưa hẳn thuộc về lẽ phải, mà nó thuộc về ý chí của người cầm quyền. Tôi hiểu điều đó nên không thể ngây thơ mà tin cậy nhiều quá, thôi phải rút lui. Nếu làm hết lương tâm, chức năng nghề nghiệp của một luật sư tâm huyết thì có thể đi tù.

Trà Mi: Ông nói không hối hận gì, nhưng vuột khỏi tầm tay một sự nghiệp dày công xây dựng và theo đuổi, chắc chắn khó tránh khỏi cảm giác tiếc nuối. Trên suốt chặng đường sự nghiệp, ông tiếc nuối nhất điều gì?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Tôi tiếc nuối không riêng cho cá nhân tôi mà cho cả xã hội này. Đó là sự lắng nghe của nhà nước, của những người có thẩm quyền. Bởi vì tất cả những đóng góp, phản biện, bất đồng không có nghĩa là xấu. Nhưng tiếc là những ý kiến đó không được tiếp thu mà thậm chí còn bị tiêu diệt. Tôi tiếc điều đó làm cho xã hội không phát triển.

Trà Mi: Trong số các điểm yếu của pháp luật Việt Nam hiện nay, điểm nào theo ông là cấp thiết cần phải sửa đổi ưu tiên hàng đầu?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Nói vấn đề này thì mênh mông lắm. Phải nói từ cái chóp bu, từ nguyên tắc nguyên lý lãnh đạo. Nhiều người cũng đã nói về nguyên lý lãnh đạo của đảng cộng sản, tức điều 4 Hiến pháp, và điều 13 bảo vệ an ninh quốc gia nghiêm cấm các hành vi nhằm xóa bỏ giai trò lãnh đạo của đảng cộng sản. Theo tôi, thời chiến có thể tập trung quyền lực vào thống nhất một đảng, nhưng với thời bình theo quy luật cạnh tranh mà áp dụng độc đảng thì lỗi thời. Thôi thì tôi hy vọng một ngày nào đó những nhà lãnh đạo sẽ xem xét lại theo quy luật của lịch sử. Cơ chế tam quyền phân lập mà thế giới đã tìm ra 500 năm mà Việt Nam không có, nếu có chỉ là hình thức. Đó là những nguyên lý cơ bản mà tôi tiếc là Việt Nam không có.

Trà Mi: Các luật sư bảo vệ những tiếng nói trái chiều hay thể hiện quan điểm bất đồng với nhà nước thường gặp rủi ro, hoặc đi tù, hoặc bị trù dập, hoặc phải bỏ nghề. Ông nghiệm ra điều gì từ thực tế này?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Tôi nghiệm ra điều thúc đẩy xã hội phát triển hay kiềm hãm chính là chính trị. Đối với luật sư, tuy tôi nghỉ rồi, nhưng tôi vẫn mong mỏi các cơ quan thấy được chỗ tồn tại yếu kém, cụ thể là nghị định 98 cho phép luật sư chỉ tham gia có 1 giờ, hai là các chế tài đối với luật sư thì quá nhiều mà bảo vệ thì không có. Điều này tôi đã vận động nhiều trên các tờ báo của nhà nước, nhưng tiếng nói đó tôi thấy còn lạc lõng quá.

Trà Mi: Nhìn vào các trường hợp luật sư bị nhắm mục tiêu, nhiều người cho rằng nghề luật sư trong nước là một nghề nguy hiểm, nhưng có người phản biện rằng hàng chục ngàn luật sư hành nghề đó có sao đâu, chẳng qua chỉ là mấy ông luật sư ‘chống đối’ ‘cá biệt’ mới bị thế thôi. Ý kiến luật sư thế nào?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Nếu luật sư làm hết tâm huyết mà không nhìn trước, nhìn sau thì đương nhiên sẽ bị chuốc hậu quả. Còn những luật sư không có tâm huyết, theo kiểu quân bình chủ nghĩa thì sẽ không gặp rủi ro. Nhưng xã hội cần phải có những người tiên phong, những người cất tiếng thì mới phát triển được. Còn những người toan tính, thủ lợi thì đương nhiên họ sẽ yên ổn hơn. Trong một xã hội còn nhiều trăn trở, biến động, nhiều vấn đề về đạo đức, về vật chất thì sẽ có những tình huống như vậy.

Trà Mi: Các hành vi mà nhà nước gọi là ‘chống đối’, ‘chống tham nhũng’, ‘chống tiêu cực’ đều có kết cục khá buồn. Không chống gì cả thì yên thân, có phải đây là con đường ông đang lựa chọn?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Không. Tôi lựa chọn làm nghề công chứng cũng là một hình thức tôi giúp người dân. Tham gia một số vụ án chính trị về xâm phạm an ninh quốc gia, tôi đủ hiểu, nó giống như một thước đo về văn minh, tiến bộ xã hội. Nếu mình không nhìn hết mà cứ tiếp tục thì sẽ bị trượt dốc đến cái điều xấu nhất. Thành ra tôi phải tự điều chỉnh lấy.

Trà Mi: Có thể hiểu nôm na là mình điều chỉnh xã hội không được thì tự điều chỉnh mình cho thích hợp với xã hội?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Dạ đúng vậy.

Trà Mi: Nhưng nếu mỗi người tự điều chỉnh mình theo xu hướng chung của xã hội như vậy thì liệu xã hội này sẽ đi về đâu, ông có bao giờ suy nghĩ tới điều đó?
... Xã hội cần phải có những người tiên phong, những người cất tiếng thì mới phát triển được. Còn những người toan tính, thủ lợi thì đương nhiên họ sẽ yên ổn hơn. Trong một xã hội còn nhiều trăn trở, biến động, nhiều vấn đề về đạo đức, về vật chất thì sẽ có những tình huống như vậy
LS Nguyễn Thanh Lương

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Có, nhưng mọi việc tôi nghĩ phải chờ thời gian. Nhanh hay chậm, trả giá đắt hay ít để lịch sử xem xét.

Trà Mi: Cách đây hơn chục năm không nghe tới khái niệm luật sư nhân quyền, giờ đã có. Nhưng liệu nó có phát huy rộng rãi thành đoàn luật sư nhân quyền, hội luật sư nhân quyền, hay thậm chí là hiệp hội luật sư nhân quyền hay không trước những áp lực, trở ngại hiện nay mà ông là một trong những người đã gặp rồi buộc phải rút lui?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Có thể xã hội sẽ tự phát lên vì nhu cầu, nhưng cũng sẽ có những sự cọ xát nhiều. Nhà nước không thay đổi, cởi mở chính sách thì đương nhiên phải vậy thôi vì đó là quy luật. Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh.

Trà Mi: Với những bạn trẻ đang hành nghề hoặc mới vào nghề, ông có tâm tình gì muốn chia sẻ, một luật sư bảo vệ người nghèo đã phải ‘cáo quan về ở ẩn’?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Mong sao các bạn sống và hành nghề sao cho không hổ thẹn với lương tâm là được. Cá nhân tôi, trước khi vào nghề, tôi nghĩ hành nghề để tạo một cuộc sống ấm no gia đình vì bản chất tôi là một nông dân, tôi muốn cải tạo số phận đi lên hòa nhập, bình đẳng với mọi người trong xã hội. Nhưng sau khi vào nghề, tôi có khuynh hướng quan tâm về xã hội, cộng đồng, và người nghèo nhiều hơn. Đôi khi tôi còn muốn xả thân quên đi sinh mạng của mình nữa.

Trà Mi: Lúc hành nghề ông tự thấy mình thay đổi rất nhiều, muốn đóng góp cho xã hội. Giờ ra khỏi nghề rồi, ông có hy vọng gì không?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Ra khỏi nghề rồi, nguyện vọng ấp ủ của tôi vẫn canh cánh còn đó. Tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó môi trường pháp lý cho luật sư hoạt động được thông thoáng hơn bởi vì lúc đó thao tác của luật sư mới có tác dụng nhiều hơn. Nói cụ thể, từ ‘dân chủ’ không xuất xứ từ Việt Nam. Nó là những từ ngữ từ bên ngoài du nhập vào. Cho nên, khái niệm đó hơi xa lạ, là điều mới mẽ, là sự vận động phát triển của xã hội chứ không phải đương nhiên mà có đâu.

Trà Mi: Cảm ơn luật sư rất nhiều đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Mong ông đạt thành hy vọng của mình trong thời gian sớm nhất.
-Một luật sư nhân quyền bị ép buộc phải bỏ nghề
Huỳnh Bá Hải (Danlambao) - Xuân Ất Mùi 2015 lại về với đất trời. Giữa những lời chúc mừng tốt đẹp nhân ngày đầu năm vẫn có một người bùi ngùi với cái nghiệp của mình. Chính xác hơn là anh rất nhớ nghề và trăn trở cho nhân quyền của quê hương đất nước. Giữa Sài Gòn hoa lệ, anh hiện hữu như chiêc bóng lặng lẽ với cái nghề mới. Văn phòng luật sư  của anh là nơi lui tới của các phóng viên các báo đài trong nước. Số phone của anh thì các hãng tin BBC, VOA, RFI, RFI, SBTN thuộc lòng khi có một vụ án chính trị nào săp diễn ra dù anh có là Luật sư tham gia bào chữa cho những người yêu nước hay không thì anh cũng luôn được mời phỏng vấn.

Một cái tết lặng lẽ và buồn tẻ cho cái nghề mới của anh không còn liên quan gì đến nghề Luật sư nữa. Anh không chạnh lòng khi chẳng còn ai nhớ đến hay liên lạc thăm hỏi. Anh là hiện thân của Lục Vân Tiên giữa thế sự nhiễu nhương hôm nay. Anh đến từ quê hương Cụ Nguyễn Đình Chiểu nên chẳng màng lợi danh. Chợt đến rồi đi nhẹ nhàng như cái tên của anh: Nguyễn Thanh Lương. Tôi muốn viết hoa tên và nghề của anh cho trọn vẹn: LUẬT SƯ NHÂN QUYÊN NGUYỄN THANH LƯƠNG.



Luật sư Võ An Đôn của đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên có may mắn hơn là nhờ dư luận trong và ngoài nước can thiệp nên còn với cái nghề Luật sư này. Riêng Luật sư Nguyễn Thanh Lương từ chức vụ Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre bị ép buốc phải từ chưc và cuối cùng là 'văng' khỏi nghề Luật sư để rồi hôm nay anh chỉ là một nhân viên công chứng tại Văn Phòng công chứng ở huyện Mỏ Cày Nam tỉnh Bến Tre. 

Lý do duy nhất là anh đã tham gia cho rất nhiều vụ án nhân quyền. Thân chủ của anh là những người yêu nước hay yêu chuộng công lý, chính nghĩa mà bị nhà nước độc tài bắt giam hay giết hại. Như chị Tạ Phong Tần. Đinh Nguyên Kha, thầy giáo Đinh Đăng Định, cô Lô Thanh Thảo, Nguyễn Phương Uyên.... Hoàng Văn Ngài bị công an thị xã Gia Nghĩa sát hại. Kể cả những cán bộ bị ép cũng tìm anh nhờ tư vấn, những công nhân nghèo quét rác hay làm đường bị giới chủ bóc lột, ám hại thì anh cũng bào chữa miễn phí giúp họ đòi lại công lý. 

Chị Nguyễn Thị Tân vợ anh Điếu Cày thì bảo rằng: "Sau này Nguyễn Hoàng Vi hay Huỳnh Thục Vy có bị bắt thì chắc phải nhờ anh nữa đó anh Lương à ! "

An ninh của Bộ công an hù dọa cá nhân không được nên mượn tay của đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư để ep anh ra khỏi nghề Luật sư. 

Ngày nay dưới chân cầu Hàm Luông thuộc Quốc lộ 60, mình anh âm thầm lặng lẽ với nghề công chứng các văn bản giấy tờ cho người dân quê tay lấm chân bùn đến tận bây giờ họ cũng chưa biết ký cái tên của ho cho ngay ngắn trong các giấy tờ đơn giản. Tiền công cho một loại giấy tờ được chứng nhận là 20 ngàn VND (dưới 1 USD). Cầm những đồng tiền của người dân quê nghèo anh cũng xót xa lắm nhưng anh còn phải sống và nuôi 4 đứa con ăn học. 

Khi trên đỉnh cao nghề Luật sư anh đã từ chối nhận tiền của các thân chủ là những chiến sĩ dấn thân cho dân chủ nếu không muốn nói là anh còn bỏ tiền ra giúp thêm cho họ nữa. Bởi nếu sống vì tiền chắc anh không từ bỏ chức vụ trong ngành thanh tra công an để làm một Luật sư nhân quyền.

Lần đầu tiên tôi gặp anh là trong phiền tòa anh bào chữa miễn phí cho các công nhân làm đường Liên cảng A5. Các công nhân Miền Bắc vào Nam rất nghèo khổ nhưng dám tố cáo nhà thầu làm đường chất lượng giả dối. Thay vì đứng về phía các công nhân khốn khổ này thì Báo Pháp Luật Tp HCM lại đi bênh chủ thầu viết nhiều bài sai sự thật về các công nhân này. 

Các công nhân đi kiện báo Pháp Luật Thành phố HCM. Rồi họ tìm đến anh, giữa phiên tòa dân sự này các Luật sư và dàn phóng viên hùng hổ của báo Pháp Luật dường như muốn ăn tươi nuốt sống anh Luật sư chất phác hiền lành. 

Sở trường của anh là nói ít, dùng lý lẽ và chứng cứ rõ ràng. Công lý đã chiến thắng và báo Pháp Luật thành phố HCM đã phải cải chính và  bồi thường cho các công nhân nghèo dám đứng lên tố cáo tiêu cực trong thi công. 

Vụ án đem lại tiếng tăm cho anh sau đó các công nhân quét rác ở Quận 11 cũng bị Báo Pháp Luật viết bài sai sự thật về họ với lời lẽ tjiếu văn hóa: "Những kẻ ăn rác". Họ tìm đến anh và lần này tờ báo Pháp Luật thành phố HCM cũng phải thua kiện. Cần nói thêm, tờ Pháp Luật Tp HCM là công cụ mà nhà nước Việt Nam viết bài tấn công nhà báo Huy Đức về tác phẩm "Bên thắng cuộc" được xuất bản ở Mỹ.

Sau này tôi mới biết là anh Nguyễn Thanh Lương là bạn cùng khố với chị Tạ Phong Tần ở đại học Pháp Lý trước đây. Văn Phòng Luật sư của anh là nơi lui tới của các phóng viên nổ tiếng trong nước như là Lý Trung Dung, Dương Phi Anh, Bình An, Hoàng Xuân... Ngoài ra anh cũng được Trà Mi, Quỳnh Chi, Nguyễn Hùng, Gia Minh... phỏng vấn khi tham gia các vụ án chính trị.

Trong nước có hàng chục ngàn Luật sư nhưng rất ít Luật sư dám tham gia các vụ án chính trị. Những Luật sư tham gia các vụ án chính trị nếu không bỏ nghề thì cũng đi tù như Luật sư Lê Công Định, Luật sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Hùynh Văn đông thì bỏ nghề. Luật sư Lê Trần Luật thì hiện nay đang tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Nhưng cái chúng tôi trân trọng anh Luật sư " Lục Vân Tiên " này là chỗ cái tâm và hiệu quả của thân chủ anh luôn đưa lên cao nhất.

Khi gia đình Lô Thanh Thảo nhờ tư vấn, anh khuyên nên im lặng vì Thanh Thảo nhận tội, nếu có luật sư tham gia thì sẽ y án. Nhưng âm thầm thì sẽ được giảm án ở phiên phúc thẩm. Quả như anh dự tính, sau này trong phiên phúc thẩm thì Lô Thanh Thảo được giảm án rất nhiều. Khi đi gặp chị Tạ Phong Tần trước ngày xử, anh phải tính toán anh và Luật sư Nguyễn Văn đạt chia nhau cho thêm tiền chị Tần vì trại giam quy định Luật sư chỉ cho tối đa 500 ngàn VND.

Anh trăn trở là theo Nghị định 89 năm 1998 thì Luật sư chỉ gặp thân chủ 1 giờ đồng hồ. Quy định này vi phạm Luật luật sư cũng như hành nghê Luật sư. Có 1 tiếng đồng hồ không thể nào hết các vấn đề trao đổi giữa Luật sư và thân chủ trong trại giam. Nhưng chưa hết quy định là 1 giờ nhưng thủ tục rườm rà hết 15 phút thành ra có 45 phút không đủ thời lượng chuẩn bị cái gì.

Nhiều lần tâm sự anh cho rằng các nhà dân chủ là nạn nhân của các công ước quốc tế mà Việt Nam và thế giới cam kết thực hiện. Họ tin Việt Nam ký thì phải thi hành các công ước nhưng phía Việt Nam tráo trở không những không chấp hành mà còn bắt giam những ai bảo vệ các công ước quốc tế. Vì vậy anh đề nghị nên gọi họ là "các tù nhân công ước" thay cho cụm từ: "Tù nhân lương tâm"

Khi chúng tôi hỏi rằng từ bỏ nghề Luật sư làm công chứng anh có cảm nghĩ gì? Luật sư Nguyễ Thanh Lương thẳng thắn: "Làm một Luật sư tận tụy với nghề ở Việt Nam thì rất dễ đi tù nên tôi chon cách này cho vợ con và gia đình bớt áp lực"

Vợ anh là Luật sư Trần Thị Ánh thuộc đoàn Luật sư Thành phố thì cho rằng: "Mỗi phên tòa chính trị anh Lương tham gia là chị ăn chay niệm Phật cả tháng trời cho anh được bình an." 

Người vợ, người mẹ nào cũng lo cho gia đình mình hơn mạng sống của mình. Có đứa con trai út ở nha hay kêu là  "thằng Cọp" thì chị cũng vội vàng đổi thành "An Bình" mong cho gia đình luôn an lành.

Chúng tôi muốn nhắc đến vụ án chính trị cuối cùng mà anh tham gia cũng là vụ án chiến thắng duy nhất trong cái nghiệp "Luật sư nhân quyền" của anh. Chỉ có điều chiến thắng lặng lẽ đến với anh khi anh không còn là Luật sư và cũng rất lâu sau anh mới biết là mình đã chiến thắng cái ác. 

Vụ án ông Hoàng Văn Ngài bị công an Thị xã Gia Nghĩa giết chết rồi dựng hiện trường giả là ông Ngài tự cho tay vào ổ điện tự tử chết. Vụ án này anh tham gia ngày từ đầu khi làm hồ sơ. Bản chất rất giống vụ án Ngô Thanh kiều bị công an thành phố Tuy Hòa giết hại nhưng hiệu quả thì hơn nhiều. 

Ngoài vai trò là Luật sư bào chữa thì Luật sư Lương cũng đứng đớn tố cáo công an Thị xã Gia Nghĩa. Sau này thì Bộ công an ra văn bản chất vất Luật sư Lương về vai trò pháp lý của anh trong vụ án. Chính ông Trần Đại Quang phải vào tận Thị Xã Gia Nghĩa của tỉnh Daknong để bắt giam Phó công an thị xã Gia Nghĩa và trưởng công an điều tra vụ án này. 

Công An Gia Nghĩa đã bồi thường cho gia đình nạn nhân 140 triệu đồng. Cách đây 1 năm gia đình ông Ngài là ông Hoàng Văn Pá đem 10 triệu đồng xuống Văn Phóng Luật sư Nguyễn Thanh Lương để "hậu tạ" nhưng Luật sư Nguyễn Thanh Lương từ chối và khuyên họ dùng tiền đó để mua 1 chiếc điện thoại cao cấp mà theo dõi tin tức. 

Lần cuối cùng gặp họ rồi biệt tăm tích của họ anh lai lo cho mạng sống của những con người trong gia đình ông Ngài. Vì không gặp họ nên vụ án với anh cũng hết vai trò. Và cho đến hôm nay thì Luật sư Nguyễn Thanh Lương mới được chúng tôi thông tin là gia đình anh em của ông Hoàng Văn Ngài đã đến Bangkok xin Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc can thiệp. Hay tin này Luật sư Lương rất mừng. Trước đây 2 tháng, ngay dịp giáng sinh 2014 thì Luật sư Lương mới hay tin là Bộ công an đã bắt 2 quan chức công an trong vụ án ông Hoàng Văn Ngài qua một nguôn tin ngoại giao.

Sẽ còn nhiều chuyện nữa về Luật sư Nguyễn Thanh Lương nói về về  nghề Luật sư ở Việt nam hiên thời. Nói về các tù nhân công ước, nói về nghề làm báo trong nước do chính anh từng công tác với nhiều tờ báo chống tiêu cực tham nhũng trong nước như báo Pháp Luật của Bộ Tư Pháp hay báo Người Cao Tuổi.

Vậy mới hay Luật sư trong chế độ độc tài cũng là một nghề nguy hiểm. Hơn ai hết họ biết Luật pháp chỉ là công cụ bảo vệ cho nhà cầ quyền với hệ thống công an trị. Bị ép bỏ nghề nhưng lương tâm một Luật sư không cho phép anh yên phận. Anh tâm sự rằng lương tâm của một con người với đất nước, tổ tiên, nguồn cội mới làm cho anh đau đớn khi nghĩ về tương lai vận mệnh dân tộc mình.

Dòng Hàm Luông đục ngầu cuộn sóng chảy xuôi về biển như thấu hiểu cho nỗi lòng của một Luật sư nhân quyền bị ép phải bỏ nghiệp bảo vệ công lý cho người yêu nước. Sắc chiều của quê hương cụ Đồ Chiểu lấp lánh theo con nước lên xuống như vận mệnh chìm nổi của dân tộc hay số phận của một người yêu nước đúng nghĩa.

Tổng số lượt xem trang