-
Chương 16
Ở Bắc Kinh, Mao tìm cách lôi kéo tôi nhiều hơn. Càng ngày ông càng tin và muốn tôi tham gia vào chính trị chứ không chỉ đơn thuần làm bác sĩ mà còn làm thư ký riêng. Ông nói:
- Tôi vẫn khỏe, công việc của đồng chí không quá bận. Tôi nghĩ, đồng chí là người trung thực.
Ông muốn giao cho tôi công việc tương tự như đã giao cho Lâm Khắc. Ngoài đọc Bản tin nội bộ, một tài liệu tối mật thu gộp tin tức quan trong trong và ngoài nước, tôi còn phải tự tìm hiểu về chính trị, viết báo cáo và làm cố vấn cho Mao.
Đề nghị trên chẳng lấy gì làm hấp dẫn đối với tôi. Nếu tôi đảm nhiệm công việc của một thư ký tôi sẽ bị cuốn vào một cơn xoáy lốc chính trị, hiểm nguy khôn lường.
Hơn nữa tôi chẳng biết gì về chính trị, cũng không muốn dính dáng đến chính trị. Uông Đông Hưng khuyên tôi nên chấp nhận đề nghị của Mao. Nếu tôi trở thành một trong những thư ký của Mao, như vậy quan hệ của Uông đối với Chủ tịch cũng sẽ được thắt chặt. Nhưng tôi cũng thừa hiểu, những thành viên khác trong Nhóm Một sẽ ganh tị và họ sẽ châm chọc, gièm pha thêm. Chỉ cần vướng một sai lầm nhỏ, cũng đủ làm những kẻ đố kỵ nhảy bổ vào công kích. Tôi thấy rõ sự nguy hiểm. Là bác sĩ của Mao tính mạng tôi chưa hẳn đã an toàn, huống hồ khi làm thư ký cho Mao, tôi sẽ luôn phải đối mặt với những nguy nan. Tôi đã từ chối đề nghị.
Lấy cớ tôi không đủ trình độ làm những công việc hành chính, càng không thể là một thư ký đắc lực như Lâm Khắc được. Vì vậy tôi chỉ muốn được tiếp tục làm bác sĩ riêng của Mao.
Tuy vậy, Mao vẫn không chịu. Ông ve vãn ban đặc ân cho gia đình tôi. Mùa hè năm 1956, khi kỳ nghỉ hè hàng năm của chúng tôi ở Bắc Đới Hà sắp tới, ông bảo đưa cả hai đứa con trai tôi cùng đi nghỉ.
Tôi viện cớ con trai út còn quá nhỏ, còn John đứa lớn lại là đứa hiếu động, hơn nữa khu an dưỡng Bắc Đới Hà gồm toàn lãnh tụ cao cấp, thật vô lễ khi tôi đem theo con.
Mao phê bình:
- Đồng chí kỹ tính quá. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Giang Thanh nói đồng chí là người thận trọng. Nếu Lí Nạp, Lý Minh và Viên Tân có thể đi thì tại sao con đồng chí lại không đi được.
Những đặc ân Mao dành cho đã đẩy tôi vào tình trạng khó xử đối với Nhóm Một. Diệp Tử Long và Lý Ẩm Kiều có vẻ không hài lòng. Diệp gắt gỏng khi tôi kể cho ông ta nghe đề nghị của Mao:
- Nếu thế cứ cho bọn trẻ đi theo.
Tình huống này cảm thấy khó xử.
Uông Đông Hưng cứ ngỡ tôi đã ưng thuận đề nghị của Mao. Đồng thời ông cũng lo ngại về thái độ không vui của những nhân viên an ninh khi các con tôi được đi mà con những người khác lại không được đi. Ông ta khuyên tôi nên để cho bộ phận y tế ở Trung Nam Hải lo việc chuẩn bị. Như vậy, những nhân viên bảo vệ sẽ đỡ gây khó khăn.
Từ trước tới nay, tôi vẫn làm việc cho hai nơi – văn phòng An ninh dưới trướng Uông Đông Hưng và bộ phận y tế ở Trung Nam Hải, nơi tôi chính thức làm viện trưởng. Vì hầu hết những lãnh tụ của đảng cộng sản Trung Quốc đều nghỉ hè ở Bắc Đới Hà, nên nhân viên của bộ phận y tế cũng đi theo. Các cô y tá sẵn sàng chăm sóc các con tôi trên đường đến Bắc Đới Hà.
Cuối cùng tôi chỉ cho thằng lớn, John, hồi đó mới 6 tuổi, đi cùng. Erchong, Lý Liên và mẹ tôi ở lại Bắc Kinh.
Trước khi đi, trong khi nói chuyện với Uông Đông Hưng, Giang Thanh đã gợi ý tôi làm gia sư kèm cặp Lý Minh, cô con gái riêng 19 tuổi của Mao với Hạ Tử Trân, khi chúng tôi ở Bắc Đới Hà. Lý Minh là cô gái ngay thật, giản dị, gia giáo và lễ phép, nhưng không thông minh lắm. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, cô sống ở Liên Xô, cũng không được học hành đến nơi đến chốn. Năm 1956 Lý Minh học trung học và phải học thêm các môn toán, lý và hoá. Uông Đông Hưng đã biến tôi thành gia sư của cô mà chẳng thèm hỏi ý kiến tôi.
Tôi đồng ý dạy riêng cho Lý Minh. Nhưng Giang Thanh còn có một đề nghị. Bà nghe nói vợ tôi rất giỏi tiếng Anh, muốn Lý Liên dạy tiếng Anh cho Lí Nạp. Uông cũng đồng ý như vậy.
Tôi phát bực, với tôi việc kèm cặp Lí Minh không có gì đáng ngại, nhưng vợ tôi kèm Lí Nạp lại là chuyện rất khó. Bởi vì tuy mới 16 tuổi, nhưng Lí Nạp, con gái của Giang Thanh thiếu lễ độ, rất hỗn xược, và đáng ghét. Ngược lại, Lý Liên, một phụ nữ cởi mở, hiền lành, nhu mì làm sao có thể chịu đựng được Lí Nạp.
Uông nói:
- Tôi đã hứa với đồng chí Giang Thanh rồi. Đồng chí đừng làm tôi khó xử.
Nhưng tôi vẫn kiên quyết nói:
- Không! Lý Liên rất bận.
Vợ tôi làm ở ngoại giao đoàn, thường đưa các phái đoàn nước ngoài đi đây đó khắp Trung Quốc. Tôi nói tiếp.
- Cô ấy không phải là đảng viên. Nếu cô ấy cứ ra vào nhà Mao chủ tịch sẽ không tiện lắm. Vả lại, cha mẹ cô đã từng là địa chủ và anh chị cô ấy hiện đang sống ở Đài Loan. Cô ấy có nhiều vấn đề về chính trị khiến chúng ta lưu tâm.
Uông cứ nhất định bảo La Thụy Khanh và ban an ninh đã kiểm tra kỹ lí lịch Lý Liên.
Tôi buộc phải cương quyết, đành nói:
- Đồng chí đã thấy tôi gặp bao nhiêu khó khăn là gì, tôi không thể để Lý Liên làm việc ở đây, bởi chỉ gây thêm phiền hà cho tôi mà thôi!
Uông nổi giận:
- Đồng chí không tin vào sự lãnh đạo của đảng à? Thứ trưởng La và tôi đã đồng ý, nhưng đồng chí lại khước từ. Chính đồng chí cũng gây phiền hà không kém cho chúng tôi.
Tôi phản ứng:
- Không phải tôi gây khó khăn, nhưng đồng chí biết Giang Thanh là người phụ nữ khó tính như thế nào rồi, Lí Nạp lại là cô gái khó bảo, hỗn xược. Đến ngay Diệp Tử Long và Lí Thanh Đạo còn tung tin nhảm về tôi. Nhà tôi, người phụ nữ bình thường, mềm yếu, chẳng thể nào phù hợp với nhân viên Nhóm Một.
Nhưng ông vẫn không nhượng bộ:
- Thôi được. Đồng chí không cần phân vân. Tôi sẽ đích thân nói chuyện với vợ đồng chí. Đồng chí bảo cô ấy đến gặp tôi.
Tôi tức tốc về nhà và khẩn khoản yêu cầu Lý Liên đừng lùi bước. Cô ấy hứa, đi ngay đến chỗ Uông. Tôi bồn chồn đợi cô ấy trở về.
Một tiếng sau, Lý Liên trở về. Cô có vẻ bình tĩnh. Vẻ mặt cô đã phá tan mọi sự lo ngại của tôi. Cô kể:
- Em và Uông nói chuyện với nhau rất thoải mái. Em kể cho thứ trưởng Uông về công việc của em, về những vị khách nước ngoài em đưa họ đi du lịch khắp đất nước. Bởi vậy, em không thể thu xếp thời gian để dạy Lí Nạp.
Tôi nhẹ hẳn người và khen:
- Em khá lắm. Thế đồng chí ấy nói gì?
- Đồng chí ấy chăm chú lắng nghe. Sau đó đồng chí ấy cũng thừa nhận công việc này cũng chẳng nhẹ nhàng chút nào và cuối cùng đồng chí ấy nói, sẽ bàn lại việc này sau. Thế thôi.
Hôm sau, khi gặp tôi Giang Thanh nói:
- Vợ đồng chí bận lắm à?
- Vâng, cô ấy phải lo cho rất nhiều khách nước ngoài và thường về muộn.
Giang Thanh gặt đầu:
- Chuyện Lí Nạp chúng ta nói sau vậy. Đồng chí có thể bắt đầu dạy Lý Minh chứ?
- Vâng, mỗi ngày hai tiếng.
Cuối tháng 7-1956, tôi cùng với Mao đáp một chuyến tàu đặc biệt đi Bắc Đới Hà. Mao và Giang Thanh lại ở trong ngôi nhà số 8. Chị của Giang Thanh, cả hai cô con gái của Mao và Viễn Tân, cháu trai của Mao, sống trong căn biệt thự cũ của Trương Học Lương, người đã từng bắt cóc Tưởng Giới Thạch năm 1936 và rồi bị giam lỏng tại Đài Loan. Còn tôi và thư ký Lâm Khắc ở ngôi nhà số 10.
Bắc Đới Hà đẹp một cách huyền diệu, tiềm ẩn. Năm 1954, Lý Liên và tôi đã ở đây, hoá ra đó là kỳ nghỉ hè cuối cùng trong hơn hai thập niên chúng tôi đã yêu nhau tại nơi này. Lúc đầu Bắc Đới Hà chỉ là một làng chài nhỏ ven biển ở trong vịnh Bắc Hải, phía Bắc tỉnh Hà Bắc. Sau chiến tranh Nha phiến (giữa Anh và Trung Quốc 1839-1843, chú thích của người dịch), người Anh đã biến làng này trở thành một nơi nghỉ mát tuyệt vời, xây dựng một tuyến đường sắt đến tận Bắc Kinh. Ngay cả khi người Anh rút đi, ở đây vẫn tiếp tục phát triển. Những người có chức quyền, những thương gia giàu có người Trung Quốc đã cho xây các biệt thự ở đây và bây giờ ở đó đã mọc lên vô số các cửa hiệu, nhà hàng. Những ngôi biệt thự được xây bằng gạch nung màu đỏ theo kiểu Anh nổi bật trên nền trời xanh, mây trắng, trông như tranh vẽ. Còn mặt biển sắc màu sặc sỡ biến hoá, hệt như ống kính vạn hoa. Màu xanh của biển, theo lời dân chài, mặt biển thay đổi theo màu sắc của những đàn cá nổi lên sát mặt nước. Chúng tôi thích nhất loài cá làm cho mặt biển có một vệt sáng, trông như được giát bạc.
Năm 1954, khi tôi với Lý Liên ở Bắc Đới Hà, chúng tôi thường dậy vào khoảng hai, ba giờ sáng và đi nhặt sò trên bãi cát trong khi thuỷ triều xuống. Đến khoảng bốn giờ, khi những ngư dân bày bán những hải sản họ vừa đánh được, chúng tôi đi mua đồ ăn cho cả ngày. Tôm ở đây rất ngon, nhưng chúng tôi thích một loại cá tên Trung Quốc bimuyu (thờn bơn). Hai mắt cá thờn bơn cùng nằm một bên, khiến chúng tôi nhớ tới một bài thơ tình của Trung Quốc về đôi cá bimuyu cũng nhau bơi ra khơi.
Trong khi nghỉ mát cùng với Mao, tiết trời thật tuyệt, như để cho chúng tôi trốn cái nóng ở Bắc Kinh. Cứ buổi sáng và chiều, một làn gió nhẹ, mằn mặn từ biển thổi vào, thật dễ chịu và mát mẻ. Ngay trước cửa khu biệt thự có một bãi cát phẳng lì, chạy dài 11 km từ đông sang tây. Và ở chân trời xa xa, những chiếc thuyền buồm trông vui mắt đang bồng bềnh trên mặt nước. Mặt tiền khu biệt thư có bốn cây mận trĩu cành những quả mận tím ngọt, to bằng quả trứng gà, chỉ chờ người hái. Mỗi khi trời đổ mưa, chúng tôi đi thành từng nhóm nhỏ vào rừng hái những cây nấm to, thơm mùi thông, trồi lên khỏi mặt đất khi gặp hơi ấm và cùng với tôm khô, đầu bếp của chúng tôi đã nấu món súp cực ngon. Mao không thích súp nấm, nhưng Giang Thanh lại rất khoái món ăn này.
Một bầu không khí đầy quyến rũ bao trùm Bắc Đới Hà. Tối nào người ta cũng chiếu phim, trong đó có những cuốn phim nước ngoài mới nhất. Vào thứ tư và thứ bảy hàng tuần, Mao tổ chức dạ vũ trong hội trường lớn có ban công lộ thiên. Đôi khi, Lưu Thiếu Kỳ và Chu Đức cũng tham gia. Buổi sáng tôi dạy Lý Minh học hai tiếng, còn buổi chiều tôi đi bơi với Mao, được một tiểu đội vệ binh hộ tống và vô số nhân viên của văn phòng chính, cả thảy đến ba, bốn chục người. Lính gác đã neo một cái bè cách bãi cát khoảng hai nghìn mét để Mao có thể nghỉ ngơi và tắm nắng ở trên bè trước khi bơi trở lại bãi cát.
Về mùa hè, ở Bắc Đới Hà thường có giông tố dữ dội. Những đợt sóng cả ào qua chiếc bè. Tuy vậy, ngày nào Mao cũng quyết bơi ra đó. Uông Đông Hưng và La Thuỵ Khanh tìm cách cản Mao. Tôi và Mao đã vật lộn với những cơn sóng dữ – ngoài cảm giác kích thích, đôi khi còn hãi hùng nữa. Sóng biển nâng chúng tôi lên cao, ném chúng tôi vào không trung rồi dìm chúng tôi xuống biển sâu. Vì ngạt thở, tôi cố vẫy vùng để nhô lên mặt nước. Tôi thường phải dốc hết sức bơi về phía chiếc bè, để sau đó lại được một con sóng lớn lôi trở lại bải cát.
Sau chuyến mạo hiểm, Mao hỏi tôi:
- Đồng chí có thấy rỡn với sóng to gió lớn thích không?
- Dạ, tôi chưa bao giờ được mạo hiểm như thế này.
Thực lòng tôi cũng không biết mình thích hay không.
Mao khẳng định:
- Giống như chúng ta vừa cưỡi mây đạp sóng 10 ngàn dặm!
Ở vùng biển đó có rất nhiều cá mập. Đám lính gác của Mao đã giăng lưới phía trước bè, không cho cá mập vào gần. Lần nào lính gác bắt được cá mập, họ đều cho Mao xem – một lời cảnh cáo ngầm: đừng bơi quá xa.
Mao thường ở lại bên bãi cát đến tận chiều. Ông đọc tài liệu hoặc tán chuyện với những vị lãnh đạo khác của đảng. Một căn lều vừa là phòng khách vừa che nắng cho ông.
John, cậu con trai của tôi mau chóng quen với cuộc sống ở Bắc Đới Hà. Đây là kỳ nghỉ hè đẹp nhất của thằng bé. Cháu trở về Bắc Kinh với nước da rám nắng, trông thật khỏe khoắn. Nhân viên an ninh yêu mến cháu, chiều chiều đưa nó đi bơi, tối dắt đến xem phim. Lý Minh cũng có thiện cảm với cháu. Hai đứa trẻ thường cùng chơi với nhau. John ở với tôi, sáng nào cháu cũng gấp chăn màn cho bố, lo quần áo của hai bố con lúc nào cũng sạch sẽ. Tôi rất tự hào về tư cách của cháu.
Những lãnh tụ khác của đảng cũng hay lui tới Bắc Đới Hà, nhưng tôi thường xuyên gặp là Lưu Thiếu Kỳ và Chu Đức. Những vị lãnh đạo khác ngại Mao, bởi vậy họ thường sống khá dè dặt. Họ tắm ở bãi tắm riêng, tổ chức những tối khiêu vũ trong những khu nhà chính phủ dành cho họ ở khu Đồi Đông. Hiếm khi họ dám tới gần khu nhà Mao. Tôi chưa lần nào đến khu vực đó, vì Mao mong đợi ở chúng tôi lòng trung thành tuyệt đối, sợ chúng tôi có thể tiết lộ những bí mật của ông.
Tuy nhiên Chu Đức có vẻ không biết Mao vẫn còn giận. Ông thường ra bãi cát mỗi khi Mao ở đó, thậm chí đôi khi còn tán chuyện với Mao ở trong lều. Vị cựu tổng tư lệnh này không biết bơi, nên ông thường mặc áo phao khi xuống nước. Ông rất mê chơi cờ tướng. Những lúc không có bạn chơi, ông thường rủ con trai tôi làm một ván. Chu Đức luôn cư xử lịch lãm, ân cần đối với tôi và cũng rất lưu tâm đến sức khỏe của Chủ tịch về bữa ăn, giấc ngủ.
Ngoài Chu Đức ra, còn có Lưu Thiếu Kỳ, dáng cao, gầy, tóc hoa râm, hơi gù, là lãnh tụ đảng duy nhất thường tới thăm Mao trên bãi cát. Ông thường xuất hiện vào khoảng từ ba đến bốn giờ chiều. Lưu Thiếu Kỳ vốn dè dặt, đeo kính và hồi đó được coi là mẫu người kế nhiệm Mao, nhân vật số hai trong đảng, phụ trách những việc chính trị nội bộ. Mặc dù Mao và Lưu cộng tác chặt chẽ với nhau, nhưng họ có vẻ là đồng chí, chứ không phải là bạn của nhau. Ở Bắc Kinh họ rất ít gặp nhau và gần như chỉ liên lạc với nhau qua thư từ. Nếu trung ương đảng soạn thảo một tài liệu cần sự chuẩn y của Mao, trước tiên người ta phải gửi cho Lưu. Ông xem xét, ghi lời góp ý bên lề, rồi chuyển qua phòng bảo mật chuyển cho Mao. Sau đó, Mao lại gửi tài liệu trở lại cho Lưu, kèm theo những phê chuẩn của mình.
Người vợ sau cùng của Lưu Thiếu Kỳ là Vương Quang Mỹ thường theo chồng đi nghỉ mát ở Bắc Đới Hà. Như nhiều phu nhân của các vị lãnh đạo đảng khác, bà trẻ hơn chồng một chút. Hồi đó, Vương khoảng ba mươi, tóc đen, dày, khuôn mặt dài và răng hơi hô. Bà không đẹp nhưng có vẻ quyến rũ, dễ mến và là một phụ nữ ưa ánh đèn sân khấu.
Hễ gặp Mao là bà chào đón xởi lởi, thậm chí có lần bà còn bơi với Mao ra tận bè. Giang Thanh không hề giấu giếm mối ác cảm đối với vợ Lưu và tôi nhận thấy cả sự ghen tuông của bà. Vương trẻ hơn Giang Thanh nhiều, dễ mến và dễ gần. Giang Thanh thường lấy cớ mệt nên chẳng ra bãi cát. Không bao giờ bà chịu tập bơi và bà thấy khó chịu với bàn chân phải có sáu ngón. Vì thế, mỗi khi xuống nước, bao giờ bà cũng giấu đôi bàn chân trong ủng cao su.
Lưu để lại vô số con cái sau nhiều cuộc hôn nhân và trong mùa hè này, một số người trong cuộc cũng có mặt ở Bác Đại Hà. Lưu Đạo, cô con gái 16 hay 17 tuổi gì đó của Lưu với Vương Tiền, người vợ cũ, hoạt bát, vui vẻ và cởi mở, thỉnh thoảng bơi với Mao ra bè. Và trong các buổi dạ vũ được tổ chức mỗi tuần hai lần, cô thường mời Mao nhảy với tất cả sự trong trắng. Đối với cô, không bao giờ Mao tự cho mình thoải mái như đối với nhiều thiếu nữ khác. Mặc dù vậy, Giang Thanh bực tức ra mặt, vô lý với Lưu Đạo chỉ vì sự hồn nhiên và cởi mở của tuổi trẻ.
Giang Thanh thường xuyên nổi nóng, tôi gắng quen với thói xấu của bà ta. Nhưng ở Bắc Đới Hà thơ mộng, tôi không thể ngờ những vụ ghen tuông lặt vặt và những hồ nghi của bà, mười năm sau lại có thể biến thành sự thù hận, đến nỗi bà đã tìm cách xoá sổ cả gia đình Lưu Thiếu Kỳ.
Vào mùa hè năm 1956 ấy, không ai có linh cảm, sau này chính Mao chống lại người mà tất cả chúng ta đều cho là người tin cậy nhất của Mao.
Nhưng sự đổ vỡ này đã được định trước vì giữa Mao và Lưu có sự bất đồng về vai trò của Lưu trong bối cảnh chính trị trong nước. Mao tự cho mình là lãnh tụ tối cao, lời nói của ông là mệnh lệnh cao nhất. Ông coi Lưu Thiếu Kỳ như một người phụ tá trong việc giải quyết công việc hàng ngày của đảng. Nhưng theo cách nhìn của mình, Lưu Thiếu Kỳ coi mình ngang bằng, hay ít ra cũng gần như thế và đất nước không thể thiếu ông. Lưu càng tỏ ra muốn ngang hàng với Mao bao nhiêu, Chủ tịch càng không vừa lòng bấy nhiêu.
Mùa hè năm 1956 đã đánh dấu bước ngoặt trong mối quan hệ của Mao đối với Lưu. Mãi tới khi chính mối quan hệ của tôi đối với Mao đột ngột xấu đi thì tôi mới phát hiện ra điều này.