Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Thế nào là một chính quyền của giới đầu cơ?

-33 tỷ USD chảy ra nước ngoài:Đe dọa an ninh tiền tệ
(Tài chính) - Sự dịch một khoản tiền lớn, trong khoảng thời gian ngắn có thể đe dọa an ninh tiền tệ, kéo đổ cả một nền chính trị của quốc gia đó.
Sau khi báo Đất Việt đăng tải bài viết của chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt nguyên chuyên viên cao cấp của Liên hợp quốc, đã chỉ ra một con số giật mình, 33 tỷ USD của Việt Nam đã bị chảy ra nước ngoài không hợp pháp chỉ trong vòng 6 năm qua. Phía sau con số ấy, theo TS Vũ Quang Việt là nhập lậu và có dấu hiệu tham nhũng.

Về hiện tượng này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đã đưa ra những ý kiến phân tích theo góc nhìn của cá nhân ông.
Rửa tiền, tham nhũng… không có gì ngạc nhiên!
Ai cũng biết, hiện đang có một lượng tiền rất lớn hàng năm vẫn được chuyển ra nước ngoài qua nhiều hình thức. Nhưng tôi chắc rằng không ai biết chính xác con số đó là bao nhiêu, kể cả tôi và ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước. Tất cả số liệu hiện có được chỉ là phỏng đoán hoặc dựa trên những thống kê từ những kênh quản lý chính thống.
Việt Nam đã có chính sách kiểm soát hối đoái, đã có Luật tiền tệ, nếu muốn mang được một lượng tiền lớn ra nước ngoài qua con đường chính thức là vô cùng khó khăn. Người có tiền muốn chuyển tiền ra nước ngoài phải chứng minh được nguồn gốc, lý do hoặc phải thông qua con đường nhập khẩu hàng hóa, những dự án đầu tư, kinh doanh đã được Chính phủ cho phép.

Trong bối cảnh nội lực nền kinh tế yếu, vấn đề tội phạm chưa được tiêu trừ, nếu thả nổi để ngoại hối tuồn ra ngoài Ngân hàng trung ương không kiểm soát được, nền kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng.
Nếu vậy, số lượng tiền lớn như vậy đã được chuyển ra nước ngoài chỉ có thể bằng con đường bất hợp pháp. Hay nói cách khác là thông qua việc rửa tiền và tham nhũng. Việc này không có gì ngạc nhiên.
Vậy, những con đường bất hợp pháp đó là gì?
Trước hết, là hình thức rửa tiền thông qua buôn lậu, nhất là buôn lậu tại các cửa khẩu với Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, năm 2013, Việt Nam thống kê nhập khẩu từ Trung Quốc 28,8 tỉ đôla Mỹ, trong khi số liệu của Trung Quốc là 34 tỉ (cao hơn 18%); số liệu của Việt Nam về xuất khẩu sang nước này là 12,8 tỉ đôla Mỹ, trong khi Trung Quốc lại ghi nhận con số 16,2 tỉ (cao hơn 26,6%). Ngay cả những con số thống kê chính thức giữa hai quốc gia đã có sự sai biệt lớn.
Nguyên nhân của sự chênh lệch này là do các báo cáo hải quan của mỗi nước với những cách tính và phương pháp tính khác nhau, nhưng cũng xuất phát từ lượng hàng hóa xuất khẩu, Nhập khẩu lậu qua biên giới không được khai báo, trốn thuế mà mỗi cơ quan thống kê có những ước tính riêng
Qua số liệu chênh lệch được công bố có thể ước lượng đã có một lượng tiền rất lớn được chuyển ra nước ngoài đồng thời cũng có một lượng ngoại tệ không nhỏ đã được chuyển vào trong nước qua con đường buôn lậu. Con số này chính xác là bao nhiêu tôi không biết. Tôi chắc rằng cũng không ai biết ngay cả các cơ quan quản lý, bởi vì đó là tất cả những hoạt động ngầm trong bóng tối của thị trường đen.
Cho tới lúc này, tôi cũng không biết nhà nước sẽ có được chính sách gì để quản lý, kiểm soát được tình trạng buôn lậu. Khi tình trạng buôn lậu chưa được tiêu trừ thì vấn đề quản lý dòng tiền ra vào trong nước là vô cùng khó khăn.
Thứ hai, có một lượng ngoại tệ cũng không nhỏ đã được chuyển ra nước ngoài không bằng con đường nhập lậu nhưng lại dưới hình thức hoán đổi nội tệ với ngoại tệ trực tiếp thông qua giao dịch trung gian.
Cụ thể như sau: Khi ở California tôi đã chứng kiến nhiều người Việt chồng cả vali tiền mặt (có khi lên tới hàng trăm ngàn USD) để mua nhà, mua biệt thự ở đây. Câu hỏi đặt ra là tiền mặt ở đâu mà lớn thế?
Rất nhiều phương tiện truyền thông đã nói tới những hình thức rửa tiền nhằm hợp thức hóa lượng tiền chuyển ra nước ngoài hoặc chuyển ngoại tệ từ nước ngoài về Việt Nam. Đây là một trong những cách đó.
Bản chất của loại hình này là có giao dịch với đồng nội tệ và ngoại tệ được dịch chuyển tại hai quốc gia nhưng lượng tiền không được chuyển dịch qua hai lãnh thổ. Ví dụ một người A ở trong nước, có người thân là B ở nước ngoài. Người A muốn chuyển ngoại tệ cho người B chỉ cần giao dịch qua người C ở trong nước và người C sẽ giao dịch với người D ở nước ngoài.
Giao dịch được thực hiện khi người A chuyển tiền cho người C trong nước một lượng tiền nội tệ tương đương với số ngoại tệ người A muốn B sở hữu ở nước ngoài. Sau đó người C sẽ ra lệnh cho người D ở nước ngoài chuyển cho người B một số ngoại tệ tương đương. Cuối cùng người B nhận được một số ngoại tệ theo mong muốn của người A và người A thanh toán sòng phẳng cho người C .Dĩ nhiên người C và người D có những quan hệ tài chính với nhau.
Theo kịch bản này đồng nội tệ được dịch chuyển ở trong nước và đồng ngoại tệ được chuyền tay ở nước ngoài. Sau đó nếu những tài sản tại nước ngoài đó được bán đi hay thế chấp thì số tiền thu được từ những giao dịch trên trở thành tiền sạch và tha hồ được sử dụng tránh khỏi sự truy sát của các cơ quan an ninh tiền tệ.
Thực chất của hình thức giao dịch này là rửa tiền, ngay cả khi ngoại tệ không được tuồn ra nước ngoài nhưng vẫn có một lượng ngoại tệ đã được dịch chuyển tại nước ngoài. Đó là một cách rửa tiền có vẻ hợp pháp để người trong nước có thể rửa tiền với sự đồng lõa của những Việt kiều nước ngoài để thực hiện những giao dịch có giá trị rất lớn thậm chí hẳng triệu đô la cho mỗi giao dich mà rất khó phát hiện.
Hình thức thứ ba, là thông qua một loại tiền ảo tồn tại dưới dạng mật mã trên máy tính, ví dụ như đồng Bitcoin hay các loại đồng tiền ảo khác.
Đồng tiền này được sử dụng nhiều trong giao dịch qua hệ thống điện tử, không chịu sự quản lý của cơ quan nào. Hình thức này buộc người ta phải dùng tiền thật để mua tiền ảo qua mạng. Số tiền này sẽ được quy đổi ra ngoại tệ chuyển qua ngân hàng hoặc qua hình thức nhập lậu chuyển ra nước ngoài.
Bằng hình thức này, rất nhiều người giàu có trong nước có thể chuyển tài sản của mình qua tài khoản của người khác ở nước ngoài. Bằng nhiều hình thức số tiền từ tài khoản của người khác sẽ được chuyển về tay họ.
Thứ tư, thông qua đầu tư BĐS và hay bất cứ tài sản có giá trị cao nào trong nước cũng là lỗ hổng tạo cơ hội biến đồng tiền bẩn thành đồng tiền sạch. Nếu họ đem một va ly tiền “bẩn” đi mua nhà, mua đất, mua xe ô tô và khi mua được rồi lại đem bán đi (có khi phải chấp nhận chịu lỗ hay trả lệ phí phần trăm cao cho giao dịch đó) thì người mua trả tiền cho họ lại là tiền “sạch” vì thường người bán sẽ đòi người mua chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng, thế là xóa được hết các dấu vết của tiền “bẩn” trước đó.
Với những cách chuyển vận dòng tiền và tài sản như thế có lẽ cũng không khó khăn để thấy được là tiền bẩn từ nước ngoài có thể tuồn về Việt Nam qua qui định cho phép người nước ngoài mua tậu BĐS tại Việt Nam. Chính vì thế, chủ trương cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cần phải được xem xét một cách thận trọng, bên cạnh đó phải có những chính sách quản lý chặt chẽ.
Khó lòng kiểm soát
Cho đến bây giờ, Việt Nam mới đang quan tâm nhiều tới câu chuyện kiều hối về nước chứ chưa có được một sự quan tâm đầy đủ trong quản lý dòng tiền chảy ra. Hiện tại, tất cả việc kiểm soát dòng tiền này đang được áp dụng theo chính sách kiểm soát hối đoái. Đối với dòng tiền được chuyển ra ngoài phải được chứng minh nguồn gốc, lý do và phải được phép của Chính phủ. Đó cũng là một cách để ngăn chặn.
Nhưng, như đã phân tích ngoại tệ chuyển ra nước ngoài không chỉ thông qua các kênh chính thức mà chủ yếu là thông qua hình thức buôn lậu, rửa tiền “bốn bên, hai bên”, hoặc là thông qua một loại tiền ảo tồn tại dưới dạng mật mã trên máy tính, ví dụ như đồng Bitcoin hay các loại đồng tiền ảo khác. Ngay cả việc những người đi du lịch sử dụng thẻ tín dụng Visa hay Master Card để mua hàng hóa ở nước ngoài và thanh toán bằng đô la cũng không thể kiểm soát được.
Bởi vì giao thương tiền tệ nằm trong bối cảnh thị trường mở, khi Việt Nam tham gia ASEAN, WTO, TPP vấn đề mậu dịch, giao dịch ngoại thương ngày càng lớn. Trong một nền kinh tế như vậy sẽ rất khó để kiểm soát thị trường hối đoái.
Nhưng trên thực tế, chưa có một quốc gia nào dám khẳng định có thể kiểm soát được dòng tiền ra vào một cách hoàn hảo, ngay cả Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ có những rào cản về luật pháp, các tổ chức tài chính đều nhận thức được những mối nguy hại từ những dòng tiền này, do đó họ luôn đề cao cảnh giác.
Luật chống rửa tiền của Mỹ rất nghiêm nhặt và đưa ra những sự trừng phạt kinh tế và hình sự rất lớn. Các cơ quan chức năng từ FBI đến IRS, OFAC đều tham gia trong công tác chống rửa tiền. Ở Việt Nam cũng phải làm được như vậy, vì nếu chỉ dựa vào các rào cản luật pháp là bất khả kháng. Quan trọng hơn là vấn đề tội phạm cần phải được kiểm soát và tiêu trừ bởi tất cả các cơ quan quản lý và an ninh..
Giải pháp cuối là phải làm sao tăng được giá trị của đồng tiền nội tệ và đồng tiền này sẽ phải được thả nổi trên thị trường ngoại hối trong tương lai. Khi đó đồng tiền Việt Nam được thế giới công nhận và được hoán đổi với các đồng tiền khác. Để làm được như vậy, nền kinh tế Việt Nam phải đủ mạnh, kinh tế phải được trả lại cho thị trường quyết định, khi đó tự cơ chế thị trường sẽ đào thải những khó khăn mà Việt Nam đang vướng phải.
Đe dọa chủ quyền tiền tệ
Trong bối cảnh nội lực nền kinh tế yếu, vấn đề tội phạm chưa được tiêu trừ, nếu thả nổi để ngoại hối tuồn ra ngoài Ngân hàng trung ương không kiểm soát được, nền kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng. Chủ quyền tiền tệ sẽ bị đe dọa.
Cách đây 20 năm, một nhà kinh tế học đã có bài phân tích “Một thế giới không còn chủ quyền quốc gia”. Giả thuyết có thể xảy ra trong tương lai với một vài quốc gia trên thế giới khi hàng ngày vẫn có một lượng tiền dịch chuyển từ hàng triệu đến hàng ngàn tỉ đô la từ quốc gia này sang quốc gia khác. Sự dịch chuyển này tùy vào khẩu vị và quyết định của các nhà kinh doanh, nhà đầu tư, các định chế tài chính. Khi điều đó xảy ra trong một thời gian ngắn với một lượng tiền đủ lớn có thể làm rung chuyển toàn bộ thị trường tài chính của một quốc gia và gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Đó chính là sự sụp đổ của đồng peso xảy đến trong bối cảnh nền kinh tế yếu ớt, giá dầu thấp, và các khoản nợ ngày một chồng chất của Mexico vào khoảng năm 1993.
Hiện tượng này hình như đang hình thành đâu đó tại một số quốc gia trên thế giới, trên thị trường Châu Âu, Châu Phi và có thể là ở Nga… nhà kinh tế đó đã nhận định, nếu điều đó xảy ra nó có thể ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế-xã hội. Thậm chí còn có thể kéo đổ cả một nền chính trị tại quốc gia đó.
  • Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu




Thế nào là một chính quyền của giới đầu cơ?

Kinh tế tài chính VN đang gặp nguy hiểm?

TS Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế gốc Việt vừa cảnh báo là Việt Nam đang trong tình trạng bấp bênh, mức tăng GDP không đủ để trả lãi nợ vay của toàn bộ nền kinh tế.

Trong bài viết được tờ Thời báo Kinh tế Saigon Online đưa lên mạng ngày 29/1/2015, TS Vũ Quang Việt nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam cấp bách đổi mới thể chế, nhằm bảo đảm sự lành mạnh cho nền tài chính quốc gia. Theo lời TS Vũ Quang Việt, hiện nay nền tài chính bị nhóm lợi ích tài chính sử dụng nhằm mục đích chính là đầu cơ tài sản từ địa ốc, chứng khoán và đến cả điều gọi là sản xuất ảo. Lạm phát, nợ tăng quá mức, nợ xấu là hệ quả, đưa đến tình trạng một số người giàu nhanh chóng còn đại đa số vẫn khó khăn.

TS Vũ Quang Việt đưa ra một thí dụ đơn giản, trong một nền kinh tế không có lạm phát, nếu nợ là 100% ngang bằng với GDP với lãi suất là 5% thì GDP tăng 5% chỉ đủ để trả lãi. Hiện nay tỷ lệ nợ của Việt Nam tức nợ của toàn bộ nền kinh tế đã bằng 164% GDP thì GDP tăng 5% chỉ đủ để trả 60% lãi, như thế phải tăng GDP đến 8% thì mới có thể trả được lãi.
Chúng tôi vừa nhận được tin là 620 cán bộ công nhân viên của Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng năm nay không có tiền thưởng Tết. Đó là một bi kịch chưa từng thấy đối với nền kinh tế.
-TS Phạm Chí Dũng
Theo đánh giá của TS Vũ Quang Việt trên Saigon Times Online, toàn bộ nợ của nền kinh tế Việt Nam cho đến năm 2014 là 303 tỉ đô la, tương đương 164% GDP, số nợ tăng rất mạnh sau năm 2006, lúc đó chỉ bằng 98% GDP. Riêng về nợ công tức nợ của khu vực kinh tế nhà nước nếu gộp cả nợ của doanh nghiệp nhà nước, thì tính đến năm 2013 là 143,6 tỉ đô la chứ không phải 90 tỉ đô la như cách tính của chính phủ. Như vậy theo TS Vũ Quang Việt nợ của khu vực kinh tế nhà nước tương đương 53% tổng nợ của cả nền kinh tế. Trong khi đó khu vực kinh tế nhà nước chỉ sản xuất ra 32% GDP.
Đáp câu hỏi của chúng tôi là phải chăng tình hình kinh tế tài chính Việt Nam đang gặp nguy hiểm?  Chuyên gia kinh tế Phó Giáo sư Ngô Trí Long từ Hà Nội nhận định:
“Theo tôi nghĩ là một tình trạng báo động, với tư  cách chuyên gia tôi nghĩ là tỷ lệ nợ công theo GDP là căn cứ rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn nữa là xem việc sử dụng cái nguồn để trả nợ cũng như hiệu quả hoạt động nền kinh tế vấn đề sử dụng đồng tiền đó như thế nào. Chứ còn giả sử nợ công mặc dầu có dưới trần cho phép, nhưng hoạt động không hiệu quả, làm ít ăn nhiều làm không hiệu quả không có thặng dư thì chắc chắn sẽ nguy hiểm. Trong bối cảnh Việt Nam cả hai vấn đề đó cần phải xem xét, thứ nhất nợ công theo cách tính toán của một số chuyên gia theo thông lệ quốc tế thì có thể không phải như chính phủ công bố mà cao hơn, đặc biệt nguồn chi trả của nó thì không có khả năng đáp ứng. Bởi lẽ ngân sách luôn luôn thâm thủng bội chi mà bội chi ngân sách của Việt Nam là một căn bệnh trầm kha bởi năng suất chất lượng hiệu quả luôn luôn là thấp.”
000_Hkg9537856-250.jpg
Công trình xây dựng đường xe điện trên cao (sky train) tại trung tâm thành phố Hà Nội hôm 26 tháng 2 năm 2014. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Cùng một câu hỏi phải chăng tình trạng hiểm nguy đang đối diện nền kinh tế tài chính Việt Nam, TS Kinh tế Phạm Chí Dũng một nhà phản biện độc lập ở Saigon nhận định:
“Người ta đã nói khá nhiều về khả năng vỡ nợ của Việt Nam giống Argentina năm 2001 và năm trước chính phủ Việt Nam đề cập việc vay 1 tỉ đô la đã là khó khăn. Tôi không biết 1 tỉ đô la phát hành trái phiếu quốc tế của Việt Nam như là một thành tích vào cuối năm trước là ai mua; mà cũng có khá nhiều người tỏ ra nghi ngờ rằng, đã có những Tập đoàn Nhà nước ở hải ngoại đứng ra mua trái phiếu chứ không phải là một quốc gia uy tín nào, hoặc là những doanh nghiệp uy tín nào của quốc tế. Thành thử tình trạng hiện nay rất nguy hiểm và điều đó có thể nhìn thấy qua một ý kiến ‘phơn phớt’ của ông Bùi Quang Vinh Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, hay ý kiến thẳng thắn hơn nhiều của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thì nhìn vào tình trạng nợ công nợ xấu, thị trường bất động sản, vấn đề thất nghiệp và gần nhất là vấn đề tiền thưởng Tết của các doanh nghiệp hiện nay. Chúng tôi vừa nhận được tin là 620 cán bộ công nhân viên của Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng năm nay không có tiền thưởng Tết. Đó là một bi kịch chưa từng thấy đối với nền kinh tế.”

Chính quyền đẩy lạm phát là chính quyền của giới đầu cơ

Trở lại bài viết của chuyên gia kinh tế tài chính TS Vũ Quang Việt trên Saigon Times Online, ông cho rằng lạm phát chính là biện pháp hay chính sách để người vay không phải trả nợ vì giá trị thật của nợ giảm… Và một chính quyền cổ vũ cho tăng tín dụng, đẩy lạm phát là một chính quyền của giới đầu cơ.
Trong câu chuyện với chúng tôi chuyên gia kinh tế Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhận định:
“Tôi nghĩ cách nói của ông Việt rất là tế nhị, ông không nói thẳng là Việt Nam nhưng chúng ta thấy rằng thực chất nó là bản chất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Đặc biệt ông Việt là một Việt kiều, nhiều khi người ta nói là thuốc đắng thì dã tật, sự thật thì mất lòng. Nói thẳng vấn đề ra thì nhiều khi người ta cũng cảm thấy là không dễ chịu cho nên cách của ông dùng hình tượng đó nhưng nếu mình hiểu đúng bản chất của nền kinh tế Việt Nam thì thực chất là nói đến nền kinh tế Việt Nam.”
Nền kinh tế Việt Nam cũng vẫn có một sự trì trệ nhất định hay sự phát triển cũng chỉ có một mức độ nhất định, thì chính là do lời nói cũng như việc làm, chính sách chủ trương đưa ra và việc thực hiện nó không đồng nhất với nhau.
- PGS. Ngô Trí Long
Trong bài viết của mình trên Saigon Times Online, TS Vũ Quang Việt  nhấn mạnh tới nguyên nhân gây ra nợ công lớn không chỉ vì chính sách xây dựng hạ tầng cơ sở mà còn vì chính sách chi tiêu cho Tập đoàn Doanh nghiệp Nhà nước, tưởng là có thể đẩy mạnh tốc độ tăng GDP và khi chúng thiếu hiệu quả gây khủng hoảng kinh tế, thì lại có cớ tăng chi kích cầu. Kết quả là nợ nhà nước phình to, chiếm tỷ lệ rất lớn của GDP nhưng cuối cùng chỉ là giúp tìm việc cho nhóm lợi ích và giúp cho giới đầu cơ làm giàu.
Cùng về vấn đề này, TS Kinh tế Phạm Chí Dũng trình bày cách nhìn của ông:
“Vào năm 2009 khoảng 143.000 tỉ đồng đã được tung ra tương đương 8,5 tỉ đô la vào thời điểm đó và đã làm lợi cho hai thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Thị trường chứng khoán tăng gấp ba lần, thị trường bất động sản Hà Nội cũng tăng giá gấp ba lần và tạo ra một cơn điên. Việc này chỉ có lợi cho bất động sản và chứng khoán và sau đó tính chất đầu cơ mạnh mẽ đến mức Quốc hội cũng phải lên tiếng. Nhưng mà cho tới giờ Quốc hội cũng chưa có điều kiện hoặc là không dám có điều kiện để kiểm chứng lại hiệu quả của gói kích cầu chính phủ tung ra vào năm 2009 là như thế nào.”
Chuyên gia Vũ Quang Việt sau khi vạch rõ nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã đề nghị sự cải cách cơ bản là “Viết lại Luật Tín dụng và Luật Doanh nghiệp”. Trên Saigon Times Online ông cho rằng, chỉ nói cơ cấu lại nền kinh tế như tăng chỗ này giảm chỗ kia thì không có nhiều ý nghĩa. Vấn đề cơ bản là xây dựng được một nền tài chính lành mạnh làm cơ sở để nền kinh tế phát triển lành mạnh. Theo quan điểm của ông Vũ Quang Việt, viết lại Luật Tín dụng là yêu cầu cơ bản và điều quan trọng là việc viết lại này không đòi hỏi phải thay đổi Hiến pháp hiện hành.
Theo TS Vũ Quang Việt, Luật các tổ chức tín dụng hiện hành cho phép sở hữu chéo, giữa các ngân hàng và giữa ngân hàng với công ty tài chính và doanh nghiệp phi tài chính. Chính điều này đã tạo ra cơ sở để tư bản thân hữu nảy nở. Viết lại Luật Tín dụng theo hướng triệt tiêu tất cả những sự cho phép đó, chấm dứt mọi hình thức lạm dụng tài chính quốc gia.
TS Vũ Quang Việt đề nghị viết rõ trong Luật Tín dụng và cả Luật Ngân hàng Nhà nước đòi hỏi mọi doanh nghiệp dù công hay tư phải báo cáo tài chính có kiểm toán hàng quí và hàng năm. Theo ông, lành mạnh hóa nền tài chính bằng cách viết lại luật chỉ là một điều kiện cần để kinh tế có thể hoạt động hữu hiệu. Các điều kiện khác vẫn là nền kinh tế phải có tính cạnh tranh, không ưu tiên do đó cần xóa bỏ dần Doanh nghiệp Nhà nước. Đối với các Doanh nghiệp Nhà nước độc quyền như sản xuất điện, cần nghiêm cấm đầu tư ngoài hoạt động mà Doanh nghiệp Nhà nước được độc quyền.
Trong bài viết trên Saigon Times Online, TS Vũ Quang Việt đề nghị công khai minh bạch về các khoản nợ. Thực hiện luật phá sản đối với ngân hàng và doanh nghiệp đã ngập sâu trong nợ nần, không thể cứu nếu không chi một lượng tiền quá lớn.
Đáp câu hỏi của chúng tôi về khả năng khuyến nghị của TS Vũ Quang Việt được lắng nghe và thực hiện, Phó giáo sư Ngô Trí Long nhận định:
“Tôi nghĩ ý kiến và quan điểm của ông Việt hoàn toàn đúng và đúng với thông lệ quốc tế, đúng với qui luật của kinh tế thị trường. Tôi đã từng làm việc nhiều với ông Việt, ông là người có tư duy kinh tế thị trường thực sự và cũng am hiểu về Việt Nam rất là sâu, những ý kiến và đề nghị của ông Việt là hoàn toàn chuẩn xác. Nhưng việc vấn đề được đưa ra và thực hiện nó như thế nào là một vấn đề cần phải xem xét; trong bối cảnh tình hình Việt nam hiện nay, đã thấy được tình hình đó nhưng để xử lý giải quyết những vấn đề này một cách triệt để đúng theo như lời nói thì hoàn toàn rất là khó. Chính vì vậy nền kinh tế Việt Nam cũng vẫn có một sự trì trệ nhất định hay sự phát triển cũng chỉ có một mức độ nhất định, thì chính là do lời nói cũng như việc làm, chính sách chủ trương đưa ra và việc thực hiện nó không đồng nhất với nhau.”
Theo quan điểm và ý kiến của TS Phạm Chí Dũng, đề nghị của TS Vũ Quang Việt có tính khả thi chỉ riêng trong vấn đề thực hiện phá sản các tổ chức tín dụng ngập trong nợ nần nói chung. Tuy nhiên theo lời nhà phản biện độc lập này, sự công khai minh bạch không tồn tại ở Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay. Trong khi các đề nghị cải cách cơ bản của chuyên gia Vũ Quang Việt, đặc biệt trong xóa sở hữu chéo, trên thực tế đều cần phải có sự công khai minh bạch mới có thể trở thành hiện thực.


Một đề nghị cải cách cơ bản: Viết lại Luật Tín dụng và Luật Doanh nghiệp (TBKTSG 29-1-15) -- Bài TS Vũ Quang Việt
(TBKTSG) - Kinh tế Việt Nam có thể nói là đã hết đà phát triển, và để đẩy cao tốc độ tăng trưởng GDP (không hẳn là phát triển), đổi mới thể chế nhằm bảo đảm nền tài chính quốc gia lành mạnh là một trong nhiều yêu cầu bức thiết để kinh tế phát triển hữu hiệu, và là yêu cầu quan trọng nhất.
Nền tài chính giống như mạch máu trong cơ thể, không có nền tài chính lành mạnh không thể có một nền kinh tế phát triển lành mạnh. Hiện nay, nền tài chính bị nhóm lợi ích tài chính sử dụng nhằm mục đích chính là đầu cơ tài sản từ địa ốc, chứng khoán và đến cả sản xuất ảo. Lạm phát, nợ tăng quá mức, và nợ xấu là hệ quả, đưa đến tình trạng một số người giàu nhanh chóng còn đại đa số vẫn rất khó khăn.

Nói một cách rất đơn giản ở một nền kinh tế không có lạm phát, nếu nợ là 100 ngang bằng với GDP với lãi suất năm là 5% thì GDP tăng 5% chỉ đủ để trả lãi. Hiện nay tỷ lệ nợ của Việt Nam đã bằng 164% GDP thì GDP tăng 5% chỉ đủ để trả 60% lãi, như thế phải tăng đến 8% mới có thể trả được lãi.
Tất nhiên thực tế có khác một chút vì một tỷ lệ không nhỏ nợ nước ngoài có được trong quá khứ là nợ ưu đãi với lãi suất thấp, nhưng việc tăng nợ ở mức hiện nay với lãi suất cao là điều không thể kéo dài. Lạm phát chính là biện pháp hay chính sách để người vay không phải trả nợ vì giá trị thật của nợ giảm. Một chính quyền cổ vũ cho tăng tín dụng, đẩy lạm phát là một chính quyền của giới đầu cơ.
Chính sách phát triển kinh tế: dựa vào sự “bùng nổ” ngân hàng
Cho đến mới đây, đổi mới là cởi trói nông dân, là mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài, là mở rộng cho tư nhân lập doanh nghiệp, nhưng tác động tích cực của chúng dần dần bị chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp quốc doanh làm tổn thương nặng nề. Chính sách phát triển của Việt Nam dựa vào sự “bùng nổ” ngân hàng, vốn không chỉ được tung ra cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà còn cho các doanh nghiệp tư nhân sân sau của nhiều quan chức.
Khi kinh tế thoái trào nợ xấu tăng lên là đương nhiên. Không ai biết chính xác nợ xấu của Việt Nam là bao nhiêu và không biết là ai nợ ai, vì cho đến nay không có một bản báo cáo chi tiết nào được công bố.
Tuy thế, thật lạ là mới đây (10-2014) chính Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại cuộc họp chính phủ đã tiết lộ là nợ xấu bằng 17% vào năm 2012 đã giảm xuống còn 5,4% và sẽ giảm xuống 3% vào năm 2015 (1).  Trong khi trước đó vào năm 2012, Thanh tra NHNN tuyên bố rằng nợ xấu chỉ có 8,8% (2).  Tuy nhiên, không thể tin vào lời tuyên bố chung chung nếu thông tin cụ thể và có hệ thống không được trưng ra.
Tình hình tài chính tín dụng ở Việt Nam
Chính sách ưu tiên cho DNNN và tạo cơ hội cho nhóm lợi ích này được xem là chính sách “tay không bắt giặc”, làm giàu không cần vốn, mà chỉ cần tăng cung tiền và vay mượn nước ngoài. Chính việc tăng cung tiền, đẩy tín dụng từ 69% GDP năm 2006 lên mức 125% GDP vào năm 2010 đã tạo ra lạm phát. Có người đặt vấn đề là tại sao một số nước như Thái Lan, Malaysia có tỷ lệ tín dụng trên GDP cũng cao gần như Việt Nam nhưng lạm phát lại thấp? Đây là vấn đề cần tìm hiểu sâu về mặt lý thuyết kinh tế, nhưng rõ ràng ở đây không chỉ là mức độ tiền tệ hóa nền kinh tế (qua tỷ lệ cao) mà là việc tăng tốc độ cung ứng tiền ở Việt Nam (gấp 3,5 lần) trong một thời gian rất ngắn (bốn năm) nhằm đạt tốc độ tăng GDP cao. Thực tế lạm phát cao nhưng tốc độ tăng GDP lại giảm từ năm 2006 đến nay.
Chính sách dồn lực vào phát triển tập đoàn nhà nước với việc cho phép mở rộng hoạt động ngoài ngành, thí dụ như tập đoàn đóng tàu, tập đoàn bưu chính viễn thông, tập đoàn dầu khí... lại có thể mở các công ty sân sau như ngân hàng, địa ốc, chứng khoán, quĩ đầu tư mạo hiểm, bảo hiểm và các công ty khác nữa đã dẫn đến nhiều hệ lụy.
Rất nhiều các công ty sân sau này là nửa tư nửa công nhưng lại lấy danh nghĩa công để có thể thu hồi đất từ nông dân, vay mượn ngân hàng thoải mái, và lại có thể dùng tiền vay ngân hàng để lao vào các cuộc phiêu lưu có hại cho nền kinh tế nhưng có lợi cho những người quản lý doanh nghiệp và các quan chức liên quan đến sự ra đời và kiểm soát công ty.
Tập đoàn nhà nước trở nên rất thiếu hiệu quả là vì thế. Theo báo cáo của nhà nước, tổng nợ của các tập đoàn vào cuối năm 2014 là 1,5 triệu tỉ đồng (71,4 tỉ đô la Mỹ). Đây chỉ là báo cáo về tập đoàn và tổng công ty gồm 786 doanh nghiệp trong tổng số hơn 3.265 DNNN. Nếu tính đủ, số nợ của DNNN cao hơn nhiều.
Tổng thể bức tranh nợ của nền kinh tế: tín dụng và các khoản vay nợ khác
Bảng 1, bảng 2 và bảng 3 và Phụ lục chi tiết về nợ cho thấy toàn cảnh vấn đề nợ của Việt Nam từ năm 2006 đến 2014. Gọi là toàn cảnh nhưng phần nợ trong bóng tối không thông qua ngân hàng đã không được người viết thống kê vì không có số liệu. Nợ này bao gồm nợ qua tín dụng ngân hàng, nợ qua phát hành trái phiếu trong nước, và nợ nước ngoài qua vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu.
Có thể tóm gọn như sau:
1. Toàn bộ nợ cho đến năm 2014 là 303 tỉ đô la, bằng 164% GDP. Số nợ tăng rất mạnh sau năm 2006, lúc đó chỉ bằng 98% GDP.
2. Tín dụng vài năm gần đây tăng chậm nhưng đã tăng trở lại từ năm 2013. Dù sao, để thay thế, nợ bằng trái phiếu trong nội bộ nền kinh tế đã tăng mạnh, từ 5% tổng số nợ lên 11% năm 2013. Về số tuyệt đối, trái phiếu tăng từ 4 tỉ đô la năm 2006 lên 38 tỉ năm 2014. Nợ nước ngoài vẫn tiếp tục tăng, từ 25,6 tỉ đô la năm 2006 lên hơn gấp đôi, ít nhất là 56 tỉ năm 2014.
3. Nợ công theo định nghĩa của Việt Nam chỉ gồm nợ của chính phủ và chính phủ bảo lãnh năm 2014 theo ước tính là 112 tỉ đô la Mỹ, bằng 37% tổng số nợ của nền kinh tế, và con số chính xác năm 2013 là 90 tỉ đô la Mỹ, bằng 35% tổng số nợ.
4. Nợ công hay có thể gọi là nợ của khu vực kinh tế nhà nước phải tính cả phần nợ của doanh nghiệp nhà nước (chỉ có thể tính thêm phần nợ của tập đoàn vì không nắm được nợ của DNNN khác). Số liệu chính xác từ Bộ Tài chính khi tổng hợp lại cho thấy năm 2013, nợ công gồm cả nợ của DNNN là 143,6 tỉ đô la (cao hơn con số 90 tỉ theo cách tính của chính phủ) và bằng 53% tổng nợ của cả nền kinh tế. Trong khi đó, khu vực kinh tế nhà nước chỉ sản xuất ra 32% GDP.
5. Nguyên nhân gây ra nợ công lớn không chỉ vì chính sách xây dựng hạ tầng cơ sở mà còn vì chính sách chi tiêu cho tập đoàn DNNN, tưởng là có thể đẩy mạnh tốc độ tăng GDP, và khi chúng thiếu hiệu quả gây khủng hoảng kinh tế thì lại có cớ tăng chi kích cầu. Kết quả là nợ nhà nước phình to, chiếm tỷ lệ rất lớn của GDP nhưng cuối cùng chỉ là giúp tìm việc cho nhóm lợi ích và giúp cho giới đầu cơ làm giàu.
Nhìn vào ngân sách quốc gia có thể thấy tỷ lệ thiếu hụt ngân sách so với GDP rất lớn và không có dấu hiệu giảm (bảng 4). Bình thường thiếu hụt so với GDP ở mức 3% đã được coi là nghiêm trọng, đòi hỏi điều chỉnh chính sách chi tiêu của nhà nước. Năm 2010-2011 thiếu hụt tương đối thấp vì phải đối phó với lạm phát cao. Và cũng chính vì lý do này, biện pháp bán trái phiếu thay vì chỉ phát hành tiền đã xuất hiện từ năm 2010. Tất nhiên về mặt tài chính, đây là biện pháp khôn ngoan hơn, thậm chí cần khuyến khích thay vì tăng cung tiền. Nhưng nếu lạm dụng thì việc trả nợ sẽ lại là vấn đề mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối phó trong tương lai gần.
Nhìn chung, nợ đang ở mức rất cao và còn đang tăng mạnh, do đó khả năng trả nợ trong tương lai cần phải đặt thành vấn đề.
Đề nghị cải cách cơ bản: viết lại Luật Tín dụng và Luật Doanh nghiệp
Chỉ nói cơ cấu lại nền kinh tế như tăng chỗ này, giảm chỗ kia thì không có nhiều ý nghĩa. Vấn đề cơ bản là xây dựng được một nền tài chính lành mạnh làm cơ sở để nền kinh tế phát triển lành mạnh. Viết lại Luật Tín dụng là yêu cầu cơ bản. Việc viết lại này không đòi hỏi phải thay đổi Hiến pháp hiện nay.
1. Luật các tổ chức tín dụng (gọi tắt là Luật Tín dụng) hiện nay cho phép sở hữu chéo, giữa các ngân hàng và giữa ngân hàng với công ty đầu tư tài chính và doanh nghiệp phi tài chính. Chính điều này đã tạo ra cơ sở để tư bản thân hữu nảy nở. Chính điều này đã đẩy mạnh tín dụng, đưa đến nợ xấu, làm suy yếu kinh tế. Luật Tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước cũng không làm rõ trách nhiệm trước pháp lý về nghĩa vụ công bố thông tin.
2. Cần viết lại Luật Tín dụng cấm không cho phép doanh nghiệp phi tài chính làm chủ ngân hàng, và cấm không cho ngân hàng làm chủ doanh nghiệp phi tài chính và đầu tư rủi ro. Chính việc xóa bỏ ranh giới giữa ngân hàng và đầu tư tài chính, kể cả đầu tư rủi ro ở Luật Mỹ thời Clinton, mà Việt Nam sao chép, đã đưa đến khủng hoảng tài chính ở Mỹ và việc viết lại luật ở Mỹ sau đó. Hơn nữa ở Việt Nam còn cho phép sở hữu chéo giữa doanh nghiệp phi tài chính và tài chính, biến ngân hàng thành hòm tiền cho doanh nghiệp sử dụng và không chịu sự đánh giá nghiêm túc về khả năng làm lời.
Mỹ đã thay đổi, còn Việt Nam thì sao? Mới đây, có quyết định của chính phủ cấm tập đoàn Dầu khí không được góp vốn ngoài ngành chính, hay kinh doanh bất động sản, mở hay mua cổ phần ngân hàng hay công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, không được góp vốn vào công ty khác nếu mà người quản lý, điều hành hoặc người sở hữu chính của doanh nghiệp này là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị em ruột của thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Ban Giám đốc và kế toán trưởng Công ty mẹ. Đây là một bước tiến mới, nhưng rất tiếc lại có câu nối đuôi là “trừ trường hợp được phép của Thủ tướng”(3). Như vậy nó không phải là luật. Đã là luật thì không có ngoại trừ. Và đã là luật thì nó sẽ phải áp dụng cho mọi loại doanh nghiệp. Luật trừ này sẽ tạo ra một chuỗi tham nhũng.
3. Cần viết rõ trong Luật Tín dụng và cả Luật NHNN đòi hỏi mọi doanh nghiệp dù công hay tư phải công bố báo cáo tài chính có kiểm toán hàng quí và hàng năm, đòi hỏi NHNN phải công bố trên mạng toàn diện và đầy đủ các thông tin cần thiết về hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia theo tiêu chuẩn mà IMF hay Bank for International Settlement khuyến nghị. Mọi công dân đều có quyền yêu cầu doanh nghiệp và NHNN chia sẻ thông tin theo luật định.
4. Lành mạnh hóa nền tài chính bằng cách viết lại luật chỉ là một điều kiện cần để kinh tế có thể hoạt động hữu hiệu. Các điều kiện khác vẫn là nền kinh tế phải có tính cạnh tranh, không ưu tiên do đó cần xóa bỏ dần DNNN, trước mắt cần tăng tính hữu hiệu của chúng bằng cách thay thế các thành phần quản lý thiếu khả năng, và điều kiện để đánh giá khả năng chính là việc công bố kế toán tài chính có kiểm toán.
Đối với các DNNN độc quyền như sản xuất điện, cần nghiêm cấm đầu tư ngoài hoạt động mà DNNN được độc quyền. Cũng cần viết lại Luật Doanh nghiệp để bảo đảm rằng chính quyền chỉ có thể thiết lập một DNNN mới nếu nó nhằm mục đích phục vụ lợi ích công, và nhất thiết phải được Quốc hội thông qua nếu là doanh nghiệp trung ương hoặc Hội đồng Nhân dân tỉnh hay thành phố thông qua nếu là doanh nghiệp địa phương.
Đề nghị trước mắt về giải quyết nợ xấu
1. Cần công bố một cách minh bạch ai nợ ai và nợ bao nhiêu.
2. Thực hiện luật phá sản đối với ngân hàng và doanh nghiệp rơi vào nợ nần quá sâu, không thể cứu nếu không chi một lượng tiền quá lớn. Để tránh lạm dụng, tỷ lệ nợ xấu trên tài sản có thể phát mãi là thước đo cần được xác định. Trong trường hợp này, các ngân hàng khác có quyền được mua lại.
3. Trong biện pháp cứu các ngân hàng có nợ xấu cao nhưng có tiềm năng, nếu không có ngân hàng nào mua lại, biện pháp cơ bản là việc Bộ Tài chính xác định giá trị của ngân hàng và mua lại cổ phiếu ở mức kiểm soát được ngân hàng, thay thế hệ thống quản lý nhằm tổ chức lại. Nhà nước sẽ bán đi khi ngân hàng đã có thể hoạt động hữu hiệu trở lại.

(1) http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/tu-nam-2012-den-thang-102014-ty-le-no-xau-da-giam-tu-17-xuong-con-543-201410292008472831.chn
(2) http://www.tapchitaichinh.vn/Trao-doi-Binh-luan/Thuc-trang-no-xau-tai-cac-ngan-hang-Viet-Nam-va-giai-phap-thao-go/16290.tctc
(3) http://www.moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/van-ban-chinh-sach-moi.aspx?ItemID=5912


-
Báo Nga viết về doanh thu của DN quốc phòng Việt Nam (infonet 29-1-15)

Trang tin về quốc phòng và tình báo Janes.com cho biết, năm 2014, doanh thu của tất cả các công ty và doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, đạt 292 nghìn tỷ đồng (khoảng 13,7 tỷ USD).
(Ảnh minh họa)
Trang lenta.ru dẫn nguồn từ Trang tin về quốc phòng và tình báo Janes.com cho biết Bộ Quốc phòng Việt Nam đã lần đầu tiên tiết lộ doanh thu thương mại của các doanh nghiệp trực thuộc.
Theo đó, năm 2014, doanh thu của tất cả các công ty và doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng Việt Nam kiểm soát đạt 292 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 13,7 tỷ USD), tăng 18% so với năm 2013.
Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp này tăng 15% so với năm 2013, đạt 46 nghìn tỷ đồng. Năm 2014, doanh thu của các công ty và doanh nghiệp dưới sự kiểm soát của quân đội chiếm 7% GDP. Hiện nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp.
Theo báo Nga, các hoạt động kinh doanh của quân đội giúp tạo ra công ăn việc làm cho quân nhân, bổ sung vào ngân sách và "đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế quốc gia". Các công ty và doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam được cấp phép hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, từ sản xuất đến dịch vụ ngân hàng.

Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel là đơn vị lớn nhất của lực lượng vũ trang  Việt Nam. Viettel cung cấp các dịch vụ thông tin liên lạc cả dân sự và quân sự. Doanh thu của tập đoàn trong năm 2014 lên tới 196,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 67% tổng doanh thu của tất cả các công ty và doanh nghiệp quân đội khác. Lợi nhuận trước thuế của Viettel là 42,2 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, trong năm 2014, Viettel đã thực hiện một số dự án quy mô lớn, bao gồm sản xuất, trang bị, lắp đặt và vận hành các trạm radar, cung cấp hệ thống kiểm soát không phận, thiết bị bay không người lái và các thiết bị thông tin liên lạc vô tuyến điện cho bộ binh. Trên thị trường dân sự, Viettel cũng đã tăng đáng kể số lượng thuê bao di động và người sử dụng Internet.
Ngoài ra, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng Công ty 319, Công ty Cổ phần Nhà ở và Đô thị, Công ty Trực thăng Việt Nam, Công ty Vật tư  Công nghiệp… và tổ chức tài chính như Ngân hàng Quân đội cũng là những đơn vị lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tàu chiến Tarantul do Nga chuyển giao công nghệ đã được sản xuất tại Việt Nam.
Theo báo Nga, tổng cộng có 98 tập đoàn, công ty do Bộ Quốc phòng kiểm soát.
Theo số liệu của Janes.com, ngân sách quốc phòng Việt Nam trong năm 2014 là 5,2 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2019, con số này sẽ tăng lên 7,5 tỷ USD.
Đào Cảnh 

Tổng số lượt xem trang