Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

Tôi là một nhà đầu tư chứng khoán thất bại!

-Tôi là một nhà đầu tư chứng khoán thất bại!

Phải nói chân tình rằng, sau 5 năm tham gia thị trường, không những thất bại nặng nề mà tới lúc này tôi không còn chút niềm tin vào thị trường, không biết phải đầu tư như thế nào mới thành công?

Trước hết tôi xin giới thiệu với các bạn, tôi là một nhà đầu tư chứng khoán đã được trang bị cả kiến thức phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, “ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán” được 5 năm nay. Tôi đầu tư bằng số vốn tích lũy sau hơn 10 năm lăn lộn với công việc bán hàng, quản lý cấp trung tại công ty nước ngoài, và cả tiền vay mượn của người thân. Nhưng tôi đang thực sự thất bại và tuyệt vọng với nghề đầu tư chứng khoán!Mùa thu năm 2009, trong một lần cafe với đối tác, tôi được kể rằng thị trường chứng khoán (TTCK) đang tăng rất mạnh. Theo các chuyên gia chứng khoán thì sau sóng điều chỉnh năm 2008, từ cuối tháng 2 năm 2009 thị trường trở lại chu kỳ tăng giá và được chờ đợi sóng bứt phá không thua kém giai đoạn 2006-2007. Với chút kiến thức về tài chính của một cử nhân tốt nghiệp từ một trường kinh tế lớn ở Hà Nội cùng niềm tin rằng các doanh nghiệp đang hoạt động rất ổn, những biến động về lạm phát, tỷ giá năm 2008 chỉ là nhất thời, tôi không khó bị thuyết phục bởi những dự báo như nói trên về xu hướng của TTCK Việt Nam.


Tôi đã dứt bỏ công việc quản lý cấp trung tại một doanh nghiệp nước ngoài và hăm hở bước vào thị trường chứng khoán. Với kinh nghiệm của một quản trị cấp trung, ban đầu tôi chỉ đầu tư thăm dò với phần nhỏ vốn của mình. Và như một số người hay đùa “cờ bạc đãi tay mới”, tôi đã có khoản lợi nhuận rất tốt, một bằng chứng rất thuyết phục cho quyết định tham gia thị trường.


Sau thành công ban đầu với lượng vốn nhỏ chỉ là đầu tư thăm dò, tôi đã quyết chí gắn bó với nghề và dồn toàn bộ vốn tích lũy để đầu tư. Với bản tính ham học hỏi, hàng ngày xách laptop lên sàn “ngồi đồng” để vừa theo dõi bảng điện, vừa học hỏi từ các nhà đầu tư (NĐT) đàn anh, các bạn môi giới, lướt tin tức trong nước, quốc tế, tìm kiếm tài liệu về phân tích kỹ thuật để nghiền ngẫm. Sau bữa cơm tối lại “ngồi đồng” với cái laptop để đọc tin tức, lướt các diễn đàn mạng về chứng khoán, theo dõi diễn biến của các chỉ số Dow Jones, S&P500, Nasdaq...


Suốt cả năm 2010, chỉ số VN-Index có dao động nhưng không lớn, trào lưu đầu tư theo “đội lái” rất thịnh hành. Dù với bản tính rất bảo thủ, thận trọng, tôi cũng không đứng ngoài trào lưu đó và cũng có lúc lãi lúc lỗ. Nhưng chốt lại năm 2010 lãi cũng chỉ ngang mức gửi tiết kiệm.


Năm 2011 thực sự là một năm khó khăn và khốc liệt. Tôi không thể nhớ đã bao nhiêu lần mua rồi cắt lỗ. Và tổng kết thành quả năm 2011, tôi đã thua lỗ 60% số vốn đầu tư ban đầu.


Khởi đầu năm 2012, thị trường đã có sự khởi sắc, giá tăng và thanh khoản cũng tăng mạnh. Với tâm lý gỡ gạc, tôi đã quyết định thử với vay ký quỹ. Đồng hành với sự lên xuống của chỉ số VN-Index, tại con sóng đầu năm 2012 thì tôi đã lấy lại gần như toàn bộ thua lỗ của năm 2011 nhưng nửa cuối 2012 lại lỗ tiếp. Chốt năm 2012, lượng vốn của tôi chỉ còn khoảng gần 20% so với vốn đầu tư ban đầu. Một nỗi xót xa khôn tả!


Rút kinh nghiệm từ thất bại những năm 2011-2012, tôi xác định nói không với tin đồn, nói không với "đội lái" và nói không với vay ký quỹ. Tôi tự phân tích tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tự phân tích biểu đồ kỹ thuật các mã cổ phiếu, theo dõi diễn biến giao dịch các mã đó một thời gian rồi mới mua và nắm giữ. Với lượng vốn còn lại ít ỏi, để trở về vốn đầu tư ban đầu sẽ là một quá trình rất rất lâu. Vì vậy, tôi đã vay mượn thêm ít vốn của người thân để tránh bị áp lực như vay ký quỹ hay cầm cố. Và năm 2013 đã cho tôi một chút thành quả theo chiến lược này. Tuy nhiên, chút thành quả đó cũng chỉ là “bắt cua trong hang” vì chưa hiện thực hóa lợi nhuận hay nói nôm na là chưa “chốt lãi”.


Niềm vui ngắn chẳng tày gang - Một chút vui mừng trong năm 2013 được duy trì thêm đến đầu 2014 để sau đó lại là những nỗi thất vọng. Nào là khủng hoảng địa chính trị ở Ukraina, nào là sự kiện biển Đông, sự kiện bắt chủ tịch Tập đoàn Đại dương (OGC), giá dầu thế giới giảm sốc và cuối cùng là Thông tư 36. May mắn là không hề vướng víu tới “đòn gánh, đòn bẩy”, xác định mua và nắm giữ. Nhưng nhìn lại gần 1 năm rưỡi qua theo đuổi chiến lược đầu tư này, giá cổ phiếu không nhích lên được “line” nào, có mã cổ phiếu giá còn giảm về đáy từ khi niêm yết dù doanh thu năm 2014 đã tăng gấp 4 lần năm 2013, lợi nhuận năm 2014 tăng gấp đôi năm 2013 và 4 năm qua doanh nghiệp chưa từng có năm nào kinh doanh bị thua lỗ. Thế là lại thất bại với chiến lược mua - nắm giữ!


Phải nói chân tình rằng, sau 5 năm tham gia thị trường, không những thất bại nặng nề mà tới lúc này tôi không còn chút niềm tin vào thị trường, không biết phải đầu tư như thế nào mới thành công?


5 năm trôi qua, tôi cũng đã phải trả cái giá quá đắt: suốt ngày chỉ ngồi đồng với cái laptop, ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán, cuộc sống tằn tiện, thua lỗ nặng đến mức đi đâu không dám giới thiệu làm nghề gì nên cũng không dám đi ra ngoài. Thân phận NĐT chứng khoán sao mà tủi! Mà tôi có làm gì xấu đâu? Tôi đầu tư bằng tiền mồ hôi nước mắt của bản thân và của người thân tôi đấy chứ? Thế mà lúc mới tham gia, tôi đã tự huyễn hoặc rằng TTCK là một thị trường bậc cao nên NĐT chắc hẳn cũng được ngẩng cao đầu!


Đã từng nghĩ đến chuyện tìm công việc khác để làm, nhưng ở cái tuổi trung niên, đã 5 năm ẩn mình vì chứng khoán giờ biết làm sao đây?


Thế là lại một cái Tết ảm đạm nữa sắp đến. Biết trách ai, trách mình hay trách cái nghề bạc bẽo này đây!


Thùy Duyên

Tổng số lượt xem trang