-Vịn cớ “không phép” để đập bỏ cây cầu “lòng tốt của dân”.
Nhận thấy cây cầu cũ đã xuống cấp, một số hộ dân nhà số chẵn ở đường 36, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM đã tự nguyện góp tiền xây một chiếc cầu bắc qua con rạch nhỏ. Sau hơn 1 năm được sử dụng, phường phát hiện ra cầu xây trái phép liền đập bỏ.
Sự việc khiến cho nhiều người dân tại địa bàn bất bình, vì cho rằng chính quyền đã quá cứng nhắc khi xử lý "mạnh tay" như vậy.Nhận thấy cây cầu cũ đã xuống cấp, một số hộ dân nhà số chẵn ở đường 36, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM đã tự nguyện góp tiền xây một chiếc cầu bắc qua con rạch nhỏ. Sau hơn 1 năm được sử dụng, phường phát hiện ra cầu xây trái phép liền đập bỏ.
"Chủ trương của Nhà nước khi xây dựng nhiều công trình là kêu gọi chính quyền và nhân dân cùng làm. Xét về bản chất, đây là việc làm tốt của người dân, có thể gọi là cây câu "lòng tốt của dân", vậy mà chính quyền lại vin vào một lỗi rất nhỏ để hủy hoại công sức và lòng tốt của người dân", một người địa phương nói.
Chưa hết vui mừng, đã lo lắng
Đường 36 (thuộc khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh) là một con đường đặc biệt. Giữa lòng đường, rạch Cầu Quán rộng 2m phân đôi con đường thành hai phía (đường của số nhà chẵn và đường của số nhà lẻ). Đường bên số nhà lẻ rộng rãi, ô tô có thể đi vào được. Tuy nhiên đường bên các hộ nhà chẵn rất hẹp, chỉ hai chiếc xe máy đi tránh nhau là choán hết đường.
Chính quyền địa phương đã xây dựng một cây cầu nhỏ, chỉ đủ một chiếc xe máy đi qua, nằm vị trí cuối con đường. Hiện tại cây cầu đã xuống cấp, có hiện tượng mục bể, viền bao một bên cầu bị "trôi" mất, phần lõi sắt trơ xương.
Để đảm bảo an toàn đi lại, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, ngụ nhà số 2/1, cùng nhiều số hộ nhà số chẵn quyết định hùn tiền xây dựng cây cầu mới ngay chính giữa đường 36.
Chị Thảo cho biết: "Cây cầu cũ cuối con đường hư hỏng nhiều, đi lại rất nguy hiểm. Ngõ bên chúng tôi có rất nhiều người già, thỉnh thoảng đi cấp cứu nhưng xe chỉ vào được đường số nhà lẻ, thanh niên phải bế các cụ chạy vòng xuống cuối đường rồi vòng lên rất mệt. Xe ba gác đi gom rác phải kéo từng bì đi vòng rất khó nhọc... Thấy vậy, tôi cùng một số hộ dân bàn tính với nhau hùn tiền xây cây cầu mới nằm trên vị trí đường rộng nhất thông qua ngã ba. Khi ý kiến được đưa ra, tất cả các hộ đều đồng ý. Cuộc sống người dân ở đây khó khăn nên hộ nào ủng hộ được chừng nào hay từng đó, số còn lại gia đình tôi bỏ ra".
Trước khi triển khai, các hộ dân đã mời thợ xây có thâm niên và kinh nghiệm xây cầu về tính trọng tải cây cầu sao cho an toàn nhất.
Theo lời họ: "Chúng tôi cần xây chiếc cầu chắc chắn, đảm bảo đi lại lâu dài, không tiếc kinh phí". Cuối tháng 2/2014, chị Thảo đại diện các hộ dân thuê thợ về làm cầu. Kết cấu gồm 5 thanh thép hình chữ I loại phi 200 bắc qua con rạch, đổ bê tông cát đá 1x2. Ngày 4/3/2014 chiếc cầu có diện tích rộng 2,6m, dài 2,9m được hoàn thành. Sau 1 tuần, chiếc cầu đưa vào sử dụng trong sự mừng rỡ của người dân.
"Khánh thành chiếc cầu, chúng tôi mua bánh kẹo về ăn mừng. Nhờ chiếc cầu mới, đi lại được thuận tiện hơn nhiều, xe ba gác, xe chở rác có thể băng qua bên đường các hộ nhà số chẵn. Trước đây cỏ mọc rậm quanh con rạch, rác thải ùn tắc tạo mùi hôi thối. Từ khi xây cầu, con rạch được dọn vệ sinh, không còn mùi hôi nữa. Buổi trưa, thỉnh thoảng các bà già bế cháu ra cầu ngồi hóng mát, trò chuyện rất vui vẻ", bà Nguyễn Thị Mai (55 tuổi, ngụ nhà số 2/4) cho hay.
Niềm vui có cây cầu mới chưa được bao lâu, cuối tháng 3/2014, người dân sững sờ khi thấy cán bộ phường xuống lập biên bản. Ngày 19/4/2014, các hộ dân nhận được thư mời của UBND phường Hiệp Bình Chánh, 8h sáng lên UBND làm việc với lý do "Trao đổi về vấn đề xây dựng cầu không phép".
"Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản cầu cũ xuống cấp đã lâu mà nhà nước chưa có điều kiện làm lại, người dân có tiền thì hùn nhau xây thêm chứ không nghĩ "bị liệt" vào danh sách không phép. Chỉ khi UBND phường mời lên làm việc, chúng tôi mới vỡ lẽ", chị Thảo thở dài.
Vẫn bị quy là "trái phép" dù được lòng dân
Ngày PV xuống địa phương làm việc, rất nhiều người dân tập trung tại chiếc cầu bị phá bỏ, buồn bã trình bày: "Cây cầu mới đó còn chắc chắn, giờ trở thành hoang phế rồi. Hơn 30 triệu đồng chúng tôi "bóp miệng" góp lại xây cầu giờ cũng tan biến. Cũng tại mình thiếu hiểu biết nên mới xảy ra sự đáng tiếc này".
"Sau khi giải quyết xong xuôi, ngày 19/5, chúng tôi làm đơn nhận lỗi xây cầu trái phép do thiếu hiểu biết, xin phường cho giữ lại cây cầu. Trong đơn, không chỉ riêng hộ nhà chẵn, các hộ nhà lẻ cũng đồng tình ký vào đơn. Để chắc chắn, tôi lên phường hỏi ý kiến thì gặp phó chủ tịch phường ngoài cổng, ông này cho rằng đang bận nên trả lời ngắn gọn: "Chị yên tâm. Tôi đang gửi công văn ra quận xin giữ lại cây câu dân sinh đó rồi'", chị Thảo thuật lại.
Nghe câu trả lời trên, người dân đường 36 thở phào nhẹ nhõm, họ cứ nghĩ chắc rằng cây câu chắc chắn ấy sẽ được giữ lại. Không ngờ, ngày 15/1/2015 vừa qua, họ sững sờ khi nhận được công văn của phường yêu cầu phá dỡ cây cầu. Ngay hôm sau, UBND phường thực hiện cưỡng chế.
Bà Mai ứa nước mắt: "Nhìn họ đập cầu mà chúng tôi chua xót quá. Để có tiền góp xây cầu, tôi phải đi vay mượn. Để phá cây cầu, phường phải dùng đến máy khoan bê tông phá. Đến buổi chiều tối, lớp bê tông trên cầu mới phá được. Người dân bức xúc, lấy điện thoại quay lại thì bị một cán bộ dọa nạt "bắt hết lên phường những người dám quay phim, chụp ảnh". Tiếc quá, xót quá".
Nghe lời bà Mai nói dứt lời, rất nhiều người ứa nước mắt theo. "Phá cây cầu xong mà UBND phường cũng không làm rào chắn lại. Hôm trước đi làm khuya về, quên mất chiếc câu đã bị phá, may có anh bạn hốt hoảng gọi lại, chứ không tôi đã rơi tõm xuống mương rồi. Chiếc cầu mới bị phá, phường có sửa lại cầu cũ cho chúng tôi đi lại không?", anh Lâm Văn Hậu (ngụ số nhà 2/3) bức xúc.
Trao đổi với PV, ông Vũ Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh cho rằng: Rạch Cầu Quán là tuyến rạch trọng điểm thoát nước chung của toàn khu vực khu phố 7 và khu phố 8 phường Hiệp Bình Chánh (khoảng 1.800 hộ dân). Tuyến rạch này do Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước Thành phố trực tiếp quản lý. Việc đầu tư xây dựng công trình trên tuyến rạch Cầu Quán đều phải có ý kiến chấp thuận của Sở Giao thông vận tải và Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước Thành phố.
Ông Bảo cũng cho rằng: Một số ít hộ dân tại đây (đại diện là chị Nguyễn Thị Thanh Thảo) đã tự đầu tư kinh phí xây dựng cầu tạm không phép bắc qua rạch Cầu Quán.
"Hành vi xây dựng cầu tạm của một số hộ dân không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật, chưa được cơ quan có thẩm quyền thỏa thuận, cấp phép xây dựng. Mặt khác, cây cầu xây dựng tạm có quy mô nhỏ, không có lan can bảo vệ, dạ cầu thấp có khả năng gây ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước của người dân khu phố 7, 8.
Từ tháng 3/2014 khi phát hiện cây cầu xây không phép, UBND phường đã nhiều lần trao đổi trực tiếp với chị Thảo đề nghị liên hệ các cơ quan chức năng lập thủ tục xin phép xây dựng theo quy định nhưng chị Thảo và các hộ dân vẫn không thực hiện. Vì vậy, phường mới cưỡng chế phá bỏ cầu để đảm bảo tính mạng của chính người dân", ông Bảo nói.
Chị Thảo trình bày: Nhận được giấy mời, chị cùng đại diện 3 hộ dân nữa lên phường “làm việc", đại diện bên phường là nữ cán bộ tên Trang. Suốt buổi trao đổi, chị Trang không hề nhắc đến cây cầu có phép hay không phép. Đại diện phường chỉ xoay quanh vấn đề: Những hộ nhà lẻ đã hùn tiền làm đường nhưng còn “âm” 20 triệu. Nếu những hộ bên số nhà chẵn muốn xây cầu bắc qua để đi bên đường số nhà lẻ thì phải góp cho họ số tiền thiếu. Chị Trang nói: “Thôi thì bên hộ nhà chẵn góp 10 triệu để giảm số tiền bị “âm" bên đó". Chị Thảo trả lời: “Thật sự rất nhiều hộ dân bên tôi cũng có hoàn cảnh khá khó khăn. Họ đã góp tiền làm cầu rồi, giờ gia đình tôi bỏ 5 triệu đồng, số còn lại tôi sẽ về vận động thêm bà con”.
Sau khi về đến nhà, trình bày sự việc, tất cả các hộ dân đều đồng ý góp tiền làm đường bên kia. Ngày hôm sau, chị Thảo đại diện hộ nhà chẵn đưa sang đại diện hộ nhà lẻ 10 triệu đồng, lấy ý kiến họ, nhưng tất cả đều bảo: “Không bị “âm" tiền, số tiền đó cất đi, khi nào con đường bị hỏng thì lấy kinh phí đó sửa".
Theo Hà Lê
(Xa lộ & Pháp luật)