Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông - Phần III. Chương 37


-

Chương 37

Ngày 25 tháng 6, một ngày nắng chói chang, nóng như thiêu như đốt, chúng tôi rời Trường Sa. Chúng tôi đi bằng ô tô trên những con đường làng gồ ghề, bụi bặm, không lát gạch. Xe của chúng tôi không có điều hoà nhiệt độ, nên bụi luồn qua các cửa kính xe đang mở. Đã thế, mồ hôi chúng tôi tuôn ra như tắm, hai tiếng sau, chúng tôi tới trụ sở huyện Tương Đàm, nhìn chúng tôi tới, người ta cứ tưởng chúng tôi vừa ở đầm lầy chui lên. Bí thư huyện uỷ Tương Đàm, Hoa Quốc Phong đã nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi. Đó là lần đầu tiên Mao cũng như tôi gặp người đàn ông mà 15 năm sau trở thành người kế nhiệm ông. Chúng tôi nghỉ ngơi một lúc ở Tương Đàm, trò chuyện với Hoa. Hoa Quốc Phong không đi tháp tùng, vì Mao sợ rằng dân làng Thiếu Sơn sẽ không dám nói hết sự thật khi có người lãnh đạo huyện đi cùng.

Làng Thiếu Sơn cách huyện lỵ Tương Đàm chừng 40 phút ô tô. Mao nghỉ lại ở một nhà trọ cũ nằm trên một quả đồi, trước đây của những người truyền giáo Tin Lành (mỗi một làng vùng sâu vùng xa như Thiếu Sơn đều có nhà thờ dòng Tin Lành). Tôi ngủ trong một ngôi trường nằm dưới chân quả đồi. Đêm đến không khí thật ngột ngạt. Nằm trong màn, tôi cảm thấy chiếc giường tôi đang nằm chật chội đến nỗi tôi không tài nào chợp mắt nổi.

Khoảng 5 giờ sáng, Lý Ẩm Kiều gọi tôi dậy. Cả Mao cũng không ngủ được, muốn tôi đi dạo với ông. Chúng tôi gặp nhau trước cửa nhà khách của ông, đi xuống đồi với La Thuỵ Khanh, Vương Nhiệm Trọng, Chu Tiểu Châu và một đám vệ sĩ. Mao đứng lại trước một nấm mộ nằm giữa rừng thông. Đến khi ông cúi xuống có vẻ kính cẩn, tôi mới biết rằng chúng tôi đang đứng trước ngôi mộ của cha mẹ ông. Thẩm Đông, một người trong đám vệ sĩ nhanh nhẹn hái một bó hoa rừng và Mao đặt bó hoa lên trên mộ, rồi vái ba vái. Mọi người vái theo ông. Mao nói: “Ở đây có một tấm bia đá, sau bao nhiêu năm nó đã biến mất rồi”. La Thuỵ Khanh đề nghị nên cho sửa sang lại ngôi mộ nhưng Mao không đồng ý.
- Tôi đến tìm thấy chỗ này là đủ rồi. (Trong cuốn phim về Mao khi Mao thăm Thiếu Sơn lần thứ hai. Mao thấy một tấm bia đá đã được dựng lên).
Chúng tôi liếp tục đi xuống đồi, đến ngôi nhà của gia đình Mao. Mao lại dừng lại ngạc nhiên nhìn quanh và hình như ông muốn tìm kiếm một cái gì đó. Chỗ này trước kia có bệ thờ Phật mà Mao vẫn thường kể. Trước bệ thờ này, thân mẫu ông thường ra đó đốt hương rồi lấy tro để cho Mao ăn mỗi khi đau ốm vì bà tin rằng con trai bà sẽ khỏi bệnh. Cũng như tấm bia đá, chiếc bệ thờ nhỏ đó đã không còn nữa. Mấy tháng trước đây, khi các công xã được thành lập, người ta đã dỡ bệ thờ, bởi vì người ta cần gạch để xây lò luyện kim gia đình và ván gỗ để đốt lò.
Mao lặng đi. Ông rất buồn vì chiếc bệ thờ đã bị phá. Ông nói:
- Tiếc thật, đáng lẽ người ta đừng nên động đến bệ thờ. Những người nông dân đáng thương không có điều kiện đi khám bệnh sẽ có thể đến đây cầu trời và ăn tàn hương. Bệ thờ sẽ mang lại cho họ niềm hy vọng. Con người cần được giúp đỡ và an ủi.
Tôi cười, nhưng ông coi đó là việc nghiêm túc.
- Đồng chí đừng coi thường tác dụng của tàn hương.
Ông nhắc lại, theo ông thuốc chỉ dùng cho những căn bệnh có thể điều trị được.
- Ngược lại, tàn hương mang đến cho người ta sức mạnh để cưỡng lại bệnh. Đồng chí là bác sĩ, đồng chí phải hiểu tâm lý đóng một vai trò quan trọng như thế nào chứ?
Chúng tôi vào thăm ngôi nhà của gia đình Mao. Bấy giờ ngôi nhà đã trống rỗng. Sự sùng bái Mao mới chỉ manh nha, nên ngôi nhà vẫn không có gì thay đổi. Những dụng cụ làm ruộng cũ kỹ vẫn sạch sẽ, xếp thành hàng dưới hiên nhà. Người ta chỉ có thể đọc được những dòng chữ cho biết đây là ngôi nhà mà Mao đã sống thời thơ ấu trên một thanh gỗ bắc ngang ở cửa ra vào. Ngôi nhà được xây theo kiểu đặc trưng của vùng này, nhà tranh vách đất đơn sơ. Với tám căn phòng quanh một chiếc sân. Chắc hẳn ngôi nhà là của một phú nông.
Thửa ruộng đã từng thuộc thân phụ Mao được một người làm công cày cấy trước kia, bây giờ thuộc về công xã nhân dân. Ngay sau nhà, một cái ao có cây cối bao quanh. Mao nói:
- Tôi thường bơi ở đây và cũng là nơi để cho những con bò uống nước – Mao kể về thời thơ ấu – Cha tôi rất nghiêm khắc. Ông thường nện chúng tôi. Một lần ông định vụt cho tôi mấy roi, nhưng tôi trốn được. Ông đuổi tôi quanh ao và chửi rủa tôi là thằng con bất hiếu. Tôi cũng cãi lại, cha tàn nhẫn thì con mới bất hiếu.
Mao kể thân mẫu của ông, một phụ nữ xởi lởi, tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Bà cùng với Mao và người em trai của Mao hợp thành một “mặt trận thống nhất” chống lại thân phụ của Mao.
- Cha tôi mất đã lâu. Nếu ông còn sống đến ngày nay hẳn người ta đã quy ông là phú nông và đấu tố ông rồi.
Ông đi thăm họ hàng để tận mắt thấy được kế hoạch Đại nhảy vọt tác động đến họ như thế nào. Chỉ có phụ nữ và trẻ em ở nhà. Còn đàn ông đi làm ở những lò luyện kim xa nhà hoặc ở những đập nước. Thoại nhìn, Mao đã có thể cảm nhận được cuộc sống của các gia đình ở Thiếu Sơn khó khăn như thế nào. Tất cả nồi, chảo đều bị ném vào lò luyện kim, trong làng người ta chẳng giữ lại được cái nào. Mọi người phải đến ăn ở nhà ăn công cộng, bởi vì họ lấy đâu ra nồi để nấu. Nhưng giá mà có nồi niêu, họ cũng không thể nấu ăn được, bởi vì những cái bếp bằng đất của họ cũng đã bị phá đi để làm phân bón cho đồng ruộng. Buổi chiều, Mao cùng đi tắm với mọi người tại hồ chứa nước mới xây ở Thiếu Sơn, chuyện trò với nhân dân địa phương về công trình thuỷ lợi này. Mọi người đều phê phán công trình trên. Bí thư đảng uỷ công xã đã ép mọi người phải hoàn thành hồ chứa nước này quá gấp nên trong hồ đã xuất hiện một chỗ rò rỉ nước. Ngoài ra sức chứa của hồ quá ít ỏi đến nỗi mỗi khi mưa xuống. người ta phải xả bớt để nước khỏi tràn ra ngoài.
Những người lãnh đạo công xã gọi người của họ từ nơi làm việc về, Mao đã mời họ, khoảng 50 người đi ăn tối trong một quán trọ. Họ đều phàn nàn về những nhà ăn công cộng. Các cụ già không thích vào đó vì họ thường bị thanh niên chen lấn. Còn những người trẻ tuổi không thích đến đó vì họ không bao giờ được ăn uống no nê. Những trận đấm đá tranh nhau miếng ăn xảy ra liên miên và trong những cuộc ẩu đả đồ ăn thức uống vung vãi tứ tung.
Mao hỏi dò mọi người về lò luyện kim gia đình. Ông chỉ nghe thấy những lời than phiền. Ở khu vực này chẳng có quặng, mỏ gì. Người ta phải khai thác những loại than kém phẩm chất tại chỗ để đốt lò. Đã vậy vì không có quặng sắt nên chỉ còn cách duy nhất để hoàn thành chỉ thị là sung công tài sản của nông dàn. Cho nên thành phẩm ra lò chỉ là những cục sắt vô dụng. Khi Mao ngừng hỏi, căn phòng chìm trong yên lặng. Một bầu không khí ảm đạm trùm lên tất cả chúng tôi. Kế hoạch Đại nhảy vọt Thiếu Sơn đã không thành công. Mao nói:
- Nếu ở nhà ăn tập thể các đồng chí không được ăn no, tốt hơn hãy đóng cửa. Nếu không thì nó chỉ lãng phí lương thực. Còn đập nước, theo tôi, mỗi làng cũng chẳng cần có hồ dự trữ nước riêng của mình làm gì. Nếu xây những hồ chứa nước không đúng quy cách có ngày gặp hoạ. Và nếu không luyện được thép có chất lượng cao, tốt hơn các đồng chí đừng nên làm nữa.
Những lời nói của Mao đã hợp pháp hoá việc Thiếu Sơn là làng đầu tiên ở Trung Quốc giải tán các nhà ăn công cộng, đình chỉ việc xây dựng các hồ chứa nước, dỡ bỏ dần những lò luyện kim. Những lời nói của Mao tuy chưa được công bố, nhưng được mau chóng truyền miệng lan đi khắp nơi. Chẳng bao lâu, tại nhiều nơi những công trình trên đã bị đình chỉ.
Chuyến viếng thăm làng Thiếu Sơn đã đưa Mao trở lại với thực tế. Đến khi chúng tôi trở lại Vũ Hán, niềm cao hứng của Mao đã tiêu tan. Nhưng ông luôn luôn khẳng định, những chương trình chính trị như trên về cơ bản vẫn đúng, có điều người ta phải thực hiện chúng một cách từ từ hơn. Ngay đến lúc này ông cũng không muốn làm nguội đi lòng nhiệt tình của quần chúng. Vấn đề là ở khâu cán bộ. Làm sao người ta có thể đưa những người cán bộ trở lại với thực tế mà không làm tổn hại đến tinh thần của họ, hoặc không tạo ra một bầu không khí nặng nề trong dân chúng? Đó là vấn đề tuyên truyền. Làm sao người ta có thể động viên được cả cán bộ cũng như nông dân mà vẫn làm cho họ đứng vững được. Mao quyết định triệu tập một cuộc họp để bàn về tuyên truyền. Cuộc họp diễn ra ở Vũ Hán.
Ngày 28-6-1959 chúng tôi gặp nhau ở Vũ Hán, nơi có tiết trời nóng như thiêu như đốt. Vương Nhiệm Trọng đề nghị nên họp ở nơi có khí hậu dễ chịu hơn. Ông đề nghị họp ở Thanh Đảo, địa điểm của cuộc họp hồi mùa hè năm 1957, nhưng Mao nhớ đến lần bị cảm nặng ở đó nên đã từ chối.
Kha Thanh Thế, thị trưởng thành phố Thượng Hải đề nghị địa điểm họp ở Lư Sơn, nơi nghỉ mát nổi tiếng ở vùng núi gần sông Dương Tử thuộc tỉnh Giang Tây và cũng là nơi Tưởng Giới Thạch thường triệu tập các cuộc họp của Quốc dân đảng, ở độ cao 1500 mét, tiết trời chắc sẽ mát mẻ, dễ chịu. Ngoài ra, từ Vũ Hán đến Lư Sơn cũng không xa lắm, chỉ cần đi tàu thuỷ dọc sông Dương Tử là tới. Quan trọng là nhiều cán bộ lãnh đạo đảng đã có mặt ở Vũ Hán, nên việc đưa họ đến Lư Sơn không thành vấn đề.
Mao đồng ý đề nghị này. Đảng sẽ họp ở Lư Sơn.

Tổng số lượt xem trang