-
Chương 38
Những nơi khác tình hình còn tệ hơn ở Thiếu Sơn. Nạn đói khủng khiếp lan ra khắp cả nước. Ở tỉnh An Huy, nơi lần đầu tiên bí thư tỉnh uỷ Tăng Huy Sinh đưa Mao đi xem những lò luyện kim gia đình, lại là nơi bị ảnh hưởng hết sức nặng nề, cũng giống như ở tỉnh Hà Nam nơi chúng tôi đã đến thăm vào tháng 8-1958 để thị sát những công xã nhân dân mới được thành lập. Tại một vài nơi vùng sâu vùng xa, mật độ dân số thưa thớt, như ở Cam Túc đã có người chết đói. Nông dân ở tỉnh Tứ Xuyên cũng bị chết đói. Tứ Xuyên, tỉnh đông dân, rộng hơn nhiều tỉnh khác, được coi là vựa lúa của Trung Quốc. Tại đây tháng ba năm 1958 Mao đã tuyên truyền kế hoạch của ông, trong 15 năm tới Trung Quốc sẽ vượt nước Anh về sản lượng. Như trong lịch sử đã từng xảy ra, vì nạn đói, hàng chục ngàn nông dân đã bỏ làng ra đi.
Tôi chưa từng chứng kiến nạn đói khủng khiếp bao giờ. Nhóm Một vẫn được bảo đảm an toàn không bị ảnh hưởng của nạn đói. Trên đường đến Lư Sơn, tôi nghe được tất cả những điều này khi tôi đi cùng với Mao, những người cộng tác của ông và những cán bộ lãnh đạo các tỉnh xuôi theo dòng Dương Tử hùng vĩ. Điền Gia Anh cũng ở trên tàu, ông còn nhớ như in chuyến thanh tra kéo dài sáu tháng ở Hà Nam và Tứ Xuyên theo lệnh của Mao. Trên boong tàu, tôi đứng bên cạnh ông, Lâm Khắc và Vương Kính Tiên, người giữ chức vụ của Uông Đông Hưng, chịu trách nhiệm bảo vệ Mao. Điền Gia Anh đã mô tả nạn đói khủng khiếp ở Tứ Xuyên. Chỉ tiêu sản lượng thép hết sức lạc quan trong năm 1959 đã giảm từ 20 triệu tấn xuống 13 triệu tấn. Nhưng vẫn còn 60 triệu nông dân và những người khỏe mạnh làm việc ở những lò luyện thép, lẽ ra người ta cần họ làm việc ngoài cánh đồng. Việc phung phí lực lượng lao động này đã gây ra hậu quả thật trầm trọng. Tình hình càng trở nên bi đát hơn.
Điền Gia Anh không chỉ khổ tâm vì nhiều người bị chết đói mà trước hết ông lấy làm buồn về việc nhiều chính quyền địa phương đã tìm cách che đậy tình trạng khủng hoảng. Điền bảo, sự giả đối ngày càng trầm trọng, trắng trợn. Tờ Bản tin Nội bộ ngày càng trở nên vô nghĩa. Những kẻ dối trá vẫn còn dối trá, trong khi người ta lại công kích những người dám nói ra sự thật.
Cuộc trò chuyện lần đầu tiên chuyển hướng, chuyển dần sang đề cập trực tiếp đến Mao. Ông, một triết gia vĩ đại, một người lính vĩ đại, một nhà chính trị vĩ đại, nhưng lại là một nhà kinh tế tồi, tệ hại. Ông say mê đối với kế hoạch vĩ đại nên đánh mất sự liên hệ với nhân dân cũng như đã quên mất tác phong làm việc mà ông vẫn thường xuyên tuyên truyền. Muốn hiểu sự thật phải tìm hiểu bản chất sự việc, phải khiêm tốn, phải biết chú ý từng sự việc nhỏ nhặt hàng ngày. Đây chính là những nguyên nhân sâu xa đối với những vấn đề kinh tế của đất nước.
Vương Kính Tiên bắt đầu kể cho chúng tôi về những người tình của Mao. Vương nói, rất kinh tởm những việc làm xấu xa, đồi bại trong đời sống hàng ngày của Mao.
Mặc dù tôi biết, tình hình kinh tế rất tồi, nhưng tôi không biết nạn đói đã lan ra cả nước, hàng triệu người đã chết đói. Và tôi cũng rất ngạc nhiên khi người ta dám phê phán Mao. Anh bạn Điền Gia Anh của tôi thường ngày rất cẩn trọng, nhưng bây giờ lại dám nói thẳng, nói thật những điều tối nguy hiểm tới như vậy cho nhóm người gần gũi, phe cánh của Mao. Sự phát hiện của Vương Kính Tiên đã làm cho tôi ngạc nhiên. Vương chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh của Chủ tịch, trong số bạn bè, ông là người dè dặt. Còn tôi vẫn giữ im lặng như Lâm Khắc. Lâm Khắc vẫn còn chịu ơn Mao đã cứu trong vụ Những lá Cờ đen, biết nhiều hơn những gì mà người ta chỉ trích Mao.
Kha Thanh Thế, Vương Nhiệm Trọng và Lý Tinh Toàn, bí thư thứ nhất tỉnh uỷ tỉnh Tứ Xuyên đến nhập cuộc, tưởng chúng tôi đang tranh cãi sôi nổi về nạn đói.
Điền Gia Anh nói: “Chúng tôi nói đến những khó khăn về lương thực, thực phẩm. Mọi người sẽ bị chết đói mất”.
Lý Tinh Toàn đáp: “Trung Quốc, một đất nước rộng lớn. Dưới triều đại nào mà chẳng có người chết đói?” Ông có lý, những trận đói xảy ra thường lặp đi lặp lại là một phần của lịch sử Trung Hoa. Nhưng năm 1959, Trung Quốc đang ở giai đoạn giữa của kế hoạch Đại nhảy vọt. Thậm chí, trong khi nhiều người chết đói thì những lời tuyên truyền chính thức vẫn khẳng định thắng lợi tuyệt vời.
Vương Nhiệm Trọng nhắc lại lời Mao chủ tịch: “Mọi người vẫn tỏ ra hăng say với công việc hơn trước đây”. Cả hai vị bí thư tỉnh uỷ này đều hoàn toàn ủng hộ đường lối của Mao.
Kha Thanh Thế cũng ngả theo chính sách của Mao:
- Một số người chỉ chú ý đến những việc nhỏ, không nhìn ra những việc lớn. Họ mới chỉ nhìn sự tiêu cực nổi trên bề mặt, đã ca thán về mọi vấn đề. Chủ tịch cho rằng, những người như vậy dù có đứng trước dãy núi Đại Sơn cũng vẫn chưa nhìn ra nó.
Trước khi đến Lư Sơn trận tuyến đã rõ ràng. Vương Nhiệm Trọng, Lý Tinh Toàn và Kha Thanh Thế đã từng bị Mao ép: hoặc tăng sản lượng hoặc mất chức. Đúng ra, họ đã trở thành vật tế thần của Mao. Vì họ đã tán dương Đại nhẩy vọt, không nhìn thấy sự yếu kém tệ hại trong vấn đề kinh tế, lại còn mớm những số liệu thống kê gian lận lên trung ương, vì họ biết ở đó người ta muốn nghe điều gì. Họ được các cán bộ trung ương như La Thuỵ Khanh, Dương Thượng Côn ủng hộ, mặc dù phạm vi công việc của hai người không phải là kinh tế, nhưng họ bao giờ cũng tán đồng những chính sách Mao ưa thích. Hai người đã từng bị Mao phê bình, họ không dám chọc giận lần nữa ngoài việc ủng hộ Mao. Họ ủng hộ Mao không phải vì niềm tin mà vì quyền lợi lâu dài của bản thân, có thể họ đã tính toán kỹ lưỡng hoặc giả ngây thơ, hoặc ngu dốt không nhìn thấy thực trạng nền kinh tế suy thoái đang lan rộng trên toàn quốc.
Những người chỉ trích Mao chủ yếu có hai thái độ. Một là, đại diện của những người lập kế hoạch như Bạc Nhất Ba, chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhà nước và Lý Phú Xuân, người được giao chức chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch nhà nước. Họ có nhiệm vụ phải thực hiện bằng được những chỉ tiêu về sản lượng và lập ra những kế hoạch phù hợp. Khi bắt đầu thực hiện kế hoạch Đại nhảy vọt, Bạc Nhất Ba đã khước từ việc quy định những chỉ tiêu không thực tế về sản lượng. Nhưng sau đó dưới áp lực của Mao ông đã phải nhượng bộ. Khi Bạc nhận ra được hết mức độ của cuộc khủng hoảng, đã ra lệnh cho ban tham mưu của ông chuẩn bị sẵn một bản tường trình tỉ mỉ và trung thực. Nhưng vì cảm thấy Mao rất khó chịu với những lời chỉ trích, nên ông không dám liều trình bày bản báo cáo với Mao. Trong một trao đổi qua điện thoại, ông đã uỷ nhiệm cho những người dưới quyền trong nước phải hoàn thành vượt mức sản lượng kế hoạch. Ông tin những kế hoạch kinh tế táo bạo của Mao sẽ thất bại, nhưng không dám cả gan thách thức Chủ tịch. Chẳng khác gì Lý Phú Xuân, Bạc Nhất Ba chưa bao giờ dám công khai chỉ trích kế hoạch Đại nhảy vọt.
Nhóm người chỉ trích thứ hai là những người phụ trách các cuộc thanh tra ở các tỉnh, họ biết được cuộc thảm hoạ từ những nguồn tin đáng tin cậy. Họ không những là các nhà kinh tế – kế hoạch, mà còn chịu trách nhiệm thi hành kế hoạch đồ sộ của Mao. Nhưng họ biết cuộc khủng khoảng sẽ trầm trọng ra sao. Những bí thư chính trị của Mao – Điền Gia Anh, Hồ Kiều Mục và Trần Bá Đạt – cũng thuộc nhóm này. Nhiệm vụ của họ, thuật lại trung thực những bản báo cáo.
Khi những người chỉ trích thảo luận, như chúng tôi đã làm trên chuyến du thuyền trên sông Dương Tử, đều nhất trí với nhau, những con số vượt chỉ tiêu sản lượng đã được báo cáo là vô lý và mâu thuẫn. Thực tế, những con số đó rất thấp, họ sẵn sàng báo cáo sự thật, nhưng lại không dám. Phần lớn họ là những kẻ xu thời, gió chiều nào theo chiều ấy. Ngay cả những người như Điền Gia Anh đã từng tham gia thanh tra biết rất rõ sự thật, hoặc người đứng đầu một tỉnh như Chu Tiểu Châu, không những thấy được mức độ của cuộc khủng hoảng ở địa phương của mình và đã chỉ trích cuộc Đại nhảy vọt mà còn chỉ trích cả Mao cũng một giuộc vậy. Trên tàu, Điền Gia Anh đã sẵn sàng tranh luận với Lâm Khắc về những vấn đề của đất nước, nhưng khi những người trung thành với Mao, như Kha Thanh Thế và Lý Tinh Toàn, nhập cuộc với chúng tôi bàn luận, ông ta lại lặng im.
Ngày 1-7-1959, chúng tôi ghé vào bến Cửu Giang thuộc tỉnh Giang Tây. Uông Đông Hưng, người đã ở lại Giang Tây để “cải tạo”, được đề bạt làm phó tỉnh trưởng, lên tầu chào chúng tôi. Ông phấn khởi báo cáo với Mao rằng, nhờ có mối quan hệ mật thiết với quần chúng và từ kinh nghiệm này ông đã học được nhiều điều quan trọng. Chủ tịch rất vui. Ông nói:
- Chỉ những cán bộ cao cấp thường không chịu liên hệ với quần chúng. Chúng ta phải sửa lại, mỗi người làm việc ở trung ương, thỉnh thoảng cần phải xuống làm việc ở các cơ quan của tỉnh.
Con đường cao tốc từ Cửu Giang đến Lư Sơn được rải nhựa rất tốt. Sau hơn một giờ đồng hồ chúng tôi đã đến vùng nghỉ mát mở rộng ở triền núi. Dương Thượng Côn, bí thư thứ nhất Trung ương đảng, Phương Chí Xuân, Chủ tịch Hội nghị đại biểu nhân dân tỉnh Giang Tây và phó tỉnh trưởng Uông Đông Hưng đã lo việc tiếp đón chăm sóc các vị lãnh đạo đảng. Trong khi Uông thi hành những biện pháp an ninh bảo vệ Mao, ông đã va chạm với Vương Kính Tiên. Vương vờ không tuân lệnh Uông, vì đã lâu Uông Đông Hưng không ở cùng Mao, do đó không hiểu Chủ tịch. Uông Đông Hưng không bao giờ tha thứ cho sự xúc phạm này. Sau này Vương Kính Tiên đã phải trả giá.
Mao sống trong một biệt thự hai tầng cũ của Tưởng Giới Thạch. Tôi được thu xếp ở trong một ngôi nhà gần đó. Ở đây lạnh và ẩm. Chúng tôi ở trên cao, nên những đám mây có thể ùa vào phòng nếu mở cửa sổ.
Hôm 2-7-1959, một ngày sau khi chúng tôi đến, Mao triệu tập Bộ chính trị họp mở rộng. Ông đặt tên cho cuộc họp là “Hội nghị Bàn Tiên”. Chúng tôi giống như những ông tiên sống giữa những đám mây, chẳng bận tâm lo lắng gì, muốn gì được nấy. Mao không muốn nội dung cuộc họp cứng nhắc. Những người lãnh đạo đảng có thể nói ra tất cả những gì còn chất chứa trong lòng. Ông đưa ra 19 điểm để tranh luận, khuyến khích những người tham dự được tự do phát biểu thẳng thắn.
Bắt đầu cuộc họp, Chủ tịch biết, sẽ có vấn đề chưa ổn đối với kế hoạch Đại nhảy vọt, nhưng cho rằng mọi người đã sẵn sàng đưa ra những biện pháp để điều chỉnh, giải quyết, không có lý do gì để lo ngại. Trong bài diễn văn ngắn chào mừng, ông đã ca ngợi thành quả của kế hoạch Đại nhảy vọt, ám chỉ đến những khó khăn, hy vọng những người tham dự cuộc họp biết đánh giá sức mạnh và tính sáng tạo của dân tộc Trung Hoa.
Mao tự tin kế hoạch Đại nhảy vọt sẽ không đổ vỡ. Tôi không rõ ông biết tình hình thực tế ra sao mà lại phát biểu như vậy. Chuyến về thăm quê rõ ràng đã làm cho ông hiểu vấn đề. Tất nhiên ông hiểu rõ sự thất bại, thiếu thốn lương thực thực phẩm một cách trầm trọng, biết rất nhiều nơi dân không còn thóc gạo, đã sẵn sàng thảo luận tìm ra biện pháp giải quyết. Nhưng tôi nghĩ trong lời phát biểu ngày 2-7-1959, ông vẫn còn chưa rõ tình hình khủng hoảng đã tới mức độ nào, vẫn nghĩ đảng đã làm tất cả để làm chủ tình thế.
Trong “Hội nghị Bàn Tiên”, một mặt, những đề nghị giải quyết vấn đề được tranh luận. Nhưng mặt khác cũng phải tìm ra cách giữ vững sự nhiệt tình của quần chúng. Để giải quyết khó khăn này, Mao kêu gọi quần chúng thắt lưng buộc bụng hơn nữa.
Những điều tôi ghi nhận được là ông đã từng nói:
- Nhiều người hỏi tôi: Nếu sản lượng của chúng ta tăng nhanh như vậy, tại sao việc cung cấp lương thực, thực phẩm lại tồi tệ đến thế? Tại sao nhân dân không có xà phòng và diêm? Tại sao phụ nữ không mua được cái cặp cài tóc. Nếu không thể giải thích được tình hình, không nên cứ cố lý giải. Chúng ta phải kiên trì chịu đựng cuộc khủng hoảng, tiếp tục phát huy quyết tâm, phát huy sức mạnh to lớn của chúng ta. Năm tới việc cung cấp sẽ được cải thiện tốt hơn. Sau đó, chúng ta sẽ làm rõ mọi vấn đề. Tóm lại, cần khẳng định rằng, tình hình nói chung là tốt đẹp. Trong một số lĩnh vực khác còn nhiều vấn đề, nhưng tương lại sáng lạn đang ở trước mặt chúng ta.
Tiếp theo bài phát biểu, các chính trị gia chia tổ, nhóm theo địa lý Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc, Đông, Nam và Tây Nam – để thảo luận những vấn đề của từng địa phương.
Buổi tối gặp Mao, ông bảo, cuộc họp sẽ kéo dài khoảng hai tuần. Ông tỏ ra dễ chịu, tâm trạng rất sảng khoái. Ông muốn đi thăm quan một vòng, vì Lư Son, một vùng núi non hùng vĩ có vẻ đẹp nổi tiếng.
Bác sĩ Vương Thọ Tống, giám đốc bệnh viện ở Giang Tây, tốt nghiệp Đại học y khoa tại Nhật, đã bố trí một khu vực trong bệnh viện dành cho đại biểu tham dự cuộc họp, kể cả những người tháp tùng. Vì vậy, ông đã nhận về nhiều cô hộ lý trẻ và khỏe từ các viện điều dưỡng gần đó ở vùng Lư Sơn. Ban lãnh đạo đảng của tỉnh đã tổ chức một buổi tối vui chơi giải trí. Tuân theo lệnh Mao, họ đã bố trí một buổi khiêu vũ say sưa với sự trình diễn của ban nhạc, đội văn nghệ của tỉnh Giang Tây. Những cô y tá trẻ cũng đến dự buổi khiêu vũ, chỉ vài ngày sau, Mao thường đổi đi đổi lại giữa hai y tá, Trọng và Ngọc vào phục vụ, một người trong nhóm khiêu vũ. Chủ tịch đã không cố giấu sự ve vãn, tán tỉnh đó của ông. Xung quanh khu biệt thự, an ninh được thắt chặt, bảo vệ tuyệt mật hoạt động riêng của Mao, nhưng chính ông lại kín kín hở hở chuyện vui vẻ với các cô gái trẻ trong buồng.
Cuộc họp diễn ra thuận lợi, Mao vui vẻ nói đùa, đã gọi điện cho Giang Thanh ở Bắc Đới Hà yêu cầu đừng đến. Có lẽ, ông sẽ gặp bà sau khi cuộc họp kết thúc.
Năm ngày sau khi chúng tôi có mặt ở Lư Sơn, một cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra trong Nhóm Một. Lý Ẩm Kiều giận tôi và Lâm Khắc, vì ông ta đã phải phục vụ hai “nhà trí thức”. Ngôi nhà tôi và Lâm Khắc được thu xếp ở không có điện thoại, nếu Chủ tịch có gọi buộc Lý Ẩm Kiều phải cử một vệ sĩ đến đón. Những người bảo vệ bực mình vì phải chạy đi chạy lại, nên đã đề nghị chúng tôi dọn đến ở trong văn phòng tại tầng trệt của biệt thự dành cho Mao. Chúng tôi từ chối, vì ở đó chật chội và không muốn chứng kiến cảnh những nữ khách của Mao ra vào thường xuyên. Ngoài ra, chúng tôi còn ngại Mao có thể nghi chúng tôi làm gián điệp. Chúng tôi khước từ, kiên quyết ở lại, điều tốt nhất cho chúng tôi.
Tuy nhiên sự bất đồng ý kiến đã gây ra mối bất hoà sâu sắc trong nội bộ Nhóm Một. Đó là một cuộc chiến của những người nông dân chống lại những người trí thức, trong đó một bên là Lý Ẩm Kiều và những người vệ sĩ, còn bên kia là Lâm Khắc và tôi.
Từ khi đến Lư Sơn. Mao cảm thấy ăn không ngon miệng. Người đầu bếp của ông, Lý Hỉ Vũ đã nấu cho ông những món ăn không ngon. Lý Ẩm Kiều đề nghị tôi giải quyết vấn đề này. Tôi trả lời, việc ăn uống không thuộc thẩm quyền của tôi. Lý đã phê phán tôi kiêu căng, quy trách nhiệm cho tôi. Chúng tôi cãi nhau mấy hôm, hoàn toàn quên chuyện đang có cuộc họp đảng quan trọng.
Điền Gia Anh đã kéo tôi trở lại với thực tế chính trị. Một hôm anh ta hỏi tôi:
- Đồng chí có biết trong cuộc họp quan trọng ở Lư Sơn không khí căng thẳng chẳng kém “tiểu đại hội” của đồng chí không?
Lúc đầu, tôi tưởng anh ta nói đùa. Bắt đầu cuộc họp, Mao thoải mái và vui vẻ như thế. Còn tôi bận tranh cãi với “tiểu đại hội” trong nội bộ Nhóm Một, nên không để ý. Tâm trạng của Mao đã thay đổi, không còn hay nói và thường tỏ ra ưu tư. Điền cố tìm hiểu mọi việc, hiểu ra đó là nguyên nhân khiến Mao ăn không ngon. Những cuộc thảo luận của các nhóm cán bộ địa phương kéo dài đã nhiều ngày. Tuy Mao không tham dự những cuộc thảo luận, nhưng được báo cáo và thông tin về kết quả của những cuộc thảo luận đầy đủ. Khi mỗi nhóm thảo luận, mọi người công khai phát biểu ý kiến, họ than phiền về sự khai gian những con số thống kê sản lượng. Họ nói, nạn đói đã lan ra khắp các vùng, trong khi rất ít người tham dự cuộc họp được đọc báo cáo.
Như một khán giả, Mao có thể phân biệt chính xác quan điểm của từng cán bộ cao cấp đối với kế hoạch “đại nhảy vọt”. Những người chỉ trích ông đã tính lầm. Họ đã phát biểu công khai, lại quên rằng Mao đã nói tình hình vẫn tốt đẹp, khó khăn chỉ tạm thời, không đáng kể. Bây giờ họ lại hiểu lầm sự im lặng của ông là tán thành, trong khi thực tế Mao đang bực tức đối với những chỉ trích. Ông thường nhấn mạnh, luôn hành động công khai, không hề có một âm mưu nào cả. Quan điểm của ông rõ ràng kéo cuộc họp mở đầu vào các cuộc tranh luận.
Nhưng có cái gì đó đã trở nên sai lầm nghiêm trọng. “Hội nghị Bàn Tiên” của Mao đã tan thành mây khói. Những điều chẳng lành sẽ còn xảy ra.