Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông - Phần III. Chương 52


-

Chương 52

Giang Thanh lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng 29-9-1962, hai năm sau khi hội nghị lần thứ 9. Lý do, gặp vợ tổng thống Indonessia Sukarno. Những bức ảnh về sự kiện này, bức ảnh đầu tiên về vợ Mao trên báo chí xuất hiện trên tờ “Nhân dân Nhật báo” ngày hôm sau. Khi Mao bắt tay vợ Sukarno, Giang Thanh, trong bộ âu phục trang nhã phương tây, đứng giữa, cười tươi, trong khi vợ Chu Ân Lai – Đặng Dĩnh Siêu đứng đằng sau. Tờ Nhân dân Nhật báo cũng đăng một số ảnh về Vương Quang Mỹ. Là người đứng đầu nhà nước trong buổi đón tiếp, Lưu Thiếu Kỳ cần phải đón tiếp Sukarno phu nhân ở sân bay. Uông tháp tùng vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ ra sân bay đón tổng thống Indonessia và phu nhân.

Sự xuất hiện công khai của Giang Thanh gây sự chú ý của đông đảo tầng lớp nhân dân. Điều này vi phạm sự cấm kỵ từ lâu không cho phép Giang Thanh dính vào chính trị. Nhưng với Vương Quang Mỹ lại khác, nghi lễ đòi hỏi sự có mặt của Chủ tịch phu nhân. Thực tế, sự xuất hiện của Giang Thanh có nghĩa vai trò hoạt động chính trị của bà bắt đầu. Giới văn hoá và nghệ thuật Trung Quốc chẳng bao lâu rơi vào tay bà. Như thế, chính văn hoá và nghệ thuật đã được đưa lên sân khấu từ cuộc “Cách mạng văn hoá vô sản vĩ đại” phát động.

Vai trò mới của Giang Thanh thoạt đầu làm cho cuộc sống của tôi dễ chịu hơn. Bà càng dính sâu vào chính trị, chứng ảo tưởng và chứng suy nhược thần kinh càng bớt. Tôi hiếm nghe thấy những lời phàn nàn hay các cuộc cãi cọ giữa bà và các cô y tá.
Nhưng Giang Thanh vẫn còn căm tôi, quyền lực chính trị cho bà điều kiện, phương tiện mới để trả thù. Cuộc trả thù đầu tiên của Giang Thanh xảy ra đầu năm 1963.
Tôi biết nhà hát kinh kịch Bắc Kinh mới cải biên và dựng lại vở “Hồng Mai”, thời trẻ tôi rất thích, bây giờ vở kinh kịch này đổi tên thành “Lý Huy Nhân”. Những người hoạt động văn hoá và nghệ thuật, bao gồm cả Điền Hãn, một trong số kịch tác gia hàng đầu Trung Quốc, viết những bài báo ca ngợi vở kịch, trong đó một phụ nữ trẻ đẹp thiết tha trả thù cho cuộc sống bị áp bức của mình. Liêu Mạt Sa, giám đốc Phòng văn hoá tổng hợp Bắc kinh, bút danh Phạm Thắng ca ngợi vở kịch, xác nhận chẳng có gì sai lầm khi vở kịch thể hiện vai ma quỷ.
Tôi xem vở “Hồng Mai” lần cuối cùng từ khi còn nhỏ và ký ức của tôi về nội dung đã phai mờ nhiều. Tôi nhớ mang máng có cảnh hồn ma cô gái đẹp nhảy múa duyên dáng trong bộ quần áo lụa trắng trong suốt. Là người say mê kinh kịch Bắc Kinh, tôi muốn xem vở dàn dựng mới. Nhưng công việc với Mao không dành cho tôi thời gian.
Tại đây có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, một đêm, Mao nói chuyện với tôi về vở kịch. Mao không thấy thích thú với vở kịch vì lẽ trong đó có nhiều phụ nữ trẻ đẹp, đối với kinh kịch, nam diễn viên đóng thế thường trung niên mới hay. Nhưng tôi nhớ trong vở Lý Huy Nhân có cả nam nữ diễn viên lớn tuổi tham gia. Tôi nói rằng Mao nên thưởng thức những cảnh các nghệ sĩ trẻ đẹp lượn lờ dọc sân khấu, gợi ý ông xem vở này.
Mao đồng ý:
- Hãy bảo họ diễn ở đây, trong Hội trường Hoài Nhân, khu Trung Nam Hải, như thế tất cả chúng ta có thể xem. Bảo Uông Đông Hưng thu xếp buổi diễn.
Buổi diễn trở thành sự kiện ở Trung Nam Hải. Bởi vì chính Mao đặt diễn vở, tất cả những nhà lãnh đạo cao cấp đều kéo đến hội trường. Thậm chí Lý Liên cũng đến xem cùng chúng tôi.
Giữa buổi diễn, ngồi ngay phía sau Mao, tôi đột nhiên hiểu rằng mình đã phạm sai lầm kinh khủng. Nói chung tôi đã không nhớ cốt truyện. Cao điểm của vở kịch đạt được khi tể tướng Nhà Thương, Giả Thạch Đảo, một lão già, từ thuyền trên Hồ Tây ở Hàng Châu – một nơi Mao thích – ngắm nhìn đoàn kỹ nữ múa hát. Nhiều tỳ thiếp trẻ của Giả Thạch Đảo vây quanh ông ta. Họ theo dõi người đẹp Lý Huy Nhân, một trong số tì thiếp yêu của Tể tướng, chợt thấy anh học trò nghèo, cô thốt lên sự ngưỡng mộ: “Chao ôi, sao chàng điển trai đến vậy!” Giả Thạch Đảo nghe thấy, ông giận điên người, ra lệnh xử tử người ái thiếp. Màn kịch, tôi còn nhớ, người tỳ thiếp từ cõi chết – hồn ma – hiện về báo thù kẻ vừa là tình nhân vừa là kẻ thù.
Chính thời điểm này, khi cô tì thiếp xinh đẹp thốt lên về sự ngưỡng mộ chàng trai trẻ, thái độ Mao đột ngột thay đổi. Ngoại trừ đôi khi nổi giận bất thường, ông hiếm khi cho phép mình công khai thể hiện sự không hài lòng trước công chúng. Nhưng tôi quá hiểu ông, không cần nhiều lời, chỉ những thể hiện vẻ mặt bên ngoài – môi cong, mi mắt nâng lên, người cứng đờ ra… tôi hiểu, vở kịch vô tình đã lăng mạ ông. Vở kịch gần như công khai bóng gió đến cái gì đang xảy ra trong cung điện, những chàng trai ve vãn các tỳ thiếp xinh đẹp của Mao. Vở kịch gợi lại việc “người cầm lái vĩ đại” từ chối cho một trong những cô nhân tình của mình đi lấy chồng, chàng trai trẻ cô yêu. Cô gái ấy đã gào lên, buộc tội lãnh tụ mang tính cách của kẻ tư sản.
Buổi diễn kết thúc, rèm sân khấu buông xuống, trong phòng vang lên tiếng vỗ tay hoan hô, Mao đứng dậy, vẻ buồn rầu, nhăn nhó, phẩy tay 3, 4 cái rồi bỏ đi. Thông thường sau buổi diễn, ông lên chúc mừng nồng nhiệt, cám ơn các nghệ sĩ, hôm nay không thế, ông lẳng lặng bỏ về. Ý định của tôi giải khuây cho ông, không ngờ lại kết thúc một cách thảm hại.
Tôi biết ông sẽ cáu tôi và dĩ nhiên tìm cách trả thù.
Ngay sau đó, một tờ báo hàng đầu của Thượng Hải, “Văn Hối Báo”, bắt đầu in những bài phê bình tác giả vở kịch và Liêu Mạt Sa – một trong số những nhà phê bình ca ngợi vở kịch. Tờ báo đánh giá vở kịch sai lầm về tư tưởng, đấu tranh giai cấp. Sau đó chính phủ ra lệnh cấm tất cả các vở kinh kịch và kịch sân khấu đề cập tới hồn và bóng ma. Mao bắt đầu phê bình Bộ văn hoá về khuyết điểm lãnh đạo nhà hát, gọi bộ này ”phục vụ bọn vua chúa, quan lại, thanh niên nam nữ đú đởn và bọn ngoại bang đáng ghét”. Bỗng nhiên vở kinh kịch, tôi cho vô thưởng vô phạt về nội dung, có nhiều cảnh đẹp, không ngờ trở thành một vấn đề tư tưởng, chính trị nghiêm trọng trong cuộc đấu tranh giai cấp mới ở Trung Hoa do cách giải thích của Mao.
Sau vài tháng, người ta chưa lôi tôi vào cuộc đấu tranh này. Nhưng rồi một hôm Uông Đông Hưng gặp tôi, bảo:
- Nguy rồi, Giang Thanh cho rằng “Lý Huy Nhân” là vở kịch rất xấu, loài cỏ độc nguy hại. Bà ấy nói rằng vở kịch bóng ma truyên truyền mê tín dị đoan. Giang Thanh biết Mao chẳng muốn xem vở kịch, nhưng chắc ai đó đã khuyên Mao điều này. Chẳng có một nhà lãnh đạo cao cấp hay bí thư Trần Bá Đạt có liên quan đến việc này. Người thích kinh kịch Bắc Kinh trong chúng ta chỉ có anh thôi. Giang Thanh biết Mao thường nói với anh về mọi thứ có thể. Thế là phải chờ tai hoạ…
Nhưng Giang Thanh chưa bao giờ nhớ đến tên tôi.
Có lẽ, Mao che tôi. Dĩ nhiên, không phải theo tình bạn, mà vì ông cần tôi, bác sĩ y khoa. Khi Giang Thanh hỏi ai đề nghị diễn vở kịch ở gian Hoài Nhân, Mao trả lời rằng không nhớ. Uông Đông Hưng cũng bảo vệ tôi, nói, ông chỉ tuân lệnh tổ chức buổi diễn, ý kiến của ai, ông không quan tâm. Ngoài ra, ông chẳng biết tí gì về vở kịch – cái gì xấu, cái gì tốt.
Nhưng Giang Thanh không nhượng bộ. Bà ra lệnh cho Uông Đông Hưng tìm ra kẻ khởi xướng.
- Giang Thanh muốn tống cổ anh đấy – Uông nhắc tôi – Bà ta kiếm cớ từ đã lâu, giờ đây đã tìm thấy cơ hội. Giang Thanh chưa buông tha đâu, chừng nào chưa gắn cho anh cái mác “hữu khuynh”.
Uông Đông Hưng và tôi quyết định nói chuyện với Mao, đề nghị Mao nói với Giang, chính ông quyết định muốn xem vở kinh kịch, sau bài ca ngợi của Điền Hãn. Mao đồng ý. Uông Đông Hưng đưa Giang Thanh bài báo này.
Vợ Chủ tịch tha cho tôi. Nhưng nước cờ của chúng tôi đem lại tai hoạ cho Điền Hãn. Bây giờ Giang Thanh nhận được lý do để loại bỏ ông.
- Đây rồi, người này trong văn hoá và nghệ thuật, đứng đằng sau vở diễn – bà nói với tôi, khi đọc qua bài báo – Tuyệt! Chúng ta để bọn quỷ lộ mặt rồi chúng ta tóm cổ bọn chúng. Họ không thoát khỏi tay chúng ta đâu.
Giang Thanh đi Thượng Hải, với Kha Thanh Thế, đồng minh của bà, vạch kế hoạch chiến lược tấn công văn học nghệ thuật Trung Hoa hiện đại.
Nhưng Giang Thanh không bỏ lỡ cơ hội một lần nữa cố gắng “lột vỏ” xơi tôi.
- Anh cũng xem vở “Lý Huy Nhân” diễn ở đây, có phải không? – Giang Thanh hỏi tôi trước khi đi – Anh có thích vở ấy không?
- Vở kịch có từ xa xưa – Tôi trả lời, thoái thác – Đây là sự tưởng tượng. Nó tương tự vở kịch cách mạng “Bạch Mao Nữ”. Họ đều là cô gái trẻ bị bọn địa chủ, cường hào bóc lột.
Giang Thanh xem ý kiến của tôi là lạ lùng và ngạc nhiên so sánh hai vở kịch giống nhau. Tôi giải thích rằng cả hai câu chuyện đều kể về những phụ nữ bị áp bức, đều cố gắng trả thù cho chính bản thân họ. Bạch Mao Nữ trong vở kịch hãy còn sống, đau khổ, tàn tạ như hồn ma. Lý Huy Nhân trở thành hồn ma ngay sau khi chết do tra tấn.
Giang Thanh cho rằng tôi nói nhảm nhí.
- Hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau – Giang Thanh dứt khoát – Các cuộc nói chuyện về hồn và bóng ma khuyến khích mê tín dị đoan. Hoàn toàn không có lợi cho dân chúng.
Tôi biện bạch:
- Nhưng kinh kịch là nghệ thuật sân khấu. Hồn ma là sự tưởng tượng của tác giả. Trong vở kịch “Hamlet” của Shakespeare cũng có hồn ma đấy thôi. Chẳng lẽ có thể xem “Hamlet” truyền bá mê tín dị đoan?
Giang Thanh lắc đầu không đồng ý.
Đối với Giang Thanh, hồn ma là mê tín dị đoan, là sự thể hiện mâu thuẫn giai cấp. Shakespeare chết từ đời nảo đời nào. Ông là người Anh, vở kịch của một người nước ngoài đã chết từ lâu không thể phản ánh đúng và không phải là tiến bộ.
- Hồn ma trong kịch Shakespeare, nói chung không có nghĩa là chúng ta cũng phải có hồn ma. – Giang Thanh cắt ngang – Chủ tịch phát hiện ra một lượng lớn các vấn đề trong văn hoá, nghệ thuật, các vấn đề ấy chỉ rõ mâu thuẫn giai cấp nghiêm trọng. Anh cần phải chú ý nhiều đến lời tôi.
Đối với Giang Thanh tôi là người khá bảo thủ, chịu ảnh hưởng nặng quá khứ tư sản. Cứ cố tranh cãi với bà, tôi biết sẽ bị dán mác tả khuynh. Tình hình này làm tôi chợt tỉnh. Tôi 43 tuổi, tóc của tôi từ chỗ còn đen, nay đã điểm bạc. Ở Nhóm Một tôi đã học được tính cẩn thận. Tôi cần phải cố sống, bằng mọi cách giữ mồm giữ miệng, phải biết im lặng.

***
Ở Thượng Hải Giang Thanh thử vai trò mới của mình theo dõi về văn hoá nghệ thuật. Kha Thanh Thế rất trung thành với Mao, cố gắng tìm mọi cách giúp đỡ Chủ tịch phu nhân. Kha Thanh Thế giới thiệu bà với Trương Xuân Kiều phụ trách tuyên huấn Thượng Hải. Giang Thanh rất bận rộn với công việc, thăm nhà hát kinh kịch, hoà nhạc, đoàn văn công, ban nhạc và dàn giao hưởng.
- Tôi là người lính trơn, lính canh của Chủ tịch trên mặt trận tư tưởng – Giang Thanh nói cho tất cả những ai có mặt ở đó – Tôi là người kiểm tra, theo dõi và thông báo cho Chủ tịch những gì tôi phát hiện ra.
Cái mà bà ta phát hiện ra, chẳng có gì đáng ngạc nhiên, văn học nghệ thuật chứa đầy sự thối nát của chủ nghĩa tư bản vẫn phá hoại ngầm do quá khứ để lại như người ta đã từng đánh giá.
Ngày 12 tháng 12 năm 1963 Mao đề nghị tôi đọc qua một trong số những nghiên cứu của Giang Thanh về văn hoá Trung Hoa – những bài báo mà Kha Thanh Thế gửi cho ông và gọi là “Những báo cáo kết luận chính thức về những thay đổi cách mạng trong ca nhạc và kịch Thượng Hải”. Mao viết bình luận cho tài liệu này.
- Nhìn xem – Mao nói – Chúng ta đặt nền móng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế, nhưng thượng tầng kiến trúc – văn hoá và nghệ thuật – gần như không thay đổi. Những người đã chết về linh hồn vẫn đang nắm văn hoá và nghệ thuật. Chúng ta cần phải ca ngợi những thành tựu của chúng ta trong phim ảnh, nhạc, hoạ, dân ca, nghệ thuật và tiểu thuyết, nhưng ngược lại, họ lại hạ thấp thành tựu ấy đi. Vấn đề là ở chỗ đó, đang hiện hữu. Đặc biệt nghiêm trọng, những vấn đề ấy chiếm trong lĩnh vực nhà hát. Chúng ta cần phải nghiên cứu chúng nghiêm túc. Thậm chí đảng viên còn hăng hái vỗ tay hoan nghênh nghệ thuật tư bản và phong kiến, phớt lờ nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Thật là ngu xuẩn.
Vài tháng sau, Mao hướng bực tức của mình trực tiếp chống Hội Liên hiệp Văn hoá và Nghệ thuật Trung Quốc. “Trong thời gian 15 năm gần đây, các tổ chức của nó và các tạp chí do Hội Liên hiệp lãnh đạo đã không thực hiện chính sách của đảng – Mao nói – Họ chỉ tác động như những người bề trên, do dự tiếp cận với công nhân, nông dân, quân đội. Họ không phản ánh cách mạng xã hội chủ nghĩa trong tác phẩm, đi theo hướng của chủ nghĩa xét lại. Nếu những tổ chức này hoàn toàn không cải tổ, một ngày gần đây nó trở thành Câu lạc bộ Petôfi ở Hungary”.
Khi công nhân trẻ Hungary năm 1954 lập ra Câu lạc bộ Petôfi, chủ trương đòi hỏi tự do và dân chủ hơn nữa, ban đầu chính phủ xem tổ chức này trung thành với nhà nước. Hai năm sau, 1956, chính phủ ra tay đàn áp không thương tiếc. Hiểu điều này, Mao đã lên kế hoạch riêng của mình ngăn chặn những người ly khai ở Trung Quốc trước khi họ nghĩ đến phản kháng.

Tổng số lượt xem trang