Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông - Phần III. Chương 53


-

Chương 53

Tôi cảm thấy Mao dẫn dắt Giang Thanh ra sân khấu chính trị, chỉ vì đời tư của ông chuyển sang bước ngoặt mới, chứ không phải hoàn toàn vô tình. Gần một tháng sau buổi xuất hiện đầu tiên trước công chúng của Giang Thanh, Mao đã chú ý tới Trương Ngọc Phượng, một phụ nữ, sau này trở thành người tình, người trợ lý gần gũi nhất của ông. Tôi gặp họ lần đầu ở cùng với nhau tại Trường Sa trong buổi chiều khiêu vũ chiêu đãi Mao, do Trương Bình Hoa, tân tỉnh trưởng tổ chức. Nhân viên phục vụ trên tàu hoả cũng được mời đến, trong số đó có Trương Ngọc Phượng. Sau vài điệu nhảy Mao dắt tay cô vào buồng ngủ, bảo những cô gái trẻ khác trở về đoàn tàu.

Mao ở lại với Trương Ngọc Phượng ở Trường Sa hai ngày, khi chuyến tầu tiếp tục chuyển bánh, ông chuyển cô từ nhóm toa ăn, nơi cô làm việc, sang nhóm trực nhật trong phòng riêng của ông.

Mao không phải là người theo lối sống một vợ một chồng. Mỗi khi Giang Thanh vắng mặt, chẳng bao giờ ông ăn nằm với cô gái nào vài ba ngày liền. Mao thường dịch chuyển, khi ở trên tầu, khi ở biệt thự. Trong chuyến đi đầu tiên cùng với Trương Ngọc Phượng, khi chúng tôi sang ở biệt thự, ông ở lại trên tàu hoả, luân phiên các cô gái trong đám phục vụ. Cũng như thế, vào năm 1962, người ta thu xếp hai thư ký mà ông có cảm tính, trong nhà khách ngoại ô phía tây Thượng Hải, nơi có một tổ hợp biệt thự lớn, Kha Thanh Thế xây dựng cho Mao và những nhà lãnh đạo cao cấp khác giữa lúc thảm hoạ kinh tế đang xảy ra.
Khu này nằm trong vùng đồng bằng có đồi bằng phẳng, từng thuộc về một nhà tư bản công nghiệp Thượng Hải. Vẫn còn giữ được những ngôi nhà kiểu Nhật Bản đáng yêu, xây cho các tỳ thiếp Nhật của ông. Mao ngủ và nghỉ ở một trong số toà nhà mới, còn toà bên cạnh – có phòng nhảy, làm nơi giải trí. Thường thường thời gian giải trí, Mao đến câu lạc bộ “Thanh Dương”, khu trung tâm thương mại mới được nâng cấp ở giữa khu phố cổ kiểu Pháp.
Từ trưa, sau khi ông thức giấc, chúng tôi đến bằng chiếc xe ô tô chống đạn ZiC do Liên Xô sản xuất. Tại đấy Chủ tịch chăm chú đọc các tài liệu gửi đến hàng ngày, sau đó ông vui đùa, giải trí với các cô gái trẻ đến nửa đêm. Ông quay về khu ngoại ô miền tây khi đường phố tối đen không còn bóng người vào lúc hai, ba giờ sáng.
Tôi luôn luôn tháp tùng Mao đến câu lạc bộ Thanh Dương. Ngồi trong chiếc xe cuối, trong số ba chiếc xe bảo vệ Mao, theo sát chúng tôi có hai quan chức. Giang Thanh khi đó cũng đang ở Thượng Hải, nhưng trong biệt thự, khi Chủ tịch quay về, bà vẫn đang ngủ. Lịch làm việc, sinh hoạt khác biệt đến nỗi ít khi họ gặp nhau.
Giang Thanh, tất nhiên, biết rằng chồng bà vui vầy với đám gái trẻ vây quanh, nhưng phải im lặng. Ông quay về biệt thự chỉ để che đậy mối quan hệ gia đình và giữ thể diện cho vợ.
Tôi đi đến kết luận, Mao và vợ có sự hiểu ngầm nhau. Ông đồng ý để bà có vai trò trước công chúng với cương vị phu nhân Chủ tịch, ngầm thông báo sẽ không bỏ rơi và cũng không ly dị. Đổi lại, Giang Thanh, có nghĩa vụ không được phản ứng trước số lượng ngày một tăng các cô gái trẻ trong buồng ngủ của ông. Mao có những lý do xác đáng tin vợ mình, không có ông, Giang Thanh chẳng là cái thá gì. Và Giang Thanh, cuối cùng, được thoả mãn tham vọng chính trị.
Phải mất nhiều năm, trước khi Trương Ngọc Phượng tự tin được Mao chấp nhận là người tin cẩn. Ban đầu, Mao không hoàn toàn tin tưởng cô. Trương sinh trưởng vùng quê Mông Đăng Thanh, Hắc Long Giang, Mãn Châu Lý. “Bố” cô, công nhân đường sắt. Nhưng khu Mãn Châu này bị Nhật chiếm từ những năm 1930. Trương Ngọc Phượng có một lần thú nhận với Mao, cô được sinh ra bởi mối tình của mẹ với nha sĩ Nhật, bà làm người hầu gái của ông. Biết Trương Ngọc Phượng mang nửa giòng máu Nhật, Mao lúc đó cũng suy nghĩ vẩn vơ, liệu cô ta có phải là gián điệp Nhật không. Tôi chẳng hề biết chuyện thật hư về gốc gác của Trương Ngọc Phượng, nhưng cô chiếm được lòng tin của lãnh tụ phải mất nhiều năm.
Mối quan hệ của tôi với Trương Ngọc Phượng không suôn sẻ ngay từ buổi ban đầu. Sự va chạm nhỏ nhặt đầu tiên xảy ra ngay sau cuộc họp ở Hàng Châu tháng 5-1963, nơi Mao phát động chiến dịch cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn. Trên đường trở về Bắc Kinh, Chủ tịch gọi tôi vào toa của ông.
Mao nằm trên giường, khoác áo choàng, Trương Ngọc Phượng đứng sát bên. Mao chỉ ngực trái, kêu đau.
- Tôi thấy người khó chịu – Mao nói.
Trên ngực trái có một nốt đỏ ửng, bằng hạt gạo, nhưng nhiệt độ bình thường, không có hạch xung quanh, cho thấy dấu hiệu viêm nhiễm nào cả.
- Chủ tịch ngứa rồi gãi phải không? – tôi hỏi.
Mao đã lâu không bị ngứa, mỗi lần ngứa. ông thường gãi hoặc cào mạnh đến mức da bị trầy sước ra. Đôi lúc ông bảo cả nhân tình gãi hộ. Tôi ngờ rằng cái mụn nhọt được tạo thành chính bởi điều này.
Sau lưng Mao, Trương Ngọc Phượng nháy mắt, ra dấu hiệu, tôi đã đoán đúng.
Chuyện vặt vãnh. Tôi bôi thuốc chống nhiễm trùng, dán miếng gạc sát trùng lên nhọt.
- Mọi việc sẽ nhanh chóng ổn thôi – Tôi động viên Mao – Chẳng cần thuốc, chẳng cần tiêm đâu.
Nhưng tôi khuyên ông đừng động vào nhọt.
Ngay tối hôm đó, Mao lại gọi tôi vào toa của ông. Miếng gạc biến mất, nhọt bị vỡ tung, kích thước bây giờ to bằng hạt đỗ tương. Rõ ràng phải có ai đấy làm nó bung ra như thế. Miếng gạc biến thành màu đỏ và cứng. Một đường màu hồng chạy từ vết thương nhỏ xuống nách trái, hạch to lên. Mao sốt.
Tôi đề nghị tiêm peneciline. Mao phản đối. Ông ta muốn tôi trích nhọt. Nhưng điều này còn sớm quá. Sự trích để tháo mủ còn non có thể làm bệnh nặng thêm. Tôi khuyên ông uống một vài viên tetracycline do Mỹ sản xuất. Tôi lại nhắc ông và Trương Ngọc Phượng đừng động chạm vào chỗ này nữa.
Tuy nhiên tôi cực kỳ lo lắng. Mao nói với tôi, theo yêu cầu của ông, Trương Ngọc Phượng đã gãi mụn. Tôi không dám tin, người ta sẽ không động chạm vết thương nữa, lo rằng nhiễm trùng có thể phát triển nhanh. Tôi gọi Thạch Thụ Hán, giám đốc Ban Bảo vệ sức khoẻ Trung ương ở Bắc Kinh. Thạch cũng lo lắng, ngay lập tức cũng thông báo việc xảy ra cho Chu Ân Lai. Chu thậm chí muốn cử thêm bác sĩ giúp tôi chữa cho Chủ tịch.
Điều thêm bác sĩ khác, theo tôi chẳng cần thiết, nhưng theo Uông Đông Hưng chuyện chính trị lớn hơn chuyện bệnh tật, mắng tôi cứng nhắc, khờ khạo. “Anh bảo Chủ tịch đừng gãi mụn, nhưng ông đã gãi. Có thể ông lại phớt lờ lời anh dặn nữa. Cứ gọi bác sĩ khác đến đây. Họ chia xẻ trách nhiệm với anh. Nếu một cái gì đó xảy ra, các anh còn có thể bảo vệ cho nhau. Chắc chắn một người không tự bảo vệ được đâu. Hãy tin tôi, đây không phải thuần tuý vấn đề y học đâu”.
Tôi buộc phải đồng ý. Tôi thông báo cho Mao rằng Bắc Kinh muốn cử thêm bác sĩ để chạy chữa ông. Ông đồng ý cho Cơ Túc Hoa, lãnh đạo bệnh viện Bắc Kinh đến. Bác sĩ Cơ Túc Hoa tức tốc từ Nam Kinh tới và ngay trong chặng dừng chân đầu tiên đã được đưa lên đoàn tàu hoả.
Lúc này sức khoẻ Mao xấu đi. Nhọt đã nổi lên đầu mụn bằng hạt điều to, có năm hoặc sáu ngòi mủ. Chân nhọt sưng vù bằng quả đào nhỏ, hạch nách trái sưng to.
Cơ Túc Hoa lo sợ. Ông chưa từng gặp Mao bao giờ. Mao theo thói quen vẫn hỏi đùa. Mao mời bác sĩ ngồi bên cạnh, hỏi tên tuổi, quê quán.
Bác sĩ có cái họ hiếm, Mao tò mò, muốn biết bác sĩ có quan hệ họ hàng với nhà văn, nhà sử học đời Thanh, Cơ Lương Thi không. Nhưng bác sĩ Cơ không biết điều này.
- Nghĩa là anh chỉ cố gắng làm bác sĩ giỏi, chẳng chú ý đến lịch sử dòng họ nhà mình? – Mao nói, khuyến khích, động viên bác sĩ.
Tuy nhiên, Cơ Túc Hoa chẳng thể nào yên tâm. Trán ông lấm tấm mồ hôi, tay run run. Trong quá trình khám cho Chủ tịch sự căng thẳng của ông tăng lên.
- Có ai đó chọc nhọt này ra – Ông nói, khi nhìn thấy chỗ vỡ, Mao và Trương Ngọc Phượng bỗng nhiên im lặng.
- Nặng đấy – bác sĩ Cơ nói thầm cho tôi, khi ông đang khám.
Chúng tôi biết cần phải trích mủ, nhưng trích non rất nguy hiểm. Nhiễm trùng có thể dễ lan toả, thành nhiễm trùng máu, đe doạ tính mạng người bệnh. Đây là căn bệnh hóc búa nhất đối với tôi trong suốt thời gian điều trị cho Mao từ trước đến giờ.
Toa ngủ của Mao quá chật không đủ chỗ đặt thiết bị y tế, tôi thấy chưa cần mời bác sĩ ngoại khoa, cứ tiếp tục chữa bằng tetracycline, chườm nóng ngực trái và hố nách. Mao và bác sĩ Cơ đều đồng ý, chúng tôi đợi đến khi ổ abscess chín, lúc ấy mới trích mủ.
Chẳng bao lâu đoàn tàu chúng tôi có mặt ở Bắc Kinh. Sau 5 ngày, một ổ abscess thứ 2 xuất hiện. Chúng tôi trích cả 2 ổ, ra rất nhiều mủ. Tuy nhiên hạch vẫn còn sưng. Ba ngày sau hạch đỡ hẳn. Chỉ từ lúc đó Mao mới bắt đầu hồi sức. Đã sang cuối tháng Sáu.
Việc trích nhọt tiến hành tốt, nhưng thậm chí đến giữa tháng Bẩy vết thương vẫn chưa hoàn toàn kín miệng. Chẳng ai hài lòng với tôi. Giang Thanh giận. Tôi không để Mao đi với các nhà lãnh đạo cao cấp tới Bắc Đới Hà, vì lo rằng nếu Mao cứ nhất quyết bơi ở đó, vết thương sẽ nhiễm trùng trở lại. Tôi biết không ai có thể cản Mao đừng bơi ở Bắc Đới Hà. Vợ lãnh tụ cằn nhằn vì vắng Mao, chẳng có một nhà lãnh đạo cao cấp nào dám đến đó cả. Họ khó có thể cho phép mình tiếp tục nghỉ phép, khi Mao bị bệnh còn đang nằm lại Bắc Kinh. Cái gì sẽ xảy ra nếu Mao đột nhiên muốn gặp một ai đó? Mất mùa hè, Giang Thanh bực tức.
Mao cũng bực mình, vì tôi không tiên lượng được tình trạng bệnh nặng như thế nào.
- Bây giờ anh mới cho tôi biết mọi việc tốt đẹp – Mao nói, khi bắt đầu chích mủ – nhưng khi ở trên tàu hoả, anh động viên tôi, bảo chẳng có gì nguy hiểm. Là bác sĩ, anh phải biết trước cái tốt và cái xấu sẽ xảy chứ. Khi đó anh sẽ không bị xái. Ban đầu, anh hứa rằng điều trị chỉ vài ngày, bây giờ, mười ngày qua rồi mà tất cả vẫn chưa xong…
Tôi hứa từ giờ trở đi sẽ cảnh báo cả 2 khả năng tốt xấu để Chủ tịch rõ.
Trương Ngọc Phượng cũng không hài lòng tôi. Tôi không miễn tội gây ra tình trạng ốm đau này của cô cho Mao. Tôi biết cô ta không rửa tay trước khi cậy mụn và cảnh cáo cô. Mao phàn nàn cô về điều này cả đến khi ông chết. Là bác sĩ, chịu trách nhiệm chính về sức khoẻ Chủ tịch, tôi không tha thứ cho Trương Ngọc Phượng về việc không nghe lời hướng dẫn.
Tôi buộc cô phải thực hiện ý kiến điều trị, vì thế mối quan hệ giữa chúng tôi chẳng bao giờ trở nên tốt đẹp.

Tổng số lượt xem trang