Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông – Phần III. Chương 65


-

Chương 65

Quan hệ của tôi với Mao xấu đi. Việc không tham gia tích cực trong chiến dịch chính trị gây cho Mao sự nghi ngờ về lòng trung thành. Chẳng cần phải ủng hộ phe đối lập, chỉ cần ai đó đứng bên ngoài cuộc tranh giành chính trị do Mao phát động, có lẽ chỉ cần như vậy cũng đủ bị Chủ tịch nghi ngờ rồi.
Dấu hiệu đầu tiên rõ nhất thể hiện không hài lòng của Mao với tôi, ngày 13-6-1967. Hôm ấy Mao đi Vũ Hán, đây là lần đầu tiên từ khi tôi trở thành bác sĩ riêng, ông không bảo tôi đi cùng. Thay thế tôi, một bác sĩ quân y do Lâm Bưu giới thiệu.

Tôi thất kinh, cả Uông Đông Hưng cũng thế. Việc gạt tôi khỏi chuyến đi, Uông cho rằng là mưu kế của Giang Thanh. Còn nguyên soái chắc khó biết nguyên nhân thực sự vì sao tôi ở lại. Giang Thanh hỏi ông chọn một bác sĩ cho Chủ tịch. Uông sợ Giang Thanh sử dụng thời gian vắng mặt của Mao để loại bỏ tôi.

Bạo lực Cách mạng văn hoá tiếp tục lan rộng. Các cuộc đánh nhau trên đường phố không ngừng tiếp diễn, các vụ bắn nhau tăng lên. Đặc biệt nghiêm trọng, tình hình ở Vũ Hán, nơi Mao dự định đứng ra làm người trung gian hoà giải các phe thù địch.
Nhưng cả Bắc Kinh cũng nằm trên vực thẳm của sự hỗn loạn. Với chuyến đi của Mao, việc điều khiển thủ đô rơi vào tay Giang Thanh. Uông Đông Hưng sợ một ai đó trong số đồng đảng của Giang Thanh có thể bắt cóc tôi. Uông yêu cầu tôi đừng quay lại nhà máy dệt, nơi có nhiều tay chân của Giang Thanh.
- Cứ ở lại ở Trung Nam Hải. Nếu thấy nguy hiểm, đừng chậm trễ chạy đến Vũ Hán với tôi.
Uông nói đúng. Từ Trung Nam Hải, nếu xảy ra chuyện gì, ít ra tôi có thể tìm thấy khả năng liên kết với Vũ Hán.
Tôi ở lại Trung Nam Hải, nhưng té ra lại chỉ để trở thành người nhân chứng, chứng kiến những điều tồi tệ nhất mà Uông Đông Hưng từng lo ngại. Mao vắng, phe Giang Thanh kiểm soát quyền lực, ngay cả đặc khu cũng rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Đối tượng đầu tiên của cuộc tấn công lại là vị nguyên thủ quốc gia, Lưu Thiếu Kỳ. Ngay sau khi Mao đi khỏi, hàng trăm sinh viên thức đêm tập hợp nhau ở cổng phía tây Trung Nam Hải, đông kín phố Phủ Hữu, thét vang khẩu hiệu đòi lật đổ Lưu. Bức tường bao bọc màu đỏ tươi giờ đây dán đầy các báo chữ to, kể tội người mà Mao từng tuyên bố, sẽ kế vị ông. Đến chiều tình trạng càng tồi tệ, giao thông tê liệt. Đến đêm, sinh viên dựng lều, cắm trại chiếm ngay cổng ra vào. Khu vực này trở nên rối loạn, hàng ngàn người mồ hôi nhễ nhại dưới cái nóng thiêu đốt của mặt trời tháng 7, thực phẩm thiu thối, nồng nặc mùi phân nước tiểu vung vãi khắp nơi. Tôi vẫn ở trong Trung Nam Hải, trằn trọc nằm trong văn phòng cơ quan, lo lắng không biết ngày mai cái gì sẽ xảy ra. Trong lịch sử nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa, chưa bao giờ có chuyện Trung Nam Hải bị bao vây như thế này. Nhân viên Ban bảo vệ Trung ương có nhiệm vụ bảo vệ an ninh khu nhà ở các nhà lãnh đạo, án binh bất động, trong khi dân chúng nổi loạn kéo đến mỗi lúc một đông. Tất cả đều gì Uông Đông Hưng phòng bị chẳng có tác dụng. Ông đang ở Vũ Hán với Mao.
Ngày 18-7 tình trạng trở nên thật tồi tệ. Tôi đang ngồi trong văn phòng đọc báo, một cậu bảo vệ hộc tốc xộc vào báo tin. Lưu Thiếu Kỳ bị Hồng vệ binh bắt ngay trước cửa nhà khách Quốc vụ viện, chúng đang đấu tố ông. Tôi hộc tốc chạy đến đó.
Đám đông vây quanh, hầu hết cán bộ nhân viên Tổng văn phòng thư ký. Lính và sĩ quan đứng nhìn, không một ai có hành động nào thể hiện sự can thiệp. Lưu Thiếu Kỳ và vợ ông – Vương Quang Mỹ đứng giữa đám đông giận dữ vây quanh. Đặc biệt đám nhân viên Tổng văn phòng thư ký xô đẩy, đấm đá hai người. Áo sơ-mi của Lưu đã bị xé toạc, vài cái cúc áo bật tung. Người ta tóm tóc lôi ông đi. Khi tôi rẽ đám đông tới gần, nhìn thấy người ta bẻ gập cánh khuỷu ông ra sau lưng, ấn đầu giúi người ông gập về phía trước theo hình thước thợ, tư thế “tầu bay”. Cuối cùng họ đẩy ông ngã, ấn mặt xuống đất, đấm đá túi bụi. Lính và nhân viên sĩ quan của Sư đoàn cận vệ từ chối can thiệp, họ đứng yên. Tôi không thể xem tiếp sự tàn nhẫn này được nữa. Lưu Thiếu Kỳ gần 70 tuổi và ông là người đứng đầu quốc gia.



Tôi rời nơi đây, đi đến khu chung cư của vợ chồng Đặng Tiểu Bình-Trác Lâm và gia đình Đào Chú-Tăng Tri. Cả hai gia đình cũng bị tấn công, đấu tố. Họ đều bị đám đông lôi kéo xô đẩy, reo hò đả đảo nhưng không bị đấm đá.
Dương Đức Trung đứng xem cuộc đấu tố, tôi hỏi anh xảy ra cái gì thế. Anh ta bảo lệnh của Tiểu tổ Cách mạng văn hoá từ đêm qua tấn công các nhà lãnh đạo tối cao. Biết tin này, Dương gọi điện cho Uông Đông Hưng nhưng không có hồi âm.
Uông lâm vào tình thế lưỡng nan. Uông không thể báo cáo trực tiếp cho Mao chuyện bạo loạn ở Trung Nam Hải. Nếu báo cáo, có nghĩa ông chống lại quyết định của Tiểu tổ Cách mạng văn hoá, chẳng ai dại gì bị phái hữu khuynh tấn công. Ngoài ra, mối quan hệ giữa Uông và Mao lâu nay đang có vấn đề, Mao đang đặt những câu hỏi về mối quan hệ giữa Uông và Lưu Thiếu Kỳ. Uông tháp tùng Lưu Thiếu Kỳ và phu nhân viếng thăm Indonesia năm 1963. Tuy Uông đã báo cáo đầy đủ cho Mao chuyến đi, nhưng ông vẫn nghi ngờ việc Uông quá thân thiết với Lưu Thiếu Kỳ, vì thế Uông không dám bảo vệ Lưu, người mà Mao muốn lật đổ.
Chỉ ba ngày sau sự kiện ở Trung Nam Hải tấn công vợ chồng Lưu, Đặng và Đào, ngày 21-7, Uông Đông Hưng gọi điện cho tôi. Uông đến chỗ Mao ở Thượng Hải. Máy bay của không quân chờ tôi tại sân bay Bắc Kinh. Tôi cần phải gặp ông cấp tốc tại Thượng Hải.
Sau vài giờ tôi đã ở Thượng Hải. Từ sân bay, tôi được đưa về tư dinh của Chủ tịch ở phía tây thành phố. Chưa có bao giờ sự bảo vệ Mao lại có nhiều người và cực kỳ nghiêm mật như thế. Bạo lực giờ đây xảy ra khắp nơi, sự an toàn của của Chủ tịch trở thành công tác đặc biệt của Uông. Tất cả các nhân viên phục vụ, thư ký… đều tăng lên, các phòng trong khu nhà tổng hợp đầy lính canh gác.
Vẫn bệnh phế quản cũ đang hành hạ, ngoài ra, Mao bị nổi mụn rộp ở cơ quan sinh dục, nó thuộc loại bệnh hoa liễu. Quan hệ tình dục của ông vẫn quá nhiều, trong khi mối quan hệ của tôi với Chủ tịch căng thẳng, tôi không thể xác định được nguồn lây nhiễm. Tôi chữa mụn rộp bằng thảo mộc và viêm phế quản bằng kháng sinh Ceporin. Tôi khuyến cáo, mụn rộp dễ lây lan qua đường tình dục, nhưng Mao phớt lờ lời tôi. Ông cho rằng bệnh mụn rộp không nghiêm trọng.
Chủ tịch muốn nghe chuyện, đề nghị tôi kể tình hình ở Bắc Kinh. Tôi kể những người nổi loạn kéo vào Trung Nam Hải và hạ nhục Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và Đào Chú. Mao im lặng. Không biết rõ tôi ủng hộ phe nào trong cuộc đấu đá chính trị, vì thế Mao giữ kẽ với tôi. Nhưng sự im lặng của Mao chứng tỏ ông không hài lòng về sự kiện ở Bắc Kinh.
Đến tối tôi quay lại gặp ông, Mao lại yêu cầu kể những gì đã xảy ra ở Trung Nam Hải. “Họ hoàn toàn không nghe lời tôi” – ông phàn nàn, khi tôi kết thúc câu chuyện. Điều này liên quan tới “Tiểu tổ Cách mạng văn hoá Trung ương”, có cả vợ ông tham gia. Mao bảo, ông không ra lệnh cho họ xúc phạm những nhà lãnh đạo. “Họ phớt lờ tôi” – ông nhắc lại, tỏ ra rất lúng túng. Tôi tin ông không ra lệnh đấu tố như vậy.




Tôi ở lại với Mao ở Thượng Hải gần một tháng. Mao đang chờ quay lại Vũ Hán, ông rời Vũ Hán từ hôm 14-6, nhưng tình hình vẫn không ổn định đến mức Chu Ân Lai, đang ở đó, lo ngại an ninh của Chủ tịch, khuyên Mao đừng đến. Đấu đá phe phái ở đây đã ở mức thành bạo lực. Viên tư lệnh vùng Trần Tái Đạo, người suýt chết đuối khi đi kèm Mao trong chuyến bơi sông Dương Tử, bị tấn công dữ dội của phe đối lập nổi loạn, tìm cách lật đổ ông. Trước khi Mao đi Vũ Hán để đứng ra hoà giải, Tiểu tổ cách mạng văn hoá Trung ương phái Vương Lý – một người cực tả đi đàm phán giữa hai phe, Ông này thực tế ủng hộ những người chống viên tư lệnh. Và khi đó phe cánh của Trần Tái Đạo đã bắt giam Vương Lý.
Chu Ân Lai là người đầu tiên tới Vũ Hán để điều tra tình hình, điều đình thả Vương Lý.
Còn khi Mao tới, như thường lệ, người ta thu xếp để ông nghỉ ở nhà khách “Minh Dương” nằm bên Đông Hồ, thế nhưng điều này không đạt được. Phe cánh viên tư lệnh vùng vẫn đang giam giữ Vương Lý. Để biểu thị lòng trung thành của mình đối với Mao, nhóm này bơi qua tới đảo, nơi Mao nghỉ, hy vọng giải thích tình hình để Mao biết. Bảo vệ của Mao đã tóm những người khách không mời bơi qua hồ.
Khi Mao biết, ông ra lệnh thả những người bị bắt. Tin vào lòng trung thành của quần chúng, biết Trần Tái Đạo là người ủng hộ, Mao tin những người bơi đến chỗ ông không có ý định độc ác. Chủ tịch muốn gặp cả hai phe thù địch và đạt được sự hoà giải giữa bọn họ. Tuy nhiên những người nổi loạn có vũ trang. Chu Ân Lai lo ngại. Chu đề nghị Mao nhanh chóng rời Vũ Hán, hứa ở lại ông sẽ cố gắng lập lại ổn định trong thành phố.
Mao nghe lời. Nhờ việc đứng ra làm trung gian của Chu Ân Lai, Vương Lý cuối cùng được thả tự do. Cả Vương Lý và Trần Tái Đạo được đưa về Bắc Kinh.
Mấy tháng sau tôi lại bay cùng Mao tới Vũ Hán. Chủ tịch không tin, cả hai phe nhóm địa phương là bọn phản cách mạng. Ông nói với tôi, khi lên máy bay. “Chuyện xảy ra do Vương Lý khiêu khích dẫn đến ẩu đả. Khi cử Chu Ân Lai đứng ra hoà giải, thật nguy hiểm. Chu buộc tôi phải đi Thượng Hải ngay. Nhưng tôi nghĩ cả hai phe chẳng phải là bọn phản cách mạng”. Mao cho rằng Vương Lý, Quan Phương và Từ Bành Nhưỡng là những người rất quá khích trong Tiểu tổ Cách mạng văn hoá, một trong số đó xúi bẩy, gây chuyện, rồi nhân đó trả thù cá nhân.
Việc Mao quay lại Vũ Hán thể hiện sự thắng lợi. Để chứng minh trong thành phố không có bọn phản cách mạng và để tận dụng lòng yêu mến của toàn dân, Mao chủ tịch ngồi trên xe Jeep mui trần đi chầm chậm dọc các phố. Tôi ngồi ngay sau ông, xung quanh hàng trăm nhân viên bảo vệ vũ trang mặc thường phục. Đám đông quần chúng gồm cả hai phe, chống và ủng hộ Trần Tái Đạo, đều hoan hỉ chào đón Mao bằng những lời hô vang: “Mao chủ tịch muôn năm! Mao chủ tịch muôn năm!” Mao vui vẻ vẫy chào quần chúng cả hai phe.
Khi vắng mặt Chủ tịch, Vương Lý và Quan Phương đã tấn công cựu chiến hữu của Mao – Bộ trưởng ngoại giao, nguyên soái Trần Nghị. Nguyên soái không tán thành Cách mạng văn hoá. Tháng 2-1967 cùng với những tướng lĩnh cao cấp khác, ông đã phản đối sự can thiệp của quân đội và Tiểu Hồng vệ binh. Tháng 8, Vương Lý và Quan Phương, được Giang Thanh ủng hộ, đã tổ chức nhóm “tạo phản 16 tháng 5” – lấy ngày bắt đầu Cách mạng văn hoá. Họ chiếm trung tâm Bộ ngoại giao và đốt cháy Tổng lãnh sự quán Anh.
Về tới Bắc Kinh tháng 8, Mao thanh trừng ngay Vương Lý và Quan Phương. Sau đó, đến tháng Giêng, bắt giam Từ Bành Nhưỡng người có liên quan.
Dĩ nhiên, bộ ba này là kẻ cực tả, gây bạo động, nhưng người ta đem nó ra làm vật tế thần. Quyền lực thực sự trong “Tiểu tổ Cách mạng văn hoá Trung ương” nằm ở Khang Sinh, Trần Bá Đạt và Giang Thanh, là kẻ quyết định mọi đường lối hành động.
Mao không che dấu việc không hài lòng với vợ mình. Một hôm khi chúng tôi còn ở nhà khách Minh Dương, Vũ Hán, Mao đang đọc một số mẩu truyện Lữ Hậu, bỗng nhiên ông ngửng đầu, nói với tôi về nhân vật chính trong truyện Lữ Hậu, một cô hầu gái đĩ thõa, A Thanh, có rất nhiều tình nhân, những tình nhân này thường xuyên đánh nhau vì ghen tuông. A Thanh rất thích những cuộc ẩu đả của các tình địch. Đột nhiên Mao nói: “Diệp Quần rất giống A Thanh”, ám chỉ vợ Lâm Bưu. “Cả Giang Thanh cũng vậy”.
Bất chấp sự khó chịu do bà vợ gây ra, nhưng Mao cũng chẳng có động thái gì ngăn cản hành dộng của Giang Thanh.

Tổng số lượt xem trang