Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Bangkok bị cô lập, Nga chen chân vào Thái Lan

-Bangkok bị cô lập, Nga chen chân vào Thái Lan
Thủ tướng Thái Prayut Chan-o-cha và thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tại Nay Pyi Taw bên lề thượng đỉnh ASEAN tháng 11/2014.(Government House photo)

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sẽ thăm chính thức Thái Lan trong hai ngày 07-08/04/2015. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng chính phủ Nga từ khi Liên Xô phân rã vào năm 1991. Bang giao giữa Thái Lan và Nga không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nhưng vào lúc mà phần lớn các nước phương Tây đã giới hạn quan hệ với Bangkok sau cuộc đảo chính tháng 05/2014, Nga có lẽ đã nhìn thấy một cơ hội tốt để cải thiện bang giao với một quốc gia có vai trò thiết yếu tại Đông Nam Á.

Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus trước hết phác họa bối cảnh quan hệ Nga-Thái Lan trước chuyến công du của Thủ tướng Nga Medvedev :
Arnaud Dubus :Nga không phải là một đối tác hàng đầu của Thái Lan, và cũng chưa bao giờ đóng được vai trò này. Trong lịch sử cận đại, Liên Xô là đồng minh chí cốt của miền Bắc Việt Nam trong thời chiến tranh Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1975, và bị coi là một nhà nước thù địch của Thái Lan, lúc đó là hậu cứ của quân đội Mỹ tham chiến ở Đông Dương.
Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, kể từ giữa những năm 1970, Thái Lan đã xây dựng chiến lược ngoại giao của mình trên cơ sở một quan hệ cân bằng với siêu cường quốc Hoa Kỳ, đồng minh truyền thống của mình, và với Trung Quốc, cường quốc không thể bỏ qua trong khu vực. Nga không có mặt trong cục diện đó, nhất là khi mà Matxcơva không có nhiều lợi ích chiến lược trong vùng Đông Nam Á.
Thế mạnh của Nga là vũ khí, nhưng quân đội Thái Lan chưa bao giờ dùng đến thiết bị hoặc vũ khí của Nga, dù đó là Không quân, Lục quân hay Hải quân. Hợp tác quân sự giữa Nga và Thái Lan coi như không có gì.
Cũng cần nói thêm rằng trong những năm gần đây, có những xích mích đã nổi lên trong quan hệ giữa Bangkok và Matxcơva, đặc biệt sau vụ cảnh sát Thái Lan, cùng với các nhân viên FBI của Mỹ, đã bắt giữ trùm buôn vũ khí người Nga là Victor Bout, tại một khách sạn ở Bangkok vào năm 2008.
Bất chấp yêu cầu của Nga, đòi phải trả tự do cho công dân của mình, chính phủ của Thủ tướng Thái Lan lúc đó là Abhisit Vejjajiva, đã cho dẫn độ Victor Bout qua Mỹ. Sự kiện đó đã làm cho quan hệ song phương Nga-Thái Lan giá lạnh trong một thời gian dài.
Thế nhưng, dĩ nhiên là kể từ sau cuộc đảo chính ở Bangkok vào năm ngoái, tình hình đã thay đổi đôi chút, và Thái Lan, bị phương Tây tẩy chay, đang rất muốn chứng tỏ rằng mình vẫn duy trì được quan hệ bình thường với các nước quan trọng.
RFI : Liệu có thể nói rằng chuyến thăm của Thủ tướng Nga vào thượng tuần tháng Tư là một chuyến thăm quan trọng hay không ?
Arnaud Dubus : Vâng, trong bối cảnh gần như là đóng băng trong quan hệ giữa Thái Lan và các đối tác phương Tây truyền thống. Hoa Kỳ đã duy trì một thái độ khá gay gắt về tình hình chính trị ở Thái Lan, nhất là nhân chuyến thăm vào tháng Giêng vừa qua của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á và Thái Bình Dương, Daniel Russel.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev là nhà lãnh đạo đầu tiên của một nước quan trọng đến thăm Thái Lan kể từ cuộc đảo chính tháng Năm năm ngoái, do đó chúng ta có thể chờ đợi là Bangkok sẽ trải thảm đỏ đón tiếp ông, và khai thác tối đa chuyến thăm đó để cho thế giới thấy rằng Thái Lan không đến nỗi bị cô lập như vậy.
Đối với người Nga, chuyến thăm cũng là một cơ hội tốt. Trong cuộc đọ sức liên tục của Nga chống lại Mỹ và Châu Âu, việc ông Medvedev thâm nhập vào Thái Lan có ý nghĩa như là một hành động nhằm trêu chọc đối thủ.
Một số hiệp định kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và nông phẩm sẽ được Thủ tướng Nga và người đồng cấp Thái Lan của ông là Tướng Prayut Chan-ocha ký kết, nhưng trước mắt chưa thấy sự kiện gì ngoạn mục lắm.
Một khía cạnh khác không thể bỏ qua là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng khách du lịch Nga qua Thái Lan, khoảng 1,7 triệu người trong năm 2014. Nga hiện đứng thứ ba trong số nước cung cấp du khách cho Thái Lan, sau Trung Quốc và Malaysia.
RFI : Theo anh, Hoa Kỳ sẽ có thái độ ra sao về chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nga ?
Arnaud Dubus : Hoa Kỳ dĩ nhiên rất chú tâm theo dõi chuyến thăm này. Nhưng cùng một lúc, quan hệ Nga-Thái Lan không khiến Mỹ lo lắng bằng tiến trình xích lại gần nhau giữa Bangkok và Bắc Kinh.
Hải quân Thái Lan muốn trang bị cho mình một hạm đội tàu ngầm, đặc biệt là để đối phó với Malaysia, nước đã mua tàu ngầm của Pháp. Thế nhưng Hải quân Thái Lan không quan tâm đến tàu ngầm của Nga mà lại chú ý đến tàu ngầm Trung Quốc.
Tại Thái Lan hiện nay, người ta đang nêu bật quan hệ rất lâu đời giữa Thái Lan và Nga, có từ thời xa xưa khi Quốc vương Chulalongkorn của nước Xiêm (tên cũ của Thái Lan) đi đến tận St. Petersburg để thăm Sa hoàng Nicolas Đệ nhị. Cho dù vậy, sự hiện diện của Mátxcơva ngày nay tại Đông Nam Á, đặc biệt là tại vùng lục địa Đông Nam Á, vẫn còn quá yếu để Nga được coi là một đối tác hàng đầu của khu vực.
*****************
-Thái Lan bỏ thiết quân luật nhưng giao toàn quyền cho thủ tướng

Thủ tướng Thái Lan và tư lệnh quân đội, Tướng Prayut Chan-O-Cha

Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ đều lên tiếng chỉ trích việc chính phủ lâm thời Thái hôm qua vừa hủy bỏ thiết quân luật nhưng lại thay thế ngay bằng một quy định trao tất cả mọi quyền hành cho quân đội và vị tướng đang điều hành chính phủ là ông Prayut Chan-O-Cha.

Sáng nay trong bản tuyên bố mới phổ biến ở Geneve, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Raad al-Hussein viết rằng chính phủ quân sự lâm thời Thái thay thế thiết quân luật bằng một điều khoản khắc nghiệt hơn, tạo cơ hội để nhân quyền bị vi phạm nghiêm trọng hơn.

Tại Washington, một viên chức ngoại giao Mỹ nói điều mà Hoa Kỳ quan ngại nhất là luật mới cho phép quân đội được quyền kiểm duyệt báo chí, tịch thu các ấn phẩm và tiếp tục đưa dân ra xét xử trước tòa quân sự.

Luật mới là điều khoản 44 nằm trong bản hiến pháp lâm thời do ủy ban soạn thảo do quân đội dựng lên sau khi lật đổ chính phủ dân sự hồi tháng Năm năm ngoái.-
************

-Tập đoàn quân sự Thái Lan khóa chốt chính trường-

Thái Lan sẽ quay trở lại thập niên 1980 với bản Hiến pháp mới sắp được công bố. Để ngăn chận mọi đối thủ dân sự giành lại chính quyền bằng lá phiếu, tập đoàn quân sự khóa chốt lâu dài các định chế dân chủ. Giới chính trị gia và các nhà phân tích lo ngại tái diễn một chế độ dân chủ nửa mùa của 30 năm về trước.

Tác giả bản dự thảo Hiến pháp mới của Thái Lan là ông Paiboon Nititawan, một trong những khuôn mặt hăng say kêu gọi quân đội lật đổ chính phủ Yingluck Shinawatra. Kẻ thù lâu đời của gia đình Shinawatra đã được tập đoàn quân sự đền công, bổ nhiệm vào Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mà văn bản sẽ được báo cáo vào ngày 17.04 tới đây.


Tiếp phóng viên AFP tại văn phòng trong trụ sở quốc hội chỉ định, Paiboon Nititawan cho xem một phóng bản dự thảo và bình luận : Chúng tôi viết bản Hiến pháp này dựa trên những« vấn đề của 10 năm trở lại đây ». Tuy nhiên, dự thảo Hiến pháp mới, do tính phản dân chủ, làm công luận Thái lo ngại. Bức tranh biếm họa của nhật báo Thairath vẽ tập đoàn quân sự tay cầm bản Hiến pháp mới với lời chú : quả bom nổ chậm.

« Vấn đề » gì làm chính quyền quân sự lo âu và chận trước bằng cách nào ?

Dự thảo Hiến pháp được xem là nền tảng của chính trường Thái Lan theo mô hình « cải cách » của tập đoàn quân sự : sẽ tổ chức bầu cử năm 2016 nhưng không để cho những tổ chức chính trị thân Shinawatra chiến thắng như đã luôn luôn giành được đa số từ năm 2001.

Đối với phe cầm quyền hiện nay, « vấn đề số một » là ảnh hưởng của thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra còn quá mạnh, đứng từ xa giựt dây. Bản Hiến Pháp 2007, được ban hành đúng một năm sau khi lật đổ Thaksin, đã quy định một nửa con số Thượng Nghị sĩ do giới công chức cao cấp, cùng phe với quân đội và thẩm phán, chọn lựa.

Theo dự thảo Hiến pháp mới, sẽ không có bầu cử gì cả, Thượng viện được giành riêng cho sĩ quan và giới thẩm phán cho phép kiểm soát mọi quyết định của Quốc hội hạ viện trong trường hợp phe Thaksin lại được đa số cử tri tín nhiệm. Paiboon Nititawan cho rằng không thể để cho giới doanh nhân như Thaksin dùng tiền bạc mua chuộc cử tri để nhảy vào chính trường bảo vệ quyền lợi riêng tư.

Theo AFP, thành phần bảo thủ ở Thái Lan vẫn còn bị khủng hoảng tinh thần vì sự nghiệp thần tốc của Thaksin. Viên cựu sĩ quan cảnh sát này ăn nên làm ra trong ngành viễn thông, sau đó lao vào chính trường, nhanh chóng leo lên tận đỉnh cao quyền lực nhờ vào cảm tình của một bộ phận dân nghèo ở các tỉnh miền bắc. Tuy nhiên, thay vì bảo vệ quyền lợi quốc gia thì thủ tướng Thaksin Shinawatra lạm dụng chức quyền để trục lợi trong ngành địa ốc và bán tập đoàn viễn thông cho Singapore bất chấp tương lai của hàng ngàn nhân viên người Thái.

Hiến pháp mới sẽ cho phép một thiểu số luật gia và sĩ quan thuộc phe bảo thủ kiểm soát đại diện dân cử, theo nhận định của giáo sư Khemthong Tonsakulrungruang, chuyên gia Hiến pháp tại đại học Chulalongkorn, Bangkok. Ngay hai đảng chính trị đối nghịch nhau (đỏ, vàng) cũng cùng tố cáo tính chất phản dân chủ của dự thảo Hiến pháp.

Đảng Puea Thai, (Áo đỏ) thân Thaksin nhấn mạnh là từ nay người dân đi bầu nhưng không có quyền chọn thủ tướng. Còn đảng Dân Chủ (Áo vàng) không giấu « lo sợ » Thái Lan trở về thời quá khứ. Nhà phân tích Pavin Chachavalpongpun thuộc đại học Kyoto, Nhật Bản, khẳng định : Thái Lan quay trở lại thập niên 1980.

AFP nhận, không khí chính trị tại Thái Lan ngày nay phảng phất hương vị của một chế độ dân chủ nửa vời của 30 năm trước, với một chính phủ do tướng Prem Tinsulanonda làm thủ tướng mà không qua bầu cử. Prem Tinsulanonda, hiện nay là cố vấn số một của quốc vương già yếu Bhumibol.

Tổng số lượt xem trang