Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Câu chuyện phía sau nghề nail

Từ ngày qua Mỹ, tôi đã làm rất nhiều nghề, trong số đó có nghề làm móng tay. Mặc dù bây giờ có công việc ổn định nhưng tôi vẫn còn giữ hai cái giấy phép hành nghề móng tay tại hai tiểu bang khác nhau. Cứ hai năm một lần tôi lại trả tiền lệ phí để giữ nó vì "Biết đâu?"

Nghề móng tay (nghề nail) là nghề tự do. Người ta nói làm nghề móng tay nếu độc thân thì tha hồ mà đi du lịch, chỉ xách cây cọ (cọ chiến như đôi giày của dân nhảy đầm chuyên nghiệp) vác ba lô đi đến đâu ghé khu Việt Nam lật tờ báo ra đọc mục "Cần Thợ" là không lo không có chổ ăn chổ ở.

Thực sự mà nói, tôi quý nghề Nail và nghề bán Phở trong cộng đồng Việt Nam hơn cả nghề bác sỹ, luật sư, nghị sỹ, dân biểu, ở các khu toàn người Việt. Theo tôi nghĩ hai nghề này nuôi sống và cứu vớt rất nhiều người Việt trên bước đường xa xứ, không cần nhiều bằng cấp, chữ nghĩa, nhưng cần sự xông xáo đương đầu với bên ngoài. Lâu dần người làm Nail, bán Phở cũng giỏi tiếng Mỹ ra vì phải tiếp xúc trực tiếp với tiếng Mỹ của người bản xứ. Tôi từng chứng kiến nhiều gia đình có anh chồng bằng cấp đầy mình, vợ làm nail, nhưng ra đường nhất nhất anh chồng đều đẩy vợ ra trước, vì bà vợ dạn dĩ dám ăn dám nói tiếng Mỹ hơn.

Tại sao tôi quý nghề Nail hơn những nghề có học hàm khác như bác sỹ, luật sư ... trong khu người Việt?
Tôi nói thiệt là tôi còn quý nó hơn cả nghề tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước CSVN nữa kìa. Như một đàn kiến kiếm ăn, người làm nail bán phở xông pha ra kiếm tiền từ người bản xứ. Dễ kiếm tiền nên họ dễ xài. Họ mang tiền về cộng đồng để nuôi bác sỹ, luật sư ... và gởi về nước nuôi cả cái nước Việt Nam. Nói vậy chắc bà con cho tôi nói quá. Nhưng mà bà con cứ thử tưởng tượng đi, nếu một ngày ngành nail biến mất thì những thứ kia có lao đao không?

Tuy nhiên, nghề nail đối với đàn ông thì có đôi chút hạn chế. Đàn ông làm nail mà bị giành khách trong tiệm thì cũng chỉ cười chứ không lẽ đôi co với đàn bà. Đi tìm thợ, chủ tiệm cũng ưu tiên cho đàn bà vì đàn bà làm được đủ thứ. Đàn ông đâu có wax (nhổ lông), khó có khách chịu cho đàn ông chà chân, bóp chân.

Nói đến chuyện chà chân, bóp chân (pedicure) thì tôi có một câu chuyện kể hầu bà con ...

Hôm đó, vào một ngày tôi còn làm nail, có một nhóm khách bước vô tiệm nhân sinh nhật của một người trong nhóm. Thế là họ yêu cầu được làm một lượt để dễ ngồi nói chuyện với nhau. Trong tiệm vừa đủ số người nếu tính luôn tôi.
"Bà có ngại đàn ông làm chân không?"

Bà được hỏi nhìn hơi ái ngại, không lẽ lại đi tiệm khác, mà tiệm nào đủ số thợ cho 8 người vào giờ này? Bà đồng ý.

Tôi làm chân cho bà mà chốc chốc bà lại xin lỗi. Sorry vì chân bà chưa kịp gát lên. Sorry vì da chân bà nhiều quá. Sorry vì có đất trong móng chân. Tôi chỉ cười và lập đi lập lại "Không sao đâu bà."

Vài phút trôi qua, quen dần bà bắt chuyện cho đỡ ngượng với những câu hỏi chung chung như "Ông làm nghề này lâu chưa?" ... "Ông qua Mỹ lâu chưa?" và cuối cùng có lẽ lấy được can đảm bà hỏi:
"Ông có ngại làm chân cho phụ nữ không?"

Tôi ngước lên nhìn bà cười rồi nói:
"Không thưa bà. Bà cho phép tôi làm việc này là cơ hội tốt cho tôi rồi."

Bà phân trần:
"Nhưng tôi ngại ngại sao đó. Đến cả chồng của tôi cũng không thèm rửa chân cho tôi."

Tôi cười rồi hỏi bà:
"Bà chắc là người tin Jesus."
"Vâng."
"Bà có nhớ sự kiện ngày thứ năm trước ngày thứ sáu tốt lành (Good Friday) không? Ngày đó là ngày diễn ra BUỔI TIỆC LY (Last Supper). Chúa Jesus đã cuối xuống rửa chân cho các thánh tông đồ."

Bà hơi ngạc nhiên và thú vị khi nghe sự liên tưởng của tôi, tôi nói tiếp:
"Nếu bà nghĩ tôi đang làm công việc của Chúa Jesus đã làm cách nay hơn 2000 năm thì bà sẽ không ngại. Chúa là người thánh thiện, quyền uy hơn tôi nhiều mà ngài còn HẠ MÌNH ... RỬA CHÂN cho những người thấp bé trong xã hội, thì phận hèn mọn của tôi nói gương Chúa có đáng gì để bà ái ngại."

Câu chuyện của tôi xóa được cảm giác ái ngại của bà nên bà pha trò:
"Thứ Năm tuần Thánh trước Lễ Phục Sinh, các cha nhà thờ của tôi có cuối xuống rửa chân cho các con chiên trong họ đạo. Nhưng các cha chỉ rót nước rồi đưa khăn cho tôi tự lau, chứ không có rửa kỹ rồi cắt móng chân, sơn móng chân như ông."

Bà cười thật lớn làm các bà bên cạnh nãy giờ theo dõi câu chuyện cũng cười theo. Tôi cũng phì cười rồi góp thêm:
"Các cha rửa chân cho bà MIỄN PHÍ. Còn tôi có thu tiền đó nghe. Sơn đẹp thì một lát còn được tiền cho thêm (tiền TIP) nữa mà."

Tôi lúc nào cũng tự nhủ mình:
"Không bao giờ HỔ THẸN khi phải HẠ MÌNH trước người khác để làm người CÔNG CHÍNH vì trước ta đã có người cao cả hơn ta là Chúa đã làm điều đó. Chỉ nên HỔ THẸN khi tự NÂNG MÌNH quá cao hơn giá trị mình để làm chuyện PHI NGHĨA và khinh rẻ những người xung quanh kém may mắn hơn mình."

Tổng số lượt xem trang