Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Trường Sa: TQ dọa phi cơ chở nhà báo BBC

TQ 8 lần đuổi máy bay Mỹ ở Trường Sa: Tường thuật của CNN từ P8
-Ngư dân TQ phá san hô ở Biển Đông

Những gì tôi chứng kiến ở một rặng san hô nằm xa giữa Biển Đông khiến tôi bị sốc và khó hiểu.

Người ta bảo tôi ngư dân Trung Quốc cố tình phá san hô trong khu vực đảo ở Spratlys (Trường Sa theo cách gọi Việt Nam) do Philippines quản lý, nhưng tôi không tin.


“Người ta phá hủy suốt ngày đêm, từ tháng này qua tháng khác.” – một thị trưởng Philippines nói với tôi trên đảo Palawan của nước này.

“Tôi nghĩ họ cố tình làm vậy. Cứ như thể họ đang trừng phạt chúng tôi bằng cách phá các rặng san hô.”

Tôi không chú ý ‎ lắm tới những lời nói đó. Tôi nghĩ đó có thể chỉ là sự tức giận bài Trung Quốc của một chính trị gia sẵn sàng trách mọi thứ đều do láng giềng đáng ghét của ông ta gây ra. Người láng giềng nói hầu hết các đảo ở Biển Đông đều thuộc về họ.

Nhưng sau đó, khi chiếc máy bay nhỏ của chúng tôi hạ cánh xuống đảo nhỏ Pagasa do Philippines quản lý, tôi nhìn qua cửa sổ và thấy điều đó. Ít nhất hơn chục chiếc tàu đang đậu gần bãi san hô. Một dải cát và sỏi đá kéo dài sau đám tàu này.

“Nhìn kìa!” – Tôi bảo người quay phim Jiro “Đó chính là điều ông thị trưởng nói, họ đang đào xới rặng san hô.”


Dù thấy thế, nhưng tôi đã hoàn toàn bất ngờ trước những gì mình thấy khi tiếp cận vùng nước này.

Một thủy thủ Philippines lái chiếc tàu câu cá nhỏ của anh đi giữa vào đám tàu săn lùng san hô của Trung Quốc.

Họ neo tàu vào rặng san hô và mở động cơ cực mạnh. Khói đen từ động cơ diesel bốc lên cao.

“Họ làm gì thế?” – Tôi hỏi người thủy thủ.

“Họ đang dùng động cơ để kéo bẻ gãy rặng san hô.” – người đàn ông đáp.

Một lần nữa tôi lại nghi ngờ. Chỉ có cách kiểm chứng duy nhất là lặn xuống nước.

Dưới biển đục ngầu vì bụi và cát khuấy lên. Tôi chỉ có thể thấy một cánh quạt bằng thép đang quay ở cuối trục dài, nhưng không thể nói chính xác việc phá hủy này diễn ra như thế nào.

Dù vậy, hậu quả thì đã rõ ràng. Hủy hoại hoàn toàn.Image captionĐáy biển là hàng chồng lớp xác san hô chết

Trước đây nơi này là một hệ sinh thái san hô phong phú. Giờ đáy biển phủ dày một lớp mảnh vụn, hàng triệu cành san hô bị phá vỡ, trắng và chết chóc như xương vụn.

Tôi tiếp tục bơi. Sự phá hoại diễn ra ở khắp các hướng, trải dài hàng trăm mét. Hàng lớp những nhánh san hô gãy vỡ xếp chồng lên nhau. Một cảnh tượng vô lý. Tại sao những ngư dân, hay những kẻ săn trộm, lại đi hủy hoại toàn bộ hệ sinh thái san hô như thế?

Ngay sau đó, bên dưới mình, tôi nhận ra hai người săn trộm, đeo mặt nạ và ống thở nối dài phía sau. Họ đang mang theo vật gì đó rất nặng.

Khi họ cố gắng ngoi lên từ lớp cát dày dưới nước, qua những bong bóng thở, tôi thấy thứ họ đang mang theo là một con sò khổng lồ, ít nhất chiều dài cũng phải cỡ một mét.

Họ thả nó xuống một đống gần tàu. Nằm cạnh nó là ba con sò khác mà họ đã mang tới đây từ trước. Loại sò cỡ này khoảng 100 năm tuổi, và sau đó trên một trang web đấu giá trên internet, tôi thấy những con sò này có thể được bán với giá khoảng 1.000 – 2.000 USD một cặp.
Image captionSau đuôi tàu mẹ có chữ Tanmen

Chúng tôi di chuyển bằng thuyền đến một nhóm tàu cá lớn hơn đậu phía ngoài rặng san hô. Đó là những "tàu mẹ" của đám tàu săn trộm tại rặng san hô này. Trên boong các tàu lớn, tôi nhìn thấy hàng trăm vỏ sò khổng lồ chất đầy.

Phần sau đuôi mỗi con tàu, hai chữ Trung Quốc lớn được in rõ với tên: Tanmen (Đàm Môn).

Tôi đã nghe nói về Đàm Môn trước đó. Đó là một cảng đánh cá ở đảo lớn Hải Nam của Trung Quốc.


Vào tháng Năm 2014, một tàu khác từ Đàm Môn đã bị cảnh sát Philippines bắt trên một rặng đá khác gần Philippines tên là Bãi Trăng Khuyết (Half Moon. Trên bong tàu, cảnh sát cũng đã tìm thấy 500 con rùa biển Hawksbill, hầu hết đã chết.

Rùa Hawksbill là loài cực hiếm và đang bị đe dọa. Loài này được bảo vệ bởi Công ước quốc tế về mua bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Một phiên tòa ở Philippines đã tuyên phạt chín người Trung Quốc săn trộm một năm tù giam.

Bắc Kinh đã phẫn nộ. Bộ ngoại giao yêu cầu phải trả tự do những tay săn trộm ngay và cáo buộc Philippines “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc... khi bắt giam trái phép các tàu đánh cá và ngư dân Trung Quốc trên vùng biển thuộc đảo Tam Sa của Trung Quốc.”
Image caption500 xác rùa biển Hawksbill được tìm thấy trên tàu của dân săn trộm Trung Quốc

Điều này không chứng minh được rằng Trung Quốc bảo vệ những kẻ săn trộm, nhưng cũng không cho thấy Trung Quốc có ý định ngăn cản các hành vi này. Những tay săn trộm chúng tôi gặp chẳng thể hiện chút sợ hãi gì khi bị quay phim.

Trở về đảo Pagasa, một sĩ quan thủy quân lục chiến Philippines cho tôi biết hoạt động phá hủy các bãi san hô đã diễn ra ít nhất hai năm, suốt ngày đêm.

“Lính của các anh có vũ trang mà.” – Tôi nói với ông ta – “Tại sao các anh không dùng tàu cao tốc ra đuổi họ hoặc bắt giữ họ?”

“Quá nguy hiểm” – ông nói – “Chúng tôi không muốn khơi mào chiến tranh súng ống với Hải quân Trung Quốc.”

Tôi vẫn thấy không hiểu được tại sao những ngư dân Trung Quốc kia, những người đã có một lịch sử dài đánh bắt cá ở những rặng san hô, giờ đây lại đi hủy hoại san hô.

Lòng tham có thể là một câu trả lời. Ở nước Trung Quốc mới giàu có, kiếm tiền từ đánh bắt trộm và buôn bán động vật quý ‎ hiếm hẳn là dễ hơn đánh bắt cá.

Có một thực tế đáng buồn khác đang diễn ra ở đây.

Dù tôi rất sốc khi chứng kiến cảnh rặng san hô bị phá và vơ vét, nhưng không gì có thể so sánh được với sự hủy hoại môi trường mà chương trình cải tạo đảo của Trung Quốc đang gây ra ở vùng biển gần đó.
Image captionĐá Vành Khăn được cải tạo có hẳn đường băng sân bay

Hòn đảo mới nhất mà Trung Quốc cải tạo và cơi nới là Mischief Reef (Đá Vành Khăn) dài hơn 9km. 9km rặng san hô sống giờ đã bị chôn vùi dưới hàng triệu tấn cát và sỏi đá.

-Trường Sa: TQ dọa phi cơ chở nhà báo BBC


Các bãi đá ngầm, rạn san hô và cồn cát nằm rải rác được gọi là Spratlys (Việt Nam gọi là Trường Sa) là một nơi rất khó tới. Một số do Việt Nam kiểm soát, một số khác do Philippines và Đài Loan, và tất nhiên có những nơi do Trung Quốc nắm.

Đừng mong đợi có một lời mời thăm nơi này từ Bắc Kinh. Hãy tin tôi đi, tôi đã thử rồi.

Chỉ có Philippines mới cho phép bạn tiếp cận dải đất nhỏ bé dài 400 mét gọi là Pagasa. Chỗ này chỉ đủ lớn để một máy bay nhỏ có thể hạ cánh được.

Sau nhiều tháng chuẩn bị và đàm phán, tôi đang ngồi trong phòng khách sạn ở Manila đóng gói vali sẵn sàng để đi thì chuông điện thoại reo. Đó là đồng nghiệp của tôi, cô Chika.

"Giấy phép cho chúng ta hạ cánh xuống đảo Pagasa đã bị hủy!" Cô nói.

Image captionĐảo Pagasa của Philippines có đường băng 400 mét.

Tôi lo quá. Có việc gì vậy? Có phải chính phủ Philippines bị đe dọa? Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị tới Manila? Có lẽ Manila không muốn cảnh tượng này?
Trên thực tế thì còn tệ hại hơn. Thế nào đó mà Bắc Kinh đã phát hiện ra chúng tôi đang định làm gì.
Tiếp sau đó là người quản lý về biên tập của tôi gọi điện từ London.
"Đại Sứ quán Trung Quốc đã gọi điện đấy. Họ cảnh báo có thể có vấn đề xảy ra nếu BBC cố gắng tới nơi mà họ gọi là lãnh thổ bị chiếm đóng bất hợp pháp của Philippines ở Nam Hải (Biển Đông)," sếp của tôi nói.
Tôi bực quá. Làm sao họ lại biết được? Tôi cần phải thận trọng hơn.
Và vì vậy trong một tuần tôi buộc phải ngồi trong phòng khách sạn của tôi và xem Chủ tịch Tập đến Manila rồi rời đi. Sau đó, đàm phán căng hơn... và cuối cùng chính phủ Philippines cũng thông. Chúng tôi có thể đi.
Lúc 05:30 sáng, năm người chúng tôi tụ tập trên đường băng Puerto Princesa, nằm trên đảo Palawan của Philippines. Hai phi công, một kỹ sư, Jiro, người quay phim và tôi. Trước mặt chúng tôi là phi cơ Cessna 206 có một động cơ duy nhất.
Jiro và tôi nhìn nhau.
"Trời ơi," tôi nghĩ. "Chúng ta thực sự sẽ bay hơn ba giờ trên đại dương và đất liền để tới một hòn đảo nhỏ trên chiếc phi cơ bé xíu này sao?"
Thậm chí chính các phi công trông lo lắng. Và sự thật là chưa có ai từng thử làm điều mà chúng tôi sắp làm.
Với phi cơ nhỏ xíu chở thiết bị quay phim và xăng, phi cơ loạng choạng trên đường băng và chao đảo cất cánh và bay lên không trung. Vài phút sau, chúng tôi không còn thấy những ngọn núi xanh mướt của Palawan, và trước chúng tôi là nước xanh mênh mông của Biển Đông.

Image captionPhóng viên BBC đã tới khu vực có tranh chấp tại Trường sa vào năm ngoái bằng thuyền cá của Philippines.

Kế hoạch của chúng tôi đơn giản thôi. Tức là từ Palawan chúng tôi sẽ bay thẳng đến đảo Pagasa (của Philippines), hạ cánh và tiếp nhiên liệu. Sau đó chúng tôi sẽ bay về phía tây nam và lượn vòng Fiery Cross (Đá Chữ Thập) mà Trung Quốc kiểm soát. Đây là nơi Trung Quốc có vẻ đã và đang xây một căn cứ hải quân và không quân.
Sau đó chúng tôi sẽ trở lại Pagasa và tiếp nhiên liệu một lần nữa. Cuối cùng, chúng tôi sẽ bay qua Mischief Reef (Đá Vành Khăn) trên đường quay về Palawan. Đây là một bãi do Trung Quốc kiểm soát, rất gần với Philippines, nơi diễn ra hoạt động xây cất trong năm nay với quy mô lớn.
Chúng tôi có hai mục tiêu. Tiếp cận càng gần càng tốt các đảo mới mà Trung Quốc kiểm soát để quay những công trình đang được thi công. Và cũng không kém phần quan trọng là để xem Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao.
Trung Quốc đang bị ràng buộc bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà họ tham gia. Công ước này quy định rằng các cấu trúc ngập nước, như bãi đá, không thể được tuyên bố là bờ biển có chủ quyền, và rằng việc xây dựng cấu trúc nhân tạo trên các cấu trúc này cũng không thể biến chúng thành lãnh thổ có chủ quyền được.
Một nước sở hữu một hòn đảo tự nhiên có thể tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý xung quanh đảo này, cả trên biển và trên không. Nhưng cấu trúc nhân tạo không được hưởng bất kỳ quyền nào như vậy. Nói cách khác, chúng tôi sẽ có thể bay phi cơ của mình đến sát các đảo mới của Trung Quốc mà không vi phạm bất kỳ luật quốc tế nào, và Trung Quốc không nên can thiệp vào chuyến bay của chúng tôi.
Khi chiếc phi cơ nhỏ của chúng tôi đáp xuống đường băng Pagasa, tim tôi đập nhanh, phấn khích và hồi hộp. Bay khoảng nửa giờ về phía nam của hòn đảo, tôi thấy một dải đất màu vàng từ ô cửa trong máy bay. Trên dải đất này là một khu nhà màu trắng. Tôi nhận ra nó ngay lập tức từ các bức ảnh vệ tinh.
"Đó là Bãi Gaven!" Tôi hô lên với Jiro trong tiếng động cơ máy bay. "Có nhớ là chúng ta đi thuyền qua nó năm ngoái không. Lúc đó họ mới chỉ bắt đầu xây dựngthôi."
Ngay khi tôi hô lên thì một giọng nói lớn và dữ dằn phát lên từ radio.
"Máy bay quân sự không nhận diện ở phía tây của Bãi Nam Huân (theo cách gọi của Trung Quốc), đây là Hải quân Trung Quốc. Các vị đang đe dọa tới an ninh của trạm chúng tôi! Để ngăn ngừa tính toán sai lầm, rời khỏi khu vực này ngay lập tức!"
Các phi công của chiếc Cessna (chiếc còn xa mới có thể gọi là phi cơ quân sự) của chúng tôi đảo hướng về phía tây. Nhưng những lời cảnh báo tiếp tục hoài, bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, ngày càng lớn và căng thẳng hơn.
Chúng tôi bay về phía nam-tây hướng tới Fiery Cross Reef (Việt Nam gọi là Đá Chữ Thập, Trung Quốc gọi là Đá Vĩnh Thử). Sau một giờ chúng tôi có thể nhìn thấy nó từ xa, một dải rộng lớn màu vàng trên mặt đại dương.
Khi chúng tôi tới cách nơi này 20 hải lý thì lại có giọng radio phát ra.

Image captionBãi Đá Ga Ven là một điểm phóng viên BBC bay qua.

"Máy bay quân sự nước ngoài đến phía tây bắc của đảo Vĩnh Thử, đây là Hải quân Trung Quốc, các vị đang đe dọa an ninh của trạm chúng tôi!"
Lần này phản ứng của các phi công là ngay lập tức, đổi hướng ngay về phía Bắc, cách xa các bãi này.
"Chúng ta cần tới gần hơn!" Tôi đề nghị cơ trưởng. "Chúng ta cần phải quay trở lại, chúng tôi không thể quay phim gì từ khoảng cách xa như vậy!"
Nhưng cũng chẳng ích gì cả.
"Tôi xin lỗi," cơ trưởng nói. "Chúng tôi có lệnh phải theo của chúng tôi."
Những lời cảnh báo trước đó đã làm các phi công khá sợ hãi. Tôi rất thất vọng. "Chúng ta sẽ chẳng quay được gì," tôi nghĩ.
Trở lại đảo Pagasa, khi máy bay tiếp nhiên liệu lần nữa, tôi đã đặt lại vấn đề với các phi công.

Image captionFiery Cross Reef (Bãi Chữ thập năm 2015). Nguồn: CSIS Asia Maritime Transparency Intitiative/DigitalGlobe
Image captionFiery Cross Reef (Bãi Chữ thập năm 2006). Nguồn: CSIS Asia Maritime Transparency Intitiative/DigitalGlobe

"Xem này," tôi nói. "Chúng ta không vi phạm bất kỳ luật lệ nào, Trung Quốc sẽ không bắn hạ chúng ta. Các anh phải thực hiện xong việc của mình chứ, và các anh phải đáp lại họ và nói cho họ biết chúng ta là một máy bay dân sự bay trong không phận quốc tế."
"Ông phải hiểu, chúng tôi là phi công dân sự chứ không phải không quân," họ trả lời. "Chúng tôi không biết họ có thể làm những gì tới chúng ta, chúng tôi coi an toàn là trên hết."
Cuối cùng, sau nhiều giờ thương lượng, các phi công đồng ý họ sẽ thử xem sao.
Chúng tôi cất cánh lần thứ ba, bây giờ quay trở lại về hướng Philippines. Sự căng thẳng trong tôi gần như tới ngưỡng chịu không nổi. Liệu phi công sẽ thực hiện được đúng việc của họ hay không?
Chẳng bao lâu thì một dải đất hình lưỡi liềm vàng khổng lồ xuất hiện bên dưới chúng tôi, hình dạng không thể nhầm lẫn của Mischief Reef (Việt Nam gọi là Đá Vành Khăn, Trung Quốc gọi là Mỹ Tế). Các phi công hạ độ cao xuống 5,000 bộ. Ở điểm 12 hải lý lại nghe các lời cảnh báo.
"Máy bay quân sự nước ngoài tại phía tây bắc của Bãi Mỹ Tế, đây là Hải quân Trung Quốc, các vị đang đe dọa an ninh của trạm chúng tôi!"
Cơ trưởng chúng tôi bình tĩnh trả lời: "Hải quân Trung Quốc, đây là máy bay dân sự Philippines trên đường đến Palawan, chở hành khách dân sự. Chúng tôi không phải là máy bay quân sự, chúng tôi là máy bay dân sự một động cơ."
Nhưng cũng chẳng khác gì cả.
"Máy bay quân sự nước ngoài tại phía bắc của Bãi Mỹ Tế, đây là Hải quân Trung Quốc!" và các lời cảnh báo liên hồi.
Nhưng lần này phi công của chúng tôi vững tâm. Tại điểm 12 hải lý, chúng tôi đi men theo phía bắc của hòn đảo mới khổng lồ.
Phía dưới chúng tôi là các đầm với đầy các loại tàu bè lớn nhỏ. Trên mảnh đất mới là các nhà máy xi măng và phần móng của những tòa nhà mới.

Image captionMischief Reef (Đá Vành khăn) năm 2015. Nguồn: CSIS Asia Maritime Transparency Intitiative/DigitalGlobe
Image captionMischief Reef (Đá Vành khăn) năm 2012. Nguồn: CSIS Asia Maritime Transparency Intitiative/DigitalGlobe

Sau đó, chúng tôi lượn vòng qua một đám mây, và lần đầu tiên chúng tôi đã nhìn rõ một đường băng mới Trung Quốc đang xây dựng ở đây, chỉ 140 hải lý tính từ bờ biển Philippines. Tôi đã làm một phép tính nhanh. Một chiến đấu cơ của Trung Quốc cất cánh từ đây có thể bay tới bờ biển Philippines chỉ trong khoảng tám hoặc chín phút.
Khi chúng tôi bay trở lại về hướng Philippines mọi người ai nấy đều cảm thấy phấn khởi. Chúng tôi đã làm được điều đó! Tôi nói đùa với cơ trưởng rằng chúng tôi nên quay đầu máy bay rồi hạ xuống thấp. Thế rồi từ radio phát ra một giọng rất khác, với tiếng Anh khác giọng hẳn.
"Hải quân Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc," giọng này vang lên. "Chúng tôi là một máy bay của Úc thực hiện quyền tự do bay trong không phận quốc tế theo công ước hàng không dân dụng quốc tế, và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển – xin hết."
Hoa Kỳ đã thực hiện một số chuyến bay và đưa tàu qua khu vực Biển Đông có qui mô trong những tháng gần đây, trong đó có cả phi cơ ném bom B-52. Nhưng Úc chưa bao giờ công khai tuyên bố rằng họ đang làm y như vậy. Vì vậy, đây kể như là “tin mới nóng”.
Chúng tôi nghe thông báo của phía Úc được lặp lại nhiều lần, nhưng không nghe thấy bất kỳ phản ứng nào từ phía Trung Quốc.
Mục đích của các chuyến bay như vậy là để chứng tỏ cho Trung Quốc thấy rằng các nước như Úc và Hoa Kỳ không công nhận nhận các hòn đảo mới mà Trung Quốc đang cơi nới.
Nhưng những đảo đó có tồn tại và Trung Quốc đã và đang thực thi một khu vực cách ly 12 hải lý xung quanh các đảo này, hoặc cố gắng làm vậy.
Tại Fiery Cross (Bãi Chữ thập) những lời cảnh báo bắt đầu từ khi phi cơ vào giới hạn 20 hải lý.
Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra "sự việc đã rồi" mới. Họ đang xây dựng đường băng mới, trạm radar công suất lớn và các cơ sở cho cảng nước sâu.
Tại Manila vào tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng Trung Quốc phải "ngưng toàn bộ việc xây cất mới" và "không tiến tới quân sự hóa" các cơ sở mới này.
Từ những gì tôi đã nghe và tận mắt thấy thì kể như đã quá muộn rồi.

Image copyrightBBC World Service



-TQ 8 lần đuổi máy bay Mỹ ở Trường Sa: Tường thuật của CNN từ P8
 21/05/2015
Hôm 20/5, hải quân Trung Quốc đã 8 lần phát tín hiệu cảnh báo máy bay tuần tra của Mỹ bay qua khu vực mà Trung Quốc đang cải tạo trái phép ở biển Đông.


Mỹ bình tĩnh, Trung Quốc không giấu nổi bực tức


Một nhóm các phóng viên của CNN đã được tham gia chuyến bay tuần tra của Mỹ trên biển Đông hôm 20/5.

Đây cũng là lần đầu tiên Lầu Năm Góc cho phép phóng viên đi theo để hiểu rõ hơn các thách thức mà Trung Quốc đang tạo ra ở biển Đông cũng như cách mà Mỹ đang đối phó.

Trên chiếc P8-A Poseidon, máy bay tuần tra, săn ngầm hiện đại nhất của Mỹ, các phóng viên CNN đã không phải đợi quá lâu để được biết Trung Quốc khó chịu ra sao trước sự xuất hiện của Mỹ.

"Đây là Hải quân Trung Quốc... Đây là Hải quân Trung Quốc... Hãy đi đi... để tránh hiểu nhầm" - một giọng nói bằng tiếng Anh vang lên trên sóng radio..

Theo CNN, chiếc P8-A Poseidon khi đó đã bay ở độ cao 15.000 ft, song Mỹ đang xem xét để máy bay tuần tra của mình có thể bay gần hơn với các hòn đảo mà Trung Quốc đang cải tạo trái phép, đồng thời điều tàu chiến tới các khu vực cách đó vài dặm.

Ngay sau thông điệp từ phía Trung Quốc, nơi phát ra những tiếng nói đó cũng dần hiện ra - một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép, cách bờ biển của nó 600 dặm.

Ông Mike Parker, chỉ huy trưởng hạm đội máy bay tuần tra P8 và P3 hoạt động tại châu Á, người cũng có mặt trên chiếc P8 lúc đó cùng các phóng viên CNN cho hay: "Chúng tôi chỉ vừa mới bị thách thức 30 phút trước đây và là từ phía Hải quân Trung Quốc.

Tôi tin rằng nó tới từ phía kia", ông nói và chỉ tay về phía một trạm radar cảnh báo sớm trên đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép).

Trước những lời cảnh báo, các phi công Mỹ đáp lại rất bình tĩnh rằng, P8 đang bay qua không phận quốc tế.

Giọng nói từ đầu dây phía Trung Quốc đã không thể che giấu nổi sự bực tức: "Đây là Hải quân Trung Quốc... Đi đi!".

Trong cuộc đối đáp qua lại giữa lực lượng quân sự 2 bên, thậm chí phóng viên CNN còn nghe được liên lạc từ một máy bay dân sự của hãng hàng không Delta, xác nhận mình là chuyến bay thương mại.

Ông Parker cho biết: " Gần đây, chúng tôi đã thấy Trung Quốc tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự".

Từ trong buồng lái, Trung tá Matt Newman cũng nói rằng: "Rõ ràng là có nhiều phương tiện ở dưới kia: Các tàu chiến Trung Quốc, các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc. Họ có radar tìm kiếm trên không, vì thế, tôi dám cá là họ đang theo dõi chúng ta".
Camera của máy bay giám sát Mỹ ghi lại hình ảnh Trung Quốc cải tạo trái phép tại đá Chữ Thập.
Camera của máy bay tuần tra Mỹ ghi lại hình ảnh Trung Quốc cải tạo trái phép tại đá Chữ Thập.


Trong một video quay bằng camera của P8, có thể thấy, ngoài radar cảnh báo sớm, Trung Quốc hiện đang xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập các doanh trại quân đội, tháp quan sát tầm cao và một đường băng đủ dài cho tất cả các máy bay của quân đội Trung Quốc.

Theo CNN, những sự bảo vệ nghiêm ngặt này cho thấy rõ Trung Quốc coi trọng đá Chữ Thập tới mức nào.

"Chuyện xấu rồi sẽ xảy ra"

Các sĩ quan Mỹ cho rằng, Trung Quốc càng ráo riết xây dựng trái phép trên biển Đông thì Hải quân Trung Quốc càng thường xuyên và hung hăng cảnh báo máy bay quân sự Mỹ tránh xa khu vực này.

Về phần mình, cựu phó Giám đốc CIA Michael Morell nhận định, việc Trung Quốc hung hăng bành trướng như hiện nay cho thấy siêu cường kinh tế của châu Á này vẫn đang tiếp tục mở rộng sức mạnh và ảnh hưởng của mình.

Theo ông, đây là một trong những nguy cơ "hoàn toàn" có thể dẫn tới chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Có một nguy cơ thực sự, khi chúng ta đối đầu theo kiểu này, rồi chuyện xấu sẽ xảy ra".

"Trung Quốc là một cường quốc đang lên. Còn chúng ta là một cường quốc đã có vị thế. Chúng ta là một nhân tố quan trọng trong khối. Họ lại muốn có thêm ảnh hưởng.

Chiến tranh không phải điều chúng ta muốn, cũng không phải điều họ muốn. Nhưng hoàn toàn vẫn có nguy cơ xảy ra".

Theo CNN, ngoài đá Chữ Thập thì tại đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa), có thể thấy hàng chục tàu hút bùn của Trung Quốc đang hoạt động phi pháp để xây dựng một hòn đảo mới.

"Chúng tôi thấy điều này hàng ngày. Tôi nghĩ họ hoạt động suốt của cuối tuần bởi chúng tôi lúc nào cũng thấy họ" – ông Parker nói.






-Mỹ không huy động được ASEAN đối đầu với Trung Quốc
mediaPhải chăng Trung Quốc đã thành công phân hóa nội bộ ASEAN ? Tại Thượng đỉnh lần thứ 26 Hiệp Hội các nước Đông Nam Á, kết thúc ngày 27/04/2015, đương kim chủ tịch ASEAN là Malaysia chọn thái độ ôn hòa đối với Trung Quốc trong khi Philippines thúc giục các nước thành viên « đương đầu » với âm mưu lấn chiếm toàn vùng biển Đông


Theo giới phân tích, bất đồng quan điểm trong ASEAN sẽ cản trở Hoa Kỳ thành lập một liên minh NATO châu Á. Sự kiện Trung Quốc tăng tốc lấn chiếm biển Đông nam Á, xây dựng cơ sở tính chuyện chiếm đóng lâu dài gây lo âu cho nhiều nước khu vực. Tuy nhiên, phản ứng của mỗi thành viên ASEAN không giống nhau. Nếu tổng thống Philippines Benigno Aquino dứt khoát lên án Bắc Kinh đang hoàn tất kế hoạch « đương nhiên kiểm soát biển Đông, phá hoại hòa bình ổn định » thì Malaysia gạt lập trường cứng cỏi này qua một bên.

Trong diễn văn kết thúc Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 tại Kuala Lumpur, thủ tướng Malaysia Najib Razak đã đưa ra một đường lối tránh xung đột với Trung Quốc và cũng là lập trường « chính thức » của các nước Đông Nam Á : thuyết phục Bắc Kinh đàm phán với ASEAN một giải pháp « xây dựng ».

Theo nhà phân tích Jean-Paul Baquiast của Mediapart, trang báo điện tử có uy tín nhất nhì tại Pháp, đằng sau những tuyên bố dị biệt của các lãnh đạo Đông Nam Á là cả một cuộc đối đầu càng ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington muốn tăng cường hiện diện quân sự và kinh tế trong vùng châu Á Thái Bình Dương trong khi Trung Quốc cũng muốn bành trướng thế lực.

Trong khu vực này, Hoa Kỳ có hai nhóm đồng minh thân thiết. Ở Đông Bắc Á, Washington trông cậy vào Hàn Quốc và nhất là Nhật Bản mà trong chuyến công du của thủ tướng Shinzo Abe, hai bên đã quyết định tăng cường hợp tác quân sự, cho phép quân đội Nhật mở rộng thẩm quyền can thiệp ra bên ngoài biên giới.

Ở phía nam, theo nhà báo Jean-Paul Baquiast, nhiều nước Đông Nam Á cũng đặt kỳ vọng vào sự can thiệp của Mỹ và muốn làm đồng minh với Hoa Kỳ nhưng lại không dám trực tiếp đương đầu với Bắc Kinh dù chỉ qua những tuyên bố.

NATO Á châu ?


Trong khuôn khổ kế hoạch « tái định vị » hay « chuyển trục » về châu Á để đối phó với hiểm họa Trung Quốc tuy Mỹ không nói thẳng ra, nhiều nhà phân tích cho rằng tổng thống Barack Obama muốn thành lập một liên minh quân sự theo mô hình tổ chức Bắc Đại Tây dương NATO, cũng do Hoa Kỳ lãnh đạo với các thành viên là một số nước ASEAN. Đặc biệt, tổng thống Barack Obama kỳ vọng vào quyết tâm của Philippines, Việt Nam, của Malaysia và Brunei để củng cố vị thế chiến lược trong khu vực.

Trước thượng đỉnh Kuala Lumpur, cơ quan tình báo Mỹ đã tiết lộ một số hình ảnh vệ tinh liên quan đến những hoạt động xâm lấn của Trung Quốc, xây dựng phi trường trong lãnh hải của Philippines.

Tổng thống Benigno Aquino cho biết thêm những động thái khác của hải quân Trung Quốc uy hiếp ngư dân Philippines. Được Washington khuyến khích, Manila muốn Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 là cơ hội để đưa ra một lập trường chung mạnh mẽ lên án Trung Quốc, bất chấp rủi ro xảy ra hải chiến.

Tuy nhiên, nhiều thành viên khác của Hiệp hội Đông Nam Á xem trọng quyền lợi thương mại và quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh hơn là chủ quyền biển đảo.
Hoa Kỳ có thể đã thất bại huy động Đông Nam Á vào chiến lược « chuyển trục » nhưng liệu lập trường « mềm mỏng » của một số nước thành viên ASEAN có sẽ thành công buộc Trung Quốc đàm phán nghiêm túc ? Hay trái lại, nói theo ngôn ngữ của ngư dân : ASEAN có nguy cơ mất cả chì lẫn chài.

*********


Trung Quốc “vô cùng lo ngại” về Tuyên bố của ASEAN liên quan vấn đề Biển Đông, nhắc đến việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông.
Hôm thứ Ba, người phát ngôn của Trung Quốc, Hồng Lỗi, nói Biển Đông không phải là vấn đề tranh chấp giữa ASEAN và Trung Quốc.
“Trung Quốc đã rất kiềm chế,” ông Hồng tuyên bố.
Ngày 28/4, sau khi bế mạc hội nghị cấp cao tại Malaysia, ASEAN đã ra Tuyên bố Chủ tịch về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Tuyên bố viết: “Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc của các Lãnh đạo về việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.”
“ Do đó, chúng tôi chỉ đạo các Bộ trưởng Ngoại giao khẩn cấp xử lý vấn đề này một cách xây dựng thông qua các khuôn khổ của ASEAN như quan hệ ASEAN -Trung Quốc cũng như nguyên tắc về cùng chung sống hòa bình.”
Các nguồn ngoại giao nói với hãng tin Reuters rằng Việt Nam và Indonesia đã nêu lo ngại khi họp, buộc chủ nhà Malaysia phải đưa vấn đề vào tuyên bố sau cùng.
Tuyên bố này nói: “Tuy ghi nhận tiến triển trong tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), chúng tôi yêu cầu tăng cường tham vấn hơn nữa để bảo đảm nhanh chóng xây dựng được một Bộ quy tắc COC hiệu quả.”

Tổng số lượt xem trang