-
Chương 90
Đào Hoàng Lý trực cùng tôi ngày 11-5-1976, khi Dư Dương Tú, cô y tá giàu kinh nghiệm, giỏi nhất của chúng tôi phóng đến, mặt hoảng hốt, thở hổn hển, báo tin, Chủ tịch đang vã mồ hôi, lên cơn khó thở cấp. Chúng tôi hối hả tới chỗ Mao, nghi ông lên cơn đau tim đột ngột. Trương Ngọc Phượng ngăn chúng tôi lại, nhưng không có thời giờ chờ cô ta cho phép.
Mao bất tỉnh nhưng chưa chết, không phản đối khi các bác sĩ bắt tay vào việc cấp cứu. Chúng tôi đo điện tim, hồi sức cấp cứu. Một cú điện thoại từ Trung Nam Hải gọi đến khu nhà H, nơi đội y tế ở, sẽ có một nhân viên y tế đến bổ sung. Mao lên cơn đau tim đột ngột do nhồi máu cơ tim, một phần nhỏ trong tâm thất bị hoại tử do thiếu oxygen, ông đã từng bị nhịp ngoại tâm thu và rối loạn nhịp tim. Các y tá Minh Thanh Nhung, Lý Liên Thi, báo cáo, cơn bệnh xuất hiện ngay sau khi Chủ tịch tiếp thủ tướng Lào, Kaysone Phomvihane, đúng lúc ông đang cãi vã với Trương Ngọc Phượng.
Người ta thông báo ngay cho Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều về tình trạng của Chủ tịch. Trong lúc họ trên đường tới tư dinh Mao, chúng tôi vẫn tiến hành cấp cứu. Tình trạng của Mao rất nguy kịch. Ba Uỷ viên Bộ chính trị thống nhất, Mao cần nghỉ ngơi hoàn toàn. Bộ ngoại giao thông báo cho các đại sứ quán Trung Quốc trên toàn thế giới biết, Mao sẽ không tiếp khách nước ngoài trong một thời gian.
Người ta thông báo ngay cho Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều về tình trạng của Chủ tịch. Trong lúc họ trên đường tới tư dinh Mao, chúng tôi vẫn tiến hành cấp cứu. Tình trạng của Mao rất nguy kịch. Ba Uỷ viên Bộ chính trị thống nhất, Mao cần nghỉ ngơi hoàn toàn. Bộ ngoại giao thông báo cho các đại sứ quán Trung Quốc trên toàn thế giới biết, Mao sẽ không tiếp khách nước ngoài trong một thời gian.
Chúng tôi bực bội với Trương Ngọc Phượng, việc cãi cọ của cô với Mao làm tăng bệnh tim. Hoa Quốc Phong nhắc nhở, Chủ tịch rất già, ốm đau, khuyên cô nên mềm mỏng, kiên nhẫn. Trương Ngọc Phượng vùng vằng, tức giận. Vương Hồng Văn cố động viên, nói:
- Cô Tiểu Trương ơi, làm ơn chăm sóc tốt Chủ tịch, chúng tôi sẽ cám ơn cô nhiều.
Theo quyết định của Hoa Quốc Phong, bốn Uỷ viên Bộ chính trị – Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều và Uông Đông Hưng và ông – phải có mặt thường xuyên chỉ đạo nhóm bác sĩ. Họ ra lệnh cho chúng tôi thông báo cho Hoa Quốc Phong trong bất kỳ trường hợp diễn biến nguy kịch nào. Trương Xuân Kiều đề nghị không chuyển cho Mao các văn kiện của Bộ chính trị. Dù rằng sức khoẻ đã yếu đi, Mao vẫn nhận và xem qua tất cả các đề án giải quyết, người ta cần sự đồng thuận của ông. Hoa Quốc Phong và Vương Hồng Văn đồng ý ngừng chuyển tài liệu. Chủ tịch cần yên tĩnh, nghỉ ngơi hoàn toàn. Lần đầu tiên Mao mất quyền kiểm soát đối với Bộ chính trị. Quyền lực của ông giảm đi. Phái Giang Thanh chiếm ưu thế.
Chúng tôi đã chặn đứng cơn nguy kịch, nhưng tình trạng sức khỏe vẫn tiếp tục xấu. Chứng loạn nhịp tim vẫn còn, lượng nước tiểu giảm, chỉ còn nửa lít một ngày. Chứng liệt các cơ vùng họng phát triển đến mức hầu như ông không thể nuốt được nữa. Người ta tiếp tục nuôi ông bằng nước thịt bò và gà hầm, nhưng số lượng vào dạ dày giảm đi rất nhiều.
Ngày 15-3-1976, nhóm bác sĩ được triệu tập họp khẩn cấp từ Ban thường vụ Bộ chính trị, chịu trách nhiệm chỉ đạo công việc điều trị. Chúng tôi đề xuất, do Mao không nhận đủ nước và dinh dưỡng tình trạng rất nguy hiểm, đề nghị cho ăn qua đường mũi.
Vương Hồng Văn hỏi, liệu Mao có thể truyền dung dịch glucose được không. Truyền dung dịch có thể được, nhưng đưa một lượng nước cần thiết, sẽ gây tim làm việc quá tải. Trương Xuân Kiều nhắc, không ai có thể ép Mao đút ống nuôi dưỡng qua đường mũi, cần phải thuyết phục để ông đồng ý. Người duy nhất có thể thuyết phục ông là Trương Ngọc Phượng. Bộ chính trị cho gọi cô ta đến họp, Hoa Quốc Phong muốn cô lắng nghe ý kiến bác sĩ sau đó thuyết phục Chủ tịch.
Trương Ngọc Phượng từ chối họp, lý do, rất bận chăm sóc Chủ tịch, hơn nữa cô không phải bác sĩ. Các Uỷ viên Bộ chính trị lúng túng, không biết giải quyết ra sao. Cuối cùng Vương Hồng Văn hứa nói chuyện với cô ta.
Cuối cuộc họp, Hoa Quốc Phong muốn xem việc nuôi qua đường mũi và đề nghị giải thích thiết bị của nó. Ông nghĩ rằng nếu bốn Uỷ viên Bộ chính trị, lo về sức khoẻ Mao, thử áp dụng vào chính bản thân mình, họ sẽ dễ khuyên Chủ tịch sử dụng chúng. Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn, Uông Đông Hưng và Trương Xuân Kiều quyết định đến ngày hôm sau sẽ thử. Tất cả mọi người Nhóm Một cũng phải thử đút ống cho chính bản thân, để sau đó thuyết phục Mao.
Cuộc họp vừa giải tán, Vương Hồng Văn tìm tôi. Ông tìm được một thuốc mới cho Mao – ngọc trai biển. Vương Hồng Văn có đem theo vài viên ngọc trai biển cực kỳ quý hiếm từ Thượng Hải, muốn tôi dùng thử cho Mao.
Tôi đờ người ra. Chúng tôi tiến hành thí nghiệm mổ đục thủy tinh thể trên các bệnh nhân khác, để xác định phương pháp điều trị nào được dùng cho Mao, chứ không thể lấy Chủ tịch làm vật thí nghiệm. Tôi đề nghị tổ chức hợp hai nhóm Thượng Hải và Bắc kinh, làm thí nghiệm kiểm tra tác dụng tốt xấu của ngọc trai. Uông Đông Hưng chỉ trích tôi không tin Vương Hồng Văn, phó chủ tịch đảng. Nhưng tôi không tiến hành thử nghiệm, nên Mao cũng không điều trị bằng ngọc trai.
Trong số bốn Uỷ viên Bộ chính trị đồng ý thử ống truyền thức ăn qua mũi, chỉ có mỗi Hoa Quốc Phong làm. Uông Đông Hưng từng dùng nó khi điều trị chảy máu dạ dày. Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều lấy lý do đang bận họp.
Hoa Quốc Phong thấy khó chịu một chút, hơi buồn nôn khi đưa ống xông qua lỗ mũi và qua họng, nhưng không đau. Hoa sẽ mô tả cảm giác với Chủ tịch. Trương Ngọc Phượng, người duy nhất trong Nhóm Một không cho thử ống xông vào bản thân. “Tôi không phải bệnh nhân – Cô ta nói – cớ gì mà tôi phải tham gia việc này. Nó chẳng giúp gì được tôi cả? Ngoài ra, thậm chí tôi đồng ý, Chủ tịch vẫn có thể từ chối cơ mà”.
Trương Ngọc Phượng té ra nói đúng. Mao không đồng ý. Ông không cho phép khám bệnh, chỉ đồng ý cho đo nhịp tim thôi.
Đêm 30-5-1976, Mao bỗng nhiên vã mồ hôi như tắm, bất tỉnh nhân sự. Các bác sĩ được gọi đến khẩn cấp, chúng tôi dùng ống xông đưa qua mũi. Nhưng trước khi chúng tôi kịp bắt đầu ghi điện tim, Mao tỉnh lại, tức thời dứt ống ra. Một bác sĩ ngăn ông, Mao giơ nắm đấm, sau đó ra lệnh tất cả ra khỏi buồng.
Tôi ở lại, vẫn không hiểu vì sao ông ngất. Tôi cho rằng có thể đường huyết trong máu giảm do thiếu dinh dưỡng hay tái phát nhồi máu cơ tim. Tôi muốn xét nghiệm máu, ông đồng ý cho lấy máu ở vành tai vài giọt, số lượng không đủ để làm sinh hoá kiểm tra toàn bộ, chỉ đủ định lượng đường trong máu. Đường huyết quá thấp, nhưng kết quả này chỉ giúp được đôi chút về tình hình bệnh của ông.
Tôi đề nghị đo điện tâm đồ. Chúng tôi cần phải tiên đoán có những đợt đau tim cấp nữa hay không. Sau khi nài nỉ, Mao cho phép đặt điện cực lên ngực ông. Chúng tôi nối nó với máy ghi được điều khiển bằng vô tuyến đặt ở phòng tiếp khách. Ba bác sĩ điện tim thay ca nhau theo dõi điện tâm đồ, sẵn sàng cấp cứu khi có dấu hiệu đột quỵ.
Chúng tôi bây giờ đến lượt “chiến đấu” với những buổi chiếu phim liên miên. Tôi tin rằng, những buổi xem phim, có ngày hai buổi, như vậy không có lợi cho sức khỏe của Chủ tịch vốn dĩ đang ốm, không những ông phải ra khỏi giường mà còn nhiều cảnh bạo lực trong phim, như Nhật xâm lược gây xúc động ảnh hưởng nhịp tim. Những bộ phim khác như The Sound of Music, Love Story… không có vấn đề gây cấn, nhưng đi lại, xem quá nhiều ảnh hưởng không tốt đến bệnh tim của ông.
Trương Ngọc Phượng muốn Mao xem phim. Tôi không biết lý do gì Giang Thanh lại không muốn Chủ tịch xem phim. Theo Giang Thanh, ánh sáng mạnh chiếu vào mắt Mao, vì thế ông hỏng mắt, không khí không trong lành nên ông ngạt thở. Bà đề nghị chồng ngừng xem phim.
Uông Đông Hưng ủng hộ xem phim, ngoài việc cho rằng phim tác động tốt đến Mao, ông ta còn muốn chống những gì Giang Thanh đề xuất. Uông yêu cầu chúng tôi, với tư cách bác sĩ, có lời khuyên bằng văn bản về việc xem phim. Chủ tịch bị đau ốm, ông nói, Chủ tịch cần phải giải trí. Có thật không thể cho phép ông ta xem phim được không?
Khi tôi báo cáo, theo quan điểm chung của bác sĩ, Mao cần phải nghỉ và phim ảnh làm cho bệnh ông nặng thêm, tim có thể biến chứng, Uông Đông Hưng khó chịu. Ngô Thế lo giữa tôi và Uông có thể tới bên bờ vực khủng hoảng, khuyên đừng có bao giờ gây khó chịu cho Uông, chúng tôi cần sự ủng hộ của ông. Các bác sĩ đầu hàng, thế là Mao và Trương Ngọc Phượng tiếp tục xem phim.
Mao vẫn không an tâm chuyện gì đó. Hễ nằm trên giường lâu một chút là ông kêu nóng, người ta chuyển ông sang sofa, được một lúc lại đòi quay về giường. Giang Thanh đề nghị đóng một cái giường thứ hai, Mao có thể chuyển từ giường này sang giường kia hay ngược lại. Chúng tôi kê giường thứ 2, nhưng Mao quá yếu, không thể tự đi, phải cần vài người hỗ trợ. Còn tôi rất lo, ông có thể ngã và gãy tay hoặc chân lúc ấy càng rách việc.
Ngày 26-6-1976 Mao lại bồn chồn và cáu kỉnh hơn bình thường, hết chuyển giường này sang giường kia lại ngược lại rồi sang sofa. Tôi ngờ đây là dấu hiệu sắp xảy ra triệu chứng xấu hơn. Chiều đó chúng tôi cùng với Đào Hoàng Lý thuyết phục Trương Ngọc Phượng cố gắng giữ cho lãnh tụ được yên. Ông vẫn loạn nhịp tim, có dấu hiệu thiếu máu vành tim. Chúng tôi lo sợ cơn nhồi máu cơ tim lần thứ hai. Trương Ngọc Phượng không nghe lời, nói, Chủ tịch vẫn như mọi lần thôi.
- Chẳng có gì xảy ra cả – Cô ta nói một cách tự tin – Tôi không tin có điều gì ghê gớm xảy ra.
Lúc 7 giờ tối, Mao uống thuốc ngủ, nằm trên giường. Nhưng vẫn có một cái gì đó làm ông bồn chồn. Ông sang chiếc giường thứ hai, sau đó sang sofa. Sau mười phút ông lại quay về giường. Và tại thời điểm này chiếc máy đo theo dõi làm việc của tim hiện trên màn hình sau tường bên ghi nhận được những cơn nhồi máu cơ tim tiếp theo.
Đào Hoàng Lý và tôi chạy vội đến chỗ Mao. Lát sau Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Uông Đông Hưng tới. Tất cả các bác sĩ cũng tập hợp. Cơn đau này nặng hơn 2 cơn đau trước, lan toả hầu hết các vùng tim. Chúng tôi làm việc đến bốn giờ sáng, khi áp huyết Mao cuối cùng ổn định. Chúng tôi lại đặt ống xông qua mũi, lần này Mao không rứt nó ra.
Chúng tôi tăng lượng nhân viên y tế trong mỗi một ca và lập bảng chế độ trực ban. Tám y tá, năm bác sĩ, kể cả một bác sĩ kiểm tra điện tim, thường xuyên bên cạnh phòng Mao. Bốn Uỷ viên Bộ chính trị chia thành hai ca. Hoa Quốc Phong và Trương Xuân Kiều trực từ trưa đến nửa đêm. Vương Hồng Văn và Uông Đông Hưng, từ nửa đêm đến trưa hôm sau. Tôi chịu trách nhiệm chung tất cả các ca trực, báo cáo các Uỷ viên Bộ chính trị tình hình sức khỏe của Chủ tịch trong ca trực 12 giờ trước đó.
Giang Thanh từ Điếu Ngư Đài về Trung Nam Hải, nghỉ tại Khu Xuân Liên, mới được sửa chữa và hiện đại hoá vào năm 1974. Nhưng không gánh vác việc chăm sóc người ốm, chỉ thỉnh thoảng đảo qua liếc nhìn ông chồng.
Trương Ngọc Phượng hay sai phái các y tá, luôn luôn để ý đến họ. Trương Diêu Tự ủng hộ Trương Ngọc Phượng. Tôi phản đối. Các y tá phải thực hiện các mệnh lệnh của bác sĩ, người không phận sự cấm không được can thiệp. Tôi thuyết phục Trương Diêu Tự không nên dung túng những thói can thiệp vô lý của Trương Ngọc Phượng. Y tá đưa thuốc cho Chủ tịch uống, bất cứ ai trái y lệnh sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Tôi thường xuyên cãi nhau với Trương Diêu Tự vì thói thích dí mũi vào chuyện chuyên môn của tôi. Ông ta buộc tôi tội không phục tùng “tổ chức” của ông. Có lần ông tuyên bố, chỉ vì sợ Chủ tịch, người ông sợ nhất, nên chưa tính sổ với tôi. Tôi cũng đốp lại, những quy định về an ninh, có hiệu lực trong thời gian mười năm, quy định cấm ông bắt tôi thi hành các mệnh lệnh của ông về y tế. Chúng tôi cãi nhau cho tới khi Mao chết. Tôi nghĩ, khi Chủ tịch chết, Trương Diêu Tự sẽ tìm cách trả thù.