-Lê Công Định-
'Việt Nam nên phá giá tiền đồng'
6 tháng 5 2015
Về mặt kinh tế, phá giá tiền đồng bây giờ là đúng, vì tỷ giá VND/USD hiện không phản ánh chính xác "thực lực" của đồng tiền này, hơn nữa sẽ giúp nhà nước khỏi chịu áp lực tài chính để neo giữ tỷ giá một cách mệt mỏi như bấy lâu.
Tuy nhiên, về mặt xã hội, nhiều vấn đề nan giải mà chính phủ phải quan tâm. Lương công nhân tính bằng tiền đồng chưa tăng kịp với tỷ giá, trong khi giá cả các mặt hàng thiết yếu phải nhập khẩu như xăng dầu sẽ tăng đáng kể. Thu nhập và, do đó, mức sống của người lao động sẽ giảm sút.
Điều hành một nền kinh tế nhiều nan đề như hiện nay thật không đơn giản đối với chính phủ. Do vậy TPP thực sự là một giải pháp cần thiết, và tuy đau đớn cũng phải chấp nhận. Điều này đòi hỏi bản lĩnh của nhà lãnh đạo.
Đã đến lúc phá giá tiền đồng
06/05/2015 22:48
Tỉ giá USD/VNĐ đang chịu áp lực lớn trên thị trường. Các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cho rằng phải điều chỉnh tỉ giá nếu không sẽ có rủi ro cho nền kinh tế
Cuối ngày 6-5, giá USD trên thị trường tự do tiếp tục tăng cao. Một số điểm thu đổi ngoại tệ và tiệm vàng ở TP HCM báo giá USD mua vào 21.670 đồng/USD, bán ra 21.730 đồng/USD, cao hơn phiên buổi sáng khoảng 40 đồng/USD và cao hơn nhiều so với giá USD trong các ngân hàng (NH) thương mại.
Trong khi đó, giá USD ở các NH thương mại cũng được đẩy lên mức kịch trần biên độ cho phép: 21.673 đồng/USD bán ra, mua vào 21.650 đồng/USD. Đây là lần đầu tiên kể từ khi NH Nhà nước phá giá tiền đồng 1% vào đầu năm 2015, tỉ giá bình quân liên NH lên mức 21.458 đồng/USD.
Chỉ là yếu tố tâm lý?
Tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá USD được niêm yết mua vào 21.650 đồng/USD, bán ra 21.673 đồng/USD, cao hơn phiên hôm trước 3 đồng/USD. So với cuối tuần, tỉ giá đã tăng thêm 53 đồng/USD. Mức giá USD chiều bán ra được các NH thương mại đẩy lên hết biên độ cho phép nhưng ở chiều mua vào có sự chênh lệch đáng kể.
Tại NH TMCP Phương Đông (OCB), chiều mua vào 21.630 đồng/USD, thấp hơn Vietcombank 20 đồng mỗi USD hay ở NH TMCP Á Châu (ACB), giá mua vào là 21.643 đồng/USD…
Theo Phó Tổng Giám đốc OCB Đinh Đức Quang, cung- cầu mua bán ngoại tệ tại OCB vẫn bình thường, thậm chí lượng ngoại tệ mua từ thị trường vẫn lớn hơn bán ra, không có nhiều đột biến. Nếu so với thời điểm trước dịp lễ 30-4, giá USD tăng từ 21.600 đồng/USD lên 21.673 đồng/USD.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết từ đầu tuần đến nay, doanh số mua bán ngoại tệ đáp ứng cho các nhu cầu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và cá nhân có tăng nhưng không đến mức căng thẳng. Do kỳ nghỉ lễ 30-4 kéo dài, mọi hoạt động thanh toán ngoại tệ với nước ngoài tạm ngưng nên sau lễ, nhu cầu cần ngoại tệ để giao dịch với nước ngoài có tăng lên.
Một điểm thu đổi ngoại tệ trên đường Đồng Khởi, quận 1, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
“Chênh lệch giữa giá USD trong NH và trên thị trường tự do không quá lớn, chỉ khi nào chênh lệch từ 150-200 đồng/USD mới là bất thường. Giá USD tăng cao mấy ngày qua có thể do yếu tố tâm lý nhằm tạo áp lực NH Nhà nước điều chỉnh tỉ giá” - ông Minh phân tích.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng tỉ giá đang gặp nhiều áp lực thật sự khi nhập siêu 4 tháng đầu năm của Việt Nam đã cán mức 3 tỉ USD (theo số liệu của Tổng cục Thống kê). Trên thế giới, đồng USD đang mạnh lên so với các loại ngoại tệ khác. Theo chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu, nhu cầu vốn của Chính phủ có vẻ đang tăng lên cũng một phần tạo áp lực cho tỉ giá.
Vừa rồi, Vietcombank đã mua 1 tỉ USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5-10 năm bằng USD với lãi suất 4,8%/năm hay việc Chính phủ giao NH Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển…
Xuất khẩu thiệt, hàng Việt kém cạnh tranh
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc NH Nhà nước giữ quan điểm ổn định tỉ giá với biên độ điều chỉnh 2% trong năm nay nhằm tạo niềm tin cho người dân với tiền đồng, kiềm chế lạm phát, nợ công… là tốt nhưng tỉ giá phải cần linh hoạt theo cung cầu thị trường. Có nhiều rủi ro cho nền kinh tế từ việc neo tỉ giá cố định. Khi tỉ giá “neo” cứng trong thời gian dài sẽ gây áp lực lên NH Nhà nước.
Cụ thể, nhà đầu tư có thể mua USD giá thấp trong NH thương mại rồi bán ra thị trường tự do để hưởng chênh lệch, ngay NH thương mại cũng có thể làm điều này (vì mua được USD từ NH Nhà nước giá thấp). Nếu thị trường tự do càng biến động sẽ gây tổn thất cho NH Nhà nước hoặc tạo thành 2 thị trường: trong NH và ngoài “chợ đen” như trước đây.
“NH Nhà nước nói không điều chỉnh tỉ giá để làm lợi cho xuất khẩu nhưng với mức tỉ giá ổn định như hiện nay, hàng hóa nhập khẩu lại được lợi vì ngày càng rẻ và cạnh tranh với hàng trong nước. Lúc này, NH Nhà nước nên xem xét điều chỉnh tỉ giá tăng khoảng 0,5% nhưng theo tôi trong năm nay, tiền đồng cần phá giá thêm 3%” - TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Trò chuyện với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, một yếu tố khiến lợi nhuận của họ không cao như trước đây là do tỉ giá quá ổn định. Tại báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô tháng 5-2015, khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC Việt Nam đưa ra nhận định đáng lo ngại: Các ngành sản xuất nội địa truyền thống như dệt may và giày dép đang chậm lại do tính cạnh tranh từ giá cả ngày càng giảm khi tỉ giá tăng trên cả cơ sở thực tế lẫn danh nghĩa. VNĐ không chỉ tăng so với đồng euro, yen Nhật mà cả các đồng tiền của đối thủ cạnh tranh chính trong lĩnh vực xuất khẩu.
Doanh nghiệp gặp khó khăn
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết thời gian qua do thị trường EU, Nhật gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu qua các thị trường này chủ yếu thanh toán bằng USD nên đơn giá không tăng, thậm chí còn giảm.
Trong khi đó, hàng loạt chi phí đầu vào từ nguyên phụ liệu, lương cơ bản... đều tăng nhưng tỉ giá ổn định trong một thời gian dài khiến DN gặp nhiều khó khăn. Việc điều chỉnh tăng tỉ giá bao nhiêu tùy thuộc vào quyết định của NH Nhà nước nhưng nếu không tăng, DN xuất khẩu càng thiệt hại nhiều
Còn theo ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Mỹ nghệ xuất khẩu gỗ Kim Bôi, với ngành mỹ nghệ xuất khẩu hiện mỗi năm mức lương đều tăng nhưng giá bán hầu như không tăng.
Trước đây, DN được hưởng chênh lệch tỉ giá do hằng năm giá USD đều tăng và NH Nhà nước điều chỉnh, phần nào hỗ trợ DN xuất khẩu bù đắp chi phí đầu vào. Nhưng gần 3 năm nay, khoản chênh lệch tỉ giá không còn khiến DN gặp nhiều khó khăn về giá.
'Việt Nam nên phá giá tiền đồng'
6 tháng 5 2015
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá tiền đồng so với đồng đôla 1% hồi đầu năm nay
Việt Nam nên phá giá tiền đồng để tránh thâm hụt kép về tài chính lẫn thương mại trong năm nay, theo báo cáo mới nhất của HSBC.
Giới chức Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch Đầu tư trong thời gian qua đã cảnh báo việc phá giá tiền đồng có thể làm tăng nợ nước ngoài.
Tuy nhiên, trong 'Báo cáo về Tình hình Kinh tế vĩ mô tháng 4', HSBC cho rằng các khoản nợ từ bên ngoài của Việt Nam hiện hầu hết là vay ưu đãi, trong đó gần một nửa hưởng mức lãi suất thấp hơn 1%.
Trong khi đó, ngân hàng này cảnh báo rằng thâm hụt ngân sách trong năm 2015 sẽ ở mức 5,6% GDP nếu tăng trưởng danh nghĩa đạt 14%, và sẽ lên đến mức 5,8% GDP nếu tăng trưởng danh nghĩa đạt 10%.
"Gánh nợ công trong nước vì vậy sẽ tăng nhanh hơn và tiến sát đến mức giới hạn 65% của chính phủ", báo cáo viết.
Vì vậy, ngân hàng này khuyến cáo Việt Nam nên giảm giá đồng nội tệ hoặc giảm lãi suất để "tránh thâm hụt kép, vừa tài chính lẫn thương mại".
Việc giảm giá nội tệ hoặc giảm lãi suất có thể giúp Việt Nam hỗ trợ xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, HSBC cho biết.
Áp lực tỷ giá
Ý đồ của Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện trong năm nay, tức là nếu phá giá thì chỉ thêm 1% nữa. Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương
Trả lời BBC ngày 6/5, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng việc giảm tỷ giá "có thể thực hiện", nhưng cần đảm bảo cân bằng kinh tế vĩ mô.
"Năm nay kinh tế Việt Nam vẫn theo chiều hướng là kinh tế vĩ mô có nhiều dấu hiệu ổn định tích cực, bên cạnh đó thì sự phục hồi kinh tế, nhất là trong công nghiệp chế biến, cũng rõ hơn", ông nói.
"Chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) của HSBC thời gian gần đây cũng trên 50 điểm và tháng Tư vừa rồi thì lên mức 53 điểm."
"Tuy nhiên kinh tế vẫn trong giai đoạn phục hồi khó khăn, nhiều điểm phức tạp về kinh tế vĩ mô."
"Trong năm nay thì Việt Nam và nhiều nước đứng trước áp lực về tỷ giá, và tỷ giá thì có tác động lên nhiều chiều."
Ông cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tuyên bố là sẽ không thay đổi tỷ giá so với đồng đôla quá 2% trong năm nay và nói điều này dựa trên hai nguyên nhân chính:
"Một là nhìn dưới góc độ tác động đến kinh tế vĩ mô, từ lạm phát tới xuất khẩu cũng như thương mại nói chung và việc trả nợ nước ngoài của Việt Nam", ông nói.
"Từ đầu năm đến giờ đã phá giá 1% rồi, nên nếu phá giá tiếp cũng chỉ thể là 1% nữa thôi."
"Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhìn các chỉ số vĩ mô khác cũng như nguồn lực của mình để đảm bảo rằng thị trường có thể yên tâm vào khả năng của Ngân hàng Nhà nước có thể điều hành theo ý mình muốn."
Ông cho rằng cán cân tổng thể của Việt Nam cả năm vẫn có thể có thặng dư, dù thâm hụt thương mại có thể tăng.
"Mặc dù thâm hụt thương mại của Việt Nam sau 2 năm là khá cân bằng và thậm chí có thặng dư. Nhưng vào tháng 4 thì thâm hụt thương mại bắt đầu tăng lên, gây áp lực lên tỷ giá", ông nói.
"Tuy nhiên cán cân tổng thể của Việt Nam thì quý 1 vẫn thặng dư gần 3 tỷ đô và theo nhiều dự báo thì dù thâm hụt thương mại có thể tăng lên trong năm nay, khoảng 5-7 tỷ đôla, nhưng cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam vẫn có thặng dư và dự trữ ngoại tệ sẽ tăng khá mạnh."
"Ý đồ của Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện trong năm nay, tức là nếu phá giá thì chỉ thêm 1% nữa."
"Nhưng nếu nhìn ra xa hơn thì chính sách tỷ giá của Việt Nam sẽ cần sự linh hoạt."
"Tuy nhiên sự linh hoạt thế nào thì còn gắn với ba điểm, một là ổn định kinh tế vĩ mô cũng như quá trình mở cửa tự do hóa tài chính của Việt Nam, gắn với những cam kết quốc tế của Việt Nam trước đây và sắp tới."
"Thứ hai là đảm bảo đồng tiền Việt Nam không bị đánh giá quá cao để ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam."
"Cái thứ ba là phải đảm bảo các yếu tố vĩ mô khác vì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn rất quan trọng."