Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo: Bước Đi Lùi - Phản Đối Ý Định Xiết Chặt Thêm Sự Kiểm Soát Tôn Giáo

-Son Tran

Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo: Bước Đi Lùi

Phản Đối Ý Định Xiết Chặt Thêm Sự Kiểm Soát Tôn Giáo

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 5 tháng 5, 2015

Trước hạn chót là ngày hôm nay, 5 tháng 5, 2015, một số tổ chức tôn giáo độc lập ở trong nước đã gửi bản góp ý cho Quốc Hội Việt Nam về dự thảo 4 của Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo: Nó là bước lùi về quyền tự do tôn giáo.

Chúng ta ở hải ngoại cần dùng quốc tế vận để khuếch tán và yểm trợ tiếng nói của họ. Và lúc này đang là thời điểm thuận lợi cho cho việc này.

Phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đang có mặt ở Việt Nam, chuẩn bị cho cuộc đối thoại nhân quyền lần 19, sẽ diễn ra ngày 7 tháng 5 ở Hà Nội. Trong phái đoàn Bộ Ngoại Giao kỳ này có Ông David Saperstein, Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. Chúng tôi đã kịp chuyển cho phái đoàn Bộ Ngoại Giao các bản góp ý của nhiều tổ chức tôn giáo ở trong nước cũng như bản dịch Anh ngữ toàn bộ dự thảo 4 của Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo. Chúng tôi cũng gởi bản góp ý của mình và 2 tổ chức quốc tế cho họ. Như vậy, khi ngồi vào bàn họp vào ngày mốt ở Hà Nội, phái đoàn Hoa Kỳ đã nắm vững nội dung của dự thảo luật cũng như quan điểm của các tổ chức tôn giáo bị ảnh hưởng.

Nếu Việt Nam đi lùi

Các ý kiến đóng góp từ trong nước đều chỉ ra rằng dự thảo 4 của Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo vi phạm trầm trọng quyền tự do tôn giáo chiếu theo tiêu chuẩn quốc tế, củng cố quan hệ xin-cho và là bước lùi so với tình trạng hiện nay, vốn đã tồi tệ. Các ý kiến này đề nghị sửa đổi nhiều điều khoản trong dự thảo và cũng có ý kiến yêu cầu huỷ luôn bản dự thảo.
Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo trở thành thước đo thiện chí của chế độ ở Việt Nam trong sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân. Trong trường hợp Quốc Hội Việt Nam không đáp ứng các ý kiến chính đáng từ những tổ chức tôn giáo, và phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trở về "tay không" thì chúng ta sẽ có căn cứ vững chắc cho cuộc tổng vận động sẽ diễn ra ngày 18 tháng 6 -- Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2015. Khi Hành Pháp bó tay thì Lập Pháp có lý do can thiệp. Trong ngày 18 tháng 6, các nhà tranh đấu đến từ khắp nẻo đường của đất nước Hoa Kỳ sẽ đồng loạt vận động dân biểu và thượng nghị sĩ của mình để:

(1) Đòi hỏi Việt Nam phải chứng minh cải thiện tình trạng tự do tôn giáo trước khi được hưởng các lợi ích về mậu dịch đến từ Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP);
(2) Yêu cầu Bộ Ngoại Giao đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì vi phạm tự do tôn giáo một cách trầm trọng.
Vì đoán trước diễn tiến, chúng tôi đặt tự do tôn giáo làm trọng tâm cho cuộc tổng vận động này và đã bắt đầu các bước chuẩn bị từ giữa năm ngoái. Trong tuần này, một phái đoàn nhỏ đã bắt đầu cuộc vận động qua các buổi tiếp xúc ở Quốc Hội.

Chúng ta có triển vọng

Hiện nay, một dự luật quan trọng làm tiền đề để hoàn tất đàm phán Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) đang gặp trở ngại ở Quốc Hội dù đã thông qua các ban tài chính ở Hạ Viện và Thượng Viện: Đó là dự luật về Thẩm Quyền Phát Huy Mậu Dịch (Trade Promotion Authority, hay TPA).

TPA có thể sẽ thông qua Thượng Viện trong tháng 5 nhưng đang gặp trở ngại ở Hạ Viện. Theo sự đếm phiếu của văn phòng Chủ Tịch Hạ Viện, hiện nay không đủ phiếu để thông qua TPA. Có khoảng 70 dân biểu Cộng Hoà và 150 dân biểu Dân Chủ chống lại TPA, nghĩa là vượt đa số. Các cuộc tổng vận động của những phái đoàn người Mỹ gốc Việt đến từ khắp đất nước Hoa Kỳ trong 2 năm trở lại đây đã góp phần cho tình trạng này.

Đó là nói về TPA. Số dân biểu chống đối TPP có thể còn cao hơn nữa ở Hạ Viện. Và ở Thượng Viện thì một số Thượng Nghị Sĩ đã hăm doạ dùng một số thủ tục đặc biệt để chặn đứng nó.

Điều này đặt Hành Pháp vào thế là phải thoả đáng một số đòi hỏi của các dân biểu và thượng nghị sĩ, ở mức đủ để chuyển một số phiếu từ chống thành thuận. Chúng ta phải tăng tối đa mức vận động và đòi hỏi điều kiện nhân quyền cho Việt Nam là vậy.

Tháng 6 là thời điểm quyết định về TPA, TPP và CPC. Đó là lý do chúng tôi chọn 18 tháng 6 làm Ngày Tổng Vận Động Cho Việt Nam năm nay. Cuộc vận động này sẽ yểm trợ cho tiếng nói của các giáo hội và tổ chức tôn giáo độc lập ở Việt Nam trong nỗ lực đẩy lùi tính chuyên chế của chế độ đối với các tôn giáo.

Để ghi danh tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam, xin liên lạc: http://www.cfdvn.org/?page_id=84

Dự Thảo 4 Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo -- Bản dịch Anh ngữ:
http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/Law-on-Religion-4th-draft-English-translation-rough.pdf

-Son Tran
Phản hồi về dự thảo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo
Dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng Tôn giáo được Bộ Nội Vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ chuyển đến cho các tôn giáo trong nước xem và góp ý. Cho đến lúc này, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng như hai tòa giám mục Bắc Ninh và Kontum chính thức có phản hồi với chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Ban Tôn giáo Chính phủ về dự thảo luật đó.

Phản hồi

Nhận định và góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam do đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, tổng thư ký, thay mặt Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam ký ngày 4 tháng 5, đưa ra nhận định nói rõ ‘Nhìn chung, bản Dự Thảo 4 đi ngược lại với quyền tự do vế tín ngưỡng và tôn giáo, gây lo ngại nhiều hơn là đem lại sự bình an cho mọi người.

Sau khi nêu ra 14 chi tiết về bản dự thảo nhận được, Hội Đồng Giám mục Việt Nam có ba kiến nghị: thứ nhất là“Không đồng ý Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; thứ hai đề nghị soạn lại một bản Dự thảo khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ và điểm thứ ba là bản dự thảo mới phải được tham khảo ý kiến từ các tổ chức tôn giáo; đặt biệt các tổ chức tôn giáo phải được công nhận tư cách pháp nhân và được pháp luật bảo vệ.”
Không đồng ý Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; thứ hai đề nghị soạn lại một bản Dự thảo khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ và điểm thứ ba là bản dự thảo mới phải được tham khảo ý kiến từ các tổ chức tôn giáo; đặt biệt các tổ chức tôn giáo phải được công nhận tư cách pháp nhân và được pháp luật bảo vệ.
-Hội Đồng Giám mục VN
Vào ngày 28 tháng tư, Tòa Giám mục Kontum cũng có thư gửi cho ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc hội Việt Nam và ông Phạm Dũng, trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Bức thư cho biết thời gian nhận được dự thảo để góp ý đến ngày 5 tháng 5 là quá gấp vì theo thư của Tòa Giám mục Kontum thì trong vòng 13 ngày không thể có góp ý cho một dự thảo luật được cho là quan trọng như thế. Nhất là trong tình hình mà Tòa Giám Mục Kontum nhận định là đang đứng trước họa xâm lăng của Phương Bắc như hiện nay. Trong khi đó theo tư của cơ quan chức năng Việt Nam thì đến hạn ngày 5 tháng 5 mà không nhận được văn bản góp ý tức được hiểu đã đồng ý với dự thảo luật.
Tòa Giám mục Kom tum do hai đức cha Trần Thanh Chung và Hoàng Đức Oanh đại diện ký tên vào thư trả lời như vừa nêu cũng đưa ra 7 ý kiến đối với bản dự thảo 4; đồng thời có 2 kiến nghị là ‘hoãn biểu quyết Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; dồn toàn lực đất nước vào việc chống ngoại bang Phương Bắc đang lấn chiếm đất, biển của Việt Nam’. Kiến nghị thứ hai của Tòa Giám mục Kontum là cần cho người dân biết rõ về Thỏa hiệp Thành Đô năm 1990 mà nhiều người dân muốn được rõ.
Tòa Giám Mục Bắc Ninh vào ngày 30 tháng tư vừa qua cũng gửi cho Bộ Nội vụ- Ban Tôn giáo ‘Nhận định và góp ý về Dự thảo Luật Tín Ngưỡng, tôn giáo’.
Nhận định của Tòa Giám mục Bắc Ninh do linh mục Tổng đại diện Giuse Nguyễn Đức Hiểu ký tên thay mặt giáo phận nêu rõ ‘Theo nhiều nước tiên tiến trên thế giới, những văn bản qui phạm pháp luật sinh ra nhằm ngăn chặn những người thực thi pháp luật lạm dụng quyền đối với người dâ; nhưng nhìn nhận cách khách quan, những điều nêu trong Dự thảo 4 muốn tái lập cơ chế Xin-Cho trong các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Cơ chế Xin-Cho biến quyền tự do của con người thành những thứ quyền Nhà nước nắm trong tay và ban lại cho người dân qua những thủ tục cấp phép”.
Tòa Giám mục Bắc Ninh đưa ra 7 đề nghị. Trong đó đề nghị các tôn giáo và chức sắc được hưởng quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải được pháp luật bảo vệ chứ không phải bảo hộ. Một điểm được nêu ra nữa là hai chương X và XI của Dự thảo 4 tự mâu thuẫn với điều 2 trong Dự thảo cũng như trong Hiến pháp năm 1992, sửa đổi năm 2013 của Việt Nam.

Thực tế

Vấn đề Xin- Cho trong lĩnh vực tôn giáo mà Tòa Giám mục Bắc Ninh nêu ra được mục sư A Đảo, thuộc hội thánh Tin Lành tư gia có tên Đấng Christ Việt Nam, hiện sinh sống tại huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum cho biết:
“Về sinh hoạt, họ bắt chúng tôi phải đăng ký hằng năm nhưng chúng tôi nói bên Ban Tôn giáo nói chỉ đăng ký duy nhất lần đầu tiên thì sẽ được ‘đời đời’. Thế nhưng trong thôn làng, xã, tỉnh Kon Tum thì họ không cho phép nói rằng Trung ương khác, dưới tỉnh, huyện, làng khác.
Họ vẫn cứ nói như vậy và bắt chúng tôi cho con số từng người ,chúng tôi không chịu. Vì năm ngoái chúng tôi khai từng người trong làng Ya Khiên, xã Rờ kơi này; chính quyền biết và họ đi hù dọa hay lừa bảo anh em tín hữu bỏ đạo Tin Lành thì chính quyền sẽ đầu tư xây nhà, được chế độ này, chế độ nọ.”

Ý kiến chức sắc

chuacuuthe.com-123-250.jpg
Từ trái sang: LM Đinh Hữu Thoại, LM Phạm Trung Thành và TS Phạm Công Thuận. Ảnh minh họa chụp trước đây.
Linh mục Đinh Hữu Thoại, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn, cũng nói đến vấn đề luật pháp mà chính quyền Việt Nam áp dụng đối với các tôn giáo trong nước lâu nay:
“Thực tế bản chất của cộng sản là vẫn muốn tìm cách triệt hạ các tôn giáo, bằng chứng là những ông trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đều từ công an đưa qua. Như vậy họ đặt tôn giáo vào đối tượng gọi là ‘nguy hiểm đến an ninh quốc gia’. Với quan niệm ngay từ đầu như vậy thì không thể nào có tự do tôn giáo. Cái nhìn của nhà cầm quyền về tôn giáo vẫn còn sai lệch như vậy. Họ rất sai lệch khi mà đặt trưởng ban tôn giáo là một công an. Thứ hai, việc quản lý tôn giáo lại giao cho những người không biết gì về tôn giáo. Đó là sai lầm thứ hai dẫn đến việc họ tìm cách hạn chế chứ đâu có giúp cho quyền tự do tôn giáo được thể hiện; điều đó thể hiện qua ban tôn giáo các cấp và pháp luật.
Không cần thiết phải có một pháp luật nào khác về tôn giáo. Bởi vì khi ra một phát luật liên quan đến những người có tôn giáo, tức đã liệt họ vào một loại công dân khác rồi. Vì người có tôn giáo hay không có tôn giáo vẫn là công dân của một đất nước; nên chỉ bị chi phối bởi một luật chung, một luật duy nhất. Tại sao phải có thêm những luật về tôn giáo?”
Mục sư Nguyễn Hồng Quang thuộc giáo hội Mennonite độc lập cũng có ý kiến về những phát biểu lâu nay của cơ quan chức năng khi Hà Nội bị các tổ chức quốc tế nêu ra những vi phạm về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân:
“Những người thay mặt chính phủ Việt Nam để nói về tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng có rất nhiều hạn chế. Ngay cả thủ tướng, chủ tịch nước, tổng bí thư muốn phát biểu điều gì cũng không phải theo tự do cá nhân của họ muốn phát biểu đâu. Họ phải nói những điều mà tập thể, đảng ủy, chi bộ cho phép và phải thông báo trước mới được đưa ra ngoài.
Dù những phát ngôn đó có xa lạ với cách nghe của cộng đồng nhân loại thế giới, họ vẫn phát biểu như thế: nói hoài, nói mãi, nói không hề thay đổi. Đơn cử như vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Quốc đã xâm lược, chiếm quyền lợi ở Biển Đông của Việt Nam, chiếm lãnh hải và an toàn lãnh thổ của Việt Nam; nhưng rồi cách nói lâu nay là ‘cực lực lên án’ mà người trong nước nghe hoài, rất chán.”
Dự thảo lần thứ 4 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo do Bộ Nội vụ Việt Nam soạn thảo; theo những nhận định và góp ý vừa nêu thì dự thảo này không đáp ứng được yêu cầu của các tôn giáo hiện nay trong nước.

-
Chức sắc tôn giáo quán triệt Nghị quyết Đại hội XI
Ngày 25/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị đại biểu các tôn giáo nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 300 chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo đang làm việc và cư ngụ tại các tỉnh, thành phía Nam.

Tại hội nghị, đại biểu các tôn giáo đã được giới thiệu, nghiên cứu quán triệt những quan điểm, nội dung cơ bản trong các văn kiện và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cùng một số chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng.


Qua đó nhằm giúp đại biểu các tôn giáo nắm vững những nội dung cơ bản, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh nghiên cứu quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Sự hiện diện của các vị chức sắc trong hội nghị này thể hiện mối quan tâm và trách nhiệm của các tôn giáo, các vị chức sắc và nhà tu hành các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhấn mạnh một số nét chính trong các văn kiện Đại hội XI của Đảng, ông Đinh Thế Huynh cho biết Đại hội XI của Đảng cũng đã đề cập, khẳng định chính sách nhất quán về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Trong đó văn kiện Đại hội nêu rõ về việc: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.”

Sau hội nghị khu vực phía Nam, dự kiến ngày 6/9 tới đây, Hội nghị đại biểu các tôn giáo nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (khu vực phía Bắc) sẽ được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội./.


Hoàng Liên Sơn (TTXVN/Vietnam+)
-Nguồn:Chức sắc tôn giáo quán triệt Nghị quyết Đại hội XI

Tổng số lượt xem trang