Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Đi mô rồi cũng nhớ về... Bình Tĩnh

-
Chúng tôi soạn bộ Từ điển "tiếng Nghệ Tĩnh" sang tiếng…. Ta

QUYỂN MỘT



TỪ ĐIỂN TIẾNG NGHỆ BẰNG VĂN VẦN

(Sưu tầm)

Con trâu thì gọi “con tru”
Con dâu thì gọi “con du” trong nhà
“Mấn” là “váy”, “ngái” là “xa”
“Đi mô?” để hỏi ai là “đi đâu? ”
“Nác su” ý nói “nước sâu”
“Trấy bù” để gọi “quả bầu” đấy nha
“Gác bếp” thì gọi là “tra”
“Lông cơn” thực chất đó là “trồng cây”
“Ra sân” thì nói “ra cươi”
“Đi nhởi” ý nói “đi chơi” ấy mà
“Chúng tao” thì nói là “choa”
“Các bạn”, thân mật gọi là “bọn bay”
“Tê” là “kia”, “ni” là “này”
“Mi” “mần” ý nói là “mày” “làm” thôi
“Chộ” là “thấy”, “nhác” là “lười”
“Mắm tôm” cứ gọi “ruốc bôi” đúng liền
“Đọi” là “bát”, ”nôốc” là “thuyền”
“Khủy chân” đích thị có tên “lặc lè”
“Đàng” là “đường”, “đấy” là “tè”
“Thế thôi” thì nói “rứa hè” là xong
“Rừng” là “rú”,“rào” là “sông”
“Ngá khu” tức thị “ngứa mông” thật rồi
“Mơ” là “mớ”, “thúi” là “hôi”
“Nỏ nhởi” ý nói “không chơi” đó mà
“Tê” là “kia, “tề” là “kìa”
“Cái môi” tên gọi “cái thìa” đó em
“Đánh nhau” – “đập chắc” nhớ liền
“Ra răng” là muốn hỏi em “thế nào”
“Ả” là “chị”, “tau” là “tao”
“Rứa” là “thế”, “răng” là “sao” đó mà
“Bổ” là “ngã”, “mả” là “mồ”
“Lọi cẳng” để nói đó là “duỗi chân”
Vải “đen” ắt hẳn vải “thâm”
”Trụt quỳn” ý nói “tụt quần” thế thôi
“Dốc” là “trôộc”, “đôộng” là “đồi”
“Mui” là để chỉ cái “môi” trước mồm
“Đầu” là “trôốc”, “hun” là “hôn”
“Ló” chưa hết là “Lúa” còn đấy em
“Ngượng ” là “rầy” “thích” là “sèm”
Ai hỏi đến “lả” thì châm “lửa” liền
“Nỏ” là “không” nhé đừng quên
“Lá trù” chính xác là tên “lá trầu”
“Mắc” là “bận”, “mô” là “đâu”
“Ăn nể” , “ăn vã” như nhau cả mà
Có người gọi “bọ” là “cha”
“Nương” là “vườn”, “rẫy” gọi là “nương” thôi
“Bù rợ” “bí đỏ” đúng rồi
“Nước chè” quê bạn, quê tôi “nác chè”
“Nướng” là phải “náng” đó nghe
Gọi mang lọ “mói” thì bê “muối” liền
Trốc cúi” là “đầu gối” chân
Nói “đài” múc nước phải cầm “gầu” ngay
“Chủi” là cái “chổi” đây này
Nói “rờ” thì cứ đưa tay mà “sờ”
“Lúc này” tạm nói là “dừ”
“Luộc kỹ gốc” nhé, “Loọc nhừ côộc” nha,
“Con ga” để chỉ “con gà”
“Con bê” choa nói đó là “con me”
“Con suối” cứ gọi là “khe”
”Châu chấu” ngoài đó, ở quê “cào cào”
“Hồ” nước được gọi là “bàu”
“Cá quả” cứ gọi “cá tràu” không sai
“Con người” thì nói “Con ngài”
”Cù cu” tên gọi của loài “bồ câu”
“tối” nói “túi”, “túi” nói “bâu”
“Con sâu” có chỗ gọi “trâu” thật mà
“Hổ bắt” thì nói “khái tha”
“Muỗi”, “giòi” thì gọi đó là “mọi”, “troi”
“Con ruồi” thì nói “Con ròi”
Bắt “tôi” “Nhúng” đít thì “tui” “trụng” quần
“Con giun” phải nói “Con trùn”
“Với chắc” có nghĩa là cùng “với nhau”
“Lộ mô” có nghĩa “chỗ nào”
Nói “vo trôốc” là “gội đầu” đó em
“Gạo” thì gọi “gấu” đừng quên
Ai nói đến “trự” nhớ liền “chữ” ngay
”Chạc” là để chỉ cái “dây”
Nói đi “đâm” gạo hiểu ngay “giã” rồi
Cả anh, em mẹ tới chơi
Đều chào là “cụ” thế thôi em ờ
“Sạu” thì phải hiểu là “ngô”
”O” là bác gái và “cô” đó mà
“Mẹ chồng” vẫn gọi “mụ gia”
“Ràn tru” phải hiểu đó là “chuồng trâu”
“Ròi bu” ý nói “ruồi bâu”
Hỏi nơi “rửa bát” là đâu “lộ chồ”
Gọi “vợ” là “gấy”nhớ cho
Nói “Nhôông” ắt hẳn chính là “chồng” thôi
“Dao khoắm” là “rạ” đúng rồi
Bảo đi lấy “toóc” thì lôi “rạ” về
“Ruộng” là gọi “roọng” đó nghe
“Anh nha” cứ nói “eng hè” là xong
“Suôn” là “thẳng”, “ngoẹo” là “cong”
“Nỏ mần răng cả” là “không việc gì”
“Gõ đầu” là “trọi trốc” mi
“Kệ tau” ý nói làm gì “mặc tôi”
“Trúp vả” để chỉ cái “đùi”
“Ả nậy” – “chị lớn” biết rồi chứ em,
“Ngong” là “ nhìn”, “coi” là “xem”
“Mệ va” – “chị ấy” mong em chớ cười
“Lớn” thì nói “nậy” thế thôi
“Lõi” ngô, lõi mít nói “cồi” đừng lo
“Cây cọ” choa nói “cơn tro”
Gọi “tắn”, gọi “tít” “rắn” bò “rết” ra
“Mạo” là cái “mũ” đó nha
Trong đó từ “rạc” nghĩa là “xác xơ”
“Anh” là “eng”, “cô” là “O”
“Mun” trong bếp củi là “tro bếp” mà…




TIÊNG NGHỆ
(Nói với vợ khi về thăm quê)

...Cái gàu thì bảo cái đài
Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi
Chộ tức là thấy mình ơi
Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em
Thích chi thì bảo là sèm
Nghe ai bảo đọi thì đem bát vào
Cá quả lại gọi cá tràu
Vo trốc là bảo gội đầu đấy em
Nghe em giọng Bắc êm êm
Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
"Răng chưa sang nhởi nhà choa
Bà O đã nhốt con ga trong truồng"
Em cười bối rối mà thương
Thương em một lại trăm đường thương quê
Gió Lào thổi rạc bờ tre
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Chắt từ đá sỏi , đất cằn


Nên yêu thương mới sâu đằm đó em ...-




Những ngày qua, nhiều phụ huynh và học sinh không ngừng bình luận về một đề thi học kỳ môn văn lớp 7 ở tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu học sinh hãy “dịch” hai câu thơ tiếng Hà Tĩnh sang tiếng phổ thông: 
“Mô rú mô ri mô nỏ chộ/ Mô rào mô bể chộ mô mồ”. Đây là đề thi do Phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) ra. 

Nhiều học sinh đọc xong đề cũng bỡ ngỡ vì… hơi khó. Phụ huynh chia sẻ trên cộng đồng mạng cho rằng nếu học sinh không am hiểu tiếng địa phương thì sẽ gặp khó khi làm bài. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng đề thi thú vị. Một số người lớn ở Nghệ An, Hà Tĩnh sau khi đọc đề cho biết thấy khó để “dịch” hai câu thơ trên. Có người phải “dịch” từng chữ rồi mới “dịch” hoàn chỉnh hai câu thơ trên. Trong ngôn ngữ địa phương vùng Nghệ Tĩnh, “mô” là đâu, ý là ở đâu; “rú” là núi; “mô ri” là ở đâu; “nỏ” là không; “nỏ chộ” là không thấy, chẳng thấy; “rào” là sông; “bể” là biển; “mô mồ” là đâu nào… Sau đó ghép lại thành câu: “Đâu núi đâu rừng đâu chẳng thấy/ Đâu sông đâu biển thấy gì đâu”. 

Ông Phan Thanh Dân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà, cho biết đáp án của đề thi là:“Đâu núi đâu non đâu chẳng thấy/ Đâu sông đâu biển thấy đâu nào”. Theo ông Dân, việc ra đề trên là bình thường, không đánh đố học sinh. Đây là chương trình tiếng địa phương được đưa vào đề thi nhằm kiểm tra phần văn hóa địa phương của học sinh. Đ.LAM VietBao.vn (Theo_PLO >>>)
------------
Xem thêm: Đề thi ‘dịch’ tiếng Hà Tĩnh sang tiếng phổ thông là bình thường (?), http://vietbao.vn/Tuyen-sinh/De-thi-dich-tieng-Ha-Tinh-sang-tieng-pho-thong-la-binh-thuong/380553791/290/

Tổng số lượt xem trang