--Chương 4. Cộng hoà Dân chủ Đức lớn mạnh và tôi lớn theo
Tháng 12-1952, tôi nhận được thư của Walter Ulbricht, lãnh tụ Đông Đức, ra lệnh vời tôi về cao ốc của Uỷ ban Trung ương, nằm trên giao điểm nhộn nhịp đường Lothringer Strasse (sau này trở thành Whilhelm Pieck Strasse) và đường Prenzlauer Allee tại trung tâm của Đông Berlin, không xa quảng trường Alexanderplatz. Tại cổng ra vào tôi nhận giấy phép thông hành, người canh gác cửa cẩn thận xem xét căn cước của tôi, mặc dù vấn đề an ninh không chặt chẽ và cao ốc không đồ sộ như tại Bộ tham mưu sau này được đặt tại Werderscher Markt. Mặc dù vậy, người ta cũng cảm nhận được sự lớn mạnh của thành phần ưu tú nhưng sau này tự cô lập với quần chúng.
Tôi trình diện tại văn phòng chờ của Ulbricht. Ông đang họp, chỉ một lúc sau ông xuất hiện, ăn mặc gọn ghẽ với hàm râu dựng đứng. Ông mời tôi sang văn phòng kế cận với văn phòng của vợ ông, bà Lotte, một cộng sự viên thân tín nhất. Tôi biết rõ bà khi chúng tôi làm việc chung tại Đài phát thanh nhân dân Đức tại Moscow . Bà ân cần chào hỏi tôi. Ulbricht mời tôi ngồi và ra dấu cho bà vợ đi ra. Tôi đã gặp ông nhiều lần và ông hay đùa bỡn, nhưng sau đó đi thẳng ngay vào vấn đề. Đó là phong cách của ông: Ngắn gọn, theo cung cách thương gia, tập trung vào những nét chính và không bao giờ nhìn thẳng người đối thoại. Thản nhiên, Ulbricht báo cho tôi biết Anton Ackermann, người đứng đầu cơ quan tình báo hải ngoại từ khi thành lập, xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Tôi biết tình trạng sức khỏe của Ackermann không phải là lý do chính, nhưng Ulbricht bất tín nhiệm Ackermann vì Ackermann nói đến “con đường xã hội chủ nghĩa Đức” riêng biệt, khác với khuôn mẫu Xô viết. Ulbricht có khả năng đánh bật Ackermann vì Ackermann bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, điều cấm kị trong môi trường thanh khiết Đông Đức vào những thập niên 1950.
Ulbricht nói: “Chúng tôi nghĩ anh phải đứng ra quản lý cơ quan”. Danh từ “chúng tôi” mang tính cách kẻ cả - hoặc, chính xác hơn, “chúng tôi” có nghĩa là cấp lãnh đạo Đảng. Ông không hỏi tôi nghĩ thế nào về khả năng của tôi với chức vụ và cũng không muốn bàn luận xa hơn nữa.
Tôi hầu như bị bất ngờ. Tôi chưa đầy ba mươi tuổi và tôi chẳng có một địa vị nổi bật nào trong cơ cấu thứ bậc của Đảng. Tôi hỏi Ulbricht cơ quan tình báo hải ngoại báo cáo thế nào cho cấp lãnh đạo đảng và ông trả lời tôi có trách nhiệm trực tiếp với ông.
Không đầy mười lăm phút sau, tôi đã bách bộ ngoài đường, đầu óc lùng bùng. Khi tôi trở về văn phòng của tôi, Richard Stahlman, Xử lý thường vụ cơ quan từ lúc Ackermann từ nhiệm, đang chờ đợi tôi. Tôi băn khoăn về thái độ của ông; một người có trọng lượng và kinh nghiệm như ông ta không thể nào chuyển nhượng quyền lực cho một tên trẻ tuổi mới tập tễnh một cách tầm thường như vậy được. Nhưng ông lại tươi cười một cách sảng khoái khi ông mở tủ sắt kín và trao cho tôi một số hồ sơ bên trong; giấy tờ không bao giờ là sở trường của ông và công việc hành chính này sẽ là một phần quan trọng trong việc làm của tôi. Ông lướt chìa khoá trên bàn về phía tôi và nói: “Tất cả những thứ này là của anh. Chúc anh may mắn. Tôi sẽ có mặt khi anh cần đến tôi”. Lòng tôi đầy hãnh diện khi tôi vội bước ra ngoài đi mua một bộ quần áo mới để khởi sự ngày đầu tiên ngồi vào bàn làm việc to lớn.
Lý do họ tuyển chọn tôi chỉ sau mười sáu tháng làm việc tại cơ quan tình báo cho đến nay tôi vẫn không rõ. Nhưng Cộng hoà Dân chủ Đức mới chỉ được thành lập vào tháng 10-1949 và tất cả các quan chức phải học hỏi ngay trong khi làm việc. Ackermann dường như đã đề nghị tôi làm người kế vị ông và tôi đóan chắc việc cất nhắc của tôi liên quan mật thiết với những mối liên hệ của tôi với Moscow . Đôi khi tôi tự hỏi tại sao tôi chấp nhận chức vụ này trong một cơ quan nằm trong một cơ cấu đàn áp. Trước tiên, tôi nghĩ rằng cơ quan tình báo không phải là một bộ phận trong cơ cấu đàn áp. Và việc từ chối không thể biện bạch được vì tinh thần trách nhiệm của tôi, vì kỷ luật của Đảng và vì nhu cầu của Chiến tranh Lạnh.
Một trong những lời trách móc rất thường xuyên được đề cập từ phương Tây về phong cách của chúng tôi trong những thập niên 1950 là chúng tôi không thể nào đui mù không thấy những gì đã xảy ra trong thời gian thanh trừng tại Moscow vì chúng tôi đã thấy những dấu hiệu trải qua những năm tháng kinh nghiệm tại đây. Điều này không đúng. Kinh nghiệm sống tại Moscow của chúng tôi lại có tác dụng trái ngược. Trong đầu óc chúng tôi, chúng tôi luôn có những bào chữa: Stalin phải tỏ chí phục thù vì ông đang chiến đấu chống một kẻ thù man rợ. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận quy mô dối trá dàn dựng tại Liên Xô trong thập niên 1920 và 1930, vì vậy chúng tôi không nhận ra những dối trá, những nửa sự thật và những đòn trả thù đi kèm theo nỗ lực của chúng tôi để bảo toàn những thắng lợi chiến lược của Liên Xô tại Đông Đức.
Trái lại chúng tôi tìm cách thích ứng lý tưởng của chúng tôi với những hành vi bẩn thỉu bởi vì Hoa Kỳ và Đồng minh châu Âu đang tìm cách phá huỷ những nỗ lực xây dựng xã hội chủ nghĩa của chúng tôi trên đất nước Đức. Và tình huống viện cớ cứ tiếp tục như vậy, cho đến khi chúng tôi thức tỉnh ra khỏi cơn mê năm 1989. Tôi vẫn phủ nhận thái độ quyết đoán cho rằng chế độ chúng tôi hoàn toàn dựa trên sự dối trá, nhưng tôi phải công nhận phần lớn nó được xây dựng trên những bào chữa.
Khi tôi đứng ra lãnh đạo cơ quan tình báo hải ngoại, Ulbricht trực tiếp kiểm soát trong vòng nửa năm. Mùa xuân năm 1953, cơ quan được đặt dưới quyền của Wilhelm Zaisser, một uỷ viên Bộ Chính trị và đồng thời lãnh đạo Bộ Công an quốc gia. Ông có một quá khứ khiến mọi người Đông Đức phải kính phục. Trước Chiến tranh thế giới II, ông tổ chức những công tác mật tại Trung Hoa và điều khiển Quân Đoàn 11 Quốc tế tại Tây Ban Nha. Ông Zaisser và tôi làm việc nhịp nhàng với nhau, có nghĩa là ông phó mặc hoàn toàn công việc cho tôi. Ông chỉ dành cho tôi một tiếng đồng hồ mỗi tuần và thời gian qua mau tôi không kịp trình bày những ưu tư của tôi. Là một sinh viên đam mê học thuyết Mác-xít, ông thích bàn thảo về các vấn đề chuyển ngữ tuyển tập Lê-nin sang ấn bản mới tiếng Đức, mà ông phụ trách in đăng hơn là nghe báo cáo của tôi. Những bản thảo thường nằm đầy trên bàn của ông thay vì những báo cáo tình báo.
Ngay sau lễ Phục Sinh năm 1953, quả bom đầu tiên trong nghề nghiệp của tôi nổ. Một biến cố sau này mọi người được biết đến là vụ Vulkan (Vulkan, tiếng Đức có nghĩa là “núi lửa”). Gotthold Kraus, làm việc trong đơn vị tình báo kinh tế của chúng tôi, trở thành nhân viên đào thoát đầu tiên của chúng tôi. Tôi xem việc này như một thất bại cá nhân lớn khiến cho tôi khám phá cơ quan chúng tôi còn kém cẩn mật. Hơn nữa, y ra đi vào ngày nghỉ cuối tuần và sự vắng mặt của y không ai để ý trong vòng nhiều ngày. Cơ quan phản gián Tây Đức có thời gian rộng rãi để khai thác những gì y biết về những điệp viên Đông Đức trên lãnh thổ của họ và bắt họ trước khi chúng tôi biết họ gặp nguy, chưa nói đến việc triệu hồi họ về. Franz Blücher, Phó Thủ tướng Tây Đức, tuyên bố trong một cuộc họp báo ba mươi lăm điệp viên đã bị bắt nhờ thông tin của Vulkan. Con số này thái quá vì không một viên chức nào có thể biết danh tính của quá nhiều điệp viên hoạt động trên đất địch. Hoá ra phản gián Tây Đức, quá hồ hởi vì lần đầu tiên đã bắt được một mẻ lớn, quơ vào lưới một số thương gia vô tội buôn bán với Đông Đức nhưng họ chắc chắn không phải là gián điệp.
Tuy nhiên chúng tôi phải trả giá đắt vì sự phản bội của Gotthold Kraus: ít nhất nửa chục điệp viên hoạt động toàn thời bị bắt, trong đó có Andrew Thorndike, một nhà làm phim tài liệu có tài mà chúng tôi mượn nghề nghiệp để làm bình phong cho những hoạt động gián điệp của ông. Ông xuất thân từ dòng họ nổi tiếng thuộc hiệp hội buôn bán Hanse và qua những mối liên hệ của ông chúng tôi tìm cách xâm nhập các câu lạc bộ có thế lực chính trị và kinh tế vùng Hamburg . Vào lúc đó ông không có mặt tại Tây Đức nhưng ông ở Đông Đức, ông bị bắt vì một trò lừa thường tình: Phản gián Tây Đức gửi cho ông điện tín báo bà cô bị đau ốm. Ông đi sang Tây Đức và ông bị bắt. May mắn cho ông, họ không có bằng chứng về những hoạt động của ông và được thả ra. Ông về Đông Đức và sống cuộc đời thanh bạch quay phim ở phía bên này biên giới. Zaisser khiển trách tôi một cách nhẹ nhàng: “Mischa này, anh cần phải học hỏi nhiều hơn nữa”.
Vào những ngày tháng sau này chúng tôi ráo riết tổ chức lại toàn bộ công tác trên những đường dây hữu hiệu hơn. Việc tìm kiếm những thí sinh thích ứng và đáng tin cậy xem ra khó khăn và tốn kém. Điều tra về mức độ tín cẩn chính trị, những mối liên hệ cá nhân và tính tình của họ đòi hỏi thời gian. Chúng tôi tìm kiếm những công dân trẻ, có động cơ chính trị, có quyết tâm với xã hội chủ nghĩa và tin tưởng vào sứ mạng phục vụ đất nước và chính nghĩa. Chúng tôi không quan tâm cho dù các thí sinh có họ hàng bên Tây Đức, trái ngược với chính sách tuyển dụng các sĩ quan tại Tổng tham mưu, họ bị loại trừ nếu họ có họ hàng. Trên thực tế, họ hàng bên Tây Đức xem ra hữu dụng để giúp các điệp viên không phải qua các trại tị nạn để vào Cộng hoà Liên bang Đức.
Mỗi một điệp viên được một người phụ trách công tác tương lai huấn luyện theo từng cá nhân, và có thêm phần huấn luyện đặc biệt nếu đó là mục tiêu khoa học và kỹ thuật. Một khi đã vào được Tây Đức, các điệp viên thường bắt đầu công tác qua một thời gian âm thầm lao động tay chân để vượt qua hàng rào hành chính và lập nghiệp tại Tây Đức. Vì vậy chúng tôi lựa chọn những thí sinh có tay nghề sành sỏi hoặc có kinh nghiệm thực tiễn trong ngành nghề. Hầu hết tất cả các sinh viên và khoa học gia mới tập tễnh di cư sang Tây Đức vào những năm đầu đều kiếm được việc làm trong các công sở nghiên cứu hoặc các hãng mà chúng tôi để tâm đến - các cơ sở nghiên cứu hạt nhân của chính quyền liên bang tại Jülich, Karlsruhe và Hamburg; viện Batelle Institute tại Frankfurt, được Hoa Kỳ xây dựng; Siemens, hãng điện tử lớn nhất của Đức; hãng IBM Đức hoặc hãng hoá học khổng lồ Đức BASF, Hoechst và Bayer. Vì chúng tôi dự kiến các nhà sản xuất vũ khí truyền thống của Đức - sau cơn bão tố về việc quân sự hoá nước Đức lắng động - có thể sẽ tiếp tục sản xuất những trang bị quân sự, nên chúng tôi cũng cài người vào các hãng như Messerschmidt và Bölkow.
Có một vài điệp viên của chúng tôi đã len lỏi vào những cơ quan rất chặt chẽ về an ninh bảo mật, một số khác nắm chức vụ quản lý với lương bổng rất cao. Chúng tôi cũng khai thác các mối liên hệ chính thức và cá nhân giữa các khoa học gia của hai vùng nước Đức. Vấn đề cũng đơn giản vì khuynh hướng lúc bấy giờ khiến cho họ cảm thấy bất an về hiểm hoạ vũ khí hạt nhân, sinh trùng và hoá học. Những ai đã từng cực kỳ xúc động vì những hệ luỵ trong việc nghiên cứu vũ khí hạt nhân trong thời chiến, họ đặc biệt là những đối tượng tốt của nhân viên chúng tôi.
***
Cái chết của Stalin vào tháng 3-1953 là một chấn động lớn đối với khối chính trị Cộng sản, khởi sự cho một cuộc chiến tranh giành quyền lực tại điện Kreml và tạo nên bất ổn trong giới lãnh đạo của các nước trong khối Đông Âu. Phản ứng của tôi, cũng như phản ứng của mọi tín đồ của Stalin, là một nỗi buồn vô hạn pha lẫn với cảm giác hỗn độn ngổn ngang. Chúng tôi sống quá lâu dưới sự hướng dẫn của Stalin nên cuộc sống sau cái chết của ông khó mà mường tượng.
Ulbricht hy vọng vào thắng lợi của các lực lượng cứng rắn nhất trong các lực lượng cứng rắn thân cận Stalin. Để có được sự hỗ trợ của thể chế mới, ông nhất nhất theo đuổi chính sách “tiến nhanh lên xã hội chủ nghĩa”, có nghĩa là sưu thuế cao và trợ cấp xiết chặt, khiến cho các xí nghiệp tầm cỡ nhỏ bị đình trệ và các xí nghiệp tự túc khánh tận. Các nông trại và các hãng nông nghiệp phải điêu đứng vì phải thình lình theo chiều hướng kinh tế xã hội chủ nghĩa toàn diện. Sinh hoạt tôn giáo của giáo hội Công giáo sau đó bị đình chỉ.
Chính sách này gặp sức kháng cự mãnh liệt. Các nông dân và các nhà sản xuất nhỏ phản ứng bằng cách làm việc không có hiệu năng hoặc, nếu họ thoát tội, chẳng làm gì cả. Tháng 12-1952, Thủ tướng Đông Đức, Otto Grotewohl, cảnh báo nguy cơ thiếu hụt thực phẩm và những gia dụng cần thiết. Nhưng Ulbricht chẳng thèm để ý. Ông đánh giá những kháng cự chống lại kế hoạch của ông qua lăng kính của chủ nghĩa Stalin chân chính, theo đó cuộc đấu tranh giai cấp sẽ gia tăng cường độ và tốc độ khi những thay đổi chuyển dứt khoát sang xã hội chủ nghĩa.
Vào mùa xuân năm 1953, lệnh gia tăng chỉ tiêu 10 phần trăm trong sản xuất được ban hành cho các nhà máy, công xưởng và công trường xây cất lớn, kèm theo giá cả tăng vọt của các loại thực phẩm căn bản. Không chịu đựng được gánh nặng của những biện pháp bất công áp đặt từ trên xuống, quần chúng bắt đầu than phiền công khai tại các hàng quán và các cơ xưởng. Bốn tháng đầu năm 1953, hơn 120.000 người trốn chạy khỏi Đông Đức. Điều này cũng xảy ra ba mươi sáu năm sau, năm 1989; trong cả hai trường hợp, giới lãnh đạo quá xơ cứng để phản ứng trước cảnh đào thoát và không làm gì hơn ngoài việc oai dũng trách móc. “Chúng ta sẽ trong sạch hơn khi bọn kẻ thù giai cấp ra đi”, Ulbricht nghe đâu đã nhận định như vậy khi các công nhân cơ xưởng, các giáo viên, các kỹ sư, các bác sĩ và các y tá gia nhập đoàn người ra đi.
Lo ngại cho sự bất ổn có thể dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của quốc gia Đông Đức và bực dọc vì sự cứng đầu của Ulbricht, Moscow can thiệp. Lavrenti Beria, lúc đó đang tranh giành quyền lực trong giới lãnh đạo sau cái chết của Stalin, đảm trách việc soạn thảo một tài liệu nhan đề “Biện pháp để cải thiện tình trạng tại nước Cộng hoà Dân chủ Đức”. Sự kiện điện Kreml thú nhận tình trạng này trong khối Đông Âu xét ra ngày nay là một thú nhận đáng ngạc nhiên trước thời kỳ “glasnost” khá lâu.
Giống như những cậu học trò ngỗ nghịch, giới lãnh đạo của Bộ Chính trị chúng tôi được mời sang Moscow và được lệnh phải đem ý kiến của Beria ra thực hành sớm chừng nào hay chừng đó. Điều này có nghĩa là phải khuyến khích các xí nghiệp nhỏ, bỏ rơi kinh tế điều khiển của Ulbricht và nới rộng những hạn chế hà khắc chẳng hạn như đối với những “kẻ thù nội tại ” của chủ nghĩa, trí thức tiến bộ và giáo hội Công giáo. Mặc dù giới lãnh đạo Đông Đức không lấy gì làm hứng thú, mục đích của Beria là nuôi béo Đông Đức để bán cho Tây Đức hầu nước Đức có được quy chế trung lập hoặc ngay cả quy chế phi quân sự.
Từ những ngày đầu cho đến cuộc nổi dậy năm 1953 tại Đông Berlin, tôi nghỉ mát tại Biển Baltic, đọc tiểu thuyết Hemingway và chơi đùa với các con. Đối với cấp lãnh đạo của một cơ quan tình báo thú nhận điều này không lấy gì làm xây dựng cho lắm. Những ngày nghỉ hiếm hoi này có được là nhờ sự can thiệp của Wilhelm Zaisser, cấp trên của tôi. Ông gay gắt với tôi khi tôi thúc giục rất nhiều lần về tình trạng tài chính nghèo nàn của cơ quan tình báo hải ngoại.
“Mischa, có những điều quan trọng đang diễn ra ngay lúc này”, ông nói và rồi để xoa dịu “Anh đã không lấy ngày nghỉ từ bao lâu rồi? Anh lái xe đến Nhà Nghỉ Mát Xanh, rồi chúng mình sẽ tính”.
Thật là một vinh dự lớn cho tôi khi tôi được mời đến Nhà Nghỉ Mát Xanh tại Prerow, nơi bồi dưỡng của Bộ An ninh trên vùng biển Baltic. Tại đây, trong ngôi biệt thự khang trang của chính phủ, tôi được biết đến lời thú nhận hoảng hốt đầu tiên của Bộ Chính trị ngày 16-6-1953. Đó là một bản thông báo trong đó cả Bộ Chính trị lẫn chính phủ chấp nhận sai lầm trầm trọng và tuyên bố thay đổi ngược lại tất cả những biện pháp gia tăng sản xuất và giá cả thực phẩm. Đầu tư vào kỹ nghệ nặng bị cắt giảm, sản xuất sản phẩm tiêu dùng gia tăng và các cơ sở tư nhân đã bị chính sách khắc nghiệt của Ulbricht buộc phải đóng cửa nay được phép mở lại. Đây là một bước ngoặt chữ U của Ulbricht, nhưng đã quá trễ.
Vào sáng ngày 17-6-1953, Đài phát thanh Khu vực Hoa Kỳ (Radio in the American Sector - RIAS) thông báo các công nhân xây cất đang tiến từ đại lộ Stalinallee đến Dinh Các Bộ (cũng là nơi trước đây Bộ Hàng Không của Hermann Goering toạ lạc thời Đức Quốc Xã). Các công nhân đòi huỷ bỏ những chỉ tiêu mới trong sản xuất kỹ nghệ và cải thiện lương bổng và điều kiện làm việc. Toà nhà được cảnh sát ngăn rào và tình thế rất là căng thẳng. Các công nhân đình công mời gọi Ulbricht và Grotewohl. Fritz Selbmann, Bộ trưởng Bộ Kỹ nghệ, xuất hiện để trấn an đám đông, nhưng vô hiệu quả.
Có những ý kiến khác nhau về mức độ can thiệp của cơ quan tình báo Tây Âu, nói cho chính xác hơn các mặt trận Tây Đức hàng đầu do Hoa Kỳ hỗ trợ, vào việc xúi giục cuộc nổi dậy này. Đã có những xâm nhập trong các xí nghiệp và cho những ai mong muốn sự sụp đổ của Tây Đức, đưa đến thống nhất hai nước, theo diễn biến của những ngày này đây là một cơ hội lớn. Nhưng ở đây lối quản lý kinh tế tồi dở của Đảng và tính chất lãnh đạo đàn áp của Ulbricht đã dẫn đến tình trạng này. Ulbricht sau đó cũng cố gắng muốn xuất hiện, nhưng ông không đương đầu với đám biểu tình, lúc đó đang gào thét “Đả đảo Spitzbart!” (Đả đảo Râu nhọn!), họ liên tưởng đến chòm râu cằm nhọn của ông, trau truốt theo kiểu Lê-nin. Ông lựa cách xuất hiện tương đối an toàn hơn trong một cuộc họp với các thành phần hoạt động để trả lời; tại đây phong cách cục mịch độc đoán của ông biến mất, ông tỏ ra lấp lửng và thiếu tập trung.
Đến chiều tối, Đài phát thanh Khu vực Hoa Kỳ đóng vai trò điều hợp các biến chuyển, kêu gọi biểu tình và thông báo rõ thời điểm và địa điểm. Các hãng xưởng lần hồi gia nhập cuộc đình công. Đoàn người biểu tình kéo nhau về quảng trường Postdamer Platz của Berlin , nơi cả bốn vùng kiểm soát của Đồng minh gặp nhau. Từ phía Tây, những nhóm gào thét đòi lật đổ chế độ Cộng sản cũng đang tiến đến Cổng Brandenburg . Một giờ chiều, quản trị viên Xô viết của thành phố tuyên bố thiết quân luật và xe tăng di chuyển vào thành.
Tôi quyết định trở về Berlin . Khi tôi đến gần thành phố Neustrelitz, khoảng giữa đường từ bờ biển Baltic đến Berlin, xe của chúng tôi bị quân đội Xô viết chặn tại một đoạn đường. Thẻ căn cước đặc biệt của tôi tỏ ra vô dụng. Mặc dù chúng tôi phản đối, chúng tôi bị giam giữ với các “phần tử đáng nghi” trong một căn phòng của trạm kiểm soát. Tại đây tôi rủa thầm vài tiếng đồng hồ và tự hỏi ai là người quản lý thực sự phần đất này của nước Đức. Nhờ kiến thức tiếng Nga, trong đó có cả những tiếng lóng nặng nề, cuối cùng tôi được phép nói chuyện với cấp chỉ huy, tự giới thiệu mình một cách minh bạch và tiếp tục cuộc hành trình.
Sau đó tôi về đến nhà tại khu Pankow của Đông Berlin, khu vực thành phố nơi cấp lãnh đạo sống. Các công nhân từ Bergmann-Borsig, một tập đoàn sản xuất các máy móc dụng cụ lớn dùng cho kỹ nghệ nặng và vật liệu gia dụng, đi ngang trước nhà tôi và cha tôi thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc, suýt bị đám đông đánh tại trung tâm thành phố. Ông chắc chắn phần đông thành phần thanh niên biểu tình đến từ Tây Berlin và ông hồi tưởng đến bọn áo nâu tràn đầy thành phố thời gian đầu của Hitler. Bây giờ lối phát ngôn này có thể bị đánh giá là kiểu tuyên truyền Cộng sản, nhưng tưởng cũng không kém phần quan trọng nhắc nhở những biến cố trên xảy ra chỉ có tám năm sau sự sụp đổ chủ nghĩa Quốc Xã tại Đức, và là điều rất là thường tình khi người ta cảm nhận, mượn lời của Bertolt Brecht, “con đĩ đã đẻ ra nó vẫn còn muốn động cỡn”.
Chúng tôi sửng sốt vì sức bạo động và lòng hận thù dâng cao xung quanh chúng tôi. Đối với những ai như tôi sống trong lòng của xã hội mới này đây là một bừng tỉnh khó khăn để nhận thức hệ thống chúng tôi hàng mến chuộng đã làm mất lòng dân. Số lượng chính xác người chết không hề được biết rõ, nhưng tổng số lên đến khoảng 100 và 200 người. Tôi thấy rõ ý niệm “chủ nghĩa phiêu lưu phát-xít” và “lật đổ phản cách mạng” phát xuất từ cấp lãnh đạo chỉ dùng để làm dụng cụ tuyên truyền mà thôi. Điều này không làm cho tinh thần tôi bị lay chuyển. Tôi thích thú mường tượng chúng tôi học hỏi được từ cuộc nổi dậy và đem áp dụng những kinh nghiệm tốt của bài học này cho việc quản lý tương lai nhà nước.
Với trách nhiệm giám đốc cơ quan tình báo hải ngoại, công việc của tôi là tìm kiếm chứng liệu can thiệp của những lực lượng bên ngoài trong cuộc nổi dậy này. Tôi biết rõ, ngay lúc đó, đây cũng là một tiểu xảo để cung cấp những biện minh cho giới lãnh đạo trong lúc quân đội Xô viết phơi bày sự bất lực của họ. Việc thâu thập bài vở trên nhật báo và tuần báo, sách vở và những tài liệu khác phơi bày kế hoạch của Tây Đức và Hoa Kỳ nhằm xoá bỏ nước Cộng hoà chúng tôi không phải là một điều khó; lúc đó có một khuynh hướng hoà tấu chung trong mối bang giao quốc tế. Lý thuyết gia Hoa Kỳ James Burnham, trong quyển sách nhan đề Defeating Soviet Imperialism (Đánh bại chủ nghĩa Đế quốc Xô viết), đã hô hào dùng những phương pháp khuynh đảo trên lãnh thổ của khối Đông Âu, kể cả việc dùng những “câu lạc bộ chui” để xúi giục, “phối hợp hành động để lật đổ chính quyền Cộng sản”, do các ông bạn được CIA trợ giúp tiên phong dẫn đầu tại Tây Berlin, Đạo quân chống phản nhân đạo (Kampfgruppe gegen Unmenschlichkeit -KGU) và Uỷ ban Điều tra của các luật gia tự do (Untersuchungousschuss Freitheitlicher Juristen - UFJ).
Chúng tôi khám phá, nhờ một điệp viên của chúng tôi trong phái bộ Quân sự Mỹ, giám đốc CIA, Allen Dulles và cô em gái, Eleanor Lansing Dulles, một viên chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã có mặt tại Tây Đức một tuần trước khi xảy ra cuộc nổi loạn. (Điệp viên, tên Bielke, là thông dịch viên cho đại diện địa phương của AFL-CIO tên là Baker. Công tác của Baker là xâm nhập các tổ chức công đoàn thương mại của Cộng hoà Dân chủ Đức). Chúng tôi cũng bắt được điện tín của Walter Sullivan, phóng viên của tờ New York Times tại Berlin, gửi cho trụ sở tại Manhattan, điện tín ghi: “Bất mãn sẽ không bao giờ bộc lộ nếu không có đài phát thanh Hoa Kỳ RIAS. Từ 5 giờ sáng thứ Tư, đài phát thanh tuyên truyền của Hoa Kỳ tại Berlin phóng đi những chỉ thị chi tiết trên toàn lãnh thổ nước Đức”.
Công việc của chúng tôi là thâu thập tin tức tình báo trong hậu trường của cuộc nổi dậy, nhưng chúng tôi không rõ cấp lãnh đạo rút tỉa kết luận nào từ những báo cáo này. Ulbricht bất ngờ đặt nặng trong tâm lên một bản tin mà chúng tôi không mấy chú ý đến. Vào tối ngày 16-6-1953, tố chức công đoàn thương mại tại Tây Đức dự trù một cuộc du thuyền trên tàu hơi và mời các đồng nghiệp còn rơi rớt lại trong các công đoàn Đông Berlin . Nguồn tin của chúng tôi báo rằng lời mời không gửi qua bưu điện nhưng qua điện thoại và các chữ “du ngoạn trên thuyền hơi” đã được nhắc đi nhắc lại trong các lần điện thoại. Ulbricht lập tức xem đây là những mật mã khởi động những biến cố ngày 17-6-1953. Nhưng đây rõ ràng là một suy đoán thái quá.
Cuộc nổi dậy trớ trêu hơn nữa lại củng cố quyền lực của Ulbricht. Sau một cuộc nổi dậy tầm cỡ lớn như vậy, cấp lãnh đạo Xô viết không thể nào phiêu lưu tạo thêm bất ổn hất chân ông ta và đằng nào cũng vậy Beria vừa mới bị thanh toán trong đợt khai trừ hậu Stalin đầu tiên.
Zaisser và Rudolf Herrnstadt, chủ nhiệm tờ báo của Đảng Neues Deutschland, cả hai đều ủng hộ một cuộc cải cách và Ulbricht nhờ vậy có cớ chính đáng đẩy hai đối thủ này đi. Cả hai được thay thế bởi những người ủng hộ ông vô điều kiện. Ngay chính Ulbricht cũng hành xử một cách thô bạo như Stalin để tiêu diệt những kẻ đối kháng.
Một bầu không khí bất ổn và bất tín nhiệm bao trùm khiến cuộc sống trở nên khó khăn cùng khắp Đông Đức, và tôi cảm nhận điều này. Nhưng cái nhìn về thế giới và lòng thân tín của tôi không hề suy xuyển, một điều mà các độc giả phương Tây cảm thấy bí ẩn. Tại sao, sau cuộc đổ máu trên đường phố và việc Ulbricht thanh lọc những phần tử mà chúng tôi biết là tốt, chúng tôi không tìm cách lánh xa ông hoặc phê bình chỉ trích ông. Chiếu theo tín thuyết và thực hành của tất cả các Đảng cộng sản sau khi Lê-nin chết, bất cứ ai công khai tấn công Tổng bí thư đương nhiệm, người đó phục vụ cho quyền lợi của kẻ thù giai cấp. Đối với một người Cộng sản, điều này tương đương với việc xúc phạm của một tín đồ Công giáo ngoan đạo.
Những người bị Ulbricht thanh trừng chấp nhận những cáo buộc một cách lặng lẽ. Việc họ không phát biểu để tự bào chữa có lẽ chỉ có thể hiểu được bởi những ai đã từng trải qua các cuộc thanh trừng của Stalin và hiểu rằng kỷ luật trong Đảng là sức mạnh keo sơn. Những người này đã cống hiến cả cuộc đời của họ cho phong trào cách mạng và đối đầu với Đảng sẽ là một đổ vỡ toàn diện. Họ giữ im lặng cũng vì một lý do khác: họ biết rằng tình trạng đã trở nên vô vọng, nói điều gì đi nữa cũng chỉ làm cho tình hình tệ hại hơn nữa.
Rudolf Herrnstadt và Wilhelm Zaisser là hai trong những nạn nhân trong tiến trình củng cố quyền lực của Ulbricht. Trước thời chiến, Herrnstadt làm việc cho GRU (Glanoye Razvedyvatelnoye Upravleniye) cơ quan tình báo quân đội Xô viết và đã gây dựng một hệ thống tình báo tuyệt hảo tại Warsaw . Hai điệp viên ông kết nạp Ilse Stöbe, người vợ thứ nhất của ông, và Gerhard Kegel trong Toà đại sứ Đức tại Moscow đã cung cấp tin tức tiên khởi về cuộc tấn công của Đức năm 1941. Có lẽ ông phiền lòng vì được biết những công tác trước đây của ông hiện không còn nghĩa lý gì cả. Trường hợp của Herrnstadt làm cho tôi xúc động mãnh liệt. Mặc dù ông là một viên chức không nổi tiếng, vào những thập niên 1980, tôi thu xếp để ra lệnh phát hành một phim tài liệu cho các nhân viên trẻ ghi lại thành tích tình báo của ông. Ít ra ông cũng được vinh dự trong giới tình báo, mặc dù không chính thức.
Mãi sau này, tôi đọc được những dòng chữ Herrnstadt để lại trong khi ông làm việc tại Thư Khố Trung ương Nhà nước tại Merseburg. Ngay tại đây, một câu hỏi nhức nhối luôn ám ảnh ông: “Tôi khôn ngoan hơn Đảng chăng?” Câu hỏi này dày vò ông mặc dù ông là nạn nhân của sự bất công do Đảng đỡ đầu và ông thấy những hệ quả xơ cứng của giáo điều của Đảng. Như Zaiser và Ackermann, ông giữ kín mối nghi ngờ trong lòng và ghi những dòng suy tư này trên những trang giấy cho thế hệ mai sau; họ bị ràng buộc bởi một im lặng đồng loã mà phần đông các đảng viên cộng sản thất sủng mắc phải. Họ kiên định với nguyên tắc căn bản của một đảng viên cộng sản: Không bao giờ gây thiệt hại cho Đảng.
Không một ai trong họ có thể sống được với tâm trạng hồ nghi nghĩ rằng họ cung cấp vũ khí cho những kẻ đánh phá quyền lực mà chúng tôi nhọc nhằn chiếm được. Giới trí thức còn phải mang thêm gánh nặng khác là phải phấn đấu để được lòng tín cẩn của một đảng cống hiến cho sự toàn thắng của giới công nhân. Cha tôi, các văn sĩ và các triết gia thường xuyên nuốt nhục phải hạ mình xuống trước những kẻ tra vấn hằn học trong những buổi họp của Đảng. Tại Đông Berlin, danh từ “trí thức” nghe ra lạc lõng trong nội bộ Đảng và Bộ Công an. Nhiều người đã cố gắng tự bào chữa để không bị tố cáo có “lối suy nghĩ trưởng thượng” hoặc “thiếu khiêm nhường”, họ bày tỏ lòng phục tùng chấp nhận vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và phải ngậm họng trước những hành vi ngu xuẩn nhân danh giai cấp. Đối với những ai không hiều rõ sức mạnh của não trạng này, tôi khó mà giải thích làm sao tôi có thể giữ được niềm tin trong những tháng năm sắp tới.
Việc cắt chức Wilhelm Zaisser khỏi chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đưa đến những hậu quả vừa có tính cách cá nhân và cũng vừa có tính cách tổ chức đối với cơ quan chúng tôi. Tôi vẫn giữ chức vụ của tôi và tôi được phong làm phụ tá cho Ernst Wollweber, vị giám đốc mới của cơ quan. Vị này không màng đến những chi tiết công tác nhưng đặc biệt chú trọng đến những tin tức chính trị mà chúng tôi thâu thập. Khi đề cập đến vấn đề này, ông bước tới bước lui trên chiếc thảm đặt trong văn phòng của ông. Người ông nhỏ nhắn, tròn trịa, miệng luôn ngậm điếu xì-gà đã tắt ngẩm. Ông không thể nào ngồi yên trước bàn một khi ông bắt đầu bàn về những nhân vật, những mối liên lạc và những mâu thuẫn bên phương Tây và khả năng ảnh hưởng của chúng đối với chúng tôi.
Wollweber cũng chẳng khác biệt gì nhiều với Erich Mielke, người chịu trách nhiệm về phản gián và trừ khử gián điệp trong hàng ngũ chúng tôi. Mielke chống đối quyền kiểm soát của tôi trên tình báo hải ngoại; ông tự xem là đối thủ của tôi và luôn tìm cách phá tôi, không những lúc chúng tôi ngang hàng với nhau mà ngay cả khi ông trở thành cấp trên của tôi sau này trong chức vụ Giám đốc Bộ Công an. Ông thuộc đạo quân tiêu diệt của Đảng cộng sản nhằm vào các băng đảng Quốc Xã năm 1930 và ông thẳng tay trừng trị kẻ thù. Tuy nhiên, năm 1953, ông vẫn còn đang bối rối vì một quyết định Đảng xem xét khả năng của ông do hệ luỵ của cuộc nổi dậy năm 1953. Tôi được nâng quy chế, lên làm một trong những phụ tá của Wollweber trước ông ta, điều mà ông vẫn còn hằn học cho đến mãn đời của ông. Mấy năm sau, tôi được biết khi Wollweber bị cách chức, đại diện của KGB tại Berlin, ông Yevgeni P. Pitovranov, và Đại sứ Xô viết tại Cộng hoà Dân chủ Đức, ông Georgi M. Pushkin, bàn thảo với Ulbricht để tìm kiếm người thay thế Wollweber. Pitovranov nói: “Tại sao ông phải kiếm? Ông có người kế vị rồi - Wolf đấy”. Nhưng Mielke được đề cử vào chức vụ này; ông là tai mắt của Ulbricht.
Mielke có một cá tính đầy uẩn khúc cho dù xét dưới khía cạnh đạo đức thông thường áp dụng cho thế giới điệp viên. Ông đam mê thể thao thể lực. Ông có thói tật thu thập dữ kiện không những về những người tình nghi đối lập mà ngay cả các bạn đồng nghiệp. Ông cố moi tìm kiếm cho ra những tên phản bội trong giới lãnh đạo, ông hứa cho tôi quyền cao chức trọng nếu tôi tìm được trong Trung tâm tài liệu Hoa Kỳ tại Berlin, nơi dự trữ tài liệu của Quốc Xã sau năm 1945, một loại bằng chứng cho thấy chính trị gia Đông Đức cộng tác với Đệ Tam Cộng hoà. Không có một sự kiện nào thoát sự chú ý của ông, không có một chi tiết nhỏ nào không rơi vào hồ sơ đỏ mà ông cất kín trong tủ sắt văn phòng.
Có một lần tôi nhận báo cáo của một nhân viên sửng sốt trong cơ quan của tôi, anh thấy Erich Honecker, sau này là lãnh tụ Đông Đức, nhưng lúc đó ông đứng đầu tổ chức Thanh niên Đức Tự do, rón rén qua các ngõ ngách đường phố sau khi ra lệnh cho tài xế về nghỉ vào lúc trạng vạng tối. Đối với tôi điều này chứng tỏ là Honecker đang thăm viếng một cô bạn gái vụng trộm, mặc dù lúc đó ông đã thành hôn với một cô bạn đồng nghiệp công chức. Tôi đùa bỡn việc này với Mielke: “Này, chúng ta đâu cần giữ sự kiện này trong hồ sơ”, và tôi làm ra vẻ vứt báo cáo đó đi. “Không, không”, ông giám đốc phản gián vội vàng trả lời “Để tôi cất giữ nó. Mình phải cẩn thận không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau này”. Báo cáo này đóng góp thêm chi tiết về những thành tích không lấy gì làm đẹp đẽ của ông Honecker vào trong hộp đỏ của Mielke, để rồi hàng chục năm sau này vào năm 1989 được phơi bày khi ông uỷ viên công tố tìm tòi trong văn phòng của Mielke.
Một khi đã khởi sự, các cuộc thanh trừng thật khó mà ngừng lại. Bốn năm sau, Wollwever bị khai trừ do một thủ đoạn khác của Ulbricht và Mielke chiếm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an. Có lẽ Mielke vẫn giữ chức vụ đầu não công an nếu không có ngày ra đi lố bịch vào năm 1989, khi ông rời bỏ nhiệm sở với lời từ biệt miễn cưỡng trước quốc hội Đông Đức: “Tôi thương yêu hết mọi người”.