Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Người không chân dung- Chương 5


-

Chương 5. Vừa học vừa làm

Nước Đức vào những năm đầu của thập niên 1950 là một mạng lưới khổng lồ của những mối liện hệ công khai và ngấm ngầm, những nỗi nhục thầm kín và lòng trung thành giấu kín ở cả hai phía Hữu và Tả. Không có gì là chắc chắn, không thể tin ai một cách tuyệt đối, dễ lầm khi nhìn bề ngoài. Kết quả là một xúc cảm mãnh liệt và tính đa nghi, một bầu không khí đã được Billy Wilder ghi nhận trong những bộ phim về cuộc sống trong vùng Hoa Kỳ chiếm đóng - đặc biệt trong phim Foreign Affair - và được chính em tôi quay lại trong những phim nói về những năm đầu trong vùng Nga chiếm đóng. Báo cáo chính thức do người dân tự thẩm định chỉ là vỏ bề ngoài. “Cứ hai người trong nước là có một người tham gia kháng chiến bí mật” cha tôi thường hay mỉa mai đùa cợt sau khi nghe những báo cáo vô căn cứ của người dân Berlin về cách họ chống Hitler một cách ngấm ngầm. “Nhưng rủi thay, họ chẳng bao giờ thấy người này”.

Cả hai nước Đức đều hô hào mục đích của họ là thống nhất đất nước. Chính tôi cũng không tin điều này có thể thực hiện được trong tương lai gần vì những xung đột quyền lợi của những thế lực chiến thắng đã chia cắt nước Đức thời hậu chiến. Ngay cả tại WashingtonLondon, biến động tháng 6-1953 tại Đông Đức tạo thêm xác quyết là chiến lược đẩy lui quyền lực của Xô viết sẽ thành công. Hy vọng thống nhất sau này tiêu tan dần vì áp lực chính trị, kinh tế và, chưa hẳn là tác động cuối, quân sự - việc tái quân trang Tây Đức và việc Tây Đức gia nhập liên minh quân sự phương Tây là những ưu tiên trong lịch trình của phương Tây. Tuy nhiên cấp lãnh đạo của Cộng hoà Dân chủ Đức vẫn tiếp tục bám víu vào khẩu hiệu thống nhất nước Đức, mặc dù quá nhiều công dân của họ đã bỏ nước ra đi.
Mối ưu tư hàng đầu của giới cầm quyền là cuộc đấu tranh thiết lập một bộ mặt khác biệt của phương Đông. Tình cảnh bấp bênh nội tại của “quốc gia Đức thứ hai” luôn đeo đuổi trí não của họ. Điếu này buộc họ phải phát động việc tôn sùng lòng ái quốc đến độ vô lý. Chúng tôi mặc quân phục, tôi có ít nhất năm bộ, đây là một thành tích đáng kể cho một người không bao giờ phục vụ trong quân đội. Một trong những ý kiến kỳ quặc nhất của Ulbricht áp dụng vào thời kỳ này là việc sử dụng biểu tượng quân sự - một cuộc xoay chiều thấy rõ, vì chúng tôi chỉ trích việc dân Tây Đức vẫn tiếp tục truyền thống quốc gia quân sự của quân đội Hitler. Nhạc quân sự truyền thống cũng được phục hồi và công khai hoà tấu lần đầu tiên tại Đông Berlin tại Thế vận hội thanh niên khối Xô viết năm 1951. Như phần đông các đảng viên cộng sản đã được đào tạo để đánh giá cách pha trộn quân sự với nhạc này chuẩn bị con đường đi đến chế độ Quốc Xã, tôi cảm thấy khó chịu. Khi những bài quân nhạc trổ lên, tôi quay sang nhà văn Nga gốc Do thái Ilya Ehrenburg, đứng bên cạnh tôi trên khán đài, và hỏi ông nghĩ thế nào về quang cảnh này. Ông nhún vai theo kiểu cách nhẫn nhục của người Nga và nói: “Người Đức lúc nào cũng thích diễu hành”.


***


Trong khi đó, cơ quan non nớt của chúng tôi cố gắng học hỏi xây dựng cơ sở với phong cách ít phô trương hơn. Mặc dù vậy, không phải lúc nào cũng được êm thấm. Vào những năm đầu việc quản lý cơ quan điệp báo mới luôn có khuynh hướng ngả theo luật của Murphy (Lời dịch giả: Murphy’s Law: Điều gì mình nghĩ là hỏng nó sẽ hỏng– Người dịch) và môi trường khoa học kỹ thuật tạo vô số cơ hội để lầm lẫn và tính toán sai lầm.
Trong những thập niên 1950, hàng ngàn công dân nước Cộng hoà Dân chủ Đức tràn qua biên giới Tây Berlin và Tây Đức lúc đó hầu như mở ngỏ. Con số gia tăng nhanh chóng sau cuộc nổi dậy tháng 6-1953, và gần 500.000 người của một nước có dân số 18 triệu người bỏ trốn trong vòng ba năm kế tiếp.
Điệp viên của chúng tôi trà trộn trong làn sóng người này không khó. Họ thường là thanh niên, có lý tưởng Cộng sản cao độ và họ đặt nền tảng cho nhiều thành công của chúng tôi sau này. Mặc dù họ thường bị mời lên tra vấn tại các trại tị nạn một khi họ sang phía Tây, họ vẫn có cơ hội tốt để hoà nhập với đám đông mới đến nếu họ được trang bị một lý lịch khả tín, chẳng hạn như ước muốn đoàn tụ với thân nhân bên Tây Đức. Chúng tôi dùng nhiều lý cớ khác nhau: Một điệp viên có thể trình bày là y bị bắt tại trận man khai quá khứ đảng viên Đảng Quốc Xã hoặc tố chức Waffen SS, hoặc y tỏ ý phê bình nét xấu của những chính sách của chính phủ. Chúng tôi đi xa hơn nữa cài đặt “những vết nhơ” trong lý lịch cá nhân của các điệp viên trong hồ sơ các bộ để tăng cường độ khả tín nếu phản gián Tây Đức bằng phương cách nào đó lấy được hồ sơ của họ.
Chúng tôi tránh kết nạp vào cơ sở chúng tôi những người có thân nhân bên Tây Đức, vì tôi nghĩ rằng những cơ quan tình báo phương Tây có thể dễ dàng xâm nhập cơ quan chúng tôi - như chúng tôi đã xâm nhập họ - qua liên hệ và áp lực gia đình.
Mỗi một người chúng tôi gửi đi đều có một công tác nhất định và mỗi một điệp viên được huấn luyện bởi một đội trách nhiệm về công tác này. Chúng tôi giới hạn việc huấn luyện trong những nguyên tắc sơ đẳng về tình báo và phương cách thu thập những tin tức mà chúng tôi muốn. Việc huấn luyện những điệp viên về những vấn đề và phương thức không liên quan đến công tác của họ xét ra không cần thiết; trên một phương diện nào đó, điều này có thể khiến cho công tác của họ nguy hiểm hơn vì công tác của họ sẽ trở nên phức tạp hơn một cách không cần thiết. Trong một vài trường hợp chúng tôi triệu hồi điệp viên từ Tây Đức và đưa họ trở về Đông Đức để huấn luyện bổ túc khi có thời cơ thuận tiện.
Sự kiện chúng tôi gửi điệp viên sang Tây Đức, một nước có cùng ngôn ngữ và văn hoá, rõ ràng là một điểm lợi. Quả nhiên, việc đưa người của Liên Xô xâm nhập Hoa Kỳ và ngược lại là một việc khó khăn hơn nhiều. Khi cả hai nước Đức trưởng thành theo hai chiều khác nhau, công tác xâm nhập trở nên khó khăn hơn, và việc xây cất Bức tường Berlin hạn chế hẳn làn sóng di dân trong đó chúng tôi cài điệp viên. Điều này có nghĩa là lý lịch nguỵ tạo phải tinh vi hơn. Nhưng vào thời điểm này Tây Đức vẫn lép vế hơn, vì việc di dân từ Tây sang Đông rất hiếm và bị quan sát kỹ lưỡng. Mặt khác, Tây Đức không có nhu cầu gửi người đi: Họ có thể mua chuộc người trong đám đông công dân bất mãn tại Đông Đức chúng tôi.
Để khắc phục những khó khăn hành chính trong việc định cư tại Tây Đức, phần đông điệp viên của chúng tôi thường bắt đầu công tác bằng cách trải qua một thời gian lao động chân tay đơn sơ. Vì lý do này, chúng tôi thường chọn các thí sinh có tay nghề khéo léo và có kính nghiệm thực tiễn trong một ngành nghề. Tuy nhiên, không phải ai cũng đi qua nẻo đường này. Như đã đề cập trước đây, hầu hết các khoa học gia và sinh viên ngành khoa học di cư vào thời đó đều kiếm được việc tại các hãng hoặc cơ sở nghiên cứu mà chúng tôi chú ý. Chúng tôi cũng thâu thập tin tức qua các mối liên lạc không chính thức với các khoa học gia Tây Đức. Nhiều người cảm thấy bồn chồn về hiểm hoạ hạt nhân, vũ khi sinh trùng và hoá học. Họ bị chấn động mạnh vì hai quả bom nguyên tử thả xuống HiroshimaNagasaki, họ cung cấp cho các điệp viên chúng tôi rất nhiều cơ hội và đề tài để bàn thảo.
Có một vài người của chúng tôi xâm nhập vào các khu vực có những nguyên tắc bảo mật khắt khe. Những người khác vào được những vị trí lãnh đạo, lương bổng cao trong các tổ chức xí nghiệp. Nhưng việc xâm nhập vào thâm cung của các trung tâm quân sự và chính trị tại Bonn, nơi những quyết định lớn được thực hiện, khó hơn nhiều.


***


Sau những cuộc nổi dậy năm 1953, cuộc họp thượng đỉnh của các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của phía Đồng minh năm sau đó là một mối quan tâm bức xúc nhất của chúng tôi. Đây là lần đầu tiên một biến cố như vậy diễn ra trước ngưỡng cửa chúng tôi và tôi không rõ tôi phải có những hoạt động tình báo nào. Như thường lệ, ông bạn Xô viết yêu cầu chúng tôi có một kế hoạch hành động chính xác. Trong tinh thần ước vọng hơn là trông chờ, tôi cố gắng chuẩn bị một kế hoạch nhằm tạo nên nhu câu bức thiết để có được tin tức phẩm chất cao từ các nhân viên của tôi.
Moscow phái một cố vấn đặc biệt đến để xem xét bản sơ đồ lớn nằm trên bàn của tôi và, giống như một anh thợ phát giác một lỗ hở trong máy, y nói: “Lẽ cố nhiên, quý vị cần có một “malina” trong thời gian công tác này”. Tôi đâm ra bối rối. Malina theo tiếng Nga có nghĩa là “quả mâm xôi”, nhưng chắc chắn ông bạn KGB không nói về trái cây ăn tráng miệng. Hoá ra đương sự dùng tiếng lóng để chỉ chị em ta, nơi đây các nhân viên của chúng tôi quyến rũ các viên chức lạc lối từ hội nghị ra trút bớt gánh nặng vào nơi có chút xa hoa.
Việc này diễn ra hàng mấy năm trước khi tôi khai triển chiến lược sử dụng tình dục trong nghề điệp báo, nhưng tôi không muốn để lộ cho ông bạn đồng nghiệp Nga biết là tôi quá ngây ngô. Chúng tôi cấp tốc biến một căn nhà nhỏ mà chúng tôi đôi khi dùng ở phía nam ngoại ô Đông Berlin trở thành vừa là nhà chứa và là trung tâm gài bẫy với đầy dụng cụ nghe lén và máy quay phim có đèn hồng ngoại tuyến, giấu trong phòng ngủ có ánh sáng thích hợp. Ngày nay những dụng cụ này tỏ vẻ rất thô sơ, chính vì vậy các nhiếp ảnh viên phải luồn lách trong tủ quần áo nhỏ và đứng chờ cho đến khi đối tượng họ quan sát ra đi.
Vấn đề kế tiếp là kiếm các giai nhân. Chúng tôi tiếp xúc một ông cảnh sát cao niên đã từng chỉ huy đội tuần tra thuần phong mỹ tục tại Berlin. (Điều ngộ nghĩnh, việc kiểm soát mãi dâm và hình ảnh khiêu dâm được cả hai bên Đông và Tây cùng thực hiện giữa những năm 1945 và 1949). Ông đi mòn giầy cao su biết hết những nơi hành nghề của chị em ta và những nơi họ trú ngụ vì nay cái nghề xưa nhất trái đất đã đi vào bóng tối trong một xã hội mới trong sạch của chúng tôi. Nhưng không may, ông dẫn chúng tôi đến khu Mulackstrasse, một khu từ xưa đến nay luôn biểu tượng cho thị trường buôn bán da thịt hạ cấp nhất Berlin. Cấp trên của tôi lúc đó, đã từng trải cuộc đời trong nghề điệp báo mặc dù điềm nhiên trước những sự kiện này, điện thoại cho tôi với giọng nhăn nhó: “Anh không thể nào đặt chân đến những nơi như vậy cho dù chỉ tốn một DM”.
Đi ngược lại với chủ thuyết, chúng tôi hành động theo bản năng của một xí nghiệp tự do. Tại một quán bán sữa trên đại lộ Karl Marx chúng tôi kiếm ra được nhiều cô gái hấp dẫn, mặc dù sống cuộc đời đáng kính ban ngày, chấp nhận sống một cuộc đời kém trang trọng hơn về đêm nhân danh Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Kế hoạch dự tính gửi một đám điệp viên của chúng tôi đến trung tâm báo chí tại Tây Berlin và các quán ăn, quán rượu nằm xung quanh những nơi hội họp của các Bộ trưởng ngoại giao. Họ có công tác mời mọc các viên chức và cố vấn đến giải khát và, nếu tình hình có vẻ khả quan, đưa họ đến tham gia một “nhóm nhỏ” tại căn “malina”, nơi đây bảo đảm có sự hiện diện của phái nữ.
Sự việc diễn tiến êm xuôi. Nhưng vào giữa đêm, điện thoại của tôi reo vì xảy ra một “biến chuyển bất ngờ”. Bà Tám yêu cầu kiểm soát vệ sinh kỹ lưỡng và khám phá một trong những cô nàng không lấy gì làm cảnh vẻ cho lắm. Cô ta có rận. Tôi ra lệnh rút cô ta ra khỏi nhóm công tác.
Cuộc họp bắt đầu, đội công tác chúng tôi trông chờ hành động, nhưng không thấy xuất hiện một anh bạn nào cả. Nhân viên tháp tùng năm nay hình như đạo đức một cách bất thường, vì người duy nhất lọt bẫy, lại vào đêm cuối, là một ký giả Tây Đức. Nước và thức ăn khai vị được trưng bày thịnh soạn, các giai nhân đứng vào vị trí của mình. Nhưng trong lúc cao hứng, nhân viên trách nhiệm của chúng tôi đêm đó uống nhầm ly rượu chứa thuốc cường dương dành cho khách. Để kết thúc đẹp, có chiếu phim khiêu dâm. Lẽ cố nhiên những loại phim này bị cấm tại Đông Đức, nhưng cũng được ông cựu cấp chỉ huy đội tuần tra thuần phong trình chiếu mỗi khi có dịp cần đến. Trong khi người của chúng tôi không phút nào rời đoạn phim, con mồi chúng tôi không hề chú ý một chút nào đến màn ảnh hoặc các cô gái và rút lui vào trong bếp để nói chuyện gẫu với cô gia nhân.
Ngày hôm sau, anh ký giả là người duy nhất có đầu óc tỉnh táo. Anh ta hiểu trò trơi và nói sẵn sàng làm việc cho chúng tôi. Đây cũng là một loại chiến thắng, nhưng quá bất xứng với công lao bỏ ra. Chúng tôi trả lương cho các cô chiêu đãi thất vọng và mời họ về với chỉ thị họ triệt để không được bàn tán về vở kịch hỏng này.
Sau đó sự vụ này tiếp diễn một cách kỳ lạ. Khi chúng tôi gửi điệp viên đến gặp anh ký giả, một người bạn đồng nghiệp đến thay anh ta, tên là Heinz Losecaat van Nouhuys, tự nhân làm việc cho tờ tuần báo danh tiếng Tây Đức Der Spiegel. Hoặc giả họ tự dàn xếp cuộc trao đổi hoặc việc này do phản gián Tây Đức tổ chức, tôi chẳng bao giờ đoán ra sự thật. Nhưng ông van Nouhuys tỏ ra là một điệp viên có tinh thần cộng tác cao độ. Mặc dù tôi nghi ngờ lời nói của ông cho rằng những tin tức của ông lấy từ các Bộ ra, tin tức ông cung cấp cho chúng tôi năm này qua tháng nọ ăn khớp với những báo cáo khác. Sau đó ông vào ban biên tập của tờ Quick. Tờ tuần báo cánh hữu rất phổ biến này chống Đông Đức mãnh liệt, nhưng nơi đây ông vẫn tiếp tục làm việc cho chúng tôi.
Chúng tôi bắt đầu sử dụng hội chợ thương mại Leipzig để bắt liên lạc với giới thương gia và qua họ bắt mối liên hệ với các chính trị gia bảo thủ và các khuôn mặt nổi bật có lòng tin trong việc công tác với Đông Đức, họ bằng cách này hay cách nọ muốn duy trì không cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ giữa hai mảnh nước Đức. Các giao ước thương mại Đông Tây tại đây phải tuân thủ lệnh cấm vận của phương Tây trên những mặt hàng có tính chiến lược, ví dụ như những vật liệu căn bản như ống thép. Những hạn chế này khiến các thương gia phải tạo ra những mối liên lạc đáng tin cậy và dàn xếp các giao dịch kinh doanh bất hợp pháp, và một bộ phận của Uỷ ban Trung ương Đảng phụ trách về thượng lượng đút lót, cho dù sau này chúng tôi đảm nhiệm công việc này. Tôi thường hay đi Leipzig đóng vai trò nghiêm trang của một viên chức cao cấp thương mại hoặc một đại diện của Hội đồng Bộ trưởng.
Nhờ vậy tôi gặp Christian Steinrücke, người liên quan đến việc buôn bán thép tại Tây Đức. Steinrücke giao hảo với các kỹ nghệ gia lớn như Otto Wolff von Amerongen, gia đình ông quản trị một công ty thép tiên phong giao thương với Liên Xô vào đầu những thập niên 1920 và giúp xây dựng đường xe hoả Mãn Châu. Một hôm ngồi ăn tối với Steinrücke, tôi nói với ông tôi là một vị tướng trong Bộ Nội vụ Đông Đức, và từ đó chúng tôi tâm đầu ý hợp. Sáng hôm sau, tại một buổi họp kín của Liên đoàn Sắt và Thép Tây Đức, ông giới thiệu tôi là đồng nghiệp của ông ta cho vị giám đốc, ông Ernst Wolf Mommsen. Nhờ sự bảo trợ của Steinrücke, không một ai trong nhóm tinh anh kín đáo này để ý đến sự hiện diện của tôi, nói gì đến chú ý đến tôi. Steinrücke có vợ thuộc gia đình Wehrhahn, một trong những gia đình thế lực nhất của tư bản Đức. Anh của cô vợ là rể của Adenauer - tai tôi rung động vui mừng khi tôi nghe điều này - và hơn thế nữa, chị dâu của cô vợ là cháu của Hồng Y Frings, gương mặt kỳ cựu của giáo hội Công giáo Tây Đức.
Mối liên lạc của chúng tôi kéo dài nhiều năm. Để duy trì mối hữu nghị này, đôi khi tôi mời Steinrücke đến dùng cơm tối với tôi và nguỵ tạo một gia đình thứ hai. Tôi chọn một biệt thự tại Rauchfangwerder và một cô xướng ngôn viên xinh xắn tại đài truyền hình Đông Đức để làm vợ. Hình con cái của cô ta được treo trên tường mỗi khi Steinrücke ghé thăm tôi. Khi vấn đề buôn bán vũ khí trở nên phức tạp hơn, những cuộc đối thoại với đương sự càng lúc càng trở nên hữu ích, và đến khoảng giữa thập niên 1970 ông là cố vấn của Lockheed Corporation với nhiều mối liên hệ với cấp lãnh đạo của Không quân Tây Đức và quan hệ với những sinh hoạt của Franz-Josef Strauss, lãnh tụ chính trị vùng Bavaria đồng thời là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tây Đức. Tôi chưa hề đề nghị hoặc mời ông làm việc cho chúng tôi, mặc dù ông cũng đoán được vai trò nếu không muốn nói đến tên tuổi đích thực của tôi. Mối liên lạc giữa chúng tôi bất đắc dĩ chấm dứt vì tôi cắt đứt do sự hiện diện của người bạn Steinrücke, bác sĩ Walter Bauer.
Bauer tỏ ra vẻ là một thương gia khiêm tốn buôn bán mỡ của Tây Đức để đổi lấy nỉ của Đông Đức trong vùng Lausitz của Đông Đức. Điều này không phù hợp với tài sản mà Bauer đương có. Mối nghi ngờ của chúng tôi không sai. Vào khoảng trước năm 1945, ông giữ một chức vụ cao trong tổ hợp kỹ nghệ Flick, sở hữu tiền từ mỏ than phát đạt của vùng Lausitz. Hình ảnh của một thương gia tầm thường và tồi tàn của ông phản nghịch với bức hình chụp chúng tôi tìm thấy ông ta đứng cạnh Konrad Adenauer trong một hội nghị Công giáo. Chúng tôi tình nghi nhiệm vụ chính của ông là giúp chủ nhân của ông có chân đứng tại Đông Đức nhân danh các kỹ nghệ gia lớn trông chờ ngày thống nhất đất nước Đức. Theo đạo luật hình sự của chúng tôi, công tác của ông bị kết tội gián điệp lẫn hoạt động phản động. Điều này cho tôi lý cớ để đưa Bauer vào tròng, tôi nghĩ như vậy.
Tôi biết ông cũng là cộng sự viên thân cận với một người tên Hans Bern Gisevius, người đã từng trong Chiến tranh thế giới II là giao liên giữa kháng chiến trung lưu Đức và OSS (Office of Strategic Services), tiền thân của CIA. Trang bị với dữ liệu này, tôi quyết định tấn công trực diện với Bauer. Chúng tôi gặp nhau tại Johannishof, khách sạn dành cho khách của chính phủ tại Đông Berlin. Trái với hình ảnh của một công tác viên nhã nhạn và phóng khoáng, Bauer là một người tròn trịa khoác một bộ quần áo cũ kỹ.
Steinrücke, có vẻ thích thú với vai trò trung gian mới này, cho y biết tôi là một viên chức cao cấp trong Bộ Nội vụ đặc trách về những vấn đề kinh tế. Chúng tôi nói chuyện hàng tiếng đồng hồ và tôi dùng hết lá bài này sang lá bài khác nhưng không có kết quả. Bauer luôn có câu giải đáp hoặc lời giải thích cho những gì y làm và y không tỏ vẻ lo sợ hoặc do dự khi bị áp lực, kể cả lúc tôi báo cho y tôi biết những đường dây liên lạc của y với Hoa Kỳ. Đây là lá bài tẩy của tôi nhưng tôi đã thất bại một cách thảm não.
Một thương gia chính tông hoá ra là một tay hoạt động điêu luyện, quá cứng rắn để một sĩ quan trẻ háo thắng có thể áp đảo được. Ông cũng quen biết quá nhiều để chúng tôi hăm doạ. Điều này dạy cho tôi một bài học quý giá, cho những nhân viên điệp vụ quá cường điệu.
Ước đoán của tôi về Bauer được xác nhận ngay sau đó khi Steinrücke không xuất hiện trong lần hẹn sau với tôi. Ông bị cơ quan tình báo Hoa Kỳ thẩm vấn gắt gao. Họ cho ông biết tôi thực sự là ai và cảnh báo ông nên tránh tiếp tục liên lạc với tôi và Steinrücke đã siêu lòng. Ông tiếp tục củng cố mối liên hệ với những khối áp lực sản xuất vũ khí của Đức và Hoa Kỳ, điều khiến tôi trước đây thắc mắc về ông.
Vì cách hành xử hống hách của tôi đối với Bauer, tôi đã đánh mất đi một đường dây liên lạc quý báu, lý ra vẫn còn có thể tiếp tục trên căn bản hiểu biết đắn đo. Với thời gian chúng tôi hoàn chỉnh kỹ thuật nhằm thuyết phục thiên hạ làm việc cho chúng tôi và ghi nhận việc ép các đối tượng có khả năng trở thành điệp viên ký khế ước trên giấy tờ là một điều dại dột, thiếu khôn ngoan. Phần đông những kẻ vì một lý do nào đó muốn thương lượng với cơ quan tình báo đối nghịch sẽ lẩn tránh vì không muốn cam kết một cách chính thức, họ muốn ở một vị thế trung hoà. Tôi khuyên các sĩ quan của tôi: nếu các anh nghĩ câu trả lời là không, các anh đừng đặt câu hỏi. Đừng ép uổng con người vào một khuôn mẫu đã được các cơ chế hành chính định trước. Hàng mấy năm nay chúng tôi cố gắng rũ bỏ những ám ảnh hành chính của các quan thầy Xô viết. Điều này thích hợp với chúng tôi.
Chúng tôi rất ham muốn xâm nhập đế chế kỹ nghệ Krupp và cố thu nạp Carl Hundhausen, một thành viên của ban quản trị vừa có năng khiếu nghệ sĩ vừa hiểu biết Đông Đức nhiều hơn các đồng nghiệp. Ông chỉ trích thái độ của chính quyền Bonn đối với việc giao thương liên quốc Đức, nhưng sau đó ông nhận ra mối liên lạc với tôi vượt quá mục tiêu tạo lợi nhuận cho nhóm Krupp.
Tại một hội nghị bàn về tính đồng nhất của nước Đức, chúng tôi gặp ông Heinrich Wiedemann, một nhà hoạt động cho việc thống nhất của nước Đức và cũng là một người bạn của Joseph Wirth, cựu thủ tướng của Cộng hoà Weimar. Tôi rất thích thu khi nghe Wiedemann nói rằng những diễn văn chống lại việc củng cố liên minh Washington - Bonn vẫn chưa đủ và đương sự ngầm báo muốn chúng tôi đóng góp vốn liếng để thành lập một cơ sở kinh doanh tại Bonn. Một bản giao kèo được soạn thảo bảo đảm cho chúng tôi được tham dự vào phần lợi nhuận của cơ sở. Đây là một phiêu lưu hiếm hoi của cơ quan tình báo chúng tôi vào lãnh vực tư bản rủi ro; đồng thời với sự trợ giúp của chúng tôi, Wiedemann mở Văn phòng Hỗ trợ Kinh tế cho những người có lương bổng cố định, một nhóm áp lực có liên lạc với các bộ và nhân viên của họ. Qua ngã này, chúng tôi tạo được liên lạc với Rudolf Kriele, một cơ quan tham mưu trong Phủ Thủ tướng Tây Đức đặc trách về chính sách quốc phòng và liên minh quân sự. Là một quan chức có thế lực thường lui tới văn phòng lobby của chúng tôi, Kriele chuốc rượu Rhine và nói chuyện tầm phào về những công việc nội bộ của các chính trị gia Đức.
Điều này kích thích tham vọng của chúng tôi. Chúng tôi dự tính khuếch trương văn phòng để trở thành một nơi trú ngụ bất hợp pháp (một danh từ trong trao đổi tình báo để chỉ định một công tác nguỵ trang lâu dài), và sau này biến thành một điểm liên lạc vào những thời điểm căng thẳng giữa Đông và Tây. Chúng tôi cung cấp cho điệp viên những dụng cụ để thu thanh những cuộc đối thoại của những viên chức ghé thăm và tiếp nhận, chọn lọc và chuyển thông tin về cho chúng tôi. Chúng tôi cũng tuyển dụng cô bạn gái của Wiedemann, cấp trên của cô này làm việc tại Phủ Thủ tướng, và chúng tôi đặt cho cô mã danh là Iris. Nhưng có một vấn đề khó xử. Wiedemann, mặc dù có năng khiếu thuyết phục, không phải là một thương gia đặc biệt giỏi, và chi phí điều hành văn phòng vượt quá xa lợi tức thu vào, một sự kiện khó có thể che giấu thiên hạ lâu được. Chúng tôi làm việc với tâm niệm là phản gián Tây Đức có khả năng tìm được hồ sơ thuế vụ và sẽ sớm tự hỏi tiền từ đâu ra. Công tác kết thúc nhanh chóng hơn dự định của tôi khi một kẻ đào thoát trốn khỏi bộ Tổng tham mưu của chúng tôi sang Tây Đức, và chúng tôi buộc phải triệu hồi điệp viên của chúng tôi vì mối nguy kẻ đào tẩu sẽ tiết lộ hành tung cho chính phủ Bonn.
Giải an ủi là Iris, dù là niềm vui của chúng tôi bị suy giảm vì thượng cấp của cô được chuyển từ Phủ Thủ tướng sang Bộ Khoa học và Giáo dục. Tại đây trong vòng 10 năm, cô ta chuyển cho chúng tôi những chi tiết về những dự án nghiên cứu bén nhạy của chính quyền và giúp chúng tôi lập kế hoạch do thám khoa học và kỹ thuật.
Trong thời gian văn phòng Wiedemann làm việc, một nữ khách đầy quyến rũ tại Bonn cũng tỏ ra đầy hưa hẹn vào thập niên đầu 1950. Chúng tôi đã ước đoán tiềm năng của cô ta khi chúng tôi biết đến tên Susanne Sievers trong khi duyệt xét danh sách các tù bình Tây Đức bị giam giữ tại Đông Đức chờ ngày phóng thích do ân xá. Cô ấy bị cơ quan phản gián của chúng tôi bắt trong một chuyến tham dự hội chợ Leipzig năm 1951 và bị kết án tám năm tù giam vì tội làm gián điệp. Hồ sơ ghi nghề nghiệp của cô là ký giả tự do, điều này làm cho chúng tôi chú ý. Một Đại tá dàn xếp một cuộc gặp gỡ trước khi cô ấy biết sẽ được thả. Trong căn phòng thăm viếng, nhân viên của chúng tôi đứng trước một người đàn bà cao, mảnh khảnh vào khoảng trung tuần ba mươi. Phong cách nghiêm trang và tự tin toát ra từ bộ áo tù và cô vẫn tiếp tục bàn cãi việc giam giữ cô là một bất công, cô không hề tìm ân huệ của những người bắt giam cô. Nhưng cô cũng nói đến những vấn đề của nước Đức và chính sách thân Mỹ của Adenauer. Nhân viên chúng tôi dò hỏi cô ấy có muốn tiếp tục cuộc đối thoại trong một tình cảnh khác không. Sau đó cô được thả và họ gặp nhau trên cầu Warsaw tại Đông Berlin, tại đây hai bên thoả thuận khi cô ấy về Tây Đức, cô sẽ cung cấp tin tức cho chúng tôi. Chúng tôi đặt cho cô ấy bí danh là Lydia.
Chúng tôi vui sướng khi Susanne chọn nơi cư ngụ tại một căn phòng ấm cúng tại Bonn, tại đây cô mở văn phòng tiếp khách có sự gặp gỡ của những khuôn mặt thế gia bàn về chính trị và văn hoá. Chúng tôi nhận được những thông tin quý giá về các tổ chức cực hữu của Tây Đức gọi là Cứu nguy Tự do (Rettet die Freiheit), dưới sự lãnh đạo của chính trị gia Dân chủ Thiên Chúa giáo Rainer Barzel. Tổ chức này có mối liên hệ với các nước Đông Âu qua ngã người di dân và có liên minh với Otto van Hapsburg, một hậu duệ của gia đình hoàng gia Áo-Hung rất năng động trong lãnh vực chính trị. Sau này Barzel luôn ám ảnh chúng tôi khi ông đạt đến chức vụ chủ tịch của CDU (Đoàn kết Dân chủ Thiên Chúa giáo) và ứng cử chống lại Willy Brandt, cương quyết chống lại nỗ lực của Brandt muốn Tây Âu chấp nhận liên hệ ngoại giao với Đông Đức.
Trước khi cô bị Đông Đức bắt, Susanne đã có một mối tình say đắm với Willy Brandt khi ông là thị trưởng của Berlin. Ông đã viết một loạt thơ tình gửi cho cô, sau này được các đối thủ của Brandt tiết lộ công khai trong một mùa bầu cử quốc hội năm 1961, trong đó có cả Franz-Josef Strauss. Chính nhờ những báo cáo của cô đã ép chúng tôi phải suy nghĩ lại về hình ảnh rập khuôn mẫu về Strauss, mô tả đương sự như một kẻ thù bất cộng đái thiên của chủ nghĩa xã hội, hình ảnh mà đương sự muốn trình cho quần chúng. Cô nhận định Strauss là một người thực tiễn không đam mê. Khi cô tiết lộ Strauss và Brandt có hẹn nhau để gặp gỡ tại căn phòng của cô, có tin đồn một liên minh lớn sẽ đưa nhóm Dân chủ Xã hội vào chính quyền lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh thế giới II bùng nổ. Brandt xác nhận những cuộc đàm đạo này trong hồi ký của ông nhưng không đề cập đến khung cảnh và mối liên hệ của ông với Susanne.
Tôi thường hay tự hỏi điều gì đã khiến người đàn bà này quay ra thích thú với những cuộc gặp gỡ mưu đồ tại Berlin và báo cáo về những tổ chức và cá nhân có quan điểm chính trị gần gũi với cô hơn là chúng tôi, đặc biệt sau khi cô chịu cảnh tù đày vì những tội mà tôi cho là nguỵ tạo. Cô chắc chắn biết rõ cô đang tiếp xúc với ai. Nếu cô là một gián điệp nhị trùng, chắc chắn cô sẽ hỏi một số chuyện về công tác của chúng tôi, nhưng cô không bao giờ đặt vấn đề. Cô chỉ nhận những bù trừ cho những chi phí của cô, ngoài ra không có gì khác. Để có cớ sang Berlin, cô tạo dựng ra một người bạn gái sinh sống tại phía Tây thành phố.
Mối dây liên lạc với nguồn cung cấp cực kỳ quý giá này thình lình bị cắt đứt vì Bức tường Berlin được xây năm 1961. Cô là một trong nhiều nguồn cung cấp bên Tây Đức ngưng làm việc với chúng tôi kể từ đó. Nhưng tôi tin rằng Susanne đóng góp hơn thế nữa; có những chỉ dấu cho thấy cô bắt đầu làm việc với tình báo Tây Đức. Cô biệt tích với Fred Sagner, một Đại tá của quân đội Tây Đức người đầu tiên thông báo cho cô về tổ chức Cứu nguy Tự do, để đi Viễn Đông, tại đây y được bổ nhiệm vào các Toà đại sứ của Cộng hoà Liên bang Đức với chức vụ tham tán quân sự. Đến năm 1968, cô làm việc cho hệ thống tình báo dưới sự kiểm soát của một viên chức Tây Đức tên Hans Langemann, một đường dây của CIA để kiểm soát nhân viên tại châu Âu và Viễn Đông.
Sau này Susanne Sievers - đã có lần là một Lydia trợ giúp chúng tôi - trở thành trưởng khối Tình báo Tây Đức (Bundesnach-richtendienst- BND) tại Hồng Kông với bí số 150, điều khiển các phó trạm tại Tokyo, Manila, Jakarta và Singapore. Hồ sơ của tình báo Tây Đức mà chúng tôi xem được vào những thập niên 1970 ghi cô đã nhận một tài khoản 96.000 DM, như vậy vai trò của cô chắc chắn phải quan trong. Khi Klaus Kinkel trở thành trùm điệp báo Tây Đức năm 1968, công việc đầu tiên của ông là quét sạch những điệp viên giả hiệu và chấm dứt những cơ cấu tổ chức vô lối do Gehlen để lại, lúc bây giờ vẫn là tiêu chuẩn, mặc dù đã có hai người khác lãnh đạo BND sau Gehlen. Susanne Sievers rời cơ quan và nghe nói đã nhận 300.000 DM để không tiết lộ việc BND nhúng tay vào chính trị nội bộ. Tôi không còn tin gì về cô, và cho đến nay cô là một khuôn mặt mà lòng trung thành và ý nghĩa hành động vẫn còn là một bí ẩn đối với tôi.


***


Bị tổn thương vì lỗi lầm của tôi trong vụ Steinrücke, tôi nhận thức bí quyết để xâm nhập chính trị Cộng hoà Liên bang nằm trong tính đa dạng của các nguồn tin và cách vận dụng chúng một cách liên tục một khi đường dây đã được móc nối. Về phía cánh hữu, chúng tôi đã xây dựng đường dây liên lạc với Günter Gereke, một người Đức ái quốc, một dân biểu tiền chiến đã bị bỏ tù vì chống đối Hitler và sau này gia nhập nhóm âm mưu ám sát Hitler năm 1944. Về mọi mặt Gereke là một mẫu mực của nhóm bảo thủ kiên quyết nhưng rồi cuối cùng hợp tác với chúng tôi. Nhiều người không chịu đựng được Adenauer, phản bác ý niệm của ông nhằm bảo toàn sự tái sinh của nước Đức phải trông cậy vào bà đỡ người Mỹ. Gereke phản đối bằng cách gặp gỡ Ulbricht công khai và bị trục xuất khỏi đảng của Adenauer. Chúng tôi bám vào ông vì ông là một nguồn tin quý giá trong giới Dân chủ Thiên Chúa giáo, mà ông báo cáo một cách tường tận.
Khi có tin tiết lộ phụ tá của Gereke là một điệp viên của tình báo Anh, đối với Gereke rõ ràng là chính phủ Bonn hầu như chắc chắn đang lập hồ sơ để đánh phá ông, đồng thời cũng hy vọng hạ uy tín tất cả các đối thủ của chính sách phò Mỹ cho họ là những điệp viên cộng sản. Chúng tôi quyết định hành động nhanh và báo cho Gereke di chuyển sang Berlin. Đây là điều ông không hề nghĩ đến trong vị thế xã hội của ông, nhưng vào thời buổi này chúng tôi có phần bốp chát và ông không còn lựa chọn nào khác. Dù sao danh tiếng của ông đã chấm dứt tại Tây Đức khi Adenauer quyết định biến ông thành một thí dụ điển hình.
Chúng tôi đưa ông ra trước cuộc họp báo tại Đông Berlin và ông giải thích lý do muốn giữ liên lạc như một người Đức yêu nước. Đây là một thắng lợi tuyên truyền đối với chúng tôi, khiến cho cấp lãnh đạo của chúng tôi phải thích thú. Quá thích thú đến độ khiến cho họ có một mối thèm khát bệnh hoạn xui khiến kẻ khác đào thoát ngoạn mục, không thèm để ý đến sự kiện một điệp viên tốt tại chỗ thường đáng giá hơn một chục người đào thoát. Tôi từng có một nguồn tin, bí danh là Timm, một dân biểu CDU, tên thật là Karlfranz Schmidt-Wittmack. Là một thành viên của Uỷ ban về Vấn đề An ninh châu Âu và đứng đầu uỷ ban bảo vệ của ngành thanh niên CDU, đương sự được các thế lực kỹ nghệ đỡ đầu và trên đường công danh đi đến đỉnh cao của đảng. Tôi trở về sau lần nghỉ hè năm 1954 và thấy giấy báo của Wollweber nói rằng Schmidt-Wittmack phải được rút về Đông Đức. Tôi phát cáu khi nghĩ một người cung cấp tài liệu cho chúng tôi ghi rõ những chi tiết để Bonn gia nhập NATO (Liên minh Bắc Đại Tây Dương) lại có thể bị hy sinh cho một cuộc họp báo, và tôi biết đương sự sẽ miễn cường từ bỏ sự nghiệp thăng tiến để trốn chạy sang Đông Đức. Nhưng thẩm quyền không thuộc về tôi. Mặc dù cơ quan tình báo có bản năng bén nhạy đến đâu đi nữa, họ luôn luôn là con cờ của chính quyền mà nó phục vụ.
Tôi nghĩ tôi phải đích thân báo cho Schmidt-Wittmack. Những biện luận chính trị tôi cố bày vẽ không thuyết phục được đương sự tí nào: đương sự không muốn trở thành một con tốt trong cỗ xe quay không ngừng của bộ máy tuyên truyền. Tôi không còn lựa chọn nào khác là nói dối và báo rằng phản gián Tây Đức đang theo dõi y và cơ may duy nhất để tránh tù tội là trốn sang Đông Đức. Đương sự quyết định cùng lúc với sự thoả thuận của vợ y. Chúng tôi ước định, mặc dù cô vợ quen thuộc với công tác của y cho Đông Đức, cô ấy chẳng vui sướng gì khi nghĩ đến việc phải rời về đó. Chúng tôi thuyết phục đương sự viết cho cô vợ trước khi đương sự trở về Hamburg để thu xếp đồ đạc, và thư tín đi trước, cho cô vợ có thời gian tiêu thụ tin chấn động này. Buộc phải lựa chọn giữa một ông chồng bị thất sủng ở tù hoặc khởi đầu một cuộc sống mới nơi một căn nhà xinh xắn gần bờ hồ ở Đông Đức, cô vợ chọn giải pháp thứ hai.
Ngày 26-8-1954, Schmidt-Wittmack xuất hiện trong một cuộc họp báo tại Đông Berlin. Đương sự tiết lộ Adenauer đã giấu những thông tin quan trọng về ý định của ông trong chính sách đối ngoại và an ninh. Như mọi trường hợp tương tự, chúng tôi bồi thêm cho tấn tuồng này bằng cách tiết lộ thông tin ngoại lệ từ những nguồn khác - trong trường hợp này là tình báo quân sự Liên Xô - để tố cáo rằng chính quyền Bonn, trái với những tuyên bố công khai, đã hoạch định thiết lập một đội quân với hai mươi bốn sư đoàn.
Schmidt-Wittmack được giao phó nhiệm vụ chủ tịch thương mại ngoại vụ, nhưng tôi luôn tiếc quyết định triệu hồi ông về và đôi khi tự hỏi chúng tôi đã hy sinh một ông bộ trưởng tương lai chỉ vì muốn nằm trên trang nhất của báo chí. Gereke trở thành một công chức trong đảng Dân chủ Quốc gia, một đảng tại Đông Đức đại diện cho cựu chiến binh, nghệ nhân và tiểu thương. Đây không phải là một phương cách đặc biệt hữu ích cho thân già của Gereke sống qua những ngày tháng còn lại.
Người đào thoát ngoạn mục nhất của những năm đó đến với chúng tôi lại không do chúng tôi chủ sự và đương sự cũng chẳng phải là một trong những nguồn cung cấp tin của chúng tôi. Trái lại nghề nghiệp của đương sự là phát hiện và phơi bày các điệp viên của chúng tôi, người đó tên là Otto John, trưởng khối phản gián Tây Đức (Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp). Thời buổi bây giờ khó mà hình dung được cảm giác việc này gây ra lúc các câu chuyện cá nhân và lòng trung thành buổi ấy của tất cả người Đức vẫn bị kẻ thù trước đó nghi ngờ và phe tả vẫn còn uy tín.
Là một người chống đối Quốc Xã, John biệt tăm khỏi Tây Berlin sau một buổi lễ kỷ niệm năm thứ mười, ngày lật đổ thất bại chống lại Hitler ngày 20-7-1944. Người ta thấy ông lần cuối tại Tây Đức đi cùng với một người quen thuộc, bác sĩ Wolfgang Wohlgemuth, một chuyên gia về sản phụ và cuối cùng xuất hiện ngày 21 tháng 7 năm 1954 tại căn cứ quân sự Xô viết tại Karlshorst ở ngoại ô Berlin. Hiển nhiên cả hai người đã di chuyển vào Đông Berlin trên xe của Wohlgemuth.
Tiếp theo đó Tây Đức bấn loạn, họ giải thích trường hợp này là một cuộc bắt cóc gây hấn do tình báo Cộng sản tổ chức. Nhưng với một thời điểm trùng hợp khôi hài, đúng lúc phát ngôn nhân của chính phủ Bonn tuyên bố John không tự ý rời bỏ Liên bang Đức, ông trưởng khối tình báo tuyên bố trên đài phát thanh Đông Đức là ông tự ý rời bỏ vì Adenauer đã trở thành dụng cụ của Mỹ, “vì nhu cầu chiến tranh đánh lại binh sĩ Đông Đức… vui mừng đón tiếp những ai chưa rút tỉa được bài học từ đại hoạ qua và chờ đợi giây phút để phục hận năm 1945”. Khi ông đồng thời tuyên bố nhóm Quốc Xã khống chế hệ thống tình báo của Tây Đức, lời của ông rất nặng ký.
Nhưng cũng như mọi biến cố vào lúc cao điểm Chiến tranh Lạnh, biến cố này không hoàn toàn diễn biến như người ta tưởng. Đây là lần đầu tiên sự thật mà tôi biết được về sự việc kỳ dị này.
Mấu chốt nằm ở kinh nghiệm của John trong thời chiến, khi ông trở thành người tin cậy của nhóm kháng chiến nhỏ nằm trong cơ quan phản gián của Quốc Xã nhằm âm mưu giết Hitler. Ông được giới thiệu với Claus Schenk Graf von Stauffenberg, sĩ quan đã tổ chức bất thành cuộc ám sát, và có nhiệm vụ ước định xem Đồng minh chấp nhận đề nghị hoà bình của nhóm âm mưu nếu họ khử trừ được Hitler. John, lúc đó làm việc tại thủ đô Madrid trung lập cho một hãng máy bay thương mại của Đức, hãng Lufthansa, có bắt liên lạc với Toà đại sứ Mỹ và đặc biệt với tuỳ viên quân sự Đại tá William Hohenthal, vị này có đường dây liên lạc ở cấp độ tối cao trong bộ tham mưu của Eisenhower. John cũng có gửi thư tín để xin London hỗ trợ qua Toà đại sứ Anh tại Lisbon.
Mấy năm sau, John cho tôi biết ông nghĩ là bức điện của ông đã bị Kim Philby ngăn chặn, vào lúc đó ở đỉnh cao quyền lực trong vai trò điệp viên KGB nằm trong lòng tình báo Anh. Cấp lãnh đạo Nga chống đối quyết liệt mọi thương thuyết giữa phe đối lập Hitler tại Đức và Đồng minh, vì họ lo sợ có một cuộc đảo chánh bảo thủ đánh tan tất cả và kết hợp lại để chống lại Nga. “Những tài liệu tôi chuyển cho Philby có lẽ đã biến mất trong đống hồ sơ của ông” John kể cho tôi nghe mãi sau khi Philby chết. “Tôi nghĩ rằng chúng tôi chẳng bao giờ đến London”.
Khi âm mưu thất bại và các kẻ âm mưu bị truy lùng và ám sát không nương tay, John tìm cách trốn sang Anh qua ngã MadridLisbon. Ký giả Sefton Delmer bao che cho ông và giao cho ông công việc của ngành dự tính trong hệ thống thông tấn. Sau thế chiến, John trình bằng chứng cho tình báo Anh đương sự rất quen thuộc với những vụ án của các Thống tướng von Brauchitsch, von Rundstedt và von Manstein. Với quá trình như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi ông được bổ nhiệm đứng đầu cơ quan phản gián Tây Đức, đặt trụ sở tại Cologne trong vùng chiếm đóng của Anh.
John không phải là một đồng minh khách quan của cựu quốc xã Reinhard Gehlen, người đã được Hoa Kỳ đặt vào chức vụ cai quản tình báo hải ngoại, kể cả các viên chức Quốc Xã vây quanh Adenauer và ngay cả chính Adenauer cũng không ưa Gehlen vì giống như phần đông cánh thủ cựu Tây Đức họ nhận xét âm mưu của nhóm Stauffenberg mang tính chất phiêu lưu. John muốn được bổ nhiệm trong ngành ngoại giao mới hình thành, nhưng, sau này ông cho tôi biết, ông không muốn gây dựng sự nghiệp trong ngành này bởi vì toàn bộ tham mưu vẫn là một nhóm ngoại giao trước đây làm việc với Bộ trưởng ngoại giao Quốc Xã, Joachim von Ribbentrop. Bồi thêm nhục mạ vào phần thương tổn, phó chủ tịch của cơ quan Gehlen, Olaf Radtke, được thuyên chuyển sang ngành phản gián, mục đích rõ ràng để kiểm soát John. Người ta không lấy làm ngac nhiên là vào năm 1954 ông cảm thấy thất vọng và lần xuất hiện của ông bên Đông Đức vào một ngày đẹp trời tháng Bảy được xem là một cảnh đào thoát.
Sự thật hoàn toàn trái ngược và kỳ quặc hơn nhiều. John không hề có ý định đào thoát. Bác sĩ Wohlgemuth là một điệp viên của Nga Xô, ông quyết định lợi dụng tinh thần sa sút của anh bạn để lừa y sang Đông Đức. Các bạn đồng nghiệp Xô viết của tôi thề rằng họ không khuyến khích ông làm việc này, nhưng tôi có thể mường tượng Wohlgemuth nói với sĩ quan điều hợp: “Tôi có thể đưa Otto John về cho anh”. Và sĩ quan điệp báo Xô viết lòng phân vân trả lời: “Được, chúng tôi tin anh nếu chúng tôi thấy đương sự ở đây”.
Tuy nhiên, điều chắc chắn là nguồn tin kiểm chứng độc lập thấy John lần cuối là trên xe của Wohlgemuth khi cả hai người băng qua biên giới Đông Berlin vào lúc nửa đêm. Tôi đoán chừng John hoặc là đã say khượt hoặc đã bị ông bạn đánh thuốc. Cả hai người được thấy chệnh choạng đi qua các một dãy các hộp đêm, uống rượu để tưởng nhớ các bạn hữu chết trong lúc kháng chiến. Khi người lữ hành bất đắc dĩ thức giấc, vỡ lẽ mình nằm trong khu quân đội Xô viết tại Karlshorst, một ác mộng đối với một người đã từng là trưởng khối phản gián của Tây Đức. Tôi nghĩ rằng họ cũng kinh ngạc về sự xuất hiện của John trong tay họ cũng như chính John vì họ gọi tướng Yevgeni P. Pitovranov, trưởng trạm KGB tại Berlin, và một người tên Turgarinov, đại diện cho Uỷ ban thông tin của Bộ Ngoại giao dưới quyền của W.M. Molotov, để quyết định phương cách tốt nhất để khai thác John. John biết là số phận mình bấp bênh tột độ và, coi như đương sự là một tù binh thực thụ tại Karlshorst, Nga Xô nắm sinh mệnh của y trong tay. Đương sự sẽ vào tù khi trở về quê quán và sự nghiệp của đương sự coi như chấm dứt.
Sau khi đương sự xuất hiện công khai và cơn chấn động đã chìm lặng tại Cologne, Nga Xô như thường lệ vứt đồ phế thải lại cho chúng tôi. John tỏ ra cực kỳ lạc lõng, vì vậy ưu tư đầu tiên của chúng tôi là tạo cho John một nhóm bạn để hỗ trợ. Chúng tôi để cho John bắt liên lạc với Hermann Henselmann, kiến trúc sư trưởng của thành phố Đông Berlin và Wilhelm Girnus, một người tôi quen biết vào thời tôi làm việc cho Đài phát thanh Berlin, đồng thời chia sẻ một số bạn bè cũ chống Quốc Xã của John. Bộ An ninh quốc gia phái cận vệ để bảo vệ John không cho tình báo Tây Âu bắt cóc, nhưng họ làm việc bất cẩn. Mười bảy tháng sau khi xuất hiện trên Đông Đức, John biến mất, không kèn không trống, rời một cuộc họp mặt tại Đại học Humboldt (Đông Berlin) để nói chuyện với một ký giả Đan Mạch tên Bonde-Henrickson. Cả hai người lên xe của Henrickson và vội vã đi về hương Tây qua cửa ngõ Brandenburg.
Chuyện xảy ra năm 1955. Ba mươi bảy năm sau, tháng 4-1992, tôi ngồi với một ông John tám mươi ba tuổi trong một quán ăn, nhìn sang cạnh Đại học Humboldt nơi ông đã trốn chạy trở về Tây Đức. Ông vẫn còn hậm hực khi ông trở về Tây Đức, ông bị kết án bốn năm tù giam vì tội phản bội tổ quốc. Ông ta chỉ bị mười tám tháng, điều này cho thấy chính phủ Tây Đức không quả quyêt về tội trạng của ông. Về vấn đề “đào thoát” sang Đông Đức, ông kể cho tôi rằng “Tôi bất tỉnh và tôi thức dậy tại Karlshorst. Tôi không hề có ý định sang Đông Đức”. Ông nói ông không bao giờ cảm nhận Đông Đức là nhà của ông và ông quyết định một cách giản dị sau một năm ông quá chán ngán, ông tìm cách liên lạc với ai đó để giúp ông trốn thoát.
Khi mọi việc đã xong, những kẻ đào thoát nổi danh không có một giá trị chiến lược nào. Đúng vậy, Adenauer vì lời tiết lộ của một kẻ đào thoát bắt buộc phải công nhận ông thương thảo để tái võ trang nước Đức. Và ảnh hưởng vương vất của cánh cựu Quốc Xã tại Bonn cũng đã được tiết lộ trong một tình huống đầy kịch tích nên đối tượng vẫn trỗi dậy trong tiến trình chính trị và vẫn lưu lại. Nhưng Tây Đức rồi cũng gia nhập khối NATO (Liên minh Bắc Đại Tây Dương). Chúng tôi đã không thành công trong mục tiêu ngăn chặn họ gia nhập liên minh Tây Âu, ngay cả trì hoãn cũng không được.

Tổng số lượt xem trang