Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Người không chân dung- Chương 9


-

 Chương 9. Hình bóng của Thủ tướng
Thủ tướng Willy Brandt là một người nhiệt huyết, thông minh, có tinh thần đạo đức cao, một nhân vật nổi bật trong lịch sử hậu chiến nước Đức. Ông có những phong thái thích hợp - ông nghiêng mình quỳ gối để tưởng nhớ đến các người Do Thái bị sát hại khi ông đến thăm vùng ghetto ở Warsaw - và thành tâm cống hiến sức mình để khoả lấp hố ngăn cách giữa Đông và Tây Đức, và giữa hai thế giới Cộng sản và Tư Bản. Chúng tôi biết ông từ khi ông là một trong những lãnh tụ chống Cộng ở Berlin vào thời Chiến tranh Lạnh. Khi ông trở thành lãnh đạo của chính phủ ở Bonn và thực thi chính sách hoà giải với Đông Âu - lẫn Đông Đức và tất cả các nước trong khối Đông Âu - được biết là Ostpolitik, chúng tôi có tất cả những lý do để xem xét kỹ lưỡng rằng ông thực sự muốn trở thành đối tác của chúng tôi và không còn là kẻ thù của chúng tôi.

Việc khám phá một nhân viên điệp báo của tôi đã xâm nhập văn phòng của Thủ tướng Brandt đã thình lình kết thúc sự nghiệp lãnh đạo nước Đức của ông Brandt. Đây là phần trách nhiệm của tôi và tôi vẫn cảm thấy bồi hồi sau khi ông đã qua đời. Câu hỏi tại sao tôi làm điều này, kèm theo những lời trách móc “trong số những chính khách, lại nhằm ông Brandt”, là một câu hỏi tôi luôn phải đối đầu. Lẽ công bằng duy nhất mà tôi có thể trả lại cho người quá cố Willy Brandt là giải thích từng chi tiết trong vụ việc gián điệp xấu xa vào thời nước Đức hậu chiến đã xảy ra như thế nào và lý do tại sao.
Ngày 21 tháng 10 năm 1969 Willy Brandt, khi còn là một thị trưởng trẻ của Berlin đã buồn phiền nhìn Bức tường dựng lên trước mắt ông tám năm về trước, được bầu làm Thủ tướng Tây Đức. Ba tuần lễ sau, một người tên là Günter Guillaume trình diện tại văn phòng của ông Brandt ; ông được lãnh tụ công đoàn Georg Leber gửi gắm để đảm nhiệm chức vụ phụ tá cấp thấp cho Thủ tướng với trọng trách liên lạc với các thương đoàn vá các tổ chức chính trị khác, và anh nhận công việc này. Chỉ đơn giản có thế, chúng tôi cài đặt một gián điệp bên cạnh một vị lãnh tụ của một quốc gia nằm trong mục tiêu hàng đầu của chúng tôi.
Chúng tôi không bao giờ từ bỏ hy vọng xâm nhập đầu não của Bonn, nhưng không một ai có thể ngờ lại có thể gần gũi đến như vậy. Tôi cũng không trông mong Guillaume, với mật danh là Hansen, sẽ là người hoàn tất sứ mạng gián điệp lịch sử. Giống như hàng chục thanh niên trẻ khác, Günter, đã làm việc trong ngành ấn hành tại Berlin, một chi nhánh của Bộ Công an, và người vợ Christel, đã được phái sang Tây Đức theo chỉ thị của chúng tôi vào giữa thập niên 1950, hoà nhập vào làn sóng di dân. Bà Erna Boom, mẹ của Christel, một công dân Hà Lan, đã định cư tại Frankfurt-am-Main và mở một quán bán thuốc lá. Tôi hồi tưởng Christel là một cô thư ký toàn hảo - vững chắc, tự tin, tầm thường. Günter, trái lại, là một người vạm vỡ, vui tính và thích hợp với đám đông
Nhờ gia thế của gia đình Christel và sự hiện diện của bà mẹ cô tại Frankfurt, cặp vợ chồng này may mắn không phải vào những trại giành cho người Đông Đức và thoát khỏi hàng rào hành chính do chính quyền dựng lên để giúp cơ quan phản gián giám sát những người mới đến. Chúng tôi quyết định để cặp vợ chồng phải cố gắng tìm cách gây dựng sự nghiệp trong đảng SPD để làm bình phong. Cả hai vợ chồng nhanh chóng thăng tiến trong vai trò đảng viên Dân chủ Xã hội. Mục đích của họ không phải là lên đến cấp lãnh đạo đảng ; họ được dùng để chỉ huy những nguồn cung cấp tin tức trong đảng SPD. Nhưng họ đã tỏ ra năng động và cần mẫn hơn mong ước của chúng tôi.
Vợ chồng Guillaume sống trong một căn phòng ấm cúng tại Frankfurt, tại đây họ mở một quán sao in và có một đứa con trai tên Pierre. Cả hai đều làm việc cật lực, Günter kiếm thêm tiền với nghề ký giả chụp ảnh độc lập. Trong môi trường thiên tả của Đảng Dân chủ Xã hội, chẳng bao lâu các thành viên hữu khuynh chú ý đến anh chàng Guillaume rất ư là bảo thủ. Christel làm bước nhảy vọt đầu tiên và được cử vào chức vụ chánh văn phòng của Willy Birkelbach đầu thập niên 1960. Birkelbach một trong những người xốc vác mà mỗi đảng đều có để điều động các vùng. Ông là thành viên trong uỷ ban điều hành của Đảng, là chủ tịch của Nhóm Xã hội trong Quốc hội châu Âu và là thứ trưởng trong vùng sinh quán của ông tại Hessen. Ông tiếp cận những hồ sơ chiến lược của NATO (Liên minh Bắc Đại Tây Dương) ví dụ như tập nghiên cứu “Diện mạo chiến tranh” và những kế hoạch phản ứng khẩn cấp về hạt nhân.
Günter chuyển những thông tin này qua vi phim, cất giấu trong một ống xì-gà rỗng trao cho một người giao liên giả làm khách đến tiệm của bà mẹ vợ. Chúng tôi giữ liên lạc vô tuyến điện với họ - có phần quá đáng vào lúc ban đầu - vào những thời điểm và ngày nhất định trong tháng, dùng một chuỗi những con số mã hoá. Sau này chúng tôi ngắn gọn thủ tục, giảm bớt sô lượng thông điệp và thay đổi tần số để rồi Günter tuy càu nhàu nhưng hãnh diện tìm cách giải mã những thông tin gửi đến cho đương sự.
Khi đảng Dân chủ Xã hội chuẩn phê một chương trình làm việc không theo Marx tại hội nghị Bad Godesberg năm 1959, chúng tôi bắt đầu chú ý đến đảng này. Việc chuyển hướng chủ trương đã thăng tiến đảng SPD về mặt chính trị và họ có cơ hội rõ rệt để tham gia chính phủ. Chúng tôi khuyến khích Günter tập trung vào sự nghiệp chính trị của mình, và khoảng năm 1964 anh trở thành quản trị viên điều hành thường vụ của đảng tại Frankfurt. Chúng tôi nhận biết sự nghiệp của đương sự tiến rất nhanh nên chúng tôi phải cẩn thận hơn nữa trong công tác điều hành đương sự. Điểm yếu trong quá trình lý lịch của đương sự là đương sự là người tị nạn và đào tẩu khỏi Đông Đức, đương sự được xem không còn mối liên hệ nào với Đông Berlin. Có một lần, trên đường lái xe đến một địa điểm gặp gỡ tại một căn phòng an toàn dùng cho việc này tại Đông Berlin, đương sự ngừng tại một ngã tư và bắt gặp một người bạn thân đã làm việc trong quá khứ tại nhà in lái xe ngược chiều. Người này sẽ nghĩ gì nếu y ngước nhìn và thấy anh bạn Günter Guillaume nghe nói đã đào thoát, trốn đi? Pierre cũng tạo nên những vấn đề của tất cả mọi đứa bé vì lời nói thẳng. Trường hợp ở đây còn khó khăn hơn vì nó vô tình tố giác cha nó. Trong một lần Günter ghé thăm Đông Đức, đứa bé được một sĩ quan có giọng đặc biệt của vùng Saxony đưa đi dạo vườn bách thú. Khi trở về Tây Đức, Pierre bắt chước giọng địa phương của miền Đông và hỏi Günter tại sao người này nói kiểu này. Bố của nó cảm nhận ngay sự căng thẳng mà mọi điệp viên phải kinh qua: Nhận biết rằng đời sống hai mặt đã tước đi quyền tự do mà mọi công dân cho là đương nhiên. Đương sự đồng ý phải chấm dứt những cuộc viếng thăm bí mật tại bộ tham mưu của chúng tôi.
Nhưng tinh thần kỷ luật và lòng trung kiên của đương sự không hề suy giảm. Đương sự trở thành một thành viên của hội đồng thành phố Frankfurt và đứng đầu nhóm SPD. Do khả năng tổ chức của Guillaume, cùng với tư thế bảo thủ cứng rắn vào thời buổi thay đổi lớn về ý thức hệ trong lòng đảng SPD, Georg Leber đã chú ý đến Guillaume. Georg là người lãnh đạo công đoàn công nhân xây cất và sau này là bộ trưởng giao thông trong đại liên minh năm 1966 - 1969 giữa đảng SPD và đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo. Ông cần một người cổ động để giúp ông đoạt chức đại diện quốc hội trong hàng ngũ cử tri của mình đối địch với một ứng viên thiên tả trẻ Karsten Voigt. Mặc dù ông là một khuôn mặt nặng ký và đáng kính nể ở chức vụ lãnh đạo đảng, Leber phải khó khăn tranh đấu để được đề cử. Cánh Tả, được cao trào thiên tả cực đoan năm 1968 hỗ trợ, nhất quyết chống lại liên minh chính phủ của chính đảng họ với đối thủ ý thức hệ đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo.
Với sự trợ giúp hành chính không mệt mỏi của Guillaume, Leber đắc thắng trong cuộc bầu cử tháng 9 năm 1969. Đảng Dân chủ Xã hội lần đầu tiên xuất hiện là một đảng lãnh đạo sau Chiến tranh thế giới II, và tình thế rất thuận lợi cho Guillaume, người đã có công đóng góp trong kết quả của một trong những cuộc bầu cử gay go nhất của nước Đức. Leber lập tức hứa sẽ đưa Guillaume đi Bonn. Chúng tôi quan sát từ Đông Berlin và cảm thấy thích thú và ngạc nhiên nhưng cũng có phần lo ngại. Gốc tích làm việc trong ngành in ấn của anh ở Đông Berlin không còn là một bí mật nữa, nhưng trong mọi trường hợp chúng tôi biết việc đặt để anh vào một chức vụ trong chính phủ trung ương sẽ dẫn đến một cuộc điều tra lý lịch tỉ mỉ hơn là lúc anh chỉ là một con ong thợ làm việc trong tổ của một đảng tại Frankfurt.
Chúng tôi ra lệnh cho Günter và Christel phải chơi trò nấn ná và không nên tiến thân vào cơ quan hành chính mới này. Họ phải an vị đợi chờ. Như chúng tôi đã dự đoán, bánh xe an ninh nghiền nát rất nhuần nhuyễn. Heribert Hellenbroich, sau này là giám đốc Tình báo hải ngoại của Tây Đức (Bundesnachtrichtendienst), xác nhận rằng Guillaume đã được điều tra kỹ lưỡng hơn hết mọi người - nhưng không phát hiện điều gì đáng khả nghi cả. Tuy nhiên đã có hai lời mách mơ hồ của các chuyên viên thẩm định trong ngành phản gián của Tây Đức (Nha Bảo vệ Hiến pháp, Bundesamt für Verfassungsschutz - BfV) và Horst Ehmke, đổng lý văn phòng của Brandt và vì vậy chịu trách nhiệm về nhân sự tại đây, quyết định đối chất trực tiếp với Guillaume để làm sáng tỏ những mối nghi ngờ này.
Phản ứng và phong cách của Guillaume trong lúc giải thích việc làm của mình tại nhà phát hành Volt und Velt xem ra quá tự nhiên, sau này Ehmke ngạc nhiên nhận xét, đến độ mọi sự nghi ngờ đều được bỏ qua. Có một người vẫn tiếp tục không tin tưởng Guilaume, đó là Egon Bahr, cố vấn thân tín nhất của Brandt và là kiến trúc sư của chính sách Ostpolitik. Bahr nói với Ehmke là ông phiền lòng đưa Guillaume đến gấn Brandt và nói “ Có thể tôi làm khó với y nhưng quá khứ của y nguy hiểm quá”.
Những đắn đo của các cơ quan an ninh đều bị dẹp sang một bên với lời giải thích rằng việc tố giác các người Đông Đức trốn chạy sang Tây Đức rất là thông thường. Có nhiều người di dân cảm nhận họ phải vấy bẩn lên các người đồng hương để chứng minh thành tích chống Cộng của họ với chính quyền Tây Đức. Dù sao đi nữa, có nhiều viên chức cao cấp trong chính phủ Tây Đức xuất phát từ Đông Đức, trong đó có Hans Dietrich Gencher, Bộ trưởng Nội vụ của Brandt và là đảng viên Đảng Dân chủ Tự do. Mặc dù gốc gác của ông, ông vẫn phụ trách về đường hướng chính trị của cơ quan BfV.
Các đảng viên Dân chủ Xã hội đơn thuần không ưa phong cách lấy lòng của Guillaume và thói quen lẩn quẩn hậu trường trong những cuộc thảo luận không liên quan gì đến anh. Xét cho cùng, điều anh làm không có gì khó hiểu cả! Nhưng ban chấp hành mới này quyết định dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ. Lòng dấn thân, năng lực và động lực quan trọng hơn con đường xây dựng sự nghiệp truyền thống thư lại. Quan điểm mới này có lợi cho những người như Guillaume, không có trình độ học vấn cao hoặc có liên hệ gia đình hỗ trợ đằng sau sự nghiệp chính trị. Lẽ cố nhiện việc đỡ đầu cũng cần thiết, và anh có một Leber tương đắc và có thế lực bên cạnh anh. Do đó vào ngày 28 tháng Giêng năm 1970, anh nhậm chức và chúng tôi không phải cố gắng nhiều, chúng tôi có người của chúng tôi trong văn phòng của Thủ tướng.
Guillaume xem ra là một lựa chọn tế nhị. Leber và các đoàn viên nghiệp đoàn muốn có một người đáng tin cậy nằm trong văn phòng Thủ tướng để thúc đẩy chương trình cải cách xã hội và chính trị, và sau này, ông Brandt muốn có đường dây liên lạc với các công đoàn. Một năm sau khi được bổ nhiệm, Guillaume được tiến cử vào chức vụ mới tạo lập là trưởng văn phòng phụ trách liên lạc với quốc hội, các cơ quan của chính phủ và các chức sắc tôn giáo. Một năm sau, anh được thăng chức vào ngạch công chức cao cấp và trực tiếp chịu trách nhiệm với đổng lý văn phòng của Thủ tướng, ông Horst Ehmke. Ehmke không nghi ngờ khả năng của Guillaume, nhưng không bao giờ quên hẳn sự bực dọc của ông trong việc đề cử Guillaume.


***


Người ta vẫn thường hỏi tôi Guillaume có giúp cho cơ quan của chúng tôi đánh giá đúng đắn ý nghĩa của chính sách Ostpolitik của ông Brandt không. Nói cách khác, nguy cơ gây tổn hại cho chính sách của Brandt có tương xứng với những thành quả tình báo không? Điều mà chúng tôi mong đợi trên hết mọi sự từ nguồn tin phát xuất tại văn phòng Thủ tướng là những cảnh báo đúng lúc về những khủng hoảng quốc tế có thể xảy ra. Ưu tiên của Guillaume là cảnh tỉnh. Trước khi anh đi Bonn, tôi có nói với anh và những nhân viên đặc tình khác là chúng tôi không trông chờ chính phủ mới của ông Brandt chệch hướng ra khỏi chính sách của NATO hoặc từ bỏ việc gia tăng vũ khí. Nhưng tôi nghĩ điều này có thể tiến theo chiều hướng làm giảm bớt căng thẳng tại châu Âu, một triển vọng chúng tôi cần phải để ý.
Công việc của Guillaume thuần tuý là chính trị và chúng tôi dùng anh để giám sát tình hình của chính phủ Brandt, ngay từ ban đầu đã có những giằng co nội bộ và bất đồng về những ý định trong đường hướng ngoại giao, đặc biệt là đối với Cộng hoà Dân chủ Đức và Moscow. Gần đến buổi họp giữa ông Brandt và Thủ tướng CHDC Đức Willi Stoph vào tháng 3-1970, Guillaume tiếp cận một vài kế hoạch của Tây Đức, nhờ vậy, phối hợp với những thông tin từ các nguồn khác, chúng tôi thấy rõ những ý định và lo âu của ông Brandt.
Günter đã trở thành một giá trị vững vàng hơn đối với chúng tôi. Để chuẩn bị cho đại hội của đảng SPD tại Saarbrücken vào trung tuần tháng 5 năm 1970, một văn phòng chính phủ phải được thành lập để giải quyết những công việc thường nhật của đất nước. Guillaume đảm trách văn phòng này và ngẫu nhiên biến anh là người liên lạc giữa văn phòng và cơ quan tình báo hải ngoại Tây Đức! Anh thành công dễ dàng trong cuộc trắc nghiệm này - mọi người đều khen tính hiệu dụng và khả năng làm việc mạnh mẽ của anh - và do đó anh hoàn toàn thông qua an ninh.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của anh đối với chúng tôi là bản năng chính trị của anh. Nhờ sự phán đoán của Guillaume, chúng tôi có thể kết luận sớm hơn thường lệ là chính sách Ostpolitik của Brandt, mặc dù có những mâu thuẫn, đánh dấu một cuộc thay đổi thực sự trong chính sách ngoại giao của Tây Đức. Dưới khía cạnh này, công việc của anh giúp làm bớt căng thẳng giữa Đông và Tây, tạo cho chúng tôi lòng tin để tiếp tục tin tưởng về ý định của ông Brandt và đồng minh.
Ngôi sao của Guillaume tiếp tục bay cao. Peter Reuschenbach, giám đốc vận động tranh cử của đảng SPD, đang tìm một ghế tại quốc hội và đề nghị anh thay thế chỗ của đương sự để chuẩn bị bầu cử cho năm 1972. Brandt vừa mới nhậm chức vào năm 1969, vì vậy nhiệm kỳ của ông còn lâu mới chấm dứt, nhưng việc đầu phiếu tín nhiệm tại Quốc hội (Bundestag) về Hiệp ước Căn bản với Cộng hoà Dân chủ Đức hầu như thất bại. Chúng tôi giúp ông Brandt thoát hiểm bằng cách mua chuộc Julius Steiner, một đảng viên của Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, năm chục ngàn Marks để mua phiếu của y, nhưng số phiếu quá ít đã khiến cho vị Thủ tướng phải sớm tổ chức một cuộc bầu cử vào ngày 27-4-1972. Anh nhân viên nhanh trí, làm việc không biết mệt của chúng tôi luôn ở bên cạnh ông trong thời gian đảng Dân chủ Xã hội Tây Đức đi vận động tranh cử trên chiếc xe lửa đặc biệt.
Trong suốt thời gian này anh mỗi lúc gần gũi hơn với Brandt và có cơ hội để quan sát những yếu điểm cá nhân của ông. Không phải là một bí mật gì vì ai cũng biết Willy Brandt là một người thích gái gẩm và chuyện tình của ông với nữ ký giả Wiebke Bruns vẫn tiếp tục trong thời gian vận động tranh cử. Trừ khi bà vợ Na Uy, tên Rut, của Brandt có mặt trên xe lửa (trong trường hợp này bà ở ngay phòng bên cạnh), căn phòng của Guillaume và của ông Brandt được ngăn cách vỏn vẹn bằng một bức tường mỏng. Guillaume khám phá ông Brandt rất thường xuyên ngoại tình và thay đổi đối tượng. Vào giờ phút này, người của chúng tôi là một thành viên tín cẩn của nhóm này, và mối lo lắng duy nhất của chúng tôi là những cơ hội anh phải cụng ly với những đồng nghiệp chính trị có thể làm anh mất đi sự tập trung.
Liên minh hai đảng Dân chủ Xã hội và Dân chủ Tự do đắc thắng bất ngờ trong cuộc tổng tuyển cử năm 1972. Lần đầu tiên trong lịch sử Tây Đức, một chính phủ không có đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo chiếm đa số trong quốc hội, điều này có nghĩa là chính sách Ostpolitik sẽ được tiến hành. Trong lúc đài truyền hình trình chiếu lễ hội ăn mừng của đảng SPD sau ngày bầu cử, chúng tôi thấy Günter vui mừng cụng ly với ông tân Thủ tướng Brandt cùng với tất cả đội ngũ của ông.


***


Mùa hè năm đó, Willy Gronau một điệp viên khác của chúng tôi, bí danh Felix, bị bắt tại Tây Berlin. Đương sự là giám đốc của cái gọi là Văn phòng Đông của Hiệp Hội Thương Đoàn Tây Đức và là một trong những đặc tình lâu năm của chúng tôi. Anh ta bị bắt trong lúc gặp gỡ với sĩ quan chủ nhiệm đến từ Đông Đức. Chúng tôi không rõ anh hay là sĩ quan chủ nhiệm đã bị cơ quan phản gián BND chú ý.
Guillaume và Gronau có những mối liên lạc nghề nghiệp, nhưng cả hai đều không biết người kia là đặc tình của Đông Đức. Chúng tôi không hề nghĩ những điệp viên làm việc hiện trường có thể biết nhau, càng không thể gặp gỡ nhau. Nhưng có lẽ có một định luật chưa được khoa học chứng minh ghi rằng những người lý ra không thể gặp gỡ nhau lại luôn luôn tìm gặp nhau. Gronau lúc đó đến gặp chúng tôi và báo cho chúng tôi biết Guillaume là một đối tượng kết nạp tốt và chúng tôi nên kết nạp anh ta! Điều này gây nên một trận cười nhưng cũng báo động tại bộ tham mưu của chúng tôi. Chúng tôi đang tìm cách tách hai người này ra và định mệnh đã can thiệp dưới hình dáng của phản gián Tây Đức, và tội nghiệp cho Gronau, sự nghiệp coi như kết liễu.
Vì họ quen biết nhau và cùng đứng trong mặt trận chính trị, tôi không lấy làm lạ chính quyền điều tra Gronau tới hỏi Guillaume về việc này. Nhưng tư cách cố vấn thân cận Thủ tướng là một đảm bảo gạt bỏ những nghi ngờ khi anh mới được tuyển dụng.
Lúc này Guillaume tham dự tất cả những cuộc họp của đảng và các cấp lãnh đạo của đảng SPD trong quốc hội. Anh học hỏi được nhiều vì anh là người kín đáo và im lặng chịu nghe ngóng trong những lần đối thoại của Brandt trong một nhóm nhỏ. Chúng tôi gia tăng những biện pháp an ninh để bảo vệ Guillaume hơn nữa. Mối liên lạc của chúng tôi với anh giảm thiểu đến mức tối thiếu. Chúng tôi không gửi những thiệp chúc mừng sinh nhật nữa; chỉ có những tin tức đặc biệt quan trọng được gửi đi, và được chuyển qua bằng lời.
Tháng 7-1973, đợt thương thuyết đầu tiên để thành lập Hội đồng An ninh và hợp tác châu Âu (CSCE) bắt đầu. Henry Kissinger, lúc đó là cố vấn an ninh cho Tổng thống Nixon, tuyên bố một chuyển hướng chiến lược gọi là Tuyên Bố Đại Tây Dương, theo đó những thành viên châu Âu của NATO chấp nhận vai trò đại cường quốc của Hoa Kỳ trong chiến lược quốc phòng bảo vệ lục địa châu Âu. Khi Washington tiếp tục đàm phán riêng biệt với London và Bonn sau lưng các đối tác đồng minh khác nhằm đẩy mạnh tiến trình này, sự bất bình gia tăng trong nội bộ đồng minh. Đặc biệt là nước Pháp, họ phản đối điều mà họ xem là một nỗ lực cô lập họ.
Chúng tôi không lấy làm ngạc nhiên là phần lớn các thông tin vị Thủ tướng nhận được về chính sách ngoại giao trong thời gian ông nghỉ mát tại Na Uy tập trung vào những cuộc đàm phán trong nội bộ NATO về tương lai của Tuyên bố Bắc Đại Tây Dương, lúc đó đã đạt đến cao điểm. Guillaume phụ trách xem xét những telex và chuẩn bị các công văn của Brandt nhận cùng lúc với thời báo mới ra. Một đội truyền hình đến để quay một phim tài liệu tại nơi nghỉ mát và tĩnh tâm của Thủ tướng gần Hamar. Người cầm máy quay phim ghi hình ảnh Guillaume ngồi cạnh máy giải mã đang đọc những công văn telex gửi đến và không hề biết đương sự đang quay một tay trùm gián điệp đang làm việc. Tổng kết lại, Guillaume đã bỏ công chép được ba thông tin tối quan trọng.
Thứ nhất, vào ngày 3-7-1973, là nội dung của một lá thơ bằng tiếng Anh do Richard Nixon gửi đến trong đó ông tìm sự trợ giúp của Brandt để áp lực Pháp phải ký lời tuyên bố này. Lá thơ được ghi “mật” và có chữ ký của Nixon. Thứ hai là một báo cáo chi tiết của Đại sứ Tây Đức tại Washington nói về những đàm phán mật giữa Bộ trưởng ngoại giao Tây Đức Walter Scheel và Kissinger và Nixon cho biết là bản tuyên bố là một áp lực có tính toán do Nixon tạo ra để củng cố sức mạnh của Hoa Kỳ trước khi có đàm phán tại Hội đồng An ninh và Hợp tác châu Âu, và ông không thấy có lý do nào để người châu Âu phải đương nhiên chấp nhận đường hướng này. Kissinger và Nixon cũng bày tỏ nỗi lo âu Liên Xô đã có những tiến triển về chiến lược hạt nhân đến mức độ Hoa Kỳ không thể nào bảo đảm một cuộc tấn công trước về hạt nhân chống lại những tiến công trên bộ của Xô viết nếu NATO không củng cố về mặt kỹ thuật. Tài liệu thứ ba Guillaume lấy từ máy Telex của Thủ tướng trong đó có ghi câu trả lời lãnh đạm của cố vấn trên toàn bộ vấn đề, yêu cầu Brandt tảng lờ áp lực của Hoa Kỳ và tiếp tục mối bang giao tốt với Pháp.
Có những phát biểu tố giác Hoa Kỳ của các đồng minh châu Âu xuất phát từ máy và rơi trực tiếp vào bàn tay hăm hở của Günter Guillaume. Anh đọc qua những lời phản bác của người Anh đối với chiến lược của Hoa Kỳ. Paris nặng lời hơn nữa; Bộ trưởng ngoại giao Pháp Michel Jobert tố cáo Hoa Kỳ hành động như những tay lính cứu hoả nổi lửa đốt để có thể chạy vào cứu.
Đã đến lúc Brandt phải viết một lá thư cho Bộ trưởng ngoại giao của mình để bày tỏ thái độ. Nhưng ông Thủ tướng không hài lòng với bản thảo của anh cố vấn, đã được gửi đi Bonn, và bỏ cả giờ để sửa chữa lại và dùng đầu bút nỉ xanh. Brandt trao cho Guillaume bản đã được sửa chữa để gửi về Bonn qua máy telex. Guillaume, viện cớ bản chính không được gọn ghẽ để chuyển vào phòng telex với dạng bừa bãi như vậy, đã đánh lại một bản sạch sẽ. Không ai hỏi bản chính của Brandt đã ra sao.
Sau này, khi Guillaume ra tước toà, chánh án biện lý nhấn mạnh sự kiện chuyển giao cho Liên Xô những thông tin về sự chia rẽ trong nội bộ NATO có thể làm suy giảm tiềm năng ngăn chặn của NATO đối với Liên Xô, một tiềm năng xác định trên quyết tâm khả tín của các quốc gia thành viên để thành lập một nền quốc phòng chung, một sự liên đới thực thụ giữa các đồng minh và một sự quân bình chiến lược của các lực lượng quân sự. Điều này có thể khiến Liên Xô trong những chọn lựa chính trị và chiến lược dùng những biện pháp nhằm phá vỡ liên minh phương Tây và sau này biến chúng thành những biện pháp cưỡng ép chính trị.
Trong hồi ký của mình, viết ra một phần để tạo thêm bối rối cho Bonn trong vụ việc này (sau khi được cơ quan của tôi cho nhào nặn và thiết kế để phổ biến phản tin - để bảo vệ những nguồn tin khác của chúng tôi - và là một hình thức quảng cáo tốt cho công việc của chúng tôi và sự cần thiết của chúng, Guillaume nhấn mạnh việc chuyển giao những tài liệu của Brandt cho chúng tôi là một thành quả lớn của khối tình báo Xô viết. Anh kết luận về ngày nghỉ mát của ông Thủ tướng tại Na-uy:
Thánh địa trên hết các thánh địa của Bonn bây giờ nằm ở thánh địa trên hết các thánh địa tại Berlin.
Qua câu nói này, anh muốn nói là sau khi đã chụp những tài liệu và bỏ chúng vào một cái cặp để chuyển sang Đông Berlin. Lời khoe khoang này, được xem từ đó là một dữ kiện, mấy năm về sau này đã trở thành một câu định mệnh đối với tôi.
Sự thật đáng tiếc, chưa bao giờ được tiết lộ, là chúng tôi không nhận được những mẩu đối thoại thú vị này phơi bày sự rạn nứt giữa Washington và các đối tác châu Âu trong những chi tiết bất cẩn như thế. Đây là lý do tại sao: Những lo lắng của chúng tôi về vợ chồng Guillaume bắt đầu từ mùa hè 1973. Ngay sau thời gian ở lại Na Uy, Christel bắt đầu lo sợ mình đã bị theo dõi. Lúc đầu chúng tôi nghi ngờ mối lo âu này. Việc thường xảy đến cho những điệp viên nằm vùng, ngay cả đối với những tay điêu luyện, là họ bắt đầu thấy những con chuột trắng. Trong những tình huống hoàn toàn bình thường họ bắt đầu tưởng tượng họ bị theo dõi hoặc tất cả hành tung của họ đều bị ghi nhận.
Nhưng sự thật mỗi lúc một rõ ràng. Christel nhận biết một trường hợp bị theo dõi trong vườn của một quán ăn Casselruhe tại Bonn, nơi đây cô đôi lúc gặp gỡ người giao liên. Có hai người đàn ông ngồi sát bên cạnh bàn của cô. Một người mở cái cặp sách quay về phía cô và cô thoáng thấy một ống kính quay phim bên trong. Hôm đó chính là ngày Christel gặp giao liên Anita và trao những tài liệu vi phim phát xuất từ Na Uy, may mắn thay việc trao đổi đã hoàn tất trước khi hai người đàn ông đến. Hai người phụ nữ hành động một cách điêu luyện, thản nhiên uống hết ly nước của họ và rời bàn. Khi người giao liên rảo đi trong thành phố với vi phim giấu trong bóp, cô đoán quyết có một người đàn ông đang theo dõi. Cô lấy chuyến xe lửa nội địa đi Cologne, tại đây cô đổi tàu điện nhiều lần, và len lỏi vào đám đông, đúng phương cách một điệp viên đã được đào luyện.
Nhưng cô không làm sao dứt được cái đuôi. Khi cô ta tìm cách vượt xa người đàn ông và rẽ vào một góc để đến gần bờ sông, cô chọn lựa an toàn và vứt cái gói xuống sông. Heinrich Böll đã đề tặng quyển tiểu thuyết mới nhất của ông, “Những Phụ Nữ trong Phong Cảnh Sông Ngòi” cho dòng sông Rhine và tất cả những bí mật nó chuyên chở. Tôi có thể giúp ông với ví dụ điển hình này.
Khi Guillaume bị xử, chánh án biện lý cho rằng những tài liệu Na Uy đã đến tay chúng tôi. Chúng tôi ra lệnh anh không được nói điều gì, nhưng chúng tôi không muốn cho chính quyền Tây Đức bé cái lầm là chúng tôi đã gây tác hại tối đa. Đây cũng là vấn đề thể diện của Guillaume. Anh cũng đã chán ngán những lời kết án dài lê thê, nhưng có một điều anh lấy làm an ủi - xem ra anh cũng là một người có tính tự đắc - anh biết anh nổi tiếng thế giới là siêu gián điệp Đức. Với sự đồng ý của chúng tôi, anh tạo dựng nên huyền thoại trong quyển sách của anh là việc trao những tài liệu từ Na Uy là một thành công tuyệt hảo của anh.
Một trong những nhược điểm của chức vụ giám đốc tình báo là không ai tin mình khi mình có nói thật. Nhưng ở đây tôi có thể nói là mọi tìm kiếm về những tài liệu Na Uy của ông Brandt sẽ vô bổ, không phải vì chúng đã bị thiêu huỷ năm 1989. Những tài liệu này quá cũ không nằm trong ưu tiên để xé vụn trong lúc hoảng hốt ngay sau khi Bức tường sụp đổ. Chúng không có ở đó bởi vì ngay cả tôi cũng như bất cứ nhân viên nào của tôi chưa hề đọc qua. Tin tức duy nhất chúng tôi biết được là do những tiết lộ tình cờ của phía Tây Đức trong lúc xét xử Guillaume. Và chúng tương đối ít so với số lượng hồ sơ liên quan với nguyên bản.
Phản gián Tây Đức có đủ chứng tích để nghi ngờ những hoạt động của Guillaume vào mùa hè năm 1973. Một nhân viên phản gián đã chú ý đến cái tên Guillaume trong khi anh theo dõi một công tác khác. Anh đã quen thuộc với hình ảnh của Guillaume là bạn với Willy Gronau. Không có sợi giây nào liên kết hai người này với nhau, nhưng cái tên Pháp nổi bật này lúc nào cũng xuất hiện. Đặc biệt nguy hại là sự kiện sĩ quan điều khiển tại bộ tư lệnh của chúng tôi, đã bị bắt cùng lúc với Gronau ở Tây Berlin đã không tuân thủ quy tắc sơ đẳng trong công tác tình báo: Y đã cất giữ trong người một miếng giấy nhỏ trong đó y ghi một vài chữ quan trọng để nhớ. Một trong những chữ đó là Guillaume. Y viết chữ này vì y được lệnh yêu cầu Gronau không được tiếp tục liên lạc với Günter, vì chúng tôi thấy hai người quá thân mật.
Tên bất thường của Guillaume đóng một vai trò định mệnh. Nếu anh tên là Meyer hoặc Schultz, tai hoạ đã sớm xảy đến. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên quyết định số phận của anh. Nhân viên phản gián Tây Đức đã ghi nhận sự trùng lập của cái tên Gullaume một hôm ngồi cùng bàn tại nhà ăn của sở với một bạn đồng nghiệp đang theo dõi những tín hiệu vô tuyến không rõ gốc tích. Hai nhân viên này nói về công tác của mình và tình cờ đã phá hỏng sự nghiệp của Guillaume.
Trong thập niên 1950, cơ quan của tôi đã dùng hệ thống giải mã của Xô viết thời Chiến tranh thế giới II để giữ liên lạc với những điệp viên ở hải ngoại. Mỗi một điện thư bắt đầu bằng một con số để chỉ định một cá nhân riêng biệt đàn ông hay đàn bà. Hệ thống này đã bị các cơ quan phương Tây chọc thủng từ lâu nhờ máy vi tính. Một khi đã biết rõ một con số ám chỉ một người đàn ông hay một người đàn bà đang sinh hoạt, mỗi lần điện đều được ghi lại và đem ra đối chiếu. Những bức điện tín này được ghi chú và cuối cùng giải mã. Mỗi một điệp viên nhận điện tín đều có một hồ sơ riêng. Công việc còn lại của phía bên kia là đặt tên lên những con số của người nhận.
Ngay khi chúng tôi biết được sự việc này, chúng tôi lẽ cố nhiên đổi mã số và phương cách liên lạc. Chúng tôi đặt quy tắc chung là không bao giờ nói đến tên người, địa điểm hoặc các cuộc hội họp trên điện đài vô tuyến. Sau khi chúng tôi đã cho kiếm soát tất cả những điện thư vô tuyến phát đi của chúng tôi, chúng tôi đoán chắc là những điện thư gửi cho Guillaume không để tiết lộ những chỉ dấu về tên tuổi của họ. Than ôi, chúng đã quên phứt đi thông lệ gửi điện chúc mừng sinh nhật, năm mới, hoặc những sự kiện trong gia đình. Người Đức rất chi ly đối với những vấn đề này, và đối với các điệp viên điều này nhấn mạnh họ là một phần thân thuộc của gia đình rộng lớn của chúng tôi. Nếu chúng tôi bớt chi ly, có lẽ Guillaume sẽ không bị lộ.
Nhiều điện thư đã được gửi đi năm 1957 cho một điệp viên có tên là G. Một điện thư để chúc mừng G, cái thứ hai cho vợ của G. Điện thư thứ hai ghi “Chúc mừng cho Người Thứ Hai”. Mười sáu năm sau, trong căng-tin tại Cologne, nhân viên điều tra, vẫn chăm chỉ theo dõi những trường hợp chưa được giải quyết về những điện thư đã được chặn bắt và anh suy nghĩ về những lời của anh bạn đồng nghiệp, nhớ lại trường hợp chưa giải quyết của một điệp viên tên G. Điệp viên này hoạt động từ cuối thấp niên 1950, có liên hệ với SPD và có tầm quan trọng để nhận những lời chúc mừng của những chủ nhân ông.
Nhân viên theo dõi điện thư lấy hồ sơ ra và thấy bức điện thư trêu ngươi này. Bức điện mơ hồ nói đến người thứ hai xem ra lạ nhất. Thực ra chúng tôi gửi nó đi vào ngày sinh nhật của Pierre, người con trai đầu tiên và duy nhất của Günter và Christel. Hai nhân viên phản gián suy nghĩ về việc này một thời gian cho đến khi một trong hai người nói rằng điện thư này nói đến ngày sinh của một đứa bé trai. Họ lục lọi trong hồ sơ của các đảng viên SPD trong đó xuất hiện tên tuổi những người đã nằm trong những cuộc điều tra khác. Ở đây, do vụ của Gronau, tên của Guillaume xuất hiện. Tuy vậy, chúng tôi vẫn còn cơ may thoát hiểm. Sau này tôi được biết nhờ Kuron, điệp viên cao cấp nằm vùng trong cơ quan phản gián Tây Đức, là lời đề nghị đầu tiên cho rằng người này là Guillaume bị đội điều nghiên gạt bỏ sang một bên vì Guillaume chỉ có một con và điện thư cho biết đứa trẻ mới sinh là đứa thứ hai. Phải có đầu óc bén nhạy hoặc là một gia trưởng theo lề lối xưa mới biết giải thích người cha theo truyền thống là người đàn ông thứ nhất trong gia đình và đứa con trai đầu lòng là người đàn ông thứ hai.

Tổng số lượt xem trang