-Tác giả: Markus Wolf
Lời toà soạn
Lời mở đầu
Tựa
***
Hồi ký của trùm gián điệp Cộng sản Đông Đức
Trọng Khiêm dịch
-
Lời toà soạn
Chúng tôi xin gửi đến quý bạn, toàn bộ bản dịch quyển “Man Without A Face” của Markus Wolf,
trùm gián điệp của Cộng hoà Dân chủ Đức. Các hoạt động gián điệp của ông rất là
tinh vi và lan toả khắp thế giới, nhưng chung quy ông phục vụ cho quyền lợi của
Liên Xô nhiều hơn là cho đất nước ông. Ông Wolf tin vào hệ thống xã hội chủ
nghĩa và từ đó tin vào người anh cả Xô viết đã cưu mang gia đình ông. Nhưng khi
bức tường Berlin
sụp đổ, ông đã không được người anh cả Liên Xô giúp đỡ, trái lại chỉ muốn xua
đuổi ông cho rảnh nợ. Bao nhiêu thông tin gom góp với bao nhiêu hy sinh để cuối
cùng chẳng giúp cho nước CHDC Đức tồn tại. Tất cả chỉ vì hệ thống chính trị xã
hội chủ nghĩa đã hư hỏng từ trong nội tạng, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của
toàn khối xã hội chủ nghĩa Liên Xô và khối Đông Âu. Xin mời quý bạn theo dõi
nhật ký của Markus Wolf để thấy rõ nội tình và cách tổ chức tình báo của ông.
Lời mở đầu
Trong vòng ba mươi bốn năm tôi đã giữ chức vụ giám đốc cơ
quan tình báo hải ngoại của Bộ Công an của nước Cộng hoà Dân chủ Đức. Ngay cả
những kẻ thù gay gắt nhất của tôi cũng công nhận đây có lẽ là cơ quan năng lực
và hiệu dụng nhất lục địa châu Âu. Chúng tôi thu thập nhiều bí mật chiến lược
và kỹ thuật của những đội binh uy lực bày binh bố trận để đánh chúng tôi và
chuyển chúng, nhờ tay của tình báo Xô viết, đến các bộ tư lệnh của Hiệp ước Warsaw
tại Moscow. Có rất nhiều người nghĩ rằng tôi biết nhiều về những bí mật của Cộng
hoà Liên bang Đức hơn cả Thủ tướng tại Bonn .
Thực ra, chúng tôi cài đặt điệp viên trong văn phòng riêng của hai vị thủ tướng,
trong số khoảng một ngàn văn phòng mà chúng tôi đã xâm nhập vào trong tất cả
mọi ngành của sinh hoạt chính trị Tây Đức, kinh doanh và các lãnh vực khác của xã
hội. Nhiều người trong số những điệp viên này là công dân Tây Đức, họ phục vụ
cho chúng tôi hoàn toàn vì lý tưởng.
Tôi nhìn lại quãng đời cá nhân và nghề nghiệp của tôi như
vòng cung lớn khởi sự từ cái gọi là lý tưởng cao đẹp theo tiêu chuẩn khách
quan. Chúng tôi, những người Đông Đức theo đuổi xã hội chủ nghĩa, cố gắng xây
dựng nên một loại xã hội trong đó những tội ác của nước Đức cũ sẽ không bao giờ
có cơ hội lập lại. Trên hết mọi sự, chúng tôi quyết tâm không muốn chiến tranh
tái diễn trên nước Đức.
Những tội lỗi và những sai lầm của chúng tôi cũng là những
tội lỗi và sai lầm của tất cả mọi cơ quan tình báo. Nếu chúng tôi có khuyết
điểm, và chắc chắn chúng tôi có, đó là những khuyết điểm của tính chất nghề
nghiệp quá đam mê không được tôi luyện bởi đường chỉ không viền của cuộc sống
bình thường. Giống như hầu hết mọi người Đức, chúng tôi tuân thủ kỷ luật đến độ
sai lầm. Phương pháp của chúng tôi quá hữu hiệu nên chúng tôi đã vô tình phá
hỏng sự nghiệp của một nhà chính trị có tầm nhìn xa nhất của nước Đức hiện đại,
ông Willy Brandt. Việc sát nhập cơ quan tình báo vào trong Bộ Công an có nghĩa
là cơ quan này và tôi gánh trách nhiệm về những cuộc đàn áp trong nội bộ nước Cộng
hoà Dân chủ Đức và hợp tác với bọn khủng bố quốc tế.
Thực không dễ kể chuyện về cuộc chiến tình báo từ khía cạnh
của kẻ thua cuộc đứng ở bên này Bức Màn
Sắt để cho những người sông bên kia hiểu được trọn vẹn. Kể lại câu chuyện
của tôi về cuộc chiến độc nhất vô nhị thời Chiến tranh Lạnh, tôi không có mục
đích van xin để được tha lỗi trong vị thế của một kẻ thua cuộc. Phía chúng tôi
tranh đấu chống lại sự hồi phục của chủ nghĩa phát-xít. Chúng tôi tranh đấu cho
một mẫu mực xã hội chủ nghĩa phối hợp với tự do, một mục tiêu cao cả nhưng đã
hoàn toàn thất bại, nhưng tôi vẫn tin là vẫn có thể thực hiện được. Tôi vẫn giữ
nguyên niềm tin của tôi, mặc dù ngày nay niềm tin này đã bị kiềm hãm vì thời
gian và trải nghiệm. Nhưng tôi không phải là kẻ đào ngũ, và hồi ký này không
phải là một lời thú tội để xin được chuộc lại lỗi lầm.
Từ khi tôi tiếp quản cơ quan tình báo hải ngoại Đông Đức vào
những thập niên 1950 cho đến khi hình ảnh của tôi bị lén chụp năm 1979 và bị
một kẻ đào thoát nhận dạng, phương Tây không hề biết mặt mũi của tôi ra sao. Họ
gọi tôi là “người không chân dung”, một biệt hiệu đã hầu như biến những sinh
hoạt điệp báo của chúng tôi và cuộc chiến tình báo giữa Đông và Tây thành ra
lãng mạn. Nhưng nó chẳng lãng mạn tí nào cả. Người người đau khổ. Đời sống chật
vật. Tha thứ hay nhân nhượng không có chỗ đứng trong cuộc chiến giữa hai ý thức
hệ. Cuộc chiến này đã bao trùm phần nửa thế kỷ của chúng ta và một cách nghịch
lý đã cho phép châu Âu có được một thời kỳ hoà bình lâu dài nhất kể từ khi đế
quốc La Mã sụp đổ. Đôi bên đều phạm những tội ác trong cuộc chiến toàn cầu này.
Giống như đa số những người trên thế giới, tôi cảm thấy hối hận.
Trong quyển hồi ký này, tôi cố gắng kể lại dưới nhãn quan
của tôi toàn bộ những sự kiện mà tôi được biết. Những độc giả, những nhà phê
bình và các chuyên gia có thể xem xét chúng, tin chúng và kiểm chứng chúng.
Nhưng tôi phản bác những lời tố cáo của một vài đồng hương của tôi là tôi không
có quyền kể lại và xem xét trong từng chi tiết những thành công và những thất
bại trong suốt cuộc đời nghề nghiệp của tôi. Tại Đức đã có những nỗ lực, bằng
phương tiện toà án hoặc phương tiện khác, nhằm đưa ra quyết định chỉ có một
phương hướng duy nhất giải thích lịch sử được phổ biến. Tôi không đi tìm biện
luận đạo đức để tự bào chữa và cũng không đi tìm sự tha thứ, nhưng sau một thời
gian tranh đấu khốc liệt đây là thời gian để cả đôi bên suy gẫm.
Bất cứ lịch sử nào đích thực có danh xưng là lịch sử không
thể chỉ do kẻ thắng trận viết ra.
Tựa
(của Graig R. Whitney)
Khi một quốc gia là kẻ thù độc hại nhất của chính mình, có
được một cơ quan tình báo hải ngoại giỏi nhất thế giới cũng chẳng giúp nên trò
trống gì, điều này các lãnh tụ của Đông Đức đã khám phá ra khi chính quyền Cộng
sản sụp đổ như một toà nhà bằng giấy vào năm 1989. Sự trớ trêu này không thoát
khỏi nhận xét của Markus Wolf, nhân vật đã gây dựng nên cơ quan tình báo Đông
Đức và lãnh đạo trong vòng 34 năm với những thành tích nổi bật. Đông Đức cần
gián điệp, vì các cấp lãnh đạo Cộng sản muốn được an tâm trong những ngày đầu
của cuộc Chiến tranh Lạnh, vì vị thế vượt trội của nền kinh tế Tây Đức, cộng
với sức mạnh quân sự của khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) đe doạ trấn áp
Đông Đức. Nhưng mặc dù họ có 4.000 nhân viên điệp báo, 109.000 điểm chỉ viên
làm việc cho Cơ quan Công an Nhà nước và cứ 105 công dân thì có một tên điểm
chỉ, cấp lãnh đạo Cộng sản không nhận ra cho đến khi quá trễ là chính những sai
lầm nội tại, những đường lối chỉ đạo hỏng tự căn bản của tất cả những hệ thống
xây dựng trên sự đàn áp và cưỡng ép, đã đánh đổ họ.
Vì những lý do cá nhân, ông Wolf đã tự ý xin về hưu năm 1986
và dọn đến ở một căn phòng lầu 6 nhìn xuống con sông Spree, nơi trước đây là trung
tâm của Đông Đức. Đây là một địa điểm chọn lọc chiếu theo mô hình tổ chức của Cộng
sản, kế cận một nơi được chế độ tân trang để nhắc nhở lại không khí tiền chiến
của Berlin; đường phố lót gạch xanh cho bộ hành và những cửa quán của những
nghệ nhân chen lẫn vào cao ốc với màu sắc nước sáng nhạt nhằm gợi lên hình ảnh
dĩ vãng thế kỷ thứ 18. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, những tờ báo
lá cải gọi căn phòng của Wolf là căn phòng sang trọng, kiểu mẫu mà các chủ nhân
ông trong Cơ quan An ninh quốc gia - các vị “Stasi” đáng sợ, như người Đức
thường gọi họ như vậy - tự dành riêng, không một thường dân Đông Đức nào có
được. Báo chí thường hay nói quá đáng.
Có tất cả 99 bậc thang để lên lầu 6 và cao ốc này không có
thang máy. Mặc dù ở vào trung tuần 70, ông Wolf vẫn còn sức để leo những bậc
thang này. Trên lối đi xập xệ đến căn phòng, có kẻ nguệch ngoạc viết “Stasi chó
má” trên hộp thư nhôm của ông Wolf, một hành vi có thể đưa vào tù tức khắc
trong những ngày cai trị của Cộng sản. Cách đó vài căn, con của ông Wolf trong
cuộc hôn nhân trước đây nay kiếm tiền túi trong một quán bán pizza nằm dưới gầm
cầu xe lửa của nhà ga Friedrichstrasse S-bahn, ranh giới đầu tiên giữa Đông và
Tây khi quan khách đến trong những ngày Chiến tranh Lạnh. Ông Wolf là một người
đã tuột dốc từ trên cao.
Không như các đồng nghiệp Stasi của ông, ông Wolf không bao
giờ dùng hoạt động tình báo để làm giàu cho cá nhân mình. Bản thân ông Wolf có
một sức quyến rũ mạnh, ông cao 1 thước 83, người gọn ghẽ, đầu tóc màu xám, một khuôn
mặt cởi mở và thon dài, đôi mắt nâu sâu sắc, bàn tay với ngón dài thon và thanh
nhã của người trí thức. Giọng nói Đức của ông lịch lãm và hùng hồn. Ông nói
chuyện về Goethe và Brecht hoặc về Tolstoi và Mayakovsky cùng một vẻ lưu loát.
Để giết thời gian trong giai đoạn ông bị ép buộc lưu đày (lần thứ hai) tại Moscow
sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, ông tổng hợp được quyển sách mang tựa
đề Những Bí Quyết Nấu Nướng của nước Nga
(Geheimnisse der russischen Küche), một mớ thực đơn hấp dẫn để thực hiện món bò
Stroganoff, blini, piroshki với hình ảnh và những mẩu chuyện dí dỏm từ công tác
điệp báo.
Nhưng nhìn ông ngày hôm nay, người ta không thể cầm lòng tự
hỏi ông sẽ đóng vai trò nào nếu ông là người Tây Đức: có thể là một ông tướng
hay là một Bộ trưởng ngoại giao, hay là giám đốc của một xí nghiệp lớn của Đức.
Có lẽ ông sẽ thành công, cố nhiên là như vậy, giàu có và hãnh diện, có thể ông
sẽ thêm ít ký-lô ở bụng và có một chiếc Mercedès trên lối đi vào nhà. Nhưng
thay vì vậy, ông sống theo lối tiểu tư sản của cấp lãnh đạo Cộng sản Đông Đức,
những khuôn mẫu tầm thường già nua mà ông vẫn trung thành nhưng đồng thời cũng
tự cảm thấy vượt lên trên trình độ trí thức của họ. Sống trong một trong những
môi trường khắc nghiệt và đàn áp chính trị mạnh bạo nhất tại châu Âu, ông đã
thành công và sống sót nhờ trí tuệ, nhờ biết ứng dụng khả năng học hỏi và nét
duyên dáng thu hút để thuyết phục người Tây Âu phản bội quốc gia mình và phục
vụ cho lý tưởng Cộng sản. Nhìn lại lý tưởng thảm não của Đông Đức, câu hỏi được
đặt ra là: Làm sao một người tài giỏi và thông minh như vậy lại có thể lãng phí
tài sức cho một hệ thống tồi tệ như vậy?
***
Một cách trớ trêu, cuộc đời của Markus Wolf khởi sự tại Tây
Đức. Sinh năm 1923 tại Hechingen, một thành phố nhỏ tại Württemberg, phía Tây
Nam nước Đức, ông là con trai đầu lòng của một bi kịch sĩ, một tác giả và một y
sĩ đồng liệu tương pháp tên Friedrich Wolf, một người Do-thái tôn thờ chủ nghĩa
Mác. Giống như chồng, Else, bà mẹ của ông Wolf, là một thành viên năng động của
Đảng cộng sản Đức. Khi Quốc Xã lên nắm chính quyền năm 1933 và gia đình Wolf bị
liệt kê vào danh sách truy nã, ông bố của Markus chạy trốn sang Pháp. Bà Else,
Markus và em trai Konrad sau đó theo ông bố, và năm 1934 cả gia đình tị nạn
chính trị tại Moscow .
Tại đây, trong vòng mười năm, hai cậu bé được uốn nắn theo
kiểu mẫu giáo dục, văn hoá và chính trị của Cộng sản Nga. Konrad trở về Đức năm
1944 theo binh lính trong Hồng quân. Markus theo học ngành kỹ sư hàng không tại
Nga và năm 1945, lúc 22 tuổi, được phái trở về Đức theo lệnh của Đảng cộng sản
Đức để giúp xây dựng một đài phát thanh tuyên truyền trong cảnh đổ nát của
thành phố Berlin .
Nhờ nói lưu loát tiếng Nga và thấm nhuần tư tưởng cộng
sản từ trong nôi, ông Wolf giao hảo mật thiết với các cấp lãnh đạo Hồng quân
trong vùng chiếm đóng của Nga tại Đông Đức và với người Đức lưu vong và còn
sống sót, được đưa lên hàng lãnh đạo Cộng hoà Dân chủ Đức năm 1949. Cho dù có
làm điều gì khác đi nữa, Stalin đã cứu gia đình Wolf thoát nạn “diệt chủng”
(Holocaust) của Đức Quốc Xã. Sự kiện này cùng với cảm giác say sưa trong quyền
lực khởi sự từ lúc ông nhận lãnh trách nhiệm trong một nước Cộng sản đầu tiên
trên mảnh đất Đức luôn luôn nặng cân hơn tất cả những gì Markus Wolf sau này
khám phá về bộ mặt đen tối và đàn áp của chế độ cộng sản.
Chẳng bao lâu các cấp chỉ huy nhận ra ông Wolf rất có tài.
Họ gửi ông sang Moscow
với tư cách là nhà ngoại giao Đông Đức trong vòng vài năm và sau đó đưa ông về
lại cơ quan tình báo hải ngoại Đông Đức đang phôi thai, giao cho ông trách vụ
lãnh đạo cơ quan này năm 1952, khi ông chưa đầy 30 tuổi. Một năm sau, cơ quan
này được sát nhập vào Cơ quan An ninh quốc gia, biến ông Wolf thành một phó giám
đốc hầu như độc lập của cơ quan Stasi trong chức vụ giám đốc của HVA -
Hauptverwaltung Aufklärung, “Tổng Cục tình báo Trung ương”, và ông mang quân
hàm đại tướng trong cơ quan này.
Trong những ngày đầu bấp bênh của Đông Đức, có rất nhiều mối
đe doạ từ ngoài đến cần phải lưu tâm. Cộng hoà Liên bang Đức, về mặt diện tích
to lớn nhất trong hai quốc gia hậu duệ của Quốc Xã Đức, đơn phương tuyên bố xác
định tính cách chính thống lịch sử của họ và sẽ không thiết lập ngoại giao với
bất cứ quốc gia nào công nhận người anh em láng giềng Đông Đức. Dưới con mắt
của Tây Âu, chẳng có gì đáng gọi là dân chủ trong nước Cộng hoà Dân chủ Đức, và
phần đông những quốc gia dám chọc giận Tây Đức bằng cách thiết lập ngoại giao
với Đông Đức là những nước vệ tinh chư hầu của Xô viết hoặc là những nước đồng
hội đồng sàn.
Trong những ngày đầu ngắn ngủi này, Bộ trưởng phụ trách về an
ninh quốc gia của Đông Đức là Erich Mielke, một anh Cộng sản cáo già chuyên
luồn lách thuộc thế hệ đàn anh hơn ông Wolf 16 tuổi. Hai nhân vật này là hai
mẫu người thật tương phản hiếm có. Mielke sinh trưởng trong một gia đình thuộc
giới lao động tại Berlin
năm 1907, trong một môi trường cực kỳ khó nhọc, và đã gia nhập Đảng cộng sản
năm 1930. Bị bỏ tù sau khi ám sát cảnh sát viên Berlin
năm 1931, y đã đào thoát và trốn sang Moscow .
Sáu mươi hai năm sau, y bị kết án vì tội này theo những tang chứng mà y đã cất
khoá kĩ lưỡng trong tủ sắt Stasi của chính y. Trong suốt thời gian đứng đầu bộ
máy công an mật vụ của Cộng hoà Dân chủ Đức (GDR), Mielke, ám ảnh bởi mối đe doạ
bị khuynh đảo ngay trong nội bộ, đã biến Đông Đức thành một quốc gia công an
hữu hiệu và tàn bạo nhất Đông Âu.
Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, Mielke trở thành một đối
tượng mà mọi người kinh tởm. Cả ông Wolf cũng không có chút cảm tình nào đối
với y. Ông mô tả Mielke là một tên bạo chúa, một cấp lãnh đạo mà ông luôn phải
đối đầu vật lộn trong những thủ tục hành chính để bảo vệ tính cách độc lập và
tự trị của ngành điệp báo của ông.
Nhưng cùng lúc, Wolf phủ nhận trách nhiệm về những hoạt động
của Stasi có dính líu ít nhiều với điệp báo hải ngoại, chẳng hạn như những lệnh
“bắn bỏ” được chỉ thị cho lính biên phòng canh gác Bức tường Berlin . Ông phủ nhận việc ra lệnh thủ tiêu
các điệp viên ngoại quốc. Ông phủ nhận mối quan hệ với Biệt Đoàn XXII của Stasi,
biệt đoàn này chứa chấp bọn khủng bố trong một thời gian ngắn và sử dụng bọn này như
những thành phần khuynh đảo Tây Âu.
Biệt đoàn XXII theo dõi rất sát những thành phần cực đoan
như Đoàn Hồng quân (Red Army Faction) thô bạo của Tây Đức. Thành viên của Hồng
quân đã ám sát một chục kỹ nghệ gia và các viên chức cao cấp vào những thập
niên 70; Ilyich Ramirez Sanchez, tên khủng bố quốc tế, mang bí danh là
“Carlos”; và nhiều thành viên khác của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Cơ
quan Stasi dùng những tên khủng bố này để biến chúng thành những nhân tố khuynh
đảo tại Tây Âu, cung cấp cơ sở lẩn trốn cho chúng tại Đông Đức. Chính một Đại
tá của Stasi đã cung cấp hơn 22 ký chất nổ cực mạnh cho tên phụ tá của Carlos tại
Đức năm 1983 vào lúc trước ngày đánh bom lãnh sự Pháp tại Tây Đức. Cũng như
Wolf tường thuật lại trong quyển sách này, các sĩ quan của Stasi trong Biệt
Đoàn XXII biết rõ kế hoạch của các nhà ngoại giao Lybia đánh bom một hộp đêm tại
Tây Berlin, nơi có đông đảo binh lính Mỹ thường lui tới. Bom nổ giết chết bốn
người và gây thương tích cho hơn 200 người vào năm 1986, một vài tháng trước khi
Wolf về hưu. Nhưng Đông Đức không hề can thiệp để ngăn chặn việc này.
***
Ngay từ lúc đầu vào những thập niên 1950, nhiệm vụ chính của
Wolf là tìm hiểu những gì các cấp lãnh đạo Tây Đức bàn tính về cái nước Đông
Đức thật nhỏ bé này. Dưới sự lãnh đạo của ông, Đông Berlin hầu như đạt đến điểm
cao chưa ai đạt được trong trò chơi gián điệp với Tây Đức. Cơ quan của Wolf
“lật ngược” các điệp viên Tây Đức, đưa họ trở lại Bức tường Berlin để làm
điệp viên ngược cho Cộng sản. Họ kết nạp các thương gia và các luật gia
thuộc cả phe tả và phe hữu và nhờ họ xâm nhập để biết được những thông tin về
đường lối kinh tế và chính trị của Tây Đức. Họ gửi đi những anh chàng “Romeo”,
những chàng trai độc thân quyến rũ, để tán tỉnh những phụ nữ độc thân đầy mặc
cảm, những cô chỉ biết miệt mài với công việc làm thư ký cho các chính trị gia
Bonn. Cơ quan của Wolf đã dẫn dụ quá nhiều thành phần chiêu hồi về với chủ
nghĩa Cộng sản nên đã trở thành một mối bận tâm. Những thành phần chiêu hồi này
bao gồm những viên chức trong ngành tình báo và phản gián của Tây Đức, có vấn
đề rượu chè, lo lắng về tài chính hoặc có lòng ngờ vực về viễn tượng phục vụ
suốt đới cho chính nghĩa của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo trên đất nước chia
đôi của họ: “Probst”, “Günter”, “Kohle”, “Komtess”, “Mauerer”, và cuối cùng
“Topaz” - tên thật là Rainer Rupp, một gián điệp thượng thặng của Wolf nằm
trong Tổng tham mưu Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, không hề bị
phát hiện cho đến khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. (Sau khi mãn hạn tù tháng 12
năm 1998, Rupp được Đảng tân Cộng sản Dân chủ Xã hội chủ nghĩa, trong một buổi
họp sơ bộ của họ tại Quốc hội Đức mời làm tham vấn, nhưng cuối cùng đã không
dám mời vì bị đả kích dữ dội).
***
Wolf cũng nếm mùi thất bại, một điều chắc chắn: Các cá nhân
trốn chạy chủ nghĩa cộng sản như Werner Stiller, đã đưa cho tình báo Tây Đức
những tài liệu vi phim tương đương với 20.000 trang giấy, cho phép Tây Đức phát
hiện các điệp viện ẩn nấp và, một cách ngẫu nhiên, bức hình đầu tiên của Wolf
từ 30 năm nay, từ trước cho đến giờ trong hồ sơ của họ vẫn là một “người không
chân dung”. Nhưng những thất bại này không đáng kể so với những thắng lợi của
ông.
Cơ quan của Wolf gửi đi hàng chục những “con chuột chũi”,
nấp sâu trong lòng của xã hội Tây Đức, suy tính rằng với thời gian và may mắn,
một vài con chuột sẽ tìm đường lên gần đỉnh cao của những chính đảng Tây Đức và
sẽ cung cấp những tin tức có giá trị liên quan đến kế hoạch điều động quân số của
Tây Đức và, quan trọng hơn hết cho mối quan hệ chiến lược của Đông Đức với Liên
Xô, ý định quân sự và chiến lược của Hoa Kỳ trong trường hợp Chiến tranh Lạnh
trở nên nóng bỏng. Một trong những con chuột nằm vùng là Günter Guillaume và bà
vợ Christel, đã xâm nhập Tây Đức vào giữa những thập niên 50 với bí danh là
“Hansen” và “Heinze” để tìm đường đạt đến cấp bậc cao của Đảng Dân chủ Xã hội tại
Frankfurt. Họ đã thành công ngoài sức tưởng tượng của Wolf khi Guillaume trở
thành phụ tá cho Thủ tướng Willy Brandt năm 1972.
Khi bị phát giác là gián điệp, Guillaume đã kéo ông Brandt
ngã theo vào năm 1974. Có thể nói đây là một thất bại nặng nề nhất mà Đông Đức
tự gieo lấy cho chính mình trước khi sụp đổ 15 năm sau. “Ostpolitik” (Chính sách
Đông Âu) của ông Brandt đã cải thiện mối bang giao giữa các nước vốn kèn cựa
với nhau. Chính quyền Bonn
cuối cùng ngưng không đánh phá phe Cộng sản và bắt đầu có những trao đổi ngoại
giao. Nhưng lãnh tụ Cộng sản Erich Honecker không tin Ostpolitik (Đông sách)
của Brandt, xét rằng mối giao hảo giữa Tây Đức và Moscow đe doạ đến tính cách
chính thống của Đông Đức. Chính vì vậy tại Đông Berlin, Wolf không bị khiển
trách vì đã tác động đến việc ngã đài của ông thủ tướng Tây Đức.
Danh sách liệt kê tất cả điệp viên của ông Wolf có thể đóng
thành nhiều tập. Ông Wolf chỉ nhận diện những ai đã chết hoặc đã bị bắt và đem
xử. Mặc dù có được một hệ thống rộng lớn nhân viên nằm vùng và điệp viên, ông
Wolf đôi khi vẫn cảm thấy ấm ức về kết quả của trò chơi gián điệp của ông. Các
điệp viên của ông đã thực hiện được những gì trên mô hình rộng lớn của các dữ
kiện? “Hầu hết tất cả những tài liệu mà Liên minh Bắc Đại Tây Dương sản xuất
ra, đóng dấu “mật” và “tối mật”, mà chúng tôi đã bỏ bao nhiêu công sức để thu
thập, truy xét cho kỳ cùng chẳng đáng dùng làm giấy chùi đít”, ông viết trong
quyển nhật ký vào cuối năm 1974. Về phía Cộng sản ông cũng đánh giá như vậy -
hệ thống rộng lớn và to phù của nhóm thư lại sản xuất những núi giấy vô dụng.
Tại Moscow, tại Warsaw, tại Đông Berlin, bộ máy tiếp tục xay nghiền, cố gắng
che chở, bảo vệ và lưu truyền một hệ thống không thể cứu vớt được nữa vì đã lầm
tưởng từ căn bản rằng hạnh phúc và phồn thịnh của con người có thể áp đặt lên
đầu người dân bởi bộ máy hành chính quyền uy của Cộng sản.
Ở cả hai bên tuyến ngăn cách ý thức hệ, nhóm thư lại mà John
Le Carré mô tả là “điệp lại” đào sâu vào lòng lãnh thổ địch, đưa những con
chuột nằm vùng xâm nhập, âm mưu và bàn định kế hoạch, nhưng rồi cuối cùng họ
chẳng làm được gì nhiều để thay đổi một cách cơ bản đời sống của người dân ở cả
hai phía. Tại Afghanistan, CIA gây điêu đứng cho quân đội Liên Xô, cung cấp cho
nhóm chiến binh hồi giáo mujahidin tên lửa phòng không vác vai Stinger, và cuối
cùng đánh đuổi quân đội Nga ra khỏi nước. Nhưng thay thế vào đó là một bọn
cuồng tín độc tài Hồi giáo đàn áp còn kinh khủng hơn chế độ Cộng sản, và chẳng
bao lâu sau ai cũng lo ngại các hoả pháo Stinger lọt vào tay bọn khủng bố cuồng
tín. Tại Đông Âu, không phải CIA hoặc cơ quan tình báo Tây Đức, cơ quan BND, đã
làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản và khối Hiệp ước Warsaw, nhưng là do những dồn
nén và những mâu thuẫn nội tại về chính trị, kinh tế và xã hội của xã hội cộng
sản.
Ông Wolf đã không chờ cho đến khi quá muộn để công khai phê
bình những sai lầm trong hệ thống Cộng sản trong một hồi ký nói về tuổi trẻ và
lý tưởng Cộng sản xuất bản tại Đông Đức chỉ vài tháng trước khi Bức tường Berlin
sụp đổ năm 1989. Quyển hồi ký Die Troika,
tiếp nối công trình khởi sự bởi người em trai của ông Wolf, tên Konrad, trước
khi qua đời năm 1982, là một trong những cố gắng hiếm hoi tại Đông Đức nhằm
khảo sát, mặc dù là dè dặt, những lỗi lầm các cấp lãnh đạo Cộng sản tại Moscow
và những nơi khác nhân danh chủ thuyết Stalin. Mặc dù trước đó Nikita
Khrushchev cũng đã làm, nhưng những lời chỉ trích như vậy chỉ xuất hiện tại Liên
Xô sau khi Mikhail Gorbachev nắm quyền lãnh đạo năm 1985 và đưa ra chính sách Perestroika, một cố gắng nhằm cải tổ chủ
nghĩa cộng sản, nhưng thay vì vậy ông đã khai tử nó, đúng như Khrushchev lo
ngại vì cởi bỏ tất cả những hạn chế sẽ làm cho tan tành. Honecker không phải
đương đầu với tình trạng này tại Đông Đức và vì vậy sách của ông Wolf đã tạo
nên náo động.
Nhưng vị thế của ông Wolf vào lúc đó không được các đồng
hương của ông đánh giá đúng mức cho đến khi nhân dân Đông Đức rốt cuộc xuống
đường vào mùa thu đó để đòi hỏi tự do. Trong một bài diễn văn đọc tại Berlin tháng 10 năm
1989, Gorbachev nói rõ là hơn nửa triệu Hồng quân đồn trú tại Đông Đức sẽ không
dùng súng và xe tăng để đàn áp họ. Diễn văn này đánh dấu ngày tàn của chủ nghĩa
cộng sản tại Đông Đức. Chẳng bao lâu các cuộc biểu tình thoát vòng kiểm soát,
càng lúc càng lớn tràn ngập Leipzig, Dresden và Berlin, và khi ông Wolf xuất
hiện và đề nghị đem khả năng để giúp cải tổ guồng máy, quần chúng tẩy chay và
ông phải rút lui. Người Đông Đức muốn được tự do đi lại, muốn có DM, muốn những
xe hơi Mercedes và BMW, và tất cả những tiện nghi vật chất mà Tây Đức có, họ
không muốn một cuộc cải cách hâm nóng chế độ cộng sản. Kế hoạch thống nhất hai
nước Đức đang trên đà tiến mà không sức nào có thể cản nổi.
Ngày 3 tháng 10 năm 1990, Đông Đức không còn nữa, bị khoá
chặt và chôn vùi trong nước Cộng hoà Liên bang Đức. Nước Đức thống nhất có nhu
cầu thanh toán những món nợ với Markus Wolf. Khi đồng hồ gõ đúng 12 giờ đêm vào
ngày đã mong đợi từ lâu, ông Wolf biết rằng mình sẽ vào tù. Một cách bình tĩnh,
ông bắt đầu quay điện thoại gọi bạn bè trong cơ quan KGB để bàn tính kế hoạch
xin tị nạn tại Moscow .
Không những chính quyền Tây Đức có những món nợ cần thanh
toán với ông Wolf, cả CIA cũng có nhiều ân oán với ông. Khoảng năm 1990, cơ
quan tình báo của Hoa Kỳ bị khủng hoảng trầm trọng. Liên Xô, kẻ thù chính và
cũng là lẽ sống còn của CIA, đang trên tiến trình giải thể. Nhưng khoảng một
chục điệp viên Xô viết mà CIA kết nạp và nuôi dưỡng với bao nhiêu khó khăn đã
bị lộ tẩy và bị hành quyết, do sự phản bội của một công dân Hoa Kỳ. Hành vi
phản bội này được phát giác khi Aldrich Ames bị bắt 4 năm sau, năm 1994. Năm
1990, CIA chỉ biết là có một người đang bán những bí mật sâu kín nhất của họ và
đã gây thiệt hại chí mạng. CIA lúc đó nghĩ rằng ông Wolf có thể giúp họ tìm ra
tên phản bội.
Ngày 22-5-1990, Gardner A. Hathaway, gần đây đã về hưu rời
chức vụ phụ tá giám đốc về phản gián, đến căn nhà bồi dưỡng của ông Wolf, một
căn nhà gỗ nhỏ nấp dưới những cây thông ở ngoại ô Đông Bắc Berlin, tay cầm một
bó hoa và một hộp xô-cô-la để tặng bà vợ Andrea của ông Wolf. Hathaway đưa ra
một đề nghị rất đặc biệt: Xin giúp chúng tôi và chúng tôi đưa ông ra khỏi Đức
để sang Hoa Kỳ trước khi họ đến bắt ông vào tháng 10-1990.
Đưa tôi sang Hoa Kỳ trước đã và chúng ta sẽ nói chuyện tại đó,
ông Wolf đáp lời đề nghị, nhưng ông Hathaway nhấn mạnh: Không có thoả thuận hợp
tác thì không có vé máy bay. Ông Wolf nhìn nhận rằng lời mời rất là hấp dẫn mặc
dù ông chỉ ước định những gì CIA muốn ông giúp đỡ. CIA đã có một danh sách ghi
vào vi phim của tất cả những nhân viên của ông, ông biết chắc chắn như vậy, vì
danh sách này đã được bí mật thu thập do các tay chiêu hồi hoặc tham lợi thuộc
thành phần viên chức HVA cung cấp (CIA sau này xác nhận là họ có những thông
tin này nhưng vào năm 1999 họ từ chối trao lại danh sách này cho chính quyền
Đức khi chính quyền Đức chính thức yêu cầu). Nhưng có lẽ CIA muốn biết thêm tin
tức nằm ngoài danh sách này. Có lẽ họ cũng muốn học hỏi ông Wolf về những
phương thức hành động của Xô viết với mục đích huy động nhân viên phản gián tại
Langley (trụ sở của tình báo CIA tại Hoa Kỳ) để
truy tìm những nhân viên của Moscow .
Khi ông quyết định không tiết lộ những gì ông biết, ông Wolf
đã gây bực tức cho Washington, và vì chính quyền Bonn đuổi sát bên nách, ông
không còn có thể lựa chọn con đường nào khác là trốn chạy nước Đức một lần nữa, giống
như cha của ông trước đây. Ông vẫn còn những bàn tay giúp đỡ cao cấp tại Moscow,
những người bạn như Vladimir A. Kryuchkov, một người bạn Nga đồng nghiệp đã trở
thành thủ lãnh của KGB. Sáu ngày trước ngày 3 tháng 10, ông Wolf và bà Andrea,
người vợ nhỏ hơn ông 13 tuổi, đào thoát ra khỏi Đông Berlin và trốn qua biên
giới Áo, và một vài tuần sau tìm đường tẩu thoát - dầu sao ông Wolf cũng biết
khá rõ kỹ thuật này - sang Hungarya rồi sang Ukraina và đến Nga.
Nhưng khung cảnh mà ông Wolf đã được biết tại Nga nay đang
thay đổi một cách mau chóng. Đối với Gorbachev, chìa khoá cửa ngõ tương lai của
Nga không phải là cơ quan KGB nữa mà là mối giao hảo với nước Đức và vị Thủ
tướng, ông Helmut Kohl. Ông Wolf là biểu tượng của một quá khứ không đáng tin
cậy, và khi bạn của ông Wolf, Kryuchkov tham gia cuộc đảo chánh bất thành nhằm
hạ bệ Gorbachev tháng 8-1991, ông Wolf biết rằng nước Nga sẽ không còn chấp
chứa ông nữa. Một tháng sau, ông trở về lại nước Đức.
Ông Wolf ra đầu thú tại biên giới Áo và lập tức bị bắt, sau
đó được tại ngoại hậu tra nhờ sự can thiệp của bạn bè và các cộng tác viên cũ tại
Đông Berlin .
Ông rất ngạc nhiên khi nghe Cộng hoà Liên bang Đức có ý định kết án ông về tội
phản bội. Vì ông chỉ huy một cơ quan gián điệp chống lại Cộng hoà Liên bang từ Berlin
và Berlin bây giờ đã trở lại là thủ đô của nước Đức, các công tố viên
không muốn kết án ông Wolf với tư cách là một điệp viên ngoại quốc, nhưng buộc
tội ông là một tên phản quốc. Trường hợp của ông có vẻ đen tối. Klaus Kinkel,
một cấp lãnh đạo cũ của cơ quan tình báo Liên bang Đức, đương giữ chức vụ Bộ
trưởng Tư pháp của Đức và do một sự ngẫu nhiện kỳ lạ, ông cũng sinh đẻ ở
Hechingen.
Toà án xét xử ông Wolf nằm tại Düsseldorf, cũng cùng một
phòng ốc trong một toà nhà kiên cố, nơi mà trước đây gần 20 năm Günter
Guillaume đã bị kết án, khởi sự vào mùa xuân 1993 và kết thúc vào tháng 12 với
bản án kết tội và án lệnh 6 năm tù giam. Phải chờ cho đến giữa năm 1995, Toà án
Đức tương đương với Tối cao Pháp viện mới gác lại bản án này và ghi nhận tính
cách vô lý của nó. Toà án tối cao phán quyết Ông Wolf không thể nào phạm tội
phản bội khi ông ta lãnh đạo cơ quan điệp báo của Đông Đức, bởi vì Đông Đức là
một nước có chủ quyền mà lúc đó chính Tây Đức trong gần 20 năm đã thừa nhận.
Ngoài ra, chính bản thân ông Wolf không hề đặt chân lên đất Tây Đức để làm công
tác điệp báo. Ông không thể nào phạm tội phản bội không khác gì Yevgueny Primakov
lúc đó chuẩn bị lãnh đạo cơ quan KGB tại Moscow .
Các công tố viên lại tìm một lý cớ khác, kết tội ông Wolf
lần nữa vào năm 1997 dựa trên những tội hình nhẹ hơn - họ kết tội ông Wolf đã
ra lệnh bắt cóc và đàn áp nhân dân từ bên kia bên giới Đông Đức vào những thập
niên 1950 và 1960, những tội trạng này cũng phạm pháp chiếu theo luật pháp Đông
Đức vào thời điểm đó. Tháng 5 năm 1997, lần nữa tại Düsseldorf, ông Wolf bị kết
tội với ba tội trạng như vậy và bị kết án hai năm tù treo thay vì một năm tù giam.
Vì thiếu tiền để trả chi phí toà án mỗi lúc một nhiều, ông Wolf đã quyết định
lên tiếng ghi nhận thắng lợi về mặt tinh thần và tiếp tục kháng án.
Nhưng chính quyền vẫn không buông tha ông. Tháng 1-1998, họ
lại mở phiên toà, yêu cầu ông Wolf làm chứng nhân trong vụ án của Gerhard
Flämig, một luật gia của Tây Đức bị cáo buộc làm gián điệp cho Đông Đức trong
thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ông Wolf từ chối trả lời những câu hỏi then chốt và,
nhờ gần đến ngày sinh nhật 75 tuổi của ông, đã bị bỏ tù ba ngày vì tội phỉ báng
toà án. Đứa cháu trai 7 tuổi của ông đã gửi cho ông bức hình vẽ bánh sinh nhật,
trong đó có dán một cái dùi mài, làm như thể ông có thể dùng nó để cưa chấn
song để vượt ngục, nhưng các luật sư của ông Wolf đã kháng án để bác bỏ tội phỉ
báng. Ông Wolf lại được tự do lần nữa, nhưng tự do của ông khiến cho các kẻ thù
cũ của ông tại Đức phải nghiến răng vì họ quyết tâm muốn ông phải tiết lộ khai
báo.
***
Hoa Kỳ, hoặc vì những lý do riêng của họ hoặc vì lời yêu cầu
của chính phủ Đức (Klaus Kinkel trở thành Bộ trưởng ngoại giao của Đức năm
1992), cũng chơi cái trò đó với ông Wolf. Mặc dù Do-thái, từ trước đến nay vẫn
e ngại những tên khủng bố tiềm tàng, đã tiếp đón ông Wolf năm 1996, Hoa Kỳ đã
từ chối không cho ông bước chân vào. Khi các nhà xuất bản của ông Wolf mời ông
sang Hoa Kỳ để giúp hoàn tất ấn bản đầu tiên của quyển sách này, chính phủ Hoa
Kỳ đã dùng những tình nghi liên lạc với khủng bố của ông để viện cớ không cho
ông đặt chân lên lãnh thổ của Hoa Kỳ.
Bức thư gửi ông Wolf nhận ngày 12-3-1996 của Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ
tại Berlin tố
cáo về tội phạm mà ngay cả chính quyền Tây Đức cũng không dám kết thành tội:
Thưa ông Wolf,
Qua những trao đổi
điện thoại ngày hôm qua, chúng tôi xác nhận Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối không
cho ông vào Hoa Kỳ quy chiếu đoạn 212(a), chương 3(B) về Luật Di trú và Quốc tịch
của Hoa Kỳ.
Theo chương 3(b), các
ngoại kiều đã tham dự vào những hành vi khủng bố bị khước từ không được vào Hoa
Kỳ. Chương 3(b) liệt kê những loại hành vi khủng bố, trong đó có việc chuẩn bị
và bàn định kế hoạch hành động khủng bố cũng như cung cấp những vật liệu hỗ trợ
cho những cá nhân thực hiện hay hoạch định những hành vi khủng bố.
Bộ An ninh quốc gia Cộng
hoà Dân chủ Đức tích cực khuyến khích và cổ võ khủng bố quốc tế và khủng bố do quốc
gia hỗ trợ. Với chức vụ Thứ trưởng Bộ An ninh quốc gia của Cộng hoà Dân chủ Đức
và là cựu thủ lãnh đạo của điệp báo hải ngoại thuộc Bộ An ninh quốc gia Cộng hoà
Dân chủ Đức, ông nắm giữ một vị thế quyết định và tham gia trong việc ấn định
chính sách và những đối tượng của Bộ này. Vì vậy ông có trách nhiệm trong những
hành vi phát xuất từ chính sách đó.
Dựa trên căn bản này
chúng tôi thẩm định ông đã tham dự trong những hành vi khủng bố.
Vào thời điểm này, Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ nghĩ không thuận lợi cho yêu cầu của Sở Di trú và Quốc tịch cấp cho ông
giấy phép đặc biệt để ông vào đất Hoa Kỳ.
Nay kính,
Glen C. Keiser
Lãnh sự Hoa Kỳ
Trong một lá thư bằng tiếng Anh khống mấy lưu loát của mình,
ông Wolf một tuần lễ sau đã yêu cầu ông Clinton
can thiệp.
“Thưa Tổng thống,
Tin tưởng nơi cá nhân Tổng
thống cũng như những lo ngại của tôi về những thủ tục hành chính thư lại đã
khiên tôi phải viết thư đích danh đến ông để xin ông phê chuẩn cho đơn xin nhập
cảnh của tôi vào Hoa Kỳ.
Viếng thăm quốc gia của
ông có một tầm quan trọng vượt lên trên những lý do viện dẫn của Bộ Ngoại giao
để từ chối đơn xin nhập cảnh của tôi. Tôi có ý định gặp tại New York, nhà xuất
bản của tôi để hoàn tất ấn bản dứt khoát của bản biên tập tay của quyển sách
của tôi. Những lý do từ chối cấp hộ chiếu cho tôi có những hàm ý mà tôi nghĩ là
mâu thuẫn, không thế chấp nhận được. Lẽ cố nhiên, có những lý lẽ nhằm đánh giá
và duyệt xét quãng đường đời của tôi, những nẻo đường được đề cập đến trong
quyển sách sẽ do Random House xuất bản. Tôi phải trả lời những câu hỏi liên
quan đến câu chuyện, kể cả những câu hỏi gây đau đớn cho bản thân tôi.
Những quốc gia châu Âu
tự nhận mình xã hội chủ nghĩa, trong số này có Đông Đức, đã thất bại và họ tự
hào đã phục vụ cho một ảo vọng của nhân loại. Vào cuối cuộc đời của tôi, tôi tự
hỏi trong quyển sách sắp xuất bản đây, bắt đầu từ lúc nào và khởi sự từ đâu
chúng tôi đã sai lầm, bắt đầu từ thời điểm nào chúng tôi thấy những sai lầm
nhưng đã quá muộn và do đâu chúng tôi thành thủ phạm. Có rất nhiều câu hỏi được
đặt ra. Vì vậy tôi cũng không muốn mang gánh nặng bị gắn ép phạm tội. Lời tuyên
bố trong quyết định của Bộ Ngoại giao cho rằng tôi dính líu đến những hoạt động
khủng bố không có căn cứ và không đúng sự thật. Ông có thể thấy điều này trong
thơ kháng án đính kèm của tôi.
Có nhiều nét trong
cuộc đời và trong đường lối chính trị của ông mang tính chất phá lệ không khô
cứng trong khuôn mẫu đã làm cho tôi thán phục như tôi đã thán phục Tổng thống
John F. Kennedy và khuyến khích tôi bước một bước bất thường này. Đối với ông,
gánh nặng của những hàm ý vô căn cứ và võ đoán cũng không xa lạ gì. Tin tưởng
vào tinh thần công chính của ông, với lời cầu chúc tốt lành nhất cho ông, tôi
luôn thành kính nơi ông”.
Cho dù lá thư của ông Wolf có giọng nịnh bợ hoặc là một lối
khiêu khích mỉa mai - Tổng thống Clinton
đã có phán ứng gì đi nữa nếu ông có đọc qua - lá thư này chẳng giúp ông Wolf đi
đến đâu cả. Một năm sau, khi quyển sách xuất bản, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao
Nicholas Burns nói ông Wolf vẫn không được vào nước Mỹ. “Chúng tôi nghĩ rằng
không thể cấp hộ chiếu cho một người đã ra công sức suốt cuộc đời mình chống
lại một nước Đức tự do, nước Tây Đức, chống lại nhân dân Đức, và một người có
tinh thần bài Mỹ và âm mưu lật đổ chính quyền của chúng tôi và đỡ đầu những hoạt
động khủng bố đánh vào chúng tôi; tại sao chúng tôi phải cấp chiếu khán cho
đương sự? Vì vậy đương sự không vào được đất Hoa Kỳ. Đương sự có thể viết những
quyển sách bán chạy nhất, nhưng đương sự không thể nào an hưởng cuộc đời trên
đất nước Hoa Kỳ cho đến mãn đời của đương sự, chúng tôi chẳng liên can gì nữa”,
ông Burns tuyên bố trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao.
Khi được hỏi tại sao ông Wolf bị khước từ ở mọi địa điểm
vào, trong khi đó những người như Bộ trưởng ngoại giao Primakov và lãnh tụ
Palestin Yasser Arafat bây giờ được tiếp đón, ông Burns trả lời “Chúng tôi có
mối liên hệ tốt với Yevgeny Primakov. Ông là Bộ trưởng ngoại giao của một trong
những nước bạn, một nước thân thiện với Hoa Kỳ. Markus Wolf là một người Cộng
sản không biết cảnh tỉnh, vẫn chủ trương khủng bố trên quy mô quốc gia chống
lại Hoa Kỳ. Đó là một sự khác biệt đáng kể”.
Cũng có một sự khác biệt khá lớn giữa việc kết tội chủ
trương khủng bố và sự thật tại sao chính quyền Hoa Kỳ không muốn cho Markus
Wolf nhập cảnh Hoa Kỳ. Các viên chức cao cấp Hoa Kỳ sau này thú nhận CIA tình
nghi ông Wolf vẫn chưa nói hết những gì ông biết. Mãi mấy năm sau khi Liên Xô
tan rã, cơ quan CIA mới hồi phục lại sau những tổn thất mà các tên phản bội làm
việc cho KGB đã gây nên. CIA nghi ngờ ông Wolf hoặc những đồng nghiệp cũ của
ông Wolf biết rõ những tên nội tuyến hiện vận còn hoạt động. Họ muốn biết tên
tuổi của những tên đó. Đầu năm 1998, đầu não của cơ quan phản gián Đức, ông
Volker Foertsch, bị điều tra vì tinh nghi ông hoạt động gián điệp cho Nga. Cuộc
điều tra không có kết quả vì thiếu bằng chứng.
Nếu chính quyền Hoa Kỳ mong đợi ông Wolf ra tay giúp họ, họ
sẽ sớm thất vọng. Tình báo thời Chiến tranh Lạnh rất phức tạp và là một trò
chơi tốn kém vô cùng, nó có những lô-gích và những luật chơi của chính nó.
Nguyên tắc căn bản là không để bị qua mặt. Nhưng một khi bị qua mặt và lỡ rơi
vào tay địch thủ, quý vị nên không bao giờ tiết lộ những gì đối thủ đã biết rõ.
Cả hai bên đã áp dụng luật chơi này trong thời Chiến tranh Lạnh và lặng lẽ duy
trì hệ thống trao đổi điệp viên để tưởng thưởng cho những ai biết kín miệng. Mặc dù
sống trong sự điêu tàn của một thất bại chính trí lớn hơn, ông Wolf vẫn tỏ ra
hãnh diện một cách ngoan cố về những thành tích nghề nghiệp của ông. Ông sẽ
không bán danh dự để có một chuyến đi sang Hoa Kỳ. Vì vậy Yevgeny Primakov, bây
giờ là Thủ tướng của Nga, lúc nào cũng được tiếp đón niềm nở, và ông Wolf sẽ
luôn mãi là một người bất hảo (persona
non grata).
***
Vì nhiều lý do, đây không phải là một quyển sách “thành thật
khai báo”. Ông Wolf vẫn tiếp tục là một nhân vật gây nên nhiều tranh cãi, một
phần vì ông cố bày tỏ cuộc đời của ông không phải là một thất bại đáng ghê tởm,
trong khi đó các kẻ thù trước đây của ông cho rằng đúng là như vậy. Những điều
không nói ra trong sách sẽ làm thất vọng những độc giả mong muốn tìm thấy lời
khai thú trong đó, nhưng những lời khai thú trong nghề điệp báo thường là táng
mạng, và ông Wolf là một con người cũng muốn thụ hưởng cuộc đời. Đọc ông Wolf
để có một thoáng nhìn khâm phục, chỉ một thoáng thôi, để đi sâu vào tâm não đầy
sức thu hút của một trong những bầc thầy điệp báo lớn của thời đại chúng ta,
một người mang nặng ấn dấu của cuộc diệt chủng Do Thái do quốc xã Đức phát động
và sau đó là của cuộc phân tranh ý thức hệ thời Chiến tranh Lạnh, một người
đứng bên kia trận tuyến đối đầu với phần đông độc giả. Có lẽ ông có quyền đem
một ít bí mật theo ông xuống mồ.