Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Người không chân dung- Chương 13

-

-Chương 13. Phong trào khủng bố và Cộng hoà Dân chủ Đức

Ngày 13-9-1993, Yassir Arafat, Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine và Yitzhak Rabin, Thủ tướng Israel, bắt tay nhau trên sân cỏ Nhà Trắng niêm ấn hiệp ước biểu tượng cho một bước tiến lịch sử trên con đường đi đến hoà bình ở Trung Đông. Một năm sau cả người Palestine và người Do Thái được trao giải thưởng Nobel hoà bình. Trong những năm trước khi xảy ra sự kiện nức lòng này, mối liên hệ với Arafat hoặc tổ chức của ông bị kết án tức khắc là kẻ a dua hoặc ngay cả là kẻ đỡ đầu cho khủng bố quốc tế. Gần hai năm sau, vào ngày 4-11-1995, Rabin đã phải trả mạng sống của mình vì bàn tay của những kẻ khủng bố Do Thái. Đây là những mỉa mai của lịch sử.
Mọi người đều nói các sử gia trong tương lai sẽ coi nước Cộng hoà Dân chủ Đức là một trong những nước ủng hộ tích cực phong trào khủng bố. Tôi và công trình của tôi bị gạt phăng trong những vụ tố cáo, và lời tố cáo nặng nề nhất đến từ phía người Hoa Kỳ. Hình như họ đã quên chính công việc lâu nay của họ là đã ủng hộ những tên độc tài tàn bạo và tấn công các chính quyền hợp pháp, một cách công khai và một cách ngấm ngầm, từ việc lật đổ Mossadegh tại Iran, Arbenz Guzman ở Guatemala, và Allende ở Chili để hỗ trợ cho nhóm độc tài gia đình trị Somoza ở Nicaragua và rất nhiều kẻ khác giống như họ trên khắp thế giới.

Những mối liên kết xấu xa này của cả hai bên là hệ quả bi thảm của Chiến tranh Lạnh. Việc công khai hoá những hồ sơ của Bộ Công an không hề cho thấy ngành tình báo hải ngoại chúng tôi, cơ quan HVA, có ít nhiều cộng tác với những tổ chức như là Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Cộng hoà Dân chủ Đức hỗ trợ cho một vài nhóm có liên can đến phong trào chính trị khủng bố.
Bởi vì tôi là giám đốc của ngành cơ quan tình báo của bộ, cho nên không ai lấy làm ngạc nhiên là tôi phải biết tất cả về những mối liên hệ của chính quyền của tôi với nhóm khủng bố. Trên thực tế tôi biết Đông Đức có mối liên hệ với các tổ chức mà phương Tây cho rằng họ là khủng bố. Nhưng, như tôi giải thích sau đây, tôi không được biết những chi tiết công tác quan trọng. Trách nhiệm hàng đầu của tôi là tình báo: thu thập tin tức, nhất là tin mật. Đó là điệp báo chứ không phải là khủng bố. Cá nhân tôi chưa hề can dự trong việc lập kế hoạch hoặc thực hiện những hành động khủng bố.
Để hiểu nghịch lý của một anh trùm gián điệp không hề biết những mối quan hệ chằng chịt của ngoại giao, tôi cần phải viết hai điều: thứ nhất, những cuộc đấu tranh giải phóng của Thế giới thứ ba đã vướng mắc như thế nào vào trong Chiến tranh Lạnh; và thứ hai như thế nào nguyên tắc phân ly cứng rắn của Bộ Công an đã tạo nên sự tôn thờ tuyệt đối đầu óc mưu đồ và che giấu bí mật.
Những giải thích trên không phải là để tìm cách bào chữa cho những gì đã xảy ra và tôi muốn mọi người thấy rõ mục đích của tôi không phải là để chạy tội. Thức tế là nước Cộng hoà Dân chủ Đức và các cơ quan tình báo hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho những tổ chức mà chúng tôi xem là chính đáng, và một vài tổ chức đi vào con đường khủng bố giết hại thường dân trong chính sách của họ. Nước này cũng bảo vệ những kẻ khủng bố trốn chạy Liên bang Đức. Tôi không tham gia vào việc này, những người khác đều nhúng tay. Họ làm việc của họ, tôi làm việc của tôi. Có lẽ may mắn cho tôi là Mielke, bộ trưởng Bộ Công an, không muốn cho tôi biết, bởi vì điều này sẽ làm tôi sao lãng không tập trung công tác thu thập những bí mật ở hải ngoại.
Có quá nhiều trách nhiệm cần được chia sẻ và quá nhiều hối tiếc cần phải bày tỏ. Tôi phải nhấn mạnh tất cả những sai trái chúng tôi đã làm không thể nào bào chữa được với những gì phương Tây đã làm dưới chính ngọn cờ của họ trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản, đã khiến cho Việt Nam và một vài nước ở Trung Mỹ và châu Phi phải điêu tàn sau khi cuộc chiến địa lý chính trị đã kết thúc. Đây là phương cách cuộc chiến đã diễn ra trên một vài chiến tuyến; tôi không tiếp tay cho kẻ khủng bố theo đường hướng này, nhưng chúng tôi chắc chắn đã huấn luyện và đào tạo những con người theo những phương pháp mà sau này họ lạm dụng.
Điều này nghe có vẻ phi đạo lý, xuất phát từ một người sống trong một đất nước đã từng bị những báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế chỉ trích trong cách đối xử với những người bị bỏ tù vì tội chống lại nhà nước. Tôi không dám nói là việc thẩm vấn và tiến trình gửi trả về trại giam trong nước chúng tôi không có gì để chê trách, cũng không dám nói là tôi đã lên tiếng đủ để chống lại sự hà khắc của họ vào lúc đó. Nhưng tôi vẫn phân biệt rõ rệt giữa những chế độ trong đó phẩm cách và tự do của con người bị tước đoạt vì chính sách quá tích cực của công an nhà nước - đó là hệ quả của việc đàn áp tại Đông Đức - và việc tra tấn có phương pháp để trừng trị những người đối lập chính trị. Lằn ranh giữa phong cách quá tích cực và sự tàn bạo đã bị vượt qua tại Thế giới thứ ba, và cho dù không cố ý, chúng tôi và các đối thủ phương Tây giúp họ bước qua lằn ranh này. Thử hỏi chúng tôi có ý thức được những gì chúng tôi cung cấp có thể được dùng theo những đường hướng mà chúng tôi không đồng ý? Lẽ cố nhiên, nhưng tôi không tin rằng Honecker và ngay cả Mielke tìm cách chế tài những hành vị khủng bố hoặc vũ lực đối với dân thường. Với tư cách là một giám đốc của một cơ quan tình báo hải ngoại, tôi chấp nhận trách nhiệm về những lạm dụng này - nhưng không phải là nhận tội. Đây là một phân biệt về đạo đức mà tôi hy vọng độc giả chấp nhận để chấm dứt những thái quá của thời buổi đó.
Cuộc tranh luận về những định nghĩa khác nhau của “phạm tội” và “trách nhiệm” đã trở nên mỗi lúc một sôi động hơn trong những năm gần đây. Để đem những danh từ này trở về khung cảnh lịch sử của nó, chỉ có một thiểu số dân Đức có tội vì đã phạm những tội ác dưới thời Quốc Xã, nhưng tất cả những người Đức sống thuận theo chế độ Quốc Xã có trách nhiệm về những hành vi này. Đây không phải là một sự phân biệt có tính cách hàn lâm. Tội ác thuộc phạm vi xét xử của luật pháp, trách nhiệm thuộc pham vị của lương tâm. Nếu chiếu theo pháp luật, chỉ cần nói tất cả những hồ sơ lưu trữ được đội ngũ cần mẫn của những uỷ viên công tố của Liên bang Đức xem xét, họ không đưa ra được chứng cớ nào, chưa nói đến tang chứng, về sự đồng loã của tôi trong những hành động bạo lực. Tôi cũng đệ ba đơn kiện những tờ báo nói rằng tôi biết Cộng hoà Dân chủ Đức chứa chấp những kẻ khủng bố Tây Đức khi Bộ Công an làm việc này; tôi không hề biết. Hơn thế nữa, tôi bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối không cấp chiếu khán viện cớ là tôi đã có lần thương thảo với bọn khủng bố. Tôi không thấy họ trưng bày chứng cớ để hỗ trợ cho những lời kết án này. (Cũng nên chú ý là CIA không hề thắc mắc khi họ mời tôi sang Hoa Kỳ năm 1990, mặc dù là Bộ Ngoại giao hầu như không biết chuyện này khi họ ngăn cấm tôi sáu năm sau).
Như câu chuyện của tôi sẽ làm sáng tỏ, các bộ trong cùng một chính quyền, ngay cả những ngành có liên lạc mật thiết với nhau như cục đối ngoại và cục tình báo hải ngoại, không nhất thiết phải biết cục kia làm gì - cho dù cục này nằm ở tại Langley, Virginia, chi nhánh lớn của Washington, D.C, có biệt danh là Foggy Bottom (Cái đáy mờ ảo), hoặc là ở tại Đông Berlin khi nó vẫn còn là thủ đô của Cộng hoà Dân chủ Đức. Tôi sẽ đề cập ở đây những gì tôi biết và tôi để độc giả xem xét tội phạm của tôi, mà tôi từ khước, đối nghịch lại với trách nhiệm tinh thần của tôi, mà tôi chấp nhận.

***

Tôi đang nói đến những mối tương quan với Thế giới thứ ba mà chúng tôi liên kết trong những phong trào giải phóng, và điều này chuẩn bị và điều kiện hoá chúng tôi để dễ chấp nhận những tổ chức giải phóng áp dụng chính sách khủng bố. Nhìn lại, tiến trình này xem ra không thể nào tránh được, nhưng vào lúc đó vẫn có thể tránh được. Tất cả khởi sự tại châu Phi trong khoảng nửa quãng lịch sử ngắn ngủi của Đông Đức. Vào ngày 18-1-1964, nước Cộng hoà Zanzibar nhỏ bé, bao gồm hai hòn đảo nằm ngoài khơi Đông Phi, tuyên bố độc lập. Đây là một sự kiện chẳng lấy gì làm to tát lắm đối với thế giới. Vào thời buổi này, các thuộc địa châu Phi luân phiên nhau tuyên bố độc lập, ngoài những người sưu tập tem lạ, chẳng mấy ai để ý đến Zanzibar.
Quốc gia mới thành lập này gây sự chú ý của chúng tôi khi họ thình lình muốn có quan hệ ngoại giao với Đông Đức. Họ khiến quốc gia này trở thành một quốc gia không theo xã hội chủ nghĩa đầu tiên thách thức chủ thuyết Hallstein của Bonn, theo đó Tây Đức ép buộc tất cả các nước trừ Liên Xô lựa chọn một trong hai nước Đức. (Moscow là một ngoại lệ để nhấn mạnh quan điểm của Bonn cho chúng tôi chỉ là bù nhìn của Moscow; họ là những người duy nhất có quyền giữ liên hệ với cả hai nước Đức). Zanzibar chọn chúng tôi; chúng tôi không chọn họ. Rất có thể ông tổng thống Sheikh Obeid Karume không biết rõ hệ quả của sự ràng buộc ngoại giao trong sự lựa chọn này khi, do sự khuyến khích của một vài thành viên trong tổ chức thanh niên của ông đã có lần thăm viếng một khoá học hè tại Đông Đức, ông chính thức công nhận đất nước chúng tôi. Ngoài những hệ quả ngoại giao rộng rãi hơn, việc công nhận của một quốc gia châu Phi có nghĩa là chúng tôi có những cơ hội mới cho những dịch vụ tình báo. Hoặc thảng tổng thống Karume khôn ngoan hơn chúng tôi nghĩ, vì bên cạnh công hàm công nhận ngoại giao còn kèm theo một loạt yêu cầu trợ giúp tài chính và cố vấn an ninh, đặc biệt trong lãnh vực thu thập tình báo nội địa và bảo vệ biên giới. Danh tiếng của chúng tôi đã quả nhiên lan rộng và đây cũng là một cách tán tụng chúng tôi.
Phình mũi do sự chiếu cố này, Mielke tìm kiếm một thí sinh để làm cố vấn cho cơ quan an ninh mới ra đời của Zanzibar. Chúng tôi đồng ý đề cử Tướng Rolf Markert, một cựu tù binh của trại tập trung Buchenwald và trở thành sĩ quan cảnh sát cao cấp sau chiến tranh và hiện nay làm giám đốc vùng của Bộ Công an. Vì chúng tôi không hề có hiện diện ngoại giao tại châu Phi vào lúc bấy giờ, mội người đồng ý là phải có một người hiểu biết về các vấn đề ngoại giao tháp tùng Markert. Tôi chợt nảy ý và đề nghị chính tôi tháp tùng.
Đây là một ý nghĩ táo bạo để một giám đốc tình báo hải ngoại du hành đến một nơi mà sự tâm phục chưa được rõ, đi ngang qua những lãnh thổ có mối liên kết chặt chẽ với NATO để mà đến đó. Mielke có do dự đôi chút những cuối cùng cũng đồng ý. Tôi phải có một bài giảng dài về nhu cầu tuyệt đối bảo mật và cành báo không được đề cập công tác này ngay cả với phó giám đốc của tôi. Mielke đich thân thu xếp vấn đề an ninh cho tôi và ngay cả giám sát một kế hoạch cấp cứu khẩn cấp trong trường hợp tôi rơi vào một cạm bẫy. Markert và tôi được cấp một loạt những thông hành Đông và Tây Đức giả với nhiều tên khác nhau. Tuổi của chúng tôi được thay đổi trên giấy tờ và chúng tôi, với lòng thích thú, khăn gói lên đường đến nhà một nghệ sĩ cải trang để làm mặt nạ. Mielke nhất định buộc chúng tôi phải mang nó trong suốt hành trình. Cải trang của chúng tôi lẽ cố nhiên ăn khớp với hình ảnh trên những giấy tờ căn cước giả mạo và trên đây chúng là những chuyên viên về giáo dục người lớn.
Chúng tôi khởi hành vào tháng 2-1964, và trạm dừng đầu tiên của chuyến bay là Cairo. Markert và trưởng phái đoàn ngoại giao thực sự ngồi ghế thượng hạng, nhưng để không ai chú ý đến tôi, tôi ghi tên là một đệ nhất tham vụ nhỏ bé và ngồi nghế hạng du lịch. Khích động đầu tiên là một trận bão cát đã buộc chúng tôi phải hạ cánh xuống Athens, đúng như mối lo ngại của Mielke, sợ tôi bị bắt trên lãnh thổ của NATO. Markert và tôi, hai chúng tôi phân cách nhau và ngủ trọ tại hai khách sạn khác biệt. Điều này gây lo ngại, bới vì chúng tôi biết thông hành Đông Đức không có sức bảo vệ nào trên lãnh thổ của NATO. Sáng hôm sau, tôi phải mất nửa tiếng đồng hồ để dán râu giả vào vị trí thích hợp với hình ảnh trên giấy thông hành.
Có những trạm thông hành ở lại lâu dài ở Cairo, Adis Abeba và Mogadishu. Cuối cùng chúng tôi đến Nairobi, nơi đây chúng tôi bị lấy thông hành và chúng tôi không được phép lấy chuyến máy bay liên kết. Chúng tôi đoán chừng tuyến đường của chúng tôi đã bị theo dõi từ Cairo, nơi đây chúng phải kê khai với các viên chúc Anh để có chiếu khán để đi Liên hiệp Đông Phi (Zanzibar, Tanganyika, Kenya, Uganda). Sau một thời gian chờ đợi sốt ruột, chúng tôi không bị điều tra hơn nhờ sự can thiệp của Bộ trưởng ngoại giao Kenya Oginga Odinga, sau này trở thành phó tổng thống. Con của ông đang học tại Đông Đức, và khi thấy tên quen thuộc của thứ trưởng ngoại giao Wolfgang Kiesewetter trên danh sách của phái đoàn chúng tôi trình cho ông ta, ông ra lệnh cho phép chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Khi chúng tôi tới Zanzibar, toàn bộ chính phủ ra đón chúng tôi, một đội lính danh dự đóng bộ quân phục thời đế quốc Anh cũ và một ban nhạc cảnh sát hoà tấu những bài vanlse Áo. Họ đã yêu cầu chúng tôi đem theo quốc ca của Đông Đức, nhưng trong lúc chờ họ tập hoà nhạc chúng tôi phải nghe những bài của Strauss. Ông thứ trưởng ngoại giao gặp rất nhiều trở ngại trong lúc diễu hành quan sát đội lính danh dự với nhịp điệu du dương của bài Giòng sông xanh (Blue Danube). Làm người Đông Đức ở tại một nước Zanzibar thời hậu thuộc địa quả là một thú vị. Vào những ngày nghỉ trọng thể như ngày 1 tháng 5 của chúng tôi, được đưa vào Zanzibar để vinh danh chúng tôi, chúng tôi được quần chúng nhận diện nhanh chóng và bao quanh. Quần chúng vui vẻ tiếp thu những mong đợi của chính phủ về chúng tôi. Các ca sĩ dẫn dắt đám đông hát những lời ca tán túng vẻ đẹp và sự phồn thịnh của nước Cộng hoà Dân chủ Đức. Rõ ràng nước CHDC Đức đã đạt được vị trí của một đất nước thơ mộng và giàu có trong trí tưởng tượng của quần chúng.
Cho dù những buổi ăn mừng có đẹp đến đâu, tình hình không mất tốt đẹp. Những nỗ lực của chúng tôi nhằm đưa ra những kế hoạch làm việc vững bền và những công việc thường nhật trong thời gian chúng tôi ở lại đây đều vô vọng. Thường xuyên, chúng tôi đến họp để chỉ thấy người này bị đuổi việc và một người khác không rõ diễn tiến của cuộc thương thảo hoặc của kế hoạch lại ngồi đó. Thoạt đầu, những điều này xem có vẻ như những trở ngại nhỏ so với những đêm dài dạo mát quanh những biệt thự sang trọng, nơi chúng tôi ở, sân đánh golf nay không còn ai chơi, nghĩa địa Ấn độ, và những cái chòi đất ở ngoại ô thành phố. Tại đây, những người đàn ông ngồi tán gẫu và hút thuốc cho đến mờ tối trong khi các bà tiếp tục công việc đồng áng.
Những giao thiệp với Ibrahim Makungu, sau này được bổ làm giám đốc an ninh, lúc ban đầu xem ra khó khăn. Chúng tôi cần biết những nhận định chân thật về ưu tiên của đất nước anh ta, nhưng Makungu đã nhận được lệnh của ông tổng thống không tiết lộ điều gì hết và tìm cách khai thác chúng tôi tối đa. Thực ra, anh quá kín đáo đến độ từ chối không cho chúng tôi biết tên thật của anh. Tôi chỉ khám phá tên thật của anh khi anh để quên những mẩu giấy anh thường ghi chép những điều bí ẩn bằng tiếng Swahili trong đó anh huỷ bỏ một cuộc họp mặt đã dự bị trước, kết thúc bởi những hành chữ sau: “Công việc của chúng ta khó khăn và bí mật. Simba”. Tôi hỏi anh đầu bếp Simba là ai vậy và tôi được biết không những tên đầy đủ của anh mà cả một số chuyện về anh. Anh đầu bếp nói, trong quá khứ, Makungu đã làm việc với Ngành đặc biệt của Cảnh sát thuộc địa Anh.
Đến từ một nước trong đó tất cả mọi người trong đảng cẩm quyền đoàn kết với nhau để thực hiện những mục tiêu đã định, chúng tôi không quen thuộc với một chính quyền gồm những cá nhân chia rẽ nhau vì những mục tiêu và quyền lợi khác biệt. Một vài đối tác của chúng tôi tự xem mình là người của Xã hội chủ nghĩa, trong khi đó những người Hồi giáo nhìn họ và chúng tôi với cặp mắt nghi ngờ. Nhưng không ai ngại ngùng xin xỏ và sau đó chỉ trích chúng tôi vì chúng tôi không cung cấp được hàng hoá. Họ thiểu não đưa cho chúng tôi xem những chiếc tàu mục nát, những đài phát thanh cũ và những đường dây điện thoại sờn cũ do người Anh để lại, họ hy vọng chúng tôi có thể trang bị lại hạ tầng cơ sở của cả một nước.
Quyền lãnh đạo Zanzibar được chia sẻ giữa Tổng thống Obeid Karrume, trước đây là thủ lãnh của công đoàn thuyền nhân, nói chuyện như đoàn viên nghiệp đoàn Anh và những phó tổng thống của ông, Abdullah Kossim Hanga và Abdulrahmann Nbabu. Họ hỗ trợ trái ngược nhau và cùng một bầu nhiệt huyết mô hình Cộng sản Xô viết và Trung Hoa, lúc bây giờ đang kình chống nhau dữ dội. Hanga đã đi du học tại Liên Xô, trong khi đó Nbabu biểu hiện lòng mến mộ Mao Trạch Đông cho vặn bài “Quốc tế ca” trên đĩa hát sao chép trầy trụa thật lớn trong những buổi tiếp tân. Cái túi hổ lốn ý thức hệ này có lẽ giải thích tại sao Zanzibar đã chọn Đông Đức làm đối tác hàng đầu. Tôi mau chóng thấy sự hiện diện của chúng tôi tại đây đơn thuần do một tính toán chính trị. Bởi vì Liên hiệp các Quốc gia Đông Phi lệ thuộc về mặt kinh tế vào trao đổi thương mại truyền thống và liên hệ tài chính với Anh, mối liên hệ trực tiếp với một trong hai cường quốc Cộng sản xem ra không khôn ngoan. Chúng tôi khá tiến bộ về mặt kinh tế để trở thành người cố vấn hữu dụng và người cung cấp hạ tầng cơ sở an ninh (phải mất nhiều năm trời để Zanzibar tiến bộ và có được những kỹ thuật cần thiết), nhưng không lớn để tránh làm phiền lòng những nguồn cung cấp lợi tức khác.
Một vài tháng sau khi chúng tôi đến, hòn đảo rúng động vì những lời đồn hai nước Zanzibar và Tanganyika sát nhập thành một. Điều này liên quan đến chúng tôi, bởi vì Julius Nyerere lãnh đạo Tanganyika và vẫn giữ những mối liên lạc mật thiết với London. Nếu việc kết hợp thành công, chung tôi e rằng chính phủ Anh sẽ áp lực Zanzibar chấm dứt cộng tác với chúng tôi. Tệ hơn nữa, chúng tôi đang ở vị thế bất ổn làm cố vấn tình báo cho một nước mà không một ai trong số những đối tác có ý định cho chúng tôi biết chuyện gì đang xảy ra trong nước.
Ngày 24-4-1964, chúng tôi nhận được tin sự kết hợp đã thành hình và tên của tân quốc gia này là Tanzania. Ngày trước hôm đó, tôi được bảo đảm là chuyện này không được trù tính và đã bay sang hòn đảo nhỏ Pemba để kiểm tra văn phòng an ninh mới. Tôi nhận được tin này trong khi tôi đang ngồi cùng với những tân binh mới kết nạp để trả lời những câu hỏi về mối liên hệ giữa chủ nghĩa Marx và tôn giáo cho đến tờ mờ tối. Tôi bực bội chấm dứt cuộc thăm viếng và bay trở về đảo lớn. Một chiếc tầu hàng hoá Đông Đức đã dời chuyến lên đường để đưa tôi về nước, nhưng sau ba tháng công tác ấm ức, tôi không chấp nhận rời bỏ để chính mắt tôi phải thấy Zanzibar có còn trung thành với chúng tôi không. Chúng tôi hiện nay có những vốn liếng cá nhân và tài chính tại Zanzibar, vì chúng tôi đã thành lập một hạm đội thuyền nhỏ cho lính biên phòng, thuỷ thủ và công binh có huấn luyện tại Đông Đức. Trái với những điều lo lắng của chúng tôi, Zanzibar giữ được tính cách tự trị của mình ở mức độ cao. Chân dung của Nyerere được treo thấp hơn chân dung của Karume một ít tại các công sở.
Những nỗ lực của chúng tôi không bị tiêm nhiễm bởi tinh thần bất chấp đạo lý mà sau này nó thấm nhập những mối quan hệ của chúng tôi với Thế giới thứ ba. Chúng tôi nghĩ rằng giúp Zanzibar là chúng tôi đóng góp cho tự do của nhân dân châu Phi và giúp họ cải thiện đời sống. Tôi thiếu thành thật nếu tôi nói chúng tôi không cảm thấy thú vị làm đại diện cho tình báo Đông Đức trong việc điều khiển công tác tại một phần của thế giới, nơi chính quyền Anh và Tây Đức là những ông vua trong khu rừng tình báo. Tôi nhớ một cuộc hành trình đưa chúng tôi đến một trạm tiếp liên vệ tinh của Hoa Kỳ tại Zanzibar. Đứng ở ngoài là một anh lính cầm súng rất to và khi chúng tôi đến anh ta chĩa súng về phía chúng tôi trong lúc chúng tôi tìm lời giải thích. Cuối cùng chúng tôi thuyết phục anh ta cho chúng tôi vào. Trong chuyến đi đầu tiên vào thế giới tư bản, tôi đứng cạnh một trạm tiếp liên vệ tinh của Hoa Kỳ, ngon chưa.
Trên nhiều phương diện chúng tôi ngô nghê về những hiệu quả của những can thiệp của chúng tôi tại các nước Thế giới thứ ba. Kỹ năng thu lượm tin tình báo, tôi luyện nhờ kinh nghiệm Chiến tranh thế giới II và Chiến tranh Lạnh, được truyền luyện nhờ các sĩ quan liên lạc có tay nghề cao và các chuyên viên của chúng tôi. Nhờ sự chuyên cần, cơ quan an ninh ở Zanzibar đạt đến một kích thước khôi hài. Tương quan với dân số, chẳng bao lâu họ có kích thước lớn hơn chúng tôi và mau chóng tạo nên một động năng mà tầm ảnh hướng của chúng tôi không còn đụng chạm đến nữa. Karume, vượt sự tiên đoán của chúng tôi, thích gây cạnh tranh giữa các quyền lực ngoại bang, và vị thế của chúng tôi bị xói mòn vì người Trung Hoa ồ ạt đổ vào năm 1965. Chúng tôi cảm thấy đặc biệt chua xót khi chúng tôi, vừa xoay sở xong để giao những tàu đánh cá bằng lưới rà cho họ vì chính quyền của họ nài xin chúng tôi cung cấp, thấy món quà của chúng tôi bị che lấp bởi việc phái đoàn Trung Hoa đến và đem theo những thiết bị nông nghiệp. Chúng tôi càng lúng túng hơn khi nhận ra những chiếc tàu này không thích hợp với vùng biển hoạt động.
Người Trung Hoa tỏ ra rất khôn ngoan trong việc sinh cơ lập nghiệp. Trong vòng một vài tuần lễ, hình ảnh của Ulbricht hoặc là đã bị tháo gỡ tại các công sở hoặc bị lấn lướt bởi những hình ảnh to lớn và hùng vĩ của Mao. Moscow ghi nhận rất kỹ lưỡng những biểu hiện này và yêu cầu báo cáo có bao nhiêu bức hình của vị lãnh tụ Trung Hoa được trưng bày và ở đâu. Chúng tôi làm một công tác vô bổ để đếm những hình ảnh này.
Trước khi tôi rời Zanzibar, có một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đã ghi khắc trong tâm trí của tôi. Tất cả những người ngoại quốc được mời đi gặt nhổ cây sắn, thức ăn quan trọng nhất trong vùng. Chúng tôi được các đội nhạc và ca vũ tiếp đón và sau đó mọi người bắt đầu đốn và thu góp cho đến khi lưng chúng tôi nhức mói. Cạnh bên tôi, một người nhỏ bé nhưng mạnh mẽ, có dáng dấp nhanh nhẹn đang làm việc, đó là lãnh sự Hoa Kỳ tại Zanzibar. Cải hai chúng tôi được mời ra và được báo với những lời lẽ thật là nhã nhặn chúng tôi đã nhìn lầm những bó cấy mì nhỏ mềm mại là cỏ dại, nhổ chúng đi và ném vào đống rác. Tôi tự hỏi không biết ông Mỹ này có tên là Frank Carlucci, không những là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ tài ba mà còn là phó giám đốc của CIA, có biết tôi là ai không.
Mặc dù trải qua kinh nghiệm ở Zanzibar, động cơ thúc đẩy ban đầu của chúng tôi nhằm trải rộng công tác ở Thế giới thứ ba không tan biến. Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm sự công nhận ngoại giao cho nước Cộng hoà Dân chủ Đức. Khoảng năm 1969, chúng tôi bị tràn ngập vì những thăm viếng và những lời yêu cấu trợ giúp. Syria và Ai Cập phá vỡ chủ thuyết Hallstein và tìm kiếm chúng tôi, tiếp theo là Sudan, cả hai nước Nam và Bắc Yemen, Công gô Brazaville, Campuchia và phong trào giải phóng Rhodesia, ZAPU (Zimbabwe African People’s Union). Một buổi tiếp tân Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập có nghĩa là tất cả những cửa sổ phải được lau chìu sạch sẽ hai lần do lệnh của Mielke, và sân trong của bộ đầy những đội binh danh dự và ca đoàn thiếu niên. Tôi bắt đầu cảm thấy những mối liên hệ này là một gánh nặng không thú vị và vô bổ, cho dù việc thăm viếng những lối nói lạ lẫm có tính chất phiêu lưu ngoạn mục. Chúng làm cho cả hai chúng tôi Mielke và tôi xa rời nhiệm vụ căn bản chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến tình báo hải ngoại ở châu Âu. Tôi luôn luôn tập trung những cố gắng của tôi vào Tây Đức, nhưng bây giờ những sĩ quan trung cấp đã bị trưng dụng vào những công tác ở Thế giới thứ ba trong một thời gian dài, kiềm hãm chúng tôi trong một số quốc gia do những chính quyền yếu kém và những con người mờ ảo lãnh đạo. Cho dù tôi cảm thấy bức bối, những công tác này thoát khỏi tầm kiềm soát của chúng tôi. Đường hướng chỉ đạo cho những hợp tác như vậy phát xuất từ cấp lãnh đạo chính trị, và các cơ quan tình báo chỉ biết tuân lệnh.
Trong một thời gian ngắn, mối liên hệ của chúng tôi với Ai Cập xét ra đặc biệt hữu ích. Sau Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, Tổng thống Gamal Abdel Nasser cho biết qua Bộ trưởng Nội vụ Tướng Sharawi Gomaa, ông muốn trao đổi thông tin tình báo với chúng tôi. Phụ tá của tôi đi qua Cairo và được tiếp đón theo nghi lễ ngoại giao trịnh trọng. Nasser muốn chúng tôi giúp đỡ điều tra sự xâm nhập của Israel trong chính quyền và quân đội của Ai Cập - Nasser nghĩ rằng đó là lý do tại sao Ai Cập bại trận.
Nasser tỏ vẻ thất vọng khi chúng tôi báo với ông chúng tôi không có điệp viên ở Israel, nhưng đó là sự thật. Thực ra, trong ba mươi ba năm lãnh đạo tình báo hải ngoại, chúng tôi chưa bao giờ tìm cách xâm nhập tình báo Israel. Moscow cũng có áp lực để ép chúng tôi thục hiện việc này, và đã có vài cố gắng vào những năm đầu để tuyển dụng những người di dân Do Thái đến ở Israel, nhưng chẳng bao giờ thành công. Xét cho cùng, tôi đành chấp nhận tiếp thu những thông tin chúng tôi cần về Trung Đông do những nguồn tin tại Hoa Kỳ và Tây Đức và, sau cùng, từ các cơ quan an ninh của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Tôi lo lắng chúng tôi sẽ vướng mắc vào Trung Đông, nhưng chính quyền Xô viết nhất quyết xem Israel là kẻ thù. Tôi sẽ không bao giờ lãng phí thời giờ và tiền tài để thu thập tin tình báo chỉ để trả đũa quốc gia Do Thái nhân danh khối Ả Rập. Tôi xem Do Thái như bất cứ một nước đối tượng nào. Một khi tôi thấy rõ tỷ lệ cố gắng và kết quả không tương xứng về mặt xâm nhập, tôi ngưng nỗ lực cài đặt điệp viên tại Israel.
Dù sao đi nữa, cũng có những chỉ dấu là Ai Cập cũng chơi trò nước đôi trong việc đề nghị trao đổi thông tin. Chúng tôi muốn có tin tình báo về những hoạt động tình báo của các nước trong khối NATO tại Trung Đông và chúng tôi được giới thiệu đến cấp lãnh đạo của tình báo Ai Cập, cơ quan Muhabarat. Ông ta tỏ ra láu lỉnh và dùng bí danh khi gặp chúng tôi lần đầu. Chúng tôi biết ông ta cũng hành xử như vậy với CIA và chúng không muốn phiêu lưu để những câu hỏi của chúng tôi được chuyển cho người Hoa Kỳ. Để gây thêm tin tưởng của chúng tôi đối với họ, các đối tác của chúng tôi ở Cairo dẫn người đại diện của chúng tôi thăm viếng một cơ sở bí mật sản xuất tên lửa, được một công ty Áo với sự giúp đỡ của Pilz, một đồng nghiệp cũ của nhà khoa học tên lửa Đức Wernher von Braun. Người Ai Cập nghĩ rằng cơ xưởng này đã bị phá ngầm và họ muốn chúng tôi tìm ra kẻ gây rối. Sợ rằng cơ quan chúng tôi có thể bị xem là một loại cơ quan tham vấn tình báo có thể thuê bất cứ lúc nào để giải quyết những vấn đề nội bộ của các nước, tôi từ chối lời mời.

Tôi tin rằng chúng tôi phải chứng tỏ một tinh thần dấn thân và đoàn kết chính trị trong những công tác hải ngoại hơn là chấp nhận những thoả hiệp tức thì với những quốc gia mà rốt cuộc lòng trung thành không nghiêng về phía Liên Xô và Đông Âu. Trong một thời gian ngắn, tôi thấy rõ là những trao đổi với Ai Cập không có những hiệu quả mong ước, chúng tôi chấm dứt ngay, mặc dù chúng tôi vẫn giữ mối liên hệ cá nhân với Gomaa và Bộ trưởng Nội vụ của ông. Sau khi Naser chết vào năm 1970, người kế vị, Anwar Sadat, tố cáo Gomaa về tội phản nghịch. Đường dây liên lạc của chúng tôi tại Cairo giảm xuống chỉ còn một sĩ quan liên lạc ở trong Toà đại sứ CHDCHĐ, mà trọng tâm công việc của đương sự là an ninh của Toà đại sứ và của toàn nhân viên. Chúng tôi tin cậy vào những nhân viên thường trú - thành viên của những ngành tình báo cải trang làm nhân viên ngoại giao trong tất cả các Toà đại sứ ở ngoại quốc, để thâu thập tin tức về Tây Đức, Hoa Kỳ và những sinh hoạt tình báo của NATO tại Cairo. Thường trú của chúng tôi tại Cairo gửi những tin tức về Ban 3 của HVA, trông coi về Trung Đông, rồi sau đó được chuyển cho giám đốc Tổng Cục 3, trách nhiệm về Thế giới thứ ba, rồi chuyển cho phụ tá của tôi, tướng Horst Jänicke. Ông sẽ chuyển cho tôi những thông tin ông xét là quan trọng. Điều này cũng áp dụng cho thường trú của chúng tôi tại Washington và tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York. Họ gửi hồ sơ cho Tổng Cục 11, đặc trách về Hoa Kỳ, và sau đó chuyển lên cho giám đốc Tổng Cục XI, và từ đây được gạn lọc để đệ trình lên Jänicke.
Một vài tháng trước khi Nasser chết, tháng 5-1969, một nhóm sĩ quan cấp tiến đã cướp chính quyền tại Sudan dưới sự lãnh đạo của Gaafar Mohammad Numeiry, chỉ huy trưởng trường cao đẳng quân sự Sudan. Quên đi những nhọc nhằn của chúng tôi tại Zanzibar, chúng tôi xét thấy Sudan là một lãnh thổ đầy hứa hẹn và có thể là đầu cầu đi vào Trung Đông. Bộ tư lệnh Cách mạng có ý định thiết lập một kiểu chủ nghĩa xã hội Ả Rập và yêu cầu trợ giúp an ninh và kinh tế của Đông Đức.
Hiểu biết của tôi về Sudan thực ra còn mơ hồ. Tôi chỉ biết phía bắc của quốc gia này có một truyền thống lâu dài chiến đấu chống chế độ thuộc địa của Anh. Người Sudan không tin cậy Ai Cập bởi vì Ai Cập đã từ lâu là nước uỷ nhiệm của Anh trong vùng. Cuộc tranh giành nội bộ giữa người Hồi phía bắc và người Công giáo duy linh phía nam gây nên xáo trộn. Làn sóng người tị nạn từ Congo, Zaire và Ethiopia khiến cho nạn nghèo đói trầm trọng hơn. Vì vị thế chiến lược của nó nên nó nhung nhúc cơ quan tình báo và lính đánh thuê, hoạt động không ai kiểm soát và rất thường có những mục tiêu chồng chéo lên nhau ngay trong cánh của mình.
Lần đầu trong một cuộc viếng thăm ngay sau khi cách mạng thành công, tôi nhận thấy các sĩ quan trẻ tôi đã gặp chỉ có một ý niệm mơ hồ về xã hội chủ nghĩa mà bây giờ họ phải bảo vệ. Động cơ thúc đẩy họ là những yếu tố khác: lòng mong ước độc lập, tinh thần huynh đệ chi binh và lòng mong muốn củng cố đức tin Hồi giáo dưới một danh xưng khác. Một người hãnh diện nói với tôi anh ta là người xã hội chủ nghĩa vì mỗi thứ sáu anh cho người nghèo ăn uống. Thái độ nói chuyện của tôi với Numeiry xem ra lạnh nhạt và đi thẳng vào vấn đề. Tôi có lần đi cùng với anh đến một cuộc họp mặt công cộng và quan sát anh nhảy ra khỏi chiếc xe Jeep, đọc một bài diễn văn ngắn ngắt đoạn với những tiếng huýt sáo của đàn ông và tiếng la hét của đàn bà, và dàn xếp những đoàn tán tụng, rồi anh ta lại nhảy lên chiếc xe Jeep, rồ máy chạy, tất cả chỉ trong vòng một vài phút. Tôi có những mối liên lạc mật thiết hơn với Faruq Othman Hamadallah, lãnh đạo các Bộ Nội vụ và Công an. Phần đông các nhân viên cảnh sát và an ninh học nghề từ người Anh hoặc người Ai Cập và trông ra phong cách của họ giống hệt người Anh. Khi họ vào hoặc rời phòng, họ cặp giữa nắm tay và cùi chỏ một cây gậy ngắn, và quay tròn trong bước quân hành.
Tôi gặp lần đầu tiên Hamadallah tại vườn nhà ông ta. Ông cao lớn, lực lưỡng và màu da đen của ông tràn đầy sinh khí. Ông vẫy tay mời gọi tôi vào trong khi tay kia vuốt ve con chó chăn cừu. Ông ngắn gọn nói cho tôi biết những khó khăn trong việc thành lập một cơ quan an ninh kiên quyết và khách quan để đối phó với những phức tạp của đất nước to lớn của ông. Ông giới thiệu mau chóng một người ngồi cùng bàn với chúng tôi, một người mặc y phục kaki nhỏ bé hơn, mang một tên Ả Rập. Sau này tôi gặp lại ông này khi Đông Đức giao thiệp với Nam Yémen - ông tên Mohammed Saleh Mutea, giám đốc an ninh, và sau này làm Bộ trưởng ngoại giao của Yémen; cuộc đời ông chấm dứt khi ông bị đầu độc trong tù vì bất đồng với đảng cầm quyền.
Hamadallah là một trong những chính trị gia hiếm hoi tôi có mối liên lạc thân tình cũng như tình bạn đồng nghiệp. Ông đến thăm tôi nhiều lần ở Đông Berlin và nói chuyên có chiều sâu và nhiệt tình đối với những vấn đề của đất nước và bối cảnh phức tạp của mối liên hệ giữa thế giới Ả Rập và châu Phi đen. Mặc dù trước đây ông chưa bao giờ viếng thăm một nước xã hội chủ nghĩa, ông có những nhận định đúng đắn về con đường khả dĩ đưa châu Phi đến chủ nghĩa xã hội. Ông bày tỏ nỗi lo ngại của ông cho tôi rằng Numeiry có thể giải tán hội đồng cách mạng và thúc đẩy mối quan hệ với phương Tây. Ông buồn bã nói “Ông không thể giúp chúng tôi trong việc này. Chúng tôi phải tự giải quyết vấn đề này”.
Quả nhiên lời tiên đoán của ông đã xảy ra. Năm 1970, Numeiry thay đổi đường hướng và đuổi Hamadallah và các thành phần thiên tả khác ra khỏi hội đồng cách mạng. Năm sau, tiếp theo một cuộc đảo chánh bất thành của nhóm thiên tả, Numeiry thanh lọc tất cả thành phần xã hội chủ nghĩa ra khỏi chính quyền. Hamadallah lúc đó đang ở London và không nghe lời khuyên nhủ của chúng tôi, quyết định trở về nước để quy tụ lại lực lượng chống Numeiry. Chiếc máy bay chở ông về bị ép phải hạ cánh tại Lybia do lệnh của lãnh tụ Đại tá Muammar Qaddafi và họ nhanh chóng dẫn dộ Hamadallah và một người đồng nghiệp trả về Sudan và giao cho Numeiry. Ông bị kết án tử hình tại Sudan. Sau đó, tôi thấy hình ảnh của ông trên đài truyền hình, trước khi lời kết ấn được tuyên bố, ông điềm đạm nói chuyện với lính gác và đang hút một điếu thuốc. Một giờ sau khi đoạn phim kết thúc, ông bị hành quyết. Tôi cảm thấy buồn và mất mát khi nghe tin. Lại thêm một người bạn đã thua một trận đấu đẹp và đáng giá. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn nghĩ Sudan mất đi Hamadallah là mất đi một trong những người tài giỏi nhất của đất nước họ, ông đã đi trước thời cuộc và đất nước của ông. Trong không khí chính trị bạo động và thay đổi này, chúng tôi không thể nào tiếp tục làm cố vấn tình báo cho Sudan. Chúng tôi rời Sudan năm 1971 và không bao giờ trở lại nữa.
Không bao lâu trước khi rút khỏi Sudan, tôi đụng chạm với một trong những tay lính đánh thuê nổi tiếng của thế kỷ này, Julius Steiner (không nên lẫn lộn với Julius Steiner một dân biểu trong quốc hội Tây Đức mà chúng tôi hối lộ). Sinh tại Munich năm 1933, Steiner là một mẫu lính đánh thuê điển hình. Đương sự bắt đầu sự nghiệp trong hàng ngũ Lính Lê Dương hải ngoại của Pháp với trong Đơn vị hành quân đặc biệt, đánh lại các lực lượng của Hồ Chí Minh vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam giành độc lập chống Pháp. Sau khi Pháp thua trận năm 1954, đương sự đem khả năng hiếu chiến của mình vào chiến trường Algeria và cuộc chiến kết thúc khi Algeria giành lại độc lập nơi tay người Pháp năm 1962. Cuộc phiêu lưu độc lập đầu tiên của y là cuộc nội chiến tại Nigeria, xảy ra năm 1967 vì vấn đề tranh chấp quyền lợi về dầu hoả. Trong vùng có nhiều dầu hoả nhất, tự tuyên bố tự trị lấy tên là Biafra, y giúp huấn luyện các biệt kích Biafra, và từ đó bắt đầu liên lạc với một số cơ quan tình báo châu Âu, Trung Đông và Châu Phi. Steiner đã biến Biafra trở thành một lãnh thổ quân sự hoá nhất ở châu Phi, được Tây Đức và các thương buôn vũ khí cung cấp vũ khí trị giá 20 triệu dollars, bao gồm cả loại tên lửa Cobra và Roland tối tấn nhất thời đó. Đội quân riêng của y gồm vài ngàn người và tuần hành dưới lá cờ sọ người với hai khúc xương đan chén nhau.
Khi việc mạo hiểm này của y sụp đổ, Steiner được quân phiến loạn Sudan phía nam thuê mướn. Cơ quan tình báo Anh hưởng lợi trong dịch vụ này. Steiner được Beverley Barnard và một đồng nghiệp Anthony Duvall cung cấp bản đồ và thiết bị đài vô tuyến truyền thanh. Barnard trước đây là tuỳ viên quân sự ở Sudan và là chủ nhân của công ty Southern Airmotive và Duvall là đại diện cho cơ quan tình báo Anh, có nhiều kinh nghiệm nhờ làm việc dưới danh nghĩa một cơ quan cứu trợ nhân đạo của Tây Đức.

Thông tin của chúng tôi cho biết qua ngã đường này, Steiner có liên lạc với CIA và CIA xem y là một phương tiện để lật đổ chính quyền Numeiry. Qua một trạm bưu điện tại Kampala, ở Uganda, Steiner chuyển danh sách nhu cầu vũ khí đến người Mỹ qua trung gian ông Preston làm việc trong Toà đại sứ Hoa Kỳ tại Kampala. Tự xưng mình là đại diện của Hội châu Phi xúc tiến trợ giúp nhân đạo ở Nam Sudan, Steiner tổ chức huấn luyện và trang bị vũ khí cho lực lượng du kích hung bạo, gây đổ máu cho thường dân ở phía Nam cũng như tấn công cảnh sát và quân đội Sudan. Steiner đã thiết lập tổng hành dinh và sân bay tại một vùng hẻo lánh Tafeng, gần Juba. Juba là thành phố chính ở phía nam Sudan và là nguồn cung cấp nhân lực và vũ khí cho Uganda. Chính quyền Uganda lại do các cố vấn quân sự Israel hỗ trợ. Đây là hoàn cảnh rất giống với thế giới châu Phi hỗn loạn và vui nhộn được Joseph Conrad mô tả trong quyển Heart of Dakness (Trung tâm bóng tối). Trong những buổi lễ hội ăn mừng tiếp đón chúng tôi, chúng tôi nhìn những màn vũ bộ lạc, mê hoặc vì tiếng trống và cử động của các vũ công. Thình lình, một người đàn ông lớn tuổi, thân thể trát đầy tro, chạy về phía chúng tôi, giơ một cây lao ngắn và một con cá. Những hộ vệ của tôi nhảy ra che chắn cho tôi, một người bảo vệ thân thể của tôi và hai người khác bắt lấy ông này. Sau đó, họ nói với tôi rằng tôi đã thoát một âm mưu ám sát do bọn phiến loạn tổ chức.

Tổng số lượt xem trang