Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

An ninh lương thực của Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng

-An ninh lương thực của Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng

Các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh lương thực của Việt Nam.

Theo cảnh báo của giới chuyên gia được báo Straits Times của Singapore trích đăng, những đập thủy điện ở thượng nguồn sẽ làm vùng hạ lưu bị cạn sạch cá, tình trạng sói mòn dọc bờ biển trở nên tồi tệ hơn, nhiều diện tích đất trồng lúa mất đi do bị nhiễm mặn.

Ông Marc Goichot, chuyên gia về thủy điện và sông ngòi, hiện đang làm việc trong WWFN Quĩ Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên ở Việt Nam, khuyến cáo việc dòng chảy trên sông Mekong, một trong những con sông hùng vĩ nhất thế giới đang bị chặn lại bởi nhiều đập thủy điện do Trung Quốc xây ở thượng nguồn. Bên cạnh đó, ông nói tiếp, còn phải kể đến 11 dự án thủy điện khác mà một số đang được xây dựng tại khu vực nước Lào.

Vẫn theo lời ông Goichot, những hoạt động khai thác cát quá đà đang đẫy nhanh tốc độ xói mòn những bờ sông, kế đến hiện tượng nguồn nước ngầm cạn kiệt, đã làm phát sinh tình trạng đất lún trong lúc mực nước biển cứ dâng cao khoảng 5 milimét mỗi năm.



Hậu quả là, ông Marc Goichot báo cáo, nước biển đang ngấm lấn dần dần vào đất liền của đồng bằng sông Cửu Long, đe dọa 13.000 hectares diện tích canh tác lúa, an ninh lương thực của Việt Nam bị đe dọa là điều không thể tránh khỏi.

-


-Trung Quốc xây dựng hồ chứa gần biên giới Việt Nam
Trung Quốc đã xây dựng một số hồ chứa thượng nguồn các sông Đà, sông Thao, sông Lô, trong đó có một số hồ chứa gần khu vực biên giới.


Ngày 29/10, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đầu tháng 10, trận lũ bất thường ở thượng nguồn sông Hồng khiến nhiều vùng thấp ven sông Hồng ngập lụt, và nguyên nhân được báo chí cho là do một số đập thủy điện ở Trung Quốc bất ngờ xả lũ đầu nguồn, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện phía Trung Quốc đã xây dựng một số hồ chứa thượng nguồn các sông Đà, sông Thao, sông Lô, trong đó có một số hồ chứa gần khu vực biên giới.

Việc điều tiết, vận hành các hồ chứa này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước trên sông suối nước ta, đặc biệt là trên sông Hồng.

Lũ trên sông Hồng (ở TP Lào Cai) đã rút nhanh - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Ông Nên cho hay, việc cung cấp thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng của Việt Nam còn rất hạn chế. Do vậy, việc dự báo, cảnh báo trên các sông xuyên biên giới còn bị động, công tác chỉ đạo ứng phó của các địa phương còn khó khăn.

"Sau việc xả lũ vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao trao đổi, hợp tác với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để chia sẻ dữ liệu khí tượng, thủy văn, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai ngày càng chủ động hơn", Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ nói.

Từ năm 2011, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng trạm quan trắc tự động để giám sát tài nguyên nước tại đầu nguồn sông Hồng. Đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan rà soát, trao đổi với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận bảo đảm chia sẻ, cung cấp thông tin, phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước, ô nhiễm môi trường nước trên các sông suối biên giới.

"Hiện chúng ta đang khẩn trương xây dựng 8 trạm quan trắc trên các sông suối biên giới Việt Nam - Trung Quốc, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào vận hành vào giữa năm 2016", ông Nên cho biết.

Đề phòng trường hợp Trung Quốc xả lũ, ta trở tay không kịp

“Lần xả lũ của Trung Quốc hôm 11/10 khiến nước sông Hồng trên địa phận Lào Cai dâng cao. Mức xả vừa rồi chưa gây hậu quả lớn nhưng cũng cảnh báo chúng ta phải hết sức đề phòng. Sẽ có những trường hợp, tình huống họ xả mà chúng ta trở tay không kịp”.

>> Trung Quốc xả nước, lũ sông Hồng đang lên cao


Đó là chia sẻ của Giáo sư Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam với PV Dân trí chiều 14/10, liên quan đến vấn đề Trung Quốc xả lũ bất ngờ hôm 11/10 vừa qua khiến mực nước ở thượng nguồn sông Hồng chảy qua Lào Cai dâng cao bất thường.


Nước sông Hồng tại TP Lào Cai bất ngờ dâng cao do Trung Quốc xả lũ, ảnh chụp 12/10/2015 (ảnh: Ngọc Triển)

Khi xả lũ, Trung Quốc cung cấp rất ít thông tin!


Giáo sư Giang phân tích, với nhiều công trình, hồ chứa lớn phía thượng nguồn các con sông ở Việt Nam, các chuyên gia đã cảnh báo hai tình huống Việt Nam gặp bất lợi, bị động. Vào mùa khô, Trung Quốc hạn chế xả nước xuống hạ lưu, vì họ tích nước để phục vụ sản xuất điện năng nên Việt Nam phải chịu hạn hán mùa khô. Còn mùa lũ, do các hồ thủy điện của Trung Quốc đã tích đủ nước, khi lũ về họ xả để bảo vệ đập, gây lũ lớn dưới hạ du ở Việt Nam.

“Hôm 11/10 vừa qua lũ xảy ra trên sông Hồng, chính là do phía Trung Quốc xả nước mùa lũ. Họ xả ồ ạt xuống hạ lưu và chúng ta phải gánh chịu hậu quả. Tuy nhiên, lần xả vừa rồi, mức xả chưa gây hậu quả lớn, nhưng cũng cảnh báo chúng ta phải hết sức đề phòng, sẽ có những trường hợp, tình huống họ xả mà chúng ta trở tay không kịp”- Giáo sư Giang nói.

Giáo sư Giang cũng cho biết, vấn đề lo ngại nhất hiện nay là thời điểm hiện tại vẫn chưa có cơ chế ràng buộc cụ thể giữa Việt Nam và Trung Quốc khi xả lũ. Phía Trung Quốc cung cấp rất ít thông tin và lại có quan điểm sông là sông quốc gia, đoạn sông nào trên nước họ thì việc chặn sông, làm công trình, xả nước… là quyền của họ, không thông tin, tư vấn với các nước láng giềng (!).

Chưa có thỏa thuận về việc xả lũ giữa Việt Nam và Trung Quốc

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, thực hiện công tác cung cấp số liệu đo đạc thủy văn theo Bản ghi nhớ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc: Việc hợp tác trao đổi số liệu thủy văn giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam và Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc cho đến nay 2 bên đã và đang thực hiện đầy đủ các cam kết.

Phía Trung Quốc sẽ cung cấp số liệu thủy văn của 5 trạm thượng nguồn sông Hồng là Nguyên Giang (Yuanjiang), Mạn Hảo (Manhao), Thổ Khả Hà (Tukahe), Trung Ái Kiều (Zhong’aiqiao) và Kim Giang (Kimjiang) thuộc tỉnh Vân Nam.

Bên Việt Nam sẽ cung cấp số liệu của 3 trạm: Bằng Giang (Cao bằng) Văn Mịch, Lạng Sơn (Lạng Sơn). Tần suất thực hiện: ít nhất 2 lần 1 ngày từ 15/5 đến 15/10 hàng năm.

Hiện tại, số liệu quan trắc thủy văn của 5 trạm quan trắc vẫn được Trung Quốc truyền đầy đủ về Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương 2 lần 1 ngày lúc 7h sáng và 7h tối từ ngày 15/5 đến 15/10.

Tuy nhiên, thông tin về việc xả lũ hay liên quan đến việc vận hành các công trình sử dụng nguồn nước mặt thì chưa nằm trong thỏa thuận hợp tác trao đổi nên phía Việt Nam không nhận được thông tin này.

Giáo sư Phạm Hồng Giang cho rằng, Việt Nam ở phía hạ lưu các con sông liên quan đến Trung Quốc nên thường gặp bất lợi. Do vậy, cần kiên trì, thuyết phục phía Trung Quốc về cơ chế trao đổi thông tin. Còn về lâu dài, cần nghiên cứu công trình điều tiết trên sông Thao (sông Hồng đoạn chảy từ Lào Cai đến Phú Thọ) để tránh lũ sốc, gây thiệt hại nặng.

Cùng quan điểm với Giáo sư Giang, Tiến sỹ Đào Trọng Tứ - chuyên gia về mạng lưới sông ngòi của Việt Nam cho biết: 3 nước Việt Nam, Lào, Trung Quốc đều chia sẻ chung lưu vực con sông Hồng. Trong đó Việt Nam khoảng 49%, Trung Quốc khoảng 51%, còn Lào chỉ chiếm khoảng 0,56%. Phía thượng nguồn sông Hồng bên Trung Quốc có 1 số công trình thủy điện khá lớn như Nansha, Mandushan. Việt Nam ở hạ lưu nên mỗi đợt xả lũ của Trung Quốc đều bị ảnh hưởng nhất định.

“Để chủ động đối phó và giảm thiểu thiệt hại về những đợt xả lũ của Trung Quốc thì cần tăng cường hợp tác chặt chẽ, trong đó có thể xây dựng một quy trình vận hành liên hồ chứa xuyên quốc gia. Đây là điều mà các quốc gia châu Âu hoặc châu Mỹ đã làm để đảm bảo hoạt động trên lưu vực các dòng sông xuyên quốc gia được ổn định” – Tiến sỹ Đào Trọng Tứ nói.

Tổng số lượt xem trang