Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Phản đối thu phí: Khởi đầu của các hệ lụy chính sách về BOT

-Phản đối thu phí: Khởi đầu của các hệ lụy chính sách về BOT
(TBKTSG) - Mới đây, người dân đã chặn xe đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc để phản ứng việc thu phí ở trạm thị trấn Lương Sơn, trên quốc lộ 6 tỉnh Hòa Bình. Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho rằng người dân cần “thông cảm” và “tạo điều kiện cho nhà đầu tư thu hồi được vốn”, và “nếu đặt trạm thu phí ở vị trí cao hơn, lại có đường nhánh, người dân sẽ né...”.

Trong khi đó, khi thảo luận về dự thảo Luật Phí, lệ phí tại Quốc hội, dẫn chứng việc này, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề nghị những con đường độc đạo thì Nhà nước phải làm, không để tư nhân làm rồi thu phí quá cao.

Chúng ta có thể thấy điều gì từ hai sự việc này?

Nhà nước phải đảm bảo quyền tự do đi lại

Việc người dân phản đối quyết liệt hoạt động của trạm thu phí Lương Sơn nói trên là hành động bột phát, do sự bức bối của nhu cầu đi lại. Tuy nhiên, phân tích từ góc độ pháp lý thì toàn bộ câu chuyện này không đơn giản.

Có ít nhất ba phạm trù cần xem xét: quyền tự do đi lại của người dân, trách nhiệm phát triển cơ sở hạ tầng của Nhà nước và quyền kinh doanh của nhà đầu tư.

Điều 23 của Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Người dân có quyền tự do đi lại...”, vậy nếu không có đường thì người dân đi bằng gì? Đương nhiên, đổi lại “quyền của dân” là trách nhiệm của Nhà nước phải xây đường cho dân đi. Trách nhiệm này của Nhà nước không chỉ có tính nguyên lý mà đã được quy định rõ tại Luật Giao thông đường bộ: Nhà nước phải tập trung mọi nguồn lực để phát triển các kết cấu hạ tầng đường bộ.

Ở các nước xứ lạnh, sau khi xây đường cho người dân đi mà nếu đường có băng tuyết phủ, trơn trượt dẫn đến người đi bị tai nạn thì chính quyền phải chịu trách nhiệm bồi thường. Chính quyền có “cãi lý” không? Thưa không, bởi đó là sự sòng phẳng: Người dân nộp thuế cho anh, anh xây đường và sở hữu nó, tức đương nhiên phải chăm sóc và bảo dưỡng để cho người sử dụng nó được an toàn. Vậy thôi!
Có thể coi người dân là “bên thứ ba” trong cơ chế PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư), nhưng tuyệt nhiên không phải là “bên bị hại” hay duy nhất chỉ là “bên bị hại”!


Cho nên, câu chuyện tư nhân hóa việc xây đường sá và hạ tầng, cũng như đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) không như ta vẫn thường nói với nhau bằng cái mỹ từ “xã hội hóa”, vốn rất mập mờ về chữ nghĩa. Quốc hội phải quyết định việc Nhà nước từ bỏ một phần nghĩa vụ quan trọng này và cho phép tư nhân tham gia gánh vác và thu lợi, và điều đó cần được thể chế hóa bằng luật chứ không phải một nghị định của Chính phủ.

Trở lại quyền kinh doanh của nhà đầu tư. Đó cũng là quyền hiến định và đương nhiên cũng phải được tôn trọng theo nghĩa, anh bỏ vốn xây đường thì anh được quyền thu phí sử dụng. Vấn đề mức phí cao hay thấp và thu bao nhiêu năm là chuyện kỹ thuật, sẽ được tính toán sao cho minh bạch và thỏa đáng là được.

Khi câu chuyện ở Lương Sơn, Hòa Bình xảy ra, có ý kiến cho rằng người dân được đi đường tốt hơn thì phải trả tiền và kêu gọi nhà đầu tư giảm giá cho người nghèo địa phương theo kiểu “rón tay làm phúc” (!). Cả hai cách tiếp cận đó đều không đúng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư không có lỗi mà lỗi thuộc về chính quyền, ở chỗ anh không bảo đảm cho người dân có quyền lựa chọn, tức phải có hai con đường, một đường tư nhân chất lượng cao cho người có khả năng chi trả, và con đường kia vẫn đạt chuẩn nhưng chất lượng có thể thấp hơn cho người khác đi. Nhìn sang các nước trong khu vực, như Thái Lan, với con đường từ trung tâm Bangkok ra sân bay, người ta đã làm như vậy. Nếu không làm được thế, Nhà nước vừa không làm tròn trách nhiệm về phát triển hạ tầng, vừa không cho người dân thực hiện đúng vai trò của một người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, trong đó ghi nhận một quyền cơ bản là người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng hóa và dịch vụ.
Hay nhìn từ góc độ khác, đang chỉ có một con đường cho người dân đi, ta lại giao nó cho tư nhân đầu tư, khai thác, lại còn tính toán lập trạm ở đâu để ngăn chặn dân không cho “trốn” nộp phí, thì điều đó có nghĩa là tạo lập sự độc quyền cưỡng bức, phá hoại thể chế kinh tế thị trường được xây dựng bao năm qua.

Để giải bức xúc về phí

Những bức xúc của người dân, doanh nghiệp liên quan đến các con đường BOT, BT đang tập trung vào mức phí phải đóng được cho là quá cao. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đang soạn thảo quy định theo hướng chuyển từ phí sang cơ chế giá, trong đó Bộ Giao thông Vận tải định giá đối với quốc lộ, đường cao tốc còn UBND tỉnh định giá đối với đường do địa phương quản lý, đồng thời những tuyến đường song song sẽ thực hiện theo cơ chế giá thị trường.

Cái lý của người dân theo nhìn nhận chung đơn giản lắm: anh gọi là phí, thuế hay thậm chí chuyển sang xu hướng “dịch vụ hóa” đi nữa, thì đó chỉ là một - là các khoản anh thu và chúng tôi phải nộp.

Trong câu chuyện BOT, giá hay phí sử dụng đường là do sự thỏa thuận giữa chủ sở hữu (đối với các thương quyền đầu tư và khai thác cơ sở hạ tầng) và nhà đầu tư tư nhân. Nếu là dự án đường quốc gia thì chính quyền trung ương, có thể là Bộ Giao thông Vận tải, sẽ chịu trách nhiệm đàm phán, còn nếu là đường địa phương thì là UBND tỉnh.

Tuy nhiên làm sao để phân định thế nào là đường quốc gia và đường địa phương? Chúng ta đã có luật về chính quyền địa phương, nhưng trong đó hoàn toàn không thấy các quy định tài sản của chính quyền địa phương là gì. Nếu chúng ta chủ trương phân quyền thì phải làm rõ các quyền về sở hữu và tài sản giữa chính quyền ở trung ương và địa phương, tức không có cái “tài sản nhà nước” chung chung. Các con đường quốc gia đương nhiên vẫn đi qua các địa phương, tuy nhiên thuộc sở hữu của trung ương và do các bộ, ngành quản lý, bao gồm cả việc đàm phán và thỏa thuận về BOT. Và tương tự đối với các đường địa phương.

Nói một cách tổng thể, quyền sở hữu các con đường nằm trên khu vực công thổ, như một nguyên lý bất di bất dịch, cuối cùng vẫn phải thuộc về Nhà nước, dù là trung ương hay địa phương. Các con đường BOT, về tính chất pháp lý là sự nhượng quyền, do đó chỉ là tài sản tư nhân một cách có thời hạn, và sau khi hết hạn hợp đồng, sẽ tiếp tục do chính quyền quản lý.

Về câu chuyện thuế, phí hay giá dịch vụ, cần quay trở lại nguyên lý ban đầu rằng Nhà nước khi làm đường thì không được thu phí hay bất cứ tiền sử dụng nào. Và nếu có thu thì đó chính là thuế, một loại thuế không hợp lý nhưng do cần nguồn thu nên Nhà nước vẫn muốn đặt ra để thu.

Nói thêm về hạch toán đối với thuế, có thể vận dụng nguyên lý “thu tiền nào thì sử dụng vào việc ấy” nhưng riêng với đường sá đi lại thì không thể áp dụng bởi vì nó thuộc phạm trù “trách nhiệm bảo đảm thiết yếu” của Nhà nước, song hành với phạm trù “quyền cơ bản” của người dân.

Vậy đâu là giải pháp đối với các dự án BOT đường bộ đang hoạt động và nhà đầu tư thu phí theo cam kết và thỏa thuận với chính quyền? Trước hết về pháp lý, phải khẳng định rằng bất cứ thỏa thuận nào mà ngăn cản thực hiện quyền tự do đi lại chính đáng của người dân đều là trái Hiến pháp. Do đó, nó phải được sửa đổi theo hướng bảo đảm cho người dân có quyền giao thông tối thiểu. Quyền này đặc biệt nhạy cảm đối với người dân thuộc nhóm yếu thế và người dân sống tại địa phương, bởi việc đi lại của họ còn liên quan đến thực thi các quyền cơ bản khác như sinh kế, khám chữa bệnh, học hành hay thăm nom người thân...



Trên cơ sở lập luận nói trên, hai bên ký kết hợp đồng BOT có thể đàm phán để thỏa thuận lại nhằm hài hòa giữa việc kinh doanh của chủ đầu tư và bảo đảm quyền cơ bản của người dân. Tóm lại, có thể coi người dân là “bên thứ ba” trong cơ chế PPP, nhưng tuyệt nhiên không phải là “bên bị hại” hay duy nhất chỉ là “bên bị hại”!



-Tài xế bức xúc thu phí, dàn xe chặn huyết mạch Tây Bắc
VOV.VN - Do bức xúc về mức thu phí cao tại đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, nhiều tài xế đã dàn xe chặn quốc lộ 6, huyết mạch Tây Bắc, làm giao thông bị ách tắc.
Việc các trạm thu phí BOT liên tục được đưa vào sử dụng không chỉ làm dư luận, các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải bức xúc vì các loại phí cứ tăng vùn vụt, hệ thống đường bộ bị cắt khúc còn người dân không ngừng bị ám ảnh bởi “ma trận” trạm thu phí bủa vây.

Đầu tư chưa thỏa đáng, mức thu phí quá cao

Trạm thu phí Xuân Mai – Hòa Bình (trên tuyến quốc lộ 6) là Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình theo hình thức BOT có tổng mức đầu từ gần 3.000 tỷ đồng.

Đây là Dự án do Liên danh nhà đầu tư trong nước là Tổng công ty 36 – Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần Trường Lộc là nhà đầu tư.

Ngay trong ngày đầu tiên hoạt động


Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình đã được Bộ GT-VT chấp thuận thu phí QL6 (đoạn Xuân Mai - Hòa Bình) vào 0h00’, ngày 20/10/2015. Mức thu phí được áp dụng theo Thông tư số 122 của Bộ Tài chính. Gồm 5 loại vé, thấp nhất: 25.000 đồng /vé/lượt với xe dưới 12 chỗ, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng, cao nhất: 180.000 đồng/vé/lượt với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container chở hàng 40 fit.

Mấy ngày qua, trạm thu phí Xuân Mai - Hòa Bình đã gặp phải cản trở từ phía người dân và các lái xe đi qua khu vực trạm thu. Nhiều lái xe không đồng tình với mức thu phí đã cho xe dừng, đỗ trước trạm gây ách tắc giao thông.

Trước thực trạng trên, lực lượng cảnh sát giao thông và công an khu vực đã phải có mặt tại trạm thu phí để khuyên nhủ các chủ phương tiện và giải quyết sự việc. Đến khoảng 9h sáng cùng ngày, các lái xe mới chịu di dời phương tiện ra khỏi khu vực trạm thu phí, tình hình giao thông mới được ổn định trở lại.

Lực lượng CSGT và công an khu vực phải có mặt để thương thuyết với các lái xe, tình hình giao thông mới ổn định trở lại.


Tuy nhiên, do quá bức xúc trước việc phải trả tiền để đi qua trạm thu phí, khoảng hơn 20 lái xe vẫn cố gắng nán lại Nhà điều hành của trạm thu phí để đòi chủ đầu tư và phía công ty TNHH BOT Hòa Lạc – Hòa Bình phải giải thích rõ về mức thu và phương hướng hỗ trợ đối với các lái xe phải di chuyển nhiều lần trong một ngày qua khu vực này.

Một lái xe cho biết: “Chúng tôi là người dân chuyên đưa con đi học, từ nhà xuống thị trấn mất có quãng đường là 3km. Bây giờ cứ mỗi 1 ngày 2 lượt đi học mất 50.000 đồng thì tiền đâu để đi. Con của chúng tôi chỉ có mù chữ thôi”.

Biểu mức thu phí khi di chuyển qua trạm Xuân Mai - Hòa Bình.


Nhiều người cho rằng việc đặt trạm thu phí BOT theo kiểu “ngẫu hứng” thích đặt đâu thì đặt với mục đích là phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là chưa hợp lý. Để có tiền nộp qua trạm thu phí, người kinh doanh buộc phải tăng giá hàng hóa vận chuyển cho các đầu mối, nếu đầu mối không chấp thuận thì đương nhiên người lao động bị rơi vào cảnh thất nghiệp. Chắc chắn không có một nền kinh tế địa phương nào có thể phát triển được khi có quá nhiều người thất nghiệp. Do đó, việc đặt trạm thu phí BOT đã vô hình chung kéo giảm đời sống của người dân.

Một lái xe khác bức xúc: “Đây là tuyến đường huyết mạch của Tây Bắc và chúng tôi là những người trực tiếp ở địa phương, nhận thấy mức độ đầu tư là chưa thỏa đáng trong đó mức thu lại cao hơn các trạm thu phí khác. Nông dân đi chở lúa, chở ngô thỉnh thoảng mới có mối hàng, việc thu tiền phí đã vô hình dung làm sự phát triển của địa phương chậm lại”.

Đi đường tốt là phải nộp tiền

Trước những thắc mắc của lái xe, ông Trần Văn Phòng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH BOT Hòa Lạc – Hòa Bình đã có những giải thích cho mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề. Ông Phòng cho rằng, việc đặt trạm thu phí BOT là quyết định của cơ quan chức năng Nhà nước. Việc đầu tư cải tạo chất lượng đường sá sẽ giúp người dân không chỉ tham gia giao thông dễ dàng hơn mà còn cải tạo đáng kể năng lực kinh doanh. Do đó, việc người kinh doanh vận tải phải đóng tiền qua trạm thu phí là điều hết sức bình thường.

Đối với những trường hợp khó khăn của người dân như việc đưa đón con đi học, ông Phòng hứa sẽ cùng chính quyền tỉnh Hòa Bình phối hợp để tìm ra giải pháp hợp lý nhất.

Ông Trần Văn Phòng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH BOT Hòa Lạc – Hòa Bình giải thích với các lái xe.


Ông Trần Văn Phòng cho biết: “Cá nhân tôi nghĩ đầu tiên phải hiểu dân, những người dân bị ảnh hưởng thực sự thì mình đặt mình vào hoàn cảnh người ta để tìm ra cách giải quyết. Còn đối với doanh nghiệp những người đi kinh doanh qua đường được nâng cấp thì đề nghị đòi giảm phí thực sự vô lý. Những xe chở gạch, đá là nguyên nhân chính gây ra việc hư hỏng đường, tại sao lại đòi giảm phí? Chúng ta cần phải có những giải pháp mạnh mẽ giải quyết vấn đề này dứt điểm”.

Đối với việc mức thu phí cao và phản ảnh của người dân về việc đầu tư chưa đến nơi đến chốn đã thu tiền. Thiếu tá Bùi Quang Bát – Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6-Hòa Lạc-Hòa Bình cho biết: "Người dân vẫn quen theo cách hiểu, làm có con đường 30km mà lại thu phí cao, mà ít người hiểu được, nếu không thu phí dự án này thì dự án Hòa Lạc – Hòa Bình sẽ không ai dám đầu tư vì chi phí quá cao, chính vì thế phải thu phí trước”.


Nhiều lái xe khẳng định nếu không tìm được tiếng nói chung họ sẽ tiếp tục cho xe chặn trạm thu phí.


Trước những lý giải của Chủ đầu tư và phía công ty TNHH BOT Hòa Lạc – Hòa Bình, nhiều lái xe vẫn không chấp nhận. Họ vẫn một mực cho rằng việc đặt trạm thu phí BOT là không hợp lý và mức thu phí vẫn còn quá cao. Trong những ngày sắp tới nếu vấn đề không được giải quyết một cách thỏa đáng thì việc tài xế mang xe ra chặn đường, chặn trạm là không thể tránh khỏi.

Để thu hút đầu tư hạ tầng, Nhà nước đã có cơ chế đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng qua việc thu phí các tuyến đường BOT. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận thực tế, các trạm thu phí BOT đang ngày một mọc lên nhiều hơn, trong khi đó người dân địa phương không có đường dân sinh thay thế, không chịu được phí cho sự di chuyển hàng ngày dẫn đến những xung đột lợi ích./.

Tổng số lượt xem trang