Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Từ bỏ một phần Trường Sa là 'sai lầm'

--Từ bỏ một phần Trường Sa là 'sai lầm'

Dương Danh Huy, Phan Văn Song và Lê Trung TĩnhQuỹ Nghiên cứu Biển Đông
6 tháng 11 2015


Trong bài “Việt Nam cần xét lại chiến lược Biển Đông”, Tiến sỹ Vũ Quang Việt và Phó Giáo sư Jonathan London hoàn toàn đúng khi cho rằng tương lai Việt Nam đang nằm trên bàn cân và Viêt Nam cần xét lại chiến lược của mình.

Trong bản tiếng Anh trên CogitASIA, hai tác giả cho rằng Việt Nam nên xem xét từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các đảo đá (rock) bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác, (không rõ vì sao bản tiếng Việt trên BBC lại thiếu quan điểm này).

Đáng tiếc là khuyến nghị từ bỏ tuyên bố chủ quyền trong bản tiếng Anh không có cơ sở pháp lý cũng như có nhiều thiếu sót trong phân tích chiến lược, do đó có khả năng làm cho tương lai biển đảo của Việt Nam rớt từ bàn cân xuống vực thẳm.


Đáng tiếc là khuyến nghị từ bỏ tuyên bố chủ quyền trong bản tiếng Anh không có cơ sở pháp lý cũng như có nhiều thiếu sót trong phân tích chiến lược, do đó có khả năng làm cho tương lai biển đảo của Việt Nam rớt từ bàn cân xuống vực thẳmNhóm tác giả bài viết

Thiếu cơ sở pháp lý là vì theo luật quốc tế, một nước, ở đây là Việt Nam, có thể có chủ quyền đối với đảo đá trong EEZ của nước khác, thí dụ như EEZ của Philippines và Malaysia.

Thật ra, việc đòi chủ quyền với các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa với lý do chúng nằm trong EEZ của mình, như Malaysia làm, mới chính là sai trái với luật quốc tế.

Khuyến nghị trong bài viết có nghĩa Việt Nam từ bỏ yêu sách có cơ sở pháp lý của mình và chấp nhận yêu sách không có cơ sở pháp lý của nước khác.
Thiếu sót chiến lược?

Hơn nữa, trong UNCLOS đảo đá được định nghĩa là những thực thể tự nhiên cao hơn mức thủy triều cao nhưng không duy trì được sự cư ngụ của con người hay đời sống kinh tế riêng.Image copyrightAPImage captionNgười biểu tình Philippines với các biểu ngữ khẳng định chủ quyền và phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trước Tòa Lãnh sự TQ ở Philippines.

Giả sử Tòa Trọng Tài phân xử vụ kiện Trung-Philippines kết luận rằng Thị Tứ, Bến Lạc, Nam Yết, An Bang, Sinh Tồn, Song Tử và các thực thể khác đều là đảo đá, hoặc giả sử Việt Nam cho chúng là đảo đá, không có vùng đặc quyền kinh tế thì, theo bài viết, Việt Nam cũng nên xét về từ bỏ tuyên bố chủ quyền với các thực thể này.

Không nước nào có thể từ bỏ tuyên bố chủ quyền hàng loạt và không căn cứ trên cơ sở pháp lý như thế.

Xét trên phương diện chiến lược, khuyến nghị đó cũng có nhiều thiếu sót.

Thứ nhất, giả sử như việc làm giảm bớt các tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia là thật sự cần thiết cho sự hợp tác, đáng lẽ cả ba bên đều phải giảm bớt yêu sách chủ quyền, thay vì Việt Nam phải trả giá cho cả ba bằng việc đơn phương từ bỏ tuyên bố của mình trên hàng loạt thực thể địa lý.

Thứ nhì, giả sử như Việt Nam từ bỏ tuyên bố chủ quyền theo khuyến nghị đó, nhưng 10 năm sau Philippines hay Malaysia có chính sách thân Trung Quốc, không đoàn kết chống yêu sách quá lố của Trung Quốc nữa thì sao? Lúc đó khiếu nại với ai?


Rõ ràng “từ bỏ tuyên bố chủ quyền để tăng cường hợp tác” là một canh bạc có nhiều rủi ro trong đó Việt Nam có thể mất cả “lời” (nếu có) lẫn vốnNhóm tác giả bài viết

Rõ ràng “từ bỏ tuyên bố chủ quyền để tăng cường hợp tác” là một canh bạc có nhiều rủi ro trong đó Việt Nam có thể mất cả “lời” (nếu có) lẫn vốn.

Thứ ba, dù Việt Nam có trả giá bằng việc từ bỏ tuyên bố chủ quyền trên hàng loạt thực thể địa lý, sẽ vẫn còn tranh chấp giữa Philippines và Malaysia. Nếu tranh chấp chủ quyền là điều cản trở sự đoàn kết thì sự cản trở đó sẽ vẫn tồn tại, Việt Nam có trả giá cho cả ba cũng không giải quyết được vấn đề.

Thứ tư, bài viết đã bỏ qua một điều then chốt trên thực tế, đó là mặc dù có tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Philippines, cũng như giữa Việt Nam và Malaysia, Brunei, tranh chấp đó không dẫn đến sự căng thẳng giữa Việt Nam và các nước này, mà cũng không không cản trở sự hợp tác giữa Việt Nam và họ.

Ngược lại, Việt Nam và các nước này đã và đang hợp tác trong việc đoàn kết chống Trung Quốc.
Ba ví dụ

Như một thí dụ, năm 2009 Việt Nam và Malaysia nộp một báo cáo chung về ranh giới ngoài của thềm lục địa cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa. Đó là một sự hợp tác quan trọng trong việc áp dụng UNCLOS cho Biển Đông.Image copyrightAFPImage captionPhilippines cắm cờ trên bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.

Tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đã không cản trở sự hợp tác này.

Thí dụ thứ nhì là khi Việt Nam ban hành Luật Biển 2012, trong đó có ghi Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam thì Philippines và Malaysia không phản đối. Khi Trung Quốc trả đũa Việt Nam bằng cách thiết lập Tam Sa thì Philippines phản đối Trung Quốc, bao gồm tuyên bố rằng Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền.

Tuyên bố của Philippines về Hoàng Sa là một sự ủng hộ cho Việt Nam.

Thí dụ thứ ba là Việt Nam là nước ủng hộ Philippines nhiều nhất trong vụ kiện Trung Quốc, qua việc gửi công hàm tới Tòa khẳng định không có ngờ vực gì là Tòa có thẩm quyền để phân xử, và khẳng định rằng trong 7 thực thể Philippines nêu ra trong hồ sơ kiện, không thực thể nào được hưởng quy chế EEZ.

Từ khi Philippines bắt đầu hiểu về hiểm họa từ Trung Quốc, tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đã không cản trở sự hợp tác Việt-Phi - những sự đụng độ duy nhất giữa lực lượng vũ trang hai nước là trên sân thể thao, sự căng thẳng duy nhất là của dây thừng kéo co.

Vì tuyên bố chủ quyền của Việt Nam không gây ra căng thẳng với Philippines và Malaysia, cũng như không cản trở hợp tác giữa Việt Nam và hai nước này, việc Việt Việt Nam từ bỏ một phần chủ quyền sẽ không đem lại lợi ích gì đáng kể mà lại là một cái giá rất đắt cho Việt Nam.
Nếu tự loại mình?


Trên thực tế, nếu Việt Nam từ bỏ tuyên bố chủ quyền như trong khuyến nghị thì đó sẽ là một món quà cho Trung Quốc và sẽ tai hại không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn khu vực. Đó là một phản tác dụng nguy hiểmNhóm tác giả bài viết

Thứ năm, nếu Việt Nam tự loại mình ra khỏi tranh chấp chủ quyền trên các thực thể địa lý này thì sẽ chỉ còn lại Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei trong tranh chấp đó.

Trong số các nước còn lại, dù bỏ qua các bằng chứng thêu dệt của Trung Quốc, nước này vẫn là nước tuyên bố chủ quyền với Trường Sa trước nhất, từ sau Thế Chiến II, do đó sẽ đánh bại các nước kia một cách dễ dàng trong tranh biện pháp lý.

Đánh bại được các nước kia trong tranh biện pháp lý, tất nhiên Trung Quốc sẽ hung hăng thêm, và tình hình ở Biển Đông sẽ đen tối thêm.

Trên thực tế, nếu Việt Nam từ bỏ tuyên bố chủ quyền như trong khuyến nghị thì đó sẽ là một món quà cho Trung Quốc và sẽ tai hại không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn khu vực. Đó là một phản tác dụng nguy hiểm.

Khi đưa ra khuyến nghị Việt Nam từ bỏ một phần tuyên bố chủ quyền, các tác giả cũng có thiếu sót về phương pháp.Image copyrightReutersImage captionCác hoạt động của Trung Quốc tại một khu vực ở Trường Sa qua quan sát của Hải quân Mỹ.

Theo phương pháp khoa học, điều trước tiên họ phải làm là phân tích để xác định có gì đang gây ra căng thẳng giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia hay không, và nếu có thì điều đó có phải là tuyên bố chủ quyền của Việt Nam hay không.

Kế đến họ phải phân tích xem những yếu tố nào đang cản trở sự hợp tác giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia, và trong các yếu tố đó thì yếu tố nào góp phần bao nhiêu, cụ thể là tuyên bố chủ quyền của Việt Nam góp phần bao nhiêu.
Thiếu khoa học?

Trong khi chưa tiến hành phân tích nhằm chứng minh tuyên bố chủ quyền của Việt Nam góp phần đáng kể gây ra căng thẳng và là cản trở đáng kể cho sự hợp tác, mà lại khuyến nghị Việt Nam bỏ bớt tuyên bố chủ quyền, thì đó là cách tiếp cận thiếu khoa học.


Thêm vào đó, cũng không có chứng cớ để cho rằng Việt Nam cần từ bỏ bớt tuyên bố chủ quyền để có những sự hợp tác khác mà các tác giả đề nghị.Nhóm tác giả bài viết

Nếu khuyến nghị Việt Nam bỏ bớt tuyên bố chủ quyền, đáng lẽ các tác giả phải phân tích xem các tác dụng và phản tác dụng của việc đó là gì.

Việc họ hoàn toàn không có phân tích này cũng là cách tiếp cận thiếu khoa học.

Dĩ nhiên là Việt Nam, Philippines và Malaysia cần tăng cường hợp tác để chống yêu sách quá lố của Trung Quốc, nhưng thực tế các hoạt động hợp tác Việt Nam-Malaysia và Việt Nam-Philippines cho thấy các nước này có thể hợp tác mà không bên nào phải từ bỏ phần nào yêu sách chủ quyền của mình.

Thêm vào đó, cũng không có chứng cớ để cho rằng Việt Nam cần từ bỏ bớt tuyên bố chủ quyền để có những sự hợp tác khác mà các tác giả đề nghị.

Bài viết thể hiện của quan điểm riêng của nhóm tác giả, thành viên của nhóm Quỹ Nghiên cứu Biển Đông - chuyên theo dõi các vấn đề pháp lý, lịch sử, chủ quyền và tranh tụng biển, đảo ở khu vực này.

-





Đã đến lúc Việt Nam xét lại chiến lược Biển Đông


Chuyến viếng thăm Hà Nội tuần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xảy ra đúng lúc Bắc Kinh đang nỗ lực thay đổi hiện trạng trên Biển Đông qua việc xây dựng các đảo nhân tạo. Không một chính phủ nào, ngoại trừ Trung Quốc, công nhận cái gọi là “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đang dùng để đòi hỏi 90% diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, hệ quả của nó vẫn là sự gia tăng căng thẳng trong khu vực. Dù sao đi nữa, việc Hoa Kỳ khởi động các cuộc tuần tra để xác định quyền tự do lưu thông hàng hải trên Biển Đông bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, cùng với việc toà trọng tài ra phán quyết rằng họ có quyền phân xử những đòi hỏi của Trung Quốc, đã khiến cho tất cả các bên còn lại, bao gồm cả Việt Nam, phải cân nhắc lại toàn bộ những xung đột, cơ hội và các nguy cơ hiện hữu.





Học giả David Arase tại Trung Quốc gần đây cho rằng các nước nhỏ hơn, như là Việt Nam hay Philipine, có thể nâng cao vị thế của họ trong cuộc tranh chấp này bằng cách tăng cường sự hợp tác, cùng nhau quyết tâm thực thi pháp luật, đồng thời bảo vệ các chuẩn mực thông thường được quốc tế công nhận. Việc thừa nhận những sự hợp tác, hay bất hợp tác, một cách có chọn lọc cũng có thể gây ảnh hưởng đến nền chính trị trong khu vực. Trong bối cảnh bị chiếu bí bởi một cường quốc, ông David Arase nhận định, các nước nhỏ có thể đề xuất các sự hợp tác liên-chính-phủ để tự bảo vệ quyền lợi và gia tăng lợi ích cho mình, đồng thời tạo ra lợi ích cho các cường quốc.


Trước những diễn biến gần đây, bao gồm các hành động của Trung Quốc trên biển Đông và sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và các cường quốc khác, Hà Nội nên có những cách tiếp cận chủ động hơn. Việt Nam cần tỏ rõ các đòi hỏi lãnh thổ của mình và chủ động giải quyết các tranh chấp còn lại với Philippine (cũng như với Malaysia, nếu cần), đồng thời kêu gọi cả Indonesia. Cụ thể hơn, Hà Nội nên xem xét việc tự bỏ các đòi hỏi của họ đối với tất cả các bãi đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippine, Brunei, và Malaysia trên hai cơ sở sau:
Các quốc gia trên đồng ý rằng tất cả các đảo nhỏ đang tranh chấp đều chỉ là những bãi đá không đủ điều kiện sinh sống, trừ khi được xác định khác đi bởi luật quốc tế, và như thế, chúng chỉ có 12 hải lý lãnh hải chứ không có vùng đặc quyền kinh tế bao quanh; và
Các quốc gia trên đồng ý nguyên tắc chia sẻ các nguồn tài nguyên nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước và ngoài vùng lãnh hải của các bãi đá.


Làm như vậy sẽ giới hạn được sự tranh chấp và đưa các giải pháp trong tương lai hướng theo cơ sở luật pháp quốc tế. Không những thế, nó còn chứng tỏ với đồng minh sự quyết tâm hợp tác, ý muốn chia sẻ và niềm tin. Những người Việt nào còn mang nặng định kiến rằng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc về Việt Nam cần có một tư duy thực tế, thực tiễn và mang tính chiến lược lâu dài hơn. Nếu Trung Quốc trở nên mềm mỏng để chấp nhận các nguyên tắc trên thì đó sẽ là một bước đột phá. Bằng không thì Việt Nam và các bên vẫn có lợi với những thay đổi này.


Việt Nam nên giúp hình thành một nhóm liên lạc để gia giảm, và tiến tới triệt tiêu, những mối căng thẳng. Nếu cần, Hà Nội vẫn có thể mời Bắc Kinh tham gia. Nhóm liên lạc này có thể bao gồm các thành viên của ASEAN, nhưng nó không nên là một cơ chế phụ thuộc vào ASEAN vì một số thành viên có rất ít quyền lợi trong cuộc tranh chấp. Thay vào đó, nhóm này nên tập hợp những thành viên ASEAN có tranh chấp, cộng thêm Hoa Kỳ, Úc, Nhật, Ấn Độ, liên hiệp Châu Âu và các nước nào khác có ảnh hưởng.


Hình thành một nhóm như vậy sẽ mang lại nhiều phương tiện để thay đổi hiện trạng, tạo cơ hội chính trị để sửa đổi rộng hơn ngõ hầu mang lại lợi ích quản trị lâu dài, và có thể là giải pháp cho mâu thuẫn hiện thời. Trong trường hợp Bắc Kinh không chịu hợp tác, các nước ASEAN nên nghĩ đến việc phối hợp với các nhóm khác để tuần tra biển Đông. Nương theo các phán quyết của toà trọng tài, nhóm này có thể phối hợp để hỗ trợ các hoạt động giải quyết mâu thuẫn nhờ trọng tài phân xử, dùng các hành động hợp pháp và các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền tự do lưu thông, và giảm thiểu các hoạt động phi pháp dựa trên đòi hỏi chủ quyền quá mức.


Mặc dù có những rủi ro nhất định cho việc hình thành một nhóm nằm ngoài ASEAN, không có gì cản trở Việt Nam, Philipine, Malaysia và Brunei gắn kết với nhau để đòi hỏi Trung Quốc tuân theo một số nguyên tắc chung đạt được từ các hoạt động giữa ASEAN và Trung Quốc, hay việc khởi động các biện pháp giải quyết tranh chấp khác, như là cơ chế trọng tài phân xử.


Hà Nội cũng nên đối mặt với Bắc Kinh một cách trực tiếp và công khai hơn. Họ có một cơ hội lớn để làm điều này trong tuần, khi Tập Cận Bình tới thăm. Đây có thể là bước khó khăn nhất về mặt chính trị cho đảng cộng sản Việt Nam, bởi vì quan hệ của đảng CSVN với Bắc Kinh xưa nay thường đi lối cửa sau, qua những đe doạ ngầm hoặc gián tiếp. Việc đổi mới quan hệ Việt-Trung đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, và nó sẽ giúp Hà Nội chứng tỏ quyết tâm giải quyết tranh chấp với sự hỗ trợ từ bạn bè quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế.


Cụ thể hơn hết, Hà Nội nên yêu cầu Bắc Kinh nói rõ, như chủ tịch Tập đã ám chỉ trong cuộc gặp gỡ tổng thống Obama ngày 25 tháng 9, rằng ý nghĩa của “đường chín đoạn” chỉ là đòi hỏi đối với các đảo trong Biển Đông. Sự minh bạch đó ít nhất sẽ giúp xác định vùng tranh chấp dựa trên cơ sở diễn dịch Công ước Quốc tế về luật Biển. Dù cho Bắc Kinh không trả lời, yêu cầu này vẫn sẽ giúp Hà Nội dễ ăn nói hơn với các bên quốc tế liên quan, nếu cần. Ông Tập gần đây có nói: “Chúng tôi có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, có quyền hợp pháp và chính đáng đối với các quyền và lợi ích trên biển.” Nhưng ông lại lờ đi chuyện các yêu sách của Trung Quốc không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế nào cả. Chính xác hơn, ông không dám công nhận rằng Bắc Kinh đã cố tình thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và đe doạ.


Bắc Kinh và Hà Nội có các đoàn đàm phán cấp chính phủ để giải quyết tranh chấp lãnh hải, cũng như có thoả thuận về các nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển mà trong đó có nêu rõ rằng Việt Nam sẽ chỉ thảo luận các vấn đề song phương với Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã duy trì quan điểm đúng đắn rằng các nước khác trong vùng cũng có thể — và cũng nên, tham gia vào các tranh chấp đa phương như trong trường hợp căng thẳng mới đây. Trong bối cảnh khó thấy một thoả thuận lớn nào trong tương lai gần, ít có khả năng Hà Nội sẽ quỳ luỵ trước những đòi hỏi của ông Tập.


Xét dòng lịch sử Việt Nam và tình trạng cụ thể hiện tại, việc Hà Nội khẳng định quyết tâm không liên minh với bên thứ ba để chống lại bất cứ nước nào cũng có lý — ở một chừng mực nhất định nào đó. Dù sao chăng nữa, một mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc là điều rất có lợi cho Việt Nam. Nhưng không nên vì thế mà Hà Nội phải tránh né một vai trò chủ động hơn trong việc định hình một cấu trúc mới cho khu vực. Tương lai dân tộc Việt Nam đang nằm trên bàn cân.


Jonathan Đ. London và Vũ Quang Việt

Hồng Kông và New York


Xem bản nguyên (tiếng Anh) trên blog của Viện Chiến lược và Quốc tế học (Hoa Ky)

Bản tiếng Việt do Hoài Vũ và Ian Bui đã dịch

Tổng số lượt xem trang