Thất thoát hàng trăm tỉ đồng
Ngày 28.9.2015, UBND tỉnh Đắk Lắk có báo cáo kết quả giám sát tài chính tại các DN nhà nước thuộc tỉnh quản lý, qua đó lộ hàng loạt khuất tất tại Dakruco. Là DN nhà nước chuyên trồng, chế biến mủ caosu, nhưng Dakruco lại táo bạo đầu tư hàng loạt dự án ngoài ngành, với vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng, vào giai đoạn Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Khiết… sắp nghỉ hưu.
Nổi nhất là Cụm Dịch vụ khách sạn Dakruco trên diện tích 3,6ha ngay cửa ngõ phía bắc TP.Buôn Ma Thuột, bao gồm 1 khách sạn quốc tế 4 sao, 1 khách sạn 3 sao với 160 phòng, 3 nhà hàng, phòng họp 400 khách, trung tâm tiệc cưới 2.000 người… Khai trương năm 2009 rồi liên tiếp thua lỗ, đến nay dự án đã âm vốn chủ sở hữu hơn 122 tỉ đồng.
Điều đáng nói, có những dự án thua lỗ, mất vốn nhà nước thể hiện rõ sự móc nối giữa nguyên Tổng Giám đốc Dakruco Huỳnh Văn Khiết với người nhà, như việc thành lập Cty CP Chỉ thun Đắk Lắk, Cty CP Thương mại và Du lịch Bản Đôn. Dự án sản xuất chỉ thun khởi động năm 2010, khi đó Dakruco góp 15 tỉ (35,29%), con trai ông Huỳnh Văn Khiết là Huỳnh Bảo Minh góp 12 tỉ đồng (28,24%), một số cổ đông khác góp từ 2,5-9 tỉ đồng. Sau đó, Dakruco còn rót vào Cty này 135,5 tỉ đồng với danh nghĩa… cho vay.
Các khoản đầu tư cho thấy phần vốn nhà nước thông qua Dakruco chiếm tỉ lệ chi phối (150 tỉ đồng) tại Cty CP Chỉ thun Đắk Lắk, nhưng không hiểu sao từ tháng 7.2011, ông Huỳnh Bảo Minh lại ngồi ghế… Chủ tịch HĐQT. Và kết quả hoạt động tính đến hết năm 2014, Cty CP Chỉ thun thua lỗ hơn 90 tỉ đồng, nợ phải trả chiếm 80% tổng giá trị tài sản. Tương tự, năm 2011, Dakruco cổ phần hóa Trung tâm Du lịch sinh thái và Spa Bản Đôn thành Cty CP TM&DL Bản Đôn với tài sản định giá hơn 67 tỉ đồng, đối tác là Cty TNHH Huỳnh Phước góp 20 tỉ đồng.
Giám đốc Cty TNHH Huỳnh Phước cũng là Huỳnh Bảo Minh - con trai ông Huỳnh Văn Khiết. Rồi không biết bằng “phép thuật” nào, quyền điều hành Cty này cũng rơi vào tay Huỳnh Nguyên Khải - một con trai khác của ông Khiết - mà không phải đại diện Dakruco. Tính đến thời điểm ngừng hoạt động (cuối năm 2013), Cty CP TM&DL Bản Đôn báo lỗ 26 tỉ đồng, trong đó Dakruco mất vốn 10,6 tỉ đồng. Hậu quả khác là từ năm 2013 đến nay, khối tài sản trị giá hàng chục tỉ đồng tại khu du lịch này mục nát dần, hơn 1.300ha rừng tự nhiên của Nhà nước giao cho Dakruco bị chặt phá vì không người bảo vệ, hàng chục lao động mất việc không đòi được nợ lương.
Thu hồi được bao nhiêu?
Năm 2012, ông Huỳnh Văn Khiết nghỉ hưu, để lại thua lỗ và gánh nợ khó đòi cho Dakruco. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản chỉ đạo tái cơ cấu Dakruco, trong đó có việc thu hồi các khoản đầu tư thất thoát. Theo đó, để thu hồi tài sản tại Cty CP TM&DL Bản Đôn, Dakruco sẽ thoái vốn toàn bộ. Nhưng “việc tìm kiếm đối tác nhận chuyển nhượng trong điều kiện hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn”, UBND tỉnh Đắk Lắk nhận định. Do vậy phải chấp nhận lỗ, chuyển nhượng thấp hơn giá trị thực, cho bên mua trả dần trong thời gian dài, ưu đãi về lãi suất… Vậy nhưng, đến nay vẫn chưa có người mua lại “cục nợ” tại Cty CP TM&DL Bản Đôn.
Tại Cty CP Chỉ thun Đắk Lắk, Dakruco được phép khoanh nợ, không tính lãi đối với khoản đầu tư tài chính (cho vay) 135,5 tỉ đồng, đồng thời đàm phán mua lại toàn bộ cổ phần để nắm giữ 100%, sau đó chuyển nợ thành vốn điều lệ. Với các dự án khác, nhiều khả năng Dakruco cũng phải “bán đổ bán tháo” để thu hồi vốn. Như mới đây, Dakruco đã chuyển nhượng 1.600ha caosu tại tỉnh Kon Tum với giá 125 tỉ đồng, trong khi giá trị đầu tư lên tới 219 tỉ, mất vốn nhà nước hơn 94 tỉ đồng… Còn Cụm Dịch vụ khách sạn Dakruco, UBND tỉnh cũng có văn bản cho định giá tài sản, tìm đối tác để chuyển nhượng toàn bộ. Nhưng đến nay Dakruco vẫn chưa bán được, phải duy trì hoạt động, mỗi năm lỗ thêm hàng chục tỉ đồng.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại tá Cao Thành Vinh - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Đắk Lắk - cho biết, cơ quan công an đã kết luận các sai phạm tại Cty CP Chỉ thun Đắk Lắk, kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý. Riêng vụ Cty CP TM&DL Bản Đôn đến nay chưa có kết luận, Cơ quan CSĐT vẫn đang tiếp tục xác minh, làm rõ.