-Tạp chí Da Màu-bính thân nói chuyện mậu thân ở sài gòn
Đinh Từ Thức
Đinh Từ Thức
Toà Đại Sứ Mỹ nhìn từ góc đườngThống Nhất và Mạc Đĩnh Chi, thấy rõ ba vết thủng do hoả tiễn bắn vào, và dưới chân tường rào phía ngoài, (chỗ người đứng), một lỗ thủng cỡ một mét do Việt Cộng dùng B-40 gây ra, làm lối vào bên trong. (Hình của Viện Lịch Sử Quân Đội Hoa Kỳ)
Từ bốn mươi tám năm qua, cứ mỗi dịp Tết, lại có nhiều bài viết về vụ Mậu Thân. Nhưng phần lớn, những bài này đều nói về chuyện xẩy ra ở Huế. Có lẽ vì đó là trận địa đẫm máu nhất, tàn ác nhất. Trong khi ấy, mặt trận tại Thủ Đô Sài Gòn, nơi có hai địa điểm tiêu biểu cho chính quyền VNCH là Phủ Tổng Thống, và tiêu biểu cho Hoa Kỳ là Đại Sứ Quán Mỹ đều bị Việt Cộng tấn công, đã ít được nói tới. Đến nỗi, có nhiều người sống tại Sài Gòn thời đó, cũng không biết rõ cuộc chiến đã thực sự diễn ra như thế nào, hoặc chỉ biết với những chi tiết lờ mờ, hay sai lầm.
Thật ra, điều này cũng không lạ. Ngày Tết, mọi người đều lo ăn Tết, mấy ai đề ý tới thời sự. Đến khi có tấn công, súng nổ, thiết quân luật, mọi người đều lo bảo vệ mạng sống của mình và của người thân, làm sao biết rõ nội vụ diễn ra như thế nào. Chỉ có báo chí quốc tế, vì nhiệm vụ nghề nghiệp, và có phương tiện theo dõi cùng ghi lại những gì sẩy ra. Tại sao chỉ có báo chí quốc tế, mà không có báo chí Việt Nam? Trước hết, theo truyền thống, báo chí Việt Nam thường nghỉ Tết, ít nhất bốn ngày. Thứ đến, khi nổ ra cuộc tấn công, hoạt động báo chí Việt cũng bị tê liệt như mọi ngành sinh hoạt dân sự khác. Trong khi ấy, vụ tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân là cơ hội hiếm có để ký giả quốc tế gửi tin nóng đi khắp thế giới. Tuy vậy, tại một đất nước xa lạ, ký giả ngoại quốc không thể hành nghề suông sẻ, nếu không được sự giúp sức đắc lực của nhà báo địa phương. Ai may mắn được sự cộng tác của người địa phương tận tâm, nhanh nhẹn, có khiếu về lãnh vực truyền thông, có cơ may thành công hơn các đồng nghiệp khác.
Trong vụ tấn công Tết Mậu Thân ở Sài Gòn, nhiều trận đánh xẩy ra cùng lúc tại nhiều địa điểm khác nhau. Bài này chỉ chú trọng tới trận đánh ở Toà Đại Sứ Mỹ. Đây không phải là trận đánh lớn nhất, nhưng tiêu biểu nhất, vì nó có vai trò làm thay đổi cục diện toàn bộ cuộc chiến Việt Nam.
Người Việt làm báo Anh bằng Dinglish
Một trong số ký giả quốc tế may mắn có sự giúp sức đắc lực của ký giả địa phương là Hugh Lunn, người Úc, quê Brisbane, tới London thử thời vận, được hãng thông tấn Reuters mướn, gửi đi Việt Nam vào cuối tháng Hai năm 1967, với thời hạn một năm. Vụ Mậu Thân xẩy ra chỉ vài tuần trước khi Hugh Lunn rời Việt Nam, sau khi đã hoàn tất thời gian phục vụ tại đây. Những gì chứng kiến tận mắt về cuộc chiến Việt Nam, kể cả trận Mậu Thân ở Sài Gòn, đã được ông kể lại trong cuốn VIETNAM: A Reporter’s War, xuất bản năm 1985. Cuốn này đã đoạt giải văn chương của Melbourne Age Book năm 1985, đã trở thành tác phẩm kinh điển, được trích giảng trong chương trình học các lớp 11 và 12. Hugh Lunn còn là tác giả của nhiều tác phẩm giá trị khác, và năm 2009, ông đã được chọn là biểu tượng của Queensland (Queensland Icon) vào dịp kỷ niệm 150 năm lịch sử của Tiểu Bang này.
Tới Sài Gòn năm 26 tuổi, chẳng biết gì nhiều về Việt Nam. Ra đón anh tại phi trường là một người Việt Nam, còn trẻ, hoạt bát, luôn nói cười, nhưng tiếng Anh của anh rất khó hiểu; chẳng những sai giọng, “lawyer” phát âm như “louser” mà cách dùng chữ và đặt câu không giống ai. Nếu một người tỏ ra sợ sệt, anh nói “He care”. Nếu nghĩ một chuyện gì đó không thể làm được, anh nói dản dị “Cannot”. Nếu cho là một việc thuộc trách nhiệm người khác, anh nói “Not my problem”. Sau này, kể với Hugh Lunn về may mắn thoát chết trong vụ VC tấn công đợt nhì, anh viết: “Very lacky to me, because if mr. Backer not stop 1 go with Bruce to cholon, 1 think no more dinh today” (Rất may cho tôi, bởi vì nếu Ông Backer không ngăn tôi đi với Bruce vào Chợ Lớn, tôi nghĩ hôm nay không còn Đình). Ký giả ngoại quốc gọi tiếng Anh của anh là Dinglish.
Tên Việt đầy đủ của anh là Phạm Ngọc Đình, nhưng các ký giả Reuter đã làm việc từ trước ở Việt Nam đều rất quý anh, cho rằng anh là nhà báo giỏi hơn tất cả bọn họ, nên gọi anh là Gungadinh. Thật ra, “gunga” có nghĩa xấu, chỉ những thứ dơ dáy cặn bã. Nhờ nhà thơ Rudyard Kipling có bài thơ nổi tiếng Gunga Din, sau trở thành cốt truyện của một cuốn phim cùng tên do Sammy Davis jr. đóng vai Gunga Din, ca tụng một người Ấn Độ tận tâm và can đảm làm đủ thứ để phục vụ người Anh, khiến biệt danh Gungadinh thành một lời khen. Ngược lại, Gungadinh đặt tên cho Hugh Lunn là Gunsmoke, vì anh này giống một vai chính trong bộ phim chiếu trên TV Mỹ ở VN hồi đó là Gunsmoke.
Khởi đầu, Phạm Ngọc Đình chỉ là một nhân viên chạy việc vặt (messenger) cho văn phòng hãng Reuter tại Sài Gòn, anh giúp các ký giả xin hay gia hạn visa cư trú, hướng dẫn về những giao dịch với nhà cầm quyền Việt Nam, đưa ký giả mới tới khu chợ trời Dân Sinh mua quần áo nhà binh mặc để ra trận, đi cùng các ký giả tới những cuộc họp báo hàng ngày để lấy tin tức, hay ôm sẵn điện thoại để gọi về văn phòng khi có tin quan trọng, mà không ký giả nào có thể tranh với anh một trong số những điện thoại hiếm có tại nơi họp báo.
Gunsmoke và Gungadinh. Hình từ VIETNAM: A Reporter’s War
Đình không có cơ hội học cao, nhưng thông minh, nhanh trí, và quen thuộc rất nhiều về phía nhà cầm quyền Việt Nam, từ Tổng Thống Thiệu đến các tướng lãnh và viên chức cao cấp. Nhờ đó, công việc lo giấy tờ cho các ký giả anh làm rất lẹ, và không tốn tiền hối lộ. Anh mang cả thiệp chúc Giáng Sinh và Năm Mới của TT Thiệu tới văn phòng. Không phải để loè thiên hạ, anh quen lớn thật. Một hôm, tại phi trường Tân Sơn Nhất trong dịp ông Thiệu về nước sau một chuyến công du, ông đã rẽ đám ký giả, tiến lại phía Đình đang đứng với Hugh, gọi “Đình, Lại đây!”
Tại văn phòng Reuter có thông dịch viên giỏi tiếng Anh, nhưng không có khiếu làm báo. Đem một bản tin hay tuyên bố tiếng Việt về, liền được dịch sang tiếng Anh rất đúng văn phạm. Nhưng dịch xong, người dịch không có ý kiến gì về nội dung. Trong khi ấy, nếu đi với Đình tại một cuộc họp báo, có khi chỉ cần nghe nửa chừng, Đình đã quay sang bảo: “Story now”, có chuyện rồi, thế là phần đáng chú ý nhất của lời tuyên bố đã nắm được, có thể viết thành tin gửi đi ngay. Ngoài thông minh và nhanh trí, Đình còn là người tận tâm. Tuy có vợ và ba con, trừ những giờ ngủ ở nhà, bất cứ ngày đêm, Đình đều có mặt tại văn phòng, kể cả ngày Tết.
Trước Tết Mậu Thân (1968), như thông lệ, đã có thoả thuận đình chiến giữa đôi bên; thường là một tuần. Năm ấy, phía VC cũng muốn như vậy, bắt đầu từ 27 tháng 1. Nhưng phía Hoa Kỳ và VNCH không muốn phía Cộng Sản có thời gian dài như vậy để tập trung lực lượng, đã phản đề nghị, rút thời gian ngưng chiến xuống còn có 48, và cuối cùng là 36 giờ, bắt đầu từ 6 giờ chiều Thứ Hai ngày Tất Niên (29-1), đến 6 giờ sáng Thứ Tư, mùng Hai Tết (31-1).
Chiều mùng Một Tết (30-1), tuy có tin đánh nhau ở Huế và Đà Nẵng, nhưng cũng tưởng đó chỉ là chuyện vi phạm ngừng chiến thường sảy ra mỗi năm. Sài Gòn vẫn hoàn toàn yên tĩnh, ăn Tết như thường lệ. Tại văn phòng Reuter ở đường Hàn Thuyên, ngay trước Dinh Độc Lập ở phía trái, nhìn sang nhà thờ Đức Bà phía tay mặt, Hugh Lunn ngồi viết nốt bản tin về mấy vụ vi phạm ngừng chiến, trong khi bạn gái ngồi đợi, trước khi hai người đi “dung dăng dung dẻ” chung vui ngày Tết.
Đình cũng có mặt trong văn phòng, dù là chiều Mùng Một Tết, nhưng anh có vẻ đăm chiêu, không cười nói như mọi ngày. Rồi bỗng nhiên, tiến tới cạnh Hugh, nghiêm trang nói “Gunsmoke, you tell Miss go home” (Gunsmoke, hãy bảo cô ta về nhà). Hugh thường hay đùa dỡn với Đình, nhưng hôm nay cũng lịch sự hỏi lại, tại sao anh nghĩ là anh có quyền can thiệp vào sinh hoạt riêng tư của mình. Anh tới sát, nghiêm nghị nói: “Tonight the VC attack Saigon. She go home” (Tối nay VC đánh Sài Gòn. Cô về nhà). Bạn gái của Hugh là thư ký tại toà đại sứ Anh, mà Anh vẫn tin ở Mỹ là cuộc chiến sắp thắng lợi, ánh sáng đã le lói cuối đường hầm. Cô nghĩ rằng những gì Đình nói chỉ là cớ để xua đuổi, không muốn cô ngồi đợi, nên vùng vằng bỏ đi, về nhà ở cư xá dành cho người Anh.
Hugh và cả trưởng phòng Reuter là Jim Pringle rất hoang mang, không biết nguồn tin của Đình đúng hay sai. Đình không cho biết lấy tin từ đâu, nhưng nói chắc cuộc tấn công sẽ diễn ra vào lúc 1 giờ sáng. Quá đặc biệt tới mức khó tin, như chuyện đùa. Ngay thời chống Pháp, cộng sản chưa bao giờ dám, hay có khả năng mở mặt trận ngay tại Sài Gòn, làm sao có thể sẩy ra bây giờ. Nhưng Đình đã từng có những tin rất đặc biệt, và chính xác. Mới hơn năm trước, dịp Tổng Thống Johnson tới Việt Nam sau khi dự đám tang Thủ Tướng Úc Harold Holt năm 1966 là vô cùng đặc biệt. Trước đó, chưa tổng thống Mỹ nào tới mặt trận ngoài nước Mỹ. Chuyến đi đã được giữ kín tới phút chót. Trong khi tất cả ký giả quốc tế ở VN chưa biết ông Johnson có ghé đây không, khoan nói là ghé nơi nào. Nhưng vào nửa đêm 25 tháng 10, Đình gọi Hugh, cho biết Johnson sẽ tới Cam Ranh. Sau đó, JUSPAO mới điện thoại hỏi liệu Reuters có muốn cử người theo một chuyến đi sáng mai? Vẫn không cho biết đi đâu, và với mục đích gì. Sáng sớm hôm sau, khoàng 50 nhà báo gặp nhau ở phi trường, máy bay cất cánh rồi mới được cho biết là đi gặp Johnson, và máy bay hạ cánh mới biết là đến Cam Ranh.
Cho nên, nguồn tin của Đình không thể coi thường. Đình nói tạt về nhà một chút rồi sẽ quay lại. Thay vì về nhà làm hoà với bạn gái, Hugh và Jim ra ngoài, đi dọc đường Tự Do xuống phía bờ sông xem xét tình hình. Mọi chuyện vẫn bình thường, yên tĩnh. Cuối cùng, hai người ghé văn phòng New York Times xem các đồng nghiệp có biết tin gì đặc biệt không? Chẳng ai tin sẽ có chuyện động trời sắp sẩy ra. Uống bia, chuyện gẫu đến sau nửa đêm, Jim và Hugh tản bộ trở lại văn phòng Reuter. Cho rằng tin của Đình là tin vịt, Hugh gọi Đình nói anh khỏi bận tâm trở lại văn phòng, trừ trường hợp có chuyện đặc biệt. Tuy vậy, hai người vẫn ngồi đợi cho đến 1 giờ. Đến 2 giờ, vẫn không có chuyện gì, Jim chở Hugh tới nơi ở của cô bạn gái, rồi trở lại văn phòng Reuter.
Hugh vừa tắm rửa xong, định lên gường làm hoà với bạn gái thì bỗng ánh sáng ngoài cửa sổ loé lên như sét đánh, cùng với một tiếng nổ lớn và những tràng súng nhỏ. Cô bạn nhỏm dậy, như đã tin vào lời Đình từ đầu: “Bắt đầu rồi, phải không?” Hugh bị kẹt tới sáng sớm hôm sau mới trở lại văn phòng Reuter. Đang không biết ăn nói thế nào với Jim vì anh phải trải qua đêm kinh hoàng một mình, vừa nhận tin, viết tin, và tự mình gửi tin, Hugh cảm thấy thoát nạn khi Jim bảo: “Hugh tới ngay toà đại sứ Mỹ. Việt Cộng đã chiếm rồi”. Hugh phóng ra cửa, Jim nói theo: “Coi chừng bọn bắn sẻ bên kia đường”.
Trận đánh tại toà đại sứ Mỹ theo ký giả Reuter
Sau đây là lời kể của Hugh Lunn, dịch từ VIETNAM: A Reporter’s War từ trang 205 đến 210:
Tôi tạt ngang công viên đối diện Reuters để đi về phía tay mặt của con đường (Đường Thống Nhất – trước Dinh Độc Lập – chú thích của người dịch). Giống như tôi đang đi dạo vào một buổi sáng nắng ấm dưới bầu trời trong xanh, trừ âm vang của những tiếng nổ và những tràng súng máy bộc phát. Khi tôi vòng qua Thánh Đường cũ kỹ bằng gạch mầu đỏ, con đường bên ngoài Toà Đại Sứ [Mỹ] giống như một cảnh ở phim trường.
Một chiếc xe Citroen cổ lỗ đậu ngay bên ngoài, với hàng loạt lỗ đạn bắn gần chạy xéo hai bên giống như một sản phẩm của Eliot Ness: Một người Việt chết gục trên tay lái. (Eliot Ness, giới chức Mỹ nổi tiếng chống tội phạm có tổ chức như Al Capone. Mặc đầu Al Capone đã cố gắng mua chuộc nhưng không được, nhóm người của Eliot Ness được tiếng là “The Untouchables” – chú thích của người dịch). Có một chiếc xe nữa bị bắn xa hơn phía dưới, và cũng có cả một xe jeep của Quân Cảnh Mỹ, các cửa kính bị bắn vỡ tan.
Xác một VC đang được mang ra từ chiếc xe Citroen. Theo ghi nhận của Michael A. Rovedo căn cứ một phần vào “Duty Staff Log” của Tiểu Đoàn 716 Quân Cảnh Mỹ: 2:40 sáng 31 tháng 01 (mùng Hai Tết Mậu Thân), Nguyễn Văn Mười lái một xe du lịch Citroen mầu đen đi qua tòa nhà sáu tầng Đại Sứ Quán Mỹ trên Đại Lộ Thống Nhất. Anh ta mang cả một thanh kiếm Nhật để ở băng sau để lấy hên. 2:45 sáng, Đạn súng lớn bắt đầu rơi xuống thành phố. Mười lái qua lần nữa. Lần này anh hô “Tiến”! Một xe vận tải Peugeot và một xe taxi đi về phía Tây trên Đại Lộ Thống Nhất, theo bức tường phía Nam của khuôn viên rộng bốn mẫu và ngừng lại. Các công binh bắt đầu mang khí giới và khí cụ xuống, trong khi những người khác bước ra khỏi bóng tối.
————
Một bên bức tường trắng cao bọc quanh toà đại sứ sáu tầng đã bị bung ra một lỗ nhỏ làm lối vào pháo đài cho đến giờ vẫn tưởng là bất khả xâm nhập. Không thấy dấu vết của những lính gác người Việt – chòi canh nhỏ của họ ở bên ngoài trống không. Phía đường bên kia toà đại sứ có nhiều cây lớn – đàng sau mỗi cây có một người Mỹ. Nhiều người mặc quần áo ngủ, nhiều khi áo ngủ lòi ra dưới áo giáp. Họ nhắm súng M-16 về hướng toà đại sứ của mình. Phía tường trắng trước toà nhà có ba nơi bị bể bởi các loại đạn phóng.
(Hình của Viện Lịch Sử Bộ Binh Mỹ – US Army Military History Institute)
Trừ một tay bắn sẻ người ta nghĩ là đang ẩn náu trong toà nhà xây dựng dở dang phía xa tay mặt tôi, ở phía bên toà đại sứ của con đường là nơi an toàn nhất: Tất cả các toà nhà đều có tường gạch cao hay được xây sát lối đi nên không ai ở toà đại sứ có thể bắn vào điểm này. Và những lính Mỹ đang canh chừng phía đường bên kia, kể cả những người mai phục dưới những chiếc xe bị bắn, có thể chặn bất cứ ai xuống đất để bắn.
Tôi thận trọng theo tường rào xuống phía dưới, qua một Quân Cảnh Mỹ trên lề đường đang lắp thêm đạn vào súng. Gần đó hai người trong số họ nằm chết, sấp mặt trên đường. Họ đã bị bắn khi có một người Việt chặn lại, người này là Việt Cộng.
Bên cạnh xác hai binh sĩ Hoa Kỳ nằm chết ở phía trước, Quân Cảnh Mỹ nấp đằng sau một bức tường ở lối vào tòa đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn ngày đầu tiên của cuộc tấn công Tết Mậu Thân, 31 tháng 1 năm 1968
(Hình của Hong Seong-Chan/AP – nguồn: Atlantic Magazine)
(Hình của Hong Seong-Chan/AP – nguồn: Atlantic Magazine)
Mặc dầu có đầy lính tráng và súng ống, con đường này bây giờ rất yên lặng, giống như một người chiếu phim đã tắt phần âm thanh. Tôi không chắc đi bao xa nhưng tôi phải tới càng gần càng tốt, để cảm nhận được điều gì đang xẩy ra, và trở lại văn phòng để viết một bản tin. Sát tường ngay cạnh lối xe vào toà đại sứ, một nhóm người Mỹ đang nhòm quanh phía góc, súng trên cánh tay sẵn sàng nhả đạn. Một trong số họ quay sang nói với tôi là phải ra khỏi đây vì Việt Cộng ở khắp nơi, và bọn bắn sẻ, cùng với mìn. Một vài sĩ quan tôi nói truyện với cho biết Việt Cộng ở ngay trong toà nhà, nhưng không biết bao nhiêu.
Việt Cộng đã gây bất ngờ cho những người gác bằng cách đến trong những chiếc xe dân sự. Một người lính nói với tôi rằng một Việt Cộng đã bắn hai Quân Cảnh Mỹ bằng cách chặn họ lại sau giờ giới nghiêm và xin lửa hút thuốc. Tôi tới sát bức tường nhìn thẳng ra chiếc xe Citroen có đầy vết đạn thì nghe tiếng súng lại bắt đầu từ cả hai phía. Một trong nhóm binh sĩ Mỹ cùng với tôi ở gần lối vào, người bự nhất trong số họ, ghì một khẩu súng máy M-60 vào ngang hông, vừa chạy vừa bắn qua lối vào, miệng la “Tôi sẽ vào thanh toán bọn khốn kiếp này – I’m going in to get those mother-fuckers”. Nhưng anh ta chỉ chạy được chừng hai mét trên đất toà đại sứ. Sau khi anh ngã xuống, tôi vẫn còn nhìn thấy đôi bốt của anh về phía tôi ở cửa lối vào – nhưng tôi không nhìn quanh cột trụ. Tập trung hoả lực không sẩy ra vì người Mỹ không có mục tiêu để bắn. Thật mỉa mai, đại sứ quán của họ đã được thiết kế quá tốt như một pháo đài đề có thể dễ dàng chiếm lại. Chẳng ai biết bốn Cảnh Sát Việt Nam có nhiệm vụ canh gác toà nhà đang ở đâu, nhưng hai trong số ba Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ canh gác đã bị thương, và họ đã chiến đấu trong khi rút lui vào tầng trên cùng. Nhiều binh sĩ mở đường vào và chẳng bao lâu kéo được người bạn tử sĩ ra ngoài. Nằm khoảng một giờ trong khi trận đánh xẩy ra chung quanh.
Việt Cộng đánh nhau trên lãnh thổ Hoa Kỳ, tại toà đại sứ, lần đầu tiên từ khi có chiến tranh. Quân Cảnh bảo các nhà báo gần cổng tránh ra. “Có nhiều mìn ở quanh đây”, một người nói. Binh sĩ nói Việt Cộng đang giữ năm tầng dưới của toà nhà.
Tôi lẻn về văn phòng, đi sát tường, để bắt đầu giúp Pringle cạnh tranh với các hãng thông tấn khác: Việt Cộng đang trong Đại Sứ Quấn Mỹ; người Mỹ đang từ sau mọi gốc cây, chiến đấu dành lại pháo đài của mình; vẫn có một số người Mỹ còn sống bên trong; một binh sĩ cố gắng đột nhập toà đại sứ của mình bằng một khẩu súng máy. Và vẫn chưa tới giờ ăn sáng.
Bây giờ Đình đã tới được văn phòng – một chuyện thật nguy hiểm đối với một người Việt Nam trong khi trận đánh vẫn còn đang tiếp diễn khắp thành phố và người Mỹ sẵn sàng bắn bất cứ người Việt nào không mặc binh phục VNCH. May mắn cho tôi là Pringle vẫn còn bực mình vì tôi đã không trở lại đêm qua. Đình cười với anh, lắc đầu và nói: “No. No, Jim, he cannot to do” Không. Không được đâu Jim, anh ta không thể làm được. Đình đã phải đi qua khu cư xá của người Anh để tới văn phòng, nhờ đó anh có thể nói với Jim về những xác chết bên ngoài chung cư.
Sau khi viết bản tin Đình và tôi cả hai cùng trở lại mặt trận toà đại sứ. Nhưng khi chúng tôi vừa tới nơi, một lính Mỹ la to trước Đình, “OK Charlie”, rồi chĩa súng vào anh. Tôi đã chờ đợi nguy hiểm từ phía Việt Cộng, và sự bất ngờ từ phía Mỹ làm tôi cứng họng. Chỉ còn Đình đã nhanh trí la to, “I not Viet Cong, I number one anti-communist”. Tôi không phải Việt Cộng, tôi chống cộng số một. Người Mỹ hạ súng xuống, nhưng sau đó Đình nói rằng anh đã có thể nhìn thấy vẻ bối rối trên mặt anh lính Mỹ. “Vì làm sao anh ta có thể biết được? Không thể” (For how he really know? Cannot).
Hai Quân Cảnh Mỹ áp giải một Việt Cộng từ khuôn viên Toà Đại Sứ
(Hình của Don Hirst, người chụp hình của Bộ Binh Mỹ)
(Hình của Don Hirst, người chụp hình của Bộ Binh Mỹ)
Chúng tôi luồn lỏi sau từng gốc cây rồi dọc theo bức tường và, vừa lúc tới toà đại sứ, một số trong những người lính Mỹ quả cảm đã chiến đấu mở đường vào khuôn viên toà đại sứ đang mang ra một du kích quân bị bắt. Bốn lính Mỹ hùng hổ chĩa mũi súng vào lưng hắn. Khi đi qua mặt tôi, hai tay hắn giơ lên, tôi nhìn thấy vẻ mặt thách thức của hắn, rồi nhìn tới vẻ đanh lại trên nét mặt của bốn lính Mỹ. Một sĩ quan nhìn họ la lên không được bắn, giữ hắn làm tù binh. Tôi cũng đã lo một trong số họ có thể thể lẩy cò. Những bộ mặt giận dữ cho thấy họ cảm nhận thế nào khi chẳng những thấy Việt Cộng lần đầu tiên, mà còn là kẻ đầu tiên trong đám Việt Cộng đã chiếm một phần lãnh thổ Hoa Kỳ.
Sau đó ít lâu một trực thăng đáp xuống trên nóc toà đại sứ và binh sĩ bắt đầu chiến đấu mở đường xuống toà nhà, tới chỗ những người khác đang chiến đấu mở đường ra cửa trước. Chiếc trực thăng đã phải bay đi vì bị bắn lần đầu nhưng trong cố gắng thứ nhì, sức kháng cự của Việt Cộng có vẻ không còn bao nhiêu – có thể đến lúc này họ chỉ còn ít đạn, và bị mất tinh thần vì sự kiện ba thuỷ quân lục chiến đã có thể giữ vững tầng trên cùng.
Đình và tôi vội trở lại văn phòng nơi tôi đánh máy kể lại tất cả những gì chúng tôi đã nhìn thấy cho một thế giới chúng tôi tưởng tượng là đang đói tin về cuộc tấn công gây sốc. Khi chúng tôi trở lại toà đại sứ, mười chín Việt Cộng thuộc đội cảm tử bên trong đã bị giết hay bị bắt.
Lúc đó là giữa buổi sáng. Đình kéo tôi sang một bên và chỉ vào hai xác Việt Cộng nằm gần. Anh nhận xét rằng dưới bộ quần áo đen của họ là sơ mi trắng thông thường, và cả hai có đeo đồ trang sức. “Không phải Việt Cộng nông dân, mà là người Sài Gòn nằm vùng” (Not Viet Cong peasants. Saigon underground man). Đình tin rằng hai Việt Cộng này là người địa phương đã chờ đợi được gọi đi để chiến đấu cho Việt Cộng trong cuộc tấn công. “Not communist Viet Cong man, communist underground man show way”. Không phải là Việt Cộng của cộng sản, đây là cộng sản nằm vùng chỉ đường, Đình nói. Mọi người khác ở Sài Gòn bấy giờ tin rằng tất cả Việt Cộng đều từ trong rừng ra, nhưng Đình không tin như vậy. Và bây giờ tôi tin anh – cũng như đáng lẽ tôi đã phải tin anh từ đêm trước.
Nhiều nhà báo đã tới và đi trong trận này nhưng bây giờ chỉ còn vài người gần toà đại sứ. Huy hiệu của Đại Sứ Quán đã bị Việt Cộng bắn tung và nằm dưới chân lối vào. Những cánh cửa gỗ dầy mười phân bị thủng lỗ bởi hoả tiễn chống xe tăng, và bên trong, sàn nhà phủ đầy máu và mảnh vụn. Những ký giả đứng quanh quẩn, hoài nghi hơn bao giờ, không hiểu phía quân sự Mỹ sẽ nói gì bây giờ. Rõ ràng là ánh sáng đã không còn tại cuối đường hầm.
Trên toàn quốc, hầu như tại tất cả các thành phố và thị trấn tại Nam Việt nam, rất nhiều trận đánh đang diễn ra. Nơi nào đó trong Sài Gòn, Việt Cộng tại một nhà máy, tại một nghĩa trang, tại một toà nhà công sở ở Chợ Lớn, và tại trường đua. Nhưng trận đánh tại toà đại sứ là cú đấm thục mạng vào nỗ lực chiến tranh đã hao mòn của Mỹ. Ngay cà Đình cũng nói, hầu như không thể tin được, “The VC capture Pentagon East”, Việt Cộng đã chiếm Ngũ Giác Đài phía Đông.
Thật ra, vụ thất bại về tâm lý cỡ đó đã khiến bộ máy vận động quần chúng của Mỹ hoạt động ngay. Họ gọi văn phòng Reuter phủ nhận tin tức của chúng tôi nói rằng Việt Cộng đã ở bên trong toà đại sứ của họ. Tôi nói rằng chính tôi đã ở đó. Tôi mô tả cho người phát ngôn rằng Việt Cộng đã bắn ra từ trong toà nhà như thế nào và rằng toà đại sứ đã bị chính người Mỹ bắn vào vì họ không thể vào bằng cửa chính. Ông ta có vẻ nhượng bộ. Sau đó họ thay đổi câu truyện để nói rằng Việt Cộng đã vào trong nhà “nhưng không phải khu vực thực sự là toà đại sứ”, lập trường của họ suy thoái thành sự chính xác của ngữ cảnh. Nhưng người dân trên toàn thế giới, và đặc biệt là dân Mỹ, đã nhìn thấy hình ảnh, và đọc tin về Việt Cộng đã ở trong pháo đài toà đại sứ như thế nào và họ sốc, kinh hoàng: trong nhiều năm, họ đã được nghe rằng tình hình quân sự vẫn tiến triển và khá hơn mỗi tháng. Cuối cùng, thế giới đã được biết nước Mỹ đang thua cuộc chiến đầu tiên.
Việt Cộng cũng tấn công Phủ Tổng Thống đêm đó, họ gọi: “Mở cổng, chúng tôi tới giải phóng nơi này”. Tuy nhiên, họ đã không phá nổi cổng, và bị đẩy lui vào một khách sạn đang xây dở và cầm cự tại đó trong ba ngày, chống trả xe tăng và hàng trăm binh sĩ.
Võ khí đã được tàng trữ tại những chỗ như hãng làm bia tại ngoại ô Chợ Lớn, trường đua ngựa, và khu nhà máy mới xây gần phi trường từng được coi như một thành tích công nghệ hoá được kịp thời hoàn thành tại Nam Việt Nam. Cơ sở này, một nơi Việt Cộng lẩn trốn, đã bị chiến đấu cơ của chính quyền bỏ bom vài ngày sau.
Trường đua Phú Thọ ở Chợ Lớn biến thành chiến trường.
(đọc tiếp phần II)
Trận đánh tại toà đại sứ theo ký giả ABC và NBC
Theo Hugh Lunn, VC đã vào trong toà nhà chính của Đại Sứ Quán, và đã chiếm năm tầng dưới trong sáu tầng. Nhưng theo hai ký giả khác, một người là Don North làm cho ABC và NBC, và người kia là Peter Arnett làm cho AP, cũng có mặt tại chỗ, đã nghe Quân Cảnh Mỹ nói với nhau qua radio là VC đã chỉ vào được tầng dưới cùng. Sau đây là lời kể của Don North (1)
Là một ký giả của ABC và NBC News ở Việt Nam, tôi đã chứng kiến Tết và phần lớn những trận đánh, từ Khe Sanh ngày 30 tháng 1 đến Huế ngày 25 tháng 2 khi Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ trấn giữ cửa đông nam vào Thành nội, chấm dứt cuộc bao vây Huế. Nhưng chính trận đánh ở Toà Đại Sứ Mỹ sáng sớm 31 tháng 1 là vụ quan trọng nhất đã xẩy ra trong toàn cuộc chiến.
Tại một tiệm sửa xe đầy dầu mỡ ở 59 Phan Thanh Giản, ngay trước khi VC tấn công Sài Gòn, 19 công binh VC lên một chiếc xe vận tải cỡ nhỏ hiệu Peugeot và một xe taxi bắt đầu một chuyến đi ngắn tới địa điểm là Toà Đại Sứ Hoa Kỳ. Mặc quần áo mầu đen, đeo băng đỏ, họ là một phần của thành phần chọn lọc gồm 250 người thuộc tiểu đoàn công binh C-10. Hầu hết họ sinh ra tại Sài Gòn và biết rõ đường phố của một thành phố đông dân.
Hai ngày trước, những xà-cạp nặng, thường dùng đựng cà chua, cũng như những thúng đựng gạo, đã được đem đến căn nhà cạnh tiệm sửa xe. Chúng chứa đầy AK-47, B-40 hoả tiễn phóng lựu và mìn bộc phá để 19 người sẽ dùng vào chiều hôm đó. Sau nửa đêm, các chiến binh được cho biết lần đầu mục tiêu của họ là Toà Đại Sứ Mỹ. Không có mô hình mẫu địa điểm, không có chỉ thị sẽ làm gì sau khi đột nhập cơ sở, không nói gì tới cứu viện hay đường tháo lui, cũng không xác nhận đây có phải là một vụ cảm tử.
(Phần chữ nghiêng trên đây, Don North viết trong bài có tựa đề “An American Reporter Witnessed the VC Assault on the U.S. Embassy During the Vietnam War” – Một phóng viên Mỹ chứng kiến VC tấn công vào Đại Sứ Quán Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam – vào tháng Hai năm 2001, cho Vietnam eContent Feature, đăng trên Vietnam magazine. Bảy năm sau, trong một bài mang tựa đề “Tet Plus 40: US-Vietnam Turning Point” – Tết cộng 40: Khúc quanh Mỹ-Việt Nam – viết cho consortiumnews.com, đăng ngày 30 tháng 01 năm 2008 như một tường trình đặc biệt nhân kỷ niệm 40 năm vụ tấn công Tết Mậu Thân, tác giả vẫn giữ nguyên cả bài như cũ, nhưng phần trên đây được thay đổi như sau):
Vào nửa đêm, tiến tới ngày định mệnh 31 tháng 01, 1968, 15 Việt Cộng tụ tập tại một gara sửa xe đầy dầu mỡ ở 59 đường Phan Thanh Giản Sài Gòn.
Mặc pydama đen và đeo băng tay đỏ, họ là một phần của nhóm 250 người khoẻ mạnh chọn lọc của Đơn vị Biệt động J-9, trước kia được biết như là tiểu đoàn công binh C-10. Phần lớn họ sinh ra tại Sài Gòn và biết đường lối trong môt thành phố đông đúc.
Chỉ có tám trong số được huấn luyện về công binh, chuyên viên đặt và gỡ mìn và chất nổ. Bảy người khác là thư ký hay đầu bếp đã gia nhập một sứ mạng nguy hiểm chỉ vì muốn thoát khỏi sự khổ cực của cuộc sống trong rừng.
Họ sẽ được giúp bởi bốn người Việt khác, là nhân viên dân sự tại toà đại sứ, kể cả một trong những tài xế của Đại Sứ Ellsworth Bunker.
Nguyen Van Giang, được gọi là Đại Uý Ba Den, là sĩ quan chỉ huy của đơn vị J-9, đã được chỉ định hướng dẫn toán đặc công. Vào buổi sáng hôm trước cuộc tấn công, Ba Den gặp Nguyen Van De, tài xế của ông đại sứ, người này chở Ba Den trên một xe Hoa Kỳ loại station wagon đi qua toà đại sứ, chỉ cho biết đó là mục tiêu bí mật cho cuộc tấn công Tết.
Biết rõ mục tiêu, Đại Uý Ba Den bị tràn ngập bởi nhận thức là hầu như chắc chắn anh ta sẽ không thoát chết vào hôm sau.
Suy nghĩ về cái chết của mình – và vì đó là chiều ba mươi Tết – Ba Den đã uống vài chai Bia 33 tại Chợ Sài Gòn và mua một tràng pháo, như anh ta đã làm mỗi dịp Tết từ khi còn nhỏ.
Rồi Ba Den đi qua đường Trần Quý Cáp, tìm căn nhà nơi anh ta đã sống với vợ và các con sáu năm trước.
Khuya đêm ấy, anh ta nhập với đồng bọn tấn công khác tại đường Phan Thanh Giản.
Đại Uý niên trưởng Bay Tuyen trình bầy cho họ về sứ mạng và phân phát võ khí. Các công binh được chỉ thị giết bất cứ ai chống cự nhưng bắt làm tù binh bất cứ ai đầu hàng. Điềm gở là họ đã không được cho biết đường thối lui (2).
Vụ tấn công toà đại sứ có thể chỉ là một phần của tiểu đoàn công binh được chỉ định mở đầu cuộc tấn công Sài Gòn, được hậu thuẫn bởi 11 tiểu đoàn khác, tổng cộng khoàng 4.000 người. Đã có ít thời gian để thực tập. Những gì họ thiếu sót trong kế hoạch sẽ được bù đắp bởi sự khẩn trương, mục đích và sự liều mạng của cuộc tấn công.
Nhiệm vụ của tiểu đoàn sáng hôm đó là chiếm sáu mục tiêu: Đại Sứ Quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài Phát Thanh quôc gia, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Bộ Tư Lệnh Liên Quân VNCH tại Tân Sơn Nhất, và Toà Đại Sứ Phi Luật Tân. Quân tấn công sẽ giữ các mục tiêu này trong 48 giờ cho đến khi các tiểu đoàn VC vào thành phố thay thế. Những người thoát chết được thăng thưởng ngay.
Trong tất cả các mục tiêu, sự quan trọng hàng đầu của Toà Đại Sứ Mỹ là điều hiển nhiên. Mới hoàn thành ba tháng trước với phí tổn 2.6 triệu đô la, và toà nhà sáu tầng sừng sững ở Sài Gòn như một pháo đài bất khả nhập. Nó nhắc nhở sự hiện diện thường trực của Hoa Kỳ, uy tín và sức mạnh. Không cần để ý tới Nha Trang, Ban Mê Thuật hay Biên Hoà cũng bị tấn công sáng hôm đó. Hầu hết người Mỹ đọc tên những nơi này còn chưa được, nói chi đến sự quan trọng của chúng. Nhưng Đại Sứ Quán Mỹ ở Sài Gòn? Với nhiều người Mỹ, đây là trận đánh đầu tiên của chiến tranh Việt Nam mà họ biết.
Trên đường tới toà đại sứ Mỹ, một cảnh sát dân sự người Việt nhìn thấy đám công binh này đi xe không bật đèn. Nhân viên cảnh sát thuộc lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Nam Việt Nam này, vốn được gọi là chuột bạch, đã tránh phiền phức bằng cách lui vào bóng tối khi chiếc xe vận tải và taxi đi qua. Các lính công binh này cũng gặp may mắn tương tự khi đương đầu hàng phòng thủ đầu tiên tại toà đại sứ. Khi nghẹo vào Đại Lộ Thống Nhất họ chạm trán bốn cảnh sát, nhưng các vị này đã bỏ chạy không bắn một phát.
Lúc 2:45 sáng, đám lính công binh đến trước cổng chính Toà Đại Sứ, bắn súng liên thanh AK-47 và phóng lưu B-40. Bên ngoài lối vào toà đại sứ, hai Quân Cảnh Mỹ thuộc Tiểu Đoàn 716 — Spc. 4 Charles Daniel, 23 tuổi, ở Durham, N.C., và Pfc Bill Sebast, 20, ở Albany, N.Y. — bắn trả trong khi lui vào bên trong cửa thép nặng nề và khoá lại. Lúc 2:47, qua radio, họ phát đi tín hiệu 300 – mật hiệu của Quân Cảnh báo khi địch tấn công. Một tiếng nổ rung chuyển cả khu nhà khi lính công bình dùng mìn phá một lỗ khoảng một mét ở chân tường rào. Daniel nói vào radio Quân Cảnh, Tụi nó đang tới – giúp tôi! Rồi radio im bặt.
Hai lính công binh đầu tiên của Tiểu Đoàn C-10 chui qua lỗ được coi là hai thành viên cao cấp, Bay Tuyen và Ut Nho. Họ và hai Quân Cảnh Mỹ đều thiệt mạng trong cuộc cận chiến. Đám công binh còn lại có tới 40 pounds chất nổ plastic C-4, thừa đủ để phá đường vào toà nhà chính. Thiếu chỉ thị rõ ràng từ cấp chỉ huy đã bị giết, họ chốt tại các vị trí đằng sau những bồn hoa lớn hình tròn ở vườn cỏ toà đại sứ và bắn lại các lực lượng ngày càng đông bắn vào họ từ các nóc nhà bên ngoài toà đại sứ…
Lúc 3:30 sáng 31 tháng 1, chúng tôi ra khỏi Hotel Caravelle trên chiếc xe Jeep của ABC News. Mới ra khỏi đường Tự Do, cách toà đại sứ ba khu phố, ai đó, VC, quân VNCH, cảnh sát hay Quân Cảnh Mỹ, chúng tôi không rõ – đã nã một tràng liên thanh vào chúng tôi. Một vài viên đạn xuyên qua mui xe Jeep. Tôi vội tắt đèn quay xe lại khỏi tầm bắn, trở về văn phòng ABC chờ sáng.
Khi trời sáng khoảng 6 giờ, chúng tôi đi bộ tới toà đại sứ. Khi gần tới, chúng tôi có thể nghe tiếng súng liên hồi, với những vệt đạn xanh hay đỏ vẽ trên nền trời hồng.
Gần toà đại sứ, chúng tôi nhập bọn với một nhóm Quân Cảnh Mỹ đang đi về hướng cổng chính toà đại sứ. Tôi mở máy thu âm cho ABC radio trong khi Quân Cảnh chửi thề là đáng lẽ quân đội VNCH phải bảo đảm an ninh cho toà đại sứ. Quân Cảnh nói rằng phía Việt Nam đã bỏ chạy ngay sau phát súng đầu tiên.
Vệt đạn mầu xanh của VC đi ra từ khu toà đại sứ và từ tầng trên của những toà nhà bên kia đường. Vệt đạn đỏ bắn lại từ bên kia đường. Chúng tôi ở giữa hai làn đạn…
Nằm sát với các Quân Cảnh dưới máng xối sáng hôm đó, Arnett (hãng AP) và tôi đã không biết đám VC tấn công đóng ở đâu hay bắn ra từ đâu. Nhưng chúng tôi biết đó là chuyện lớn…
Nhiều Quân Cảnh chạy qua, một trong số họ cõng một tên VC. Tên này bị thương và đang chảy máu. Hắn ta mặc pydama mầu đen, và lạ thay, đeo một nhẫn hồng ngọc cỡ bự. Tôi phỏng vấn các Quân Cảnh và thu cuộc nói truyện qua radio của họ với đồng đội bên trong cổng toà đại sứ. Các Quân Cảnh nghĩ rằng VC đã đột nhập vào trong toà nhà chính, một cảm nhận sau này chứng tỏ là sai. Peter Arnett bò đi kiếm điện thoại gọi về văn phòng báo tin về nội dung cuộc đối thoại của Quân Cảnh. Lúc 7:25, căn cứ vào tin Arnett gọi về từ hiện trường, hãng AP đầu tiên phát đi bản tin nói rằng VC đã ở trong toà nhà chính. Bản tin nói rằng: “Việt Cộng tấn công Sài Gòn hôm Thứ Tư và đã chiếm một phần Đại Sứ Quán Hoa Kỳ. Quân Cảnh Mỹ tại chỗ nói họ tin rằng khoảng 20 Việt Cộng trong đội cảm tử đã ở trong Đại Sứ Quán và giữ một phần tầng một Toà Đại Sứ”.
Vấn đề liệu Việt Cộng đã ở trong toà nhà chính (chancery building) hay mới chỉ ở khuôn viên (compound) đóng vai quan trọng về biểu tượng. Tôi cho chạy lại cuốn băng hôm ấy vào năm 1968, và chắc chắn Quân Cảnh tin là VC đã trong toà nhà chính.
Một trực thăng đáp trên nóc toà đại sứ, và quân sĩ bắt đầu xuống các tầng dưới. Quân Cảnh Dave Lamborn nhận chỉ thị qua radio từ một sĩ quan trong khuôn viên: Đây là Waco. Bạn có thể vào cổng bây giờ không? Mang một lực lượng vào đó và thanh toán toà đại sứ, bây giờ. Sẽ có trực thăng trên nóc nhà và binh sĩ kéo xuống. Cẩn thận đừng bắn người nhà…
Tôi dẵm lên tấm huy hiệu Hoa Kỳ, đã bị bắn tung khỏi tường toà đại sứ gần lối vào bên cạnh. Chúng tôi chạy qua cửa chính vào trong vườn, nơi đã diễn ra một trận đẫm máu.
Trong khi các trực thăng tiếp tục đổ quân trên nóc nhà, chúng tôi ngồi với một nhóm Quân Cảnh trên bãi cỏ. Họ bắn về phía một biệt thự nhỏ trong khuôn viên toà đại sứ nơi họ nói là ổ VC cầm cự cuối cùng. Những bình hơi cay được ném qua cửa sổ nhưng hơi ga dội lại ra vườn. Đại Tá George Jacobson, phối hợp viên của phái bộ, cư ngụ ở biệt thự đó, và bất thình lình xuất hiện nơi cửa sổ ở lầu nhì. Một Quân Cảnh tung lên cho ông mặt nạ tránh ga, và một khẩu súng ngắn .45. Ba VC được cho là đang ở tầng một và sẽ phóng lên lầu để tránh hơi cay.
Tôi tiếp tục mô tả mọi sự chứng kiến vào trong máy thu âm, thỉnh thoảng khựng lại vì hơi cay. Tôi có thể đọc thẻ ID do toà đại sứ cấp trong ví của Nguyen Van De mà xác hắn nằm xõng xoài ngay cạnh tôi trên bãi cỏ. Nguyen sau này đã được nhận diện là một tài xế của toà đại sứ, thỉnh thoảng lái xe cho Đại Sứ Mỹ và từng làm tài xế tới 16 năm. Quân Cảnh nói với tôi là Nguyen Van De đã bắn họ lúc khởi đầu trận đánh và có thể hắn ta là nội tuyến cho đám tấn công.
Giữa lúc căng thẳng, tôi đã bị chia trí bởi một con cóc to, nhảy qua và làm tung toé những vũng máu đặc trên cỏ. Đó là một trong những hình ảnh không bao giờ đi khỏi và cứ trở lại bất ngờ.
Một tràng súng liên thanh khiến tôi bừng tỉnh. Tên VC cuối cùng còn hoạt động phóng lên lầu, nã súng vào Đại Tá Jacobson, nhưng bắn trật.
Sau này vị đại tá nói với tôi: Cả hai chúng tôi nhìn thấy nhau cùng lúc. Hắn bắn trật, tôi bắn thẳng vào hắn bằng một phát .45. Sau này Jacobson thú nhận rằng cô bạn gái Sài Gòn đã ở cạnh ông, và chứng kiến mọi chuyện từ đầu dưới tấm khăn trải gường.
Số thiệt mạng trong trận đánh toà đại sứ gồm có năm quân nhân Mỹ cùng với 17 trong số 19 công binh VC. Hai công binh thoát chết nhưng bị thương về sau được thẩm vấn và chuyển giao cho quân đội VNCH.
Trận đánh toà đại sứ Mỹ kể từ bên trong
Theo ký giả Reuter Hugh Lunn, vào sáng sớm Mùng Hai Tết Mậu Thân, Việt Cộng đã chiếm năm tầng dưới trong sáu tầng toà nhà chính (chancery building) Đại Sứ Quán Mỹ ở Sài Gòn. Theo ký giả Don North của ABC và NBC News, và Peter Arnett của AP, nghe qua đối thoại của Quân Cảnh trong lúc đang đánh nhau, họ nghĩ rằng VC đã vào được tầng dưới cùng của toà nhà chính. Trong khi ấy, theo báo cáo của một viên chức ngoại giao trực đêm trong toà nhà chính, VC đã không hề có mặt bên trong toà nhà này (3).
Báo cáo của ông E. Allan Wendt, một viên chức ngoại giao (Foreign Service officer) đã được viết rất chi tiết ngay sau vụ tấn công, nhưng bị xếp vào loại tài liệu mật, mãi đến ngày 04 tháng 03 năm 1981 mới được công bố lần đầu tiên bởi báo The Wall Street Journal. Sau đây là những điểm đáng chú ý trích dịch từ báo cáo của ông E. Allan Wendt:
Tôi đã ngủ trong phòng 433, khu dành cho viên chức trực, khi toà nhà rung chuyển vì một tiếng nổ lớn ngay trước 3 giờ sáng. Tôi lăn khỏi giường và chộp điện thoại. Tiếng súng máy rền vang. Tôi gọi ông Calhoun tại nhà ổng. [John A. Calhoun là giới chức phụ trách chính trị của toà đại sứ]. Trong khi tôi đang nói, một tiếng nổ khác bung vào toà nhà. Nhớ ra cần phải núp để tránh mảnh vụn trong trường hợp có bom nổ, tôi bò vào dưới gầm giường trong khi nói với ông Calhoun.
Tôi chui ra khỏi gầm gường giữa lúc [James A.] Griffin, người trực về truyền tin, đi vào và hỏi chuyện gì đang sẩy ra. Tôi nói không biết chắc, nhưng tôi nghĩ rằng toà đại sứ đang bị tấn công. Tôi vội mặc quần áo, thu góp vài vật dụng cá nhân của tôi, rồi rút lui vào phòng truyền tin bên cạnh, nơi đó an toàn hơn phòng trực và có nhiều điện thoại hơn. Chẳng ai trong chúng tôi biết rõ về cuộc tấn công hay Việt Cộng đã vào trong toà nhà chưa. Vì thế, một trong những phản ứng đầu tiên của chúng tôi là đóng cánh cửa vòm vào phòng truyền tin.
Tôi gọi nhà ông Calhoun, và đến giờ đó ông [David J.] Carpenter thuộc khối chính trị và ông [Gilbert H.] Sheinbaum, phụ tá ông Đại Sứ đã tới đấy và thiết lập bộ chỉ huy. Tôi báo cáo rằng tôi đã chuyển sang phòng truyền tin và có thể gọi tôi qua các số phụ 321 hay 322…
Súng tự động tiếp tục bắn, thỉnh thoảng xen kẽ bởi những tiếng nổ lớn mà chúng tôi nghĩ là hoả tiễn hay moọc chê. Tất cả tiếng súng và tiếng nổ có vẻ như rất gần, đến nỗi chúng tôi sợ rằng chẳng những không tránh được chuyện toà đại sứ bị đột nhập mà ngay tính mạng của chúng tôi cũng rất nguy hiểm. Thật vậy, chúng tôi nghĩ hy vọng duy nhất của chúng tôi là đóng chặt cửa vòm vào phòng mật mã rồi ở trong đó. Chúng tôi biết rằng phải có sức công phá mạnh để phá bung cửa đó, nhưng chúng tôi không loại bỏ khả thể là Việt Cộng có thể làm chuyện đó.
Sau đó chúng tôi gọi cho Thuỷ Quân Lục Chiến gác dưới tầng trệt bên trong toà đại sứ. Chính tôi nghĩ rằng có thể anh đã chết. Tôi ngạc nhiên khi anh trả lời, và rõ ràng trong tình trạng rất bối rối, anh nói rất mạch lạc. Đây là lần đầu trong rất nhiều lần đối thoại với Trung Sĩ [Ronald W.] Harper, người mà trong tình trạng khó khăn, vẫn tồn tại như là nguồn tin duy nhất của chúng tôi về những gì đang sẩy ra trong khuôn viên.
Harper nói với chúng tôi là VC đã ở trong khuôn viên nhưng không ở trong toà nhà chính của toà đại sứ. Ảnh nói anh có thể nghe chúng nói chuyện bên ngoài toà nhà. Anh không biết chúng có bao nhiêu người. Vài phút sau, Harper nói với chúng tôi anh có một Thuỷ Quân Lục Chiến bị thương ở dưới tầng trệt. Ảnh yêu cầu chúng tôi xuống mang anh thương binh lên.
Chúng tôi thận trọng xuống tầng trệt bằng thang máy. Với sự giúp sức của Trung Sĩ Harper, tôi mang anh thương binh TQLC vào thang máy. Rồi Griffin xuống giúp tôi mang anh lên tầng bốn. (Và rồi sau đó, chúng tôi luôn khoá thang máy tại chỗ, đề nếu VC có vào trong toà nhà, thì không thể bấm nút cho xuống được). Một thoáng nhìn với sợ hãi vào tầng trệt, thấy rõ nhiều thiệt hại đáng kể đã sẩy ra. Tình trạng với chỉ một TQLC còn lại có vẻ hoang vắng. Chúng tôi khiêng anh thương binh vào lầu bốn. Chân anh có vẻ bị gẫy, và rõ ràng anh đang bị sốc…
Đến giờ này, theo sự hiểu biết của tôi, sau đây là những người có mặt trong toà nhà: Tôi, Griffin, Trung sĩ Harper, Fisher [một nhân viên truyền tin của Bộ Binh] và ba nhân viên truyền tin của OSA – Office of Special Assistant, tên của CIA ở Việt Nam, tất cả là 7 người, không kể anh thương binh TQLC…
Vào 4 giờ sáng, Thiếu tá Hudson gọi. Chúng tôi cho ông biết về những gì chúng tôi đã thấy. Ông đã được biết về một TQLC bị thương và nói một trực thăng tải thương sẽ đến chở anh đi.Chúng tôi phải mang anh lên mái nhà để chờ trực thăng. Tuy nhiên, chỉ có anh TQLC gác dưới trầng trệt có chìa khoá mở hai cửa để từ tầng sáu lên nóc nhà. Chúng tôi gọi Harper là chúng tôi cần chìa khoá. Anh bảo ai đó dùng thang máy xuống, đứng ở góc để tránh đường bắn, anh sẽ ném chìa khoá vào cho. Fisher đã làm chuyện này trong vài phút…
Thiếu tá Hudson nói trực thăng sẽ đến trong 15 phút. Sau nửa giờ, chúng tôi gọi Hudson, ổng nói trực thăng tới nhưng đã phải bỏ đi, vì trúng đạn địch. Chuyện này sẩy ra vào lúc 5:30 sáng, và đó là lần đầu trực thăng định đáp…
Một trong nhiều chuyến lên mái nhà – vào khoảng 6:15 – tôi thấy một TQLC võ trang gác ở tầng lầu dưới mái nhà, bò quanh với một khẩu súng trường. Tôi hỏi làm cách nào anh tới đây được, vì tôi tưởng chỉ có một TQLC gác trong toà nhà, là người dưới tầng trệt. Ảnh nói anh vẫn ở đó… Nửa giờ sau, trở lại mái nhà, tôi được biết trực thăng đã tới, tiếp tế đạn M6, và mang anh thương binh đi… Tôi vô cùng kinh ngạc khi được biết anh TQLC và anh lính Bộ Binh đã lên trực thăng ra đi…
Trong thời gian này đã có nhiều người gọi tới toà đại sứ. Ông Philip Habib [lúc ấy là phụ tá Phó Ngoại Trưởng Hoa Kỳ] gọi hai lần từ Phòng Tình Hình toà Bạch Ốc. Một người từ cảnh sát Việt Nam muốn nói truyện với một trong các nhân viên OSA…
Một nhân viên người Việt bị bỏ lại ở phòng truyền tin không mật dưới tầng trệt gọi và xin phép được về nhà. Ông nói đã làm việc trong nhiều giờ và mệt. Tôi nói với ông ta là tôi rất buồn nhưng ông phải ở lại tại chỗ cho đến khi ngừng bắn.
Giữa khoảng 6:30 và 7 giờ. Thiếu tá Hudson gọi để nói rằng không có hạ cánh trước khi trời sáng, vì không nhìn rõ, mặc dầu có đèn trên mái nhà.
Cuối cùng, rạng đông ló dạng. Thiếu tà Hudson nói tình trạng đã trở thành nguy kịch. Chúng tôi đồng ý. Ông ấy nói kế hoạch cuối cùng là xit hơi cay vào Việt Cộng trong khuôn viên rồi hạ binh sĩ từ mái nhà xuống. Trực thăng chở hơi cay sẽ bay đi ngay. Chúng tôi gọi ngay Trung Sĩ Harper nói cho anh biết kế hoạch này. Anh nói hãy ngừng ngay việc dùng hơi cay, vì bây giờ (khoảng 7:30) Quân Cảnh Mỹ đang đánh mở đường tiến vào khuôn viên. Có thể chúng ta sẽ xịt ga vào người của mình. Tội gọi ngay lại cho Thiếu Tá Hudson. Sau 15 phút chậm trễ, ông ấy nói có thể vẫn dùng hơi ga. Có một lúc, ông ấy nói đừng lo vì kỵ binh đang tới. Tôi đã từng nghe nhiều về không kỵ làm tôi nghĩ rằng ông ấy nói chuyện nghiêm chỉnh.
Thiếu tá Hudson, có lẽ căn cứ vào những cuộc nói truyện với Trung Sĩ Harper, đã thảo một kế hoạch cho trận đánh mà ông ấy nói chúng tôi phải gặp người chỉ huy trung đội ngay sau khi binh sĩ tới nóc nhà.
Theo kế hoạch, binh sĩ sẽ kéo xuống bằng cầu thang ở hai bên toà nhà, thay vì xuống bằng thang máy, vì ngay trong đường bắn. Khi tới tầng trệt, họ sẽ dùng các lối đi bên hông để vào khuôn viên. Những cửa này khoá đối với bên ngoài, nhưng có thể đẩy mở ra từ bên trong.
Không khí tại phòng mật mã nói chung rất nghẹt thở, pha trộn với bực bội và thất vọng. Thỉnh thoảng, mức căng thẳng giảm bớt, nhưng đôi khi, một hoả tiễn nữa lại đụng tường, khiến chúng tôi trở lại với cảnh ngộ của mình. Thỉnh thoảng tiếng súng cũng thưa thớt, nhưng chẳng bao giờ được lâu.
Sau khi trời đã sáng bảnh, những chuyến lên mái nhà cho thấy nhiều trực thăng bay lượn, tuy nhiên, chảng thấy cái nào định đáp xuống. Chúng tôi chờ đợi, luôn thắc mắc tại sao không có cái nào đáp. Khoảng 8:15, tôi trở lại mái nhà. Nhân viên truyền tin của OSA đã trở lại phòng mật mã, khiến trên mái nhà không có ai. Khi bước ra khỏi thang máy ở tầng sáu, tôi đối diện một khung cảnh lạ. Trước mặt tôi là năm binh sĩ nhảy dù trong binh phục dã chiến, thuộc sư đoàn dù 101. Họ mang súng M-16, M-79 phóng lựu, lựu đạn và dao găm. Tôi hỏi vị chỉ huy trung đội. Thiếu tá [Hillel] Schwartz tiến lên, tự giới thiệu với ông tôi là viên chức trực. Ông đưa tôi một trái lựu đạn, tôi từ chối. Ông nói có thêm 30 người nữa sẽ đáp xuống trong chốc lát. Tôi giải thích là tôi biết không có VC trong toà nhà. Trong khi vị thiếu tá ghi chép, tôi vắn tắt mô tả toà nhà, nhắc lại chỉ thị dàn quân của MACV, và nói cho ông biết về tình trạng của Đại Tá Jacobson ở phía sau khuôn viên. Tôi cũng lưu ý ông trông chừng cho một nhân viên người Việt ở tầng trệt. Thiếu tá Schwartz sợ rằng thực sự có VC trong toà nhà, đã dàn quân của ông kiểm soát từng tầng một, bắt đầu từ lầu sáu.
Tôi đưa Schwartz tới tầng bốn để ông có thể gọi TQLC gác ở tầng trệt để có những tin tức mới nhất. Sau đó, ông nhập bọn với người của ông…
Rồi tôi lên mái nhà nhiều lần để đón thêm binh sĩ nhảy dù. Khoảng 45 phút sau khi Thiếu tá Schwartz tới, tôi xuống tầng trệt. Lúc ấy tiếng súng đã ngừng được một lúc.
Tôi được cho biết có 19 VC đã chết. Tôi lên lầu chuyển tin này cho Carpenter. Rồi tôi xuống nhà trở lại.
Trong khi tôi đang quan sát những tổn thất ở tầng trệt, ai đó nói Tướng [William C.] Westmoreland [Tư Lệnh quân đội Mỹ ở VN] muốn gặp tôi ở phòng gác TQLC. Tôi tới đó, và Tướng Westmoreland nói ý kiến của ông là dọn sạch toà đại sứ càng sớm càng tốt, và nhân viên trở lại làm việc vào buổi trưa. Rồi cho biết ông muốn nói chuyện với ông Habib…
Đồng nghề, dị mộng
Trở lại với câu truyện của Hugh Lunn và Phạm Ngọc Đình, theo lời kể của Hugh trong VIETNAM: A Reporter’s War. Vụ tấn công Tết Mậu Thân sẩy ra chỉ ba ngày trước khi Hugh hết hạn một năm làm việc ở Việt Nam. Vụ này khiến ngày rời Sài Gòn của anh bị trễ. Anh vui vẻ, như thoát nạn ra đi hai tuần sau Tết, trở về quê hương của mình là nước Úc, trước khi trở lại làm cho Reuters ở Singapore.
Đình ở lại, nhập ngũ theo lệnh tổng động viên sau Tết. Nhờ quen nhiều, được việc tốt. Trong thư gửi cho Hugh Lunn, dĩ nhiên viết bằng Dinglish, đề ngày 10 tháng 7 năm 1968, anh mở đầu:
Dear Gunsmoke.
Private Dinh say helo gunsmoke, I hope you are ok. After you left saigon office one month, 1 has draft military service by our government. Three months in training near Saigon 1 work secretary for battalion headquarter. every weekend returning Saigon with 24 hour holiday. Mr. Pringle and Bruce Pigott worry when 1 left office. James go to defense ministry with his application spy war. Propaganda for 1 and he very to request 1 get job defense ministry.
You know what my job. Defense ministry reporter political and war stories. 1 would like sent letter to say thanks James but 1 d’ont know where he address now, If you know, please write to me letter…
Thân chào Gunsmoke,
Binh nhì Đình có lời thăm Gunsmoke, hy vọng anh vẫn bằng an. Một tháng sau khi anh rời Sài Gòn, tôi đã nhập ngũ theo lệnh động viên của chính phủ. Ba tháng huấn luyện gần Sài Gòn tôi làm thư ký tại bộ chỉ huy tiểu đoàn. Mỗi cuối tuần đều về Sài Gòn với 24 giờ nghỉ. Ông Pringle và Bruce Pigott lo ngại khi tôi rời văn phòng. James tới Bộ Quốc Phòng với đơn xin việc tâm lý chiến. Vận động cho tôi và cố yêu cầu cho tôi được việc tại Bộ Quốc Phòng.
Anh biết công việc của tôi là gì không? Phóng viên chính trị và phóng sự chiến trường của Bộ Quốc Phòng. Tôi muốn gửi thư để cảm ơn James nhưng tôi không biết địa chỉ ông ấy bây giờ ở đâu, nếu anh biết, làm ơn viết thư cho tôi…
Lá thư Đình viết cho Hugh Lunn bằng Dinglish, chụp lại từ Vietnam: A Reporte’s War
Trong vụ Việt Cộng tấn công đợt hai vào tháng Năm, 1968, Đình thoát chết. Đáng lẽ đi với đám ký giả Anh, Mỹ và Úc vào Chợ Lớn săn tin, nhưng phút chót, trưởng phòng Reuters Tony Baker muốn anh đi cùng lên phía xa lộ Biên Hoà. Khi trở về, anh được tin bốn trong năm ký giả trên chiếc xe của báo TIME bị VC bắn chết ở Chợ Lớn, trong đó có hai người làm cho Reuters, bạn anh. Bất chấp nguy hiểm, qua mặt cả Việt Cộng, Đình tìm tới tận chiếc xe bị bắn, tự tay sờ ngực các nạn nhân, xem nếu họ chưa chết, chỉ bị thương, thì tìm cách cấp cứu. Ban quản trị Reuters đã ca tụng Đình về hành động can đảm này.
Trước tình hình cực kỳ đen tối vào tháng Tư 1975, Reuters đề nghị đưa ký giả yêu quý này rời khỏi Việt Nam. Chỉ đồng ý cho vợ con ra đi, Đình quyết định ở lại, vì theo anh “If a journalist see the beginning he must see the end”, nếu một nhà báo nhìn thấy khởi đầu, cũng phải nhìn thấy kết thúc.
Ngày 30 tháng Tư, Việt Cộng tới cửa ngõ Sài Gòn, Đình quyết định “Time go, war finished”, Đến lúc đi, chiến tranh đã chấm dứt. Tại JUSPAO, sáu xe buýt chở người Mỹ và những người Việt được Mỹ cho đi ra phi trường. Đình cố lên chiếc xe thứ nhì, nhưng Quân Cảnh Mỹ đẩy anh xuống chiếc thứ bốn. Không may là chỉ có hai chiếc đầu vào được bên trong phi trường. Theo Đình, tài xế bốn chiếc xe phía sau là Việt Cộng, cố tình làm cho hành khách lỡ chuyến đi. Anh mắc kẹt ở Sài Gòn.
Hôm sau ngày Sài Gòn đầu hàng, Đình trở lại văn phòng, thấy VC đặt súng trấn giữ trước cửa, Đình nói “Đây là văn phòng Reuter”, họ nói “Không, đây là văn phòng CIA”. Đình phải trải qua một tháng cải tạo, và tiếp tục tư cách phóng viên Reuter, nhưng mọi điều anh viết đều phải nộp để kiểm duyệt. Năm 1976, VN chính thức thống nhất, văn phòng Reuter phải ở Hà Nội, Đình được chỉ định ra Hà Nội, nhưng nhà cầm quyền cộng sản từ chối. Sau, Reuters lại chỉ định anh sang Singapore, rồi Bangkok, cũng đều bị từ chối.
Trong bốn năm, từ 1975 đến 1979, ngoài việc vẫn gửi tiền, Reuters tìm đủ cách để giúp Đình, nhưng cuộc sống của anh ngày càng khó khăn. Năm 1979, Bộ Trưởng Di Trú Úc viết cho Reuters, nói đã chấp thuận cho Đình sang Úc, như một trường hợp đặc biệt, vì anh đã làm một việc phi thường đối vói các ký giả Úc trong vụ tấn công 1968 ở Sài Gòn. Trước khi được rời Sài Gòn đi Bangkok vào tháng Năm 1980, anh còn bị công an vặn hỏi “Đã làm gì cho Úc, tại sao được đối xử đặc biệt?” Từ Bangkok đến Sydney, Đình đã được sứ quán Úc và các đồng nghiệp cũ ở Reuters đón tiếp và giúp đỡ tận tình, kể cả kiếm việc cho anh ở Úc. Anh ghi nhận: “Dinh and family born again second time by Reuter in Australia”, Đình và gia đình đã tái sinh lần thứ nhì bởi Reuter tại Úc.
Hugh Lunn viết trong VIETNAM: A Reporter’s War: Khi tôi gặp Đình ở Sydney, có một câu mà tôi muốn hỏi anh đến chết được: Làm thế nào anh đã biết vụ tấn công Tết sẽ khởi sự vào đêm tháng Giêng đó năm 1968? Anh trả lời rằng nguồn tin đó từ một nhà báo Việt Nam làm cho một tuần báo lớn nhất của Mỹ. Ông ta và Đình thường hay nói truyện trên lối đi bên ngoài Reuters.
Đình nhớ lại là đã được biết chỉ mấy giờ trước khi vụ tấn công bắt đầu. “Ông ta nhìn thấy tôi lúc 7 giờ chiều trên đường phố và nói: ‘Này Đình, có chuyện cho tin lớn sẩy ra đêm nay. Anh sẵn sàng chưa? Và tôi tin ông ta vì tôi biết ông ta có nguồn VC tốt. Ổng nói sẩy ra sau nửa đêm và chỉ có Việt Cộng đánh ở Sài Gòn. Tôi nói: ‘Khủng bố, bom, hoả tiễn?’ và ổng nói: ‘Không, hơn thế nữa’, rồi bước đi.
Sau khi Sài Gòn sụp đổ, Đình biết được tại sao bạn anh biết nhiều thế, và tại sao đã biết chính xác như thế. Ông ta sinh ra ở miền nam và sống ở đó, mặc dầu cha ông ta đã chọn tập kết ra Bắc khi Hiệp Định Genève chia đôi đất nước năm 1954 thành hai vùng cộng sản và không cộng sản; một chỉ dấu đáng lẽ CIA phải biết. Người bạn của Đình khởi đầu làm cho cơ quan thông tấn nhà nước VTX, ở đấy ông ta làm việc rất khá nên được gửi sang Mỹ học đại học về báo chí. Năm 1960 trở về làm phóng viên cho Reuters, rồi chẳng bao lâu được tiếng là người rất có khả năng. Chính ông ta đã dậy Đình nghề làm báo, bấy giờ, Đình khởi sự công việc ở văn phòng như một người đưa thư.
Năm 1965, trong khi Đình trở thành một nhà báo giỏi, một trưởng phòng Reuter cho người bạn của anh nghỉ việc, nói rằng bài viết của ông ta đọc rất giống Radio Hà Nội. Dầu sao, nhờ tiếng tốt, người ký giả này vẫn làm ăn khá như một phóng viên tự do, cho đến khi kiếm được việc tại tạp chí Mỹ. Ông ta nổi tiếng vì những hiểu biết về chính trị và quân sự, và có nguồn tốt. Đình thường than phiền, có lẽ với một chút ganh tị, là những ký giả ghé qua thường tạt vào văn phòng Reuter hỏi anh xem có biết người ký giả kia ở đâu không. Họ nói: “Tôi muốn ăn tối với ông ta”. “Hầu hết ký giả lớn của Mỹ phụ trách về chiến tranh trong thập niên 1960 biết rõ về ông ta”, theo Đình.
Ký giả này còn rất thân thiết với Tướng Ngô Du, tổng quản trị hành quân của Bộ Tham Mưu Liên Quân và là bạn thân của Bác sĩ Trần Kim Tuyến, cơ quan tình bào trung ương Việt Nam.
“Tất cả tướng lãnh quân lực VNCH đều là bạn ông ta”, Đình nói, giận dữ đập tay lên bàn. “Tất cả các tư lệnh quân đoàn, tổng tham mưu liên quân, ông ta biết mọi chuyện. Ngay cả toà đại sứ Mỹ. Ông ta có thể tới đó rất nhanh nếu muốn, bất cứ lúc nào. Ông ta gặp các tướng bất cứ giờ nào ông muốn. Và một số tướng lãnh Việt Nam, kể cả tư lệnh hành quân cấp cao, có thể gọi ông ta để hỏi ý kiến: ‘Quân ta di chuyển theo hướng này, bản đồ này, cái này và cái này’. Và ông ta có thể tới tổng tham mưu liên quân”.
Đình nói sĩ quan quân lực VNCH muốn giúp ký giả này vì họ làm việc cho Hoa Kỳ và muốn “vận động tốt” ở phía Hoa Kỳ.
Khoảng một năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, Đình gặp người bạn này trong một tiệm uống cà phê ở Sài Gòn. Đình ngạc nhiên gặp ông ta vì một tháng trước đó, vợ và bốn con ông ta đã được tờ báo ông ta làm việc cho di tản sang Mỹ. Tuy nhiên, họ đã trở lại Sài Gòn trong vòng sáu tháng. Ông ta nói với Đình là ông đã cho gia đình sang Mỹ vì “lo trúng đạn pháo kích ở Sài Gòn”, nhưng Đình cảm thấy là ông ta đã “chơi game” với CIA. Anh nói, họ đã trở về qua ngả Moscow, Bắc Kinh, và Hà Nội. Hỏi tại sao đã cho vợ con trở về trong khi rất nhiều người muốn ra đi, ông đã trả lời: “Tôi không muốn bọn trẻ trở thành Mỹ Con”.
Rồi Đình hỏi thẳng có phải ông ta là Việt Cộng trong thời gian chiến tranh. Ông đã không trả lời trực tiếp, nói rằng: “À, vài người cũng nói với tôi như thế, anh nghĩ thế nào?” và Đình nói, “Đương nhiên anh là một Việt Cộng”. Và bạn anh cười.
Sau đó, ông ta mời Đình tới nhà ông ở Sài Gòn, và Đình ngạc nhiên được biết đó là một căn nhà sang trọng từng là nhà của toà đại sứ Anh. Bây giờ Đình biết rằng anh đang cùng với một nhân vật rất quan trọng.
Ông ta nói với Đình: “Rất nhiều tin đồn nói tôi là Việt Cộng. Tôi không bao giờ chối hay nhận điều đó. Bây giờ tôi cho anh xem một tạp chí”. Rồi ông ta mở két bằng một chìa khoá, khiến Đình không bao giờ hết ngạc nhiên, đưa ra một tấm hình ông ta trong một tạp chí miền Bắc – chụp với Hồ Chí Minh. Chú thích viết: “Đồng chí [tên ông ta] với Bác Hồ”. Thời gian là 1969, năm sau cuộc tấn công Tết, trong khi ông ta vẫn làm việc như một phóng viên ở Sài Gòn.
“Vậy là ông ta đã xác nhận ông là Việt Cộng với quân hàm đại tá”, Đình nói. “Tôi ngạc nhiên. Và cũng ngạc nhiên là người phụ nữ nhiều lần tới kiếm ông ta tại văn phòng là thiếu tá Việt Cộng, ổng nói “sĩ quan liên lạc” của ông.
Với ánh mắt bỗng nhiên bốc lửa, Đình nói: “Làm thế nào Mỹ có thể thắng trận? Làm thế nào quân lực VNCH thắng trận? CIA đã làm gì? Một vài chuyện tham nhũng, chợ đen? Ông ta là người vô cùng quan trọng trong chiến tranh cho VC. Bất cứ chuyện gì ông ta có, tất cả thông tin ông ta đều có thể cho VC, nhưng, quan trọng hơn, ông ta có thể cung cấp thông tin cho những ký giả Mỹ chống chiến tranh Việt Nam”.
Đình nói rằng chắc chắn ông ta đã cung cấp tin tức cho Đại Sứ Quán Mỹ, “và không phải là tin tốt”.
Chỉ có một lý do khả dĩ tại sao người bạn của Đình đã đồng ý cho vợ con di tản sang Mỹ trước khi Sài Gòn sụp đổ là “để bỉ mặt (bullshit) CIA – ngoài ra tại sao Việt Cộng muốn đi Mỹ?”
Có lẽ điều nói nhiều về sự nhiêu khê của chiến tranh Việt Nam là, cuối cùng, không phải chính quyền Úc hay ảnh hưởng của Reuters đã đem người ký giả trung thành tên Đình ra khỏi Việt Nam mà là đại tá Việt Cộng này, người đã “bảo đảm” cho bạn và cũng là một học trò báo chí của ông ta, và dùng ảnh hưởng của mình để kiếm cho anh được hộ chiếu. Đình nhận định, Vì ông ta làm việc với tôi đã lâu, ông biết tôi không thân Mỹ, không thân cộng. Tôi chỉ tường trình. Tôi không làm gì trong chiến tranh”. Vì sự giúp đỡ này, Đình muốn không nêu rõ tên của ký giả này cũng như tạp chí của ông ta.
Gần ba chục năm sau, trong Website chính thức của mình, Hugh Lunn tiết lộ như dưới đây:
Bí mật về điệp viên Việt Nam từ 1980 bây giờ được tiết lộ năm 2014
Cuốn sách của tôi Vietnam: A Reporter’s War (xuất bản lần đầu năm 1985 và vẫn còn đang được ấn hành) kể một câu truyện về tôi và người bạn Phạm Ngọc Đình. Trong cuốn sách Đình tiết lộ rằng người bạn nhà báo tại Sài Gòn của anh là Phạm Xuân Ẩn, một thông tín viên cho Tạp chí TIME từ 1966 đến hết Chiến Tranh năm 1975, toàn thời gian này là một Đại Tá Việt Cộng (sau chiến tranh ông ta đã được thăng Tướng). Ẩn đã tự tiết lộ cho Đình biết ông ta là một điệp viên vào hôm trước ngày Đình rời khỏi Việt Nam (với dự giúp đỡ của Ẩn) vào năm 1980 – và Đình đã nói tất cả với tôi để tôi viết sách. Nhưng anh đã yêu cầu tôi giữ lại một phần bí mật của cuộc phỏng vấn cho đến sau cái chết của anh và của Đại Tá Ẩn. Vì thế, đây là điều không có trong sách của tôi:
Đình nói Đại Tá Ẩn đã mời Đình tới nhà của ông vào một hôm năm 1980 (năm năm sau khi Chiến Tranh chấm dứt) để xin giúp đỡ. Ẩn nói với Đình: “Khi ra khỏi nước anh cố gắng liên lạc với Robert Shaplen của báo New Yorker; Beverly Deepe của Newsweek; Anthony Lawrence của BBC, và nhà báo Mỹ Neil Sheehan và yêu cầu họ tìm ra một cách để mang tôi và gia đình ra đi”. Đình hỏi làm cách nào họ có thể làm điều đó và Ẩn trả lời: “Gặp tôi trên biển”.
Đình nói anh suy đoán rằng Ẩn đã đau khổ vì thiếu thực phẩm và trường học cho các con ông ta “và ông ta cảm thấy có lỗi vì đã mang trở về vợ và bốn con đã được tạp chí TIME lo cho di tản từ Sài Gòn sang New York năm tháng trước”. Đình nói: “Ẩn là người đã bảo đảm cho tôi rời Việt Nam. Ông ta chứng tỏ ông có thể bảo đảm cho tôi đi và bây giờ ông ấy chờ đợi tôi trả ơn”. Nhưng Đình quyết định không hành động như một tay sai của Đại Tá Ẩn và nói anh không bao giờ liên lạc với các ký giả đó trong khi anh và hai con trai nhỏ muốn bắt đầu trở lại ở Úc. Anh ta lo “từ cả hai phía” – “Cộng Sản Việt Nam hay CIA” (4).
***
Từ những gì đã trình bầy trong cả phần I và phần II, có thể đi tới vài ba nhận xét thú vị:
Trước hết, tìm bắt sự thật là điều rất khó. Ngay cả nhân chứng có mặt khi sự việc xẩy ra, cũng không biết tất cả sự thật. Hugh Lunn nói Việt Cộng chiếm năm trong sáu tầng toà đại sứ. Don North và Peter Arnett nói VC chiếm tầng dưới cùng. E. Allan Wendt ở bên trong toà nhà từ đầu đến cuối, nói VC chỉ ở ngoài khuôn viên, không tên nào vào được toà nhà chính. Người mù sờ voi, dĩ nhiên chỉ biết được một phần. Người sáng xem voi cũng chưa chắc đã nhìn thấy tất cả.
Thứ nhì là cuộc đời hai người họ Phạm: Hai người cùng họ, cùng là công dân VNCH, cùng làm với ký giả ngoại quốc, cùng được đồng nghiệp quý mến, cùng một thời làm cho Reuters, cùng quen biết nhiều trong chính quyền, cùng rất yêu nghề làm báo, cùng cho vợ con đi trước vào tháng Tư 1975. Khác biệt rõ ràng: Một người ít học, kém ngoại ngữ, “number one anti-communist”, thi hành nhiệm vụ quân dịch với cấp bậc binh nhì; một người học cao hơn, giỏi ngoại ngữ, làm gián điệp cho cộng sản, mang quân hàm đại tá rồi lên tướng. Đầu đời, người ít học học người học cao. Cả đời người học cao làm tay sai cho cộng sản, luôn sống thấp thỏm sợ bị bắt, hành động theo chỉ thị trên, chấp hành cả những quyết định đưa tới thiệt hại nhân mạng và tài sản cho dân, trong khi người ít học sống thẳng thắn, không sợ hiểm nguy, hành động theo lương tâm mình. Cuối đời người học cao cầu cứu người ít học; đã một lần phản bội miền Nam theo miền Bắc, giờ lại định phản bội miền Bắc ra đi, nhưng người ít học không chịu làm trái lương tâm. Giữa hai cách lựa chọn lối sống của mình, ai sáng dạ hơn ai?
Thứ ba, năm Mậu Thân, 17 trong số 19 đặc công VC tấn công Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn đã thiệt mạng, 2 người bị bắt làm tù bình. Trước Tết Bính Thân, Tổng Bí Thư mới được tái cử Nguyễn Phú Trọng, sinh năm Giáp Thân (1944), trong dịp gặp các nhân sĩ trí thức văn nghệ sĩ dịp tất niên, đã khoe thành tích lãnh đạo của Đảng Cộng Sản VN, khoe ông được Tổng Thống Mỹ tiếp tại Nhà Trắng. Đồng thời, tiệm ăn nhanh McDonald của Mỹ mở thêm nhà hàng thứ tám tại Sài Gòn. Trong khi ấy, Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius sắm Tết và chúc Tết bằng tiếng Việt, tuyên bố ăn Tết tại quê hương thứ nhì của ông là Hà Nội. Thân nhân của những người hy sinh năm Mậu Thân nghĩ gì về những cái chết này?
VC hy sinh trong vụ tấn công Đại Sứ Quán Mỹ – TBT Trọng được tiếp tại Bạch Ốc
———————-