Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Vụ FLC: Nghi vấn súng nổ, người dân vây trụ sở thị xã Sầm Sơn

-Bài 1: Hé lộ hàng loạt sai phạm của FLC tại Thanh Hoá

08:58:41 07/03/201-

(DNVN) - Bên cạnh những vấn đề gây “nóng” dư luận và người dân Thanh Hoá trong thời gian qua liên quan đến dự án xây dựng khu du lịch FLC Sầm Sơn tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá, Tập đoàn FLC tiếp tục bị phát lộ thêm nhiều sai phạm trong việc đầu tư xây dựng dự án tại đây.Theo báo cáo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Thanh Hoá ngày 05/11/2015, hàng loạt sai phạm của UBND thị xã Sầm Sơn liên quan đến dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) đã được chỉ rõ.


Ngoài việc Tập đoàn FLC phá nát hàng chục héc ta rừng phòng hộ và chiếm dụng 15,4 héc ta đất rừng phòng hộ, đất ven biển để “gộp” vào dự án được phê duyệt, công ty này cũng bị người dân “tố” tiếp tay cho cát lậu, một số đơn vị bơm hút cát trái phép để bán cho FLC san lấp mặt bằng.

Vào thời điểm thanh tra, Tập đoàn FLC ngang nhiên khai thác cát trái phép khi chưa được cấp quyền khai thác từ UBND tỉnh Thanh Hoá, với số tiền phê duyệt cấp quyền, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường lên tới hơn 2 tỷ đồng.
Ngư dân Sầm Sơn tập trung tại bến thuyền phản đối quyết định thu hồi đất giao cho FLC.

Kết luận cũng nêu rõ sai phạm của Tập đoàn FLC liên quan đến việc tự ý thi công tuyến đường Hồ Xuân Hương kéo dài, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đồng ý cho thi công. Theo đó, sau khi UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt dự án đầu tư với hạng mục đường Hồ Xuân Hương kéo dài có giá trị xây lắp trên 120 tỷ đồng, giao cho UBND thị xã Sầm Sơn làm chủ đầu tư.

Ngày 15/7/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá có Quyết định số 2603/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Gói thầu xây lắp tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, UBND thị xã Sầm Sơn đã “cầm đèn chạy trước ô tô” khi tổ chức kiểm đếm, chi trả trước một phần kinh phí cho các hộ để bàn giao mặt bằng cho Công ty FLC thi công khi chưa có quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường GPMB.

Công ty FLC đã tự lập hồ sơ thiết kế và tiến hành thi công thảm nhựa mặt đường, lát đá vỉa hè, hệ thống thoát nước, dải phân cách… khi chưa được các cấp có thẩm quyền đồng ý.
Thi công khi chưa được phê duyệt, FLC tiếp tục xây cổng bảo vệ, cấm người dân đi lại trên tuyến đường này.

Ngoài việc chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về đầu tư xây dựng nhưng đã triển khai thi công, Tập đoàn FLC còn ngang nhiên xây dựng cổng bảo vệ, chiếm trọn đoạn đường này làm “của riêng”, ngăn cấm người dân địa phương đi lại.

Nhiều người dân tại đây tỏ ra bất bình, bởi đây là công trình do UBND tỉnh giao cho UBND thị xã Sầm Sơn làm chủ đầu tư, xây dựng để phục vụ mục đích phát triển du lịch của tỉnh, nhưng không hiểu vì lý do gì, đơn vị thi công lại tự ý chiếm dụng để phục vụ mục đích riêng.

Liên quan đến các dự án của FLC tại đây, nhiều ngày qua, hàng trăm người dân tại các xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn của thị xã Sầm Sơn đã tập trung “vây” kín cổng UBND tỉnh Thanh Hoá để phản đối việc giao đất cho Công ty FLC thực hiện dự án Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương.

Một số ngư dân cho rằng, việc thu hồi đất bến thuyền của họ gây ảnh hưởng lớn tới việc đi lại, đánh bắt, chặn đường mưu sinh của họ.

Chiều qua 6/3, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Thanh Hoá phát đi công văn cho biết, vào lúc 8h sáng nay 7/3, ông Trịnh Văn Chiến – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá sẽ đối thoại trực tiếp với người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch dự án.



Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!



Vụ dân tập trung phản đối dự án FLC: “Tức nước vỡ bờ”

Thanh Hoá: Dân “vây” cổng UBND tỉnh phản đối dự án của FLC

Lãi 1.160 tỷ đồng, FLC vượt kế hoạch lợi nhuận 2015

Không phải Vingroup, FLC, BRG… ai có được khu đất vàng Cao Su Sao Vàng?

-FLC: Hiện tượng bất thường trên thị trường bất động sản và chứng khoán
Thứ ba, 11/08/2015 13:59


Dù mới “chân ướt, chân ráo” vào thị trường bất động sản nhưng CTCP Tập đoàn FLC (FLC) đã gây được tiếng vang lớn khi liên tục công bố những dự án “siêu khủng”. Bên cạnh đó, FLC cũng có lịch sử tăng vốn đến chóng mặt.

Tăng vốn chóng mặt

Tiền thân của FLC là Công ty TNHH Trường Phú Fortune được thành lập năm 2001 với số vốn điều lệ 18 tỷ đồng. Ngày 9/12/2009, công ty này đổi tên thành CTCP Đầu tư tổng hợp CRV rồi CTCP FLC (20/1/2010) và cuối cùng là CTCP Tập đoàn FLC (22/11/2010) như hiện nay.

Cổ phiếu FLC giao dịch lần đầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 5/10/2010 với khối lượng 10 triệu cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu này chuyển sàn niêm yết sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) với ngày 5/8/2013 là ngày giao dịch đầu tiên, khối lượng niêm yết 77,18 triệu cổ phiếu. Thời gian lên sàn chứng khoán chưa đầy 5 năm, FLC đã tăng vốn điều lệ lên gần 53 lần từ 100 tỷ đồng lên 5.298,7 tỷ đồng. Trong các đợt tăng vốn này, đa số FLC bán cổ phiếu cho cổ đông, đối tác chiến lược, phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Từ một doanh nghiệp với quy mô nhỏ, quá trình tăng vốn chóng mặt của FLC đã gây được tiếng vang trong giới bất động sản và trên thị trường chứng khoán. Quy mô của FLC cũng nhanh chóng vượt qua rất nhiều công ty lớn trên thị trường bất động sản.



Quá trình tăng vốn chóng mặt của FLC
M&A đất vàng và đầu tư dự án khủng

Là một công ty bất động sản non trẻ nhưng FLC có được những dự án mà nhiều doanh nghiệp trong ngành đều mơ ước. Hai năm trở lại đây, đơn vị này liên tục “thâu tóm” đất vàng, đất kim cương và trình làng hàng loạt dự án hoành tráng từ Bắc chí Nam.

Năm 2014, FLC công bố M&A hàng loạt dự án đình đám tại Hà Nội như: FLC Complex Tower tại 36 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm; FLC Star Tower tại Hà Đông; FLC Garden City tại Nam Từ Liêm. Mới đây nhất là FLC Twin Towers tại 265 Cầy Giấy với tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng.

Tại Thanh Hóa, FLC có các dự án FLC Complex Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng; Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn với tổng mức đầu tư 11.488 tỷ đồng. Tại Khánh Hòa, dự án BT xây dựng trung tâm hành chính mới của tỉnh Khánh Hòa trị giá 7.000 tỷ đồng, FLC sẽ được tỉnh này giao quỹ đất tại Khu trung tâm đô thị - thương mại - dịch vụ - du lịch Nha Trang và trụ sở các cơ quan hành của tỉnh khi dời về trung tâm hành chính mới.

Ngoài ra, FLC còn sở hữu hàng loạt khu công nghiệp (KCN) như: KCN Tam Dương II, Vĩnh Phúc rộng 185 ha, KCN Hòn La II tại Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình rộng 171,7 ha, KCN Chấn Hưng, tỉnh Vĩnh Phúc rộng 169 ha với mức đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Theo phương án phát hành cổ phiếu huy động 1.543,6 tỷ đồng từ cổ đông trong năm 2014 của FLC để tài trợ các dự án tại Sầm Sơn, Thanh Hóa thì vốn đầu tư của chủ sở hữu tại những dự án này chưa đến 30% tổng số vốn cần đầu tư. Hầu hết những dự án bất động sản của FLC đều hướng đến các dịch vụ cao cấp. Đây là lĩnh vực kinh doanh chịu khá nhiều rủi ro bởi biến động của nền kinh tế. Đặc biệt, với số vốn đầu tư chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ làm cho mức độ rủi ro càng tăng lên. Điều này cho thấy có thể FLC đang mạo hiểm với tiền cổ đông của mình bằng những dự án khủng.



FLC Complex (36 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Bất thường biến động giá cổ phiếu

Cổ phiếu FLC được niêm yết lần đầu trên HNX. Tuy nhiên, cổ phiếu FLC mới thực sự bùng nổ khi chuyển sàn giao dịch từ HNX sang HOSE luôn trở thành cổ phiếu hot trên thị trường về khối lượng lẫn giá trị giao dịch. Bình quân mỗi ngày có 10.270.240 cổ phiếu FLC được sang tay với giá trị bình quân 111,6 tỷ đồng/phiên. Theo một chuyên viên môi giới chứng khoán, FLC là một trong nhưng cổ phiếu được nhóm nhà đầu tư lớn anh đang quản lý ưa thích lướt sóng. Anh còn nhận định có nhiều “đội lái” lái cổ phiếu này. Chuyên gia chứng khoán MBA Trần Trọng Quí cũng cho rằng cổ phiếu FLC chỉ phù hợp với việc lướt sóng, mỗi thời điểm sẽ có một mức giá phù hợp.

Mặc dù giao dịch sôi động nhưng từ đầu năm đến nay cổ phiếu này lại mang nổi buồn cho nhà đầu tư khi giảm 11,63%, chỉ còn 8.100 đồng/cổ phiếu mặc dù trong giai đoạn đó thị trường bất động sản khởi sắc, hàng loạt cổ phiếu trong ngành tăng giá như NTL tăng 6,6%, KDH tăng 10,1%, VIC tăng 14,2%, PDR tăng 41,1%, DXG tăng 60%...

FLC đã tạo ra một hiện tượng hiếm có trên thị trường chứng khoán và bất động sản. Dù trong hoàn cảnh rất khó khăn của nền kinh tế và thị trường bất động sản nhưng doanh nghiệp này vẫn huy động được một số vốn rất lớn. Là một công ty non trẻ nhưng lại có được những dự án mà doanh nghiệp nhiều năm trong ngành cũng phải mơ ước. Trên thị trường, cổ phiếu này cũng đặc biệt được ưa thích với thanh khoản và sóng lớn.




FLC bị báo chí “tố” bán chui


Từ 21/7-5/8, Báo Lao động đưa tin dự án FLC Garden City chưa giải phóng mặt bằng đã bán chui! Dự án bị chính quyền đình chỉ vì vi phạm trật tự xây dựng và với người dân khi chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng. Tuy vậy, chủ đầu tư FLC vẫn liều lĩnh rao bán trái phép căn hộ biệt thự và liền kề. Điều này dẫn tới nguy cơ hàng loạt khách hàng có thể gặp rủi ro khi trót bỏ tiền mua những “căn hộ bánh vẽ” của FLC.

Hàng trăm căn biệt thự và căn hộ liền kề thuộc dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn đang được FLC rao bán. Phần đất giao thông nội thị thuộc sở hữu nhà nước nhưng FLC lập chốt kiểm soát và rao bán như phần đất của mình. Cũng tại dự án này, đang xuất hiện tranh cải bao nhiêu ha đất rừng phòng hộ đã ra đi theo khu nghỉ dưỡng ở bãi biển đẹp nhất Việt Nam?


Theo Thiên Ân (Công lý)







FLC khởi công toà nhà cao thứ 3 Hà Nội
Khởi công dự án FLC Twin Towers đầu tháng 8 tới
FLC giới thiệu biệt thự triệu “đô” tại Sầm Sơn


-Nghi vấn súng nổ, người dân vây trụ sở thị xã Sầm Sơn
Chiều 5/3, hàng trăm người dân kéo đến vây kín trụ sở công an phường Trường Sơn, tiếp đó di chuyển sang cổng UBND thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), sau khi một người dân bị côn đồ cầm súng uy hiếp ngay tại nhà riêng.


Khoảng 14h chiều 5/3, hàng trăm người dân phường Trường Sơn (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) tập trung về trụ sở công an phường la ó đòi làm rõ việc một phụ nữ trung niên bị nhóm người lạ mặt đánh trọng thương ngay tại nhà.

Hàng trăm người dân tập trung trước cổng công an phường Trường Sơn yêu cầu gải thích việc bà Thắng bị hành hung chiều 5/3. Ảnh: Lê Hoàng.


Một nhân chứng cho hay, khoảng 13h cùng ngày, ba thanh niên đến nhà riêng của ông Trần Văn Hải, trưởng bến thuyền ở khu vực Đền Độc Cước (phía Đông đường Hồ Xuân Hương) yêu cầu gia đình ký vào bản cam kết di dời bến thuyền. Ông Hải không có nhà nên vợ là bà Văn Thị Thắng tiếp chuyện. Sau ít phút trao đổi, bất ngờ nữ chủ nhà bị nhóm này đánh đập và có tiếng súng nổ tại đây.

“Tôi đang ngủ thì nghe tiếng súng nổ, bật dậy chạy sang thì thấy bà Thắng ngất xỉu, mặt mũi sưng vù, có cả máu chảy nên tức tốc gọi xe đưa đi cấp cứu”, người hàng xóm Hà Thị Hợp kể lại và cho hay một thanh niên cầm súng còn đe dọa “ai vào sẽ bắn”. Khi thấy đông người dân kéo đến, nhóm người lạ lên xe máy bỏ đi.

Người dân cho rằng bà Thắng bị hành hung có liên quan đến việc ngư dân phản đối dự án quy hoạch không gian du lịch ven biển Sầm Sơn nên sau đó kéo đến trụ sở công an phường yêu cầu làm rõ.

Hàng chục cảnh sát và lực lượng quân sự được huy động đảm bảo an ninh và vãn hồi trật tự. Mặc dù đại diện nhà chức trách nỗ lực giải thích nhưng người dân không chịu giải tán. Khoảng 15h, một số người ra giữa đường Lê Lợi ngồi la ó. Do đây là tuyến phố huyết mạch dẫn ra bờ biển nên giao thông ngưng trệ suốt nhiều giờ, cảnh sát giao thông phải phân luồng xe cộ di chuyển theo hướng khác.

Khoảng 17h, người dân ồ ạt di chuyển về trụ sở UBND thị xã Sầm Sơn, tuyến đường Lê Lợi hiện tê liệt. Ảnh: Lê Hoàng.


Gần 17h, người dân tiếp tục di chuyển về phía trụ sở UBND thị xã Sầm Sơn (cũng nằm trên trục đường Lê Lợi). Ít phút sau, cánh cổng cơ quan này được lệnh đóng lại, người dân chỉ đứng ở phía ngoài hàng rào và lòng đường tiếp tục phản ứng.

Trao đổi với VnExpress, ông Trịnh Huy Triều, Bí thư thị xã Sầm Sơn cho hay, đang ở Tỉnh ủy phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết vụ việc.

Tối 5/3, đại tá Lê Trung Hiếu, Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh Thanh Hóa) khẳng định, không có chuyện người dân bị thương hay tử vong do trúng đạn tại Sầm Sơn như người dân phản ánh. "Hiện tình hình vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan chức năng", ông Hiếu nói.

Còn người thân bà Thắng cho hay, nạn nhân bị đa chấn thương vùng đầu, mặt, đang được cấp cứu ở Bệnh viện 103.

Hơn tuần nay, người dân ở các phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn và xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn) kéo về trước trụ sở UBND tỉnh và Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu chính quyền có phương án hỗ trợ phù hợp khi thu hồi đất ven biển; dành một phần đất dọc khu vực neo đậu tàu thuyền cũ phía Đông đường Hồ Xuân Hương để bà con tiếp tục ra khơi. Dải bờ biển này đã được chính quyền tỉnh thu hồi giao cho Tập đoàn FLC cải tạo, nâng cấp phục vụ du lịch.

Trước yêu cầu bức thiết về việc để lại một phần bờ biển làm bến neo đậu thuyền bè cho bà con, chính quyền tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư vẫn chưa có ý kiến thống nhất khiến người dân tụ tập phản đối.



Căn nhà bà Thắng, nơi người dân nói nghe tiếng súng nổ. Ảnh: Lê Hoàng.


Trong các ngày 3-4/3, hàng trăm người còn tràn xuống đường nằm, ngồi la liệt trên các con phố ở trung tâm TP Thanh Hóa khiến giao thông tê liệt. Các tuyến đường Hà Văn Mao, đoạn qua cổng Tỉnh ủy Thanh Hóa, đường Lê Hồng Phong, đại lộ Lê Lợi, đoạn trước cổng UBND tỉnh được phong tỏa nghiêm ngặt. Xe cứu hỏa, cứu thương túc trực, cả trăm cảnh sát và dân quân tự vệ được huy động để đảm bảo an ninh trật tự.

Xe buýt lộ trình đi từ hướng thị xã Sầm Sơn về thành phố đều bị yêu cầu dừng hoạt động. Hệ thống loa chính quyền phát đi thông báo yêu cầu người dân giải tán, nhưng một số vẫn tụ tập. Công an Thanh Hóa đã khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng để điều tra.
Dự án quy hoạch không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương kéo dài 3,5 km, được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tháng 10/2015. Chính quyền đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu là Tập đoàn FLC. Dự kiến đến trước 15/4, dự án với tổng vốn đầu tư 315 tỷ đồng sẽ hoàn thành để phục vụ du lịch hè 2016.






-Vụ FLC: Thanh Hóa khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng

- Liên quan đến việc người dân thị xã Sầm Sơn tụ tập đông người để khiếu kiện UBND tỉnh trả lại bãi biển cho dân mưu sinh, cơ quan CSĐT công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng.

Theo cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa, trong các ngày từ 26/2 đến nay, một số người dân trên địa bàn thị xã Sầm Sơn đã kéo lên cổng trụ sở UBND tỉnh để khiếu kiện, không đồng ý với chủ trương di dời tàu thuyền, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là tập đoàn FLC triển khai xây dựng các hạng mục thuộc dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt.

Người dân tụ tập trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa


Ngày 1/3, UBND tỉnh đã có quyết định số 705 về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân trên địa bàn xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, phường Trường Sơn và phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn bị ảnh hưởng của dự án, tuy nhiên không được sự đồng thuận của nhân dân.

Một tuần qua, hàng trăm người dân đã tụ tập khiếu kiện đông người trước cổng Tỉnh ủy, UBND tỉnh và diễu hành qua một số tuyến phố trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Hành vi này đã gây cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn TP Thanh Hóa. Trong đó nhiều đối tượng quá khích đã có hành vi kích động, xô đẩy hàng rào bảo vệ, mang theo các vật dụng để gõ, hò la gây huyên náo, lăng mạ, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 3/3 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại điều 245 bộ luật Hình sự để điều tra theo quy định của pháp luật.

Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra công an Thanh Hóa đang tiến hành các hoạt động điều tra củng cố chứng cứ về hành vi phạm tội của các đối tượng để xử lý nghiêm trước pháp luật.
Lê Anh

Vụ FLC: Dân tràn ra đường đòi bãi biển
Thanh Hoá họp báo vụ dân tụ tập đòi FLC trả bãi biển
Dân tụ tập trước UBND tỉnh đòi FLC trả lại bãi biển

-












Đại lộ lớn nhất Thanh Hóa tắc nghẽn vì hàng trăm người tràn xuống đường

Chiều 3/3, đại lộ Lê Lợi đoạn giao với đường Trần Phú ở TP Thanh Hóa tê liệt do hàng trăm người dân Sầm Sơn tràn xuống phản đối chính quyền thu hồi bờ biển.


15h30 chiều 3/3, hàng trăm người dân nằm, ngồi la liệt dưới lòng đại lộ Lê Lợi, đoạn trước UBND tỉnh Thanh Hóa. Họ mang theo nhiều tấm bìa ghi những dòng chữ: “Trả lại biển cho người dân Sầm Sơn”, “Biển là của dân”…

“Chúng tôi yêu cầu chính quyền trả lại bờ biển làm nơi neo đậu tàu thuyền để ngư dân được tiếp tục ra khơi”, một người dân nói và cho hay đã có một số buổi đối thoại song nguyện vọng của bà con chưa được đáp ứng.

Đại lộ Lê Lợi là con đường lớn nhất chạy xuyên trung tâm TP Thanh Hóa. Việc ách tắc tại đây buộc phương tiện đi từ hướng chợ Vườn Hoa và từ phía Nam đi các huyện phía Bắc, phía Tây phải chuyển lộ trình, không thể đón khách… Lực lượng chức năng dùng loa thuyết phục bà con giải tán, nhưng bất thành.

Đến gần 18h, tuyến đường này vẫn tê liệt.
dai-lo-lon-nhat-thanh-hoa-tac-nghen-vi-hang-tram-nguoi-tran-xuong-duong
Hàng trăm người tràn xuống lòng đường đại lộ Lê Lợi khiến giao thông qua ngã tư bưu điện tê liệt. Ảnh: Lê Hoàng.
Ba ngày nay, người dân ở các phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn và xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn) kéo về trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa để yêu cầu chính quyền có phương án hỗ trợ phù hợp khi thu hồi đất ven biển và dành một phần đất dọc khu vực neo đậu tàu thuyền cũ phía Đông đường Hồ Xuân Hương để bà con tiếp tục ra khơi. Dải bờ biển này đã được chính quyền tỉnh Thanh Hóa giao cho tập đoàn FLC cải tạo, nâng cấp phục vụ du lịch.
Dù ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích ngư dân chuyển đổi ngành nghề, nhưng trước yêu cầu bức thiết về việc để lại một phần bờ biển làm bến neo đậu thuyền bè cho bà con, chính quyền tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư vẫn chưa có ý kiến thống nhất khiến người dân vẫn tụ tập phản đối.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn cho hay, ngoài hỗ trợ kinh tế, chính quyền đang nghiên cứu phương án giải quyết đề xuất của người dân.
dai-lo-lon-nhat-thanh-hoa-tac-nghen-vi-hang-tram-nguoi-tran-xuong-duong-1
Người dân ngồi bệt dưới lòng đường giơ cao tấm biển đòi "trả lại biển Sầm Sơn". Ảnh: Lê Hoàng.
Dự án quy hoạch không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương kéo dài 3,5 km, được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tháng 10/2015. Chính quyền đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu là Tập đoàn FLC. Dự kiến đến trước 15/4, dự án với tổng vốn đầu tư 315 tỷ đồng sẽ hoàn thành để phục vụ du lịch hè 2016. Tuy nhiên, do không đồng tình với việc thu hồi bờ biển, gây khó khăn cho việc đánh bắt hải sản, người dân ở ven biển thị xã Sầm Sơn đã nhiều lần tập trung phản đối. 
Lê Hoàng-

Tổng số lượt xem trang