Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

VN yêu cầu TQ xả nước thượng nguồn

-VN yêu cầu TQ xả nước thượng nguồn

-Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc xả nước hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong để giúp chống hạn hán ở hạ nguồn.

Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (Mekong) của Việt Nam hiện đã đến mức báo động.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mùa mưa năm nay ở miền Nam kết thúc sớm, mực nước sông Cửu Long thấp kỷ lục trong hơn 90 năm qua.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng được báo Dân Việt dẫn lời nói: "Đây là một trong những nguyên nhân khiến đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực khác trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt”.

Ông Thắng cho hay hôm thứ Năm 10/3: "Tôi đã xin chỉ đạo của Thủ tướng [Nguyễn Tấn Dũng], cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và các bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên-Môi trường về việc thúc đẩy nhanh phía Trung Quốc phối hợp xả nước hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong và đã nhận được phản hồi tích cực từ phía nước này".

Được biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc cam kết "sẽ làm việc ngay với các cơ quan liên quan để sớm có phương án xả nước hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn" để giúp Việt Nam, theo Dân Việt.

Tuy nhiên chưa rõ khi nào việc này sẽ xảy ra.

Chính phủ Việt Nam mới đây gửi công hàm tới Trung Quốc, yêu cầu nước này tăng xả nước ở các hồ chứa thủy điện với dung lượng khoảng 43 tỷ m3 để giúp Việt Nam.
Hệ thống chính trị vào cuộc
Trung Quốc xây nhiều đập ở thượng nguồn

Ủy ban sông Mekong Việt Nam cũng sẽ làm việc với bốn nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Myanmar trong Phiên họp lần thứ 43 Ủy ban Liên hợp Ủy hội Sông Mekong quốc tế từ 15/3-17/3 để yêu cầu các nước này giúp có giải pháp điều tiết nước cho đồng bằng sông Cửu Long.

Trong cuộc họp với 13 tỉnh thành hôm thứ 7/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói ''cả hệ thống chính trị cần vào cuộc" để ''hạn chế thấp nhất thiệt hại" từ đợt hạn hán và xâm nhập mặn hiện thời.

Cho tới đầu tháng, 139.000 ha lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đã thiệt hại, hàng trăm nghìn hộ dân thiếu nước ngọt sử dụng.

Các công trình đập thủy điện, thủy lợi của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong, đặc biệt là Trung Quốc, nhiều năm nay đã ảnh hưởng đáng kể tới dòng chảy của sông và các nước ở hạ nguồn, nhất là Việt Nam.

Một số đập thủy điện ở thượng nguồn tuy bị phản đối vẫn tiếp tục được xây dựng.

Theo tổ chức sông ngòi quốc tế International Rivers (IR), Trung Quốc đã xây sáu “siêu đập thủy điện” trên sông và có kế hoạch sẽ xây thêm 14 đập khác trong 10 năm tới.



-Sức ép Trung Quốc trong hội nhập Mekong

Diễn đàn Sumernet thu hút các học giả từ tất cả các nước của Tiểu vùng sông Mekong
Các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực tiểu vùng sông Mekong đang cảm thấy áp lực từ phía Trung Quốc trong hội nhập ngày càng sâu rộng trong khu vực.
Một số học giả đã nêu lên vấn đề này trong diễn đàn Summernet hàng năm diễn ra vào ngày thứ Năm 12/1 tại thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Diễn đàn Summernet, tên đầy đủ trong tiếng Anh là Sustainable Mekong Research Network, có nghĩa là mạng lưới nghiên cứu vì sự bền vững sông Mekong.

Trung Quốc nguy hiểm?

Một đại diện từ Campuchia, ông Men Prachvuthy, giám đốc điều hành của Viện Mekong Campuchia và là giảng viên khoa du lịch của Đại học hoàng gia Phnom Penh, đã làm nóng diễn đàn khi cho biết người dân nước ông đang cảm thấy áp lực rất lớn từ phía Trung Quốc.
“Tại sao làm ăn với (người) Trung Quốc lại nguy hiểm như thế?,” ông đặt vấn đề.
Sự nguy hiểm này, theo GS Prachvuthy giải thích, là người dân nước ông luôn chịu thua thiệt trong khi phía Trung Quốc lại được phần lớn lợi nhuận.
“Các doanh nghiệp Trung Quốc thường đặt lợi nhuận lên trước hết và không quan tâm gì đến công bằng xã hội hay môi trường gì cả,” ông than phiền, và cho biết thêm là nước ông đang chịu thâm thụt rất lớn trong cán cân thương mại với Trung Quốc.
Ông nói là ông đang chứng kiến dòng dịch chuyển của các doanh nghiệp Trung Quốc đến Campuchia, nơi họ tham gia trong các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và sản xuất hàng may mặc, cũng như đến các nước khác trong khu vực.
Tuy nhiên, TS Hồ Đào đến từ Trung tâm nghiên cứu chính sách của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc không đồng ý với cách đặt vấn đề của GS Prachvuthy.
“Khoảng 50 năm trước ở châu Âu người ta nói làm ăn với người Do Thái là nguy hiểm, rồi 10 năm trước người ta cũng nói về Hàn Quốc như thế,” ông phản bác.
“Đó là chuyện bình thường đối với một nền kinh tế đang phát triển và ngày càng mở rộng của Trung Quốc,” ông nói.
“Chính phủ Trung Quốc bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ cả luật lệ Trung Quốc và luật lệ của nước sở tại khi làm ăn ở nước ngoài,” ông phân trần.
TS Hồ cũng lưu ý rằng những tin tức tiêu cực về các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn ở châu Phi phần lớn là do truyền thông của châu Âu, chứ không phải của chính châu Phi, đăng tải.
“Châu Âu đang bực mình vì Trung Quốc đang hoạt động ở sân sau của họ,” ông phân tích.
Trao đổi với BBC bên hành lang diễn đàn, ông Prachvuthy nói điều ông mong muốn trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng trong khu vực là ‘lợi ích được phân chia công bằng hơn’.
“Chúng ta cần thúc đẩy tinh thần trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp,” ông nói, ám chỉ các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.

Việt Nam ở đâu?

Khu vực tiểu vùng sông Mekong
Các nước quanh lưu vực sông Mekong đang hội nhập ngày càng mạnh mẽ
Một vấn đề các học giả cũng bày tỏ sự quan ngại ở diễn đàn là các quốc gia được hưởng lợi không đều từ hội nhập khu vực. Nước mạnh thường được lợi ích nhiều hơn còn nước nhỏ yếu thì thua thiệt.
TS Trần Văn Giải Phóng thuộc khoa Kinh tế Đại học Huế nói với BBC rằng để có thể đương đầu với sức ép từ Trung Quốc, Việt Nam cần nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa chẳng hạn như giảm bớt chi phí hải quan và các ‘chi phí không tên’ khác.
Nếu vẫn không giảm được chi phí được như Trung Quốc thì Việt Nam cần phải ‘chọn cái gì mình có lợi thế so sánh so với Trung Quốc’, ông nói.
Tuy nhiên, trong tổng thể hội nhập ở khu vực tiểu vùng sông Mekong, TS Phóng cho rằng Việt Nam thuộc ‘tốp trên’, tức là các quốc gia được hưởng lợi nhiều hơn thua thiệt.
Ông dẫn chứng với việc Hoàng Anh Gia Lai, doanh nghiệp kinh doanh đồ gỗ và bất động sản, hiện nay đang có sự hiện diện rất đáng kể ở Lào và sự hiện diện rất đông đảo của các học giả Việt Nam tại diễn đàn Sumernet lần này chỉ sau nước chủ nhà Thái Lan.
Các nhà khoa học trong khu vực phải cạnh tranh với nhau gay gắt để được chọn tài trợ cho các dự án nghiên cứu của họ. Nhiều phiên họp tại diễn đàn Sumernet lần này do các học giả Việt Nam điều khiển.
TS Phóng cho biết so với lao động của các nước khác trong khu vực thì lao động Việt Nam năng động hơn, chịu khó học hỏi hơn nên bây giờ có thêm nhiều kỹ năng hơn.
Về viễn cảnh khu vực Tiểu vùng sông Mekong sẽ được kết nối chặt chẽ với Trung Quốc mà TS Hồ Đào dự báo, TS Phóng cho rằng Việt Nam cần ‘chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn lực con người’ để có thể làm lợi cho đất nước, nếu không sẽ để Trung Quốc quyết định cuộc chơi theo ý muốn của họ và ‘hưởng phần lớn miếng bánh’.
Trước đó, TS Hồ cho biết là nước ông đặt tham vọng sẽ xây đường cao tốc nối từ Quảng Châu hoặc Côn Minh đến Bangkok cũng như đến các thành phố lớn khác trong khu vực.
Về bất lợi Việt Nam trong quá trình hội nhập, TS Phóng nói rằng đó là Việt Nam ‘bỡ ngỡ’ không theo được luật chơi quốc tế do cách tư duy kế hoạch hóa tập trung đã lâu ngày khó thay đổi được một sớm một chiều.

Tiềm năng hội nhập

TS Trần Văn Giải Phóng trình bày công trình nghiên cứu
Các học giả Việt Nam đã tham gia tích cực và có vai trò nổi bật trong diễn đàn Sumernet
Các học giả tại diễn đàn nhận xét rằng quá trình hội nhập trong khu vực đang diễn ra mạnh mẽ trong khu vực mặc dù vẫn còn nhiều trở ngại.
Dẫn chứng với mô hình nông dân Lào sản xuất theo hợp đồng để cung cấp nông sản cho Thái Lan, TS Knokwan Manorom của Đại học Ubon Ratchathani của Thái Lan nhận xét rằng ‘nông dân trong khu vực đang hội nhập rất tốt’.
Trong cuộc trao đổi bên lề với BBC, TS Lê Đăng Doanh, cũng nhận định rằng tiềm năng trao đổi thương mại, đầu tư và giao lưu văn hóa trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong là ‘rất lớn’.
Hiện trạng này đặt ra nhiều vấn đề cho chính phủ Việt Nam để chủ động tham gia vào quá trình hội nhập, chẳng hạn như vấn đề lưu thông, dịch bệnh, hải quan, an ninh sẽ được kiểm soát như thế nào, ông nói.
Ông Christer Holtsberg, chuyên viên tư vấn cao cấp của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc UNEP, người đã theo dõi các diễn đàn Sumernet ngay từ đầu, cho BBC biết Ngân hàng phát triển châu Á, cơ quan đưa ra ý tưởng xây dựng tiểu vùng sông Mekong, và Ban thư ký Asean đã có những chương trình xây dựng năng lực nhằm giúp các quốc gia bị thiệt thòi có thể tận dụng hội nhập tốt hơn.
“Các chương trình này nhằm đưa giúp các quốc gia bị cô lập trong quá khứ đạt đến trình độ hiện tại,” ông nói.
Diễn đàn Summernet là nơi quy tụ các học giả từ các nước Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Miến Điện và Trung Quốc để trao đổi các công trình nghiên cứu về nâng cao cuộc sống người dân và đảm bảo sự phát triển bền vững trong khu vực.
Mục đích của diễn đàn này, vốn được khởi động từ năm 2005 với sự tài trợ của chính phủ Thụy Điển, là thúc đẩy sự hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học của năm quốc gia trong khu vực.


-------

Tổng số lượt xem trang