Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

'Hội thảo chiến tranh VN': Cơ hội để cộng đồng người Việt lên tiếng

-Đại sứ Việt Nam ở Mỹ trong ‘vòng vây’ của người biểu tình (VOA 29-4-16)

AUSTIN, TEXAS— Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh hôm 28/4 đã vấp phải sự phản đối cả trong lẫn ngoài khi tới phát biểu tại thư viện Tổng thống Lyndon B. Johnson về một chương mới trong quan hệ giữa Washington và Hà Nội.

Khi ông Vinh đọc lên một loạt các thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, nhất là khi nhắc tới chuyện nhiều người Việt có thể tiếp cận Internet, một tiếng hét “stop lying” (đừng dối trá) của một ai đó trong số hàng trăm người trong hội trường vang lên.

Trong khi đó ở bên ngoài, hàng chục người Mỹ gốc Việt vẫy cờ và hô vang nhiều khẩu hiệu phản đối, làm náo loạn cả một góc thư viện tổng thống Mỹ.

Đề cập tới mối quan hệ “từ thù thành bạn”, nhà ngoại giao Việt Nam nói hai quốc gia đã trải qua nhiều trở ngại để tiến tới mối quan hệ đối tác toàn diện như hiện nay.

Ông cũng nhắc tới chuyến thăm của người đứng đầu Nhà Trắng và chuyện cấm vận vũ khí.
Việt Nam kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, và tin rằng rào cản của quá khứ này nên được dỡ bỏ nhằm chứng tỏ sự bình thường hóa quan hệ toàn diện giữa hai nước bắt đầu hai thập kỷ trước, và mối quan hệ đối tác toàn diện diện nay.
Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.

Đại sứ Vinh nói: “Tổng thống Obama sẽ sớm tới thăm Việt Nam vào tháng tới. Hai bên đang nỗ lực chuẩn bị để bảo đảm thành công của chuyến đi. Ngày nay, Việt Nam và Hoa Kỳ có một nền móng vững chắc cho mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn".

Ông nói thêm: "Việt Nam kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, và tin rằng rào cản của quá khứ này nên được dỡ bỏ nhằm chứng tỏ sự bình thường hóa quan hệ toàn diện giữa hai nước bắt đầu hai thập kỷ trước, và mối quan hệ đối tác toàn diện diện nay”.

Không giống cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và đương kim Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đại sứ Việt Nam không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của phóng viên cũng như người tham dự.

Sau khi phát biểu xong, ông Vinh nhanh chóng đi vào cánh gà, giữa tiếng hét “freedom for Vietnam” (tự do cho Việt Nam) của một người trong hội trường.

Ban tổ chức ngay lập tức bật to lời phát biểu trước đây về Chiến tranh Việt Nam của Tổng thống Lyndon Baines Johnson, trước khi một nhóm các cựu quan chức Mỹ thảo luận về bài học từ cuộc chiến đẫm máu.

"Hòa hợp, hòa giải"
Một biểu ngữ của người biểu tình gốc Việt bên ngoài Thư viện Tổng thống Lyndon Johnson.



Nhiều tiếng đồng hồ trước khi ông Vinh tới, một nhóm người Mỹ gốc Việt khoảng vài chục người cũng đã biểu tình tại khoảng sân lớn của thư viện Tổng thống Johnson, phản đối việc ông được mời tới nói chuyện.

Nha sĩ Bryan Chu, cố vấn của Hội đồng đại diện cộng đồng người Việt ở Houston và vùng phụ cận, cho biết họ xuống đường để “chống lại sự xuất hiện của ông Vinh” cũng như “nói lên tiếng nói tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam”.

Về quá trình hòa hợp, hòa giải giữa chính phủ Việt Nam và cộng đồng người Việt lưu vong ở hải ngoại, nhất là ở Mỹ, ông Chu nói “cộng đồng sẽ không bao giờ chấp nhận”.

Ông nói: “Chúng tôi hoàn toàn chống lại vấn đề hòa giải dân tộc vì ngay cả đảng cộng sản Việt Nam họ cũng không chủ trương chuyện đó. Khi mà họ chiếm miền nam Việt Nam thì họ đã bỏ tù hàng trăm nghìn người và làm cho hàng triệu người phải bỏ xứ ra đi. Cá nhân tôi cũng là một thuyền nhân mà phải vượt biên 6 lần mới tới được Hoa Kỳ. Vấn đề hòa hợp hòa giải chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận cho tới khi nào cộng sản Việt Nam phải hủy bỏ điều 4 hiến pháp và thả tất cả các tù nhân lương tâm”.

Trong bài phát biểu của mình, đại sứ Vinh cũng đề cập tới việc Mỹ và Việt Nam hiện cũng thảo luận “những vấn đề còn khác biệt như nhân quyền”.

Hôm 27/4, cũng tại nơi ông Vinh phát biểu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Washington và Hà Nội sẽ “tiếp tục có những khác biệt về quan điểm, nhưng tin tốt lành là đôi bên trao đổi thường xuyên, thẳng thắn và hiệu quả về những điều đó”.

Việt Nam bấy lâu nay vẫn phản bác cáo buộc của các tổ chức nhân quyền về chuyện “kiểm duyệt” và “bóp nghẹt” Internet, cũng như tuyên bố không tống giam những người bất đồng chính kiến mà chỉ phạt tù những ai vi phạm pháp luật.



-'Hội thảo chiến tranh VN': Cơ hội để cộng đồng người Việt lên tiếng

AUSTIN, Texas (NV) - Thư Viện Tổng Thống Lyndon Johnson ở Austin, Texas, vừa khai mạc cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam, có tựa đề “Vietnam War Summit,” hôm Thứ Ba, 26 Tháng Tư. Hội thảo sẽ kéo dài trong 3 ngày tới ngày 28 Tháng Tư, 2016.


Hội thảo được đại học University of Texas bảo trợ, nhằm đưa ra một “cái nhìn thật sự và rõ ràng về chiến tranh Việt Nam,” theo thông báo của thư viện.


Diễn giả chính trong ngày 26 Tháng Tư là Tiến Sĩ Henry Kissinger (trái), cựu ngoại trưởng kiêm cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng Thống Richard Nixon. (Hình: Chu Văn Cương)

Theo chương trình, hội thảo có sự hiện diện của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry với tư cách diễn giả chính. Ông sẽ trình bày sự quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, về thay đổi kinh tế và xã hội của Việt Nam so với thời kỳ ông phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ và từng tham chiến ở Việt Nam.

Các diễn giả khác bao gồm Tiến Sĩ Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng kiêm cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng Thống Richard Nixon; ông Phạm Quang Vinh, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ; ông Ken Burns, một nhà sưu tầm tài liệu từng được giải thưởng; Bác Sĩ Grace Liem Galloway, cựu y tá quân y tại bệnh viện Ba Dã Chiến và Củ Chi; ông Tom Hayden, nhà hoạt động chống chiến tranh và cựu thượng nghị sĩ tiểu bang California; ông Bob Kerrey, cựu thượng nghị sĩ Hoa Kỳ; ông William McRaven, chủ tịch hệ thống đại học University of Texas và là cựu thành viên Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa Kỳ; nhà báo Peter Arnett, nhà báo Dan Rather, nhà báo David Maraniss, nhà báo Joe Klein, và hai phóng viên ảnh từng được giải Pulitzer trong thời chiến tranh Việt Nam, Nick Út và David Hume Kennerly.

Theo ông Mark K. Updegrove, giám đốc thư viện, mục đích buổi hội thảo nhằm vinh danh các nam nữ chiến binh Hoa Kỳ đã chiến đấu anh dũng tại Việt Nam đồng thời nghiên cứu sự phức tạp của cuộc chiến, để “soi ánh sáng vào cuộc chiến tranh Việt Nam, bài học và di sản của nó.”



*'Không có gì nổi bật'


Ðó là nhận xét của ông Chu Văn Cương, cố vấn tổ chức Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Houston, nói với báo Người Việt về ngày hội thảo đầu tiên mà ông tham dự.

Theo lời ông Cương, chiều 26 Tháng Tư, diễn giả chính là Tiến Sĩ Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng kiêm cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng Thống Richard Nixon, và phát biểu của diễn giả này “không có điểm gì đặc biệt.”

“Chẳng hạn, khi được hỏi bài học nào được rút ra từ cuộc chiến Việt Nam, thì ông ta (Kissinger) nói rằng đã không làm lỗi lầm gì cả và ông ta đã làm hết mình cho đất nước Hoa Kỳ. Dù rằng ông Kissinger là người đứng sau Hiệp Ðịnh Paris mà hậu quả của nó là miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản.”

Trong khi đó, theo tường thuật của ông Cương, thì phía bên ngoài hội thảo, hàng chục người Mỹ gốc Việt biểu tình mà đa số là chống ông Kissinger.

Vẫn theo nhận xét của ông Chu Văn Cương sau ngày đầu tiên của hội thảo, thì mục đích của hội thảo này là phần nhiều phục vụ cho việc làm cuốn phim tài liệu 10 tập về cuộc chiến Việt Nam của ông Ken Burns.

“Thành phần tham dự, đa số là phản chiến, hoặc thuộc đảng Dân Chủ, vì thế tôi lo ngại là cuốn phim sẽ có cái nhìn thiên lệch về cuộc chiến và có tác hại cho cộng đồng người Việt chúng ta.”





Banner về cuộc chiến Việt Nam tại hội thảo. (Hình: Chu Văn Cương)


*Cơ hội để cộng đồng lên tiếng

Từ Houston, Texas, ông Ðinh Quang Tiến, phụ tá dân biểu tiểu bang Hubert Võ, cho hay vị dân biểu này có bài phát biểu 5 phút tại hội thảo vào chiều 26 Tháng Tư.

Theo một video phổ biến trên trang Youtube, ông Ðinh Quang Tiến dịch sang tiếng Việt toàn văn bài phát biểu của Dân Biểu Hubert Võ, mà theo lời ông Tiến là nhằm cung cấp tài liệu cho các cơ quan truyền thông trong cộng đồng người Việt.

Ông Hubert Võ trong bài phát biểu của mình tại hội thảo nói rằng, “Thay mặt cho tất cả người Mỹ gốc Việt, chân thành cảm tạ và mãi mãi tri ân sự hy sinh cao cả của đồng bào Hoa Kỳ. Ðặc biệt, là sự hy sinh vô điều kiện của 58,000 chiến sĩ thuộc quân đội Hoa Kỳ và gia đình thân nhân họ. Không có sự hy sinh của họ, không có cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ.”

“Cứ mỗi lần nói chuyện về chiến tranh Việt Nam, là mỗi lần tim tôi quặn thắt lại bởi vì sự phân hóa là hậu quả đáng buồn nhất của cuộc chiến. Dù cho 41 năm trôi qua, chiến tranh Việt Nam vẫn còn là sự kiện tranh cãi và phân hóa giữa chúng ta. Chỉ thông báo về ‘Hội nghị chiến tranh Việt Nam’ thôi, đã kích động sự tranh cãi và phân hóa trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.” Vẫn theo lời vị dân biểu.

Bài phát biểu nhấn mạnh: “Chúng ta đã nói rất nhiều, đã trình bày rất nhiều về chiến tranh Việt Nam và sự hy sinh của hàng trăm ngàn chiến sĩ. Lịch sử sẽ không quan tâm và cũng không nhắc nhở hoặc nhớ đến những gì đã xảy ra trong những năm tháng qua, nhưng lịch sử sẽ không bao giờ quên những gì chúng ta thành đạt được ở tại đây, ngày hôm nay. Cái chính là chúng ta, những người còn sống sót, của thế hệ trẻ cần phải làm gì để những sự hy sinh lớn lao đó không biến theo mây khói và trở thành vô nghĩa.”

Và kết luận: “Một ngày nào đó, khi nước Việt Nam không còn dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản, không còn làm nô lệ cho ngoại bang và người dân Việt Nam thực sự có tự do và dân chủ ngày đó chúng ta sẽ không còn tranh cãi về chiến tranh Việt Nam nữa. Và ngày đó cá nhân tôi tin tưởng rằng, linh hồn của những chiến sĩ ra đi sẽ hãnh diện và mãn nguyện khi họ biết được sự hy sinh cao cả của họ đã mang đầy ý nghĩa cao đẹp cho nhân loại.”

Khi được hỏi về quan điểm riêng của mình về cuộc hội thảo, ông Ðinh Quang Tiến nói rằng, ông ủng hộ cuộc hội thảo này vì đây là cơ hội để chúng ta nói lên chính nghĩa của Quân Lực VNCH và quân đội Mỹ, là mang lại tự do, độc lập và nhân quyền cho người dân Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của nhật báo Người Việt, Bác Sĩ Ðỗ Văn Hội, chủ tịch Hội Ðồng Chấp Hành Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ, nói: “Trong ngày khai mạc, chúng tôi đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối ngay bên ngoài thư viện. Cũng trong ngày khai mạc, chúng tôi cho đăng một tuyên bố bằng tiếng Anh phản đối hội thảo, trên báo Austin Statesman. Trước đó, chúng tôi cũng gởi cho đồng hương khắp nơi một bản kiến nghị phản đối cuộc hội thảo để mọi người ký tên vào.”

Tổng số lượt xem trang