Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Nền giáo dục cấm đoán


-
10 câu nói hay nhất trong bộ phim “Nền giáo dục cấm đoán” - Phần 1: Bản chất của con người và những bất cập của nền giáo dục hiện hànhTrước tiên, xin lưu ý rằng đây là một bài phân tích chi tiết nội dung phim dựa trên những nhìn nhận của cá nhân tác giả.

Giới thiệu về phim
Nền giáo dục cấm đoán (La Educación Prohibida) là một bộ phim tài liệu tư nhân ra mắt lần đầu vào ngày 13/08/2012. Đây là bộ phim tiếng Tây Ban Nha đầu tiên được phát hành theo phương pháp gây quỹ quần chúng. Với việc phát hành cùng lúc tại 130 thành phố trực thuộc 13 nước, chỉ trong ngày đầu nó đã thu hút 18.000 lượt xem, và sau một tuần là 2 triệu lượt.
Bộ phim lấy bối cảnh là sự tàn tệ của hệ thống giáo dục Argentina, nhưng nội dung phim không dừng lại ở đó - nó phản ánh tính vô nhân đạo của hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. Nó chỉ ra rằng hầu hết những phương pháp giáo dục hiện nay đều có tổ tiên chung là hệ thống giáo dục chuyên quyền của Prussia vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, một hệ thống được tạo ra bởi những kẻ nhìn con người bằng ánh mắt dành cho khỉ diễn xiếc. Khỉ diễn xiếc chỉ biết ăn và làm những trò được bảo. Còn chúng ta, ngoài hai điều trên ra thì còn có thể mua vé đi xem xiếc thú.
Trước khi đến với 10 câu nói hay nhất trong phim
Bộ phim được chia thành 12 phần: 1 phần mở, 10 phần thân và 1 phần kết. Ở phần thân, mỗi phần phim trình bày về một phương diện của nền giáo dục hiện hành. Chúng có thể được chia thành 5 chủ đề chính:
1. Sự ra đời của trường học.
2. Sự phân bố quyền lực trong trường học.
3. Việc đánh giá xếp loại học sinh.
4. Nhiệm vụ của trường học đối với xã hội.
5. Vai trò của gia đình và giáo viên trong việc giáo dục.
Kết nối giữa các phần phim là một chi tiết trong câu chuyện giả tưởng mang tính dụng ý cao và một quote (10 câu nói hay nhất được phân tích trong bài này không phải 10 quotes ở đầu mỗi đoạn). Theo tôi, bộ phim xoay quanh hai luận điểm chính sau:
1. Cơ chế giáo dục hiện hành đang đi ngược lại với bản chất của con người, với mục đích biến con người thành công cụ để duy trì sự tồn tại của các chính phủ.
2. Tồn tại những phương pháp giáo dục khác thuận theo bản chất của con người có thể thay thế cho nó ngay từ hôm nay.
Đây cũng là nội dung chính cho hai phần của bài viết này.
Giáo dục, như hiện nay, là át chủ bài của lũ cầm quyền.
Fernando Jorquera
Tại Việt Nam, phim này đã xuất hiện từ khoảng giữa năm 2013 nhưng chưa được biết đến nhiều. Một phần vì phim chưa được quảng bá rộng rãi, nhưng phần nhiều là do thời lượng phim quá dài (136' chưa kể phần cast). Vậy nên, trong bài viết này, tôi xin được trích dẫn 10 câu nói hay nhất của phim để từ đó làm nổi bật ý tưởng chủ đạo của nó.
Trước khi đến với phần chính, tôi muốn các bạn xem qua một lần bộ phim này. Bạn cần xem qua để hiểu đôi chút về hoàn cảnh nói của những câu sắp được trích dẫn, từ đó hiểu bộ phim sâu sắc hơn :grinning:
Link youtube: https://www.youtube.com/watch?v=Np5bmrvrE4o2.
10 câu nói hay nhất trong bộ phim "Nền giáo dục cấm đoán"
1. Bản chất của con người là ham học hỏi
Đã bao giờ bạn quan sát một đứa trẻ? Hẳn là rồi. Một đứa trẻ luôn có sự tò mò và thích thú bẩm sinh với mọi thứ hiện ra trước mắt nó, và do đó, nó có xu hướng nghịch ngợm hoặc chơi đùa cùng những gì bày trước mặt. Các em mới được tới thế giới này, nên hiển nhiên vạn vật đều là mới lạ - các em luôn muốn khám phá những thứ xung quanh. Bản chất của con người là thích cái mới mẻ và thích chiếm hữu tri thức, hai điều ấy hòa quyện và thể hiện rõ nhất ở một đứa trẻ hay nghịch. Các em quan sát, cầm nắm, sờ mó, nghịch ngợm, vặn vẹo, thử nghiệm... nói chung là làm đủ trò với một thứ, nhằm tìm hiểu từng chi tiết của sự vật ấy. Và khi đã tìm hiểu xong, các em sẽ "buông tha" cho nó để đến với "nạn nhân" tiếp theo.
Người lớn cũng vậy, cũng thích cái mới mẻ và thích chiếm hữu tri thức. Trẻ em bị sửng sốt trước mọi thứ, còn chúng ta thì bị sửng sốt trước những cái độc, cái lạ. Nếu một ngày, bạn dắt một chú chó hai đầu (hiền lành) đến khu vui chơi thì hiển nhiên, các bạn của bạn sẽ xúm lại. Họ làm gì? Cũng là quan sát, sờ mó, nghịch ngợm, chơi đùa cùng, thử nghiệm... với chú chó ấy. Tại sao? Vì khi nhìn thấy chú chó kia, trong đầu ta xuất hiện vô số câu hỏi: "Hai cái đầu kia có cắn nhau không?", "Hai cái đầu có thông minh hơn một cái không?", "Hai cái đầu cùng điều khiển cơ thể à?", v.v và ta sẽ làm đủ thử nghiệm để trả lời các câu hỏi ấy.
Khoảnh khắc của sự khám phá cũng chính là khoảnh khắc của sự học hỏi.
Không đứa trẻ nào quên được khoảnh khắc ấy,
khoảnh khắc mà chúng tìm được câu trả lời cho câu hỏi "tại sao?".
Emilio Urruty
Nhìn chung, sự tò mò của trẻ em và người lớn, tuy hai mà một, cùng là trước những thứ mới lạ đối với mình. Và nếu đã là bản năng, thì chẳng cần được dạy dỗ ta cũng sẽ làm công việc khám phá rất tốt. Quan sát một đứa trẻ trong 1h và bạn sẽ nhận ra rằng: nó có đầy đủ những phẩm chất của một nhà nghiên cứu cự phách! Vì vậy, cũng đừng quá ngạc nhiên khi con bạn cầm điện thoại của bạn lên và chỉ một loáng sau đã thao tác nhanh hơn cả bạn - điều ấy được viết sẵn trong ADN của chúng ta rồi :blush:
Vậy nên, theo tôi, một nền giáo dục chân chính là nền giáo dục mà ở đó con người được tự do tham gia nhiều trải nghiệm để tìm được niềm đam mê của đời mình, và được cháy hết mình với niềm đam mê ấy đến trọn đời.
Theo tôi, nền giáo dục chân chính là nền giáo dục mà ở đó con người được tự do tham gia nhiều trải nghiệm để tìm được niềm đam mê của đời mình, và được cháy hết mình với niềm đam mê ấy đến trọn đời.
2. Giáo dục không thể bị đánh đồng với việc tới trường
Trước sự thật hiển nhiên ấy, con người từ thời cổ đại đã tạo nên những mô hình giáo dục rất tốt. Ở thời cổ Hy Lạp, những học viện tư thục do Plato đứng đầu là nơi để thảo luận và chia sẻ ý kiến. Chỉ có rất ít các trường công, và giáo dục bắt buộc chỉ dành cho nô lệ. Trong văn hóa Hy Lạp, giáo dục tại phòng tập luyện được cho là không thể thiếu. Nam giới được học đọc, viết và trích giảng văn học. Họ cũng được học hát và chơi một thứ nhạc cụ cũng như được huấn luyện để trở thành vận động viên và phục vụ quân đội. Nữ giới cũng học đọc, học viết và số học để có thể quản lý được gia đình và gần như không bao giờ được học tiếp sau thời niên thiếu. Người Hy Lạp cổ không học để có việc làm, mà để trở thành những công dân hữu ích. Hoặc là ở La Mã cổ đại, mục tiêu của giáo dục là để tạo ra các nhà hùng biện có ảnh hưởng lớn. Nền giáo dục cơ bản của nơi này bao gồm đọc, viết, và đếm, với những vật dụng bao gồm những cuộn giấy da và sách. Nhìn chung, đây đều là những nền giáo dục tự do.
Người Hy Lạp cổ không học để có việc làm, mà để trở thành những công dân hữu ích.
Tuy nhiên, vào cuối thể kỷ XVIII - đầu thể kỷ XIX, ở Prussia (nước Phổ) xuất hiện một hệ thống giáo dục mới với ba tiêu chí là đại chúng, miễn phí và bắt buộc. Nó ra đời vì lí do Hoàng gia Prussia lo sợ những cuộc nổi dậy tương tự như ở Pháp, nên đã đề bạt một số nhân vật được cho là "khai sáng" để làm hài lòng dân chúng, nhưng vẫn duy trì chế độ chuyên quyền (vậy nên sự ra đời của nó được gọi là "Chuyên Quyền Khai Sáng" - Enlightened Despotism). Hệ thống giáo dục này có những đặc điểm chính sau:
1. Phân chia học sinh theo độ tuổi.
2. Hệ thống học bậc thang, chương trình học xa rời thực tế.
3. Thời khóa biểu chặt chẽ, tách rời và khép kín.
4. Những bài kiểm tra tiêu chuẩn của hệ thống đánh giá xếp loại.
5. Cơ chế thưởng-phạt khắt khe.
Hệ thống giáo dục này hoàn toàn không muốn tạo ra những công dân thông minh hơn. Cái nó muốn, ngược lại, là một thế hệ trăm người như một và luôn sẵn sàng phục vụ chính quyền. Ngoài ra, nó còn có thể tạo ra những con người phục vụ rất tốt cho nền kinh tế công nghiệp thời bấy giờ. Một mũi tên trúng hai đích!
Hãy nhớ lại một trong ba tiêu chí của nền giáo dục mới này: sự bắt buộc. Nhắc tới sự bắt buộc mà chính phủ đặt ra, tôi nghĩ ngay tới hai thứ: thuế và nhà tù.
3. Giáo dục, một cách kinh viện, biến trường học thành ngục tù
Giáo dục mà không có tự do sẽ chỉ đem lại một cuộc sống đầy bất mãn.
Alexander Sutherland Neill
Trước hết, hãy suy nghĩ về những câu hỏi sau:
1. Tại sao chúng ta phải đi học?
2. Ai/cái gì khiến mệnh lệnh của thầy cô có trọng lượng?
3. Chẳng phải tôi đang phí phần lớn thời gian ở trường vào những việc vô ích sao?
4. Tại sao trường học phải có tường rào và bảo vệ?
Giờ ta sẽ đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên.
1.Nếu bạn sinh ra ở Prussia vào cuối thể kỷ XVIII, thì câu trả lời là: luật pháp đã quy định như vậy. Nhưng rõ ràng, bây giờ là thế kỷ XXI và bạn cho rằng nếu không cho con cái của mình đi học thì cũng chẳng ai biết và cũng chẳng chết ai (và bạn cho rằng luật cũng không bắt ép điều này?). Tuy nhiên, ta có thể thấy rõ ràng rằng, có một sư bắt buộc bất thành văn ở đây. Thay vì tuyên bố: "Tất cả những người từ 6 đến 22 tuổi đều phải đi học!" thì chính phủ đặt ra một hệ thống giáo dục đại chúng và miễn phí (ở VN thì không), kèm theo việc tuyển dụng dựa chủ yếu vào bằng cấp có được và mị dân rằng bằng cấp biểu thị cho trình độ của mỗi con người. Và thế là, ta-da!, nhà nhà đi học, người người đi học!
Những người thông minh sẽ dùng năng lực của mình để xét đoán và tuyển dụng.
Chỉ có những thằng ngu mới phải dùng đến bằng cấp để đánh giá nhau.
Châu Chấu
Tạo ra trò chơi, đặt ra luật chơi và bắt cả xã hội phải chơi trò chơi đó đã đành, thành công vượt bậc của các chính phủ là nhồi nhét được sự thán phục trước bằng cấp vào đầu dân chúng. Bây giờ bằng cấp không dừng lại ở giấy khen hay bằng cử nhân, nó được mở rộng ra tới những thứ như chứng chỉ IELTS chẳng hạn. Chẳng khó để bắt gặp một câu tựa như: "Đập cái chứng chỉ IELTS 8.0 của mày vào mặt nhà tuyển dụng cho tao!". Thử nghĩ mà xem, dù là đập cái bằng cử nhân loại khá hay chứng chỉ IELTS 9.0 vào mặt nhà tuyển dụng, tuy kết quả khác nhau, nhưng cùng một mục đích và loại hành vi phải không?
2.Chẳng cần phải tới trường, xã hội bây giờ, bản thân nó cũng đã là một nhà tù khổng lồ. Hãy ghi nhớ điều này: Giáo viên là một công chức của bộ máy lãnh đạo. Mục tiêu tối thượng của nền giáo dục hiện hành là tạo ra những công dân biết vâng lệnh chính quyền. Vậy nên chúng ta phải học cách tuân theo những quy định nhỏ nhất của những cán bộ quèn nhất (ở đây là giáo viên) từ nhỏ, đề tạo tiền đề cho sự run sợ trước những mệnh lệnh của chính quyền khi đã trưởng thành. Chính phủ là thứ chống lưng cho việc bạn phải răm rắp nghe lời giáo viên. Giờ thì bạn biết vì sao rồi đấy!
Mục tiêu tối thượng của nền giáo dục hiện hành là tạo ra những công dân biết vâng lệnh chính quyền.
3.Không chỉ cầm tù chúng ta về thể xác, nhà trường còn cầm tù chúng ta về tinh thần. Chẳng khó để nghe những lời phàn nàn về các môn Toán Lý Hóa Sinh Anh Văn Sử Địa ở trường THPT hay Triết học Marx-Lenin ở trường Đại học. Chúng ta bị nhồi nhét càng nhiều thứ càng tốt, vì các nhà giáo dục cho rằng như vậy là cần thiết. Bạn chẳng hứng thú với môn Văn, bạn không ăn nổi môn Toán, bạn ca thán về môn Sinh, bạn phát thần kinh vì môn Địa, bạn phải bịa khi viết luận Anh, bạn chỉ muốn nhanh nhanh để hết giờ Hóa, bạn nổi đóa khi đến giờ Lý, bạn bị bí khi làm bài Sử? Sầu riêng đâu chỉ mình bạn ăn, đó là nỗi sầu chung của học sinh ngày nay. Nhưng chẳng ai quan tâm cả: chính phủ muốn thế và phụ huynh các bạn cũng muốn thế, vì họ cũng là sản phẩm của một nền giáo dục cấm đoán. Các sinh vật khác thì kiếm ăn và cạnh tranh với nhau để sống, còn chính phủ của con người đã thay đổi luật lệ của tự nhiên: bạn phải học mấy thứ vô bổ kia để sống qua ngày trong cái thế giới mà họ tạo ra.
Chính phủ của con người đã thay đổi luật lệ của tự nhiên:
bạn phải học mấy thứ vô bổ kia để sống qua ngày trong cái thế giới mà họ tạo ra.
4.Sau tất cả những lý lẽ trên, bạn vẫn yêu cầu tôi phải giải thích tại sao trường học lại có tường rào và bảo vệ ư? Vẫn chưa đoán ra à mà vẫn đọc tiếp dòng này? Thế đã xem phim Đấu trường sinh tửchưa?
4. Dây chuyền sản xuất hàng loạt trong công nghiệp là một so sánh hoàn hảo với hệ thống giáo dục hiện hành
Hệ thống giáo dục hiện hành ra đời vào "khoảng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX", nghe quen quen thế nào ý nhể... Bạn đoán đúng rồi đấy! Đây cũng chính là khoảng thời gian diễn ra Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất. Và đoán xem điều gì đã xảy ra?
Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào khoảng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX,
tức là cùng thời điểm với sự ra đời của nền giáo dục hiện hành.
Trường học được tạo ra trong một thế giới bị chi phối bởi nền kinh tế công nghiệp. Vì thế, nó cố gắng đạt hiệu quả cao nhất với công sức và chi phí ít nhất có thể. Không chỉ vậy, trường học còn là đáp án hoàn hảo cho bài toán tạo ra những nhân công chất lượng. Không nghi ngờ rằng, nó hoạt động nhờ sự chống lưng của các tài phiệt công nghiệp thế kỷ XIX như Andrew Carniege, JP Morgan, John Rockefeller hay Fenry Ford. Thử hỏi, ai cung cấp tài chính cho hệ thống giáo dục bắt buộc, cũng như giúp sức cho những tổ chức giáo dục?
Trên đời này chẳng có gì là miễn phí cả.
Suy nghĩ một chút và bạn nhận ra rằng mình đang trả tiền để bị nhồi sọ.
Tôi nên làm gì với con cái của giai cấp công nhân, để về sau chúng cũng sẽ làm việc cho tôi?
Làm thế nào để tôi tuyển được những công nhân có tay nghề cao?
Giáo dục kiểu Prussia vẫn thịnh hành cho tới ngày nay, bởi lẽ nó là phương tiện để tạo ra những công nhân được việc và những người tiêu dùng đều đặn.
Dây chuyền sản xuất hàng loạt trong công nghiệp là một so sánh hoàn hảo với hệ thống giáo dục hiện hành. Sự giáo dục áp lên một đứa trẻ rất giống với quá trình sản xuất ra một sản phẩm - nó đòi hỏi các công đoạn cụ thể và bắt buộc được sắp xếp theo một trình tự mạch lạc:
- Các chuyên gia đầu ngành sẽ thiết kế nội dung học sao cho có hiệu quả cao nhất.
- Phân trẻ em vào các cấp học dựa trên độ tuổi.
- Trong từng giai đoạn, trẻ em sẽ làm việc với từng môn học cụ thể.
- Giáo viên là người chịu trách nhiệm cho những môn học bắt buộc ở những độ tuổi cụ thể.
- Sinh viên sau khi ra trường sẽ vào làm tại các nhà máy, xí nghiệp, v.v
Nói một cách uyển chuyển, đây là một hệ thống sặc mùi công nghiệp.
Nói một cách gãy gọn và thẳng thắn, đây chính là một ngành công nghiệp lấy nguyên liệu thô là trẻ em và cho ra sản phẩm là đám cử nhân thất nghiệp ngồi onl facebook.
Giáo dục không được thiết kế bởi những nhà sinh học.
Nực cười thay, cũng chẳng bởi các nhà giáo dục.
Nó được tạo ra bởi đám quan lại và tay sai - những kẻ chưa từng đứng lớp đến một lần trong đời.
Fernando Jorquera
Phương pháp của sản xuất hàng loạt trong công nghiệp là vô cùng hiệu quả. Nó hoạt động dựa trên hai tiêu chí sau:
1. Tốn càng ít thời gian và sức lực và tạo ra sản phẩm càng tốt càng tốt.
2. Để làm được điều này, cứ đánh đồng tất cả và thao tác với chúng giống hệt nhau.
Con người không còn được coi là con người, là các cá nhân. Chúng ta bị đánh đồng và giáo dục giống hệt nhau, mặc cho những khác biệt rành rành. Từ 200 năm nay, chúng ta đã bị biến thành những con số ghi trong học bạ, mà giờ chỉ cần nhìn vào đó là xã hội sẽ nói ngay bạn là người như thế nào.
Hệ thống giáo dục hiện hành miêu tả con người bằng điểm số:
sinh viên Nguyễn Văn A: Học lực 9/10; Đạo đức 9/10, thuộc loại dễ dùng, dễ sai bảo.
chẳng khác nào cách những nhà vật lý miêu tả electron bằng ba con số:
điện tích −1,602×10^−19C; khối lượng 9,1094×10^−31kg; spin ½; thuộc lớp hạt fermion.
Đã sản xuất ra sản phẩm, ắt phải có kiểm duyệt và phân loại. Các sản phẩm lỗi bị hủy hoặc đem đi sửa chữa hoặc bán rẻ. Còn những con người không phù hợp với hệ thống giáo dục sẽ phải làm những công việc bấp bênh vì họ không có bằng cấp để được làm những công việc khác.
Hệ thống giáo dục chính là một công cụ để phân chia và loại trừ giai cấp. Nó lựa chọn những người "ưu tú" hơn vào trường đại học, để rồi họ trở thành một phần của "tầng lớp quý tộc". [...] Còn những hạng người "hèn kém" hơn, những người không thích hợp với hệ thống giáo dục, sẽ "lĩnh án" bằng việc phải làm những công việc bấp bênh hơn vì họ không có bằng cấp để được làm công việc khác.
Jordi Mateu
Nếu không xét đến tính vô nhân đạo thì quả thực, hệ thống giáo dục này là một phát minh kiệt xuất! Nó sinh ra vốn để thao túng con người và khiến con người yêu chính quyền nhiều hơn yêu cha mẹ. Nhưng không dừng lại ở đó, nó còn tạo ra những nhân công chất lượng cho nền kinh tế công nghiệp. Mũi tên Giáo dục đã cùng lúc bắn trúng hồng tâm của hai tấm bia Chính trị và Kinh tế! Điều đó giải thích vì sao nhiều nước "học tập và làm theo tấm gương Prussia" tới vậy...
Nếu không xét đến tính vô nhân đạo thì quả thực, hệ thống giáo dục này là một phát minh kiệt xuất!
[...] Mũi tên Giáo dục đã cùng lúc bắn trúng hồng tâm của hai tấm bia Chính trị và Kinh tế!
5. Chúng ta đang sống trong một xã hội của sự tự lừa dối
Đã hơn 200 năm kể từ khi hệ thống giáo dục của Prussia ra đời. Theo suy đoán của tôi, đã có ít nhất là 7 thế hệ bị tẩy não và nhồi sọ bởi hệ thống này (và các biến thể ác ôn của nó). Không lạ gì khi chúng ta đã lạc dấu với tự nhiên và quên bẵng mất thứ mình đang tìm kiếm. Chúng ta đang tự lừa dối bản thân để tin vào những thứ mà chính quyền muốn chúng ta tin vào:
  1. Rất có thể, bản thân những chính phủ bây giờ đang bị chính phủ thời xa xưa lừa rằng mình phải tiếp tục phát huy nền giáo dục "tân tiến" này. Nhưng cũng rất có thể là họ thừa hiểu nhưng lờ đi, ai mà biết được. Nói vui vậy thôi, chứ nếu ngu vậy họ đã chẳng trở thành các chính trị gia. Hay là, các chính trị gia đều là những thằng ngu nhỉ? Thôi kệ đi ~
  2. Tôi thiết nghĩ, các nhà giáo dục khi còn đi học cũng nghĩ giáo dục là như thế này, và tự nhủ sẽ phải cống hiến hết mình cho nền giáo dục ấy. Ngu dốt + Nhiệt tình = Phá hoại (tất nhiên, tôi không gộp những nhà giáo dục tiến bộ sẽ được đề cập ở Phần 2 vào đây).
  3. Các giáo viên vốn đâu muốn dạy chúng ta theo cách chúng ta đã và đang được họ day. Chẳng qua họ bị chính quyền ép phải làm vậy. Trường học đối xử với học sinh như thế nào, thì chính phủ đối xử với giáo viên y thế. Họ chỉ còn cách nhắm mắt làm ngơ, và dần dần thì điều ấy trở thành thói quen vô thức của họ. Đến một ngày, họ sẽ tưởng rằng bản chất của việc dạy học là như vậy.
  4. Các phụ huynh thường hay định hướng con mình để mai sau chúng dễ kiếm được việc làm, hoặc thực hiện nốt ước mơ còn dang dở của bản thân. Tuy nhiên, điều này chỉ khiến các em có một tuổi thơ ngày càng dữ dội và thích chơi trội hơn mà thôi. Tôi hiểu những điều ấy cũng chỉ xuất phát từ tình yêu thương con cái và có thể thông cảm, nhưng hậu quả thì các em vẫn là những người phải gánh đầu tiên.
    Thiếu hiểu biết + Yêu thương mù quáng = Hại đời con cái.
  5. Học sinh bị nhồi nhét quá nhiều tư tưởng về bằng cấp và việc làm nên nghĩ rằng mình chỉ cần có được tấm bằng là đã thuộc tầng lớp cao quý hơn trong xã hội rồi. Tuy chẳng thích hệ thống giáo dục chút nào nhưng nếu được điểm tốt thì chúng ta vẫn thấy vui vui phải không? Nếu thực sự thấu hiểu nền giáo dục này, thì ta sẽ thấy rằng điểm số và bằng cấp chỉ là những thứ phù du. Dù được điểm cao hay thấp thì tôi cũng chẳng quan tâm, còn bằng Tiến sĩ thì dễ thôi, 200tr/cái. Thế mà, tất cả vẫn lao đầu vào học ôn và thi Đại học, cũng chỉ để kiếm một chỗ ngủ tốt trong giảng đường. Ngày sinh viên tốt nghiệp cũng chính là ngày họ thất nghiệp. Tôi nghĩ họ nên đổi tên "Lễ tốt nghiệp" thành "Lễ thất nghiệp", na ná nhau cả :unamused:
Có một câu nói đùa thế này:
Học xong Đại học mà vẫn chưa có việc làm thì hãy học lên Thạc sĩ; nếu vẫn chưa có, hãy học lên Tiến sĩ; và nếu vẫn chưa có, hãy đi làm Ca sĩ. Cuối cùng, nếu không thể làm Ca sĩ thì bạn vẫn có thể trở thành một Liệt sĩ.
Chắc người nói câu trên sống ở thời chưa có đa cấp.

Vậy tóm lại, giải pháp thay thế cho hệ thống giáo dục của Prussia là gì?
Đón đọc Phần 2 :grin:

Bonus cho Phần 1: Bài luận của Martin và Alicia :kissing_smiling_eyes:
Nền giáo dục cấm đoán
Hiện nay, giáo dục là cấm đoán.
Rất ít những kiến thức được học trong trường là thực sự quan trọng.
Những thứ cần thiết lại không thể tìm thấy trong sách.
Làm sao chúng em có thể đối mặt với cuộc sống đây?
Làm sao chúng em có thể đối mặt với khó khăn đây?
Chúng em không biết, và cũng không được ai dạy.
Các thầy cô luôn mồm nói về giáo dục, về cải cách, về tự do, về dân chủ và về một thế giới muôn phần tốt đẹp. Nhưng những thứ ấy tuyệt nhiên không tồn tại trong lớp học. Chúng em được dạy dỗ để sống xa cách các bạn và để tranh đấu cho những mục tiêu vô nghĩa.
Bố mẹ và thầy cô, chẳng ai thèm lắng nghe chúng em.
Các người chưa từng hỏi ý kiến chúng em đến một lần.
Các người không thèm quan tâm tới việc chúng em nghĩ gì, cảm thấy thế nào và muốn làm điều gì.
Hẳn sẽ vô cùng tuyệt vời nếu chúng em được quyết định sáng mai có đặt chuông báo thức hay không.
Việc đi học phải là lựa chọn của chúng em, không phải của bố mẹ.
Trường học phải là một nơi yên bình và tràn đầy niềm vui.
Học sinh được thoải mái chơi đùa và cảm thấy tự do vì tất cả được lựa chọn sẽ học cái gì và học nó như thế nào.
Hãy dạy cho chúng em rằng mọi chuyện đã có thể khác, bằng những ví dụ cụ thể; rằng những gì các người đang áp đặt là mong muốn của các người chứ không phải của chúng em; và rằng trừ phi thay đổi, chúng em sẽ tiếp tục thất bại trong cuộc sống.
Vì tất cả những điều đó, chúng em muốn nói: "Như thế là quá đủ rồi!".
Đừng cứ quyết định thay chúng em nữa!
Đừng đánh giá xếp loại và phân cách chúng em nữa!
Không một khóa học, kỳ thi hay bằng cấp nào có thể hiểu chúng em.
Chúng em có quyền quyết định mình sẽ trở thành người như thế nào, sẽ làm gì và cảm thấy ra sao.
Giáo dục bây giờ chẳng là gì khác ngoài sự cấm đoán.
Chúng em không học vì mình, vì cha mẹ hay vì giáo viên.
Chính quyền muốn giáo dục chúng em thành một lũ ngu đần.
Mọi người chọn gì? Thờ ơ hay lắng nghe chúng em?
Mọi người sẽ chỉ chăm chăm tới mục đích, hay sẽ chú trọng vào những gì chúng em phải trải qua?
Mọi người sẽ giữ mọi thứ như cũ, hay sẽ thay đổi?
Giáo dục không cần được cải cách. Nó cần phải được thay thế, bằng sự tự do.
Giáo dục không cần được cải cách. Nó cần phải được thay thế, bằng sự tự do.

Trung Hiếu--

Tổng số lượt xem trang