Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Chuyện lạ ở Cao Bằng: Làm chuồng gà cũng phải... xin phép

-Chuyện lạ ở Cao Bằng: Làm chuồng gà cũng phải... xin phép
12/06/2016 09:33 GMT+7

TTO - Bị chủ tịch phường Sông Bằng buộc phải làm thủ tục xin phép khi xây chuồng gà nhưng khi ông Hoàng Quảng Uyên làm đơn thì Phòng Quản lý đô thị không giải quyết.


Công văn của Phòng QLĐT TP Cao Bằng từ chối cấp phép xây dựng chuồng gà cho ông Uyên và bản vẽ xây dựng... chuồng gà


Nhà văn Hoàng Quảng Uyên (tên thật Hoàng Dương Quý, sống ở Cao Bằng) đang rất bức xúc về việc các cơ quan chức năng không trả lời dứt khoát chuồng gà và hàng gạch giữ đất mà ông muốn xây có thuộc diện phải cấp phép hay không?

Trong khi đó, chính quyền sở tại yêu cầu xây một viên gạch có vữa đã phải xin phép, dẫn đến việc “công trình” bị ngưng trệ đến nay đã gần 2 tháng.

Xây tường gạch 25cm cũng phải xin phép

Trong thư ngỏ gửi ông Nguyễn Hoàng Anh, bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, ông Uyên cho biết ngày 13-4, ông xây một hàng gạch cao 25cm, dài 45m để giữ đất khỏi đổ ở thửa đất mà ông có giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Theo ý định ban đầu của ông Uyên, sau khi xây xong tường gạch sẽ làm một cái chuồng gà. Trong lúc thi công, ông Lê Hồng Hà - chủ tịch UBND P.Sông Bằng, TP Cao Bằng - dẫn cán bộ đến yêu cầu ngừng vì không có giấy phép.

“Tôi có thắc mắc xây một hàng gạch cao 25cm vẫn phải xin phép ư, ông chủ tịch phường cho biết dù là xây chuồng gà chuồng lợn hay một viên gạch có vữa đều phải xin phép. Tôi mới phải đi xin giấy phép xây một hàng gạch và cái chuồng gà” 
- ông Uyên nói.

Trong hồ sơ mà ông Uyên gửi tới Tuổi Trẻ có nhiều văn bản của Phòng quản lý đô thị (QLĐT) TP Cao Bằng và UBND P.Sông Bằng trao đổi về việc có cấp phép cho ông Uyên xây chuồng gà và hàng gạch hay không!

Đến ngày 
25-5, Phòng QLĐT có văn bản cho biết: “Quy định hiện hành không nêu rõ, không hướng dẫn cụ thể với loại công trình này.

Phòng QLĐT đã trao đổi và đề nghị Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng Cao Bằng kiểm tra thực tế hiện trạng và hướng dẫn Phòng QLĐT có cơ sở giải quyết. Trong thời gian chờ đợi đề nghị ông Hoàng Quảng Uyên không tự ý thi công công trình nêu trên”.

Xin xây hàng gạch, chuồng gà: 4 cơ quan giải quyết

Theo ông Uyên, khi gửi đề nghị đến UBND phường đề nghị cấp phép xây dựng hàng gạch và chuồng gà, ông đã nghĩ không thể nào có chuyện lạ kỳ này.

“Nhưng ông chủ tịch phường lại bút phê vào đơn xin cấp phép của tôi là chuyển Phòng QLĐT xem xét, tạo điều kiện. Phường cũng có văn bản cho rằng căn cứ Luật xây dựng năm 2014 thì “công trình” của tôi không thuộc diện được miễn cấp phép.

Văn bản cũng nói rằng một cá nhân/tổ chức đặt 1 viên gạch để xây dựng gắn liền trên đất cũng phải thông báo và xin phép chính quyền địa phương.

Tính từ khi tôi khởi công xây hàng gạch đến nay là gần hai tháng đã có bốn cơ quan nhà nước tham gia giải quyết vụ xây dựng chuồng gà và hàng gạch này” - ông Uyên nói.

Ngày 7-6, Phòng QLĐT TP Cao Bằng có công văn trả lời ông Uyên rằng công trình xây dựng chuồng gà không đủ điều kiện cấp phép vì lý do “không thể hiện rõ vị trí xây dựng trên mặt bằng lô đất, nền đất yếu không đảm bảo cho công trình...”.

Ông Uyên cười chua chát: “Ông chủ tịch P.Sông Bằng bắt tôi phải xin giấy phép khi xây chuồng gà nhưng Phòng QLĐT lại không cấp phép vì không tìm thấy trong các điều luật có hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy phép xây dựng chuồng gà tức là không 
đủ điều kiện!?”.









-Chuyện bây giờ mới kể về người nông dân dựng cái chòi vịt bị khởi tố hình sự24/04/2016
Ống kính Sài Gòn tìm gặp ông Nguyễn Văn Bỉ, người nông dân đang được dư luận quan tâm là chủ mảnh đất nằm đối diện trụ sở Công an huyện Bình Chánh cho ông Nguyễn Văn Tấn thuê làm quán càphê Xin Chào. Ông Bỉ tâm sự về những chuyện chưa bao giờ ông kể về xung quanh nguyên nhân sâu xa, bởi vì sao mà ông lại vướng vào vòng lao lý một cách kỳ lạ và hy hữu đến như vậy ?

Tìm đến nhà ông, sát bên quán càphê Xin Chào vào một buổi trưa nắng gắt. Ông Bỉ chính là chủ mảnh đất cho ông Tấn thuê mở quán càphê. Gặp được ông, ấn tượng đầu tiên là gương mặt chất phác, cách nói chuyện nhanh nhẹn, đặc biệt là kiểu nói của người nông dân rặt miền Nam, “có gì nói nấy” của ông Bỉ khiến người đối diện hòa ngay vào câu chuyện như thân quen gần gũi.

Ông Bỉ tâm sự, gia đình ông là gia đình chính sách, mẹ ông nay đã 80 tuổi, là mẹ liệt sĩ, có người con trai (anh ông Bỉ) hy sinh ở chiến trường Campuchia năm 1981. Ông sống cùng mẹ già tại ngôi nhà tình nghĩa và ông là người ở từ xưa đến nay, ông chẳng bao giờ nghĩ dựng cái chòi vịt mà lại bị khởi tố hình sự làm ông và gia đình rơi vào hoàn cảnh hết sức hoang mang và lo sợ. “Tôi mong báo chí lên tiếng, nhờ các cơ quan chức năng giúp tôi giải oan cho tôi, tránh con đường tù tội để nuôi mẹ già, chăm lo cuộc sống cho vợ con… vì tôi là lao động chính trong gia đình. Mẹ tôi già mà nghe tôi dính vào tù tội, mẹ tôi suy sụp”, ông Bỉ khẩn thiết.

Ông Bỉ sống với mẹ già 80 tuổi trong ngôi nhà tình nghĩa


Ông Bỉ thảng thốt về chuyện ông chỉ cất cái chòi vịt mà bị khởi tố, trong khi đó chính bản thân ông sinh sống ở Bình Chánh này từ lâu đến nay, chuyện cất nhà ở (người ở), xây dựng trái phép hằng hà mà có ai bị khởi tố, truy tố hình sự đâu ? Điều đáng nói là ngay trên mảnh đất của ông Bỉ đã có sẵn cái chòi vịt, nhưng do lâu ngày nó bị sập, nên ông Bỉ cho dựng lại cái chòi cũng cột cây, vách lá, mái lá thì bị công an và quản lý đô thị ngay trong ngày ông dựng chòi vịt vào lập biên bản xử phạt hơn 6 triệu đồng. Chấp hành ngay việc này, ông Bỉ vừa bức xúc, nhưng vẫn đi nộp phạt ở Kho bạc Nhà nước và tháo dỡ ngay căn chòi vịt rộng khoảng 80 mét vuông ấy.

Ông Bỉ tại hiện trường căn chòi vịt đã tháo dỡ


Đến sau khoảng 3 tháng (vào cuối năm 2015), vì bức bách việc vịt, ngỗng của gia đình không có chỗ trú ngụ, mà tình trạng ăn trộm liên tục xảy ra, khiến đàn gia cầm của ông Bỉ càng bị hao hụt trông thấy, nên ông Bỉ lại cất cái chòi vịt, nhưng lần này với diện tích chỉ 35 mét vuông, cũng bằng cột gỗ, mái lá và vách lá nhằm cho mấy con vịt, con ngỗng có chỗ chui rúc vào ngủ ban đêm. Nhưng cũng thật bất ngờ, vừa cất cái chòi lá, cũng bị ập đến lập biên bản, buộc ông Bỉ tháo dỡ và đóng phạt. Lúc này ông Bỉ tháo dỡ chòi vịt và bất ngờ là bị đại tá Nguyễn Văn Quý – Trưởng Công an huyện Bình Chánh - ký quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú về tội “xây dựng nhà ở trái phép”.

Ông Bỉ cho biết: “Hôm đưa tôi lên công an, ép tôi ký vào quyết định khởi tố, tôi không chịu ký, thì công an bảo không ký là còng tay tôi luôn. Lo sợ quá, tôi đành ký vào, ép tôi ký vào”. Cuộc sống của gia đình ông Bỉ từ hồi đầu năm 2016 đến nay bị đảo lộn, gây hoang mang cho người thân khi Công an huyện Bình Chánh ra bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Bỉ về tội phạm hình sự chỉ vì ông Bỉ làm cái chòi lá nuôi vịt.

Chút thành quả của người nông dân còn sót lại trên mảnh đất xảy ra vụ án cái chòi vịt


Nói về việc hà cớ gì đang yên đang lành (vốn là một vùng nông thôn, vùng ven của TPHCM, việc dựng chòi lá nuôi gia cầm diễn ra khắp chốn), vậy mà vụ án khởi tố chỉ vì cái chòi vịt lại xảy ra, đổ ập lên đầu gia đình ông Bỉ, thì người nông dân này bộc bạch: “Vốn tôi và chị tôi có mua mảnh đất, nay là đối diện trụ sở Công an huyện Bình Chánh, mảnh đất mà tôi cho ông Nguyễn Văn Tấn thuê mở quán càphê Xin Chào. Thì lúc đầu, ông Nguyễn Văn Quý (đại tá Nguyễn Văn Quý – Trưởng Công an huyện Bình Chánh) có kêu tôi là tháo dỡ mấy cây kiểng đi và xin đất mở đường vào trụ sở công an. Tôi đã thực hiện việc tháo dỡ mấy cây kiểng, nhưng việc xin đất tôi không đồng ý, vì tôi yêu cầu là mở đường, tôi hiến đất nhưng ông Quý phải viết cho tôi mấy chữ sau này để làm chứng, chứ hiến không không là không được, ông Quý không chịu viết giấy, nên tôi cũng không cho đất. Rồi có kêu nhiều người hỏi tôi mua miếng đất, nhưng tôi không có bán rồi sự việc mới xảy ra như ngày hôm nay”.







Chủ đất nơi mở quán Xin Chào cũng bị xử lí hình sự
Kết luận điều tra đã hình sự hóa “cái chòi vịt” như thế nào để đưa người dân vào vòng lao lý?





-Nhân vụ truy tố hình sự vụ quán Cà phê "Xin chào", nói về khuyết điểm nội tại của "pháp chế XHCN"
Vụ truy tố hình sự chủ quán cà phê "Xin chào" đã bật ra nhiều khuyết điểm nội tại của "pháp chế xã hội chủ nghĩa" (législation socialiste) mà nếu không có "dư luận" lên tiếng qua mạng internet, như Facebook, người ta sẽ không bao giờ phát hiện ra được.

Hệ quả của việc truy tố, không chỉ đơn thuần ảnh hưởng ở "môi trường kinh doanh", như ý kiến ông Lê Mạnh Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ:
“Nếu vụ này ông bán cà phê bị thua sẽ đưa ra một thông điệp rất xấu cho môi trường kinh doanh, có nghĩa rằng mọi doanh nghiệp, mọi người kinh doanh đều có thể bị đi tù”.
Ở đây ông Lê Mạnh Hà chỉ nói đến "người kinh doanh", là ông chủ quán "Xin chào". Nhưng song song đó còn có "vụ án" của người chủ cho mướn đất, không làm kinh doanh. Ông này cũng đã bị (công an quận Bình Chánh) truy tố hình sự vì tội "cất chòi nuôi vịt".
Hai vụ "truy tố hình sự", đối với chủ quán "Xin chào" và người chủ đất, có liên quan với nhau. Động lực đã khiến cho công an và VKS (quận Bình Chánh) truy tố, ai cũng nhìn thấy và bàn tán rộng rãi trên mạng internet. Đó là do vị trí "đắc địa" của miếng đất.
Khuyết điểm (nội tại) của pháp chế xã hội chủ nghĩa, thứ nhứt, thấy được qua trường hợp này, là pháp luật đã không áp dụng như một "trật tự pháp lý", nhằm bảo đảm tính công bằng (về pháp lý) cho mọi thành tố trong xã hội.
Pháp luật đã bị những người có chức quyền lạm dụng để phục vụ cho lợi ích riêng tư.
Điều cần bàn là thái độ lạm dụng quyền lực (của công an và VKS) sẽ bị luật pháp chế tài như thế nào ?
Trong trường hợp này, cả hai trụ cột quyền lực nhà nước là hành pháp (công an) và Tư pháp (Viện Kiểm sát) có sự phối hợp, nếu không nói là thông đồng với nhau.
Dầu vậy nó thể hiện đúng với tinh thần nội dung Hiến pháp ở Khoản 3, Điều 2:
"Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp."
Khi mà các quyền "hành pháp, lập pháp và tư pháp" được Hiến pháp qui định là "thống nhất", thì việc "kiểm soát" giữa các "nhánh" quyền lực là không hiện hữu.
Vụ quán "Xin chào", phía đóng vai trò "kiểm soát" là "dư luận", tức những người sử dụng Internet, nhứt là Facebook, chớ không phải là Viện Kiểm sát hay Công an. Riêng về Quốc hội, đại diện thẩm quyền lập pháp, thì "im như thóc".
Từ nào giờ Quốc hội đã chỉ đơn thuần là một bó hoa trang trí.
Khuyết điểm thứ hai của "pháp chế xã hội chủ nghĩa" là không có thủ tục "pháp lý" nào để truy tố đại diện VKS và Công an, nếu những người này "phạm pháp".
Nghe nói ông chủ tịch VKS quận Bình chánh đã bị thẩm quyền thành phố Sài Gòn "ngưng chức". Còn phía công an thì nghe nói sẽ do "bộ chính trị" quyết định.
(Trước đây vài hôm, ông thiếu tướng công an Phan Anh Minh đã đọc báo cáo cho thấy sự bất lực của phía công an hình sự đối với những tội phạm là đảng viên. Nhũng tội phạm là đảng viên thì công an không được quyền điều tra mà phải đưa về BCT).
Tức là việc "trừng phạt" những công chức (đại diện quyền lực nhà nước) khi họ phạm pháp, không theo một thủ tục "pháp lý", với thủ tục tố tụng và hình phạt được định nghĩa theo "khung pháp lý". Số phận của họ được quyết định tùy thuộc vào cách thể hiện quyền lực của một công chức cao cấp hơn.
Trở lại trường hợp vụ án Đoàn Văn Vươn, những người đại diện quyền lực nhà nước đã lạm dụng pháp luật, sử dụng pháp luật để chiếm đoạt của cải của gia đình Đoàn Văn Vươn. Nhờ dư luận xã hội Đoàn Văn Vươn bảo vệ được tài sản. Dầu vậy ông Vươn vẫn phải đi tù. Còn (những) người lạm dụng pháp luật, như ông đại tá Đỗ hữu Ca, (chắc phải là đảng viên) thì được thăng lên tướng và chuyển sang làm việc ở địa phương khác.
Khuyết điểm này (của pháp chế XHCN) đã làm cho bệnh "tham nhũng" trong xã hội VN trở thành kinh niên (chronique). Ai là đảng viên cũng đều có thể tham nhũng mà không bị trừng phạt (theo pháp luật). Tham nhũng ngày càng bành trướng, công khai, pháp luật nghiêm khắc tới đâu cũng vô phương chữa trị.
Khuyết điểm thứ ba, sự "thống nhất" của các quyền "hành pháp, lập pháp và tư pháp" đã tạo nên phe nhóm "quyền lực-quyền lợi" trong xã hội.
Trở lại vụ án Đoàn Văn Vươn, ta thấy phe nhóm được cấu kết từ cá nhân có quyền lực cao nhứt. Những kẻ thủ phạm lạm dụng quyền lực được cá nhân này "chống lưng". Do dư luận xã hội phản đối quá mức, chẳng đặng đừng người "có quyền lực cao nhứt" lên tiếng vuốt đuôi, xoa dịu dư luận. Cuối cùng, kẻ phạm tội thay vì ngồi tù thì được thăng chức cao hơn. Còn nạn nhân thì vào tù ngồi bóc lịch.
Pháp chế XHCN mục đích như vậy là để bảo vệ đảng viên. Cấp trên bao che cho cấp dưới. Dân tình oan ức mà không có luật pháp nào bảo vệ. Người dân bỏ xứ mà đi thì cũng hợp lý thôi.
Mạng internet trong chừng mực trở thành "cứu tinh" của nhân dân VN, đóng vai trò kiểm soát (cách thực thi) quyền lực (cho đến khi nó vẫn chưa bị "thống nhất" vào tay của đảng).
Mà ảnh hưởng thực sự của "dư luận" cũng rất "vô chừng".
Trong xã hội đã có hàng vạn, hàng triệu vụ án tương tự. Người dân nào (vô phúc) có của cải, có mảnh đất ở vị trí "đắc địa", thì người dân đó có triển vọng sớm trở thành "dân oan". Ngay cả những người gia đình "liệt sĩ", đã từng hy sinh cho đảng, cũng như đóng góp nhiều cho đất nước.
Khuyết điểm nội tại của "pháp chế xã hội chủ nghĩa" là pháp luật bảo vệ quan chức tham nhũng chớ không nhằm diệt trừ tham nhũng.
Hôm trước tôi có viết bài về "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".
Về nội dung, nhà nước mà VN đang xây dựng không phải là một nhà nước mang nội hàm của "Etat de Droit" hay "Rule of law", là các khái niệm dân chủ tự do về mô thức xây dựng nhà nước.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa VN (mà đảng đang xây dựng) là một "tổ chức quyền lực", pháp luật là nhằm củng cố quyền lực giai cấp lãnh đạo, chớ không nhằm xây dựng một "trật tự pháp luật", theo như bản chất tự tại của các nhà nước pháp trị (Etat de Droit - Rule of Law) ở các xứ dân chủ tự do.
Mọi quyền lực nhà nước pháp quyền XHCN không phục tùng vào pháp luật như một nhà nước pháp trị (Etat de Droit - Rule of Law).
Bởi vì, theo Marx và Angels, "nhà nước" chỉ là một "công cụ bảo vệ giai cấp":
"nhà nước là tổ chức chính trị của giai cấp đang thống trị về kinh tế, nhằm bảo vệ trật tự đang có và đàn áp sự phản kháng của giai cấp khác."
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa VN hiện nay thể hiện 100% ý nghĩa nhà nước của Mác. Nó chỉ là một công cụ để bảo vệ giai cấp. Giai cấp ở đây là giai cấp có "thẻ đỏ".
VN không thể nhập nhằng mãi khái niệm "nhà nước" của Marx-Angels và "nhà nước" dân chủ tự do. VN có thể sẽ trả giá rất đắt trong tương lai.
Khi gia nhập TPP, người ta sử dụng "luật quốc tế" để phân xử những tranh chấp, lãnh đạo (đảng viên CSVN) không thể núp dưới "quy trình" hay "lỗi hệ thống" để trốn trách nhiệm.
Ông Trọng được đề nghị làm TBT lần nữa vì ý định muốn "diệt trừ tham nhũng". Điều này cần được ủng hộ vì không có quốc gia nào có thể phát triển mà nạn tham nhũng hoành hành.
Nhưng trong một chế độ "hiện đại", người ta dùng "pháp luật" để cai trị, để diệt trừ tham nhũng, chớ không thể là "đạo đức".
Các nước Á Đông, có văn hóa tương đồng với VN, phát triển mạnh như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Singapour... đều là các quốc gia "pháp trị", luật pháp nghiêm minh áp dụng cho mọi người, tự hạ dân cho tới cấp lãnh đạo (chớ không phải là đức trị).
Đạo đức là một phạm trù rất tương đối, nó có thể là mẫu mực cho xã hội này nhưng nó có thể là "tội phạm" ở xã hội khác.
Nhà nước hiện đại không ai nhắc tới đạo đức mà người ta chỉ quan tâm là mọi người có bình đẳng trước pháp luật hay không?
Nhà nước nào cũng dùng pháp luật để cai trị. Điều cốt lõi là nhà nước này có phục tùng pháp luật hay chế ngự pháp luật ?
Nếu phục tùng pháp luật, đây là chế độ "pháp trị - rule of law". Ngược lại, như VN hiện nay, đó là chế độ "dụng pháp trị - rule by law".
Tức là ý muốn "diệt trừ tham nhũng" để xây dựng một quốc gia VN giàu mạnh (của ông Trọng) có đạt được hay không, là có xây dựng được "nhà nước pháp trị" hay không ?
Những hình thức như Thủ tướng lên tiếng can thiệp, bí thư nhập cuộc... đều không nói lên điều gì, ngoài mục tiêu mị dân.
Người dân cần pháp luật phải được thưc thi công bằng cho mọi người. Tức cần "công lý" chớ không cần những lời chim chóc đạo đức giả.


-Từ câu chuyện khởi tố quán phở đến câu chuyện cải cách thể chế (MTG 23-4-16)
​Nếu như chọn ra một câu chuyện mang ý nghĩa và tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong tuần qua thì đó hẳn phải là câu chuyện quán Xin Chào bị khởi tố ở huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Nó không đơn thuần là một sự việc nóng gây ra sự chú ý của toàn xã hội mà còn là một câu chuyện mang đầy đủ những ý nghĩa về những vấn đề và thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đó là môi trường đầu tư kinh doanh thiếu lành mạnh và yêu cầu cải cách hành chính - thể chế một cách gấp gáp. Những nguyên nhân chủ đạo gây ra vụ việc ầm ĩ này cũng chính là nguyên nhân chính tạo ra tình trạng yếu kém của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Có quá nhiều thứ để nói khi nhắc đến câu chuyện quán Xin Chào ở TP.HCM đang gây ra bão dư luận trong xã hội những ngày qua, từ sự vô lý của lực lượng chức năng khi xử lý những nguyên nhân gây ra vụ việc cho đến cách thức xử lý vụ việc cứng rắn một cách quá mức cần thiết. Những tác động về mặt xã hội của vụ việc là quá lớn, khi một điều mà mọi người dân có thể rút ra qua câu chuyện lần này là: con đường dẫn đến nhà tù đang trở nên ngắn hơn bao giờ hết, khi chỉ cần thiếu một vài giấy phép cần thiết là đã đủ để có thể vào diện bóc lịch. Tuy nhiên, nếu như chỉ xét vấn đề dựa trên khía cạnh kinh tế, thì có thể thấy vụ việc quán Xin Chào đang mang đầy đủ những nguyên nhân đang gây ra tình trạng yếu kém của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Đó là một môi trường đầu tư kinh doanh thiếu an toàn, khi bất cứ một cơ sở kinh doanh hay doanh nghiệp nào cũng có thể đối mặt với nguy cơ đi tù vì thiếu một vài loại giấy phép. Thứ hai, để những vụ việc như thế này không tái diễn thì vấn đề căn bản cần giải quyết là cải cách thể chế, và đây cũng là điều mà nền kinh tế Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết.

Trước hết, sở dĩ việc này trở thành câu chuyện điển hình minh chứng cho môi trường đầu tư kinh doanh kém an toàn của Việt Nam hiện nay, là vì hầu như mọi rào cản chủ đạo đang làm tình làm tội các doanh nghiệp trên cả nước đều xuất hiện ở đó. Trước hết, đó là vấn đề về các thủ tục kinh doanh rắc rối và phiền hà một cách không cần thiết. Có quá nhiều giấy phép và điều kiện kinh doanh cần thiết để có thể mở được một quán Xin Chào mà xã hội chợt nhận ra qua câu chuyện lần này, mà đây mới chỉ là một loại hình kinh doanh thuộc loại đơn giản nhất trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Bình luận về vụ việc, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện tại có tới hơn 7.000 điều kiện kinh doanh trong nền kinh tế Việt Nam. Đó là một con số quá lớn, chưa kể có rất nhiều điều kiện vô lý và đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Nếu như một chủ quán Xin Chào đã vất vả đến thế để xin được những loại giấy phép cần thiết cho quán của mình, thậm chí suýt phải đối mặt với nguy cơ đi tù, thì không hiểu sự vất vả đó sẽ nhân lên bao nhiêu lần trong các lĩnh vực kinh doanh khác phức tạp và có quy mô lớn hơn.

Sự kém an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, không chỉ ở các rào cản thủ tục pháp lý, mà còn ở cách thức tiếp cận và xử lý của các cơ quan chức năng. Trong bối cảnh Nhà nước và Chính phủ đang đưa ra những thông điệp và dấu hiệu cam kết sẽ cải cách môi trường đầu tư và tạo thuận lợi cho kinh doanh, thì việc một ông chủ quán phải đối mặt với nguy cơ bị khởi tố vì thiếu một vài giấy phép khiến cả xã hội phải hoang mang trước cách thức giải quyết của cơ quan chức năng cứng rắn một cách khó hiểu. Đã có những ví dụ về việc trong tình huống tương tự, cơ quan chức năng ở các nước khác sẽ xử lý ra sao.

Chẳng hạn như ở Đức, khi một cơ sở kinh doanh thực phẩm mở cửa, cơ quan chức năng sẽ đến hướng dẫn các thủ tục cần thiết và thậm chí sẽ nhắc nhở đến 3 lần nếu như chủ cơ sở kinh doanh chậm trễ thực hiện. Còn ở Việt Nam, cơ quan chức năng không những không có hướng dẫn các thủ tục cần thiết, mà dường như chỉ chăm chăm tìm lỗi để bắt phạt, trong khi các quy định thủ tục thì nhiều như lá trong rừng.

Bình luận về những tác động của môi trường đầu tư kinh doanh kém an toàn và thuận lợi của Việt Nam thông qua vụ việc quán Xin Chào lần này, có lẽ không gì thích hợp và chuẩn xác hơn nhận xét của Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà: “Nếu ông chủ quán Xin Chào thua thì sẽ đưa ra một thông điệp rất xấu, đó là mọi doanh nghiệp và mọi người kinh doanh đều có thể dễ dàng bị đi tù”. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu cũng là những nguyên nhân đang khiến cho nền kinh tế Việt Nam yếu kém, đó là những rào cản trong môi trường đầu tư kinh doanh về thủ tục pháp lý lẫn từ phía các cơ quan chức năng đang nhiều hơn bao giờ hết.

Điều này cũng dẫn đến vấn đề chủ yếu thứ hai rút ra từ câu chuyện này, đồng thời cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đó là: cải cách thể chế và hành chính. Thoạt nghe có vẻ khó tin khi câu chuyện một quán Xin Chào nhỏ bé gặp rắc rối lại liên quan đến một vấn đề to tát như cải cách thể chế và hành chính. Nhưng đó là sự thực. Dễ dàng nhận ra những nguyên nhân hàng đầu trong vụ việc lần này cũng là những vấn đề thuộc về thể chế và hành chính, và để những vụ việc gây sốc toàn xã hội như thế này không tái diễn thì cần phải giải quyết tận gốc rễ thông qua cải cách thể chế và hành chính.

Trước hết, đó là việc hủy bỏ những rào cản về thủ tục pháp lý trong đầu tư kinh doanh. Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến câu chuyện rắc rối lần này là việc có quá nhiều giấy phép đầu tư kinh doanh trong nền kinh tế. Chỉ một quán Xin Chào nhỏ bé đã có tới cả chục loại giấy phép lớn nhỏ, khiến cho ông chủ suýt nữa bị đi tù sau khi đã nộp phạt cả chục triệu đồng, thì không hiểu trong các lĩnh vực khác số giấy phép còn lớn đến đâu. Để dẹp bỏ tình trạng giấy phép chồng chất hiện nay, thì cách giải quyết chỉ có một: cải cách hành chính.

Theo nhận xét của Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà thì vấn đề nằm còn sâu hơn thế, cụ thể là xuất phát từ cơ chế xin-cho: “Phải giảm tối thiểu giấy phép vì còn giấy phép là còn xin-cho; con chuột sa chĩnh gạo thì chắc chắn còn ăn. Không thể để chĩnh gạo hớ hênh như thế được”. Trên thực tế, không chỉ liên quan đến vấn đề giấy phép kinh doanh, mà cơ chế xin-cho còn đang là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng yếu kém của nền kinh tế hiện nay, thông qua phân bổ ngân sách kém hiệu quả. Chấm dứt được cơ chế xin-cho vì thế sẽ không chỉ có tác dụng ngăn chặn những vụ việc gây sốc toàn xã hội như quán Xin Chào ở TP.HCM không để lặp lại, mà còn có thể khiến nền kinh tế Việt Nam vững vàng hơn.

Chưa hết, đó còn là câu chuyện về cải cách thể chế. Rõ ràng, để chấm dứt được chuyện giấy phép tràn lan thì điều cần làm là ngăn chặn các cơ quan hành chính được phép ban hành các giấy phép con, mà điều này thì thuộc về cải cách thể chế. Cùng với đó là cách thức xử lý của các cơ quan chức năng. Như một số chuyên gia đã chỉ ra, các cơ quan chức năng cấp cơ sở ở Việt Nam hiện nay đang có dấu hiệu đi ngược lại với các quy định trong luật pháp dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, mà việc khởi tố ông chủ quán Xin Chào vì thiếu giấy phép lần này là một ví dụ.

Rõ ràng các quy định cần thiết để giảm thiểu rào cản và tiến tới một môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh là điều cần thiết, nhưng điều còn cần thiết hơn là phải có một bộ máy quản lý đủ khả năng để vận hành. Vì giả sử như các quy định cần thiết tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh và an toàn có được ban hành đi nữa, thì nó cũng vô dụng nếu như không có một bộ máy các cơ quan chức năng vận hành và xử lý nghiêm minh. Mà đó thì cũng thuộc vấn đề cải cách thể chế.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF, Cafebiz)




-

Tổng số lượt xem trang