Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Sách tư liệu về Sài Gòn bị tố lấy ảnh chế trên mạng

-Sách tư liệu về Sài Gòn bị tố lấy ảnh chế trên mạng (Zing 11-8-16)

Một số người lên tiếng, cho rằng một bức ảnh in trong cuốn “150 năm hình bóng Sài Gòn” do một nhóm bạn “chế ra”, không ngờ lại bị đưa vào sách.


Ngày 9/8, trên tài khoản facebook có tên Đoàn Khuyên chia sẻ một số hình ảnh và trạng thái, cho rằng trong cuốn 150 năm hình bóng Sài Gòn 1863-2013 (tác giả Tam Thái, NXB Trẻ) có sử dụng những hình ảnh cắt ghép thô vụng. Những bức ảnh được tác giả sách chú thích là hình ảnh người di tản trèo lên một nóc nhà trên đường Thống Nhất để được trực thăng chở đi.

Bìa sách 150 năm hình bóng Sài Gòn.


Đoàn Khuyên nói: “Mình dụi mắt lia lịa khi coi hai bức hình 1 và 2 (in trong cuốn 150 năm hình bóng Sài Gòn 1863-2013, NXB Trẻ, 2015, tr.268). Chắc chắn hình thứ 2 đã bị chỉnh sửa và lọt qua khâu biên tập”. Đoàn Khuyên chỉ ra những điểm vô lý của các bức hình, như “màu nền quanh những hình người bị văng ra khác biệt với màu nền trời” hay sự phi lý về trọng lực… Ngoài ra, Đoàn Khuyên còn cho rằng, bức ảnh chụp tòa nhà số 22 Gia Long (Lý Tự Trong ngày nay), chứ không phải là nhà trên đường Thống Nhất như tác giả sách chủ thích.

Sáng 11/8, họa sĩ thiết kế Trương Huyền Đức (tài khoản mạng xã hội là Duc. Truong Huyen) cho rằng những bức ảnh đó đúng là được chỉnh sửa, cắt ghép. Anh kể hoàn cảnh ra đời của bức ảnh đó là “làm cho vui”. Đó là khoảng năm 2010, anh tham gia một nhóm trao đổi của các họa sĩ thiết kế giải trí (phần đông là người Mỹ). Một lần, nhóm “nảy nòi” ra ý định làm một bức ảnh chế cho vui. Khoảng 10 – 15 người tham gia vào việc “chế” ảnh này. Trương Huyền Đức còn nhớ rõ bức ảnh chế làm cho vui lấy ý tưởng từ cú đá của một nhân vật trong bộ phim 300 chiến binh. Ảnh chế sau đó có thể được một thành viên trong nhóm đưa lên web.

Các bức ảnh trong sách được cho là ảnh "chế" làm cho vui, chứ không phải ảnh tư liệu.


Khi biết bức ảnh chế cho vui của mình và nhóm bạn bị lấy đưa vào sách, Trương Huyền Đức bày tỏ sự ngạc nhiên, vì bức ảnh thiết kế mà anh cho rằng “nhảm nhảm” vậy mà người khác lại đưa vào sách tư liệu lịch sử. Sau khi biết tin ảnh chế vào sách, Trương Huyền Đức đã tìm hiểu về cuốn sách. Anh nhận định: “Tôi tìm hiểu thì được biết cuốn sách tập hợp nhiều ảnh tư liệu quý hiếm về Sài Gòn. Có lẽ người biên tập sách đã bị vội vàng mà không kiểm chứng được bức ảnh, bởi thế nó mới lọt qua khâu biên tập”.

Ông Nguyễn Minh Nhựt – Giám đốc nhà xuất bản Trẻ - đơn vị phát hành cuốn sách 150 năm hình bóng Sài Gòn 1863-2013, trả lời Zing.vn cho biết nhà xuất bản mới biết những thông tin trên. Nhà xuất bản đã yêu cầu biên tập viên trao đổi với tác giả để nghe tác giả trả lời vấn đề này. Mặt khác, nhà xuất bản cũng đang thẩm định lại thông tin mà bạn đọc phản ánh.

Với tinh thần cầu thị, NXB Trẻ đã thông báo cho các đơn vị phát hành tạm dừng phát hành quyển sách để chờ thẩm định nội dung. Khi có kết quả thẩm định, NXB sẽ có những phương án xử lý tiếp theo.


150 năm Hình bóng Sài Gòn (1868 - 2013) là tập sách ảnh về thành phố Sài Gòn từ năm 1863 là năm có những hình ảnh đầu tiên về Sài Gòn được ghi nhận và công bố đến những hình ảnh mới chụp năm 2013. Tác giả của cuốn sách là nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái, một phần trong cuốn sách là những bức ảnh của ông. Cuốn sách được giới thiệu là “tập sách quý và hiếm, một tài liệu bổ ích để hiểu thêm về sự hình thành và phát triển của Sài Gòn - TP HCM qua 150 năm”.

Tổng số lượt xem trang