Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Sông Mekong, sự trường tồn dân tộc và ICC

Sông Mekong, sự trường tồn dân tộc và ICC
GS TS Luật Nguyễn Vân Nam

Ý kiến nói rằng đưa vụ sông Mê Kông ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) là cơ hội duy nhất để dân tộc Việt vẫn còn mảnh đất hình chữ S có thể sống được và để chúng ta có quyền tự quyết định vận mệnh của mình, chứ không phải Trung Quốc.

Một dân tộc chỉ có thể nghĩ đến trường tồn, khi tối thiểu có được hai điều kiện căn bản: (1) một lãnh thổ có thể ở và sinh sống được; (2) một quốc gia không bị lệ thuộc. Trong thời đại Toàn cầu hóa, chủ quyền quốc gia đã trở thành một khái niệm có tính tương đối do sự đan quyện chặt chẽ của các Nhà nước quốc gia. Nhưng trong sự đan quyện ấy, mỗi quốc gia phải bảo đảm được quyền bình đằng, nhất định không thể trở thành lệ thuộc.


Sự hủy diệt môi trường sống ở Đồng bằng Sông Cửu Long không còn là nguy cơ, mà đang trở thành hiện thực.

Con người không thể sống tại một môi trường, trong đó các điều kiện cơ bản tối thiểu cho cuộc sống sinh học bị hủy hoại. Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một môi trường như vậy. Hàng loạt dự án đầu tư công nghệ bẩn với khả năng hủy hoại môi trường cao nhất, đã, đang và sẽ dồn dập đổ vào Việt Nam. Không thể ngăn chặn, kiểm soát được chúng.

Với tư cách một hệ thống kinh tế-chính trị-luật pháp trong cuộc cạnh tranh toàn cầu thu hút đầu tư, Việt nam có những lợi thế nào so với các hệ thống khác (quốc gia khác) để hấp dẫn họ? Một nền kinh tế về cơ bản vẫn là kinh tế kế hoạch chỉ huy, chỉ mang màu sắc thị trường ở nơi và khi nhà cầm quyền muốn; một hệ thống pháp luật chồng chéo, không ổn định, hay thay đổi, không có tính dự đoán; một hệ thống chính trị tuy ổn định, nhưng rất dễ thay đổi chính sách do bị các nhóm lợi ích tác động, không thể thu hút nhà đầu tư đàng hoàng, không sử dụng công nghệ hủy hoại môi trường, mà chỉ lôi kéo nhà đầu cơ công nghệ bẩn.

Nhà đầu cơ, kiếm lời từ đâu? Từ sản phẩm được sản xuất bởi công nghệ cũ (khả năng gây ô nhiễm môi trường rất cao) chăng? Không thể, vì hiện nay xu thế chung của người tiêu dùng có ý thức trên thế giới là không sử dụng sản phẩm được sản xuất bởi các công nghệ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài giá mua công nghệ cũ rất rẻ, gần như cho không, hai cái lợi lớn nhất khiến nhà đầu cơ công nghệ cũ thích vào Việt Nam là: (1) Tiền lời do nâng giá thiết bị; (2) Chuyển giá: với một nhà máy có thiết bị lạc hậu ở Việt Nam, cùng với các chính sách ưu đãi cho riêng mình mà họ có thể dễ dàng mua được, các nhà đầu cơ này có thêm một mắt xích rất dễ thao túng trong chuỗi chuyển giá quốc tế (có thể là cả rửa tiền) của mình, bảo đảm lợi nhuận của cả tập đoàn là tối đa.

Trong thời đại Toàn cầu hóa, đào thải công nghệ xuống các nước có trình độ và nhu cầu thấp hơn, là một điều tự nhiên. Công nghệ không còn phù hợp ở các nước công nghiệp phát triển, được đẩy xuống các nước công nghiệp mới. Để có tiền nhận được công nghệ đó, nước công nghiệp mới phải đẩy công nghệ lạc hậu của mình xuống nước đang phát triển. Các nước đang phát triển, đến lượt mình, lại tìm cách đẩy công nghệ lạc hậu xuống các nước kém phát triển. Nước kém phát triển có trình độ nhỉnh hơn, sẽ tìm mọi cách đẩy công nghệ bỏ đi của mình xuống các nước có trình độ thấp hơn.
'Không thể tránh khỏi'

Nhưng điểm đặc biệt nhất của quá đào thải công nghệ này, lại là tiêu chí xác định công nghệ cần tống khứ. Ngày nay, tiêu chí quan trọng nhất xác định thế nào là một công nghệ lạc hậu, không còn chỉ là tiêu chí về hiệu suất, tính năng hay trình độ kĩ thuật, mà là tác động của nó đến môi trường. Một công nghệ sẽ được đánh giá xem có thể gây ra những tác động tiêu cực gì và như thế nào đến môi trường; chi phí để loại bỏ chúng là bao nhiêu? Nếu hiện tại không phát hiện tác động gây ô nhiễm, thì phải xác định được liệu có thể loại trừ hoàn toàn khả năng đó trong tương lai trung, dài hạn không?

Một mặt, Việt Nam không đủ trình độ cả về con người, lẫn thiết bị, để có khả năng đánh giá công nghệ nào là công nghệ lạc hậu theo tiêu chí mới như vậy. Mặt khác, đã gần 30 năm mở cửa, Việt Nam vẫn còn loay hoay chưa xác định được con đường và chiến lược phát triển phù hợp với quá trình Toàn cầu hóa. Cán bộ, công chức có thẩm quyền không muốn loại bỏ những dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, vì chỉ nhà đầu cơ mới sẵn sàng chi nhiều tiền cho quan tham.


Điều đặc biệt nguy hiểm là việc đóng mở đập ở thượng nguồn, thay đổi dòng chảy, hoàn toàn phụ thuộc vào sự thao túng, vào ý đồ chủ quan của Trung quốc.

Về khách quan, công nghệ lạc hậu đổ vào Việt Nam là không thể tránh khỏi; về chủ quan, cũng không thể ngăn nổi, nên thật vô nghĩa, khi cố gắng tìm cách kiểm soát nhập khẩu công nghệ lạc hậu. Cần dứt khoát đoạt tuyệt với chiến lược phát triển các ngành công nghiệp truyền thống như hóa chất, sắp thép, chế biến dầu khí,… chấm dứt các chính sách khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực này. Phải tập trung phát triển nông nghiệp và du lịch.

Nhưng, trong đa số trường hợp, mức độ nguy hại và hậu quả làm ô nhiễm môi trường do sử dụng công nghệ bẩn, không thể so sánh được với sự nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng trong phạm vi rộng lớn, do môi trường bị hủy hoại bởi bàn tay con người thao túng thiên nhiên. Sông Mê Kông là một điển hình.

Sông Mê Kông là huyết mạch nuôi sống gần 20 triệu người dân đồng bằng sông Cửu long, nhưng quan trọng hơn cả, nó là nền tảng, yếu tố quyết định tạo nên và bảo vệ môi trường sống của Nam bộ; là yếu tố cực kỳ quan trọng chống lại tình trạng nước mặn xâm thực nghiêm trọng hiện nay. Không có lũ sông Mê kông, thì vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên cũng không thể đóng vai trò điều hòa nước mùa lũ và đẩy nước mặn trong mùa khô cho Đồng bằng Sông Cửu Long. Là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, Đồng bằng Sông Cửu Long còn là “nồi cơm” của cả nước.

Xây dựng đập ở thượng nguồn, thay đổi dòng chảy tự nhiên sông Mê Kông là làm thay đổi cơ bản điều kiện tự nhiên, thay đổi hệ sinh thái dẫn đến hủy diệt môi trường sống ở các vùng đất quanh sông, đặc biệt là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Điều đặc biệt nguy hiểm là việc đóng mở đập, thay đổi dòng chảy, hoàn toàn phụ thuộc vào sự thao túng, vào ý đồ chủ quan của Trung quốc.

Dù trong thực tế là chủ trò, là người duy nhất có thực quyền quyết định trong việc sử dụng sông Mê Kông, nhưng Trung quốc không chịu sự ràng buộc quốc tế nào cả. Họ không tham gia Hiệp định Mekong 1995, cũng không có tên trong Công ước Liên Hiệp Quốc 1997 về sử dụng các nguồn nước liên quốc gia. Cho đến trước khi Tòa hình sự quốc tế ICC tuyên bố sẽ coi hủy hoại môi trường là tội ác chống lại loài người, chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn Trung quốc.

Được thành lập theo Qui chế Rome 1998 (QCR), ICC là một tòa án chính thức trong hệ thống cơ quan tài phán quốc tế xây dựng trên cơ sở Hiến chương Liên hiệp quốc. Khác với Tòa trọng tài thường trực PCA (xử vụ Philippines kiện Trung quốc), ICC có trọn vẹn thẩm quyền và quyền lực cưỡng bức thi hành án như một tòa án tối cao (Điều 4,khoản 1, QCR) tại bất kỳ một quốc gia nào ký kết QCR, hoặc là thành viên Liên Hiệp Quốc (Điều 4, khoản 2, QCR).

Để phục vụ điều tra, ICC có quyền ra lệnh bắt giữ bất cứ người nào để đưa về giam tại Hà Lan. Tất cả các nước thành viên LHQ có nghĩa vụ thực thi bản án của ICC, bắt giữ tội phạm đã bị tuyên án và tịch thu tài sản của họ trên phạm vi toàn thế giới.

Là sự kết hợp hệ thống luật hình sự Đức-La mã với hệ thống hình sự Anh-Mỹ và tôn trọng chủ quyền quốc gia, ICC chỉ được phép thụ lý khi: a) thủ phạm có quốc tịch của một quốc gia ký kết QCR; hoặc b) hành vi hủy hoại môi trường xảy ra ở một quốc gia là thành viên QCR; c) được quốc gia không thuộc các trường hợp a và b tuyên bố chấp nhận quyền tài phán; d) Liên Hiệp quốc cho phép ICC xét xử nếu không thuộc các trường hợp a,b,c.

Thêm vào đó, ICC chỉ thụ lý, khi tòa án quốc gia không muốn, hoặc không thể điều tra, xét xử hành vi phạm tội đó một cách thật sự (Điều 17, khoản 1, điểm a, QCR). Tiêu chí xác định điều này được qui định tại Điều 17, khoản 2, QCR. Theo đó, việc Tòa án quốc gia hoặc quyết định của chính phủ, đưa ra xét xử với mục đích bảo vệ tội phạm trước khả năng bị ICC xét xử, hay tính chất không độc lập của Tòa án, là hai tiêu chí quan trọng chứng tỏ cơ quan tài phán quốc gia không muốn, không thể xét xử thật sự.

Dù tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, nhưng các qui định của Qui chế Rome 1998 vẫn bảo đảm cho ICC thẩm quyền xét xử, bảo đảm không một tội ác chống lại loài người nào mà không bị trừng phạt đích đáng.

ICC thụ lý hồ sơ mà không cần phải được sự đồng ý, chấp thuận của chính phủ các nước liên quan. Người nộp hồ sơ yêu cầu điều tra có thể là cá nhân, tổ chức phi chính phủ; đối tượng bị truy tố và trừng phạt có thể là cá nhân (bất kể người đó có địa vị hay giữ chức vụ gì), các pháp nhân khác, doanh nghiệp… nghĩa là chủ đầu tư, nhà thầu chính, phụ và hầu hết tất cả những người có liên quan đến tội ác.

Hồ sơ yêu cầu ICC điều tra chỉ cần có vừa đủ thông tin và lập luận cần thiết để ICC thấy có các dấu hiệu của một tội ác chống lại loài người, khi đó ICC sẽ ra quyết định điều tra (Điều 15 QCR).

Căn cứ Điều 7, khoản 1, điểm b và k của QCR, không còn nghi ngờ gì nữa, xây dựng đập trên thượng nguồn và thao túng dòng chảy tự nhiên sông Mê Kông là tội ác chống loài người. Mê Kông chảy qua nhiều quốc gia, nên mức độ nghiêm trọng, phạm vi ảnh hưởng, mức độ tác động đến con người và số lượng người bị ảnh hưởng do xây dựng đập thủy điện, là vượt qua mọi giới hạn của một hành vi hủy hoại môi trường bình thường. Chắc chắn ICC sẽ quyết định điều tra, nếu nhận được hồ sơ sông Mê Kông. Khi những kẻ liên quan đến xây đập bị ICC kết án, ngoài việc đi tù và bồi thường thiệt hại, họ còn có nghĩa vụ cùng với chính phủ các nước liên đới chấm dứt xây đập mới, đồng thời phá bỏ các đập cũ.Image copyrightHOANG DINH NAM GETTY IMAGES

Để bảo vệ môi trường, phải chấm dứt nhập khẩu công nghệ bẩn, ngừng phát triển các ngành công nghiệp truyền thống. Để phát triển, cần tập trung vào nông nghiệp, du lịch là những ngành chịu tác động trực tiếp của môi trường. Bảo vệ môi trường trên dải đất hình chữ S không chỉ là điều kiện cho phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch, mà còn là cho sự sống còn của dân tộc. Không thể nói đến môi trường sống của dân tộc mà không có Đồng bằng Sông Cửu Long. Bảo vệ sự sống môi trường Đồng bằng Sông Cửu Long thực ra chính là bảo vệ môi trường sống cho cả dân tộc.

Đồng bằng Sông Cửu Long đang lâm nguy. Sự hủy diệt môi trường sống ở đây không còn là nguy cơ, mà đang trở thành hiện thực. Khác với Biển Đông, vấn đề sông Mê Kông là hết sức cấp bách. Vì nó tác động trực tiếp và tức thời đến cuộc sống của gần 20 triệu người; cho thấy tức khắc „kết quả“ thao túng của nước ngoài và sự lệ thuộc của Việt Nam vào nó. Nói đến sông Mê Kông là đụng chạm đến vấn đề cốt tử, nghiêm trọng nhất: sự trường tồn của dân tộc Việt.

Đưa những kẻ đang xây đập trên sông Mê Kông ra ICC vừa bảo vệ được môi trường sống cho dân tộc, vừa tạo được một tiền lệ buộc Trung quốc phải thỏa thuận với chúng ta như một quốc gia bình đẳng.

Đến nay, đưa vụ sông Mê Kông ra ICC là cơ hội duy nhất để dân tộc Việt vẫn còn mảnh đất hình chữ S có thể sống được và để chúng ta có quyền tự quyết định vận mệnh của mình, chứ không phải Trung Quốc. Con đường này đầy chông gai, nhưng chính lúc này đây, nó rất cấp bách và cần thiết cho dân tộc. Một trong những nguyên nhân chính của nhiều vấn nạn xã hội Việt Nam hiện nay là mất phương hướng, không thấy tương lai, không có một mục tiêu chung nào cả. Nếu đã thấy hướng đi, mục tiêu cụ thể, thì mọi người sẽ có niềm tin trở lại, xã hội bắt đầu đồng lòng. Bảo vệ sự trường tồn của dân tộc Việt, bắt đầu bằng bảo vệ Đồng bằng Sông Cửu Long với sự hỗ trợ của ICC, phải là một mục tiêu chung như vậy.Bài phản ánh văn phong và quan điểm của người viết, tiến sỹ luật hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam.


-

Tổng số lượt xem trang