Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Lương tối thiểu tại Việt Nam

- Trước ngưỡng cửa của CMCN 4.0, thế giới lo lắng còn đưa ra đề nghị một mức thu nhập cơ bản chung (universal basic income) cho người lao động. Có những vấn đề cần quan tâm ở đây: chính sách bảo trợ xã hội và trách nhiệm của doanh nghiệp? Một thực tế đáng buồn là người lao động có mức lương không đủ sống nữa là mức bảo hiểm thất nghiệp cho họ.



Sáng 13/9, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố nghiên cứu về lương tối thiểu và năng suất lao động Việt Nam. Theo công bố, giai đoạn 2007-2016, lương tối thiểu tăng ở mức 11-70% mỗi năm (mức tăng khác biệt theo vùng), trung bình đạt xấp xỉ 20%. Cũng trong giai đoạn trên, mức tăng lương tối thiểu vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. Ngoài ra, năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn này tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động.



Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Thương mại, cho rằng nếu coi lương tối thiểu là chính sách xã hội thì "không đúng". Trong thực tế, nếu tăng lương tối thiểu thêm 50%, người lao động vẫn không đủ sống, do vậy các cơ quan chức năng nên nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có kỹ năng thì được tăng lương. "Chúng ta nên nghiên cứu bỏ lương tối thiểu, đồng thời với tăng chính sách bảo trợ xã hội", ông Tuyển nói.

"Trong khu vực, Việt Nam là nước duy nhất có tỷ lệ tăng lương tối thiểu cao hơn năng suất lao động, điều này sẽ ăn mòn sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế", ông Thành nói.

Nhóm chuyên gia khuyến nghị, lương tối thiểu không hiệu quả nếu được xem là một chính sách bảo trợ xã hội. Vì các hệ thống lương tối thiểu hiện chưa áp dụng với người lao động không có hợp đồng, cũng như không thể hiện vai trò bảo vệ nhóm người này. Do đó, Việt Nam cần phải xem xét các chính sách xã hội bổ sung, áp dụng với nhóm cá nhân không được quy định trong chính sách lương tối thiểu.

13/9: Ông Trương Đình Tuyển: Việt Nam nên nghiên cứu bỏ lương tối thiểu - VnExpress

***
13/09: Infonet - Ông Trương Đình Tuyển: Nên bỏ lương tối thiểu, trả lương thỏa thuận

Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng nghiên cứu vừa được công bố còn nhiều vấn đề phải xem xét. Theo ông, nhóm nghiên cứu đưa ra tiền lương tối thiểu tăng nhanh so với năng suất lao động. Vấn đề ở đây năng suất lao động được đề cập đến là năng suất lao động xã hội hay năng suất lao động công nghiệp?
“Trong khi, tiền lương tối thiểu đang điều chỉnh trong khu vực công nghiệp buộc phải so sánh với năng suất lao động công nghiệp, không thể so sánh tiền lương trong khu vực công nghiệp với năng suất lao động xã hội. Đây là so sánh khập khiễng”, ông Chính nói. Cũng theo ông Chính, hiện đang có việc doanh nghiệp xây dựng hai hệ thống bảng lương. Trong đó, một bản lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội. Các doanh nghiệp đang lợi dụng tiền lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội. Từ đó, tiền lương tối thiểu trở nên méo mó.
Do vậy, theo ông Chính cơ quan thuế và Bảo hiểm Xã hội cần có sự phối hợp với nhau để có thể xử lý được vấn đề này.
Mặt khác, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng cho hay, điều chỉnh tiền lương tối thiểu phụ thuộc vào các yếu tố tốc độ trượt giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, giá nhân công thị trường, khả năng chi trả của doanh nghiệp… nhưng phải tính yếu tố tăng thêm tiền lương tối thiểu do mức sống tối thiểu của người lao động chưa được đảm bảo.
“Điều 91, Bộ luật Lao động quy định lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu mức sống tối thiểu nhưng khảo sát của Hội đồng tiền lương, Tổng Liên đoàn, Tổng cục Thống kê cho thấy đúng ra Điều 91 phải thực hiện từ năm 2013, nhưng lùi từ năm 2015 đến nay vẫn chưa đảm bảo được lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu. Còn khi tiền lương tối thiểu khiến người lao động đủ sống, hàng năm chỉ điều chỉnh vào chỉ số giá hay GDP vào khoảng 3-4% chứ không tăng 7-8% như bây giờ”, ông Chính nói.
Mặt khác, ông Chính cũng cho rằng, báo cáo nghiên cứu của VEPR và JICA có phần nghiêng về doanh nghiệp, chưa quan tâm nhiều đến người lao động. Bởi qua khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động tại một số khu công nghiệp nhận thấy, lương của hai vợ chồng công nhân 10 triệu đồng mỗi tháng là không đủ sống. 

13/09: Infonet - Ông Trương Đình Tuyển: Nên bỏ lương tối thiểu, trả lương thỏa thuận
 Ông Trương Đình Tuyển: Nên bỏ lương tối thiểu, trả lương thỏa thuận (infonet 14-9-17)

Lương tối thiểu không thể bảo vệ người lao động
Theo phân tích của TS Futoshi Yamauchi – Chuyên gia Kinh tế Ngân hàng Thế giới, một cách tổng quát, tăng lương tối thiểu sẽ làm tăng lương trung bình. Theo đó, lương tối thiểu tăng 1% thì lương trung bình tăng 0,32%.

Lương tối thiểu cũng tác động đến lao động và lợi nhuận. Cụ thể, lương tối thiểu tăng 1% thì lao động giảm 0,13% và tỷ lệ lợi nhuận (lợi nhuận/doanh thu) giảm 2,3 điểm %.

Ở mức độ doanh nghiệp, tăng lương tối thiểu khiến tốc độ tăng trưởng lao động suy giảm. Doanh nghiệp càng sử dụng nhiều lao động, tốc độ giảm càng mạnh. Chẳng hạn với doanh nghiệp có 100 lao động, nếu lương tối thiểu tăng 1% thì tăng trưởng lao động giảm 0,2% (con số này ở doanh nghiệp có 50 lao động là 0,1%).

Hệ quả tất yếu của việc này là chi phí đầu tư cho máy móc tăng lên. Ví dụ với doanh nghiệp dệt may có cường độ vốn 50 (ví dụ giá trị sổ sách tài sản cố định là 6,3 tỷ đồng, 125 lao động), khi lương tối thiểu tăng 1%, đầu tư cho máy móc tăng 2,4%.

Như vậy, các phân tích này đã cho thấy khi lương tối thiểu tăng, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bị co lại. Phản ứng với điều này, doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm lao động và tăng cường đầu tư máy móc để thay thế.

Ở khía cạnh khác, TS Nguyễn Tiến Dũng – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: một cách tổng quát, người lao động trình độ học vấn thấp, không có hợp đồng lao động và không có bảo hiểm xã hội thường nhận lương thấp hơn lương tối thiểu. Ngoài ra, hệ thống lương tối thiểu hiện tại cũng không bao gồm nhóm thiệt thòi và dễ tổn thương trong xã hội.

Bình luận về các phân tích này, TS Nguyễn Đức Thành nói: “Chúng tôi đã chứng minh được rằng các doanh nghiệp có khuynh hướng cắt bỏ lao động khi lương tối thiểu tăng. Còn với các doanh nghiệp không tuân thủ đầy đủ quy định lao động (về bảo hiểm), họ không cắt giảm lao động nhưng cũng sẽ không tăng lương.

“Chúng ta nghĩ rằng lương tối thiểu là để bảo vệ người lao động. Nhưng thực tế khi tăng lương tối thiểu thì nhiều người lại bị đẩy ra khỏi thị trường lao động”.

Cơ sở xác định tiền lương tối thiểu chưa phù hợp
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cơ chế xác định tiền lương tối thiểu hiện nay đang có vấn đề.

Thứ nhất, cách xác định tiền lương tối thiểu bằng cách đo lường mức sống tối thiểu của người lao động là không hợp lý. “Mức sống tối thiểu là một khái niệm tương đối và có thể thay đổi theo thời gian. Việc xác định mức sống tối thiểu mà không tính đến mức sống cụ thể trong nền kinh tế nói chung cũng như trong các khu vực khác của nền kinh tế có thể dẫn đến xác đinh quá cao mức sống tối thiểu. Từ đó dẫn đến xác định tiền lương tối thiểu cao”.

Thứ hai là chúng ta không rõ ràng trong việc xác định tiền lương tối thiểu. “Việc các tổ chức khác nhau tham gia vào Hội đồng Tiền lương Quốc gia (sử dụng các tiêu chí khác nhau để đánh giá hay đưa ra các phương án tiền lương) làm giảm khả năng dự báo cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp thường không biết quy trình xác định tăng lương nên khi Chính phủ công bố mức điều chỉnh vào cuối năm, họ gặp rất nhiều khó khăn”, TS Dũng nói.

Tổng số lượt xem trang