Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

PHÁT BIỂU CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TƯƠNG LAI CHÂU Á

PHÁT BIỂU CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TƯƠNG LAI CHÂU Á


Thưa Ngài Chủ tịch,
Thưa Quý vị và các bạn,

Trước hết, tôi xin cám ơn Ban Tổ chức đã mời tôi tham dự và phát biểu tại Hội nghị Tương lai Châu Á năm 2009. Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế các nước Châu Á nói riêng đang trải qua một thời kỳ khó khăn và thách thức nhất kể từ nhiều thập kỷ qua. Do vậy, Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là dịp để chúng ta thảo luận một cách sâu sắc và toàn diện các biện pháp và hình thức hợp tác ứng phó với khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay, chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới của Châu Á và thế giới sau khủng hoảng.

Thưa Quý vị và các bạn,

Cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế đang gây ra những tổn thất to lớn, nhưng cũng cho chúng ta nhận thấy rõ hơn những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế - tài chính thế giới cũng như của mỗi nền kinh tế; cảm nhận một cách sâu sắc tính bất ổn và khó dự đoán của một thế giới đang chuyển biến với tốc độ ngày càng cao; nhận diện ngày càng đầy đủ hơn những yếu tố cần và đủ cho một thiết chế quản lý và mô hình tăng trưởng bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Cuộc khủng hoảng lần này xảy ra trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, đặt ra cho tất cả chúng ta yêu cầu phải có sự phối hợp hành động chung để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Thời gian qua, bên cạnh các nỗ lực to lớn của mỗi quốc gia, trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, Chính phủ nhiều nước đã tích cực hợp tác để cùng tìm ra các biện pháp ứng phó trên quy mô toàn cầu và khu vực. Sự thành công vượt mong đợi của Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vừa qua, cũng như kết quả tích cực của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN + 3 và Diễn đàn Bác Ngao tại Trung Quốc mới đây, là những dấu mốc quan trọng trong sự nỗ lực phối hợp hành động chung toàn cầu và khu vực.

Thưa Quý vị và các bạn,

Mặc dù kinh tế thế giới, kinh tế Châu Á đã có những dấu hiệu tích cực, khẳng định tính đúng đắn của những giải pháp và các nỗ lực vừa qua, nhưng để đi tới một giai đoạn phát triển thịnh vượng mới sẽ còn nhiều khó khăn thách thức. Theo dự báo mới đây của IMF và WB, kinh tế thế giới sẽ giảm từ 1,3% đến 1,7% trong năm 2009. Đây sẽ là sự sụt giảm kinh tế toàn cầu đầu tiên trong vòng 60 năm qua. Có thể nửa cuối 2009 sẽ là thời gian quyết định để nhận diện rõ hơn xu hướng phát triển tiếp theo của kinh tế thế giới.

Từ nửa cuối năm 2008, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới đối với khu vực Châu Á ngày càng rõ rệt. Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, GDP nhiều nước Châu Á đã giảm sút, đầu tư, xuất nhập khẩu, du lịch giảm rõ rệt, hàng chục triệu người thất nghiệp, đời sống khó khăn hơn. Tuy không nằm trong “tâm bão” như cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998, nhưng mức độ tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng lần này cũng không kém phần nghiêm trọng. Nguyên nhân là do kinh tế nhiều nước Châu Á phụ thuộc nhiều vào các thị trường lớn ở Mỹ và Châu Âu, nơi hiện nay kinh tế đang suy thoái nặng nề. Dự kiến năm 2009 kinh tế Châu Á chỉ tăng trưởng khoảng 2,7%, thấp hơn cả giai đoạn khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở Châu Á 10 năm trước đây.

Để Châu Á vượt qua những khó khăn thách thức to lớn đang phải đối mặt, sớm thoát ra khỏi khủng hoảng và hơn thế nữa là bảo đảm cho một tương lại tốt đẹp sau khủng hoảng, tiếp tục là khu vực tăng trưởng năng động nhất của thế giới trong thế kỷ 21 - thế kỷ được kỳ vọng là thế kỷ của Châu Á, tôi xin trao đổi một số phương thức và biện pháp mà chúng ta cần ưu tiên phối hợp hành động.

Một là, phải củng cố niềm tin và xây dựng cho được những nền tảng cơ bản của sự phát triển bền vững.

Điều quan trọng hàng đầu là Châu Á cần củng cố niềm tin và xây dựng cho được một nền tảng vững chắc, với tất cả các yếu tố cần thiết bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Các nước Châu Á đã vượt qua được những thử thách gay go nhất của cuộc khủng hoảng tài chính 10 năm trước đây, nền kinh tế đã từng bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn. Bài học đó sẽ là những kinh nghiệm quí báu cho chúng ta. Ngay trong bối cảnh khó khăn hiện nay, phần lớn các nước Châu Á đều có nền tảng kinh tế vĩ mô lành mạnh, dự trữ ngoại tệ khá cao, cùng với thị trường nội khu vực rộng lớn và tiềm năng dồi dào về nguồn lực con người. Đặc biệt, phải coi trọng phát huy bản sắc văn hoá và những giá trị nhân văn truyền thống, lợi ích cộng đồng, tôn vinh giáo dục, phát triển kinh tế phải đi liền với thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sống. Đây là những nhân tố rất quan trọng tạo cơ sở cho việc nhanh chóng phục hồi kinh tế và phát triển bền vững của châu lục này.

Hai là, cùng với việc phối hợp hành động trong khu vực để khắc phục khủng hoảng, cần tăng cường mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế, thương mại, tăng tỷ trọng giao thương và đầu tư giữa các nền kinh tế Châu Á.

Đây là nội dung quan trọng nhằm khắc phục tính dễ bị tổn thương của các nền kinh tế của chúng ta hiện đang phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài. Các nước trong khu vực đã và đang đẩy mạnh hợp tác, đưa ra nhiều sáng kiến nhằm cùng nhau khắc phục khủng hoảng trong các khuôn khổ hợp tác đa phương như: ASEAN, ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á,... 10 nước ASEAN và ba nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đã thỏa thuận lập quỹ 120 tỷ USD để chống khủng hoảng, tăng cường hợp tác tài chính trong khuôn khổ Sáng kiến Chiềng Mai và trên thị trường trái phiếu Châu Á. Đồng thời, chúng ta cũng đang tăng cường thúc đẩy thương mại trong khu vực, nhiều thỏa thuận đã được ký kết và đang đẩy nhanh việc thực thi như: Hiệp định về xây dựng khu vực mậu dịch tự do ASEAN- TQ (ACFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN- Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Tự do Thương mại giữa ASEAN với Ấn Độ (AIFTA) với Úc và New Zealand (AANZFTA),... Điều chúng ta cần tập trung mọi nỗ lực lúc này là triển khai thực hiện thật khẩn trương và hiệu quả các hiệp định và thỏa thuận đó.

Bên cạnh các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm cải cách hệ thống tài chính – tiền tệ thế giới, đặc biệt là các thể chế Breton Woods như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), chúng tôi cũng cho rằng cần phải nâng cao và mở rộng hơn nữa vai trò của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) như một định chế tài chính quan trọng hàng đầu của khu vực. Chúng tôi hy vọng các thành viên ADB sẽ sớm đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng và khả thi theo hướng này.

Nhân dịp này, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn và sự đánh giá cao những nỗ lực to lớn của các nền kinh tế chủ chốt của Châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản trong việc hỗ trợ các nước khác đối phó với những thách thức của cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế hiện nay, trong đó có các gói tài trợ nhiều tỷ đô la cho phục hồi kinh tế của khu vực. Chúng ta hy vọng là các gói tài trợ này sẽ sớm được triển khai và sử dụng có hiệu quả nhất.

Chúng ta có thể tin tưởng và trông cậy vào tiềm năng hợp tác kinh tế ngày càng mở rộng cũng như dung lượng to lớn của thị trường nội khu vực. Hội nhập khu vực sâu rộng hơn, tạo thêm nhiều mối liên kết nội khu vực với các cấp độ khác nhau sẽ là chìa khóa để bảo đảm Châu Á không chỉ là châu lục ra khỏi khủng hoảng sớm nhất, mà còn duy trì được vị thế là một đầu tầu kinh tế quan trọng hàng đầu của thế giới.

Ba là, phải tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển các tiểu vùng và khu vực chậm phát triển, rút ngắn khoảng cách phát triển nội châu lục.

Một trong những giải pháp để duy trì ổn định và phát triển bền vững của khu vực là nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các nước, các vùng và tiểu vùng trong Châu lục của chúng ta. Hợp tác tiểu vùng Mê Công và các Tam giác phát triển, các hành lang kinh tế trong khu vực này có vị trí rất quan trọng. Thời gian qua, nhiều chương trình hợp tác đã có những thành tựu rất đáng khích lệ như trong khuôn khổ Hai Hành lang – Một Vành đai kinh tế, Tam giác Phát triển bao gồm một số địa phương của Việt Nam – Lào – Campuchia, Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC). Đặc biệt, trong những năm gần đây, vai trò của các khuôn khổ hợp tác giữa các nước trong Tiểu vùng sông Mê Công đã ngày càng trở nên hiệu quả với sự hỗ trợ tích cực, trên nhiều mặt của của Nhật Bản.

Nhật Bản đã trở thành một trong những đối tác tài trợ ODA lớn nhất cho khu vực Tiểu vùng Mê Công với những khoản hỗ trợ quan trọng cho các chương trình hợp tác tiểu vùng như: cung cấp vốn và kỹ thuật thúc đẩy quá trình hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), phát triển hạ tầng cơ sở phân phối hàng hóa ở các nước trong khu vực sông Mê Công. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn là Đồng Chủ tịch Nhóm công tác về Hợp tác liên vùng nghèo dọc hành lang Đông Tây (WEC), đối tác hỗ trợ tích cực cho khu vực tam giác phát triển CLV và là bên đối thoại quan trọng của ASEAN trong Chương trình hợp tác ASEAN phát triển lưu vực sông Mê Công (AMBDC).

Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, việc Nhật Bản cam kết viện trợ 20 tỷ USD ODA giúp các nước Châu Á đối phó với những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính- kinh tế đã thể hiện vai trò quan trọng của Nhật Bản như một đầu tầu kinh tế trong khu vực châu Á nói chung và đối với các nước Tiểu vùng Sông Mê Công nói riêng.

Chương trình Hợp tác Mê Công– Nhật Bản tuy mới chính thức được khởi xướng từ năm 2008 nhưng đã chứng tỏ được tính thiết thực và tầm quan trọng, bổ trợ tốt cho các cơ chế hiện có trong hợp tác khu vực và hợp tác tiểu vùng sông Mê Công. Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến năm giao lưu Mê Công – Nhật Bản với những hoạt động phong phú và hiệu quả, thúc đẩy hợp tác toàn diện hơn giữa các nước trong Tiểu vùng Mê Công và Nhật Bản. Chúng tôi đánh giá cao sự tham gia của các nước trong Tiểu vùng cũng như sự đóng góp tích cực của Nhật Bản trong tiến trình hợp tác này. Việt Nam nhiệt liệt ủng hộ sáng kiến của Nhật Bản tổ chức Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần đầu tiên trong năm nay và hy vọng cơ chế hợp tác này sẽ trở thành một hoạt động thường niên, thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác tin cậy giữa các nước lưu vực sông Mê Công - Nhật Bản.

Chúng tôi cũng mong muốn các nền kinh tế lớn của Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia,... cũng như các đối tác khác ngoài khu vực, các tổ chức quốc tế quan tâm hơn nữa và tăng cường sự tham gia vào các dự án phát triển ở khu vực đầy tiềm năng này. Sự hỗ trợ của các nền kinh tế lớn để phát triển tiểu vùng Mê Công và các tiểu vùng kém phát triển khác tại châu lục không những giúp các vùng này rút ngắn khoảng cách phát triển, mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất ở các nước tài trợ và điều quan trọng hơn là tạo ra cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cho sự tăng trưởng thương mại, thúc đẩy đầu tư của toàn châu lục, nhất là khi các nước trong các tiểu vùng này đang liên kết ngày càng sâu rộng với các nước khác thuộc châu lục trong các hiệp định mậu dịch tư do. Hy vọng rằng với nỗ lực của các nước trong Tiểu vùng Mê Công và sự tham gia tích cực của các đối tác trong và ngoài khu vực, Tiểu vùng Mê Công sẽ thực sự trở thành “Khu vực của Hy vọng và Phát triển”, đem lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên tham gia.

Bốn là, nâng cao vai trò của Châu Á trong việc xây dựng khuôn khổ thương mại toàn cầu, cải cách hệ thống tài chính - tiền tệ quốc tế và phối hợp hành động khắc phục khủng hoảng.

Cùng với việc đẩy mạnh hợp tác nội châu lục, chúng ta cũng phải tăng cường hợp tác với các châu lục khác trên thế giới, đẩy mạnh tự do hoá thương mại, chống chủ nghĩa bảo hộ và khép kín khu vực. Việc cam kết mạnh mẽ của các nền kinh tế Châu Á đối với vòng Doha là điều kiện cần thiết để xây dựng một khuôn khổ thương mại toàn cầu công bằng và hiệu quả. Chúng ta cũng cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các nền kinh tế Châu Á tại các diễn đàn và khuôn khổ hợp tác toàn cầu như WTO và liên khu vực như APEC và ASEM. Đầu tuần tới, tại Hà Nội, Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 9 các thành viên ASEM (FMM 9) với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế - tài chính và các thách thức toàn cầu". Chúng tôi hy vọng các thành viên Châu Á sẽ góp phần quan trọng của mình vào thành công của Hội nghị này - hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của ASEM sau khi kết nạp thêm nhiều thành viên mới.

Năm nay Singapore là nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC. Đây là một cơ hội để Châu Á phát huy hơn nữa vai trò của mình trong Diễn đàn xuyên Thái Bình dương năng động này.
Chúng ta đánh giá cao những cam kết và thoả thuận đạt được của Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua nhằm đối phó với khủng hoảng và phục hồi nhanh nền kinh tế. Chúng ta cũng rất vui mừng nhận thấy Châu Á, nhất là các thành viên Châu Á trong G-20 như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Inđônêxia và Australia đã có vai trò ngày càng lớn trong các nỗ lực hợp tác toàn cầu nhằm xử lý các thách thức của cuộc khủng hoảng, trong đó có các đóng góp quan trọng tại Thượng đỉnh G-20 vừa qua. Chúng tôi rất hoan nghênh các thành viên G-20 của Châu Á đã quan tâm tham vấn ý kiến và các kiến nghị của các nền kinh tế Châu Á khác khi xây dựng chương trình nghị sự của G-20, qua đó tiếng nói của Châu Á được thể hiện một cách đầy đủ và toàn diện hơn tại Diễn đàn hết sức quan trọng này.

Năm là, một cộng đồng chỉ có thể vững mạnh khi từng thành viên vững mạnh.

Sự hỗ trợ của các nền kinh tế đầu tàu dành cho các nước đang gặp khó khăn hơn trong khu vực là hết sức cần thiết và quý báu. Nhưng điều quan trọng, có tính quyết định, là mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế phải tự phát huy nội lực, có các biện pháp quyết liệt, phù hợp để khắc phục các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng hiện nay, sửa chữa những khiếm khuyết nội tại, vượt qua thách thức để bước vào một giai đoạn phát triển mới sau khủng hoảng. Chúng tôi khâm phục những chính sách kích thích và phục hồi kinh tế mạnh mẽ và đúng hướng của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các thành viên ASEAN và nhiều nền kinh tế khác ở Châu Á.

Về phần mình, Việt Nam sẽ làm hết sức mình, hợp tác chặt chẽ với các nước, thực hiện đầy đủ các cam kết để cùng các nước vượt qua khó khăn hiện nay và phát triển kinh tế ngày càng vững mạnh, góp phần vào sự phồn vinh của khu vực. Trong đó chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đến nay Việt Nam đã là thành viên của WTO, có quan hệ thương mại với trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch thương mại của Việt Nam với các nước năm 2008 đạt trên 140 tỷ USD, tăng bình quân gần 20%/năm trong suốt 20 năm qua. Việt Nam hiện có hơn 10.000 dự án đầu tư trực tiếp của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động, với tổng số vốn đầu tư trên 160 tỷ USD. Có trên 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đang cung cấp ODA cho Việt Nam, với số vốn cam kết gần 50 tỷ USD. Việt Nam cũng có 370 dự án đầu tư đang thực hiện ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ, với số vốn trên 5 tỷ USD.

Từ đầu năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đồng bộ và phù hợp các nhóm giải pháp và đã kiềm chế được lạm phát, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và nền kinh tế vẫn tăng trưởng 6,2%.

Bước vào năm 2009, để đối phó với khủng hoảng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện chính sách tài chính-tiền tệ tích cực, linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn của hệ thống ngân hàng; thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; kích cầu đầu tư, tiêu dùng, mở rộng thị trường nội địa; bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo và đã đạt được kết quả tích cực.

Quí I năm 2009 kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng 3,1%, dự báo cả năm đạt 5%; cán cân thương mại và cán cân thanh toán cân bằng và có mức thặng dư. Dự trữ ngoại hối vẫn được bảo đảm; lạm phát đã được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 5/2009 chỉ tăng 2,13% so với tháng 12/2008; vốn đăng ký đầu tư trực tiếp của nước ngoài vẫn đạt trên 6 tỷ USD. Thị trường chứng khoán đang hồi phục trở lại. Niềm tin của các nhà đầu tư đối với Việt Nam tiếp tục được khẳng định.

Chúng tôi cho rằng, khủng hoảng hiện nay cũng là là cơ hội để thúc đẩy cải cách cơ cấu, hoàn thiện quản lý và xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững. Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai một loạt các giải pháp quan trọng mang tính dài hạn, trong đó, tập trung vào (1) hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, trong đó thực hiện đầy đủ các cam kết, tích cực hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế để cùng vượt qua khó khăn hiện nay; (2) cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế trên cơ sở đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất lao động (3) đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, năng lượng, y tế, giáo dục; (4) tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng; nâng cao năng lực quản lý nhà nước; (5) chú trọng phát triển nguồn nhân lực; (6) tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đối khí hậu và phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam vẫn sẽ là một nền kinh tế năng động và là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.

Cùng với những cố gắng để phát huy tối đa nguồn lực trong nước, Việt Nam chúng tôi xin chân thành cám ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác quí báu, hiệu quả của cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư.

Sáu là, các nước Châu Á cần phải tăng cường hơn nữa năng lực sáng tạo, tiếp tục xây dựng môi trường quốc tế hoà bình, ổn định và tạo lập lại vị thế là một trong những cái nôi văn minh của loài người.

Châu Á đã từng là nơi sản sinh ra những phát minh, sáng kiến và ý tưởng vĩ đại, tạo nên các bước ngoặt và sự phát triển nhảy vọt của nhân loại. Tiếp tục phát huy và tăng cường hơn nữa những giá trị này sẽ là điều kiện để Châu Á chuẩn bị cho mình một vị thế mới xứng đáng trong thế giới sau khủng hoảng.

Trước hết, chúng ta cần có những đột phá trong chính sách khuyến khích tư duy sáng tạo và đổi mới, tập trung phát huy thế mạnh về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, đầu tư thỏa đáng cả cho nghiên cứu khoa học cơ bản và phát triển công nghệ; tập trung nghiên cứu và tăng cường hợp tác nhằm tìm ra được một mô hình phát triển mới cho Châu Á, vừa phát huy được các giá trị hiện có của Châu Á vừa ứng phó hữu hiệu các thách thức mới của thế giới toàn cầu hóa sâu rộng ngày nay. Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc Nhật Bản cùng các nước ASEAN quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á - Economic Research Institute for ASEAN and East Asia (ERIA) và tin tưởng rằng các kết quả nghiên cứu của viện này sẽ giúp cho những nhà hoạch định chính sách chúng ta tìm kiếm những mô hình hợp tác và phát triển bền vững.

Đồng thời, chúng ta cần nỗ lực tiếp tục xây dựng một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, an ninh bền vững ở khu vực. Trong quá khứ, nhiều dân tộc Châu Á đã từng là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang với quy mô và mức độ khác nhau và đã phải chịu biết bao đau khổ, mất mát. Hơn ai hết, chúng ta hiểu hòa bình và ổn định quý giá như thế nào. Để có được một nền hòa bình bền vững, chúng ta cần tăng cường hợp tác xây dựng lòng tin, cam kết giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp, kể cả tranh chấp về lãnh thổ trên đất liền và trên biển, thông qua các biện pháp đối thoại và hợp tác hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm cả các công ước liên quan của Liên hợp quốc, trong đó có Công ước về Luật Biển 1982. Đặc biệt, chúng tôi muốn nhấn mạnh sự cần thiết phải nỗ lực cao nhất ngăn chặn việc phát triển và phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, nhất là vũ khí hạt nhân.

Thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, mang tính toàn cầu đe doạ sự ổn định và phát triển bền vững của mỗi quốc gia và khu vực. Nhiều quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, các nước Đông Nam Á khác đều là những quốc gia ven biển và sẽ là những nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu chỉ tính riêng đến nguy cơ nước biển dâng cao. Dịch bệnh, trong đó có dịch cúm A H1N1 đang xảy ra ở nhiều nước, lây lan nhanh và diễn biến phức tạp. Cùng với sự nỗ lực của mỗi quốc gia, chúng ta cần tăng cường nguồn lực và phối hợp chặt chẽ để đối phó với thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, giảm tối đa những thiệt hại về người, tài sản và sớm dập tắt, không để dịch bệnh lây lan.

Việt Nam chúng tôi sẽ làm hết sức mình, hợp tác chặt chẽ với các nước trong các lĩnh vực này. Chúng tôi đã phê duyệt và đang triểu khai Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu. Nhân dịp này Chính phủ và nhân dân Việt Nam chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của cộng đồng quốc tế trong việc phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh.

Thưa Quý vị và các bạn,

Đây là lần thăm Nhật thứ hai trong vòng ba năm qua của tôi. Ngay trong tháng tư vừa qua, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh cũng có chuyến thăm chính thức Nhật Bản rất thành công. Chúng tôi vui mừng trong những năm qua, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa. Hai nước đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Sáng kiến chung Việt - Nhật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Nhật Bản đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước không ngừng tăng nhanh, năm 2008 đạt 17 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2007. Hiên nay Nhật Bản có trên 1000 dự án đầu tư trực tiếp đang hoạt động ở Việt Nam với số vốn đầu tư trên 17 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số hơn 80 quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản còn là nhà cung cấp ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam, năm 2008 mặc dù là năm khó khăn nhưng ODA của Nhật Bản vẫn đạt khoảng 900 triệu USD. Tuy nhiên, kết quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Nhật Bản vẫn còn chưa tương xứng với mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp, với tiềm năng sẵn có cũng như mong muốn của Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật bản.

Việc hai nước ký Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản về quan hệ Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á là bước tiến có ý nghĩa vô cùng quan trọng, chính thức đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới ổn định và bền vững, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy mạnh mẽ hơn các lĩnh vực hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Nhân dịp này, một lần nữa, tôi chân thành cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ quý báu mà Chính phủ và nhân dân Nhật Bản dành cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam.

Thưa Quý vị và các bạn,

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy biến động. Thế giới toàn cầu hóa đang chuyển động với một tốc độ chưa từng có, mọi khoảng cách thời gian và không gian dường như không ngừng được rút ngắn. Chưa bao giờ quá khứ, hiện tại và tương lai lại dồn nén và ảnh hưởng tới tiến trình phát triển và đời sống nhân loại mạnh mẽ như thế; các nền kinh tế lại gắn kết và tác động đến nhau sâu sắc và nhanh chóng như thế, với các xu thế trái chiều và đan xen phức tạp như thế. Những diễn biến khó lường và sâu sắc của nền kinh tế toàn cầu đang đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại mình, hoàn thiện lại mình và xác định cho mình những mục tiêu mới để theo đuổi, phấn đấu. Tôi tin rằng, với niềm tin vững chắc, sự nỗ lực lớn lao và sự phối hợp có hiệu quả giữa các quốc gia trong khu vực, chúng ta sẽ tạo nên sức mạnh tập thể to lớn cùng nhau vượt qua thử thách, hướng tới một tương lai phồn vinh và thịnh vượng của các quốc gia Châu Á, góp phần tích cực vào ổn định và phát triển của thế giới.

Xin chúc Quý vị và các bạn sức khoẻ và hạnh phúc.
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp,
Xin trân trọng cảm ơn./.

Tokyo, ngày 21 tháng 5 năm 2009

Tổng số lượt xem trang