Một cuộc đình công tại Công ty Yaban Chain Industrial (Bình Dương) cách đây 4 năm. |
Hôm qua, ngày 09/06, tại Tổng Liên đoàn lao động VN đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến Bộ Luật Lao động (sửa đổi) khu vực phía Bắc, tập trung vào 4 vấn đề, đó là đại diện tập thể lao động ở những Doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn; thỏa ước lao động tập thể ngành; thời giờ làm thêm, vấn đề bình đẳng giới và tuổi nghỉ hưu.
Về vấn đề thành lập ban đại diện công nhân ở những nơi chưa có tổ chức Công Đoàn. Theo dự thảo, ở Doanh Nghiệp chưa có Công Đoàn Cơ Sở thì sẽ phải thành lập Đại diện tập thể lao động trong phạm vi Doanh Nghiệp. Đại diện tập thể lao động hoạt động trong Doanh Nghiệp phối hợp với Công đoàn cấp trên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Người lao động và của tập thể Người lao động.
Các Doanh nghiệp có thể sẽ không thành lập Công đoàn theo quy định pháp luật mà lập thêm một tổ chức gọi là Ban đại diện công nhân trong Doanh nghiệp. Dự thảo cũng quy định quyền hạn của Ban đại diện công nhân là được đại diện ký Thỏa ước lao động tập thể với chủ Doanh nghiệp, có quyền tổ chức đình công.
Tuy nhiên, về vấn đề này, nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại, rất có thể sẽ dẫn đến “đa nguyên Công Đoàn”.
Các đại biểu đề nghị Bộ Luật Lao động cần phải thay đổi quy định này theo hướng chỉ có duy nhất tổ chức Công đoàn mới được quyền đại diện cho tập thể Người lao động trong Doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.
Cũng theo dự thảo Luật Lao động, có thể tăng thời giờ làm thêm của Người lao động tăng thêm thu nhập và Doanh nghiệp có thể phát triển sản xuất. Nhưng người sử dụng lao động phải đảm bảo số giờ làm thêm của Người lao động tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 36 giờ/tháng.
Các đại biểu cho rằng cần cân nhắc việc này và phải linh hoạt tùy từng ngành nghề. Quy định hiện hành, thời gian làm thêm là 200 giờ trong một năm.
Một vấn đề khác, là các quy định về đình công và giải quyết đình công (chương 14 của dự thảo).
Cả nước hiện đã xảy ra 2.800 cuộc đình công từ khi có Bộ Luật Lao động ra đời (năm 1995), nhưng tất cả đều là những cuộc đình công tự phát, không đúng trình tự theo quy định của pháp luật.
Người lao động đình công là do quyền và lợi ích của họ bị vi phạm, nhưng đình công theo quy định của pháp luật VN thì không thể thực hiện được. Theo Dự thảo Luật thì đình công phải do Ban Chấp Hành Công Đoàn Cơ Sở tổ chức và lãnh đạo. Đối với Doanh nghiệp chưa có Công đoàn thì phải do Ban đại diện tập thể lao động tổ chức.
Nhiều đại biểu cho rằng về vấn đề đình công của dự thảo lần này so với trước không sửa là bao nhiêu, chỉ bỏ phần quy định về Hội đồng hòa giải cơ sở. Nếu dự thảo lần này không được điều chỉnh, thì đình công ở VN vẫn diễn ra và tiếp tục không tuân theo quy định của pháp luật.
Cảnh Kiên