Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Bô-xít Tây Nguyên: Hình ảnh hồ bùn đỏ mới nhất

-Bô-xít Tây Nguyên: Hình ảnh hồ bùn đỏ mới nhất
(Kienthuc.net.vn/ 24/7) - Nhà máy bô-xít Tân Rai đã hoạt động từ cuối năm 2012 và cho ra những mẻ Alumin đầu tiên. Việc khai thác và xử lý quặng bô-xít đồng nghĩa với việc thải bùn đỏ ra môi trường hồ chứa.


Những nương chè, cà phê xanh tốt nay nhường chỗ cho khai thác bô-xít. Với giá bán hiện nay là 340 USD/tấn, 6 tấn bô-xít mới bằng 1 tấn cà phê.



Một góc nhà máy bô-xít Tân Rai


Chất thải từ nhà máy bô-xít Tân Rai ra hồ chứa


Toàn cảnh một hồ chứa bùn đỏ



Ống dẫn chất thải bùn đỏ từ việc rửa quặng bô-xít tại công trường khai thác ra hồ chứa.




Đường dẫn chất chất thải bùn đỏ


Nước trong hồ chứa bùn đỏ


Bùn đỏ lắng đọng trong hồ chứa


Một góc công trường khai thác bô-xít Tân Rai
Bô-xít Tây Nguyên sau 4 năm: "Đừng lao đầu vào núi"
(Kienthuc.net.vn) - Việc chạy nghiệm thu của nhà máy Tân Rai trong thời gian vừa qua không đạt công suất, thì có thể cho rằng không có cơ sở nói dự án đạt yêu cầu.

Nhìn là biết lỗi từ đâu
Dù là người của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), nhưng TS Nguyễn Thành Sơn khá thẳng thắn khi cho rằng: Tất cả những gì đang xảy ra ở Tân Rai đã chứng tỏ sự yếu kém của cả ban quản lý dự án, nhà thầu và chủ đầu tư.
Tại ban quản lý dự án, hầu hết cán bộ đều không làm chuyên sâu về bauxite mà được điều từ điện, từ than sang. Ở đây cũng có một vài người tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa của Hà Nội và TPHCM nhưng họ còn trẻ, thiếu kinh nghiệm. Không thể nói người của ban quản lý không giỏi, nhưng đối với bô-xít, họ không có chuyên môn sâu, khi làm xác định vừa làm vừa mày mò học. 

Băng tải vận chuyển quặng tinh. 
Điều đáng nói bô-xít là dự án phức tạp thiên nhiều về hóa chất vì thế, đội ngũ nhân lực của Việt Nam như đang có hiện nay không đáp ứng đủ tầm quan trọng của một dự án lớn cả về vốn và kỹ thuật như thế này. Điều này thể hiện rất rõ ở Tân Rai. Để luyện alumina, nguyên liệu đầu vào ngoài quặng còn cần điện và khí. Vì thế, tại đây phải có nhà máy điện và nhà máy khí hóa than. Do là người làm điện điều sang nên nhà máy điện chạy rất "ngon". Trong khi đó, nhà máy khí hóa than (chế biến than thành khí) có vấn đề. Nhà máy này sử dụng công nghệ lạc hậu từ những năm 60. 

Hiện nay, với công nghệ hiện đại các nhà máy khí hóa than có thể sử dụng tất cả các loại than, kể cả than xấu. Tuy nhiên, do sử dụng công nghệ lạc hậu nên nhà máy khí hóa than ở Tân Rai đòi hỏi than phải là loại than tốt, than cục trở từ Quảng Ninh vào. Điều này vừa gây khó khăn trong việc vận chuyển than vừa gây hao tổn than do dùng công nghệ lạc hậu.
Đối với nhà thầu Trung Quốc, họ có kinh nghiệm làm bauxite giống như bô-xít ở các tỉnh miền núi phía Bắc ở nước ta (bô-xít ở Lạng Sơn) chứ không làm bô-xít kiểu ở Tây Nguyên (bô-xít có liên quan đến đất bazan từ núi lửa). Điều này thể hiện khá rõ trong việc tuyển quặng. Nhà thầu Việt Nam thì không đánh giá hết được đặc tính của quặng nên mới dẫn đến việc "copy" công nghệ cũng của Trung Quốc nên không tuyển rửa được quặng đúng như công suất đề ra...
Đối với chủ đầu tư, phải thừa nhận rằng chủ đầu tư (Vinacomin) có năng lực và chuyên môn trong lĩnh vực khai thác mỏ, tuy nhiên lại không có kinh nghiệm trong khai thác bô-xít cũng như là luyện bô-xít thành alumina bây giờ và luyện alumina thành nhôm sau này. Như vậy, trong cả một công đoạn rất dài từ đào bô-xít , luyện alumina...  chủ đầu tư chỉ có năng lực trong mỗi một khâu là đào bô-xít, còn toàn bộ những công đoạn quan trọng, chủ đầu tư không có kinh nghiệm. Đấy là về mặt kỹ thuật, về mặt tiền vốn, để đầu tư cho bô-xít, chủ đầu tư phải lấy 99,36% lợi nhuận là từ than (khoảng 4.000 tỷ đồng) để đầu tư cho bô-xít.

Chưa đủ công suất thì chưa yên tâm
TS Nguyễn Thành Sơn cho biết, dự án Tân Rai được thực hiện theo kiểu chìa khóa trao tay, nghĩa là khi chạy nghiệm thu phải đảm bảo chạy liên tục trong đúng 1 tháng (đúng 720 giờ), thiếu 1 giờ cũng coi như không đạt, chạy gián đoạn 1 giờ cũng không thành công. Ngoài ra, trong 720 giờ liên tục ấy bắt buộc phải đảm bảo chạy đủ 100% công suất.
Theo công bố của nhà đầu tư, dự án Tân Rai chạy nghiệm thu từ 25/11-26/12/2012, đúng 1 tháng. Theo tính toán, mỗi năm Tân Rai sản xuất ra 650.000 tấn alumina, như vậy, nếu đủ công suất, mỗi ngày Tân Rai phải cho ra lò khoảng 2.000 tấn alumina, 1 tháng phải đạt khoảng 60.000 tấn alumina. "Tôi chắc chắn, sau 1 tháng, trong kho của Tân Rai không có đủ 60.000 tấn alumina. Những "lỗi" phát sinh trong thời gian qua có thể đã ảnh hưởng đến việc "sụt" công suất của Tân Rai. Có nhiều cách giải thích để biện hộ cho việc không đủ công suất ví dụ nhu cầu không lớn nên chỉ sản xuất ít. Tuy nhiên, ngay cả khi nhu cầu không lớn thì khi chạy nghiệm thu vẫn phải đảm bảo chạy đủ công suất bởi chỉ khi nào chạy đủ công suất thì mới làm lộ tất cả những nhược điểm của công nghệ. Chắc chắn, một khi chạy đủ công suất, lỗi còn nhiều hơn thế này nhiều", TS Nguyễn Thành Sơn cho biết.
Bãi thải quặng. 
Mối lo thải ướt vẫn rình rập
TS Nguyễn Thành Sơn kể, khi đến Tân Rai vào tháng 9/1012, khi nhà máy tuyển quặng đã đi vào hoạt động và lộ "lỗi" nghiêm trọng là bùn thải quặng đuôi không lắng được khiến nhiều người đặt mối lo về bùn thải đỏ. Bùn thải quặng đuôi vốn là loại bùn thải không khó xử lý và không quá độc hại mà còn gặp "lỗi", vậy với bùn đỏ (sản phẩm thải của quá trình luyện alumina) vốn rất độc hại liệu có xử lý triệt để được không khi mà chúng ta áp dụng công nghệ thải ướt, một công nghệ đã quá lạc hậu so với thế giới. Đến thời điểm này, khi mà chạy nghiệm thu không đạt đủ công suất, một loạt lỗi nghiệm trọng đã "lộ mặt" khiến nhiều người có sự am hiểu về bô-xít không thể "kê gối cao đầu mà ngủ".
Bể lắng quặng. 
Buộc phải chạy nghiệm thu đủ công suất
TS  Nguyễn Thành Sơn thẳng thắn, việc dừng cảng Kê Gà là một bài học lớn cho Tân Rai và Nhân Cơ. Nhân Cơ nên học Kê Gà mà tạm thời dừng lại vì ban quản lý của Nhân Cơ cũng "na ná" như Tân Rai, đấy là chưa kể đường vận chuyển của Nhân Cơ còn phức tạp hơn Tân Rai do ở xa hơn. Tân Rai có điều kiện tốt hơn còn không làm tốt thì Nhân Cơ làm sao có thể làm thành công.
Đối với Tân Rai, việc lúc này là bắt buộc phải chạy nghiệm thu đủ công suất. Bởi chỉ khi đủ công suất, mọi nhược điểm mới bộc lộ ra hết, từ đó mới dễ dàng khắc phục. Hơn thế, khi chưa đủ công suất đã "trao tay", nhà thầu rút lui, lỗi phát sinh, lúc ấy chúng ta sẽ phải sống trọn cả đời dự án với những "vết thương" khó chữa.
Ngoài ra, cần lưu ý là nên chuyển từ công nghệ thải ướt thành công nghệ thải khô. Việc chuyển sang thải khô vừa đảm bảo an toàn vừa đỡ tốn diện tích đổ thải. "Nếu quyết tâm thì hiện giờ chuyển vẫn kịp. Với Tân Rai đã đâm lao rồi thì phải theo lao, nhưng có lao cũng cần lao thông minh chứ đừng lao đầu vào núi", TS Nguyễn Thành Sơn  quả quyết.
TS Nguyễn Thành Sơn. 
Tập trung chủ lực cho than
TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng, cách tốt nhất hiện nay là thay vì chạy theobô-xít chúng ta nên tập trung cho than. "Có bô-xít hay không nền kinh tế cũng không ảnh hưởng gì, bán một ít bô-xít cũng không làm kinh tế nước ta tốt hơn mà nhập bô-xít cũng không gây ảnh hưởng gì, nhưng chúng ta không thể nhập than được. Ngành than còn không tự lo nổi mình mà còn phải chi cho bô-xít nữa thì sẽ từ ngắc ngoải mà rãy chết. Cách tốt nhất hãy tập trung chủ lực cho than. Khi than tốt mới tính đến những đầu tư khác".

- Khi nhà máy sản xuất bauxite ở Hungary gặp sự cố về bùn đỏ, chủ đầu tư đã sang tận nơi, chứng kiến tận mắt nghe quan chức của Hungary nói rằng sẽ chuyển từ công nghệ thải ướt sang công nghệ thải khô cho an toàn. Vậy mà khi về nước chủ đầu tư vẫn quyết áp dụng công nghệ thải ướt vốn đã rất lạc hậu và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
- Trong trường hợp Tân Rai chạy không đạt đủ công suất hoặc phát sinh lỗi nhiều thì nên tính toán đến phương án giảm công suất xuống một nửa, 50% công suất của Tân Rai cũng đáp ứng đủ nhu cầu ở trong nước.

Bô-xít Tây Nguyên sau 4 năm: Một loạt lỗi đáng báo động
(Kienythuc.net.vn) - Sau nhiều đợt khảo sát tại 2 dự án bô-xít Tây Nguyên, nhóm chuyên gia của Viện Tư vấn Phát triển (CODE) đã phát hiện ra nhiều "lỗi" đáng báo động...

Theo các chuyên gia, quặng bô-xít Tây Nguyên bị bết đất gây khó khăn cho việc tuyển rửa, không xử lý được bùn thải đuôi quặng... Chỉ riêng về mặt kinh tế, mỗi tấn alumina lỗ thấp nhất là khoảng 35USD. Nếu cộng thêm các chi phí do tác động môi trường, xã hội... con số lỗ của dự án bô-xít Tây Nguyên có thể còn tăng nữa.

Bết đất vì thiếu nghiên cứu đầy đủ
ThS Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (CODE) cho biết, từ năm 2010 đến nay nhóm chuyên gia của CODE đã có 3 chuyến khảo sát tại nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ. Chuyến khảo sát gần đây nhất thực hiện vào tháng 9/2012 tại Tân Rai (thời điểm nhà máy Tân Rai đang chạy thử các hạng mục công trình, trong đó có nhà máy tuyển quặng). Chính thời điểm này, các chuyên gia đã giật mình khi chứng kiến một loạt những "lỗi" đáng báo động ở đây.
Sai sót đầu tiên là sai lầm trong việc đánh giá đặc điểm của quặng bô-xít Tây Nguyên và các yếu tố liên quan đến khí hậu, thời tiết của vùng đất này. Thông thường quặng sau khi được đào lên (quặng nguyên khai) sẽ được đưa vào tuyển rửa để lấy quặng tinh sau đó mới đưa vào nhà máy để sản xuất alumina. Ở một số vùng khác (như vùng núi phía Bắc của Việt Nam), đất không bám chắc vào quặng vì thế khi dùng nước với áp lực cao đất dễ dàng bở ra. Tuy nhiên, tại Tây Nguyên, do đất bazan có chứa nhiều sét, vào mùa mưa, sét bị bết lại và dính chặt vào quặng khiến khâu tuyển quặng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, về cơ bản, nhà máy tuyển quặng không thể hoạt động trong mùa mưa với độ ẩm cao. 
Điều này cho thấy, trong quá trình nghiên cứu chủ đầu tư đã không nghiên cứu đầy đủ mà chỉ "cắt" từ mô hình khác rồi "dán" vào. Việc tuyển quặng gặp khó khăn do đất bị bết đã đặt ra 2 vấn đề. Thứ nhất nếu không rửa được quặng (hoặc rửa gặp khó khăn) vào mùa mưa thì nhà máy chỉ vận hành được vào mùa khô. Thứ 2, nếu khâu tuyển rửa gặp khó khăn thì liệu "đầu vào" có đủ cho việc sản xuất alumina không? Câu hỏi này chủ đầu tư cần phải trả lời công luận.
Hồ điều hòa cho nhà máy bô-xít Tân Rai. 
Không lắng
ThS Phạm Quang Tú cho hay: Lâu nay chúng ta mới chỉ chú ý đến vấn đề bùn đỏ (sản phẩm thải của quá trình luyện alumina) trong khi đó chưa nhiều người để tâm đến bùn thải quặng đuôi (sản phẩm thải từ quá trình tuyển quặng). Trong tuyển quặng bùn thải quặng đuôi (gồm hỗn hợp bùn thải và nước) chiếm một số lượng rất lớn. Để sản xuất 1 tấn alumina, trung bình sẽ thải ra ngoài từ thì sẽ có 2 - 2,5 tấn bùn thải quặng đuôi. 
Bùn thải quặng đuôi theo nguyên tắc sẽ được đưa vào bể chứa. Sau một thời gian, bùn sẽ lắng xuống, phần nước phía trên sẽ được tuần hoàn, tái sử dụng vào quá trình tuyển quặng, còn bùn thải lắng ở phía dưới sẽ được đưa ra bãi thải. Tuy nhiên, tại thời điểm nhóm nhà khoa học của CODE đi khảo sát thì thấy hiện tượng bùn thải quặng đuôi không lắng. Trong bể chứa vẫn là hỗn hợp bùn và nước. Điều này rất đáng lo ngại bởi nếu không thu hồi được nước sẽ phải cần thêm một lượng nước rất lớn nữa để phục vụ tuyển quặng, nguồn nước này sẽ lấy ở đâu, nhất là vào mùa khô. 

Ngoài ra, việc không tách được nước ra khỏi bùn, sẽ khiến một lượng hỗn hợp nước +bùn sẽ đổ ra bãi thải. Chỉ trong một thời gian ngắn, hỗn hợp này sẽ đầy ứ và tràn ra ngoài do vượt quá công suất vốn chỉ được thiết kế để chứa riêng bùn. 
Dây chuyền tuyển quặng của nhà máy Alumin Tân Rai. 
Hoàn thổ chưa thấy gì
Việc khai thác bô-xít chiếm dụng một diện tích khá lớn (mỗi năm khai trường nhà máy Tân Rai sử dụng hết khoảng trên dưới 100ha đất tùy thuộc vào chất lượng quặng). Diện tích đất này sẽ không thể sử dụng được nếu không thực hiện hoàn thổ và phục hồi môi trường sau khai thác. Lẽ ra việc hoàn thổ và phục hồi môi trường phải được triển khai ngay khi dự án mới được bắt đầu. Tuy nhiên, tại thời điểm đoàn khảo sát, quặng đã đưa vào tuyển rửa mà khâu hoàn thổ và phục hồi môi trường chưa có động thái gì. Như vậy, những quan ngại của các nhà khoa học trước đây về khả năng xói mòn đất đai là rất hiện hữu. 
Các nhà khoa học trong chuyến khảo sát dự án bô-xít Tây Nguyên 
tháng 9/2012. 
Lỗ là điều nhìn thấy
Nhóm chuyên gia của CODE cho hay, chỉ nhẩm tính sơ sơ cũng có thể thấy dự án Tân Rai đang lỗ. Cách đây 4 năm các nhà khoa học của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã tính mỗi tấn alumina lỗ từ 50 - 100USD. Từ năm 2009 đến nay, giá alumina có tăng nhẹ, nhưng các chi phí phục vụ vào việc luyện alumina thì lại đội lên rất cao, vì thế nguy cơ lỗ vẫn rất cao. 
Theo tính toán của TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), giá thành alumina tại cổng nhà máy là 375USD/tấn. Hiện chủ đầu tư công bố là bán với giá 340USD/tấn alumina, như vậy là lỗ khoảng 35USD/tấn. Điều đáng nói là cần phải làm rõ giá 340USD/tấn này là bán tại cổng nhà máy hay tại cảng biển, bởi nếu là bán tại cảng biển thì phải cộng thêm các chi phí vận chuyển, bốc dỡ... tương đương mỗi tấn alumina sẽ lỗ từ 65 - 70USD.
Đây là những con số nhìn thấy được. Nếu tính cả những tác động môi trường, tác động xã hội, văn hóa thì chắc chắn con số lỗ này còn tăng lên rất nhiều.

Cần sự dũng cảm
Theo nhóm chuyên gia của CODE, đã đến lúc phải nghiêm túc ngồi lại với nhau để bàn về tính hiệu quả của bô-xít Tây Nguyên sau 4 năm thực hiện. Trước đây, chủ đầu tư và Bộ Công Thương đã từng mời Viện Kinh tế xây dựng thực hiện  đánh giá hiệu quả của 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ. Song, những tính toán này chưa bao giờ được công bố một cách công khai. Đã đến lúc những thông tin được giấu cần phải được đưa lên bàn để cùng nhau tính toán lại.
Và nếu các bên có thiện chí ngồi lại với nhau chắc chắn cũng mất chừng 2 - 3 tháng. Trong lúc này, có rất nhiều việc cần làm ngay. Trước mắt cần tăng cường giám sát, đánh giá cũng như thảo luận cụ thể cho nhà máy Tân Rai vì nhà máy này đã đi vào hoạt động. Những vấn đề cần đặt ra cho Tân Rai lúc này là giám sát vận hành, tìm kiếm các đối tác bao tiêu sản phẩm vì tại thời điểm hiện tại chưa có đơn vị nào ký hợp đồng mua dài hạn với mức giá chấp nhận được...
Đối với Nhân Cơ, tốt nhất là tạm thời dừng lại để chờ đánh giá kết quả của Tân Rai. Đành rằng việc này rất khó nhưng chúng ta cần sự dũng cảm. Biết nói không với những gì còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Dự kiến trong thời gian tới, CODE sẽ đề xuất để tổ chức một số hoạt động nhằm kiến nghị các giải pháp cho vấn đề này.

- Suốt 4 năm qua, vấn đề bụi trong quá trình vận chuyện ít khi được nhắc tới. Cần nhớ rằng, quá trình luyện alumina cần tới rất nhiều hóa chất. Liệu việc vận chuyển từ cảng đến nhà máy có xảy ra sự cố không? Ngoài ra, việc vận chuyển alumina từ nhà máy xuống cảng thì sao, liệu có phát sinh bụi không. Thực tế nếu so với bụi than như ở Quảng Ninh, chắc chắn bụi do khai thác bô-xít ở Tây Nguyên không nhiều bằng, nhưng chắc chắn là có. Do vậy cũng cần có những nghiên cứu đầy đủ.

- Vần đề thu hồi đất và tạo công ăn việc làm tại khu vực nhà máy Tân Rai cũng cần phải được nhắc tới. Trước đây, nhà đầu tư cho rằng, một trong những vấn đề "được" của dự án là tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, tới thời điểm này, bao nhiêu người dân địa phương được làm việc tại nhà máy, con số này cũng nên được làm rõ. Ngoài ra, vấn đề ai là chủ sở hữu số đất sau khi được hoàn thổ cũng cần được làm rõ. Việc mập mờ hiện nay (trả lại cho địa phương hay chủ đầu tư giữ lại để trồng cây công nghiệp) rất dễ dẫn đến xung đột.

- Để đánh giá công nghệ luyện alumina có vấn đề hay không thì cần chờ thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên, công nghệ tuyển quặng thì đã rõ ràng rồi (quặng bị bết đất, bùn thải đuôi quặng không thể lắng). Hơn nữa, dù chưa đánh giá được công nghệ tuyển alumina nhưng hiện nhà máy đã đi vào vận hành đồng bộ nhưng mới chỉ hoạt động được 20 - 40% công suất. Chỉ riêng điều này thôi cũng khiến nhiều người phải đặt câu hỏi.


-Bauxite – Nghe và thấy
-Chuyện bô xít, nói mãi không biết bao nhiều rồi, tướng Giáp, tướng Vĩnh, nhà văn Nguyên Ngọc, TS Thanh Sơn, nhà văn Đình Trọng, và nhà báo Phú Khải .. có gì thay đổi không. Bài của nhà báo
P/S 2: Đề tài bauxit này chắc hẳn mọi người đã nghe, đã đọc chán phè rồi. Ở đây, mình chỉ khẳng định lại một lần nữa với chính mình thôi. Chú ý: Nghe ở đây là những thông tin chính thức từ Đảng và Chính phủ (làm báo thì phải nghe thông tin chính thức); và Thấy là những gì mình đã tận mắt thấy cách nay 2 ngày.

Nghe: Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ đạo chủ đầu tư triển khai các dự án khai thác bô-xít – alumin. TKV có thể mời tập đoàn Alcoa (Mỹ) tham gia cổ phần vào dự án Nhân Cơ với tỷ lệ đến 40%; mời tập đoàn luyện kim Vân Nam (Trung Quốc) tham gia vào dự án Tân Rai (Lâm Đồng) với tỷ lệ không quá 20%.


Thấy: Tại công trường khai thác bauxit Lâm Đồng ở Bảo Lâm, mấy cái bảng chỉ dẫn ghi tên TKV, còn bao quanh công trường là rợp trời cờ của Công ty Nhất An viết bằng tiếng Hoa. Hỏi người dân xung quanh xem công trường này do ai làm, họ trả lời gọn lỏn: Trung Quốc. Tại công trường Nhân Cơ (Đăk Nông), mấy quán caphê xung quanh mở tòan nhạc Trung Quốc. Hỏi thì được biết đấy là băng đĩa của các công nhân Trung Quốc để luôn ở quán để phục vụ họ mỗi tối giải trí.
Nghe: Những khu vực có trữ lượng quặng bauxit thì bên trên không có cây nào mọc được. Khu vực chuẩn bị khai thác bauxit hoàn toàn là đất trống, đồi trọc, xa khu dân cư. Việc khai thác sẽ không ảnh hưởng đến môi trường, không tổn hại rừng cũng như việc canh tác của người dân.

Thấy: Quanh công trường ở Bảo Lâm là những rừng thông xanh ngút mắt, là chợ, là thị trấn, đất xới lên đỏ tươi như thịt, tơi mịn như bột… Những cây thông trong hình này chắc sẽ chẳng còn “giữa trời mà reo” được bao lâu nữa, thương quá. Cả thượng nguồn sông Đồng Nai cũng từ đây. Bao giờ thì bùn đỏ chảy vào đó? Cái hồ rất đẹp này ở Nhân Cơ (Đăk Nông) cũng sẽ chẳng mấy lúc nữa mà biến mất
Nói vậy là vì chẳng thể tin được vào cái công nghệ "bóc lớp đất mặt bỏ sang một bên, rồi lớp đất tầng đưới bỏ sang một bên, lấy quặng ra rồi lấp lại, bồi bổ lại cho đất tốt hơn" giống như lấy đồ trong ngăn kéo rồi đóng lại. Chỉ cần nhìn mấy cái lô cốt ở SG sau đi được dỡ đi để lại mặt đường vá chằng vá đụp thì biết, nói chi tới các phân tích khoa học. Cũng chẳng thể tin công nghệ kết tủa quặng bauxit sẽ chẳng có tí chất thải nào. Cứ nhìn các dòng sông ở Sài Gòn, Hà Nội, Đồng Nai... thì biết.

Một chuyến dã ngoại, về nghe lòng đau. Chỉ có hoa gạo là vẫn vô tư nở giữa núi rừng, không biết đến những hiểm họa đã đến sát tận gốc. Cùng ngày tụi mình đi coi TQ khai thác bauxit ở Tây Nguyên, ngắm cảnh và nghe lòng đau này, báo TT có đăng lại một tin của TTXVN về Tổng bí thư Đảng CS VN tiếp một ông quan nào đó của TQ, và bảo rằng: "TQ và VN mãi mãi là láng giềng tốt, anh em tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt". Mình đọc tin đó lại nhớ đến một bài học thuộc lòng đầu tiên trong đời mình ở lớp mẫu giáo mà đến giờ còn nhớ vài câu "Thằng giặc bành trướng/ Tên nó làm sao/ Mặt nó thế nào/ Ai mà biết được/ Từ bên Trung Quốc/ Nó đánh sang ta/ Đầu thì trọc/ Áo thì hôi/ Ôi eo ôi/....". Mình quên mất rồi, bài dài lắm và kết thúc bằng câu "Ta đánh cho nó/ Vắt chân lên cổ". Ấy là năm 1979.

Hôm nay TTXVN lại đưa tin: Phó chủ tịch nước VN tiếp Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, và bảo rằng VN và TQ sẽ hợp tác toàn diện, cả kinh tế lẫn quân sự, và sẽ trao đổi các binh đoàn...

Không biết chuyện gì đang xảy ra thế nhỉ.

Hôm ở Tây Nguyên về, mấy người bạn của mình sau hồi lâu bâng khuâng đã thở dài bảo: Ừ, trời đất sinh ra rừng biển đâu có cái biên giới nào...

Không biết chuyện gì sắp xảy ra thế nhỉ.
---- Bài viết rất thật và đau. Mơ bao giờ vì sự phản đối của người dân mà thay đổi được chính sách của NN VN.
--- Tiếp về bauxite : Tây Nguyên, nơi Việt Nam « đau lưng »
André MENRAS
Nỗi bất hạnh lớn nhất của con voi già là phải rời bỏ rừng xanh.
Xem tiếp bài trả lời TS Thanh Sơn lấy từ DĐ.
-- Bài học khai thác bauxite ở Tây Nguyên
Nguyễn Đức Hiệp
-- So sánh với việc xây nhà máy phát điện bằng dầu thô tại Đông Timo cũng do TQ xây dựng:
Điểm chính là Trung Quốc hiện nay có quá nhiều ngoại tệ và muốn nắm nguồn cung cấp năng lượng, nhiên liệu và tài nguyên (resources) cũng như công nghệ cao, nên hiện nay chuyển vào lãnh vực này và không muốn mua phiếu nợ (bond) hay kỳ phiếu kho bạc (Treasury notes) của Mỹ nữa. Chinalco vì là chuyên về nhôm nên đang muốn nắm công nghệ luyện nhôm và làm chủ Rio Tinto (Alcan đã bị Rio Tinto nuốt). Cũng vì thế mà người ta không lấy làm lạ khi Trung Quốc muốn "tháo sắt vụn" chở qua Dak Nông, Lâm Đồng, giống như ở Đông Timor, để sửa soạn cho công nghệ cao mới ở nước của họ.

Và quan trọng là:
Tương lai dự án bauxite ở Việt Nam

Tổng thống Đông Timor dám làm và bắt buộc phải hủy bỏ hợp đồng, vì toà án xác định là đã vi phạm pháp luật, nhưng ở Việt Nam dự án đã được khởi công, với quyết tâm của chính phủ thực hiện với công ty Chalco của Trung Quốc, mặc dầu với công nghệ cũ, có khả năng gây ô nhiễm, gây tác động môi trường cao, và mặc dầu sự quan tâm, lên tiếng của nhiều người. Vậy thì phải làm gì ?

Về sự kiện khai thác bauxite ở Dak Nông, Lâm Đồng, viết tâm thư, kiến nghị hay phản ảnh lên chính phủ, như nhiều người đề nghị, đều sẽ không đi đến đâu. Và chẳng lẽ sau này có những vấn đề khác lại tiếp tục kiến nghị bằng tâm thư . Một cách tiếp cận khác là buộc chính phủ phải thông suốt và thi hành nghiêm chỉnh luật môi trường mà quốc hội phê chuẩn.

Vì điều cốt yếu là : thực thi đúng luật môi trường. Luật môi trường (xem phụ lục) là cơ sở cho phép xem xét lại kế hoạch khai thác bauxite ở Dak Nông, Lâm Đồng, với sự tham gia của nhiều tổ chức và quần chúng một cách trong suốt và đúng luật, điều mà hiện nay đã không được thực hiện đúng đắn trong dự án Nhân Cơ, Gia Nghĩa ở Dak Nông.

Đây là một bài học và cũng là cơ hội để Việt Nam học tập kinh nghiệm, thiết lập một quá trình thông suốt cho các dự án về sau này.

Theo tôi được biết, thì báo cáo "Tác động môi trường" (EIA) có, nhưng sơ sài không đầy đủ, so với tầm cỡ rất lớn của dự án, không ai biết và được đọc ngoài một số ít thành viên trong chính phủ, đảng, và các nhà tư vấn. Cách đây không lâu tôi có đọc một báo cáo ngắn của một nhà tư vấn (bản tiếng Anh chuyển ngữ từ tiếng Việt) thì Nhân Cơ, Gia Nghĩa chỉ là một phần của một dự án lớn bao gồm khai thác bauxite, lấy aluminia (Al2O3) chuyển xuống Ninh Thuận hay Bà Ria, lập nhà máy luyện Aluminium (Al) ở một trong hai nơi này, xuất khẩu (chủ yếu sang Trung Quốc) ở cảng mới tại mũi Kê Gà …

Dư án lớn thế này mà ít ai biết, cho đến cách đây nửa năm khi công ty chủ là Công ty Than và Khoáng sản Việt Nam mở Hội nghị tham khảo với các chuyên gia và sau đó sửa soạn khởi công. Ngay cả Quốc hội cũng không mang ra bàn.

Quá trình nghiên cứu, tham khảo, đánh giá tác động, thẩm định, thông báo, lấy ý kiến trước khi có quyết định, đã không được thực hiện nghiêm túc. Dự án khai thác ở Nhân Cơ với công ty Trung Quốc có lẽ đã được định sẵn và vì thế tất cả những đánh giá về tác động môi trường, lợi ích kinh tế, ảnh hưởng văn hóa dân tộc Tây Nguyên, an ninh quốc gia... chỉ là những yếu tố ngoại vi đã bị để ngoài tai.

Vì Việt Nam không có tòa án môi trường (Environment Court) và không có tổ chức phi chính phủ bản địa nào đủ mạnh để, dựa theo luật pháp, mang vấn đề ra, xem xét lại quyết định dự án bauxite ở Tây Nguyên (các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, theo tôi nghĩ, họ do dự và không muốn xen vào).

Việc cần, theo tôi lúc này, ngoài việc lên tiếng phản ảnh, nghiên cứu, phân tách cho rõ, như nhiều người đã làm ở trong và ngoài nước, là vận động để Quốc hội mang ra bàn, với hy vọng chính phủ xem xét lại. Cũng mong rằng chính phủ lắng nghe và từ bài học này tạo ra một quá trình đổi mới thông suốt hơn, như công bố các bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA) và nếu mạnh dạn, thì lập ra một "trọng tài" độc lập : một tòa án môi trường chuyên biệt để thực thi luật môi trường.

Nếu không thì sau này lại sẽ có những sự việc tương tự tái diễn, và chúng ta lại sẽ tiếp tục phản ảnh kêu gọi để chính phủ lắng nghe và sửa đổi.

Đối với chính phủ, thì việc lập ra một toà án môi trường sẽ chỉ có lợi, vì tránh được những khúc mắc đau đầu : những quyết định khó khăn nhất sẽ được "khoán" cho một tổ chức tư pháp phán xét và giải quyết công minh, và do đó giải toả được mọi sức ép từ bên ngoài. Một nước mà trong đó người dân không cảm thấy luật pháp được thực thi đứng đắn, thì nước đó sẽ có những mầm mống bất an và sẽ đánh mất sự tự trọng.

Tổng số lượt xem trang