Nguyễn Tấn Dũng bán dầu rắn trong khi kinh tế Việt Nam cần một ít máu rắn
The Economist
Nguyễn Phương Nga lược dịch
[¹] Dầu rắn (snake oil) là một thành ngữ dùng để ngụ ý ám chỉ các sản phẩm giả tạo, có ý lừa lọc, không hiệu quả
Một kế hoạch cứu vớt các nhà xuất cảng
Công việc làm ăn đang phát đạt ít nhất là đối với một người buôn bán ở Việt Nam: một bà cụ già đội một cái nón lá truyền thống với cái quầy hàng nhỏ bé nằm bên vệ đường đối diện Trung tâm Giao dịch Chứng khoán còn non nớt của Thành phố Hồ Chí Minh. Ðể có hàng bày bán, cụ cắt đầu những con rắn nhỏ xíu màu xanh bằng một cái kéo và lấy máu cho vào một cái chai bằng nhựa. Nhiều người Việt Nam tin rằng uống máu rắn sẽ giúp gia tăng cơ hội gặp may mắn và nâng cao khả năng tình dục. Bà cụ bán hàng cũng rao bán cả ruà để nuôi làm cảnh, cho biết trong thời buổi này bà bán được thêm nhiều những thứ như vậy. Bà cụ nói, "Mọi người đang rất lo lắng về tương lai".
Sự đi xuống của kinh tế toàn cầu hiện đang trải một cái bóng khá dài trên nền kinh tế chuyên về xuất cảng của Việt Nam, đã từng có lúc rất phát đạt. Các mặt hàng tiêu thụ thông thường không còn được bán chạy vì giới trung lưu đang gia tăng nhanh chóng đã ngừng không tiêu xài nữa. Các cửa hàng điện tử cho biết công việc buôn bán trong dịp Tết đầu năm mới đã tụt xuống đến mức 50% khi so sánh với năm ngoái. Hiệp hội các nhà buôn bán xe cộ báo cáo rằng công việc kinh doanh đã giảm xuống mất 68% khi so sánh với cùng thời kỳ vào tháng Giêng.
Giống như Trung Quốc, Việt Nam đã dùng việc sản xuất hàng hóa xuất cảng để chuyển hướng một nền kinh tế nhạt nhẽo, hạn chế. Năm ngoái nền kinh tế đó đã quá nóng bỏng. Chính phủ thu được vài sự tán thưởng về việc làm dịu bớt nạn lạm phát đang hoành hoành, đã tiến đến cao điểm 28% hồi tháng Tám khi so với cùng thời kỳ vào năm ngoái. Nhưng Việt Nam bị đặt vào một tình thế tệ hại khi nhu cầu (về hàng hóa) ở Tây phương bị thuyên giảm đột ngột. Xuất cảng trong hai tháng đầu năm 2009 bị sụt xuống mất 5.1% khi so với cùng thời kỳ năm ngoái, với các mặt hàng điện tử mất 13.7% và giày dép mất 7.3%.
Ðó là lý do tại sao bây giờ chính phủ đang cố gắng đốt lại ngọn lửa mà trước đây họ đã dập tắt. Chính phủ dự định sẽ đẩy mạnh việc chi tiêu trong năm nay lên đến mức 23% (gần 100 ngàn tỷ đồng, tương đương với 6 tỷ Mỹ kim, khoảng 6% của GDP). Trong đó, khoảng 1 tỷ Mỹ kim sẽ dùng để trợ cấp các khoản vay muợn cho các nhà xuất cảng đang bị thiếu hụt tiền bạc. Theo ngân hàng trung ương thì trong tháng đầu tiên của chương trình này, các ngân hàng thương mãi đã cho vay khoảng 93 ngàn tỷ đồng.
Ước lượng khoảng 500,000 công nhân đã bị mất việc hồi năm ngoái, và nhà nước ước tính rằng thêm khoảng 400,000 người nữa có thể sẽ bị mất việc trong năm 2009. Ðây là những con số đáng lo ngại trong một quốc gia trẻ trung cần 1 triệu công ăn việc làm hàng năm để giải toả lực lượng lao động ngày càng gia tăng, bây giờ vào khoảng 45 triệu người. Tương tự như Trung Quốc, Việt Nam không có hệ thống an sinh xã hội của nhà nước. Các công nhân bị mất việc thường có khuynh hướng quay về quê quán và sống dựa vào gia đình họ. Nhưng nông dân sẽ cảm thấy khó khăn hơn để đương đầu (với cuộc sống) nếu không có tiền lương do các công nhân gởi về. Giá cả các nông phẩm của họ như gạo và cà phê hiện đang bị mất giá.
Nhiều nhà kinh tế tin tưởng rằng, cũng như Trung Quốc, cái mà Viêt Nam cần không phải là các biện pháp để duy trì nguồn cung cấp nhưng là các điều kiện khích lệ để gia tăng nhu cầu trong nước: đầu tư vào hạ tầng cơ sở, nhưng cũng vào cả y tế và giáo dục, là những thứ cản trở sức chi tiêu của người tiêu dùng cần được giảm bớt tốn kém.
Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đã tăng lên 6.2% trong năm 2008, là tỷ lệ chậm nhất trong vòng 9 năm qua. Hầu hết các nhà quan sát, bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đều cho rằng may mắn lắm thì Việt Nam sẽ đạt được mức 5% trong năm nay. Nhưng mục tiêu cuả chính phủ vẫn là 6.5%, và ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiên đoán rằng nền kinh tế sẽ bắt đầu cải thiện sớm nhất là vào tháng Năm. Nhiều tuần lễ trôi qua, điều tiên đoán đó làm ông ta nghe có vẻ giống như một kẻ bán dầu rắn [¹] hơn là một người bán máu rắn.
Nguồn: http://www.economist.com/world/asia/displaystory.cfm?story_id=13240694