Thứ Hai, 13 tháng 4, 2009

Kích thích tài chính thực sự là bao nhiêu?Tiền đâu sầm sập đổ vào?

SGTT Kích thích tài chính thực sự là bao nhiêu?

Việt Nam có khả năng chi bao nhiêu cho các gói tài chính nhằm vực dậy nền kinh tế? Đây là vấn đề chưa rõ ràng, dù các nhà tài trợ, các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài, và cộng đồng doanh nghiệp thực sự quan tâm

Giám đốc ngân hàng Phát triển châu Á Ayumi Konishi nói: “Không có sự chắc chắn về các biện pháp kích thích tài chính bổ sung mà Chính phủ có thể áp dụng… dù chúng có thể hỗ trợ tăng trưởng”.


Nhận xét của ông Konishi đưa ra trong bối cảnh Chính phủ ký quyết định 443 nhằm hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp trong khoảng thời gian tối đa 24 tháng.

Trong khi đó, từ cuối năm ngoái, Chính phủ tuyên bố kích cầu lên đến 6 tỉ USD (tương đương 110 ngàn tỉ đồng) cho năm 2009. Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, có năm nguồn cho gói này bao gồm hỗ trợ lãi suất 4% trong tám tháng (17 ngàn tỉ đồng); kết chuyển từ tài khoá 2008 (20 ngàn tỉ đồng); phát hành thêm trái phiếu Chính phủ (20 ngàn tỉ đồng); miễn và hoãn thuế (khoảng 20 ngàn tỉ đồng); và bảo lãnh doanh nghiệp nhà nước vay vốn quốc tế (khoảng 30 ngàn tỉ đồng).

Tuy nhiên, chi tiết cụ thể của các gói này chưa được công bố. Quyền viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận xét: “…Mới chỉ có gói 1 tỉ USD hỗ trợ lãi suất là đã công bố, còn các gói khác thì chưa rõ ràng và chưa có kế hoạch bắt tay triển khai”.

Tiến sĩ Võ Trí Thành của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nói thêm, cần minh bạch và cụ thể hoá về mục tiêu và đối tượng liên quan đến gói kích thích kinh tế 6 tỉ USD này nhằm “cải thiện niềm tin thị trường”.

Trong khi đó, ông Konishi nhận xét, các biện pháp kích thích tài chính thực sự đã được thông qua trong tháng 1 và 2.2009 bao gồm gói 1 tỉ USD hỗ trợ lãi suất; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% thuế VAT, và hỗ trợ các gia đình nghèo dịp tết, bên cạnh quyết định 443.

Các khoản kích thích tài chính đó được chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Thế giới (WB) Martin Rama tổng kết vào khoảng 16 ngàn tỉ đồng cho sáu hợp phần mà Chính phủ đã công bố. Đó là các khoản hỗ trợ bằng tiền cho người nghèo (2,5 ngàn tỉ đồng), chương trình hạ tầng quy mô nhỏ cho 61 huyện nghèo (4,2 ngàn tỉ đồng), giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (5,3 ngàn tỉ đồng), hỗ trợ lãi suất 4% cho vay vốn hoạt động trong tám tháng (3,7 ngàn tỉ đồng), bảo lãnh tín dụng cho các khoản vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ (0,3 ngàn tỉ đồng), và hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân đến giữa năm 2009 (không đáng kể).

Điểm đáng chú ý nhất trong ghi nhận của WB là, gói hỗ trợ lãi suất 4% cho vay vốn hoạt động trong tám tháng (3,7 ngàn tỉ đồng) là thấp hơn nhiều so với công bố của Chính phủ (17 ngàn tỉ đồng). Bên cạnh đó, WB cho việc hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân là “không đáng kể”, trong khi bộ Tài chính cho rằng con số này lên tới 5,2 – 6,7 ngàn tỉ đồng.

WB cũng không tính đến gói tài chính gồm tăng lương tối thiểu từ 1.5 tới (15 – 20 ngàn tỉ đồng), cũng như đề án trị giá khoảng 1 tỉ USD nhằm kích cầu nông thôn mà bộ Công thương đang soạn thảo theo yêu cầu của Chính phủ.

Bên cạnh đó, WB cũng ghi nhận những dự định của Chính phủ trong việc đẩy mạnh đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng quy mô lớn. Tuy vậy, ông Rama cho rằng, danh sách các dự án lớn, cũng như gói tài chính để thực hiện chưa được Chính phủ công bố cụ thể.

Ông Thành từ CIEM cho rằng, thâm hụt ngân sách, chính sách tỷ giá, thiếu hụt FDI và kiều hối trong khi nguy cơ bất ổn vĩ mô quay trở lại đã làm hẹp đi không gian lựa chọn chính sách cho Việt Nam trong năm nay, nhất là về các gói tài chính kích thích kinh tế. Tuy vậy, ông nói, các gói này là cần thiết trong ngắn hạn, nhưng thông tin về nó phải được được minh bạch hoá.
----------------
TNOL "Một dòng tiền "khổng lồ" trong điều kiện hiện nay đã và đang làm lay chuyển sự "sợ hãi" sang "lòng tham". Hẳn không ai muốn "lỡ tàu" và điều đó đã giúp VN-Index trở lại xu hướng tăng sau tuần giao dịch giằng co quyết liệt" (nhận định thị trường trong tuần của một diễn đàn mạng).

Tiền đâu sầm sập đổ vào thị trường? Đó là một trong những câu hỏi được các nhà đầu tư (NĐT) đưa ra nhiều nhất trong mấy ngày nay. Chắc các cơ quan quản lý cũng cần câu trả lời...

Tuần có mức khớp lệnh cao nhất lịch sử TTCKVN

Điểm đặc biệt trong tuần qua là khối lượng khớp lệnh và giá trị giao dịch. Kỷ lục ngày 8.4 lượng khớp lệnh hơn 55 triệu đơn vị (mức cao nhất từ ngày thành lập thị trường chứng khoán VN -TTCKVN đến nay) với giá trị giao dịch gần 1.240 tỉ đồng. Phiên cuối cùng của tuần đã khép lại với mức 325,05 điểm, khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) tin là VN-Index đã vượt qua ngưỡng cản mạnh và tuần tiếp này sẽ tăng mạnh không gì cưỡng được. Đã có dự đoán là VN-Index sẽ lên đến mức 400 điểm trước ngày 25.4.

Thị trường OTC tuy chưa cùng nhịp với thị trường niêm yết, nhưng cũng tăng khá mạnh. Ngoài CP ngành ngân hàng thì các loại CP khác cũng bắt đầu được hỏi mua. Đến ngày hôm qua, giá MB đã lên 18.500 đồng, Habubank lên 11.500 đồng và EIB lên 17.600 đồng.

Tâm lý "bán là thua, mua là thắng" đang lan rộng, giống không khí thị trường thời điểm cuối năm 2006. Đại đa số các NĐT cá nhân đã không còn đủ kiên nhẫn đứng ngoài thị trường nữa. Tuần qua, không thấy NĐT nào kêu lỗ, kẻ ít lời trên/dưới 10%, kẻ nhiều khoe được 60%. Mua đầu phiên, cuối phiên đã thấy lãi. Tình hình như vậy khiến ai cũng sợ chậm chân một ngày là mất một ngày lãi.

Dồn vào chứng khoán

Không có câu trả lời chính xác. Hai tuần qua, nhân viên kế toán nhiều Cty chứng khoán (CTCK) cho biết, lượng các NĐT cá nhân ôm tiền đến nộp vào tài khoản chứng khoán (CK) rất nhiều, tiền nhàn rỗi được tập trung hết đã đành, tiền đang chuẩn bị cho các chi tiêu khác cũng tạm ngừng lại để bỏ vào CK.

Với mức 325,05 điểm ngày 10.4, nhiều NĐT tin tưởng VN-Index đã vượt qua ngưỡng cản mạnh và sẽ phục hồi trong vài phiên tới.

Tiền gửi tiết kiệm, đến hạn rút về không gửi tiếp nữa. Hạn mức thấu chi và hạn mức tín dụng cá nhân tại các ngân hàng được sử dụng hết. Vàng cũng đang được một số người đem đi bán để lấy tiền kinh doanh CK. Chưa kể khả năng đã có người đi vay nặng lãi với lãi suất 9%/tháng để chơi CK.

Tuy nhiên, với số tiền của các NĐT nhỏ, lẻ cũng chưa đủ làm thị trường sôi sục như vậy. Đã nhiều NĐT cá nhân cho rằng lượng tiền lớn, đổ nhanh vào thị trường thời gian qua có một phần là tiền vay hỗ trợ lãi suất. Một NĐT cá nhân giải thích lý do thị trường sôi động là do: "Một lượng lớn tiền giá rẻ (hỗ trợ lãi suất) bung ra (đến nay là 218 nghìn tỉ đồng) có thể có một phần chảy vào TTCK; bất động sản đã tan băng làm cho dòng chảy của vốn luân chuyển, khiến các NHTM bớt mối lo nợ xấu, ngành tài chính trở nên hấp dẫn"...

Người khác nói: "Không nên chủ quan với khối lượng lớn như hiện nay. Tiền đâu mà đổ vào sầm sập, từ vàng kéo sang chỉ là một phần, không khéo mấy ông vay được vốn lãi suất ưu đãi 4% lấy ra "đánh quả" trước khi giải ngân vào dự án sản xuất kinh doanh".

Cần theo dõi luồng tiền

Không có số liệu để chứng minh, vì vậy, sự nghi ngờ và bình luận của một số NĐT cá nhân về nguồn gốc lượng tiền đổ vào TTCK vừa qua có thể bị coi là thiếu căn cứ. Nhưng dư luận này cũng đang đánh động các cơ quan quản lý cần có biện pháp để theo dõi và giám sát luồng tiền, vì như một NĐT nói: "Cái tệ nhất là việc dùng tiền kích cầu tiêu dùng để chơi CK".

Dạo qua các diễn đàn mạng cho thấy có một tâm lý của một số NĐT cho rằng vì tiền có thể được lấy từ các gói kích cầu nên VN-Index còn tiếp tục tăng mạnh. Nếu quả đúng là như vậy thì đây sẽ là một tâm lý rất đáng lo ngại và các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc làm rõ.

Tổng số lượt xem trang