Thứ Hai, 13 tháng 4, 2009

TKV: "Làm bô-xít hiệu quả hay không, chờ thực tế mới biết"

(TuanVietNam) - Trong khi Chủ tịch HĐQT Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam Đoàn Văn Kiển khẳng định dự án bô-xít đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và cam kết chỉ thuê chuyên gia kĩ thuật thì lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa rồi, nhà thầu Chalco đã có vi phạm, đưa lao động giản đơn sang làm việc ở Việt Nam, trong đó có 20 người sử dụng visa du lịch.
Bên lề cuộc hội thảo bô-xít vừa diễn ra tại Hà Nội, Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV), ông Đoàn Văn Kiển: “Có tài nguyên thì cần khai thác!

- TKV đã theo đuổi dự án bô-xít bao lâu, thưa ông?
Thực ra, dự án Tân Rai đã được chuẩn bị đầu tư từ thời kỳ kế hoạch 5 năm 1996-2000. Đến giai đoạn 2001-2005, Tổng công ty khoáng sản chuẩn bị đầu tư. Dự án đã phải bàn đi, tính lại, có sự tham gia của tư vấn Pháp về nghiên cứu khả thi.
Đến khi Tổng công ty khoáng sản nhập vào TKV theo quyết định ngày 26/2/2005, chúng tôi tiếp nhận dự án Tân Rai.
- Nghĩa là chuẩn bị hơn 10 năm, nhưng vì sao phải đến thời điểm này mới thực hiện?
Vì không đủ tiềm lực.
- Hơn 10 năm chuẩn bị, tại sao dự án không được công bố rộng rãi?
Đó không phải là việc của tôi. Trước đó, tôi có liên quan đâu, làm sao tôi trả lời(?!)

Quyết định chuyện hệ trọng: bô-xít Tây Nguyên rất khó. Khó nhất là thay đổi tư duy phát triển. Xem bô xít là cú đấm của nền kinh tế, nhưng đất nước có thực sự mạnh qua cú đấm này không? Không chỉ hợp tác với quốc tế, mà phải hỏi, qua việc hợp tác này, bao giờ TKV sẽ có công nghệ cho Việt Nam?

Việc quyết định phụ thuộc vào sự nhạy cảm của nhà chính trị và cái tâm của người đề xuất.

Nếu chỉ lấy phát triển kinh tế là chính là không được. Nhiều nước trên thế giới cũng phát triển theo kiểu của Việt Nam: phát triển trước, môi trường sau. Ta phải thông cảm với Chính phủ nhưng cũng đã đến lúc cần dừng tư duy đó. Có như thế mới có thể giải quyết được bài toán tăng trưởng bền vững.
- Gs. Phạm Duy Hiển.


- Ông có thể chứng minh tính cấp bách, tính cần thiết thực hiện dự án này?
Không có nhiều thời giờ đi chứng minh tính cấp bách. Đất nước này có tài nguyên, cần phải khai thác, và nếu khai thác có hiệu quả cho kinh tế, xã hội, và bảo vệ được môi trường, giúp được cho địa phương phát triển, bớt nghèo cho dân thì tại sao không làm?
Xã hội dân chủ, mỗi người có ý kiến riêng. Là nhà đầu tư, chúng tôi có quan điểm của chúng tôi.
Quan điểm của TKV là phát triển một cách hài hoà các lợi ích đó. Khi đạt được như vậy và thấy được hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường thì mới làm, và chúng tôi cố sức để làm.


Hiệu quả hay không, phải chờ thực tế làm mới biết!
- Sau hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, nếu lỗ thì sẽ không làm bô-xít Tây Nguyên. Trong khi đó, hiện vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại về hiệu quả kinh tế của hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ. Là chủ đầu tư, TKV có tin hai dự án này sẽ lãi?
3 mục tiêu của các dự án bô-xít là: hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Cả ba lợi ích này đều phải được đảm bảo.
Về hiệu quả kinh tế, nếu dự án nếu không hiệu quả, làm sao chúng tôi đầu tư? Người nói dự án không hiệu quả chỉ là ý kiến cá nhân, chúng tôi sẽ ghi nhận để kiểm tra lại quan điểm của TKV.
Cũng phải nói rõ thêm, là chủ đầu tư, chúng tôi phải tính mọi khía cạnh, phù hợp với luật pháp, tiêu chuẩn quốc gia, và hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi không thể làm dự án một cách hồ đồ.
Hai là, vốn huy động cho các dự án từ 680 đến 900 triệu USD, chỉ 30% là vốn chủ sở hữu TKV bỏ ra. Còn 70% phải đi vay. Trong thời buổi khủng hoảng này, vay đâu có dễ. Các ngân hàng trong nước, nước ngoài đều phải kiểm toán, thẩm định các dự án mới cho vay. Chúng tôi đi vay cũng không có bảo lãnh của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Hơn nữa, những tính toán này là cho cả đời dự án 30 - 50 năm, trên cơ sở dự báo thị trường tương lai. Năm nào đó, thị trường xuống, dự án không hiệu quả cũng là chuyện thường. Cũng sẽ có năm giá nhảy vọt, mình thu lãi nhiều hơn.
Lịch sử phát triển công nghiệp của Việt Nam cho thấy, nhiều dự án được cho là không hiệu quả, các nhà đầu tư tính toán vẫn thấy lãi, Chính phủ đồng ý làm và đến nay nó đã chứng minh hiệu quả.
Lỗ hay lãi bây giờ chỉ là dự đoán. Chúng tôi nói có lãi, các nhà khoa học bảo không. Vậy thì tốt nhất hãy làm đi, rồi mới kiểm nghiệm được. Thực tế sẽ trả lời.
- Ts. Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Nhôm của TKV chỉ rõ, hiện nay, TKV đang tính toán chi phí đầu tư trên cơ sở nhiều chi phí thấp hơn thực tế: phí môi trường, thuế xuất khẩu...?
Nói thế không đúng. Dự án đang trong quá trình kiểm toán lại theo điều kiện hiện nay. Những số liệu đó chưa phải là báo cáo cuối cùng.
Không thể chỉ căn cứ vào vài tiểu tiết để đưa kết luận. Quan điểm của TKV là phải nhìn vào cả đời dự án, nhìn tương lai để tính toán các kịch bản khác nhau. Chúng tôi đều phải tính toán, khảo sát các phương án để đi đến kết luận.
“Muốn ăn thì lăn vào bếp”
- Liên quan đến bài toán vận tải, nhiều chuyên gia đã phản biện phương án đường sắt quá tốn kém và không khả thi về hiệu quả kinh tế - xã hội. Vậy con số dự kiến 3,1 tỷ USD đầu tư cho đường sắt sẽ lấy từ nguồn nào, thưa ông? Liệu TKV có đủ tiền để làm?
Các cụ dạy: muốn ăn thì lăn vào bếp. Không có cái gì là miễn phí cả.
Đường sắt là cho cả một quy hoạch phát triển Đắk Nông và Lâm Đồng. Chúng tôi dự kiến xây đường sắt khổ 1,43 m và sẽ nối thẳng sang Campuchia. (xem thêm: Mong Quốc hội quan tâm đến Quy hoạch phát triển đường sắt) Bên phía Campuchia đã có sẵn các nhà máy luyện alumina. Như vậy, đường sắt này không chỉ dùng cho công nghiệp nhôm mà còn phục vụ cho việc phát triển vùng tam giác Việt Nam - Campuchia - Lào.
Vốn làm đường sắt có thể Chính phủ sẽ huy động từ nguồn ODA. Phần còn lại, các nhà đầu tư phải huy động.
Khi dự án phát triển, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ làm. Họ cam kết, nếu chúng ta đồng ý cho họ làm, thì họ sẽ cùng đầu tư đường sắt.
TKV tính, nếu người nước ngoài không cùng làm đường sắt thì mình vẫn phải làm. Chính phủ sẽ có chính sách nào đó để làm.
Vốn chủ sở hữu phải lấy được từ nguồn lãi khai thác quặng. TKV còn nhiều nguồn khai thác khác như than...Chúng tôi có thể dành phần lãi tại thời điểm nào đó để phát triển.
Không phải cứ nhà thầu Trung Quốc là công nghệ thấp
- Nhiều người quan ngại về sử dụng công nghệ của nhà thầu Trung Quốc. Ông nghĩ sao?
Nói công nghệ Trung Quốc áp dụng cho chúng ta là công nghệ thấp, dư quặng trong phế thải rất nhiều là một nhận xét hồ đồ. Báo cáo đánh giá tính khả thi của chúng tôi là do bên Pháp làm, không phải Trung Quốc.
"Có đáng vì hai dự án nhỏ mà mất đồng thuận xã hội? Đi tới đâu người dân cũng bàn về bô xít với những quan ngại.

Lịch sử không có chữ nếu. Trách nhiệm đặt lên vai Chính phủ, DN và nhà khoa học để có được chương trình mang lại lợi ích cho tất cả các bên và đảm bảo lợi ích quốc gia” – Ts. Phạm Bích San.

Công nghệ làm alumina là công nghệ gốc của Bayer, có từ cuối thế kỷ trước. Các công ty nhôm lớn trên thế giới, ngành công nghiệp nhôm đã có từ lâu nay rồi, như công ty Alcoa của Mỹ, Russal của Nga, BHPB của Anh...
Sau này, Trung Quốc phát triển và làm có hiệu quả. Nhập công nghệ về, các công ty của Trung Quốc đã sáng tạo thêm từ công nghệ nguồn Bayer.
- Vậy tại sao Chalco lại được chọn?
Phải nói thẳng, số nhà thầu dự không nhiều. Không phải công ty nào sản xuất alumina nào họ cũng tham gia. Alcoa (Mỹ), Russal (Nga) có chính sách riêng, chỉ đầu tư chứ không bao giờ đi dự thầu.
Công nghệ mà các nhà thầu chào thì giống nhau. Cuối cùng chỉ còn lại các nhà thầu của Trung Quốc.
Chalco được chọn vì họ đưa mức giá cạnh tranh; họ dầy dặn kinh nghiệm, và họ đã có nhiều chục năm phát triển ngành công nghiệp nhôm của Trung Quốc.
- Thế nhưng chỉ dự án Tân Rai có đấu thầu quốc tế còn dự án Nhân Cơ là chỉ định thầu. Tại sao lại có chuyện như vậy?
Nhà máy Nhân Cơ cũng đấu thầu quốc tế, nhưng lúc đó là đấu thầu với công suất 300 nghìn tấn alumina/năm.
Sau đó, TKV thấy rằng, nếu hai nhà máy cùng công suất sẽ dễ quản lý hơn. Vì thế, chúng tôi kiến nghị Chính phủ tăng công suất của Nhân Cơ lên 600,000 tấn, bằng Tân Rai.
TKV đã xin phép trên cơ sở kết quả đấu thầu quốc tế của Tân Rai để chọn nhà thầu Chalco cho Nhân Cơ. Chính phủ đã chấp nhận lựa chọn này.
- Thế nhưng, khi đấu thầu Chalco đưa con số chào 323 triệu USD, đến khi ký hợp đồng với TKV lại ghi là hơn 466,29 triệu. Lý do là gì?
Thời gian nộp hồ sơ thầu và xét thầu là khác nhau. Đó là khoảng thời gian lạm phát cao, tỷ giá giữa các đồng ngoại tệ với nhau thay đổi, nên tất cả các tính toán phải điều chỉnh. Chúng tôi đã báo cáo các bộ thẩm định và Chính phủ có ý kiến xử lý điều chỉnh.
Chỉ thuê chuyên gia kĩ thuật nước ngoài
- Với 6 nhà máy bô-xít, TKV dự định sẽ có bao nhiêu công nhân?
Phải nói rõ hiện chỉ có 2 nhà máy. Các nhà máy khác phải chờ có đường sắt. Không thể cùng lúc làm 6 nhà máy được.
Hai nhà máy theo kế hoạch ban đầu là vận chuyển bằng đường ống, còn các dự án khác phải có đường sắt và phải chuẩn bị làm đường sắt Tây Nguyên.
Về công nhân, lúc đông nhất trên công trường là khoảng hơn 2.000 người, cả của nhà thầu nước ngoài lẫn nhà thầu trong nước, trong vòng 2 năm.
- Người nước ngoài làm việc cho các dự án thì sao, thưa ông?
500 nhân công Trung Quốc đã vào dự án Tân Rai

Vừa rồi, nhà thầu Chalco đã có vi phạm, đưa lao động giản đơn sang làm việc ở Việt Nam, trong đó có 20 người sử dụng visa du lịch.

Rất nhiều người sang nhưng không đăng kí với chính quyền địa phương. Tỉnh đã làm việc với nhà thầu và TKV và đang có sự điều chỉnh.

Ở Tân Rai, hiện có hơn 700 lao động đang làm việc trên công trường, trong đó có 500 lao động người Trung Quốc, 200 lao động Việt Nam và hơn 10 người nước khác làm giám sát công trình. - Phạm Sĩ Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Khi vận hành nhà máy thì không có người nước ngoài. Có người nước ngoài là trong quá trình xây dựng của nhà thầu. Theo pháp luật, họ được vào.
Chủ trương của TKV là: nếu có thuê thì chúng tôi thuê chuyên gia, còn tất cả là người Việt Nam. Người địa phương không đủ nguồn lực thì chúng tôi sẽ chuyển từ nơi khác đến nữa. Đội ngũ nòng cốt là từ Quảng Ninh vào. Bây giờ chúng tôi đang đào tạo đội ngũ con em địa phương. Chúng tôi ý thức sâu sắc chuyện này chứ!

- Hiện nay có thông tin rằng các công nhân Trung Quốc đã vào Tân Rai, trong đó có lao động phổ thông và nhập cảnh bằng đường visa du lịch?
Đúng là có chuyện đó. Hiện Tân Rai có 300 công nhân Trung Quốc đã vào làm việc. Trong đó, đã phát hiện một số trường hợp dùng visa du lịch. Chúng tôi đã kịp thời phát hiện và yêu cầu nhà thầu làm nghiêm.
Về việc có lao động phổ thông, TKV chủ trương chỉ thuê chuyên gia kĩ thuật nước ngoài. Lao động phổ thông phải dùng nhân công trong nước.
Tuy nhiên, thực tế, có những việc thuê lao động Việt Nam nhưng không làm được, buộc nhà thầu phải đưa lao động Trung Quốc sang. Ví dụ, để đào giếng bề rộng 1 mét, ở độ sâu 30 mét, người Việt không làm được, đã phải điều lao động từ Trung Quốc sang.
Hàng vạn công nhân Trung Quốc đã vào Việt Nam
Trong cuộc toạ đàm về kích cầu xây dựng ngày 27-3 do Tổng hội Xây dựng VN tổ chức, ông Trần Ngọc Hùng - chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - khẳng định các nhà thầu VN đang rất lo vì thực tế cho thấy các dự án lớn khi đem ra đấu thầu hầu như đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Ông Hùng cho biết các nhà thầu Trung Quốc đang thắng thầu rất nhiều công trình trọng điểm về điện, ximăng, hóa chất...

“Đáng quan tâm là các nhà thầu Trung Quốc thường đem theo hàng ngàn công nhân và đem cả thiết bị của họ sang, trong khi những thiết bị đó VN hoàn toàn có thể sản xuất được”...

Vừa đi cùng Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đến thăm một công trình xây dựng nhiệt điện ở Quảng Ninh, ông Nguyễn Công Lục - vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ - công nhận “một công trình nhưng công nhân Trung Quốc sang tới hơn 2.000 người”.

Trong khi đó, ông Trần Văn Huynh - chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng VN cho biết: Đặc trưng của nhà thầu Trung Quốc là họ không thuê nhân công VN mà đem người sang, có thể bằng cả đường du lịch rồi ở lại.

(Theo Tuổi Trẻ - ngày 28/3/2009)

---------
Ngày 12.04.2009 Giờ 22:28

Công nhân Trung Quốc ở Lâm Đồng- Ít lao động địa phương

Theo ghi nhận của chúng tôi, số lao động trong khu mỏ đa phần là người Trung Quốc và một số ít công nhân Việt Nam quê ở Nghệ An và Thanh Hóa.

Công nhân Trung Quốc chủ yếu phụ trách việc “đào giếng” và xây trụ, công nhân Việt Nam đa phần làm phụ hồ và bưng bê cát vữa cho những công trình xây dựng. Anh Tiến, quê ở Nghệ An cho biết, lương mỗi ngày làm việc là 80.000 đồng/ngày, trừ tiền cơm mỗi ngày 25.000 đồng, anh Tiến chỉ nhận được 55.000 đồng/ngày. Nếu có tăng ca, công nhân Việt Nam sẽ nhận được thêm 40.000 đồng/ngày.

A Song, một quản lý người Trung Quốc cho biết thông qua một người Trung Quốc khác là A Lang đã phiên dịch cho chúng tôi, lương công nhân Trung Quốc vào khoảng 150.000 đồng/ngày. Tuy nhiên A Song lại từ chối câu hỏi của chúng tôi: “Vì sao không thuê người lao động Việt Nam với giá rẻ hơn?” A Lang đã ở Việt Nam gần 10 năm, từng là quản lý ở một công ty ở khu công nghiệp Sóng Thần, TP.HCM. Khi khu mỏ Tân Rai khởi công xây dựng, anh chuyển lên làm việc với mức lương 1.200 USD/tháng.

Ông Phan Tiến Lõng, người dân ở gần khu mỏ cũng thừa nhận, rất ít lao động địa phương được vào làm ở khu mỏ Tân Rai. “Họ chỉ nhận lao động ở những hộ đã nhận tiền đền bù và di dời khỏi khu mỏ. Trường hợp của con tôi thì không được”, ông Lõng chỉ người con gái của ông đã xin vào làm công nhân trong khu mỏ nhưng bị từ chối. Lao động địa phương được nhận vào làm việc, chủ yếu là phụ nữ, phụ trách việc bưng bê đất cát trong công trường.

Tổng số lượt xem trang