Thứ Ba, 14 tháng 4, 2009

NHÌN NHẬN VỀ VỤ OCI

HỘI ĐIỆN TỬ & CNTT TPHCM

(AEIT)

123 Trương Định, Q.3, TP. HCM

Website: http://www.aeit.com.vn

E-mail:aeit@ssp.com.vn

*********


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*********

TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 04 năm 2009

Thông cáo báo chí của Hội Điện tử và CNTT TP. HCM

Về vấn đề tranh chấp pháp lý giữa OCI và Sở TTTT TP. HCM

Vụ tranh chấp pháp lý giữa công ty cổ phần Internet Một kết nối (OCI) và Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM (Sở TTTT) gần đây đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trong giới công nghệ thông tin – viễn thông về vấn đề quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với hoạt động điện thoại Internet ở Việt Nam. Vì tính chất xây dựng trong cuộc tranh luận này Hội Điện tử & Công nghệ Thông tin TP. HCM xin cung cấp thêm cho độc giả/khán-thính giả thông tin nghiên cứu về quản lý nhà nước đối với hoạt động điện thoại Internet trên thế giới cùng với quan điểm của Hội về cuộc tranh chấp này.

Điện thoại Internet (VoIP) là hiện tượng tương đối mới trên thế giới. Theo định nghĩa của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) – điện thoại Internet (IP Telephony) là quá trình trao đổi thông tin chủ yếu dưới dạng tiếng nói (speech) thông qua giao thức Internet. Nói một cách đơn giản VoIP là quá trình chuyển tiếng nói của con người thành tín hiệu số, truyền dẫn tín hiệu đó qua môi trường Internet đến một địa điểm khác sau đó chuyển tín hiệu số trở lại thành âm thanh cho người nghe. Quá trình truyền dẫn tín hiệu qua lại giữa hai người sử dụng tạo nên một cuộc đàm thoại tương tự như một cuộc gọi trước đây được thực hiện giữa hai máy điện thoại truyền thống (plain old telephone set - POTS). Vì thông tin được truyền dẫn qua Internet nên yếu tố vị trí địa lý của hai bên đàm thoại càng ngày càng trở nên ít quan trọng hơn. Vì vậy VoIP giúp làm giảm chi phí đàm thoại quốc tế một cách đáng kể.

Nhờ có sự phát triển nhanh chóng của mạng Internet, sự phổ biến của máy tính cá nhân và gần đây là sự mở rộng ngày càng nhanh của băng thông Internet dịch vụ VoIP ngày càng phát triển. Theo thống kê của ITU, thời lượng đàm thoại trên toàn thế giới tăng từ 272 tỷ phút năm 2005 lên tới 313 tỷ phút năm 2006. Trong cùng thời gian đó thời lượng VoIP tăng từ 19.4% lên tới 24.2% và thời lượng điện thoại qua mạng PSTN giảm từ 80.6% xuống 75.8% tổng thời lượng đàm thoại toàn thế giới. Công nghệ VoIP cũng tiến bộ nhanh chóng, đặc biệt là thuật toán nén tín hiệu âm thanh dưới dạng số ngày càng tốt dẫn đến nhiều khi chất lượng đàm thoại qua VoIP tốt hơn chất lượng đàm thoại qua các mạng điện thoại truyền thống hoặc qua điện thoại di động. Các cuộc đàm thoại VoIP từ chỗ được thực hiện giữa hai máy tính cá nhân (pc-to-pc) trước đây dần dần được chuyển sang thực hiện giữa hai máy điện thoại (phone-to-phone). Theo dự báo của ITU số thuê bao VoIP trên thế giới (không tính đến loại hình pc-to-pc) sẽ tăng từ 47 triệu vào năm 2006 lên tới 250 triệu vào năm 2011.

Loại hình dịch vụ phone-to-phone hoặc pc-to-phone đang dần dần thay thế loại hình pc-to-pc vì sự tiện dụng của việc không cần dùng máy tính cá nhân. Công đoạn “phone-to-….” bao gồm việc một người sử dụng quay vào một số điện thoại nội hạt do nhà cung cấp dịch vụ duy trì (local access number) để truy nhập và sử dụng dịch vụ VoIP, thường được gọi là việc “khởi phát” cuộc gọi. Công đoạn “… -to-phone” bao gồm việc chuyển tiếp cuộc gọi từ môi trường Internet vào mạng điện thoại chuyển mạch công cộng (public switched telephone network - PSTN) ở các quốc gia, thường được gọi là việc “kết cuối” cuộc gọi.

Về vấn đề quản lý nhà nước bằng pháp luật mức độ quản lý đối với hoạt động dịch vụ VoIP khác nhau giữa các quốc gia. Dịch vụ VoIP được hoàn toàn tự do hóa ở 76 quốc gia bao gồm các quốc gia Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), hầu hết các nước Châu Âu (đi đầu là Pháp, Ireland, Anh, các nước Bắc Âu), Australia và đa số các quốc gia tiến bộ ở Châu Á như Nhật bản, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore. Dịch vụ điện thoại Internet (gồm cả phone-to-phone và kết cuối trực tiếp vào mạng PSTN) đòi hỏi giấy phép kinh doanh ở 26 quốc gia (gồm Ấn độ, Trung Quốc, Bangladesh), những giấy phép này không hạn chế chỉ cấp cho các doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng. Trên toàn thế giới có khoảng 23 quốc gia cấm việc kết cuối cuộc gọi từ Internet vào mạng PSTN và cung cấp dịch vụ phone-to-phone khởi phát từ trong lãnh thổ của quốc gia, dành riêng quyền thực hiện dịch vụ này cho doanh nghiệp độc quyền nhà nước (incumbent). Nhóm quốc gia hạn chế hoạt động VoIP như vậy gồm có đa số các nước Châu Phi trừ Mauritus (Nigeria, Nam Phi), các nước hồi giáo (Cô Oét, Qatar, Jordan, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), Việt Nam, Pakistan.

Vì việc kết cuối cuộc gọi đến nhóm các quốc gia có chính sách hạn chế sự phát triển của dịch vụ VoIP nêu trên được thực hiện qua doanh nghiệp độc quyền, giá cước để kết cuối cuộc gọi từ Internet vào mạng PSTN ở các nước này do các doanh nghiệp đó quyết định. Chính sách này nhằm mục đích bảo vệ thu nhập cho các doanh nghiệp đã đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông cho quốc gia (thường được gọi là nhà cung cấp dịch vụ có cơ sở hạ tầng – facility based operator – FBO). Ở Việt Nam hiện nay có bảy doanh nghiệp thuộc nhóm FBO.

Ngược lại, các quốc gia tự do hóa VoIP chia đều chi phí xây dựng và thu tiền của các nhà cung cấp dịch vụ không có cơ sở hạ tầng (service based operator – SBO) đóng góp vào ngân sách xây dựng hạ tầng. Ở các quốc gia này giá cước kết cuối cuộc gọi vào mạng PSTN tùy thuộc vào cơ chế thị trường.

Trường hợp giá cước kết cuối từ Internet vào mạng PSTN ở một quốc gia cao hơn đáng kể so với cước điện thoại nội hạt sẽ có một số người cài đặt hệ thống máy tính để lén lút kết cuối cuộc gọi từ Internet vào mạng PSTN ở quốc gia đó thông qua kết nối điện thoại di động hay cố định để thu lợi từ chênh lệch giá. Việc này ở Việt Nam được gọi là hoạt động “ăn trộm cước viễn thông” và vi phạm thường bị xử lý bằng chế tài hình sự.

Hiện tượng “ăn trộm cước viễn thông” này hoàn toàn trái ngược với việc chuyển tiếp cuộc gọi từ Internet vào mạng PSTN thông qua một trong các FBO, cụ thể qua bảng so sánh dưới đây:

“Ăn trộm cước viễn thông”

Chuyển cuộc gọi qua FBO

Chỉ trả tiền cuộc gọi nội hạt

Trả tiền theo cước chính thức của FBO

Không đóng góp xây dựng hạ tầng

Gián tiếp đóng góp cho ngân sách xây dựng hạ tầng thông qua cước trả cho các FBO

Lén lút

Giao dịch thường ngày và công khai trên thị trường viễn thông quốc tế

Vi phạm hình sự với hình phạt tù

Không cần phải xin phép, được các FBO hoan nghênh


Nguồn gốc của sự khác nhau giữa các cơ chế quản lý lỏng hay chặt đối với VoIP là ở phương thức huy động vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông ở mỗi quốc gia. Đó là chính sách của cơ quan quản lý nhà nước ở mỗi quốc gia khi phải đối mặt với nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông vốn dĩ rất tốn kém.

Bài viết này không muốn lạm bàn về vấn đề chính sách quản lý với các hoạt động VoIP. Vấn đề cần bàn ở đây là sự khác biệt một trời một vực giữa ăn trộm cước viễn thông và giao dịch hợp pháp chuyển cuộc gọi từ Internet qua kênh chính thức là các FBO của Việt Nam. Các cuộc gọi phone-to-phone chiều từ Mỹ, Canada và Australia gọi về Việt Nam mà OCI cung cấp cho khách hàng đi du lịch, công tác ở các nước này được chuyển qua mạng Internet về tới Singapore, từ đó các cuộc gọi được chuyển qua thị trường viễn thông chính thức ở Singapore về Việt Nam thông qua các nhà cung cấp dịch vụ FBO hợp pháp của Việt Nam, cũng giống như hàng triệu cuộc gọi khác từ khắp nơi trên thế giới đổ về Việt Nam hàng ngày. Trong số hàng ngàn nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên thế giới cung cấp dịch vụ cho người dùng gọi về Việt Nam chỉ có một OCI là công ty của Việt Nam. Tất cả các nhà cung cấp dịch vụ này đều không cần phải xin phép bất cứ cơ quan quản lý nào ở Việt Nam để thực hiện giao dịch này, họ được hoan nghênh vì đang gián tiếp đóng góp một phần cho chi phí xây dựng hạ tầng viễn thông Việt Nam. Lý do hiển nhiên là dịch vụ của họ được thực hiện và hoàn tất ở nước ngoài, không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.

Nếu đứng trên quan điểm của một cơ quan quản lý nhà nước phải thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là trong việc hội nhập quốc tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước thì sẽ không thể nào hiểu nổi tại sao Sở TTTT vẫn cứ khăng khăng là OCI đã kinh doanh “không được phép” tại Việt Nam, áp dụng hình phạt hành chính nặng nhất bao gồm phạt tiền và tịch thu thiết bị trị giá hàng trăm ngàn đô-la. Thế mới biết cạnh tranh trên thị trường quốc tế đã khó, những doanh nghiệp như OCI hoàn toàn bất ngờ và dễ dàng rơi vào cảnh khốn đốn ngay trên sân nhà, khi gặp phải “trọng tài” nhắm mắt thổi còi, không cần biết đến luật pháp và lẽ phải. Các chuyên gia luật pháp và công nghệ viễn thông đều lắc đầu không thể nào hiểu nổi. Tại sao Sở TTTT phải dùng đến chừng ấy quyền lực hành chính để trù dập một doanh nghiệp Việt Nam triển khai kinh doanh ở nước ngoài trong khi vẫn quay về đóng góp xây dựng quê hương.

Nghiên cứu kỹ các Kết luận và Quyết định xử phạt hành chính của Sở TTTT đối với OCI thì Hội Điện tử & CNTT TpHCM không tìm thấy những căn cứ pháp luật xác đáng và thuyết phục. Các điểm này có thể kể ra như sau:

- Sở TTTT căn cứ vào thông tư số 05/2008/TT-BTTTT để qui kết rằng OCI cung cấp dịch vụ phone-to-phone chiều về Việt Nam khi chưa được phép của Bộ TTTT: nếu OCI cung cấp dịch vụ phone-to-phone được khởi phát từ trong nước, tức là cung cấp những số điện thoại nội hạt để người dùng truy cập vào sử dụng dịch vụ thì việc qui kết này là đúng; nhưng rõ ràng rằng dịch vụ phone-to-phone của OCI chỉ có thể gọi được từ Mỹ, Canada và Australia thì thông tư nói trên không thể chi phối. Trong Kết luận của Sở TTTT cũng ghi rõ dịch vụ phone-to-phone của OCI chỉ gọi được từ nước ngoài, không thể gọi được từ Việt Nam.

- Sở TTTT cho rằng OCI thiết lập hệ thống tính cước tại Việt Nam; in ấn, quảng cáo hướng dẫn sử dụng trên các thẻ trả trước của OCI về tính năng phone-to-phone là những căn cứ vi phạm nhưng không dẫn ra được bất kỳ văn bản pháp qui nào nói rằng những việc làm như trên là sở cứ để xác định một công ty cung cấp dịch vụ phone-to-phone.

Trong thời đại Internet, để cung cấp dịch vụ phone-to-phone từ nước ngoài về Việt Nam thì OCI hoàn toàn có thể thiết lập hệ thống tính cước nằm ngoài Việt Nam, việc OCI đặt nó trong nước sẽ tăng thêm nguồn thu trong nước thay vì phải trả tiền ra ngoài. Trên thực tế hiện nay có một số doanh nghiệp CNTT của Việt Nam làm dịch vụ outsource cho các công ty viễn thông nước ngoài để quản lý những hệ thống tính cước cho các công ty này nhưng đặt tại Việt Nam. Với lập luận của Sở TTTT thì các doanh nghiệp làm outsoucre này đều vi phạm, trong khi đó loại hình này đang được khuyến khích bởi Chính phủ để phát triển ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam.

Cũng không có bất cứ qui định nào cấm các công ty của Việt Nam quảng cáo ở trong nước về tính năng nổi trội của các sản phẩm/dịch vụ của mình phát hành ở nước ngoài. Chúng ta vẫn thấy các công ty nước ngoài quảng cáo ở Việt Nam về những sản phẩm của họ ở nước ngoài và không bị bất kỳ chế tài nào của pháp luật Việt Nam. Do vậy việc OCI quảng cáo tính năng phone-to-phone gọi từ Mỹ, Canada, Australia trên các thẻ trả trước mà họ phát hành trong nước cho khách hàng sử dụng dịch vụ pc-to-phone là chẳng có gì sai trái.

Trong những phát biểu trên báo chí, Sở TTTT còn đặt nghi vấn rằng OCI chuyển lưu lượng trái phép về Việt Nam và có thể bị xử lý hình sự hoặc “công an sẽ vào cuộc”. Hội Điện tử & CNTT TpHCM cho rằng đây là một cách thông tin lập lờ và thiếu trách nhiệm, gây hiểu lầm rằng OCI “ăn trộm cước viễn thông”. Muốn chứng minh được ai trộm cước viễn thông thì phải chỉ ra được người đó có kết nối trực tiếp vào mạng điện thoại chuyển mạch công cộng (PSTN). Các tài liệu về việc thanh tra OCI được công bố khẳng định không có những kết nối như vậy. Thiết nghĩ, một cơ quan quản lý nhà nước nắm trong tay quyền hạn và các công cụ hành chính của Nhà nước giao, sau khi đã tiến hành thanh tra một doanh nghiệp thì phải khẳng định được một cách rõ ràng và có bằng chứng thuyết phục là doanh nghiệp đó có phạm tội hay không; chứ không phải là những kết luận mang tính nghi ngờ rồi công bố cho báo chí. Thanh tra là một công việc làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp, một khi đã phải thực hiện vì trách nhiệm quản lý nhà nước thì đơn vị thanh tra phải qua đó làm sáng tỏ vấn đề trên cơ sở của luật pháp. Việc tiêu tốn thời gian của Nhà nước và của doanh nghiệp nhưng vẫn không đưa ra được sự khẳng định chắc chắn và rõ ràng là việc làm gây ra những hậu quả xấu cho nền kinh tế và những bức xúc trong xã hội.

Chúng tôi rất lấy làm tiếc rằng: vụ OCI hiện nay đã vượt quá xa với bản chất vốn có của nó. Chúng tôi cũng hoàn toàn có thể tiên lượng được những hậu quả xấu đã và sẽ xảy ra mà mức độ ảnh hưởng của nó đang hoàn thuộc vào những cơ quan và cá nhân có trách nhiệm. Dẫu biết rằng “tồn tại xã hội luôn kiềm hãm những nhân tố mới thúc đẩy sự phát triển của xã hội”; nhưng vẫn muốn kêu gọi những lương tâm lạc loài còn ngự trị trong tồn tại của xã hội hãy thức tỉnh và nhường chỗ cho nhân tố mới xuất hiện thúc đẩy phát triển xã hội Việt Nam chúng ta tiến lên sánh vai cùng bè bạn khắp Năm châu – Bốn biển.

Cần trao đổi chi tiết, liên hệ: 0903802379 hoặc E-mail:hhien@ssp.com.vn

Nơi nhận:

- Các cơ quan truyền thông đại chúng

- Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền Thông

- Ủy ban Nhân dân Tp HCM

- Vụ Viễn thông Bộ Thông tin & Truyền Thông

- Sở Thông tin & Truyền Thông Tp. HCM

- Thanh tra Tp HCM

- Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

- Phòng pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Tp HCM

- Phòng An ninh Kinh tế CATPHCM

- Công ty OCI

- Công bố website Hội: www.aeit.com.vn

Tổng số lượt xem trang