1. Tại sao người dân các tổ 48, 49, 50, 51, 52, 53, 57, 58, 61, 62 Thụy Khuê không thừa nhận dự án đường Văn Cao – Hồ Tây? (tính pháp lý của dự án)
Người dân không thừa nhận tính hợp pháp của dự án đường Văn Cao – Hồ Tây vì các lý do cơ bản:
(1) UBND TP. Hà Nội đã vi phạm trình tự ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khi hướng dẫn một điều không có trong Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg (ngày 20/06/1998) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Trong Quyết định 108/1998/QĐ-TTg chỉ có quy hoạch giao thông đường bộ đoạn “đường Láng Trung – đường Nguyễn Chí Thanh – Liễu Giai – Hoàng Hoa Thám”. Sau đó, UBND TP. Hà Nội tự ý bổ sung quy hoạch đường đoạn Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê (Quyết định số 47/2001/QĐ-UB ngày 29/06/2001). Sau đó, lại tiếp tục cố ý bổ sung đoạn Thụy Khuê – Hồ Tây tại Quyết định số 70/2006/QĐ-UB ngày 16/05/2006. Điều này thể hiện rằng người ban hành văn bản là UBND TP. Hà Nội đã vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ mà không cần phải xin phép – đây là hành vi vi phạm pháp luật.
(2) Theo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định quyền và nghĩa vụ của công dân, theo quy định về quy chế dân chủ cơ sở, theo quy định về trình tự lập và thẩm định dự án, đều có 1 nội dung không thể thiếu là “phải lấy ý kiến” từ nhân dân. Nhưng người dân tại đây không biết gì về việc lập quy hoạch dự án Văn Cao – Hồ Tây. Toàn thể dân cư không được lấy ý kiến về một dự án sẽ nằm trên mảnh đất họ đang sinh sống. Như vậy, nếu dự án này được thông qua, chắc chắn các căn cứ trình phê duyệt có sự “khuất tất” hoặc “làm giả hồ sơ”. Do việc vi phạm trình tự lập dự án nên về cơ bản Dự án này là vi phạm hiến pháp và pháp luật và do đó không được nhân dân thừa nhận.
2. Tại sao việc xây dựng một dự án có ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân mà trong quá trình quy hoạch người dân trên địa phương đó lại không được biết ?
Sau khi có kiến nghị từ phía nhân dân Thụy Khuê, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội có ra văn bản số 1503/QHKT-HTKT ngày 26/09/2007 về việc thông tin quy hoạch liên quan đến dự án Văn Cao – Hồ Tây có viết về việc “đã tổ chức báo cáo xin ý kiến địa phương” LÀ BỊA ĐẶT, “bàn giao cho các Quận Tổ chức công bố công khai”, vậy mà tại sao không có bất kỳ người dân nào biết được việc này. Do đó, nhân dân cần giải đáp mấy vấn đề sau:
Ai ? Tổ chức nào ? Đã có bao nhiêu lần tiếp xúc với nhân dân ? Hình thức công khai như thế nào ? Thời điểm nào công bố ? Nội dung công khai có đầy đủ hay không ? Đại diện của nhân dân là ai tham gia ? Ý kiến người tham gia là ủng hộ hay phản đối ? Văn bản tổng hợp ý kiến này như thế nào? Đề nghị cung cấp cho nhân dân bản sao ?
Nói như Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện (Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) “công tác quy hoạch của mình là gì cũng u u minh minh. Nếu có quy hoạch, sao không công khai ra, lấy ý kiến nhân dân xem sao, trưng biển lên, tổ chức hội thảo để mọi người biết?”, “đất đai là tài sản chung của nhân dân, chính quyền đại diện làm gì trên mảnh đất ấy phải được nhân dân đồng ý”. Lời xưa còn vọng mãi “DÂN LÀ GỐC NƯỚC”, vậy mà hình như người ta làm mọi việc đều quên đi người dân, quên đi lời răn dạy của tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
3. Dự án Văn Cao – Hồ Tây này có ảnh hưởng thế nào đến “di sản” thành cổ Thăng Long ?
Theo ý kiến của một trong các chuyên gia di sản (ông Hà Đình Đức – Hội Di sản Văn hóa Việt Nam), thì việc thực hiện dự án Văn Cao – Hồ Tấy sẽ “khai tử” đoạn thành cổ Đại La (đường Hoàng Hoa Thám).
Năm 1010, khi Lý Công Uẩn đến định đô ở Đại La và đặt tên là Thăng Long các vua Lý đã chú ý đến công việc củng cố thành quách trên cơ sở thành cũ Đại La để bảo vệ kinh đô mới của quốc gia Đại Việt. Thành không chỉ bảo vệ kinh đô chống lại giặc giã ngoại xâm mà còn là con đê ngăn lũ sông Cái và sông Tô.
Con sông Tô (Tô Lịch) ngày xưa bắt nguồn từ sông Cái (khoảng phố Chợ Gạo ngày nay) chảy dọc theo phố Hàng Buồm qua cống Hàng Lược hướng lên đường Phan Đình Phùng, men Hồ Tây dọc phố Thụy Khuê rồi uốn cong theo đường Bưởi. Ngày nay, đoạn sông Tô từ nơi bắt nguồn bên dòng sông Cái đến hồ Tây nay không còn nữa. Đoạn sông Tô dọc theo phố Thụy Khuê chỉ còn là con mương nhỏ. Nhưng căn cứ vào bản đồ Hồng Đức 1490 thì đoạn thành cổ hầu như vẫn giữ nguyên – đó chính là đường Hoàng Hoa Thám ngày nay.
Nét uốn như cánh chim trên bản đồ Hà Nội ngày nay vẫn mang bóng dáng nét vẽ từ thời Hồng Đức. Nhân dân Ngọc Hà, Đại Yên vẫn gọi đường Hoàng Hoa Thám là đường thành, dân Bưởi thì gọi là đường thành nhà Lý (Nguyễn Khắc Đạm: Thành lũy phố phường và Con người Hà Nội). Chính độ cao của đường Hoàng Hoa Thám so với chiều dọc hai bên đường cũng đã nói lên điều đó.
Báo Nhân dân cuối tuần số 11 (633) ngày 18/3/2001 cũng đã có bài “Giữ gìn thành cổ Thăng Long” và kết luận: “Phát triển đô thị, chúng ta cần thận trọng trong công tác nghiên cứu bảo tồn các di sản của ông cha”.
4. Vấn đề “tâm linh” của con đường Văn Cao – Hồ Tây ?
Một thể chế xã hội tồn tại trên sự thừa nhận chủ nghĩa duy vật biện chứng lịch sử mà ông Tô Anh Tuấn – Giám đốc sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội cũng đưa ra lập luận về dự án này là sự “thắt chặt tâm linh trong quy hoạch”. Ban Tuyên giáo Trung ương đã ra văn bản ghi rõ: đối với vấn đề “tâm linh” do khoa học chưa chứng minh được nên không được phép thông tin và đưa ra trong các văn bản quy phạm pháp luật, vì như thế sẽ khuyến khích mê tín dị đoan phát triển.
Còn đối với người dân, nếu coi vấn đề tâm linh là một thực thể vật chất tồn tại (trong vốn văn hóa lẫn trong xã hội) thì:
(1) Con đường Cổ Loa – Hồ Tây là con đường chết về “tâm linh”. Theo truyện, An Dương Vương đã phải chém Mị Châu khi thấy con gái bắt lông vũ thả dấu cho giặc tìm theo, đi kịch con đường, nhảy xuống sông trẫm mình tự vẫn để đất nước rơi vào tay Triệu Đà. Nếu con đường Văn Cao – Hồ Tây muốn diễn lại lịch sử “tâm linh” kịch đường rơi xuống hồ, “mất nước”, thì đó là một điều phi tâm linh nhất tồn tại;
(2) Tâm linh là ở lòng người, vậy mà lòng người không thuận, dân không thuận, người ta không thực hiện dân vận mà lợi dụng các công cụ của chính sách để tạo ra các sản phẩm (là các dự án) có hại đến người dân thì văn hóa tâm linh của người Việt (tôn thờ và thờ tổ tiên, thờ cúng những người có công với dân tộc, vì sự phát triển của con người) có còn hay không ?.
5. Việc phê duyệt quy hoạch mới của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở thừa nhận một dự án vi phạm pháp luật đã được thực hiện theo đúng trình tự hay không ?
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 09 tháng 07 năm 2008 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2020 theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (tờ trình số 6938/TTr-BGTVT ngày 30 ngày 10 năm 2007, tờ trình số 2130/TTr-BGTVT ngày 03 tháng 4 năm 2008 và tờ trình số 4332/TTr-BGTVT ngày 05 tháng 6 năm 2008) và báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng (tờ trình số 341/BXD-KTQH ngày 04 tháng 3 năm 2008), có tham vấn ý kiến của UBND TP. Hà Nội. Tại Phụ lục, có đoạn Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh – Liễu Giai – Hồ Tây ghi là “đang triển khai, chiều dài 5km”.
Vấn đề đặt ra là:
Trong khi dự án này vốn dĩ không tồn tại (vì người dân không thừa nhận do thiếu căn cứ pháp lý và nó vi hiến) thì tại sao nó lại được đưa vào quy hoạch phê duyệt mới của Thủ tướng với từ “đang triển khai”. Điều này có nghĩa là UBND TP Hà Nội lập dự án làm đoạn đường này, rồi thấy không đúng thẩm quyền của mình nên tìm cách đưa vào phê duyệt mới của Thủ tướng cho đúng thẩm quyền và núp dưới câu chữ là “chỉnh chang tuyến phố” nhưng thực chất là không tồn tại đoạn đường này. Như vậy, đây là “sự lừa dối” Thủ tướng để ban hành 1 văn bản mới nhằm hợp lý hóa cái sai.
Các vấn đề khác của nhân dân có mảnh đất cha ông gắn với dự án mà họ đang “kiến nghị” hoặc “kiện tụng” có được trình lên Thủ tướng hay không ? Những bất hợp lý của dự án này có được nêu lên hay không ? Ai là cơ quan thẩm tra giám sát văn bản này khi đệ trình? Nó đã đầy đủ luận cứ và các tham vấn chính xác đúng quy trình chưa ?
6. Dự án đường Văn Cao – Hồ Tây là loại A hay loại B ?
Tại cuộc họp ngày 28/2/2009 do UBND phường Thụy Khuê triệu tập, sau khi có chất vấn về việc nhân dân không thừa nhận dự án này do tính vi hiến và vi phạm pháp luật của nó, Ban quản lý dự án đường Văn Cao – Hồ Tây và Chủ tịch phường Thụy Khuê Ông Nguyễn Văn Vinh có giải thích việc triển khai dự án này là dự án Loại B thuộc thẩm quyền của UBND TP. Hà Nội phê duyệt nên không cần phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Ở đây có một số vấn đề:
Thứ nhất, UBND TP. Hà Nội (các đơn vị được giao thực hiện) đã vi phạm trình tự lập dự án, chưa lấy ý kiến người dân đã trình để ban hành quy hoạch.
Thứ hai, nếu đây là dự án Loại B thì tại sao lại bắt Thủ tướng phải phê duyệt trong quy hoạch mới tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 09 tháng 07 năm 2008. Còn nếu là thuộc quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt thì nó phải là loại A chứ? Nếu vậy, Hà Nội tự phê duyệt dự án này có đúng thẩm quyền hay không ?
Thứ ba, việc dự án loại A hay B nó chỉ liên quan đến giá trị dự án. Còn ở đây là phải xét việc này thuộc thẩm quyền của ai? UBND Hà Nội có đủ thẩm quyền để “đè” lên quy hoạch của Thủ tướng để thực hiện mở rộng quy hoạch hay không? Vì nếu việc này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì dù là giá trị dự án thấp vẫn phải do Thủ tướng phê duyệt ?
Thứ tư, trong khi dự án này vốn dĩ không tồn tại thì tại sao nó lại được đưa vào quy hoạch phê duyệt mới của Thủ tướng với từ “đang triển khai, chiều dài 5km” với “6 làn đường”. Điều này có nghĩa là UBND TP Hà Nội lập dự án làm đoạn đường này, rồi thấy không đúng thẩm quyền của mình nên tìm cách đưa vào phê duyệt mới của Thủ tướng cho đúng thẩm quyền và núp dưới câu chữ là “chỉnh chang tuyến phố” nhưng thực chất là không tồn tại đoạn đường này. Như vậy, đây là “sự lừa dối” Thủ tướng để ban hành 1 văn bản mới nhằm hợp lý hóa một việc sai trái.
7. Việc lợi dụng ngôn ngữ và cách hành văn để che dấu cái sai trái tại văn bản số 1503/QHKT-HTKT ngày 26 tháng 9 năm 2007 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội do ông Tô Anh Tuấn (Giám đốc Sở) ký:
Phần 1
Tại Điểm 1 “các yếu tố quy hoạch và cơ sở xác định chỉ giới đường đỏ tuyến đường Văn Cao – Hồ Tây”, cách hành văn khiến người ta hiểu nhầm rằng đã có sự phê duyệt đối với Đoạn Văn Cao – Hồ Tây nhưng thực tế là chưa có phê duyệt này. Nguyên văn: “Đoạn Văn Cao – Hồ Tây dài khoảng 280m là đoạn cuối cùng kết nối trục giao thông và cảnh quan quan trọng này của thủ đô Hà Nội với Hồ Tây, chưa được xây dựng”. Vậy xin hỏi một số ý sau:
* “chưa được xây dựng” có phải có nghĩa là “đã được phê duyệt” hay không ? nếu căn cứ vào 1 văn bản mập mờ thế này để phê duyệt dự án là không hợp pháp.
* “cảnh quan quan trọng” là do ai xác định, bằng tiêu thức nào, hồ sơ đâu ?
Đoạn sau, văn bản chỉ liệt kê các văn bản làm căn cứ nhưng nội dung văn bản có phải căn cứ hay không thì không chỉ rõ. Vì bản chất là các văn bản này mâu thuẫn với nhau, UBND TP. Hà Nội đã lạm quyền để làm những điều mà Thủ tướng chưa cho phép.
Phần 2
Việc giải trình các kiến nghị của Hộ dân
Về nội dung lấy ý kiến của nhân dân trước khi phê duyệt Dự án: Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đã “đá quả bóng giải trình” sang cho Sở Giao thông công chính: “Việc lấy ý kiến trước khi phê duyệt dự án và công khai dự án sau khi phê duyệt đề nghị Chủ đầu tư dự án là Sở Giao thông công chính có ý kiến trả lời bổ sung về giai đoạn này”. Vậy mà đến tận năm 2009 vẫn không có bất kỳ thông tin “lấy ý kiến” hay “giải trình” đối với vấn đề này từ Sở Giao thông công chính với nhân dân phường Thụy Khuê.
8. Danh mục các văn bản được sao gửi công khai cho nhân dân lần đầu tiên vào cuộc họp ngày 28/2/2009:
1. Quyết định số 70/2006/QĐ-UB ngày 16/5/2006 về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường Đội Cấn – Hồ Tây đoạn Hoàng Hoa Thám – Hồ Tây, tỉ lệ 1/500
2. Quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư Xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây số 417/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội ngày 29/01/2007
3. Thông báo số 89/TB-UBND về việc thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng đường Văn Cao – Hồ tây của UBND quận Tây Hồ ngày 14/2/2007
4. Quyết định số 1329/QĐ-UBND ngày 10/4/2007 của UBND TP. Hà Nội về việc thu hồi 47.278m2 đất tại phường Thụy Khuê … để xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây
5. Quyết định số 1868/QĐ-UBND ngày 11/5/2007 về việc điều chỉnh nội dung trích yếu và Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 1329/QĐ-UBND ngày 10/4/2007
6. Công văn số 1503/QHKT-HTKT ngày 26/9/2007 về việc thông tin quy hoạch liên quan đến dự án đường Văn Cao – Hồ Tây
7. Công văn số 2393/BTL-HC ngày 10/10/2007 của Bộ Tư Lệnh công binh cho ý kiến về giải phóng mặt bằng ngõ 260, 262 Thụy Khuê
8. Công văn số 4667/TNMT&NĐ-KH của Sở Tài nguyên – Môi trường và Nhà đất Hà Nội ngày 1/10/2007 về việc bố trí 200 căn hộ tại nhà N03, khu tái định cứ 5,3ha phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy phục vụ công tác di dân giải phóng mặt bằng đường Đội Cấn – Hồ Tây thuộc địa bàn quận Ba Đình và quận Tây Hồ
9. Công văn số 1384/QHKT-HTKT ngày 14/7/2008 báo cáo về quy hoạch liên quan đến Dự án đường Văn Cao – Hồ Tây
10. Công văn số 500/UBND-XDĐT của Ủy ban ND TP. Hà Nội ngày 21/8/2008 về việc chỉ giới đường đỏ Dự án đường Văn Cao – Hồ Tây
11. Quyết định số 1632/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội ngày 7/5/2008 về việc điều chỉnh giá đất làm cơ sở tính bồi thường, hỗ trợ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây, quận Tây Hồ
12. Quyết định số 2169/QĐ-STC-QLCS của Sở Tài chính Hà Nội ngày 9/7/2008 về việc phê duyệt giá bán nhà tái định cư khu nhà N03 khu di dân tại Dịch Vọng – Cầu Giấy phục vụ GPMB đường Đội Cấn – Hồ Tây
13. Quyết định số 40/2008/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội ngày 22/10/2008 về việc ban hành giá xây mới nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thứ nhất, đến tận thời điểm cần giải phóng mặt bằng người ta mới lấy ý kiến dân còn các công việc từ trước hoàn toàn không có tham vấn ý kiến người dân. Vậy mà người ta ngang nhiên muốn lấy mảnh đất dân đang sống trong khi trước đó chưa thèm hỏi ý kiến của họ.
Thứ hai, trong các văn bản trên thiếu các văn bản mà đúng ra nếu cung cấp người ta sẽ thấy tính phi pháp của dự án này ngay kể từ quyết định đầu tiên của Hà Nội khi phê duyệt nó.
Thứ ba, mặc dù có một số văn bản mà họ cho rằng cần thiết và hợp lý cho họ thì họ công bố (còn văn bản khác thì không) nhưng các văn bản này đều là vô nghĩa do nó đã sai phạm từ văn bản gốc.
9. Tại sao người ta lại công bố thiếu 2 văn bản quan trọng đến bà con tại phường Thụy Khuê là Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg (ngày 20/06/1998) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và Quyết định số 47/2001/QĐ-UB ngày 29/06/2001 về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ 1/2000 ?
Lý do là, dự án đường Văn Cao – Hồ Tây được xây dựng dựa trên 2 căn cứ này (có dẫn chiếu trong quyết định) nhưng nội dung các quyết định này đá nhau. Lấy cái này làm căn cứ nhưng cái sau lại được cố ý bổ sung thêm 1 đoạn đường là trái pháp luật.
Thứ hai là căn cứ vào Quyết định 47/2001/QĐ-UB để ban hành Quyết định 70/2006/QĐ-UB nhưng Quyết định 70 đã hướng dẫn sai Quyết định 47.
Thứ ba là về mặt quy hoạch và chỉ giới đường đỏ 1/500 chỉ có thể ký ban hành khi đã đo đạc được các hộ dân. Vậy mà người ta ban hành quyết định rồi mấy năm sau mới tiến hành đo đạc. Điều này là vi phạm pháp luật/.
10. Có dấu hiệu sai trái và biểu hiện tiêu cực trong việc phê duyệt dự án đường Văn Cao – Hồ Tây:
Việc mở đường không có trong quy hoạch do ông Đỗ Hoàng Ân chỉ đạo không phải chỉ có dự án này, trước đây, đoạn đường Đống Đa – Láng Hạ cũng được ông chỉ đạo mở đường ra trước nhà ông đã được báo chí vào cuộc điều tra và đưa tin. Do đó, Xét thời điểm ban hành Quyết định số 70/2006/QĐ-UB ngày 16/05/2006 về phê duyệt chỉ giới đường đỏ đoạn Thụy Khuê – Hồ Tây và Quyết định số 417/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư Xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây của UBND TP. Hà Nội ngày 29/01/2007 do ông Đỗ Hoàng Ân – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký trước khi về hưu.
Do văn bản này được ban hành thiếu các căn cứ và hồ sơ theo quy định trình tự của Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Vì vậy, nhân dân khiếu nại xem xét liệu có khuất tất, giả mạo hồ sơ, cố tình làm trái để ban hành văn bản hay không?.
11. Tại sao việc công bố chỉ giới đường đỏ lại được thực hiện trước ngày ký ban hành quyết định ?
Ngày 10/5/2006 UBND phường Thụy Khuê đã họp công bố chỉ giới đường đỏ quy hoạch tuyến đường Đội Cấn – Hồ Tây (đoạn Hoàng Hoa Thám – Hồ Tây) đến các Bí thư Chi bộ và Tổ trưởng Tổ dân phố. Tuy nhiên, ngày 16/5/2006 UBND Thành phố Hà Nội có quyết định số 70/QĐ-UB về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ đường Đội Cấn – Hồ Tây. Vậy thì UBND phường lấy đâu ra Quyết định để công bố vào ngày 10/5/2006 – trước ngày phê duyệt 6 ngày ? Và liệu chỉ giới được công bố trước đó có giống chỉ giới đã được phê duyệt hay không ? Hay đây là hai chỉ giới khác nhau ? Và Liệu có hay không có “bàn tay” chỉ đạo thực hiện việc làm trái pháp luật này ?
12. Tại sao Thông báo thu hồi đất của UBND Quận Tây Hồ lại có trước Quyết định thu hồi đất của UBND TP. Hà Nội ?
Ngày 10/4/2007, Ông Lê Quý Đôn ký Quyết định số 1329/QĐ-UBND về việc thu hồi 47.278m2 đất tại phường Thụy Khuê … để xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây. Không hiểu UBND Quận Tây Hồ lấy đâu ra căn cứ mà trước đó gần 2 tháng ra thông báo thu hồi đất. Ngày 14/2/2007, Ông Thái Văn Hạ - Phó Chủ tịch UBND Quận Tây Hồ đã ra Thông báo số 89/TB-UBND về việc thu hồi 37.326,63m2 đất để thực hiện dự án xây dựng đường Văn Cao – Hồ tây. Việc UBND Quận Tây Hồ làm việc và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thiếu căn cứ, sai trái, vượt thẩm quyền là rất tùy tiện và vô trách nhiệm. Liệu căn cứ ban hành của ông Thái Văn Hạ có phải có “bàn tay” thao túng chỉ đạo việc thực hiện sai quy định này hay không ?
13. Tại sao diện tích đất thu hồi khác nhau rất xa giữa các quyết định của các cơ quan Hà Nội ?
- Thông báo số 89/TB-UBND về việc thu hồi 37.326,63m2 của UBND Quận Tây Hồ ngày 14/2/2007
- Quyết định số 1329/QĐ-UBND về việc thu hồi 47.278m2 đất tại phường Thụy Khuê … để xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây ngày 10/4/2007
- Quyết định số 417/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư Xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây ngày 29/1/2007. Diện tích sử dụng đất 48.982m2
14. Chung cư, biệt thự chờ con đường hay con đường phục vụ chung cư – biệt thự ?
Chung cư cao cấp 249A Thụy Khuê và khoảng 20 biệt thự được cấp phép xây dựng và xa xa người ta có thể đoán rằng trong tương lai sẽ có một con đường đi qua Chung cư cao tầng và khu biêt thự này. Đồng thời theo thông tin do Chủ tịch Quận Tây Hồ phát biểu, sẽ có một số dự án chung cư sẽ được xây dựng sau khi con đường này hoàn thành (có thông tin cho rằng một số dự án đã được phê duyệt mà dân chưa biết). Ở đây có hai nghi vấn, liệu các chung cư có trước hay phê duyệt con đường có trước. Liệu việc làm đường có phải để phục vụ chung cư tư nhân này hay không ?
15. Đường Hoàng Hoa Thám chưa có kế hoạch và quyết định mở rộng, nay lại cứ tập trung giải tỏa trên một đoạn dài 0,5km để làm gì ?
Tại sao không cung cấp thông tin đầy đủ về dự án đúng theo quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng một cách công khai minh bạch, rõ ràng để dân biết, dân bàn và kiểm tra. Các lý giải rằng lấy đất để làm cầu là không hợp lý vì nhân dân chưa biết “hình dáng” và thiết kế chiếc cầu như thế nào ? Đồng thời, chỉ khi dự án đúng pháp luật và hợp lý thì nhân dân mới thừa nhận.
16. Tại sao dự án đường Văn Cao – Hồ Tây phải đưa vào các công trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội ?
Do tính chất vi phạm pháp luật của dự án, để đẩy nhanh tiến độ, Chủ đầu tư đã đưa Dự án vào danh mục các dự án kỷ niệm 1000 năm. Những tồn tại và khúc mắc mà người dân khiếu nại chưa được trả lời thỏa đáng. Trong khi đó Sở giao thông vận tải Hà Nội đã cố ý và có biểu hiện “lừa dối” Ban Chỉ đạo Đại lễ 1000 năm cũng như UBND TP. Hà Nội trong việc đưa dự án này vào các công trình kỷ niệm 1000 năm. Nếu một điều sai trái, vi phạm pháp luật mà lại được coi như là 1 sản phẩm cho kỷ niệm 1000 năm thì không còn gì đau đớn hơn cho nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước.
mạng Ý Kiến: xem thêm:
* Đường Văn Cao - Hồ Tây: Người dân kiến nghị những bất hợp lý của dự án
* Dự án đường Văn Cao - Hồ Tây: Vì sao lòng dân chưa thuận ?
* Bí mật với dân đến phút cuối ?